Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1355236

Nỗ Lực Tìm Kiếm Tình Yêu

Cập nhật : 01-01-2011
 

Nỗ lực tìm kiếm tình yêu

Trong tâm trí thế hệ của tôi có một tình trạng hỗn độn khắp nơi. Máy vi tính đã thế chỗ của tâm trí. Dụng cụ điện tử rất thịnh hành, nhưng chỉ làm thêm rối. Phải thừa nhận rằng nếu cứ để như vậy thì sẽ càng hỗn độn. Quả thật, chúng ta nên theo một số nguyên lý căn bản, nhưng trước tiên, chúng ta hãy nhìn vào Đấng làm ra các nguyên lý ấy. Thỉnh thoảng tôi tản bộ trên bãi biển vắng vẻ để lắng nghe tiếng sóng và tiếng chim, sóng vẫn cứ vỗ rì rầm, chim vẫn cứ hót líu lo, và đôi khi chúng ta nghiệm ra điều này: mọi người đều sống theo thói lệ riêng, họ ngại phải dừng lại để lắng nghe vì sợ sẽ phá vỡ chiếc vỏ thói lệ của họ. Câu trả lời vẫn còn đâu đó. Chúng ta cần tìm kiếm.

Trên đây là những lời của một thiếu niên 15 tuổi, nói lên một nhận thức của cậu đối với việc nỗ lực tìm kiếm những câu trả lời về ý nghĩa và mục đích cuộc đời.

Trong nhật ký của mình, vận động viên David Sheppard, người Anh, đã kể lại thời sinh viên của mình. Anh trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần nhưng đã tìm được Chúa Kitô, và điều này đã thay đổi toàn bộ cuộc đời anh. Đây là lời của David Sheppard: "Tôi đã quì gối nài xin Chúa Kitô hãy đi vào cuộc sống của tôi, hãy tha thứ cho tôi, hãy là bạn hữu và là Thiên Chúa của tôi. Và tôi đã biết, vào thời khắc ấy, việc kết thân với Thiên Chúa là điều quan trọng hơn mọi sự khác trên đời." Một sinh viên đại học đã nhìn thấy được: "Việc kết thân với Thiên Chúa là điều quan trọng hơn mọi sự khác trên đời."

Dù 15 tuổi, 50 tuổi, hay 105 tuổi đi nữa, mỗi người chúng ta vẫn thao thức tìm kiếm. Vì là con người, tất cả chúng ta đều nỗ lực tìm kiếm sự kết thân với Thiên Chúa, và đồng thời, tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa: Tôi là ai? Tôi phải làm gì? Cuộc sống đưa tôi về đâu? - chính những câu hỏi này đã đưa các hiền sĩ trong bài Phúc Âm hôm nay lên đường, đầy mạo hiểm và thao thức.

Các hiền sĩ kỳ thực là các chiêm tinh gia. Các ngài lên đường tìm kiếm Đấng Cứu Thế và tin rằng trước sau Người cũng xuất hiện. Hơn nữa, các ngài cũng đã nhận ra điều ấy nhờ các tinh tú. Thực vậy, một ngôi sao lạ đã dẫn đường các ngài - chỉ mình Thiên Chúa biết đường đi. Nhưng các ngài vẫn đi theo. Và ngôi sao đã thực sự hướng dẫn các ngài tìm được Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse trong hang đá Giáng Sinh tại Bêlem. Phúc Âm thánh Matthêu kể:

"Ngôi sao mà họ đã xem thấy ở Đông Phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và bà Maria, Mẹ Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật" (Mt 2:9-11). Các hiền sĩ chiêm ngắm dung mạo Tình Yêu - Thiên Chúa Tình Yêu trong hình hài nhục thể - và các ngài biết mình đã tìm ra đối tượng mình kiếm tìm. Hơn nữa, là những người khôn ngoan, các ngài biết tình yêu hàm chứa rất nhiều nghịch lý. Và một trong những nghịch lý ấy: tình yêu đem lại niềm vui từ trong đau khổ, và đem lại đổi mới từ chỗ hy sinh: Chính lúc tình yêu đặt ra những yêu sách khắt khe nhất cho chúng ta là lúc chúng ta tìm được những món quà cao quí nhất: được nên một sâu xa nhất với sự sống.

Đó cũng là lúc chúng ta cảm nghiệm cuộc đời của mình mang một ý nghĩa và phục vụ một mục đích.
Khi đối diện với đau thương của tình yêu, chúng ta tìm được sức mạnh của tình yêu.

"Ý Nghĩa Cuộc Sống Là Thế," thi sĩ J.D. Freeman đã nói như vậy qua những vần thơ. Cuộc sống chỉ là một nỗ lực tìm kiếm tình yêu.

Một vị tuyên úy quân đội đã dán trên cửa phòng của ngài một tấm bảng thế này:
Nếu gặp phiền muộn, bạn hãy cứ vào kể cho tôi. Nếu không gặp phiền muộn, bạn cũng hãy cứ vào kể cho tôi biết bạn làm được như vậy bằng cách nào.

John Bunyan viết: "Một Kitô hữu hiếm khi được thư thả. Thử thách này chưa qua, thử thách kia đã tới." Và chúng ta không cần phải nhắc lại rằng Con Thiên Chúa không hề phạm tội, nhưng vẫn đầy đau khổ. Trên hành trình vươn tới thành công, nếu chưa từng vác thập giá, không ai có thể đội vương miện. Không một người tốt lành nào ở đây mà lại chưa gặp, hoặc không bao giờ gặp một hình thức đau khổ nào đó; họ vẫn có thập giá để vác hoặc để chịu đựng trong đời sống của họ. Một số anh chị em đã từng khốn đốn vì những biến cố xảy ra trong đời sống.

Trong quyển sách tuyệt vời "The Wounded Healer - Lương Y Chịu Thương Tích," cha Henry Nouwen nhắc chúng ta nhớ rằng, trong tình trạng thương tích, chúng ta vẫn có thể vươn tới và bao bọc nhau trong tinh thần cảm thông và quan tâm nhờ tình yêu Chúa Giêsu Kitô; vì qua đau khổ và cái chết của mình, Chúa Giêsu Kitô đã trào đổ sức mạnh cho thế giới già cỗi của chúng ta để giúp vượt qua những tháng ngày tăm tối; và vì chúng ta đã liên kết với Chúa trong đau khổ và cái chết của Người, nên chúng ta được liên kết với Người trong sự Phục Sinh cũng như vậy.

Các hiền sĩ đã kết hợp với Chúa Hài Nhi bằng mối liên kết tình yêu khi sấp mình và hiến dâng lễ vật cho Người. Nhưng đồng thời, các ngài được cảnh báo đừng quay lại với Hêrôđê là kẻ muốn sát hại Chúa. Và như vậy, trong lời cảnh báo nguy hiểm đang rình rập, các ngài lại được kết hợp với Chúa Kitô bằng mối liên kết đau khổ. Hình bóng thập giá đã lờ mờ trên máng cỏ. Và các hiền sĩ đã hiểu được ý nghĩa thực sự của ngày Giáng Sinh.

Truyền thuyết kể có một chiếc đồng hồ quả lắc được đặt trong góc nhà suốt ba thế hệ vẫn miệt mài tích tắc, suốt ngày thâu đêm. Để vận hành chiếc đồng hồ ấy, người ta phải đeo vào nó một khối nặng, nhờ một dây xích kép. Chủ nhân mới của chiếc đồng hồ nghĩ rằng một chiếc đồng hồ cũ kỹ như thế không nên đeo thêm một khối nặng, nên đã gỡ ra. Và lập tức chiếc đồng hồ không còn tích tắc được nữa. Theo truyền thuyết, chiếc đồng hồ đã kêu oán, "Sao ông làm như vậy?" và chủ nhân trả lời, "Ta chỉ muốn bớt gánh nặnh cho ngươi." Đồng hồ nói tiếp: "Xin ông làm ơn treo lại khối nặng kia vào cho tôi. Nhờ có nó tôi mới vận hành được."

Chúng ta thường gắng sức loại bỏ cả những gì giúp chúng ta sống được, làm chúng ta xứng đáng với không khí chúng ta hô hấp và không gian chúng ta chiếm cứ. Khi nhìn lại, chúng ta phải nhận rằng rất nhiều điều góp phần tạo thành đặc tính của chúng ta phát sinh từ những mâu thuẫn, và rất nhiều ưu điểm người ta ngưỡng mộ nơi chúng ta xuất phát từ những cánh cửa chống đối và bế tắc. Nói tóm lại, chúng ta rất giống chiếc đồng hồ quả lắc: chính những gánh nặng trong cuộc sống làm cho chúng ta vươn tiến! (Jess, John D., "In Miniature")

Như những hiền sĩ thời xưa, chúng ta hãy sấp mình trước máng cỏ Chúa Hài Nhi và để ý đến thực tại được phủ dưới bóng thập giá. Chúng ta hãy khiêm nhu hiến mình trọn vẹn cho Chúa Hài Nhi. Chúng ta hãy để Chúa ban sức mạnh giúp chúng ta vượt qua những tháng ngày tăm tối và liên kết với Người trong cuộc Phục Sinh vì chúng ta đã hợp nhất với Người trong đau khổ và cái chết của Người.

Trong tâm trí thế hệ tôi có một tình trạng hỗn độn bao la. Và câu trả lời không phải là "ở ngoài kia" nhưng "ở ngay đây" - trong tâm hồn Giáng Sinh của chúng ta.

Ngày Giáng Sinh của Hài Nhi Giêsu là biến cố ý nghĩa nhất trong toàn bộ lịch sử vì nó trào đổ cho thế giới bệnh hoạn của chúng ta thần dược yêu thương chữa lành; làm thay đổi toàn bộ thái độ của các tâm hồn suốt hai ngàn năm qua; và đem lại nét đẹp cho sự phục vụ của con người, phản chiếu hình ảnh của chính Thiên Chúa. Bên dưới tất cả những hỗn độn và những câu hỏi hóc búa ấy là một tâm hồn Giáng Sinh đang rạo rực. Nếu tất cả chúng ta đưa tâm hồn Giáng Sinh vào từng ngày sống của Năm Mới và làm cho nó sống mãi trong cuộc sống chúng ta, thì Năm Mới này thật là một năm hạnh phúc. Chúng ta hãy thực hiện điều ấy!

Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ. 

 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ