Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 143
Tổng truy cập: 1350019
NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ VỮNG TIN VÀO CHÚA
NOI GƯƠNG ĐỨC MẸ VỮNG TIN VÀO CHÚA – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tin Mừng thánh Gioan thuật lại tiệc cưới tại Cana diễn ra vào “ngày thứ ba”, nghĩa là sau khi Chúa Giêsu thu nhận các môn đệ xong, cả thầy lẫn trò cùng nhau dự tiệc cưới : “Ba ngày sau, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới” (Ga 2,1-2).
Ít nhiều, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tiệc cưới. Không phải tiệc cưới của mình, người thân gia đình, thì tiệc cưới của người khác! Nhất là của những người thân quen hay bè bạn, mà chúng ta được mời tới dự. Nên chúng ta dễ dàng hình dung ra cảnh tiệc cưới.
Nhìn vào đám cưới tại Cana trong Tin Mừng hôm nay, ngẫm về những tác động hữu ích do sự hiện diện của Chúa Giêsu và Đức Maria, Mẹ Người, trong các hoạt động đời thường của con người chúng ta. Chúa Giêsu và Đức Maria, với địa vị khác nhau, mang theo sự hiện diện của Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi. Chúa là chân, thiện, mỹ, Ngài ở đâu, thì có tình yêu, ân sủng và phép lạ ở đó. Như mặt trời chiếu tỏa ánh hào quang, trái đất được có ánh nắng sưởi ấm, vận vật cỏ cây sẽ đơm hoa kết trái. Đồng nghĩa với việc, khi chúng ta để cho Thiên Chúa đến gần chúng ta, sự tốt lành, bình an và hạnh phúc của Thiên Chúa sẽ lớn lên trong chúng ta.
Phương tiện mà Thiên Chúa chọn để hiện diện giữa loài người và tiếp xúc với loài người là Chúa Giêsu Kitô, Con Một Chúa. Công việc của Thiên Chúa ở giữa thế gian là bản tính con người của Chúa Giêsu và sự hiện diện của Đức Maria. Cô dâu và chú rể tại Cana đã không nghi ngờ gì khi mời Chúa Giêsu và Đức Maria đến dự cưới! Lời mời này có lẽ là do tình thân huyết tộc nào đó.
Chúa Giêsu đã nhận lời mời đến dự tự cưới, vì Chúa ủng hộ mối quan hệ con rất tình người và chân thành của họ. Tính trung thực và tốt lành của gia đình này đã lôi cuốn Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu đã làm cho Thiên Chúa hiện diện trong ngày cưới của họ. “Đây là phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người” (Ga 2,11). Chính tại Cana xứ Galilêa, Chúa Giêsu đã bắt đầu thực hiện các phép lạ phi thường của mình, và ở đó, Đấng Thiên Sai đã mở rộng tâm hồn các môn đệ và thông ban cho họ ơn đức tin qua sự can thiệp từ mẫu của Đức Maria, người tín hữu đầu tiên.
Và nếu Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã đi ăn cưới, và với sự hiện diện của mình, Người đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành rượu. Người đến đám cưới, không phải đến để ăn một bữa tiệc cho vui như bao nhiêu bữa tiệc khác. Người đến để mạc khải một sự diệu kỳ, đầy ngưỡng mộ. Người đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho gia nhân rượu ngon nồng. Thì sự hiện diện của Đức Maria và của các môn đệ Chúa Giêsu cũng hết sức đặc biệt. Trong tiệc cưới, Đức Maria đã hiện diện không như khách, nhưng như thành viên đóng góp vào biến cố niềm vui. Vì thế Mẹ biết rõ tình trạng thiếu rượu. Hết rượu là mất vui, là đụng chạm đến ý nghĩa của đám cưới. Vì rượu không chỉ cần cho bữa tiệc, nhưng còn tượng trưng cho niềm vui gặp gỡ. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi!” (Ga 2,3) Trước sự cố này, Đức Giêsu có vẻ không vui khi nói : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4).
Tuy vậy, Mẹ vẫn tin tưởng vào Con Mẹ. Giờ của chưa tới, nhưng Mẹ tin rằng, Người có thể “chỉnh giờ” lại. Quả thực, Chúa Giêsu đã hành động : vừa đáp lại lời cầu bầu của Đức Maria để cứu bữa tiệc, vừa mở rộng ý nghĩa của hành động này. Sáu chum nước lớn, vốn dùng để thanh tẩy theo Luật cũ và đức công chính cũ, Người đã làm cho trở nên viên mãn khi hóa nước thành rượu, tượng trưng cho ơn tha thứ, hòa giải và niềm vui, cho đức công chính của Đức Giêsu, mà Thiên Chúa trao ban nhưng không cho loài người và cho mỗi người chúng ta.
Hình ảnh nước biến thành rượu do quyền năng của Chúa Giêsu và sự can thiệp của Đức Maria rất phù hợp với con người và cuộc đời của chúng ta. Hình ảnh “đổ đầy tới miệng” diễn tả sự trọn vẹn và dư tràn. Thực vậy, trong đời ta, trên hành trình theo Chúa trong ơn gọi, có thể có niềm vui đứt đoạn ; hành trình nhạt nhẽo : xin Mẹ để ý nhìn xem, quan tâm nâng đỡ phù hộ, và xin Chúa ban niềm vui làm cho thơm ngon như rượu mới tại tiệc cưới Cana.
“Người bảo gì các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Đây là lời nói cuối cùng của Đức Maria, không chỉ dành cho những người phục vụ tiệc cưới, nhưng còn cho người môn đệ Chúa Giêsu, nam cũng như nữ, thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay. Hãy tin tưởng vào quyền năng trong mọi biến cố cuộc đời. Thiên Chúa có chương trình cho mỗi người chúng ta. Điều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, hãy đặt hết tất cả lòng tin vào Chúa, phó thác cuộc đời chúng ta cho Ngài, như lời Đức Mẹ khuyên : “Hễ người bảo gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5). Nước kia lên rượu thơm nồng, ngất ngây trong tiệc cưới tưng bừng. Lời Mẹ dạy dỗ mãi khắc ghi. Nguyện Mẹ dìu dắt mỗi bước đi. Thiên ý xa vời, Mẹ hỡi hãy luôn phù trì.
Thứ hai thì ngắm, Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Canna, ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa. Amen.
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN- NĂM C
GIA ĐÌNH CÓ MẸ- Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Trời có lúc mưa lúc nắng, lúc trong lúc mờ. Đời có lúc thăng lúc trầm, lúc buồn lúc vui. Tình có lúc nồng lúc nhạt, lúc thắm lúc phai.
Nghe sao có vẻ cải lương quá! Ấy thế mà tính chất cải lương kia lại cứ xuất hiện trong cuộc sống con người, nhất là trong cuộc đời hôn nhân. Không hiểu sao người ta hay ngâm nga: “Tình chỉ đẹp khi tình còn dang dở. Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.” Phải chăng bắt đầu thề ước là bắt đầu xót xa? Ngày lên xe hoa thì cũng chính là ngày ra chiến trận? Mà trong trận chiến này, nếu không khéo, có ngày sẽ bị thương vong.
Đám cưới tại làng Cana mới bắt đầu mà đã có chuyện. Tiệc chưa tàn nhưng rượu lại hết. Nguy quá! Thế thì còn đâu mặt mũi tân gia. Không chừng cô dâu chú rể sẽ phải lục đục với nhau vì nhà anh đã không khéo chuẩn bị, còn nhà em thì cứ mời cho đông vào mà không cho biết trước. Không chừng vết thương trong ngày thành hôn sẽ để lại cơn đau khó tàn cho đôi uyên ương.
Thiếu rượu thì mất vui. Đám cưới mà không vui thì có hơn gì đám ma. Với lại truyền thống xưa nay của dân tộc là “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.” Vậy mà khi khách chưa say, chất cay đã cạn. Bao nhiêu choé rượu sắm sẵn đều hết sạch. Bẽ mặt mất thôi! Chắc hẳn gia chủ lẫn tân lang và tân nương đang trải qua một phen bối rối, hốt hoảng ghê lắm. Biết tìm đâu ra rượu bây giờ?
Thấy được tình cảnh oái oăm của tân gia, Mẹ Maria đến gặp Con mình và nói: “Họ hết rượu rồi.” Đây là lời cầu cứu hay câu mẹ trách con vì đã đem theo mấy ông môn đệ nên mới làm cho người ta hết rượu? Nhưng nếu là câu trách thì tại sao Mẹ lại bảo các người hầu: “Ngài có bảo gì, hãy làm theo”? Câu này hàm chứa một cái nhìn tiên tri là Chúa Giêsu sẽ ra tay để làm một điều gì đó.
Chắc rằng trong suốt 30 năm sống bên Đức Giêsu, Mẹ đã thấy rõ quyền năng và tình nhân ái bao la của con mình đối với những kẻ sa cơ hoạn nạn. Thế nên hôm nay, khi thấy gia đình tân hôn bị rơi vào trường hợp éo le nan giải, Mẹ đã tìm đến với Chúa để xin Ngài ra tay. Nhưng, có một vấn đề khác: nếu như trước đó Đức Giêsu đã từng cứu giúp những người khốn khó thì tại sao vị Thánh Sử lại bảo đây là “dấu lạ đầu tiên”?
Theo văn mạch của Thánh Gioan thì đó là phép lạ đầu tiên mà “Chúa Giêsu đã làm tại Cana xứ Galilê.” Thế ra, có thể Ngài đã từng làm dấu lạ ở nơi khác, ví dụ như tại Nazaret, nhưng tại Cana thì đó là lần đầu. Ngoài ra Thánh sử Gioan cũng nhấn mạnh trong câu kết luận rằng Chúa Giêsu đã làm dấu lạ này “để tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đệ,” những người vừa mới đáp trả lời mời gọi bước theo Ngài được mấy hôm.
Như vậy trước đó, có thể Đức Giêsu đã từng làm dấu lạ, không phải để tỏ vinh quang, nhưng chắc là âm thầm và qua tay Mẹ Maria. Phải chăng Chúa Giêsu đã từng nhờ Đức Mẹ làm trung gian để đem cái này, chuyển cái kia cho những người cùng khốn gian nan, nên Mẹ biết rõ quyền năng và tình thương của Chúa mà chạy đến cầu cứu? Phải chăng, dù là mẹ, Đức Maria vẫn từng làm theo ý Con, và đã thấy người ta nhận được biết bao ân phúc phi thường.
Cho nên trong giờ phút cam go của gia đình có đám, Mẹ đã kêu cầu Đức Giêsu. Và sau đó, Mẹ đã nhắn nhủ các lời khuyên phát xuất từ một lòng tin tưởng vững vàng vào tình yêu tha nhân nơi Con mình. Ngài không thể không chạnh lòng thương xót trước nỗi thống khổ của con người. Và đây cũng là lời nhắn nhủ đầy kinh nghiệm của Đức Maria, người đã từng làm theo lời Chúa và thấy bao kết quả tươi đẹp trong đời.
Ngài có bảo gì thì cứ làm theo. Lời nói biểu lộ lòng xác tín Đức Giêsu sẽ ra tay can thiệp. Mẹ Maria biết chắc Ngài sẽ đáp lời Mẹ xin. Thế mới thấy quyền phép nơi lời cầu bầu của Đức Mẹ hiệu năng dường nào. Không phải là Chúa Giêsu đã từng nói: “Giờ con chưa đến” sao? Vậy mà “Giờ con đã đến” vì lời Mẹ xin. Giáo hội đã có lý khi đưa vào kinh Cầu Đức Bà lời nguyện: “Đức Bà có tài có phép. Cầu cho chúng con” là vậy.
Các Thánh cũng công nhận rằng chẳng có sự gì Mẹ xin cùng Thiên Chúa mà không được. Thánh Antôn từng nói: “Vì Đức Maria là Mẹ, nên lời cầu xin như có sức truyền dạy trước toà Chúa Giêsu. Do đó, khi Mẹ xin gì thì không lẽ Chúa Giêsu lại không nhậm lời.” Thánh Ricarđê viết rằng: “Hễ Con quyền phép vô cùng thì Con cũng làm cho Mẹ vô cùng quyền phép. Đó là lẽ đương nhiên. Nhưng Con của Mẹ quyền phép vì bản tính Ngài là Thiên Chúa. Còn Đức Mẹ có quyền phép là nhờ ơn Chúa ban; nghĩa là Thiên Chúa quyền phép vô cùng, phán một lời liền có hết mọi sự. Còn Đức Mẹ quyền phép vô cùng, xin một tiếng liền được hết mọi sự.”
Nhờ có Mẹ can thiệp mà Chúa Giêsu đã cứu tiệc cưới tại làng Cana khỏi cảnh bẽ mặt ê chề. Nhờ lời cầu xin của Đức Mẹ mà giờ giải cứu con người khỏi kiếp khổ đau của Chúa Giêsu đã điểm. Nhờ sự khích lệ bảo ban của Mẹ mà con người biết cộng tác với Con Thiên Chúa để mang lại niềm vui của ơn phúc đầy tràn đến muôn tâm hồn.
Hôm nay, giữa trần thế, có biết bao gia đình “sắp hết rượu.” Lắm cõi lòng đã mất hẳn niềm vui. Nhiều cuộc tình đã rơi vào bế tắc. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” không còn nữa. Làm sao cứu vãn đây?
Nếu đời có Mẹ, người ta sẽ gặp được ơn Chúa. Mời Mẹ đến với gia đình, chẳng bao giờ Mẹ để cho rượu nồng tình thắm bị cạn khô.
Thế nên, hỡi tất cả các gia đình, mới hay cũ, đang an hoà hạnh phúc hay trắc trở lao đao, hãy cậy nhờ và phó thác cho Mẹ Maria. Chắc chắn với Mẹ và qua Mẹ, Chúa Giêsu sẽ tỏ mình ra nơi gia đình anh chị em.
Không phải tình cờ mà Đấng Cứu Thế lại tỏ vinh quang của mình trong một cuộc hôn nhân. Không phải tình cờ mà vinh quang đó lại liên kết âm hưởng với sự hiện diện của Đức Maria. Trái lại, tất cả đã diễn ra trong cùng một mạc khải của Tin Mừng: gia đình có Mẹ là gia đình có Chúa; gia đình có Chúa là gia đình luôn có tình yêu tràn đầy và niềm vui dạt dào.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam