Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 51
Tổng truy cập: 1362884
NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
Có thể nói, mùa Giáng Sinh cũng là mùa kính Đức Mẹ. Đặc biệt ngày đầu năm Dương lịch hôm nay, phụng vụ muốn tôn kính Đức Maria với tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa. Và từ năm 1968 Đức Giáo Hoàng Phaolô VI lại dành ngày 1 tháng Giêng nầy để cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Đất nước chúng ta đã thoát khỏi những năm chiến tranh. Nhưng chúng ta vẫn còn có nhiệm vụ phải suy nghĩ về hoà bình. Bởi vì hoà bình không phải chỉ là chấm dứt chiến tranh. Hoà bình còn là xây dựng bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc nữa. Phần tích cực có thể nói gồm nhiều mặt hơn phần tiêu cực. Vả lại, hết chiến tranh cũng chưa phải là đã hết những hậu quả của chiến tranh là những thương tích, những đổ vỡ về vật chất và tinh thần. Chúng ta phải cải tạo cái cũ, xây dựng cái mới. Hoà bình hạnh phúc phải là hơi thở của mọi người trên thế giới. Vậy chúng ta đóng góp được gì?
Hãy suy nghĩ về hoà bình như Đức Maria hằng suy đi nghĩ lại trong lòng. Ngài suy nghĩ về danh “Giêsu”, có nghĩa là cứu thế. Danh đó phải được kêu cầu trên con cái loài người, để phúc lộc được đổ xuống trên các dân và phước lộc phong phú cụ thể là chính Thánh Thần mà Thiên Chúa muốn đổ xuống lòng mọi người, để khi chúng ta gọi Chúa là Cha thì chúng ta Thấy mình là anh em với nhau, để sống hòa thuận yêu thương nhau, sống vì hạnh phúc của anh em mình.
Yêu hòa bình thì phải xây dựng công bằng, bác ái, phải kiến tạo bình đẳng, ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc. hòa bình đòi hỏi phải phấn đấu, phải đấu tranh, để tiêu diệt cái xấu và phát triển cái tốt. Rất nhiều công tác cụ thể đang ở tầm tay mỗi người chúng ta. Hết thảy chúng ta hãy tích cực, để không chỉ nói hoà bình, nhưng muốn xây dựng hoà bình. Trong ngày cấu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới hôm nay và cũng là ngày lễ kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, chúng ta xin Đức Maria là Nữ Vương Hoà Bình ban cho bản thân chúng ta, cho gia đình chúng ta, cũng như cho cộng đoàn giáo xứ, nền hoà bình của Chúa Kitô – Hoà bình mà Đấng Cứu Thế, Con của Mẹ Maria đã đem xuống trần gian cho loài người trong đêm Giáng Sinh, để chúng ta biết sống hoà thuận yêu thương nhau, đoàn kết xây dựng hoà bình trên quê hương đất nước và trên toàn thế giới.
Tước hiệu Đức Maria Mẹ Thiên Chúa là một tước hiệu đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu xứng hợp ơn mọi tước hiệu khi nói về Đức Trinh Nữ Maria.
Vào thế kỷ V, Nestôriô đã nổi lên chống đối tước hiệu Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Theo Nestôriô, chỉ nên gọi Maria là Mẹ của Đức Giêsu Kitô, chứ không được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Một cuộc xung đột lớn đã xảy ra trong Giáo Hội xoay quanh việc Ngôi Hai nhập thể. Thế nên, vào năm 431, Hội Thánh đã triệu tập Công đồng Ephêsô dưới sự chủ toạ của thánh Cyrillô, các nghị phụ trong công đồng này đã tuyên bố cất chức Nestôriô và đánh đổ lạc thuyết của ông ta. Công đồng Ephêsô đã định tín Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì thực sự Mẹ đã sinh ra Con-Thiên-Chúa-làm-người.
Bắt đầu từ công đồng Ephêsô tước hiệu Maria Mẹ Thiên Chúa đã trở thành tước hiệu chính thức của Đức Trinh Nữ Maria. Đây là tước hiệu trổi vượt trên mọi tước hiệu mà Giáo Hội đã ca tụng và tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria. Thánh công đồng Vaticanô II trong Hiến chế Tín lý về Hội Thánh đã viết: “Từ những thời xa xưa, Đức Trinh Nữ đã được tôn kính dưới tước hiệu là Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Người trong mọi cơn gian nan khốn khố”. Đức Giáo Hoàng Piô XI đã viết khi lập thánh lễ kính trọng thể Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa ngày 11.10 nhân dịp kỷ niệm 1500 năm công đồng Ephêsô vào năm 1931: “Tín điều Mẹ Thiên Chúa là một mối nước mầu nhiệm vô tận, đã tuôn ra mọi đặc ân cho Đức Mẹ và nâng Người lên một địa vị cao sang tuyệt vời bên Thiên Chúa”.
Hôm nay, Giáo Hội dành ngày đầu năm dương lịch để cầu nguyện cho thế giới hoà bình trùng vào ngày kính trọng thể Đức Maria Mẹ Thiên Chúa như lời Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trong tông huấn Marialis Cultus, khi người dời thánh lễ kính trọng thể Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vào ngày 01.01 mỗi năm như sau: “Vì sự trùng hợp tốt đẹp giữa ngày 01 tháng Giêng với ngày thứ tám sau lễ Giáng Sinh mà chúng tôi đã đặt ngày đó là ngày thế giới hoà bình, mà thế giới mỗi ngày càng hưởng ứng thêm, và thành quả của hoà bình đã phát sinh trong lòng nhiều người”.
Lạy Vua Hoà Bình mới sinh, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hoà Bình, xin ban cho nhân loại và mỗi người chúng con sự hoà bình đích thực và ơn an bình trong mỗi tâm hồn.
Giáo Hội Công giáo có một lòng sùng kính Mẹ Maria một cách đặc biệt. Mẹ đã được ca ngợi trong phụng vụ với nhiều tước hiệu khác nhau. Một trong những tước hiệu tuyệt vời nhất, đó là tước hiệu Mẹ Thiên Chúa. Tước hiệu này phát sinh từ niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu, người con sinh ra từ cung lòng Mẹ, là Con Thiên Chúa làm người. Ngài là người nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa.
Đoạn Tin mừng sáng hôm nay ghi lại quang cảnh các mục đồng đã được chứng kiến tại Bêlem trong đêm Chúa Giáng sinh. Một quang cảnh xem ra thật bình thường: Một hài nhi vấn tã đặt nằm trong máng cỏ bên cạnh Mẹ Maria và thánh Giuse. Nhưng đoạn Tin mừng cũng gợi lên một cái gì khác thường khiến cho Mẹ Maria đã phải ghi nhớ và suy niệm trong lòng.
Quả thật, Tin mừng đã nhiều lần nói đến mối quan hệ giữa Mẹ Maria và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh cho thấy mối quan hệ ấy không phải chỉ là mối quan hệ theo huyết thống. Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu không phải chỉ vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu tại hang đá Bêlem, đã bú mớm và nuôi dưỡng Ngài tại Nagiarét, mà hơn thế nữa vì Mẹ chính là người đã lắng nghe và thực hiện lời Chúa.
Trước những việc lạ lùng Chúa đã làm và nhất là trước giáo huấn của Ngài, một người phụ nữ đã ca tụng người mẹ đã cưu mang Ngài và đã cho Ngài bú. Nhưng Chúa Giêsu đã mời người phụ nữ ấy đi xa hơn điều bà đang nghĩ.
Đối với Chúa Giêsu, sợi dây thắt chặt Ngài với Đức Maria, đó chính là lòng tin, lòng mến được thể hiện một cách cụ thể qua việc lắng nghe và thực hiện lời Chúa.
Một lần khác, có người nhắc nhở với Chúa Giêsu là có Mẹ và anh em Ngài tới kiếm Ngài. Chúa Giêsu đã lợi dụng dịp này để cho người ta thấy mối quan hệ Ngài chờ đợi nơi mọi người đó chính là lòng tin, sự đồng tâm nhất trí với hành động và lời giảng dạy của Ngài. Đối với Chúa Giêsu không có sự biệt đãi theo huyết thống, theo nhãn hiệu, theo tước vị hay theo một tiêu chuẩn nào người ta có thể lãnh nhận một cách máy móc.
Đã hơn một lần người Do Thái được gọi vào cương vị là con cái Abraham, nhưng Ngài đã thẳng thắn trả lời với họ: Cương vị ấy không hơn gì một hòn đá. Người ta cũng đã nại vào tước vị là dân riêng của Chúa, của giao ước, nhưng Chúa Giêsu cũng đã cho thấy việc nại vào tước vị ấy quả là uổng công. Chẳng phải vì Ngài muốn đi ngược lại với những gì Cha Ngài đã giao ước, mà vì Ngài muốn đi vào cái cốt lõi của giao ước: Thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.
Mối quan hệ chính yếu Chúa Giêsu muốn thiết lập, đó chính là mối quan hệ của việc thực thi lời Chúa, bất luận người đó là ai, dù là người Samaria mà dân Do Thái vốn coi rẻ, cho là hạng lai căng, lạc đạo, nhưng đã biết chăm sóc cho kẻ bị cướp đánh trọng thương, vứt bỏ bên lề đường, hay đã cho kẻ đói có cái ăn, kẻ khát có cái uống, kẻ trần truồng có cái mặc. Những việc làm nằm trong ý của Chúa thì người đó đã ở trong quan hệ cứu chuộc với Chúa.
Mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng nhìn lại mối quan hệ của chúng ta đối với Đức Kitô. Bí tích Rửa tội và tất cả những bí tích chúng ta lãnh nhận một cách máy móc không đủ để đặt chúng ta vào trong quan hệ với Đức Kitô. Mang danh hiệu là người Kitô hữu, có tên trong sổ rửa tội mà thôi chưa đủ, bởi vì chúng ta chỉ thực sự gắn bó với Ngài khi lắng nghe và thực thi ý Chúa, bởi vì như lời Chúa đã khẳng định: Chỉ kẻ nào làm theo thánh ý Thiên Chúa, thì mới là mẹ, là anh chị em với Ngài mà thôi.
4. Mẹ Thiên Chúa – Gm. Arthur Tonne
Ngày 20 tháng giêng 1961 John Kennedy làm Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ. Một người Công Giáo đầu tiên giữ chức vụ chóp bu. Trong ngày nhậm chức, có mặt tất cả dòng họ Kennedy, cùng bà mẹ đứng một chỗ danh dự. Vào lúc John Kennedy thề nhậm chức và trở thành Tổng Thống thì Rose Kennedy trở thành Mẹ của Tổng Thống. Khi bà sinh John vào năm 1917, Bà đã cho đất nước Hoa kỳ một con người mà sau này làm Tổng Thống. Bà không sinh ra một con người Tổng Thống. Nhưng thật sự và đúng là mẹ của một Tổng Thống.
Một cách tương tự, nhưng không y hệt như thế, chúng ta xưng tụng Đức Nữ đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu Kitô đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người. Đức Maria không sinh ra Chúa là Chúa. Đức Maria cũng không phải là Chúa hay Bà Chúa. Mẹ là một con người có hạn, được vinh dự dâng hiến bản tính nhân loại cho Ngôi Con trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Qua Mẹ, Đức Giêsu là một người thật và cũng là Thiên Chúa thật. Đó là chân lý chúng ta mừng lễ hôm nay. Ngày đầu năm dương lịch. Tại sao chúng ta công khai tung hô Maria là Mẹ Thiên Chúa ngay sát lễ giáng sinh? Lý do rất tự nhiên khi chúng ta thăm một em bé mới sinh, dễ nhiệm chúng ta muốn biết sức khoẻ của em, Em nặng mấy ký và em giống ai. Thế rồi bao giờ chúng ta cũng muốn biết về sức khoẻ của người Mẹ. Cả tuần nay chúng ta ngắm nhìn Chúa Hài Đồng trong Máng cỏ. Hôm nay chúng ta có lý do hướng về Mẹ của Ngài.
Một lý do khác nữa: trong ngày đầu năm, chúng ta cầu chúc cho nhau năm mới vui tươi, hạnh phúc. Nghĩa là chúng ta hy vọng và cầu xin cho bạn bè, những người thân yêu được một năm thánh thiện để họ biết Chúa Kitô nhiều hơn, yêu mến người nồng nàn hơn và phụng sự người trung thành hơn như Đức Mẹ đã làm. Để được như vậy không có gì giúp ta, hơn sự thúc đẩy và trợ giúp của Người Mẹ ấy, Chúa Giêsu và tôn kính mẹ, Người cũng muốn chúng ta yêu và Tôn kính Mẹ của Người.
Chúng ta có thể gợi một so sánh nữa; John Kennedy đã tham dự Thánh lễ vào buổi sáng ông nhậm chức. Ông làm thế để cám ơn Mẹ ông. Bà đã dự Thánh lễ mỗi ngày từ khi bà kết hôn. Mẹ Tổng Thống Kennedy đã chứng kiến cái chết rùng rợn của con bà, cũng thế Mẹ Thiên Chúa cũng chứng kiến cảnh tượng đóng đinh ghê sợ của Con Mẹ. Cái chết của Chúa Kitô được tái diễn trên bàn thờ này mọi ngày. Chúng ta hãy làm cho Thánh lễ thêm quan trọng hơn trong ngày đầu năm này và bạn sẽ Thánh và hạnh phúc trọn một năm. Hãy xin Thiên Chúa, nhờ Thánh lễ này cho bạn và những người thân yêu của bạn sự phù giúp bạn cần, để làm cho năm nay hạnh phúc.
Bạn đặc biệt để ý tới lời kinh nguyện Thánh Thể II “xin cho chúng con xứng đáng hưởng sự sống đời đời cùng với Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa” sau Thánh lễ bạn hãy tìm tới máng cỏ và nhớ tới Mẹ Thiên Chúa. Mẹ sẽ thực hiện lời chúc mừng và cầu xin của tôi cho tất cả các bạn.
Năm mới hạnh phúc cho mọi người. Amen.
5. Tại sao lại ‘Mẹ Thiên Chúa’?
(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Đặt ra cho mình câu hỏi này, tôi không có ý đi vào cuộc tranh luận thần học hay tín lý đâu, đơn giản là vì tôi luôn bị ám ảnh bởi câu khảng định của Đức Giêsu khi có người lên tiếng ca ngợi địa vị dành cho con người nào được diễm phúc làm người mẹ sinh hạ và dưỡng nuôi Ngài: “Đúng ra phải nói rằng: phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:27-28). Và tôi vẫn thường tự hỏi: tại sao lắng nghe và tuân giữ Lời lại quan trọng hơn cả làm Mẹ Thiên Chúa? Hơn nữa có liên quan gì giữa hai điều này xem ra chẳng liên quan gì với nhau?
Lời Chúa trong bài Tin Mừng mời gọi tôi trở lại chiêm ngắm cảnh hang Bê-lem, một cảnh tượng quá đơn sơ nhưng có điều gì đó cần phải được khám phá. Trong suốt những ngày này, Maria đã chẳng chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng các điều đó là gì? “Đến nơi, các mục đồng gặp bà Maria, ông Giu-se, cùng với Hài nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Tôi nhận ra cái diễm phúc lớn hơn hết của con người được cái đặc ân cưu mang trong lòng dạ chín tháng, sinh hạ, rồi ôm ẵm trên tay, cho bú mớm và nuôi dưỡng Hài Nhị nhỏ bé này chính là được trở thành nhân vật gần gũi, được chạm tới, được chiêm ngắm trực diện hơn ai hết một Thiên Chúa làm người để cứu độ, một Thiên Chúa đang tỏ hiện lòng từ bi thương xót của Ngài cách quá cụ thể và độc đáo. Không trách gì mà Maria đã “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Phải chăng khi nói ‘nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’, Đức Giêsu đã muốn ám chỉ điều này? Lời Thiên Chúa chắc hẳn không phải chỉ là một vài giáo điều luân lý hay một học thuyết cao siêu nào đó (như giới luật mến Chúa yêu người chẳng hạn), mà phải là điều mà, qua sự hiện diện trần thế trong hình hài một trẻ sơ sinh cũng như qua cái chết thập giá, Ngài đã và đang không ngừng nói lên: Thiên Chúa yêu thương con người! Rõ ràng là Maria đang ‘nghe’ điều này qua các diễn biến tuần tự xảy ra tại Bê-lem, và nghe cách chăm chú với tất cả cõi lòng của một phụ nữ làm mẹ, nghe với tất cả tâm trí của một nữ tì khiêm hạ, để khi có dịp sẽ cất lên thành bài ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng cứu độ tôi… Người đoái thương nhìn tới phận nữ tỳ hèn mọn…” (Lc 1:46-48)
Và Maria cũng đang ‘tuân giữ’, qua việc đón nhận cách trọn vẹn và tham gia cách tích cực, việc Thiên Chúa tỏ hiện lòng thương xót cứu độ của Ngài. Đón nhận nào sâu xa và trọn vẹn cho bằng với trọn cả tâm trì và cõi lòng: tâm trí Maria đã nhảy mừng và lòng dạ Maria đã cưu mang; và có tham gia nào thực tế cho bằng người mẹ đã cưu mang để đem tình thương cứu độ đó trao ban lại cho toàn thể nhân loại? Maria đã làm được điều đó và làm cách xuất sắc hơn hết thảy mọi người trong tư thế một người mẹ. Đức Giêsu có lẽ đã ám chỉ điều này khi Người lên tiếng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?… Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3:31-35). Được làm Mẹ Thiên Chúa sướng và hạnh phúc thật, nhưng với Giêsu và Maria, đó không phải là một địa vị, một đặc ân, nhưng là một tư thế trước Tin Mừng cứu độ. Và hình như Đức Giêsu cũng muốn mỗi người chúng ta tham gia vào cái ‘vinh dự’ đó thì phải, đơn giản là vì mỗi Kitô hữu đều phải có một tư thế của riêng của mình trước Tin Mừng cứu độ: mỗi người đều phải biết ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ của lòng thương xót theo cách thức của mình.
Tôi biết dòng Salêdiêng Don Bosco có tham vọng muốn các hội viên của mình phải trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình thương của Chúa đến cho các thanh thiếu niên’. Rõ ràng Tu Hội muốn họ trở thành ‘mẹ’ của các trẻ bị bỏ rơi, đồng thời cũng trở thành mẹ của Thiên Chúa nữa (theo định nghĩa ‘mẹ’ của Đức Giêsu). Có lẽ vì vậy mà nhà dòng muốn họ cùng Mẹ Phù Hộ đồng hành trên con đường ơn gọi chăng; không phải chỉ vì những trợ giúp đỡ nâng bên ngoài, nhưng nhất là trong nội dung của chính ơn gọi họ: cứu vớt các thanh thiếu niên. Và nếu tôi không lầm thì theo nội dung đó, Đức Giêsu còn muốn mọi Kitô hữu chúng ta, trong đó chắc chắn có cả tôi và bạn nữa, cùng trở thành ‘mẹ’ của Người. Phải chăng đó là ‘ý đồ’ của Người, khi trên thập giá Người đã trao phó nhân loại, qua đại diện là Gio-an, cho Maria và muốn chúng ta nhận người làm mẹ mình không? “Thưa bà, đây là con của bà… Đây là mẹ của anh!” (Ga 19:26-27)
Lạy Mẹ Maria – Mẹ Thiên Chúa, xin hãy giúp con biết như Mẹ ‘nghe và tuân giữ’ Lời Cứu Độ đầy từ tâm. Xin cho con khi mừng kính Mẹ dưới danh hiệu cao đẹp này, cũng được tham gia vào nghĩa vụ trở thành ‘mẹ của Đức Kitô’ cho những ai chưa được biết tới tình yêu thương của Chúa. Và cũng xin cho con trung thành với ơn gọi Kitô hữu và Sa-lê-diêng của con trong tất cả chiều kích sâu sắc nhất của nó. Amen.
Có một cô gái, sau khi tham dự một khóa tĩnh tâm, đã kể lại về đời mình như sau: Ngay từ hồi còn bé, tôi đã lâm vào một tình trạng lo âu sợ hãi. Cố gắng lớn lao nhất của tôi hiện nay là vượt thắng nỗi lo âu sợ hãi ấy. Tất cả đều do người mẹ.
Phải, ngay từ những thánh năm ấu thơ, không hiểu vì lý do gì, bà luôn đối xử với tôi một cách nghiệt ngã. Hết đánh đập lại đe loi, khiến tôi bị mặc cảm. Và nỗi lo âu sợ hãi cùng với thời gian cứ tăng lên mãi. Cho đến hôm rồi, sau khi nghe một bài giảng, tôi tình cờ bước vào nhà thờ. Ở đó có bức tượng Mẹ Maria, và đó là lần đầu tiên tôi nhìn ngắm bức tượng Mẹ thật kỹ.
Thoạt tiên, tôi bực bội, giận dữ muốn bỏ ngay ra ngoài, nhưng rồi một cái gì đó đã lôi kéo tôi đến quỳ dưới chân Mẹ. Úp mặt vào lòng bàn tay và tôi đã khóc. Sau đó, tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và mong ước được làm một đứa trẻ, một người con bé bỏng, đầy tin tưởng và phó thác. Đồng thời tôi cũng cảm nhận được tình yêu mà Mẹ Maria đã dành cho tôi, khiến tôi muốn thực sự tha thứ cho người mẹ ruột của tôi những gì đã xảy ra trong dĩ vãng.
Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào tâm tình của ngày lễ kính Mẹ Thiên Chúa và chúng ta sẽ suy nghĩ về hai điểm.
Điểm thứ nhất: Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà ngài còn là mẹ thật của mỗi người chúng ta nữa. Từ trời cao, Mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta trong mọi cảnh huống cuộc đời.
Điểm thứ hai: Đức Maria cũng chính là khuôn mẫu để chúng ta noi theo, nhất là về thái độ tín thác vào Chúa.
Thực vậy, khi sứ thần báo tin Mẹ sẽ sinh con bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, mặc dù biết rằng việc này có thể làm cho thánh Giuse buồn phiền và lo nghĩ, nhưng Mẹ vẫn vững tin và phó thác vào Chúa. Rồi khi nghe các mục đồng kể lại lời các thiên thần. Mặc dù không hiểu lắm, nhưng Mẹ vẫn tín thác vào Chúa. Khi nghe ông già Simeon nói tiên tri: Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu trái tim Bà. Lần này Mẹ Maria cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa lời tiên tri, nhưng Mẹ vẫn phó thác vào Chúa. Rồi khi tìm thấy Chúa và nghe Chúa trả lời: Mẹ không biết con phải lo việc Cha con sao? Một lần nữa Mẹ Maria chẳng hiểu gì cả nhưng Mẹ vẫn tin tưởng nơi Chúa.
Và ngày nay, Mẹ luôn sẵn sàng giúp chúng ta sống tin tưởng và phó thác vào tình thương của Chúa. Chẳng hạn là những bậc cha mẹ, chúng ta đã cặn kẽ dạy bảo, ra sức làm gương sáng mà con cái vẫn khô khan nguội lạnh ngang bướng Và như vậy, chỉ còn một phương cách là tiếp tục cầu nguyện và phó thác. Chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta làm điều này.
Là một thanh niên, chúng ta lo lắng về tương lai, không hiểu những dự tính của mình là gì và sẽ đi về đâu? Chúng ta đã bàn bạc, đã cầu nguyện mà sao vẫn còn mù mịt. Vậy thì hãy tiếp tục cầu nguyện và phó thác, chính Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta trong việc này.
Là một người đang chao đảo về đức tin với bao nhiêu những thắc mắc, những khó hiểu. Mặc dù đã cầu nguyện nhưng chúng ta vẫn hoài nghi liệu có Chúa hay không? Vậy thì hãy cầu nguyện và phó thác Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta thực hiện điều này.
Lạy Đức Maria, là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, xin hãy giúp con trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
7. Mẹ Thiên Chúa – Mẹ chúng ta – Anmai
Mở lại những trang thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Galát ta bắt gặp tâm tình hết sức dễ thương của Ngài.
Mở đầu thư, Thánh Phaolô khẳng định ngay: Tôi là Phaolô, Tông Đồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha, Đấng đã cho Người từ cõi chết trỗi dậy, tôi và mọi anh em đang ở với tôi, kính gửi các Hội Thánh miền Galát.
Cuộc đời, ơn gọi Tông Đồ của Phaolô rõ ràng như ta thấy đó, không phải tự loài người hay do loài người nhưng là bởi Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa là Cha.
Rõ ràng, sinh ra bởi phàm nhân, bởi cha bởi mẹ của Ngài nhưng thánh Phaolô quả quyết như thế bởi vì ngài tin như thế.
Và rồi, mở lại những trang Thánh Kinh Cựu Ước, ta không thể nào quên được hình ảnh của Ápraham – cha của những kẻ tin.
Ta biết Ápraham có hai người con. Hai người con, một người được sinh ra bởi người mẹ là người nô lệ còn người kia là người tự do. Con của người mẹ nô lệ thì sinh ra theo luật tự nhiên; còn con của người mẹ tự do thì sinh ra nhờ lời hứa. Câu chuyện đó ngụ ý rằng: hai người đàn bà là hai giao ước. Giao ước thứ nhất tại núi Sinai, thì sinh ra nô lệ: đó là Haga. Haga chỉ núi Sinai trong miền Ảrập, và tương đương với Giêrusalem, thành này cùng với các con đều là nô lệ. Còn Giêrusalem thượng giới thì tự do: đó là mẹ chúng ta.
Mẹ của lời hứa được Thiên Chúa tuyển chọn bởi tình thương của Ngài.
Con của lời hứa mà Thiên Chúa trong Cựu Ước là là con của Giao Ước cũ. Giao Ước mới là Đấng Cứu Độ trần gian được sinh ra trong cung lòng của một trinh nữ có tên là Maria.
Trong trình thuật tin mừng rất ngắn, Thánh Luca thuật lại cho ta rất chi tiết về người trinh nữ có tên là Maria đó: “Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. (Lc 2, 16)
Đích thị rằng Maria chính là Mẹ của Hài Nhi, Mẹ của Đấng Cứu Độ và cũng là Mẹ Thiên Chúa nhờ đặc ân mà Thiên Chúa trao ban cho Mẹ.
Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Con của Mẹ là Thiên Chúa. Mẹ chỉ là Mẹ trong trật tự sản sinh nhân loại, nhưng Con mà Mẹ thụ thai và hạ sinh là Thiên Chúa, nên Mẹ phải được gọi là Mẹ Thiên Chúa.
Tín lý này đã được thánh Luca minh hoạ rõ ràng trong trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe..
Từ thế kỷ II đã được các thánh Giáo phụ Inhaxiô Antiokia, Irênêô, Cyrillô Alexandria, Augustinô, Epiphanô diễn giải sâu rộng để đối phó với lạc thuyết của các bè rối Gnosticism, Docetism. Thánh Gioan Tông đồ loan báo chứng thực rõ ràng rằng ngài đã từng mắt thấy, tai nghe và đụng chạm tới Chúa Giêsu là Ngôi Lời hằng sống đã xuất hiện.
Trong khi đó các bè rối đó vẫn nói Chúa Giêsu chỉ là ảo tượng. Lạc thuyết này muốn phá đổ tự nền tảng công cuộc Cứu chuộc của Chúa Kitô. Vì thế, các Giáo phụ dựa trên tín lý phẩm chức Thiên mẫu của Mẹ Maria để phá tan lạc thuyết này rằng Đức Trinh Nữ không thể là Mẹ nếu không có Con. Và Người không có Con, nếu Chúa Giêsu chỉ là một bóng ma. Giáo phụ Tertulianô bác bỏ Marcion người lạc giáo: “Mục đích phủ nhận thân xác Chúa Kitô, ông chối bỏ việc Người sinh ra. Hay là để chối bỏ việc Người sinh ra, ông phủ nhận thân xác Chúa. Thân xác và sự đản sinh làm chứng lẫn nhau: Không có sự đản sinh thì cũng không có thân xác. Hoặc là không có thân xác thì không có sự đản sinh.
Thế kỷ III và thế kỷ IV, các thánh Giáo phụ đều đồng thanh cao rao chúc tụng Mẹ Thiên Chúa. Năm 325, Công đồng Nicêa I lên án lạc giáo Ariô, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt kinh Tin kính (gọi là kinh Tin kính Nicêa đọc trong thánh lễ). Tín điều này chứng minh Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, cùng với tín lý Mẹ Thiên Chúa của các thánh Giáo phụ sẽ mở đường cho tín điều Mẹ Thiên Chúa của Công đồng Ephêsô sau này.
Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa … Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội. Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Chúa Kitô”.
Nhờ Giáo huấn của Giáo Hội và lời giảng dạy của các Thánh giáo phụ, các Thánh tiến sĩ và các nhà thần học, giáo dân trong khắp Giáo Hội mỗi ngày thêm vững tin tín điều Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ Thiên Chúa là Mẹ của Lời Hứa, Mẹ của Giao Ước mới, Mẹ của Ơn Cứu Độ trần gian mà Thiên Chúa đã hứa, đã trao ban cho con người tự ngàn xưa qua miệng các ngôn sứ, cách riêng qua những khẳng định của các thánh, đặc biệt nơi các thánh tông đồ.
Thánh Phao lô đã khẳng định với ta về Giao Ước mới: Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.
Không chỉ ở đây, trong nhiều đoạn thư, thánh Phaolô cũng đã khẳng định về ơn nghĩa tử mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta:
“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô”. (Ep 1, 4-5)
“Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc”. (Rm 8, 29. 29)
Trước khi tạo thành vũ trụ, Cha đã tiền định cho chúng con làm “nghĩa tử”. Nhưng Cha không muốn chúng con chỉ hưởng quyền đồng thừa kế với Đức Giê-su (Rm 8, 17) mà còn muốn chúng con nên giống Cha (Ep 1, 4), nên đồng hình đồng dạng với Người Con Ruột của Cha (Rm 8, 29)
“Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử, nhờ Đức Giêsu Kitô. Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”. (Ep 1, 4-6)
Ta thấy Thánh Gioan tông đồ cũng đã khẳng định về ân huệ làm con mà Thiên Chúa dành cho chúng ta:
“Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa”. (Ga 1, 12.13)
“Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biêt chúng ta, là vì thế gian đã không biêt Người. Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biêt rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy”. (1 Ga 3, 1-2).
Trước khi có trời đất này Cha đã chọn ta để ta trở nên tinh tuyền thánh thiện. Trước khi ta có mặt trên hành tinh này, Cha đã tiền định cho ta làm con Cha. Cho nên không phải vì ta có công trạng gì mà Cha thương ta. Cha yêu ta chỉ do lòng nhân ái của Cha, chỉ do tình thương nhưng không của Cha, bởi vì Cha là tình yêu. Cha thương ta bởi vì ta ở trong người Con Chí Ái là Đức Kitô. Vì Cha thương ta mà ta trở thành quý giá trước mặt Cha.
Ân huệ lớn nhất đời của ta phải chăng đó là được làm con của Mẹ Maria, là em của anh Hai Giêsu ?
Theo Gioan, chúng ta được làm con em Chúa Giêsu, là con của Mẹ Maria thì ta phải tin (Ga 1, 12) và phải yêu (1 Ga 4, 7).
Nhìn lại cuộc đời của Mẹ Maria ngày hôm nay mà ta tôn kính với đặc ân mà Thiên Chúa ban cho Mẹ – như Giáo Hội cũng như các môn đệ đã xác tín – chúng ta lại thấy rằng cả cuộc đời của Mẹ vẫn gói ghém trong niềm tin và tình yêu với Thiên Chúa. Mẹ tin yêu Chúa bằng cả cuộc đời, bằng cả tấm lòng, bằng cả con người, bằng cả tâm hồn của mẹ.
Trang Tin Mừng rất ngắn Thánh Luca điểm lại cho ta về Mẹ rất độc đáo, rất dễ thương và cũng rất đáng để ta suy nghĩ: còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Và, cả cuộc đời, Mẹ sống trong lắng đọng để Mẹ suy đi nghĩ lại tình yêu, lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho Mẹ để Mẹ được ơn là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Đấng Cứu Độ.
Ngày hôm nay, Mừng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta lại được mời gọi nhìn lại đời ta. Ta được Thiên Chúa trao ban ân huệ làm con của Lời Hứa, của Đấng Cứu Độ trần gian và là em của anh Trưởng Giêsu. Mẹ Maria dù được là Mẹ Thiên Chúa đó nhưng Mẹ
“Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Mẹ Maria khiêm hạ, lắng đọng để tin yêu và phó thác cuộc đời trong tay Chúa dù Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa, Mẹ của Ơn Cứu Độ.
Chúng ta là nghĩa tử của anh Trưởng Giêsu, cũng là con của Mẹ Maria.
Người ta vẫn thường nói: “Mẹ nào con nấy !”. Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của ta đó luôn suy niệm Lời Chúa, suy niệm tình thương mà Thiên Chúa tuôn đổ trên Mẹ. Dù ai nói ngả nói nghiêng và thậm chí chà đạp, phỉ báng Mẹ, chê cười nhưng Mẹ vẫn lặng lẽ để suy đi nghĩ lại tình thương và ân huệ của Chúa dành cho Mẹ. Ta có suy đi nghĩ lại trong lòng ân huệ, tình thương mà Thiên Chúa trao ban cho ta hay không ?
Khi ta ồn ào náo động, khi ta hơn thua tranh giành, khi ta bấu víu vào thế gian cũng là khi ta không nhận ra Ơn Cứu Độ, không nhận ra Thiên Chúa là Chúa và là Chủ của cuộc đời ta. Khi ấy, ta cũng chẳng là con của Mẹ.
Ta vẫn gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ta vẫn nói Mẹ là Mẹ của ta nhưng để lời gọi, lời nói, lời tuyên tín đó được trọn hảo, được thể hiện bằng cách ta sống tâm tình mà Mẹ đã sống đó là suy đi nghĩ lại ân huệ, tình thương mà Thiên Chúa trao ban cho ta.
Xin Mẹ thêm ơn cho ta để ta cũng biết sống giữa cuộc đời đầy bon chen, sóng gió này mà lòng vẫn bình tâm để lặng lẽ, để suy đi nghĩ lại ân huệ Chúa ban cho ta như Mẹ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam