Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 52
Tổng truy cập: 1364144
PHẤN ĐẤU QUA CỬA HẸP MÀ VÀO
13. Phấn đấu qua cửa hẹp mà vào
(Minh hoạ Lời Chúa – Hiếu Nguyễn)
MINH HỌA LỜI CHÚA
- Qua cửa hẹp
Một phụ nữ giàu có rất siêng năng đến nhà thờ. Những tấm biển ghi những đóng góp của bà được gắn ở nhiều chỗ trong nhà thờ cùng với các vật khác. Ngày nọ bà chết. Thiên thần đón bà ở cửa thiên đàng, đưa bà xuống con đường rộng rãi, hai bên có những ngôi nhà rộng lớn xinh đẹp. Những ngôi nhà nầy ngày càng nhỏ hơn. Cuối cùng họ đến một căn lều. Thiên thần nói với bà, “Đây là phòng của bà.”
Bà ta giận dữ thốt lên, “Cái gì? Có sự lầm lẫn nào chăng?” Thiên thần đáp, “Rất tiếc! Đây là những gì tốt nhất tôi có thể làm xứng với những gì bà đã gởi đi suốt đời bà.” Đâu là động lực chính yếu của tôi trong việc đóng góp, để xây dựng một công trình nào đó?
- Hạng Kitô hữu nào?
Một thanh niên viết thư cho linh mục tâm sự về cuộc sống của mình: Con là tay bơi lội đứng đầu trong bảng xếp hạng tại Gia-nã-đại. Con bị bạn bè dụ dỗ sử dụng ma túy. Từ đó con bị cắn câu, sức khỏe tinh thần thể xác ngày càng lụn bại. Và tệ hại hơn con thiếu nợ các tay buôn ma túy hơn $3000. Con thấy chỉ còn một lối toát duy nhất là tự tử.
Con cố gắng uống rượu cho nhiều để khỏi sợ hãi khi chuẩn bị lìa đời. Nhưng rồi điều gì đó đã ngăn cản con. Con nhắc điện thoại lên và gọi đến trung tâm cấp cứu. Sau này con mới biết chính điều ngăn cản con tự tử là nhờ lời cầu nguyện của mẹ con. Con được đưa vào trung tâm cai nghiện, và rồi sức khỏe thể lý lẫn tinh thần dần dần bình phục. Trong thời gian cai nghiện, con bắt đầu đọc Kinh Thánh. Càng đọc con càng cảm thấy bình an vui sống. Kinh Thánh giúp con tín thác trọn vẹn vào Chúa, sống tuân phục Chúa và phục vụ mọi người.
Tất cả sự việc đó đã xảy ra cách đây 5 năm. Từ đó đến nay, Chúa ban ơn cho con rất nhiều. Hiện con đang dạy trong một trường Công giáo và hoạt động tông đồ trong giáo xứ con. Ký tên Christopher.
- Cửa rộng và cửa hẹp
Samurai là một hiệp sĩ hung bạo. Ông đến hỏi một thiền sư, “Yêu cầu ông cho tôi biết thiên đàng hỏa ngục là gì?” Vị thiền sư nhìn thấy con người thô bạo của anh thì nói, “Ta không thể dạy cho ngươi biết thiên đàng hỏa ngục là gì, vì ngươi hung bạo quá. Ngươi làm nhục cho hàng ngũ hiệp sĩ của ngươi.”
Nghe vị thiền sư nói thế, chàng hiệp sĩ bừng bừng sát khí, rút gươm định chém đầu ông ta. Nhưng vị thiền sư đưa tay cản lại và nói, “Hỏa ngục là thế đó!”
Nhận được bài học thực tế của nhà sư, chàng hiệp sĩ dừng tay lại. Sự hối hận và thương cảm trào dâng trong tâm hồn y. Y hiểu rằng vị thiền sư hy sinh cả mạng sống để dạy cho y bài học về hỏa ngục. Y từ từ xỏ gươm vào vỏ, rồi quỳ gối trước mặt thiền sư với tất cả tấm lòng thành tâm sám hối. Vị thiền sư đưa tay đỡ y dậy, nhìn vào con người y và bảo, “Thiên đàng là thế đó.”
- Tìm chìa khóa Thiên đàng
Có ông vua giàu có quyền thế. Sau khi đã chinh phục các quốc gia láng giềng và những gì vua ưa thích, vua cũng chưa lấy làm mãn nguyện. Vua ước mong tìm được chìa khóa mở cửa thiên đàng. Vua sai các quan tướng đi tìm kiếm khắp nơi, nhưng chỉ tốn của uổng công vô ích. Sau cùng nhà vua quyết định đích thân đi tìm. Ngày nào vua cũng lặn lội, dầm mưa dãi nắng tìm kiếm. Đến một hôm, vua cỡi ngựa đến trước một bức tường cao, cổng sắt kiên cố. Trước cổng có thiên thần canh gác cẩn mật. Vua liền xuống ngựa, đến với thiên thần trình thật, “Tôi không thể an tâm nhắm mắt, nếu không tìm được chìa khóa mở cửa thiên đàng. Xin thiên thần thương giúp tôi.”
Thiên thần cười nói, “Thực ra trên đời này, có rất nhiều thứ chìa khóa mở được cửa thiên đàng. Có thể nó ở ngay dưới chân vua. Muốn tìm được, nhà vua phải bền tâm chịu khó tìm kiếm.”
Nghe nói thế, nhà vua cố gắng chịu khó tìm kiếm, nhưng tìm mãi không được. Bỗng ngày kia đang lúc đi trong rừng, nhà vua vấp phải một cây nhỏ bé sắp tàn héo bên vệ đường. Vua liền nhổ cây sắp chết đó đem về hoàng cung, tự tay trồng lấy và chăm sóc hằng ngày. Các quan thấy thế thì ngạc nhiên nói với vua, “Sao hoàng thượng bận tâm đến một cây nhỏ bé héo tàn đến thế? Chắc gì nó sống được? Và dù nó có sống đi nữa, thì với tuổi của hoàng thượng, hy vọng gì được nghỉ dưới bóng nó, hoặc hưởng được bông trái của nó?”
Nhà vua thản nhiên trả lời, “Tuy trẩm không còn sống để hưởng, nhưng một ngày nào đó, sẽ có người được nhờ bóng mát của nó, được thưởng thức hoa trái thơm ngon của nó là đủ cho trẩm cảm nhận được hạnh phúc rồi.” Vừa nói xong, nhà vua liền thấy ngay trước mặt chiếc chìa khóa mở cửa thiên đàng.
———–
Tin Cậy Mến là chìa khóa mở cửa thiên đàng được trao ban cho người Kitô hữ ngày họ lãnh nhận bí tích rửa tội. Nhà vua trong câu truyện trên đây tưởng có thể tìm được chìa khóa mở cửa thiên đàng bằng tiền bạc của cải hoặc bằng uy quyền chức tước nên đã chịu khổ chịu cực chiếm cho được nhiều nước nhiều của, nhưng ông ta hoàn toàn thất bại. Lòng ông ta còn khao khát cái gì
- Xây dựng thiên đàng
Một bà quý tộc tên là Elizabeth đang quỳ cầu nguyện trong nhà thờ, bỗng nghe như có tiếng Chúa nói, “Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ.” Tin chắc đây là lời Chúa bảo mình, bà mướn thợ xây ngay một nhà nguyện. Nhưng xây xong, bà cũng còn nghe như tiếng Chúa bảo như thế mỗi lần bà cầu nguyện. Bà nghĩ chắc Chúa cho là nhà nguyện này nhỏ quá, không xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Có thể Người muốn bà xây một nhà nguyện lớn hơn, đẹp hơn, xứng đáng cho Người hơn, vì Chúa biết sự giàu có Người ban cho bà dư thừa để xây dựng nhà nguyện lớn hơn.
Thế là bà Elizabeth đi tìm mua một miếng đất rộng lớn, thuê thợ xây một nhà nguyện lớn hơn, trang hoàng lộng lẫy nguy nga. Bà nghĩ lần này chắc Chúa phải hài lòng lắm, vì trong vùng không có ngôi đền thờ nào rộng lớn, đồ sộ, đẹp đẽ hơn nữa. Nhưng lạ thay, khi cầu nguyện, bà vẫn còn nghe như có tiếng Chúa nói với bà, và lần này Chúa nói một cách khẩn thiết nài nỉ hơn, “Con hãy xây nhà cho Ta cư ngụ.”
Bà ngạc nhiên quá nên hỏi Chúa, “Con đã xây cho Chúa một ngôi nhà lộng lẫy nhất vùng này. Sao Chúa còn bảo con xây nhà cho Chúa ngự nữa? Hay là Chúa muốn con xây dựng một Vương Cung Thánh Đướng lớn nhất và đẹp nhất nước này?”
Tiếng Chúa thì thầm trả lời, “Con hãy nhìn qua bên kia cửa sổ. Con thấy gì ở bên đó?” “Con thấy một gia đình nghèo khổ đang trú ngụ dưới một bóng cây cổ thụ, nhưng việc đó có can hệ gì đến Chúa?”
“Có chứ! Cha không nhờ con xây nhà cho Cha, mà xây nhà cho gia đình nghèo khổ đó. Và đó chính là con xây nhà cho Cha và cũng là xây nhà cho con trên thiên đàng.”
14. Cửa hẹp
Suy Niệm
Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp. Cửa hẹp khi thi vào đại học. Cửa hẹp khi đi xin việc làm. Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều. Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa, thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp”(Lc 13,24), vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống”(Mt 7,14).
Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun vén cá nhân, phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại, khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng. Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ, cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Để “người lớn”trở nên hồn hậu như trẻ thơ, cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Đây thật là một cuộc chiến với chính mình. Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.
Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng. Họ gõ cửa và đòi vào. Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc, bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Đức Giêsu, và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy. Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ: “Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy, dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm… Chúa vẫn không quen biết chúng ta vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình. Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.
Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục. Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ. Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban, nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa, nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên: “Đây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”
Gợi Ý Chia Sẻ
Bạn thấy để sống đời Kitô hữu xứng đáng, dễ hay khó? Có khi nào bạn thấy khó đến độ không thực hiện nổi không?
Nước Thiên Chúa được ví như một bữa tiệc vui, trong đó có muôn người từ khắp nơi trên thế giới đến dự. Bạn có hình ảnh nào khác để gợi mở về Thiên Đàng không?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con dám hành động theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.
Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện, vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con, Chúa ngàn lần quảng đại hơn con, và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.
Lạy Chúa Giêsu trên thập giá, xin cho con dám liều theo Chúa mà không tính toán thiệt hơn, anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ, can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim, và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.
Ước gì khi dâng lên Chúa những hy sinh làm cho tim con rướm máu, con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt của người một lòng theo Chúa.
15. Cửa hẹp đưa con người đến đâu?
(Trích dẫn từ ‘Cùng Đọc Tin Mừng’ – Lm Ignatiô Trần Ngà)
Khi có người hỏi: “Thưa Ngài, có ít người được cứu thoát thôi, phải không?” Chúa Giêsu không trả lời có nhiều hay ít. Nhiều hay ít là tuỳ vào sự chọn lựa của con người. Nhưng nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết phải đi vào cửa hẹp mới được cứu độ. Ngài nói: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.
Vậy, vào cửa hẹp nghĩa là gì?
Là sống theo lề luật Chúa.
Lề luật Chúa xem ra gò bó, trói buộc chúng ta, ép chúng ta vào khuôn khổ, bắt chúng ta đi theo đường hẹp, không để cho chúng ta sống buông thả như bao nhiêu người khác… Thế nên có nhiều người bực mình, có người nổi loạn, có người muốn bức phá hết những ràng buộc của luật lệ.
Vậy thì cửa hẹp đưa con người đến đâu?
Thiên Chúa đã dựng nên trái đất và Ngài quy định cho nó phải quay quanh mặt trời theo một lộ trình nhất định, đó là quỹ đạo trái đất. Phải mất 365 ngày và 6 giờ, trái đất mới quay hết một vòng quanh mặt trời, và cứ thế suốt niên đại nầy sang niên đại khác. Quả là gò bó, trói buộc, là đường hẹp triền miên.
Thế nhưng bao lâu trái đất còn đi theo đúng quỹ đạo, tức con đường hẹp mà Thiên Chúa ấn định cho nó, thì mọi sự sẽ diễn tiến tốt đẹp, cuộc sống sẽ ổn định điều hoà. Nếu một ngày nào đó, trái đất ‘cảm thấy’ đi theo quỹ đạo là gò bó, là đường hẹp, để rồi đi trệch ra ngoài cho thong dong thoải mái… chỉ một chút xíu thôi mà!… thì đó là ngày cùng tận của vũ trụ và thế giới!
Chiếc tàu nghĩ rằng tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai đường sắt? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu nai, băng qua đồi núi, băng qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Thế rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành… Hậu quả của sự chọn lựa ‘khôn ngoan’ nầy sẽ vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường rây chật hẹp, nó về đến ga chót thật an toàn.
Trong gia đình, người vợ nghĩ rằng: thật uổng phí cuộc đời nếu ngày nào cũng nấu ăn, rửa chén, dọn nhà, quét sân… để sống cho chồng và cho con. Tại sao tôi không tự giải thoát mình khỏi vòng cương toả của gia đình? Tại sao lại phải chọn cửa hẹp, lại phải đi đường hẹp? Tại sao tôi không thể bay nhảy như những cô gái trong các hộp đêm?
Thế rồi cô đã chắp cánh bay, và kết cục là gia đình đổ vỡ, cuộc đời của cô lụi tàn trong đau thương và tủi nhục.
Nếu mỗi người chúng ta hôm nay cứ sống buông thả theo bản năng của mình mà không đi theo đường hẹp Chúa vạch ra cho chúng ta, tức là tuân giữ các giới răn, thì số phận chúng ta cũng như con tàu đi trật đường rầy, chúng ta sẽ lãnh lấy thảm họa. Mai đây, chúng ta có van nài với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì Chúa sẽ bảo: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’ và “Bấy giờ chúng ta sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Abraham, Isaac và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài.”
Trái lại, nếu chúng ta chấp nhận đi đường hẹp, tức đi đúng theo đường lối Chúa như tàu đi đúng đường rầy, như trái đất quay đúng theo quỹ đạo… chúng ta sẽ được sống an bình hoan lạc ở đời nầy và được hưởng hạnh phúc muôn đời với Chúa đời sau.
Vậy thì bước qua cửa hẹp là giá phải trả (có gì mà không phải trả giá!) cho hạnh phúc đời nầy và hoan lạc vĩnh cửu mai sau.
16. Hãy vào cửa hẹp – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Một nhà văn kể câu chuyện giả tưởng: Satan họp hội nghị thảo luận về phương thức chiếm đọat các linh hồn. Nhiều ý kiến các cấp quỉ được phát biểu. Nhưng ý kiến được hội nghị tán đồng là của một quỉ già đầy kinh nghiệm. Đó là rỉ tai câu này: “Gấp gì, còn kịp chán, để gần chết, rồi hãy ăn năn trở lại, hãy vui sống đã”.
Biết bao người đã không nghĩ đến hậu quả mà chỉ nhất thời thỏa mãn những cơn mê say của danh lợi thú trần gian. Họ lao đầu vào cuộc chơi mà không nghĩ đến hậu quả. Họ tìm cách thỏa mãn đam mê của mình mà bất chấp những hành động bạo ngược với gia đình và xã hội.
Theo báo Kiến Thức: Ngồi co ro trong một góc nhỏ của Trung tâm giáo dục xã hội Thanh Hà, Hải Dương, nhìn cảnh đoàn tụ, vui vẻ của các trại viên khác với gia đình, Tùng bỗng thấy hụt hẫng, tim nhói đau xen lẫn nỗi ân hận vô cùng. Chỉ vì đua đòi, ham mê rượu chè đã khiến Tùng mất đi tất cả, từ hạnh phúc gia đình đến tương lai, tình cảm và nhân cách. Để rồi bây giờ, khi rượu không còn, cơn say đã tỉnh, mất quyền tự do, tình thân nhạt nhòa, Tùng mới ân hận vì những gì mình đã làm…
Sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là công chức nhà nước, nên cuộc sống của Tùng luôn là niềm mơ ước của bao đứa bạn cùng trang lứa. Sống trong cảnh được cưng nựng, nên từ nhỏ Tùng đã có tính ỷ lại, muốn hưởng thụ, lười lao động. Không nằm ngoài quy luật, Tùng trượt sâu vào hố đen tội lỗi, gây bao muộn phiền, đau đớn cho gia đình và xã hội. Để hôm nay, ngồi trong nhà lao, mới nghĩ lại thì quá muộn…
Cuộc đời nếu biết trước ngày mai sẽ ra sao có lẽ sẽ không có những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Cuộc đời nếu biết rằng thời gian chẳng còn nhiều, có lẽ con người sẽ sống có trách nhiệm hơn, sẽ sống tốt hơn. Nhưng đáng tiếc nhiều người đã không nghĩ đến ngày mai, nhiều người lại cho rằng còn quá nhiều thời giờ nên vẫn đàng điếm xa hoa, vẫn lao vào biết bao cuộc vui thác loạn…
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa hẹp mới đưa ta tới sự sống đời đời. Cửa hẹp đòi phải hy sinh. Cửa hẹp đòi phải phấn đấu, phải nỗ lực không ngừng. Cửa hẹp đòi ta không được chiều chuộng thân xác, không tìm thỏa mãn thú vui xác thịt. Còn đường thênh thang cho ta thỏa mãn cơn khát nhất thời nhưng lại là thuốc độc khiến ta mất mạng đời đời, có khi niềm vui chóng vánh còn để lại những hệ lụy đắng cay trong cuộc đời.
Có một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ: nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một ngôi nhà theo ước mơ. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một ngôi nhà, hai vợ chồng đã tan vỡ (…)
Quả thực, con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài. Không có thành công nào lại không là kết quả của một nỗ lực hy sinh. Không có một vinh quang nào lại không kèm theo khổ luyện và phấn đấu. Thế nên, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta đừng tìm cách thỏa mãn cơn khát nhất thời mà phải hướng tới mục đích lâu dài. Đừng vì niềm vui nhỏ, mau qua mà đánh mất niềm vui to lớn viên mãn trong Nước Trời.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết đi vào con đường hẹp để từ bỏ những niềm vui bất chính mau qua, những danh vọng hão huyền. Ước gì chúng ta luôn can đảm chiến đấu can trường để chống lại những cám dỗ của danh lợi thú trần gian. Xin Chúa luôn nâng đỡ và thêm ơn cho chúng ta. Amen.
17. Hãy đi vào cửa hẹp – Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
(Trích dẫn từ ‘Cùng Nhau Suy Niệm’)
Đọc những thông tin trên mạng và qua các báo chí chúng ta thấy một tình trạng đáng lo ngại cho nền đạo đức Việt Nam. Nền đạo đức bốn ngàn năm văn hiến đang trong tình trạng suy đồi, băng hoại thật trầm trọng. Điển hình như các vụ việc gần đây nhất như sau:
“Hiệu trưởng mua dâm học sinh và Chủ tịch tỉnh bị cáo buộc mua dâm ở Hà Giang. Hai vợ chồng bị kết án 20 năm tù mỗi người vì hành hạ một bé trai tại Cà Mau. Một nữ sinh cứa cổ người tình. Một thanh niên chặt đầu người yêu cũ. Bên cạnh đó là tệ trạng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em bị buôn lậu với giá nhiều khi chỉ một triệu đồng Việt Nam (tương đương khoảng 50 MK) một người…”
Đó là hậu quả của một lối sống dễ dãi, ẩu thả của xã hội Việt Nam hôm nay. Họ thích tìm sự dễ dãi cho mình đến mức độ bất tuân luật pháp. Họ đề cao tự do, tự lập đến nỗi không cần tôn giáo, và tệ hơn nữa là loại trừ tôn giáo. Họ hành xử theo cách nghĩ của mình, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý truyền thống của cha ông. Chúng ta biết rằng không có tôn giáo thì con người sẽ tự do hành động theo ý mình nên chẳng sợ “trời có mắt” để mà “làm điều lành tránh điều dữ” hay lời khuyên của tiền nhân “ở hiền gặp lành”. Không có tôn giáo con người không có sự sống thần linh hướng dẫn dễ lầm đường lạc lối và điều chắc chắn là chẳng ai nghe ai. Nhìn chung, ai cũng biết rằng cuộc sống dễ dãi sẽ đi tới chỗ diệt vong. Ai cũng biết rằng sự suy đồi của họ sẽ làm nghèo đất nước, làm khổ gia đình, và giết chết bản thân. Nhưng tính hưởng thụ đã đẩy họ vào con đường truỵ lạc để tranh thủ hưởng thụ theo kiểu mà Nguyễn Công Trứ bảo rằng:
Chơi Xuân kẻo hết Xuân đi,
Xuân tàn hoa rụng còn gì vui Xuân
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào con đường hẹp. Con đường của hy sinh vì phải bỏ lại những thú vui mau qua, những đam mê tội lỗi để sống đúng với phẩm giá con người là “nhân linh ư vạn vật”. Con đường với lối đi thanh thoát, nhẹ nhàng khỏi những tham lam bất chính, những quyến luyến phù phiếm mau qua. Chúa mời gọi chúng ta cần phải sống tỉnh thức kẻo sẽ ân hận ngày mai, khi mà mọi người từ đông sang tây đều đến dự tiệc cưới còn mình bị tống ra ngoài. Chúa nhắc nhở chúng ta còn có một sự sống hạnh phúc viên mãn là thiên đàng, là hạnh phúc viên mãn bên Chúa. Đó chính là mùa xuân vĩnh viễn, là hạnh phúc ngàn đời. Đó chính là hạnh phúc mà mỗi người chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm và chiếm hữu cho dù phải hy sinh những danh lợi thú trần gian, có khi bằng cả mạng sống ở đời này. Sự sống và hạnh phúc vĩnh viễn đó chỉ đạt được khi chúng ta biết sống hy sinh, biết tự chủ bản thân theo đường lối Chúa, biết sống cao thượng, biết tránh xa những thói đời xấu xa.
Nhưng tiếc thay, nhân loại hôm nay luôn ham sướng sợ khổ. Thích tìm sự dễ dãi hơn là những hy sinh từ bỏ. Có những bạn trẻ thích hưởng thụ nhưng không muốn làm, chỉ lêu lổng dẫn đến trở thành một gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có những bạn trẻ tìm sự dễ dãi trong quan hệ nam nữ mà đánh mất lòng tự trọng, sự trong sạch tâm hồn. Có những người luôn tìm sự dễ dãi cho bản thân, nuông chiều theo tính xác thịt dẫn đến ngoại tình, dâm ô, trộm cắp…; Có những người đang mang trong mình những căn bệnh thời đại là hậu quả của lối sống dễ dãi, thiếu tự chủ bản năng.
Người ta vẫn nói: “Hãy dừng lại trước khi qua muộn”. Sự khôn ngoan mời gọi chúng ta đừng tìm sự dễ dãi đến mức độ nuông chiều theo bản năng. Hãy tự chủ. Hãy tỉnh thức. Hãy canh tân sửa đổi để trau dồi nhân đức cho bản thân hầu diệt trừ những tính hư nết xấu. Hãy sống cho cao thượng đúng với phẩm giá con người là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Hãy sống công bình bác ái và yêu thương để khỏi bị luận phạt ở đời sau. Hãy sống đời này cho nghiêm túc để đời sau chúng ta được hạnh phúc muôn đời. Hãy vì sự sống vĩnh cửu mà can đảm từ bỏ những lối đường tội lỗi hôm nay.
Nguyện xin Chúa là Đường là Sự Thật và là Sự Sống dẫn dắt chúng ta đi trong chân lý vẹn toàn. Amen.
18. Chiến đấu vào cửa hẹp – AM. Trần Bình An
Vào Chúa Nhật ngày 14/4/1985, Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, Linh Mục Tom Maniyangat đang trên đường đi tới một Nhà Thờ truyền giáo ở phía Bắc của Kerala, Ấn Độ, để dâng Thánh Lễ, và ngài đã bị tử nạn. Xe của ngài đụng thẳng đầu một xe jeep. Ngài được chở vội tới nhà thương, cách chỗ xảy ra tai nạn khoảng 70 cây số, nhưng ngài đã qua đời trên đường. Linh Hồn cha Tom lìa khỏi xác, nên cha cảm nghiệm được là ngài đã chết. Ngài nhìn thấy thi thể ngài, và người ta đang chở ngài tới nhà thương. Cha nghe được tiếng người ta khóc lóc và đọc kinh cầu nguyện cho cha. Rồi cha gặp Thiên Thần Bản Mệnh, nói với cha: “Tôi sẽ dẫn Linh Mục lên Trời. Chúa muốn gặp và nói chuyện với Linh Mục.” Thiên Thần cũng nói rằng, trên đường đi, ngài cũng muốn cho cha thấy Hỏa Ngục và Luyện Ngục nữa.”Trước tiên,Thiên Thần dẫn tôi xuống chứng kiến Hoả Ngục. Đó là một quang cảnh thật ghê sợ. Tôi thấy Satan và các quỷ dữ, thấy những ngọn lửa không hề tắt với sức nóng 2.000 độ Fahrenheit, thấy dòi bọ lúc nhúc, thấy người ta rên la và đánh đập nhau,thấy những người khác đang bị bày quỷ dữ tra tấn hành hạ.” Tôi được nói cho biết trong Địa Ngục có bảy”cấp bậc,” hoặc bảy tầng đau khổ. Những người “phạm hết tội trọng này đến tội trọng khác,” khi sống trên dương thế, phải chịu sức nóng ghê gớm nhất. Thân hình họ trông rất xấu xí và rất ghê rợn như những con quái vật đáng sợ. Thiên Thần cho tôi biết tất cả những đau khổ này là do các tội trọng không hối cải. Tôi được thấy một số người mà tôi quen biết, nhưng tôi không được phép tiết lộ danh tánh. Những tội khiến họ bị trầm luân phần lớn là do phá thai, dâm dục, thù hận, không tha thứ và tội phạm thánh. Thiên Thần nói với tôi rằng, nếu họ sám hối, họ sẽ tránh được Hoả Ngục, mà chỉ phải vào Luyện Ngục thôi. Tôi cũng hiểu rằng, một số người sám hối tội lỗi, có thể được thanh luyện trên trái đất qua những đau khổ họ phải chịu. Bằng cách này, họ có thể tránh được Luyện Ngục và bay thẳng lên Thiên Đàng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong Hoả Ngục gồm cả Giám mục, Linh Mục, một vài người tôi không thể ngờ. Vì họ đã hướng dẫn lạc đường cho người khác, bởi những lời dạy sai lầm và bởi gương xấu của họ.
Sau đó, Thiên Thần Bản Mệnh dẫn tôi tới thăm Luyện Ngục. Đau khổ chính của những Linh Hồn này là sự bị chia cắt với Thiên Chúa. Có một số người trong Luyện Ngục đã phạm vô số tội trọng khi còn sống, nhưng họ đã làm hoà với Thiên Chúa trước khi họ chết. Mặc dù những Linh Hồn này bị đau khổ ghê gớm, nhưng họ vẫn cảm nhận được sự bình an và nhận biết rằng, một ngày kia họ sẽ được phúc nhìn thấy Thiên Chúa. Họ xin tôi cầu nguyện cho họ, và nhờ tôi nói lại với người khác cầu nguyện cho họ nữa. Khi chúng ta cầu nguyện cho các Linh Hồn trong Luyện Ngục, chúng ta sẽ nhận được sự biết ơn của họ và do đó, họ cũng sẽ cầu nguyện cho chúng ta khi được lên Thiên Đàng.
Tiếp theo, Thiên Thần Bản Mệnh dẫn tôi lên Thiên Đàng, ngang qua một đường hầm với ánh sáng chói lọi. Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được sự bình an và niềm vui này trong đời. Và rồi đột nhiên, cửa Trời mở ra, và tôi nghe thấy tiếng nhạc du dương nhất mà tôi chưa từng được nghe. Các Thiên Thần đang ca hát, chúc tụng Thiên Chúa. Tôi được nhìn thấy tất cả các thánh, nhất là Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giuse, và nhiều Giám Mục, Linh Mục thánh thiện, sáng chói như những vì sao. Khi tôi thấy mình ở trước mặt Chúa, Ngài phán với tôi: “Cha muốn con trở lại thế gian. Trong cuộc sống thứ hai của con, con sẽ là dụng cụ bình an và chữa lành cho dân Cha. Con sẽ làm việc ở nước ngoài và sẽ nói ngôn ngữ nước ngoài. Với ơn Cha, mọi sự đều có thể cho con”. Sau những lời này, Đức Mẹ phán với tôi: “Hãy làm những gì Ngài bảo con (Ga. 2, 5). Mẹ sẽ giúp con trong sứ vụ của con.” Không lời lẽ nào có thể diễn tả được vẻ đẹp đẽ, nét huy hoàng của Thiên Đàng! Nơi đó, chúng ta sẽ được sống đời đời trong bình an và hạnh phúc, vượt xa hàng triệu lần sự tưởng tượng của chúng ta. Thiên Chúa bội phần tốt đẹp hơn bất cứ tưởng tượng nào chúng ta có thể nghĩ tới. Nhan Thánh Người ngời sáng và đẹp đẽ, hơn hàng ngàn mặt trời đang mọc. Các tấm hình đẹp đẽ chúng ta thấy trên dương thế chỉ là bóng mờ của sự lộng lẫy của Người mà thôi. Mẹ Maria ở bên cạnh Chúa Giêsu. Người rất đẹp đẽ, sáng láng. Thiên Đàng là Nhà Thật của tất cả chúng ta: Tất cả chúng ta được tạo dựng để vào Thiên Đàng và đời đời vui hưởng Thiên Chúa.
Khi người ta di chuyển thi thể của tôi tới nhà xác, Linh Hồn tôi liền nhập vào xác. Tôi cảm thấy rất đau đớn vì nhiều thương tích do các xương bị gẫy. Tôi bắt đầu rên. Các người chung quanh tôi hết sức sợ hãi, hốt hoảng vừa chạy vừa la. Một người trong số họ đến gặp bác sĩ: “Thi thể cha đang rên rỉ!” Bác sĩ vội chạy tới khám nghiệm, liền quả quyết: “Cha vẫn còn sống. Đúng là một phép lạ! Hãy mau chở ngài tới nhà thương…” (Nguồn: FOSS/web Phinomenon)
Trong Tin Mừng Chúa nhật 21 Thường niên hôm nay, Đức Giêsu cảnh báo ngày chung cuộc của mỗi người. Nếu ai chiến đấu quyết liệt vào cửa hẹp, thì sẽ được cứu rỗi. Bằng không, khi cửa đóng sẽ vô phương nài nỉ xin vào trong. Những hình ảnh tuyệt diệu trên Nước Chúa, mà Linh mục Tom Maniyangat thị kiến, càng khẳng định thêm niềm hy vọng của những ai đi theo Chúa đến cùng.
Chiến đấu vào Cửa Hẹp
“Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta.” (Is 66, 18) Ơn cứu độ mang tính phổ quát rộng rãi dành cho mọi người, mọi nơi, mọi dân tộc, không loại trừ bất cứ ai, dù theo tôn giáo nào, khuynh hướng nào, như Lời Chúa phán qua ngôn sứ Isaia. Lòng Thương Xót Thiên Chúa không muốn hư mất bất cứ ai. Đức Giêsu đã công khai khẳng định trước toàn thể công chúng: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18, 14)
Tuy nhiên, ơn cứu độ lại còn mang tính đặc thù, riêng rẽ cá nhân, dành hẳn cho mỗi người. Chính vì thế, Đức Giêsu làm lơ, không trả lời cụ thể câu hỏi huyênh hoang, trâng tráo, ngạo mạn, tự đắc, tự mãn, tự phụ: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Cứ y như bản thân, nhóm mình, phe ta, đã được ghi thẳng vào sổ được cứu rỗi. Thay vì tỏ bất bình, Người thản nhiên, chân tình, vui vẻ, thân thương hướng dẫn, khuyên nhủ, nhắc người hỏi: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
Chiến đấu với chính mình, với kẻ nội thù đang ẩn sâu, nấp kín, đang nằm vùng, cài cắm ngay trong thân xác và tâm hồn vị kỷ, là ưu tiên nhất. Vì thế, điều kiện khởi sự theo Chúa chính là từ “bỏ mình.” Thoát ra khỏi ách nô lệ bản năng, tham sân si, lợi lộc, nô lệ tiền tài, vật chất, tiện nghi, nô lệ hào quang danh vọng.”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. (Mc 8, 34)
Chiến đấu với cái tôi, vốn được ảo tưởng là trung tâm vũ trụ, là một cuộc chiến dai dẳng, khốc liệt và trường kỳ. Thường người ta hay lấy quan điểm, cái nhìn chủ quan, cá nhân, hạn hẹp, phiến diện, lệch lạc, méo mó của mình làm tiêu chuẩn, áp đặt cho tha nhân, có khi cho cả Đấng Tạo Hoá. Vậy không chiến thắng nổi chính bản thân, làm chủ bản thân, thì đừng mơ bước vào cánh cửa chật chội, nhỏ hẹp, vì Nước Trời dành cho những ai mạnh mẽ đấu tranh, như Đức Giêsu đã quả quyết: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11, 12; Lc 16, 16)
Dĩ nhiên, không thể nào chiến thắng cái tôi xác thịt ích kỷ, thế gian mưu ma chước quỷ, với thiên hình vạn trạng, nếu không có hồng ân Chúa trợ lực, qua cầu nguyện và hãm mình chay tịnh. “Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (Ep 6, 12).
Thánh Phaolô đã hoàn toàn phó thác và trông cậy quyền năng Thiên Chúa: “Tôi chiến đấu với sức mạnh của Chúa Kitô vốn tác động mạnh mẽ nơi tôi” (Cl 1, 29). Thánh nhân còn ân cần khuyến khích mọi người, qua thư gửi anh Timôthê: “Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời.” (1Tm 6, 12)
Vơ vét, gom góp, chất đầy lòng tham, ham muốn ngồn ngột, lỉnh kỉnh tiện nghi hưởng thụ, cồng kềnh đam mê, háo danh, háo lợi, thì làm sao có thể vào “cửa hẹp”? Trong khi, Đức Giêsu lại là cửa định mệnh: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10, 9).
Người đã làm gương, đã thân chinh qua cánh cửa hẹp đó, bằng cuộc tử nạn đau đớn. Rồi sau đó, Người được phục sinh vinh hiển. Vì thế, Người luôn kêu gọi mọi người cố gắng phấn đấu vào được cửa hẹp: “Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7, 14)
Chiến đấu trước khi cửa đóng
Con đường dẫn đến cửa hẹp cũng được Đức Giêsu tận tình chỉ dạy, hướng dẫn, vì: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14, 6) Con đường từ bỏ mình, vác khổ giá. Con đường hy sinh, hãm mình. Con đường đơn sơ, khiêm nhường, trong sạch, nghèo khó, vâng phục. Con đường tái sanh, hồn nhiên, ngây thơ như em bé, phó thác như con với cha mẹ. Con đường ăn năn, sám hối kiếp đi hoang trở về với Người Cha Nhân Từ.
Nhưng phận người thì mong manh, mỏng dòn, yếu đuối, sớm nở tối tàn lúc nào chẳng hay. Chẳng biết khi nào cánh cửa cuộc đời khép chặt lại. Vậy cố gắng phấn đấu sống giây phút hiện tại tròn đầy bổn phận và trách nhiệm, chính là vâng phục Thánh Ý Chúa, chính là xả kỷ vị tha, sống cho, sống vì, sống với tha nhân, cùng với tình yêu nồng nàn bác ái, dấn thân phục vụ. Đừng như các cô trinh nữ dại khờ gõ cửa, năn nỉ vô vọng: “Thưa ngài, thưa ngài, mở cửa cho chúng tôi với.” Rồi chỉ nghe câu trả lời hết sức phũ phàng: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 25, 11-12)
Đừng tự mãn con nhà đạo gốc, tự mãn chăm lễ chầu, kinh nguyện, tự mãn giữ đạo máy móc theo luật định, vì chắc chắn sẽ nghe lời khước từ lạnh lùng: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.”
Đừng để lúc sắp bước chân vào ngưỡng cửa đời đời, con hối tiếc vì đã đổi “của thiệt” lấy toàn “đồ giả”. (Đường Hy Vọng, số 676)
Lạy Chúa Giêsu, xin luôn thức tỉnh chúng con trong từng phút giây, đừng mê hoặc theo bản năng, thế gian và ma quỷ, mà luôn quyết liệt chiến đấu chống lại mọi cám dỗ của sự dữ, của văn minh sự chết, để có thể vào được cửa hẹp bất cứ khi nào Chúa gọi.
Khấn xin Mẹ Maria cầu bầu, che chở, giúp đỡ cho chúng khi nay và khi lâm tử, luôn sẵn sàng dọn mình bước vào cửa hẹp, hầu được cứu rỗi. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam