Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 51

Tổng truy cập: 1356994

NIỀM TIN

NIỀM TIN

 

Kết quả một cuộc điều tra mới đây tại Pháp cho thấy 84% người Pháp cho mình là người công giáo, nghĩa là có lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Nhưng chỉ có 32% là còn tin vào sự sống lại. Và người ta phỏng đoán đến năm 2020 thì con số những người tin vào sự sống lại sẽ giảm xuống, chỉ còn độ 10%. Nếu số liệu trên là sát với thực tế và điều phỏng đoán trên là đáng tin cậy, thì tình trạng niềm tin hôm nay quả là bi đát. Tại sao lại có hiện tượng ấy?

Phải chăng con người ngày nay quá quen với những kỹ thuật khoa học có thể kiểm chứng, để không còn nhạy cảm đủ với niềm tin, vốn khởi đi từ những cảm nghiệm. Hay nói theo kiểu thánh Phaolô: Vì quá mải mê những sự dưới đất đến nỗi không còn tha thiết với những sự trên trời. Chính vì thế, chúng ta cần phải khám phá lại niềm tin vào Đức Kitô phục sinh, là nền tảng cho cuộc sống của người tín hữu hôm nay.

Như chúng ta đã biết Phục Sinh là một biến cố quan trọng bởi vì không có nó thì niềm tin sẽ trở thành một việc luống công vô ích, thế mà biến cố quan trọng ấy chỉ được ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: Ngôi mộ trống rỗng. Thế nhưng điều đơn giản ấy nếu không là dấu chứng lịch sử để mà biện bạch thì lại là dấu chỉ mở về một thực tại khác. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá.

Thực vậy, từ khám phá đầu tiên về cửa mồ mở toang, khiến Mađalena phải hốt hoảng, tới khám phá tiếp theo về dây băng còn nguyên và khăn liệm được cuộn lại, khiến Phêrô phải kinh ngạc không nói nên lời, để rồi kết thúc bằng khám phá bất ngờ của Gioan khi ông nối kết những dấu chỉ kia với lời Kinh Thánh để làm bừng lên một cảm nghiệm mới và hết sức lạ lùng: ông đã tin.

Mồ rỗng và khăn liệm còn đó là gì nếu không phải là một dấu chỉ cho sự phục sinh theo Kinh Thánh. Thực vậy, Đức Kitô là Thiên Chúa hằng sống, nên Ngài không thể bị chôn vùi trong cõi chết. Là Đấng quyền năng, nên Ngài không thể bị giam hãm trong ngục thất của tử thần. Là Đấng của vĩnh cửu, nên Ngài không thể bị giới hạn trong thời gian. Là ánh sáng, lẽ nào Ngài lại bị bao vây bởi bóng tối. Là Đấng tạo dựng, lẽ nào Ngài lại bị thân phận con người cầm chân. Bởi đó không còn một cách nào khác hơn là Ngài đã phục sinh.

Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Ngài.

2. Chúa Giêsu phải từ cõi chết sống lại (Suy niệm của Yvon Daigneault)

Mở đầu

Bất chấp những bài hát, những lời tung hô và những bài giảng tuyên bố Chúa Giêsu đã sống lại, mầu nhiệm này vẫn hoàn toàn là mầu nhiệm đối với chúng ta và nó mãi mãi là mầu nhiệm cho đến tận cùng, cho đến khi chúng ta được hưởng kiến Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô Phục Sinh. Vì vậy Tin Mừng mà chúng ta vừa mới đọc có một tầm quan trọng đặc biệt. Với một khoa tâm lý sâu sắc bài Tin Mừng này cho thấy nỗi bàng hoàng của các môn đệ sau cái chết của Chúa Giêsu - - “người ta đã lấy Chúa khỏi mồ, và chúng tôi không biết họ đặt Ngài ở đâu”, và nó mời gọi chúng ta phải có một thái độ đúng đắn, thái độ chính yếu mà Chúa chờ mong, đó là đức tin, - “ông đã thấy và đã tin”.

Sự Phục Sinh

Người ta thường hay nói về sự Phục Sinh trong nhiều trường hợp: thiên nhiên sống lại; một người được đưa đến bệnh viện đã hoàn sinh trở về. Người ta muốn làm sống lại những truyền thống dân gian hoặc những thói quen tốt đã bị mai một, tất cả những gì đã bị thời gian làm cho mục nát tiêu tan.

Tất cả những điều đó chẳng liên quan gì đến sự Phục Sinh của Chúa Giêsu cả. Trong những thí dụ trên đây, đó chỉ là việc trở lui về quá khứ, tìm lại cái đã mất mà thôi. Chúa Giêsu không bắt đầu lại cuộc sống của Ngài như trước kia. Không thể nào nghĩ rằng Chúa Giêsu tìm lại những con đường xứ Palestine, những đóm lửa ven bờ hồ, những cuộc gặp gỡ trên đường, hoặc Ngài tiếp tục sứ vụ của mình trước đây, như thể cuộc tử nạn chỉ là một sự cắt đứt bất hạnh và tạm thời thôi.

Chúa Kitô đã chết thật sự. Điều này không chỉ có nghĩa là kết thúc tất cả mạng lưới tương quan, công việc và dự tính, như cái chết của mọi con người.

Chúa Kitô đã Phục Sinh. Không có nghĩa là Chúa Kitô tìm lại được sự sống sinh học và những sinh hoạt của Ngài trước kia, nhưng là Thiên Chúa ban cho Ngài một cuộc sống hoàn toàn mới mẻ trong một cách hiện hữu tuyệt đối mới mẻ mà nhân tính của Ngài tham gia trọn vẹn. Chúa Giêsu Phục Sinh hiệp thông hoàn toàn với chính cuộc sống của Thiên Chúa, với Ánh Sáng của Thiên Chúa, với Quyền Năng của Thiên Chúa, mà vẫn không ngừng đời đời là chính mình với thân xác của Ngài đã trở nên thần thiêng, và với tất cả những gì thuộc về thân xác: những mối dây thân ái, những kinh nghiệm đã có được, những bài học của một cuộc đời và cả những thử thách, những tương quan, những ký ức…

Mầu nhiệm Đức Tin

Khi chúng ta tuyên xưng đức tin: “Chúa Kitô đã Phục Sinh!”. Chúng ta khẳng định rằng giờ đây Ngài tràn đầy sự sống của Thiên Chúa và tất cả những gì liên kết Ngài với chúng ta, thay vì kết thúc, đã được thể hiện cách sung mãn. Vì vậy chúng ta đã tuyên bố rằng cả chúng ta nữa, vì thuộc về Chúa Kitô, chúng ta sẽ phục sinh với Ngài để dự phần vào vinh quang của Ngài.

Phục Sinh không phải là một kỷ niệm đẹp nhưng là biến cố luôn luôn hiện tại và hậu quả của nó liên lỉ được thấy rõ trên thế giới này, nhất là trong việc thông ban Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con ban cho các môn đệ để biến đổi các ông và biến đổi thế giới này.

Phục Sinh là biến cố phải được biết, đón nhận và sống trong đức tin. Đức tin không phải là nhắm mắt mà nói “đúng thế” mặc dù tôi không hiểu gì hết, nhưng là tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng thực hiện biến cố này và khẳng định nó nhờ chứng tá của Thần khí Ngài.

Kết luận

Đón nhận biến cố Phục Sinh với niềm tin, tức là tin tưởng vào Thiên Chúa Đấng đã mặc khải biến cố này trước hết cho các tông đồ, và sau đó cho chúng ta, qua các ngài. Nếu đối với các ngài mồ có vẻ trống, thì từ ngày ấy nó còn trống hơn nữa và không nơi nào từ hai ngàn năm qua người ta đã nhìn thấy Chúa Kitô trên trần thế này, nhưng Quyền Năng của Chúa Kitô hằng sống vẫn không ngớt biểu lộ.

3. Ngôi mộ trống

Tại một nghĩa trang bên Đức, có mội ngôi mộ rất được chú ý, đó là ngôi mộ được làm bằng đá hoa cương, bên dưới đúc xi măng cột sắt rất kiên cố. Ngôi mộ được nhiều người chú ý vì đó là ngôi mộ của một người đàn bà giàu có. Trong chúc thư, bà yêu cầu người ta xây cho bà một ngôi mộ kiên cố, để nếu có sự sống lại của người chết, thì bà vẫn nằm yên dưới mộ. Trên mộ, bà ta xin được ghi: “Đây là ngôi mộ sẽ không bao giờ mở ra”.

Thời gian trôi qua, ngôi mộ xem ra vẫn kiên cố. Thế nhưng một hôm có một hạt giống rơi vào khe đá của ngôi mộ, gặp đất bên dưới, nó bắt đầu nẩy mầm, lớn lên thành cây, rễ của nó đâm xuyên qua ngôi mộ để rồi cuối cùng làm cho quan tài của người đàn bà vỡ ra.

Câu truyện trên đây có thể là một dụ ngôn về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đối với con người, khi Ngài cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết để mở lối cho con người vào sự sống vĩnh cửu với Ngài. Con người có thể chối bỏ và khước từ Thiên Chúa, nhưng với muôn ngàn cách thế mà con người khôn lường được, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Con người tưởng mình có thể lẩn trốn được Thiên Chúa, nhưng khi một hạt giống nhỏ bé, tình yêu của Ngài vẫn tiếp tục len lỏi vào tâm hồn của con người. Thiên Chúa là Chúa của sự sống. Vinh quang, danh dự và niềm vui của ngài là con người được sống. Cho dù con người có loại bỏ Thiên Chúa để đi tìm cái chết, ngài vẫn đeo duổi và chờ đợi con người.

Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu đi vào cõi chết của con người. Người ta đã chôn ngài trong mộ đá. Nhưng rồi sang ngày thứ nhất trong tuần, người ta không thấy xác Ngài ở đó nữa. Bà Maria Mađalêna ra thăm mộ đã hoảng hốt kêu lên: “Người ta đã lấy mất xác thầy rồi!” Hai môn đệ Phêrô và Gioan chạy ra mộ kiểm chứng. Hai ông thấy ngôi mộ mở toang. Nhì vào trong thấy khăn liệm còn đó, nhưng xác Ngài đã biến mất. Phêrô im lặng suy nghĩ, còn Gioan, người môn đệ Chúa yêu đã thấy và đã tin: “Đúng như Thầy đã nói, Thầy đã sống lại thật rồi”.

Thưa anh chị em,
Tất cả khởi đầu với ngôi mộ trống. Nhưng nếu chỉ có ngôi mộ trống mà thôi thì cũng chẳng làm nên chuyện. Câu chuyện chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có nội dung, và nội dung ở đây là: “Ngài không còn ở trong mộ nữa, vì Ngài đã sống lại như Ngài đã nói”. Từ ngôi mộ ấy đã bật lên sự sống. Đó là niềm tin của chúng ta. Cả cuộc đời Kitô hữu là những cuộc mai táng liên tục, nhưng caí chết và từ bỏ liên tục. Đừng sợ những ngôi mộ. Đừng sợ chôn đi điều phải chôn, mất đi điều phải mất. Đừng sợ bị thối rữa hay bị tảng đá to che chặt đời mình. Ước gì mọi ngôi mộ của chúng ta cũng giống như ngôi mộ của Chúa Giêsu: bị mở tung để sự sống bừng dậy.

Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì mọi sự sẽ vẫn như cũ: sự sống có nghĩa lý gì, nếu bao giờ nó cũng kết liễu bằng cái chết như một trái thúi rơi nát dưới gốc cây? Con người có nghĩa là gì, nếu mọi cố gắng đạt hạnh phúc chỉ bảo tồn được ảo tưởng của hạnh phúc, của những hạnh phúc luôn bị cái chết đe dọa từ bên trong? Tình yêu có nghĩa là gì, nếu mọi cú sét ái tình sẽ tắt nghẽn trên nấm mộ phân ly? Sống mà giả quên sự chết hiện diện khắp nơi, phải chăng là một trò chơi không xứng với một con người? Trò chơi của cuộc sống ấy sẽ phi lý và thất vọng, nếu Chúa Kitô đã không sống lại.

Thánh Phaolô đã nói: Nếu Chúa Kitô đã không sống lại, thì chúng ta là những người vô phúc nhất, ngu đần nhất, vì chúng ta đặt tin tưởng vào một chuyện hão huyền. Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì chúng ta vẫn còn mang tội lỗi ở trong mình và không ai giải cứu được chúng ta, không ai đem chúng ta đến gặp Thiên Chúa được. Nếu Chúa Kitô không sống lại, thì thập giá chỉ là dấu hiệu của nhục nhã, đau khổ của con người sẽ không có lối thoát và cái chết của con người sẽ là đường cùng, là ngõ cụt. (x. 1Cr 15,12tt)

Nhưng, Chúa Kitô đã sống lại thật rồi. Ngài đã đem theo những đau khổ của loài người qua bên kia bờ tuyệt vọng. Ngài đã làm cho những quằn quại đau thương của người sắp bị cái chết tiêu diệt, nhưng là nỗi đau của người mẹ đang sinh con, nỗi đau sẽ phát sinh sự sống mới, một niềm vui mới. Ngài đã làm cho cuộc sống trần gian không còn là một ảo tưởng, nhưng là một phản ảnh và là con đường đưa tới cuộc sống vĩnh cửu.

Đức Kitô đã sống lại: Từ nay thập giá không còn là dấu hiệu của nhục nhã, nhưng là dấu hiệu của vinh quang. Chúa Kitô đã sống lại, cái chết của con người không còn là đường cùng, là ngõ cụt, vì ánh sáng của Chúa Kitô đã bừng lên trong đêm tối, đã chiếu sáng ở cuối con đường hầm. Chúa Kitô đã sống lại, niềm hy vọng Phục Sinh của thân xác chúng ta không phải là hão huyền, vì Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài đang điều khiển giòng lịch sử và khi Ngài xuất hiện trong vinh quang, thì chúng ta cũng được xuất hiện trong vinh quan cùng với Ngài.

Chúa Kitô là người chiến thắng chung quyết trên đau khổ, tội lỗi và sự chết. Trong Ngài, mỗi người và cả nhân loại, quá khứ, hiện tại và tương lai đều phải chết và đã sống lại. Không còn người nào, không còn một tội nào, không còn một giây phút nào của cuộc sống chúng ta thoát khỏi cuộc chiến thắng của Chúa Kitô. Không có gì nằm ở ngoài cuộc cứu độ mà Chúa Kitô đã vĩnh viễn hoàn thành. Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.

Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô đã Phục Sinh, Ngài đang sống trong vinh quang của Chúa Cha. Chính vì chúng ta tin rằng chúng ta đã được Phục Sinh trong Chúa Kitô và sau này sẽ được Phục Sinh như Ngài, nên chúng ta đón nhận cuộc đời, kể cả đau khổ và cái chết, một cách tích cực, chủ động và vui tươi. Đau khổ không còn phi lý nữa, bởi vì thập giá đã được đưa vào vinh quang Phục Sinh. Không còn gì là tuyệt đối bi đát, tuyệt đối hư hỏng, vì từ cái chết, Thiên Chúa đã làm phát sinh sự sống trong Chúa Kitô. Nếu chúng ta đã tin vào sự Phục Sinh, vào chiến thắng chung quyết của Chúa Kitô, thì chúng ta sẽ không còn lo âu buồn phiền, không còn sống ích kỷ hẹp hòi, mà dám từ bỏ, hy sinh, xả thân, liều mạng vì sự sống và hạnh phúc của mọi người. Phục Sinh không chỉ nhằm ngày mai, nhằm bên kia thế giới, nhằm thiên đàng đã được hứa ban. Phục Sinh cũng nhằm và còn nhằm hôm nay, nhằm chính cuộc sống cụ thể của chúng ta.

Chúng ta có thể thực hiện trước kỳ hạn lễ Vượt Qua của chúng ta trên miền đất chúng ta đang sống hằng ngày bằng cách sống cho tình yêu, chết vì tình yêu: yêu Chúa, yêu anh em, yêu quê hương, yêu đồng bào, đó phải là chương trình mới của cuộc sống vượt qua của chúng ta ở cõi đời này: chương trình Phục Sinh.

home Mục lục Lưu trữ