Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 64

Tổng truy cập: 1359571

PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG

PHẢI TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG- Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 13,33-37) là phần cuối cùng trong diễn từ cánh chung của sách Tin Mừng theo Thánh Marcô, diễn từ nói về những vấn đề của thời buổi cuối cùng. Điểm nhấn chính yếu là lời mời gọi khẩn thiết phải tỉnh thức và sẵn sàng.

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức” (c.33a). Đây là lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng trong Mc 13, Chúa Giêsu kêu gọi bốn đồ đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê phải coi chừng (cc.5.9.23.33). Lời mời gọi hãy biết nhận định rõ ràng và chính xác, là lời mời gọi xuyên suốt diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu. Các môn đệ cần phải có cái nhìn sáng suốt về những gì xảy đến, để giải thích đúng đắn các thực tại và không bị lừa phỉnh (cc.5-23). Bây giờ, sau khi đã nói tất cả những điều đó và để kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Phải tính thức”. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, có đến bốn lần Chúa nói: “Phải tỉnh thức” (cc.33.34.35.37), điều này cho thấy tính cách quan trọng của lời mời gọi.

Lý do đầu tiên được đưa ra để làm nền cho lời mời gọi quan trọng đó, chính là: “Vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (c.33b). Ngay trước câu này, Chúa đã khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó [cuộc quang lâm] thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (c.32). Áp dụng điều đó vào trường hợp các đồ đệ, Chúa Giêsu cho họ biết rằng họ không biết được khi nào xảy đến cuộc quang lâm (c.33), tức là khi nào Chủ của họ trở về (c.35), và Ngài nối kết sự không biết này vào với lời mời gọi tỉnh thức.

Sau khi nêu lý do, Chúa Giêsu kể cho các đồ đệ nghe một dụ ngôn: câu chuyện ông chủ đi xa. “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (c.34). Người giữ cửa được nhấn mạnh cách đặc biệt vì hơn tất cả những người khác, nhiệm vụ canh thức của anh là rất rõ ràng.

Tình cảnh của các đồ đệ cũng tương tự như tình cảnh của những người đầy tớ của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn. Ông chủ đi xa và trao phó công việc cho họ; mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình. Và bởi vì họ không biết khi nào ông quay về, nên họ phải luôn hiện hiện trong tư thế sẵn sàng. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu chính là vị Chủ Nhà. Rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu trao phó cơ nghiệp cứu độ của Người cho các đồ đệ. Trong Nhà của Chúa Giêsu, các đồ đệ, nhất là các vị lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh, vừa là gia nhân vừa là người giữ cửa. Mọi người đều phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Người trở lại trong cuộc quang lâm của Người.

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giêsu lặp lại lời kêu gọi tỉnh thức và nêu phần áp dụng của dụ ngôn đó và hoàn cảnh các đồ đệ: “Vậy anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (cc.35-36).

Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, vì đó là điều bất khả về phương diện thể lý. Để hiểu đúng ý mà Chúa Giêsu muốn nói, chúng ta có thể nghĩ đến một lời mời gọi tỉnh thức đặc biệt mà chính Chúa đưa ra cho các môn đệ thân tín của Người trong một hoàn cảnh khác. Trong vườn Ghếtsêmani, vào đêm Chúa Giêsu bị bắt, Người nói với ba đồ đệ thân tín: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (14,38). Trong vườn Ghếtsêmani, lời mời gọi này phải được hiểu trước hết theo nghĩa đen của các từ ngữ. Nhưng điều đó không ngăn cản chúng ta giải thích rằng sự tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, tức là một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Áp dụng cách hiểu đó vào lời mời gọi ở 13,35 chúng ta có thể hiểu: sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu nói đến ở đây chính yếu là một cách sống hoàn toàn trong ý thức liên tục quy hướng về ông chủ và nhiệm vụ mà ông trao phó. Người đầy tớ tỉnh thức là người luôn luôn đặt mình trong ý thức về tư cách của mình là người phục vụ ông chủ và thi hành một cách tốt nhất nhiệm vụ mà ông trao phó cho mình. Khi ông chủ đi xa, người đầy tớ dễ bị cám dỗ quên ông và quên nhiệm vụ ông trao phó, từ đó hành xử như thể mình là ông chủ, theo hứng riêng của mình từng lúc. Người đầy tớ tỉnh thực sẽ luôn luôn gắn kết cuộc sống mình với ông củ và luôn luôn sẵn sàng trả lời ông về việc thực hiện nhiệm vụ mà ông đã trao phó cho mình. Khi Chúa Giêsu nói các môn đệ của Người phải tỉnh thức như các đầy tớ trong dụ ngôn phải tỉnh thức, là Người muốn nhấn mạnh đến thái độ sống đó, chứ không phải là một sự canh thức về phương diện thể lý đơn giản.

Điều thứ hai đáng chú ý trong câu 35 là việc Chúa Giêsu gắn sự kiện ông chủ (có thể) trở về vào khung cảnh ban đêm. Người nói: “Vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Sự tối tăm vốn là một hình ảnh có thể tượng trưng cho vương quốc của bóng tối, của sự ác, của sự dữ, của sự hư luống, của sự tội lỗi… Ban đêm cũng là hình ảnh thường được sử dụng theo nghĩa là biểu tượng cho tình trạng say sưa, ngoại tình, gian dối, trác táng… Nói cách khác, đem tối là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc sống hiện tại theo nghĩa là cuộc sống đầy những thực tại tiêu cực. Và thực tế, người tín hữu phải luôn chiến đấu “với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này” như cách diễn tả của Thánh Phaolô trong Ep 6,12. Đó là thế gian chống lại Thiên Chúa. Chính khi đang hiện hữu trong cái thế giới của bóng tối đó, người tín hữu đón nhận sự kiện Chúa trở lại.

Kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu khẳng định: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!” (c.37). Chúa Giêsu không ngần ngại nhắc đến tư cách và vị trí đặc biệt của bốn đồ đệ thân tín đang nghe Người tâm sự đây. Họ là những đồ đệ đầu tiên mà Người đã kêu gọi để biến đổi thành những kẻ lưới người (x. 1,16-20). Nhưng lời kêu gọi tỉnh thức và sẵn sàng không chỉ dành riêng cho họ mà thôi. Chúa nói rõ ý của Người là kêu gọi tất cả mọi người đều phải tỉnh thức như vậy, không trừ một ai. Nói cách khác, ở bên dưới lời khẳng định này là một lệnh truyền được ngỏ với các môn đệ thân tín, sai họ đi thông truyền cho tất cả mọi người điều mà Chúa Giêsu đang nói với họ đây, để mọi người đều tỉnh thức đón chờ Ngài đến hoàn thành công trình cứu độ của Ngài.

Gợi ý suy niệm và chia sẻ:

  1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, có đến bốn lần Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta tỉnh thức. Lời kêu gọi này càng tha thiết hơn nữa khi nó được ngỏ với chúng ta trong khung cảnh của ngày Chúa Nhật bắt đầu Mùa Vọng và Năm Phụng Vụ mới. Tỉnh thức, sâu xa ra, chính là một thái độ sống hoàn toàn quy hướng một cách rõ ràng về Thiên Chúa, một thái độ cầu nguyện ở mức độ thâm sâu và thực chất. Người tôi tớ tỉnh thức sẽ không bao giờ hành xử như thể mình là ông chủ có quyền hành động tuyệt đối theo ý riêng mình.
  2. “Anh em không biết khi nào chủ nhà đến”. Đó là một sự thật. Và chúng ta được mời gọi ý thức luôn luôn, một cách khiêm hạ, về sự thật đó. Chính từ sự thật đó mà xảy đến lời mời gọi tỉnh thức.
  3. “Anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng”. Chúng ta đang sống giữa thế giới của bóng tối, trong đó đầy dẫy những bất công, những thử thách, những ngang trái, những cám dỗ, những hư hỏng… Nhưng tiếng nói tối hậu và có tính quyết định sẽ không phải là tiếng nói của bóng tối và sự ác. Tiếng nói tối hậu sẽ là tiếng nói của Ông Chủ. Chúa sẽ quang lâm và trở về với chúng ta trong chính hoàn cảnh của thế giới tối tăm và độc ác này. Nếu chúng ta, bất chấp đêm tối của tội lỗi và sự dữ, vẫn đang hiện hữu trong tư thế đồ đệ luôn quy hướng về Ngài, chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Ngài.
  4. Mọi môn đệ của Chúa Kitô đều có nhiệm vụ nói cho thế giới biết rằng Chúa chắc chắn sẽ trở lại, nhưng là vào lúc chúng ta không ngờ. Vì vậy, mọi người đều được mời gọi tỉnh thức, luôn luôn hiện hữu trong tư thế của người tôi tớ tốt lành đang tỉnh thức đợi chủ về. Lời của Chúa Giêsu: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải tỉnh thức!”(c.37).

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG- B

TỈNH THỨC CẦU NGUYỆN-  Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng của niên lịch Phụng Vụ 2012. Lời đầu tiên Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào (Mc 13,33).

Lời của Chúa luôn là lời hướng dẫn và cảnh tỉnh đời sống chúng ta. Đôi khi chúng ta cảm thấy chán ngấy vì sự nhắc nhở phải tỉnh thức luôn. Biết rồi, nói mãi! Giáo Hội như người mẹ luôn luôn yêu thương và quan tâm đến con cái mình. Giáo Hội đã trung thành dùng lời Chúa trong Kinh Thánh để mời gọi chúng ta hãy đi trong đường lối của Chúa.

Cách đây khoảng 2700 năm, những lời nguyện cầu khẩn thiết của tiên tri Isaia vẫn còn vang vọng hôm nay: Lạy Chúa, tại Sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại Sao Ngài làm cho lòng chúng con Ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài?(Is 63,17). Tiên tri Isaia rao giảng cho dân Do-thái khoảng giữa những năm 742-701 B.C. tại Giêrusalem. Hướng dẫn theo quan niệm thần học căn bản nói về Thiên Chúa thánh thiện và công chính đòi hỏi con phải người đáp trả tình yêu. Trong cơn thử thách, tiên tri Isaia biết rằng con người yêu đuối, đầy vết nhơ tội lỗi và sống lơ là với lề luật nhưng tiên tri Isaia vẫn van xin Chúa thương xót. Và đôi khi Isaia còn trách cứ tại Sao Chúa để cho con người lạc xa đường lối của Chúa. Mặc dầu con người bị đoán xét nhưng Isaia tin rằng số người còn lại trong dân Chúa đã chọn vẫn được duy trì để đón nhận Vua Vũ Trụ từ dòng dõi Vua Đavid.

Con người trong mọi thời luôn có khuynh hướng tự lập và xuôi theo bản tính tự nhiên. Tìm thỏa mãn những khát vọng và ước muốn về cả tinh thần lẫn vật chất. Thiên Chúa rất kiên nhẫn đợi chờ trong sự hướng dẫn và huấn luyện dân riêng của Ngài. Người ta thường nói: Ngựa theo đường cũ hay tính nào tật ấy. Hướng thượng luôn là một mời gọi cố gắng không ngừng. Buông mái chèo, thuyền lại chảy xuôi theo dòng. Bước lên đường trọn lành thì chúng ta cần phải miệt mài, phấn đấu và ngước nhìn lên đích nhắm. Sống theo luật của Chúa, dân Chúa chọn cần phải hy sinh tránh xa những cách sống phàm tục và thoái hóa của cách sống tự nhiên. Qua lịch sử Cúu Độ, chúng ta biết Dân Do-thái ngày xưa cũng bị mê hoặc bởi biết bao cám dỗ của cuộc sống tục hóa, tự do, thờ thần ngoại bang và tìm thỏa mãn nhu cầu bản năng tự nhiên.

Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu nhắc nhở: Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào (Mc 13,33). Những lời dặn dò chỉ dậy của Chúa Giêsu đã cách xa chúng ta cả 2000 năm rồi. Hôm nay đây lời này còn có ý nghĩa gì? Đã biết bao nhiêu thời đại và thế hệ con người đã đi qua. Thế hệ này tiếp nối thê hệ kia đã đến và đã đi qua. Không có thế hệ nào hiện diện kéo dài mãi. Dù có các vua chúa quyền uy, những chế độ độc tài, những con người khát máu cũng lần lượt xuất hiện và rồi trở về cát bụi. Vinh quang đạt tới tột đỉnh trong xã hội, rồi cũng một ngày Ra đi với cái xác không hồn và bàn tay trắng.

Qua nhiều thời đại, con người thời nào cũng bị nhiễm các thứ văn hóa hưởng thụ, vô thần, vật chất, tương đối và văn hóa của sự chết. Con người dần xa lối bước của Chúa. Nhất là trong thời buổi văn Minh và tục hóa ngày nay, con người bị kéo lôi vào cuộc sống hưởng thụ vật chất liền tay. Có nhiều người không còn nhận Ra những giá trị về tinh thần và luân lý đạo đức. Nhiều người chủ trương sống hiện thực. Tìm đáp ứng thỏa mãn mọi nhu cầu đòi hỏi cả tinh thần lẫn vật chất. Chỉ muốn cúi xuống tìm kiếm những nhu cầu hiện sinh mà quên đi nhu cầu khẩn khiết của tâm linh. Nhiều người không còn muốn nghĩ đến niềm tin vào Thượng Đế, cứu cánh của cuộc đời, không còn đến nhà thờ, không học hỏi Kinh Thánh và không cầu nguyện. Họ không còn quan tâm đến đời sống tâm linh. Sống theo cá nhân chủ nghĩa, nghĩ rằng mình là tất cả và tự mình đủ cho chính mình.

Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Côrintô, đã cầu chúc anh chị em đầy ân sủng và bình an trong Chúa. Trong khi mong chờ Chúa Kitô tỏ hiện, thánh Phaolô khuyên dạy các tín hữu hãy tin tưởng nơi Chúa Kitô. Hãy sống trung tín và hiệp nhất với Ngài. Chúa đã ban cho chúng ta đầy đủ các ơn cần thiết để bền vững trong ơn Chúa. Ngày Chúa tỏ hiện không phải với đám đông hay tất cả mọi người cùng một lúc mà là mỗi người hãy tỉnh thức. Vì mỗi cá nhân có một ơn gọi, sứ vụ và số mệnh riêng. Mỗi người phải chu toàn bổn phận của mình.

Theo lời dạy của Phúc âm, đã có rất nhiều người sống trong tư thế tỉnh thức và cầu nguyện. Vì không ai biết được ngày giờ Chúa sẽ viếng thăm. Giáo Hội không ngừng nhắc nhở con cái mình qua mọi hoàn cảnh đều nhớ tỉnh thức. Như dân Do-thái xưa, chúng ta cũng sẽ dễ dàng lơ là với lề luật và đường lối của Chúa. Chúng ta viện cớ là qúa bận bịu và không có đủ thời giờ. Chúng ta để mình rơi vào những bon chen vô bổ. Nhất là cuộc sống xã hội lôi kéo vào nhiều những nhu cầu đòi hỏi cần phải thỏa mãn ngay. Ngày nay có nhiều người thích sống theo kiểu thuyết tương đối. Sống đạo trung bình. Tránh không làm điều gì quá sai. Chủ trương rằng người ta sống sao, tôi sống thế. Chạy theo thói đời. Đôi khi còn ganh đua với những người ngoại để tỏ ra mình cũng rành rõi sự đời.

Bước vào Mùa Vọng là mùa mong chờ. Mong chờ Chúa ngự đến thăm viếng tâm hồn chúng ta. Không phải Chúa chỉ xuất hiện như thần chết đến mang lại sự sợ hãi nhưng Chúa đến mang sự bình an. Chúa sẽ đến gặp gỡ chúng ta qua nhiều cách thế. Chúa gặp gỡ chúng ta nơi các Bí Tích, qua Lời Chúa, qua việc cử hành Phụng Vụ và chuyên tâm cầu nguyện lắng nghe tiếng Chúa. Nhất là Chúa đến với chúng ta qua sự gặp gỡ các người anh chị em xung quanh. Chúng ta cần mở rộng cửa tâm hồn để đón Chúa. Biết rộng mở tâm hồn, chúng ta sẽ đón nhận được nhiều thứ ân sủng. Như xưa Đức Trinh Nữ Maria đã rộng mở tâm hồn nói lời Xin Vâng, Chúa đã đến cư ngụ trong cung lòng Mẹ.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tỉnh thức đón nhận ân sủng của Chúa. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng con sẽ không bị lỡ chuyến tầu. Ý thức rằng, con người có hướng để theo và có đích để nhắm. Cuộc lữ hành trần thế này sẽ có ngày chấm dứt và mọi người sẽ bước vào đời sống mới. Đời sống viên mãn hạnh phúc bên Chúa đời đời. Amen.

home Mục lục Lưu trữ