Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 76

Tổng truy cập: 1358436

ƠN GỌI YÊU THƯƠNG PHỤC VỤ

Ơn Gọi Yêu Thương - Phục Vụ

 

Theo đoạn Phúc Âm Thánh Marcô mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu hai lần lên tiếng gọi “Hãy theo Thầy”, ngay lập tức, hai cặp đôi anh em (bốn người) bỏ nghề đánh cá, xin đi theo và làm môn đệ cho Thầy Giêsu. Đó là Anrê - Simon và Giacôbê - Gioan.

Diễn tiến của câu chuyện khá là “bất ngờ”, diễn ra rất nhanh, khiến cho nhiều người phải thắc mắc rằng: Không biết trong “tiếng gọi” của Chúa Giêsu, có cái gì hấp dẫn, mà các Tông đồ phải bỏ nghề nghiệp, bỏ gia đình, thậm chí bỏ cả cha mẹ của mình, mà đi theo nhỉ?

Thực ra, nếu tinh ý một chút, ta sẽ nhận ra được một điều thú vị theo sau tiếng Chúa kêu gọi. Đó là “một lời Chúa hứa” khá hấp dẫn đối với tính tò mò của các môn đệ. Chúa hứa thế này: “Anh em hãy theo Ta, rồi Ta sẽ làm cho anh em trở thành những kẻ lưới người như lưới cá!” (Mc 1,17)

Kính thưa anh chị em,

“Lưới người như lưới cá”. Ở đây Chúa dùng hình ảnh quen thuộc, khá “bình dân”, để diễn tả cho các Tông đồ dễ hiểu, bởi vì trình độ học vấn của các ngài “không được cao lắm”. Theo lời nhận định của Thánh Josemaría Escrivá: “Các Tông đồ vừa nghèo, lại vừa kém hiểu biết. Thế nhưng, Chúa đã kêu gọi họ trở thành chứng nhân của Ngài cho toàn thể nhân loại.

“Lưới người như lưới cá”. Có thể hiểu đơn giản là: Thả lưới “thu hoạch” cá thế nào, thì đi theo Chúa, là dùng “khả năng Chúa ban” (lưới) để “thuyết phục” (thu hoạch) người khác về với Chúa, giống y như là đi đánh bắt cá vậy.

Hơn nữa, việc “lưới người” ở đây, được hiểu theo nghĩa rộng. Tức là Chúa Giêsu muốn mời các Tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng và quy tụ mọi người về một đàn chiên duy nhất là Giáo hội và một chủ chiên duy nhất là Chúa Giêsu Kitô. Cho nên, “Đi theo Chúa, chài lưới người”, đồng nghĩa với việc mở mang nước Chúa”, như lời Chúa mời gọi: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy.” (Mt 28, 19).

Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa. Nghĩa là việc loan báo Tin Mừng luôn có chiều hướng “mở ra” và mang tính “phổ quát”, vì ai cũng có thể “tin” Chúa, rồi tiếp tục truyền “niềm tin” ấy cho những người xung quanh.

Nói đến đây, xin mời cộng đoàn cùng nghe câu chuyện “Truyền giáo”, đầy hy sinh của một đôi vợ chồng người Tây Ban Nha với 5 đứa con nhỏ.

Anh chị Pablo-Maria: là thành viên của Phong Trào “Con đường Tân Dự Tòng”, do ông Arguello thành lập vào năm 1964, tại Tây Ban Nha. Phong trào truyền giáo này rất được các Đức Giáo Hoàng ủng hộ và khuyến khích. Bởi vì, mục đích của Phong trào là kêu gọi người Công giáo là hãy biết truyền giáo bằng đời sống chứng nhân của mình.

Điều đáng nói và và rất khâm phục ở đây là: Gia đình anh chị này đang có một cuộc sống rất ổng định tại Tây Ban Nha (nếu không muốn nói đây là gia đình có điều kiện), nhưng họ lại quyết định: từ bỏ cuộc sống nhàn hạ để định cư ở Tan-za-ni-a (một đất nước rất nghèo) ở Châu Phi, để truyền giáo, quả là một sự dũng cảm, đáng nể.

Chị Maria chia sẻ: “Tôi đã nghe tiếng Chúa nói với tôi rằng là đừng giữ cho riêng mình bất cứ một thứ gì, hãy phó thác trọn vẹn cuộc đời cho Chúa và hãy đi làm chứng nhân cho Chúa”.

Chị nói: Lúc đầu, tôi cảm thấy hoang mang, lo lắng lắm. Tôi không dám kể lại chuyện đó cho chồng nghe. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi quyết định tâm sự cho chồng biết rõ về tiếng gọi huyền nhiệm của Chúa.

Thế là, hai vợ chồng trao đổi và bàn bạc với nhau, rồi cả hai quyết định: Đưa con cái sang Châu Phi sinh sống và truyền giáo.

Cuộc sống ở Tan-za-ni-a, mỗi buổi sáng, cả năm đứa con của anh chị được các sơ dạy học ở trường dòng thánh Agustinô. Các em học tiếng địa phương, rồi dần dần thích nghi với cuộc sống ở đây, có nhiều bạn bè và được người dân địa phương thương mến.

Năm 2019, Tòa Thánh Vatican đã gởi 56.000 USD đến giáo phận Arusha (Tan-za-ni-a), nơi 2 vợ chồng chị đang sống, để hỗ trợ các hoạt động truyền giáo, đặc biệt là việc đào tạo các giáo lý viên ở đây.

Số tiền nói trên là phần “quyên góp” vào ngày lễ Chúa nhật Truyền giáo của người Công giáo ở khắp nơi trên thế giới, gửi về Tòa Thánh, để chi cho việc truyền giáo.

Tan-za-ni-a sau 16 năm được sự hổ trợ tích cực, nên việc truyền giáo rất phát triển. Số lượng các Giáo xứ tăng từ 17 lên 39 giáo xứ. Số Trường học Công giáo tăng từ 1 lên đến 281 trường. Ðiều quan trọng nhất là số người theo đạo tăng từ 1.926 lên đến 46.500 người.

Trong niềm vui phục vụ, vào ngày 18/10/2020, ngày “Khánh Nhật Truyền Giáo”, anh Pablo đã chia sẻ lên Facebook rằng: “Tôi muốn mọi người biết về tầm quan trọng trong việc truyền giáo của Giáo hội. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn, để rao giảng Tin Mừng. Ðể thực hiện công việc truyền giáo, Ngài yêu cầu mọi người giúp đỡ người khác trong khả năng của mình. Ðiều quan trọng nhất là “hiệp nhất cầu nguyện”.

Hy vọng những bước chân hy sinh của những người truyền giáo, ghi lại trong ký ức của mỗi người chúng ta, những câu chuyện hay, những hình ảnh đẹp về ơn gọi “theo Chúa”, để mỗi người chúng ta, dù có ở tại chỗ, nhưng vẫn  tìm được cho mình một “cách sống tốt” bằng việc dấn thân phục vụ trong cuộc sống hằng ngày. Đó là cách đáp lại tiếng Chúa mời gọi “Hãy theo Thầy.”

Lạy Chúa, xin Chúa cho chúng con biết dấn thân phục vụ Chúa, biết yêu thương phục vụ những người xung quanh, vì tin rằng: khi sống tinh thần phục vụ là chúng con đang làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời, đi đúng con đường Chúa mời gọi, là con đường: “Yêu thương và Phục vụ.” Amen.




Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa kêu gọi 4 môn đệ đầu tiên, nhưng Chúa kêu gọi các môn đệ để làm gì? Thưa như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Nói một cách cụ thể, đó là các môn đệ tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu, ra đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối như lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu: “Thời kỳ đã mãn, và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nhưng vấn đề đặt ra là để có thể ra đi rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối thì chúng ta phải làm gì?

Trong bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giôna, chúng ta biết Giôna cũng được Thiên Chúa kêu gọi đến thành Ninive để nói cho dân thành phải lo ăn năn sám hối. Ban đầu ông chối từ không chịu đi, bởi vì ông sợ người ta ăn năn sám hối trở lại sẽ được Chúa tha.

Và thật sự như vậy, qua các biến cố mà Chúa làm nơi ông Giôna, Chúa buộc ông phải đi đến Ninive rao giảng, nên ông đã đi đến Ninive để rao giảng kêu gọi người dân ở đây ăn năn sám hối, và thật sự họ đã năn năn sám hối: “Dân Ni-ni-vê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro. Vua cho rao tại Ni-ni-vê: “Do sắc chỉ của đức vua và các quan đại thần, người và súc vật, bò bê và chiên dê không được nếm bất cứ cái gì, không được ăn cỏ, không được uống nước. Người và súc vật phải khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình. Biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại, chẳng bỏ ý định giáng phạt, và nguôi cơn thịnh nộ, khiến chúng ta khỏi phải chết.” Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 5-10).

Chính vì thế, sau đó Giona đã nổi giận với Chúa, ông nói với Chúa: “Ôi, lạy ĐỨC CHÚA, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!” ĐỨC CHÚA hỏi ông: “Ngươi nổi giận như thế có lý không?” Ông Giô-na ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông Giô-na để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông Giô-na vui, vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Giô-na; ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: “Thà tôi chết còn hơn là sống.” Thiên Chúa hỏi ông Giô-na: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không?” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!” ĐỨC CHÚA phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Gn 4,2-11).

Ngược lại với hình ảnh của Giona chúng ta thấy có hình ảnh của Apraham, ông không ghen tỵ khi Chúa tha thứ cho người khác, mà ông lại là người đã đi trả giá với Chúa, ông trả giá từ 50 người công chính xuống còn 10 người công chính, nếu tìm được thì xin Chúa đừng phá hủy thành Xơđơm (x. St 18, 23,32).

Như thế, để có thể ra đi kêu gọi người ta ăn năn sám hối mỗi người chúng ta được mời gọi phải có lòng thương xót như Chúa, phải biết đồng cảm với những đau khổ của người khác. Mà để có được lòng thương xót, để có được sự đồng cảm với những nỗi đau khổ của người khác, chính chúng ta phải có kinh nghiệm của đau khổ, của tội lỗi, như cách mà Chúa đã dùng để hoán cải Giôna.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để nhận ra mình là kẻ tội lỗi, nhận ra mình cũng là kẻ đáng thương, để chúng ta có thể đồng cảm với người khác, để có thể mạnh dạng đến với những người tội lỗi khác, kêu gọi họ ăn năn sám hối, cũng như dẹp bỏ được lòng ghen tỵ với người khác khi thấy Chúa tha thứ cho kẻ có tội. Amen.




Lm. Francis Xavier Nguyễn Văn Thượng

Nếu Tin Mừng Mac-cô là một vở nhạc kịch, thì 13 câu đầu tiên giống như khúc dạo đầu.  Khi chúng ta đến câu 14, bức màn sắp được vén lên, chúng ta được xem những phân cảnh mở là xứ Ga-li-lê.  Chúng ta không được Mac-cô đưa tới một thành phố lớn hơn như Giê-ru-sa-lem. Chỉ một thành phố nhỏ cổ xưa. Điều này làm tôi nhớ đến một cảnh trong bộ phim kinh điển “The Philadelphia Story”, trong đó Katherine Hepburn đóng vai Tracy Lord tinh tế ở Bờ Đông kiêu kỳ.  Tại một thời điểm, cô gặp một phụ nữ trẻ nghiêm túc, người nói với Tracy rằng cô đến từ Minnesota.  Với giọng điệu khinh miệt, nếu không muốn nói là mơ hồ chán nản, Tracy nói với người phụ nữ, "Ah, vâng, Minnesota. Thật tuyệt. Đó là phía tây của nơi nào đó ở đây, phải không?" Nói cách khác, "cô đến từ nơi không tên, phải không, bạn thân mến?"  Hoặc ít nhất là một góc địa lý nhỏ bị lãng quên.  Đó là cũng là phản ứng thời Chúa Giê-su khi người ta nói về Ga-li-lê.  Đó không phải phân cảnh được mong đợi với một loạt sự kiện tuyệt vời sẽ diễn ra.  Nhưng khi bức màn được vén lên, giữa phân đoạn sáng rực của sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su, với nội dung giống hệt những trang đầu sứ vụ Gioan Tẩy Giả: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Chúng ta đã nghe điều này trước đây.  Đó là thông điệp của Gioan trước khi Chúa Giê-su xuất hiện. Triều Đại Thiên Chúa mà chúng ta được cho biết đã gần kề. 

Nhưng Mác-cô không cho chúng ta cơ hội để suy ngẫm về điều đó chừng nào câu chuyện còn đi thẳng đến bờ Biển Ga-li-lê.  Tuy nhiên, thương số kịch tính của tất cả hầu như không được tăng cường khi Chúa Giê-su gọi bốn ngư dân đơn sơ bên cạnh Người.  Với mùi cá trên mình và tướng mạo trông giống như những người thuộc tầng lớp lao động, Simon, An-rê, Gia-cô-bê và Gioan đã cất bước theo chương trình vẫn chưa có gì đặc biệt của Chúa Giê-su và bắt cộng hưởng vào sứ vụ của Người.  Chúa Giê-su không nói cho họ biết họ sẽ đi đâu.  Ngoài một số lời hứa khó hiểu để trở thành “ngư phủ lưới người”, ông cũng không nói cho bốn người này biết chi tiết cụ thể về những gì họ có thể mong đợi sẽ xảy ra tiếp theo.  Người chắc chắn không hứa hẹn cho họ sự giàu có hay phần thưởng hay bất cứ điều gì hữu hình.  Tuy nhiên, họ thực hiện vì tin vào “Triều Đại Thiên Chúa” mà Đức Ki-tô đang loan báo.

Điều này lập tức gây ấn tượng, và có lẽ hoàn toàn tiết lộ cho chúng ta biết rằng phiên bản câu chuyện Tin Mừng thánh Mác-cô có một khởi đầu khá khiêm tốn.  Ở Mat-theu có ngôi sao lạ dẫn đường cho các Nhà Thông Thái đi theo.  Lu-ca cho chúng ta từng lớp kịch tính xung quanh sự ra đời và sự xuất hiện sau này của Chúa Giê-su.  Còn Gioan đưa chúng ta đến biên thuỳ của các thiên hà và trịnh trọng công bố khởi nguyên mọi sự trong Lời Sáng Tạo của Thiên Chúa, Đấng đã ở với Thiên Chúa ngay từ đầu.

Mác-cô không công bố xuất xứ, nguyên quán của Chúa Giê-su ngay từ đầu, mà đặt Người bên bờ Biển Ga-li-lê như thể chỉ xuất hiện từ hư không, trước đó là hình ảnh một con người khiêm nhường từ bên bờ sông Gio-đan chịu phép rửa bởi tay Gioan.  Và sau đó, ở Ga-li-lê Chúa Giê-su bắt đầu tập hợp một nhóm các môn đệ chỉ có thể được mô tả (và có lẽ tốt nhất) là nhóm người thấp kém.  Đây lại là “sự khởi đầu” mà thánh sử Mac-cô muốn kể cho chúng ta.  Điều gì tạo nên sự khởi đầu này?  Nó mở rộng bao xa?  Có phải sự khởi đầu là 8 câu đầu tiên của Tin Mừng Mac-cô?  Nó có kéo dài qua câu thứ 13 không?  Phân cảnh này của Mác-cô 1,14-20 có làm tròn màn khởi đầu không?  Hầu hết chúng ta không sống trong những thành trì của quyền lực hay trong ánh sáng chói lòa của ánh sáng rực rỡ của lịch sử.  Không, chúng ta sống ở những xứ “Ga-li-lê của thế giới” – xứ sở bên lề, ở những nơi mà các cường quốc không đến thăm và họ không muốn biết tới.  Chúng ta bắt đầu ở những “Ga-li-lê” vì Ga-li-lê của cuộc sống này – và những “ngư dân mộc mạc” sống ở đó – là những nơi chốn và là những người mà Chúa Giê-su đến để cứu.

Và vì vậy, khi chúng ta đọc đến cao trào của Tin Mừng Mac-cô và chúng ta lắng nghe những lời của thiên sứ nói với những người phụ nữ tại ngôi mộ trống rỗng của Chúa Giê-su trong Mc 16, 7: “Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người”. Trở lại Mc 1, 14 lúc này, Ga-li-lê hiện diện trong sự khởi đầu khiêm tốn của Tin Mừng Mac-cô và những nhân vật khiêm nhường, trần tục sống trong đó để nhìn tất cả qua con mắt mới.  Một khi chúng ta đã đến thập tự giá – nơi mà Mác-cô thúc đẩy tất cả chúng ta trong suốt Tin Mừng của Ngài – và một khi chúng ta đã nhìn thấy chiến thắng của Thiên Chúa tại ngôi mộ trống, chúng ta trở lại Ga-li-lê và tất cả những gì nó đại diện để nhận ra một lần nữa rằng một nơi như vậy, những nơi như vậy là những đối tượng Chúa Giê-su đã mong muốn cứu chuộc.  Chiến thắng Phục Sinh mà thiên thần công bố trong Mac-cô 16 hướng chúng ta trở lại Ga-li-lê để nhận ra rằng chiến thắng vũ trụ đó cuối cùng luôn là một thực tại rất địa phương.  Nó thực hiện cho xứ sở Galilê và tất cả những người sống ở đó.  Đó là một Tin Mừng và một chiến thắng cho họ, cho ngư dân, cho vùng hẻo lánh, và cho mỗi người đang sống ở những “miền Ga-li-lê” của thế giới hôm nay.

home Mục lục Lưu trữ