Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 65

Tổng truy cập: 1361361

NƯỚC TRỜI TRONG TA

NƯỚC TRỜI TRONG TA

Anna Cỏ may

Một màu lúa chín vàng lùa theo làn gió dưới ánh nắng chói chang. Những hạt lúa trĩu nặng đu đưa. Thấp thoáng những cây cỏ dại vươn mình phơi phới. Nhưng rồi đến ngày thu hoạch, những cây cỏ dại lại bị con người loại bỏ. Và đây cũng là điều mà Chúa Giêsu cũng muốn nói qua dụ ngôn “Cỏ lùng”.

Dụ ngôn “Cỏ lùng” tiếp nối cho dụ ngôn “Người gieo giống”. Ngài nói: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống trong ruộng mình” (Mt 13, 24-26). Cỏ lùng hay còn gọi là cỏ dại, là thứ cỏ mà người nông dân phải tốn hao sức lực và mất thời gian để diệt nó. Có lọai thân hình tựa như cây lúa khiến cho người nông dân rất khó nhận ra. Có loại cỏ thì khác cây lúa nên dễ nhận biết. Và chúng đã lấy hết các chất dinh dưỡng của cây. Vì thế, mọi người ngày đêm tìm cách để diệt nó. Nào là nhổ đi, hay xịt thuốc… Nhưng rồi, đến mùa thu hoạch chúng vẫn còn. Còn những cây lúa thì phải chịu đau, chịu xây xát. Như vậy, chỉ còn cách là để đến ngày thu hoạch mới diệt được tận gốc. Và Chúa Giêsu đã ví Nước Trời như vậy.

Sau khi nghe dụ ngôn, các môn đệ chưa hiểu Thầy nói. Cho nên, các ông liền đi gặp riêng Thầy để hỏi. Thấy các môn đệ tha thiết hỏi, Thầy nói: “Ruộng là thế gian, kẻ gieo hạt giống tốt là con người, người gieo cỏ lùng là Ác Thần. Mùa gặt là ngày tận thế, thợ gặt là các Thiên Thần.”(Mt 13, 37-39). Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta rằng: Nước Trời ở thế gian có sự lành và sự dữ lẫn lộn, người lành sống chung với kẻ dữ, mọi người khó mà phân biệt. Như vậy, Nước Trời cũng là nơi để tập họp nhiều thành phần trong xã hội và cùng hướng về một mục đích. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói với các Biệt Phái rằng: “Nước Trời ở giữa các ông” (Lc 17, 21).

Khi nghe điều ấy, có lẽ chúng ta có một cái nhìn gì đó về Nước Trời. Có khi chúng ta đang hoang mang, có cảm giác sợ. Nhưng may mắn thay, Chúa Giêsu cho chúng ta nghe xen lẫn hai dụ ngôn về sự phát triển vững mạnh của Nước Trời. Dụ ngôn “Hạt cải” và dụ ngôn “Nắm men”.

Dụ ngôn “Hạt cải”, cho chúng ta nghĩ đến loại rau mình ăn hằng ngày. Chúng ta sẽ có phản ứng không đồng ý với Lời Chúa. Thực ra loại hạt cải này chính là giống cải ở Giêrusalem. Chúng rất nhỏ và có màu đen. Nhưng khi được gieo xuống đất, nó mọc lên rất to và cao đến hai thước. Vì thế, Chúa Giêsu đã nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải nọ lấy gieo trong ruộng mình” (Mt 13, 31-32). Ngài có ý nói rằng: Nước của Ngài thành lập khởi đầu trong âm thầm, bé nhỏ như hạt cải, nhưng sẽ vươn lên tươi tốt và mạnh mẽ. Thưở xưa, những môn đệ của Ngài là những người ngư phủ và thấp hèn. Trước khi về Trời, Ngài đã quy tụ và sai các ông đi rao giảng. Từ đó Giáo Hội bắt đầu lan rộng trên khắp thế giới.

Còn dụ ngôn “Nắm men” cho chúng ta thấy ơn Chúa hoạt động trong các linh hồn. “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy chôn vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” (Mt 13, 33). Vậy, phải chăng Nước Trời cũng ở trong tâm hồn chúng ta nữa? Thật là mầu nhiệm.

Hai dụ ngôn mặc dù nói về sự phát triển của Nước Trời, nhưng sự phát triển ấy cũng cần thời gian, cần sức chịu đựng, nhẫn nại và sự hợp tác của chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta hãy cộng tác trong sự tin tưởng, phó thác và luôn lắng nghe, làm theo Lời Ngài dạy. Nhờ đó, chúng ta mới hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, những dụ ngôn của Ngài thật đi sát với đời sống của chúng con. Nhưng vì chúng con chưa ý thức, chưa yêu đủ, chúng con còn mải mê những chuyện vô bổ mà quên đi hạnh phúc Nước Trời. Xin Chúa hãy tiếp tục kiên nhẫn đánh thức chúng con, để chúng con hằng ngày được Lời chạm đến và tỉnh thức hơn về cuộc sống vĩnh cửu là Nước Trời mai sau. Amen.

.

                                                          KIÊN NHẪN VÀ CHỜ ĐỢI

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Thường chúng ta sống ở trần gian này luôn có sự lành, sự dữ, luôn có thiện, có dữ. Lành dữ luôn xen lẫn với nhau.Thiên Chúa có người cho rằng Ngài là Đấng ở trên cao luôn khắt khe xét xử con người. Tuy nhiên, Đạo Công Giáo do Chúa Giêsu thiết lập là Đạo tình thương và tha thứ. Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là tình yêu. Bài dụ ngôn lúa và cỏ lùng mà Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay trinh bày, muốn nhắc lại cho chúng ta về Thiên Chúa tình yêu và tha thứ. Dụ ngôn là câu trả lời thật công minh, rõ ràng, dứt khoát của Chúa Giêsu trước sự chai lì, cứng cổ của dân Chúa và đây cũng là câu giải đáp của Chúa Giêsu trước những thắc mắc thường xuyên của các môn đệ :” tại sao Chúa không trừng phạt nhãn tiền những kẻ làm điều gian ác ? “.

Hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra trong dụ ngôn này :” lúa luôn luôn là lúa, không bao giờ lúa có thể biến thành cỏ dại. Còn cỏ lùng tự bản chất của nó là cỏ dại, cỏ xấu, nên muôn đời nó vẫn là cỏ xấu, nó không thể nào trở thành lúa tốt được. Nơi bản thân con người cũng có hai mãnh lực khác nhau : thiện ác xen lẫn nhau như lúa và cỏ lùng trong một thửa ruộng. Đối với con người Thiên Chúa dựng nên bản chất là tốt, tuy nhiên khi lớn lên có thể mắc phải những thói hư, tật xấu. Nhưng với ơn Chúa giúp con người có thể trở nên tốt và tốt hơn, khác hoàn toàn với lúa và cỏ lùng. Dụ ngôn cỏ lùng và lúa nói lên sự chậm giận, kiên nhẫn, chờ đợi người tội lỗi quay trở về. Vua Đavít đã cho thấy :” Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giầu tình thương “ ( Tv 102,8 ). Thiên Chúa luôn nhẫn nại, chờ đợi bởi vì trước ruộng lúa xanh tươi, nhưng lại có nhiều cỏ lùng đan xen, ông chủ thật sự rất kiên nhẫn trước sự đề nghị của các đầy tớ :” Ông có muốn chúng tôi ra đi nhổ cỏ lùng không ? “, ông chủ đã không nao núng, xôn xao mà ôn tồn trả lời :” Cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt ! “. Ông chủ đã kiên nhẫn, đợi chờ cho đến khi lúa chín vàng, đến mùa gặt, rồi khi gặt ông mới tách lúa ra một nợi và tiêu diệt cỏ lùng. 

Ông chủ trong dụ ngôn này giống như Thiên Chúa từ nhân và hay tha thứ. Trước một thế giới có muôn hình vạn trạng lành dữ, tốt xấu, thiện ác. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, đợi chờ đến ngày tận thế, Ngài mới phân biệt người lành, kẻ dữ, như chiên và dê trong đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 25, 1tt…nói về ngày chung thẩm. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi như xưa dân Do Thái cứng đầu cứng cổ, bướng bỉnh phản nghịch lại Ngài, tuy nhiên Ngài luôn cho họ cơ hội để ăn năn, sám hối và trở về với Ngài…Vâng, lúc nào, nơi nào và muôn thời Thiên Chúa luôn nhẫn nại, trung kiên đợi chờ và cho con người nhiều cơ hội để biến đổi nhờ ơn sủng của Chúa và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần để họ cũng được hưởng nước trời…Chúa không dung tha tội ác nào, Ngài lên án gắt gao thói giả hình của Pharisêu, Biệt phái và con người, nhưng Ngài lại khoan dung, cảm thông và tha thứ cho những người yếu đuối tội lỗi ăn năn sám hối, trở lại : một phụ nữ ngoại tình, một Maria Magđala, một Gia Kêu, một người trộm lành hay một Phêrô chối Chúa…Ngài cảm thông, tha thứ cho họ vì họ có lòng ăn năn hối cải vv…Ngài cảm thông đối với những người yếu đuối, nhưng còn tha thứ cho chinh những kẻ hành hạ, giết Ngài.

Chúa Giêsu là mẫu gương tuyệt vời của người Cha nhân hậu đón người con út trở về và tha thứ tất cả cho cậu. Chúa hiền lành đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc vv và vv…Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra con Người hiền lành, khiêm nhượng và nhân hậu của Ngài. Tha thứ là vẻ đẹp cao quí nhất của Chúa nhưng cũng là vẻ đẹp tuyệt vời của tâm hồn của mỗi người. Tha thứ là một điều khó nhưng không phải không thực hiện được. Chúng ta cầu xin cho mỗi người chúng ta biết sống ơn tha thứ và mau mắn tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết sống khoan dung, cảm thông, nhân hậu và tha thứ như Chúa đã dạy và đã sống. Xin Chúa cho chúng con hiểu được lời Chúa qua miệng ngơn sứ Êdêkiên :” Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó thay đổi để được sống “ ( Ed 33,11 ).Amen.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Lúa và cỏ lùng là gì ?
2.Tại sao ông chủ lại nói :” Cứ để cỏ lùng và lúa mọc lên “ ?
3.Thái độ của các đầy tớ trong dụ ngôn lúa và cỏ lùng thế nào ?
4.Ông chủ là ai ?
5.Chúa khuyên chúng ta điều gì ?
6.Kinh nào giúp chúng ta cảm nhận được sự tha thứ của Chúa ?

.

                                            NƯỚC TRỜI ĐƯỢC VÍ NHƯ CHUYỆN…

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Đoạn Tin Mừng dài hôm nay chỉ có một chủ đề duy nhất: qua một số hình ảnh dễ hiểu, Nước Trời được Đức Giê-su phác lên những nét đặc thù, mà thoạt nhìn xem ra rời rạc, nhưng nếu nhìn thật kĩ, ta mới thấy chúng bổ sung cho nhau cách hết sức chặt chẽ. Vì thế, để có thể hiểu sâu rộng hơn về các dụ ngôn này, tôi thiết nghĩ cần phải đầu tư thêm đội chút suy nghĩ nữa.

Hai dụ ngôn đầu chẳng hạn, được nhiều người giải thích như sau: sức mạnh của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng lại mọc thành cây lớn, như dúm men ít ỏi mà làm cho cả ba thúng bột dậy men, vì đó là sức mạnh của chân thiện mỹ, mà chân thiện mỹ thì không gì có thể cưỡng lại được. Giải thích như vậy thật có lý, nhưng chỉ mới dựa trên lý luận lô-gích về mặt lý thuyết; thực tế cho thấy: ngay cả giữa các tu sĩ, nhiều người còn nghi ngại về sức mạnh của gương mù gương xấu hơn là tin tưởng vào sức mạnh của gương lành hay nhân đức. Ngay cả Hội Thánh, tuy rất tự hào về các chân lý mình sở đắc nhưng nhiều khi vẫn run sợ, lép vế trước các thói đời, lạc thuyết… Vậy thì, trong suy nghĩ của Đức Giê-su, sức mạnh vô địch của Nước Trời hệ tại điều gì? Chắc chắn phải hệ tại ở điều gì khác xa thứ lô-gic thông thường lắm!

Còn dụ ngôn thứ ba thì được Đức Giê-su kể, rồi sau đó lại được chính Người giải thích, nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ. Nhiều người cho rằng, dụ ngôn này nói về tình trạng chịu vậy của người lành phải sống chung với kẻ dữ chờ ngày phán xét. Nếu quả thật là như thế thì, xem ra ý nghĩa của nó đi ngược hẳn tới độ, gần như triệt tiêu luôn hai dụ ngôn trước. Chắc chắn không thể thế được! Hơn nữa như nhiều người chúng ta vẫn hiểu: Đức Giê-su đang ví von Nước Trời giống như… hạt cải, nhúm men…, thậm chí nhiều cuốn Kinh Thánh còn đặt tiêu đề ‘dụ ngôn cỏ lùng’ dễ gây hiểu lầm: ‘Nước Trời giống như cỏ lùng’. Thực ra các dụ ngôn trên đều là các câu chuyện, và ở đây Nước Trời được ví như ba hành động chứ không phải ba vật thể; riêng dụ ngôn thứ ba (lúa tốt và cỏ lùng) Nước Trời được ví với thái độ của chủ ruộng: ông chấp nhận tình trạng sống chung tốt xấu vì một mục đích nào đó cao cả hơn nhiều. Nếu ta đọc cả ba dụ ngôn, và hiểu là ba hành động trong thế liên hoàn, và ta sẽ thấy ý nghĩa của chúng hiện ra rõ hơn; tôi xin phép thử suy diễn như sau:

Nước trời chính là lòng từ nhân của Thiên Chúa, và là một thực tại mà trong đó lòng thương xót của Người ngự trị và hành động; lòng nhân này hầu như chấp nhận, và thực tế còn như ‘mong’ cho có sự dữ, ‘đòi’ phải có sự tội trên trần gian này, mọi nơi và mọi thời đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời tu… và đương nhiên nơi từng tâm hồn…) Felix culpa (tội hồng phúc) mà Thánh Âu-tinh nghiệm ra là thế đấy: ‘Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!’ Yếu đuối và tội lỗi không hề làm cho tình yêu thương xót bị giảm sút hay thu hẹp chút nào. Thoạt nhìn, lòng nhân ái có vẻ như âm thầm và rất mực khiêm tốn, thế nhưng trước tội lỗi và sự dữ, hình như nó lại càng lớn mạnh và bùng nổ mạnh mẽ hơn: ‘Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải (nhỏ bé) người nọ lấy gieo trong ruộng mình…như nắm men vùi vào ba thúng bột…’; và cũng chính trong cái môi trường tội lỗi và thấp kém đó (thửa đất đen hay mấy thúng bột chai lì) mà lòng thương xót càng chứng tỏ được sức mạnh cải tạo và biến đổi vô địch của nó, ‘cho đến khi tất cả bột dậy men’.

Lấy trường hợp thầy thuốc để minh họa, một hình ảnh mà Đức Giê-su rất hay sử dụng để nói về mình: nghề của thầy thuốc rất cần…, tới độ đôi khi gần như ‘đòi’ phải có người đau yếu bệnh tật. Người ta không gởi bác sĩ tới một nơi toàn những người khỏe mạnh, lành lặn, trái lại con bệnh càng nhiều với những chứng bệnh càng hiểm nghèo thì tay nghề của bác sĩ, không những không mai một, mà ngược lại còn phát huy và nổi danh hơn. Cũng vậy, một bác sĩ giỏi được gởi tới bệnh viện là để chữa cho thật nhiều bệnh nhân, nhất là những con bệnh nặng nhất, và ông phải ở lại đó… cho tới khi tất cả bệnh nhân hoàn toàn bình phục trước khi có thể về nhà. Nước Trời của Đức Ki-tô là như thế đó, và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cũng là như thế đó!

Cụ thể hơn, ta thử nhìn vào trường hợp cha sở họ Ars – thánh Gio-an Ma-ri-a Vianey; một hình ảnh mà tôi đã nhiều lần chiêm ngắm trong sứ vụ linh mục của mình. Sứ mệnh mục tử tìm chiên lạc của ngài gần như đòi ngài phải được phái tới một họ đạo hẻo lánh, khô khan, nguội lạnh như cái họ đạo Ars xa xôi; và cũng chính vì được gởi tới cái họ đạo tội lỗi bê tha đó mà, từ một linh mục tầm thường vô danh Gio-an Ma-ri-a đã trở nên lừng danh thánh thiện; và vì ngài đã trung thành ở lại phục vụ chứ không trốn chạy (như đã có lần ngài muốn làm vì nản chí) mà họ đạo Ars và cả vùng lân cận dần dần được cải hóa. Có như thế, Jean Marie Vianey mới nối bước theo chân Thầy Giê-su, mới xứng danh là linh mục của Nước Trời, linh mục của Thầy Giê-su cứu độ, linh mục của Thiên Chúa nhân hậu và xót thương.

Tôi cũng không thể khác hơn! Chính vì muốn trở nên một linh mục (hay Ki-tô hữu) của Nước Trời mà tôi phải chấp nhận, và vui sướng được, sống giữa một trần gian tội lỗi, hầu nhiều người có thể nhận ra rằng: ‘Nước Trời đang ở giữa anh em’.

Lạy Thiên Chúa là chủ của Nước Trời đang được thể hiện nơi trần gian, xin biến đổi con nên linh mục của Nước Trời, để con không phàn nàn kêu trách tội lỗi của người đời, không khó chịu chán nản trước các lầm lỗi của chính con, cũng như của giáo dân con chăm sóc. Ngược lại, xin cho con biết dâng lời cảm tạ vì nhờ đó con càng được đồng hành với lòng thương xót Chúa hơn, được tiến bộ và lớn mạnh lên trong sức mạnh yêu thương, và được tham gia vào hiệu năng cải hóa và biến đổi, mà chỉ có lòng thương xót của Thập Giá mới có thể mang lại.

home Mục lục Lưu trữ