Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 55

Tổng truy cập: 1351543

Phản Ứng Của Dân Chúng

Phản Ứng Của Dân CHúng
3 - Dân chúng.
Lời kêu van và tuyên xưng của anh Bartimeo không được dân chúng đồng ý bởi hai mối thất lợi vừa kể, đối với người Pharisêu và với quân Roma. Hơn nữa dân chúng cũng xem là vô giá trị, bởi lẽ là những lời thốt ra từ miệng một anh mù, kẻ không có giá trị gì trong xã hội.
Phúc Âm Thánh Gioan cũng ghi lại cho chúng ta thái độ khinh khỉnh và tự cao tự đại của nhóm người lãnh đạo tôn giáo vừa đề cập:
- "Mầy sinh ra trong tội lỗi ngập đầu, vậy mà mầy lại muốn làm thầy chúng ta sao?" (Jn 10, 34).
Ai bị tật nguyền, bệnh hoạn là kẻ bị “Chúa chúc dữ", "Chúa phạt nhãn tiền", không có giá trị gì, không cần phải nghe nó.
Đó là tâm lý chung của dân chúng, nhứt là của những “đấng bậc cao cả”, những người có chức vị, đang giữ cho những lằn mức bất khả vượt qua trong xã hội, do họ thiết lập và tổ chức.
Thái độ ỷ lại mình là kẻ “thượng đẳng", "khôn ngoan trưởng thượng” được cho thấy trong câu họ đối xử với anh Bartimeo:
- "Nhiều người quát nạt, bảo anh ta im đi, nhưng anh ta lại càng kêu lớn..." (Mc 10, 48).
Xã hội của họ là xã hội luật của kẻ mạnh, luật của đa số bao giờ cũng có lý, cũng có sức mạnh áp đặt.
Trên thực tế, không hẵn luôn luôn như vậy. Bởi lẽ nhiều khi sự thật được dựa trên những định chuẩn khác, không hẵn phải là định chuẩn của đa số hay của kẻ có quyền lực.
Anh mù Bartimeo “lại càng kêu lớn hơn nữa” cho thấy thái độ cứng đầu của anh đã trở thành một đức tính, chứng tỏ giá trị của anh.
Đó chính là điều Vị Chân Phước Alberione đã để lại trong các bản văn của ngài:
- “Sự thánh thiện là thái độ cứng đầu, quyết định thi hành thánh ý Chúa, luôn luôn, mặc cho bất cứ khó khăn nào".
Và nhà thần học Jacques Maritain cũng phát biểu tương tợ:
- “Lòng phục vụ chân lý đòi buộc phải kiên tâm, không nản chí, tiếp tục tiến lên bằng bất cứ giá nào, không hề nhường nhịn qụy lụy trước bất cứ áp lực nào của thế gian ".
Anh mù Bartimeo là mẫu gương của những kẻ “cứng đầu” xác tín mãnh liệt vào một điều gì đó, hay đúng hơn vào ai đó, một Đấng nào đó, mà anh sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống mình.
Có thể Chúa Giêsu đối với anh là chiếc phao cứu sống cuối cùng, mà anh bám lấy, lá bài cuối cùng mà anh phải liều tất cả trong cuộc sống. Bởi đó thái độ của anh là thái độ vượt qua mọi lằn mức áp đặt và mọi cách hành xử lịch sự phải có trong xã hội.

Anh la lớn đến nỗi giữa đám đông ồn ào làm cho Chúa Giêsu cũng nghe được và dừng lại.
Chúa Giêsu không phải là người điếc, điếc tai và trái tim cũng điếc, bởi đó Người sai một người nào đó trong đám đông đi kêu anh lại:
- "Chúa Giêsu dừng lại và bảo: "Kêu anh ấy lại đây" (Mc 10, 49).
Nếu cho đến lúc nầy Chúa Giêsu chỉ biết anh Bartimeo nhờ tiếng kêu cứu của anh lướt thắng cả tiếng ồn ào của đám đông, giờ đây Người có ý định gặp anh thật sự.
Cuộc tiến được đến gần Chúa Giêsu cũng nhờ đám đông nhường chỗ cho anh, mà trước kia họ chỉ muốn bỏ anh qua một bên.
Cục diện bị đảo ngược hay nói đúng hơn Chúa Giêsu muốn cho thấy rõ tình thế đối nghịch đã được thay đổi lúc đó: nếu trước kia và cho đến lúc đó, đoàn lủ dân chúng có thái độ bất thân thiện và khinh rẻ anh, thì giờ đây đoàn lủ dân chúng lại nhường bước và chắc cũng có thể có người hướng dẫn anh đến với Người. Anh đến được với Người qua trung gian và nhờ họ.
Theo lệnh Chúa Giêsu, đám đông thúc giục anh mù:
- “Can đảm lên ! Đứng dậy, Người gọi anh đó !"(Mc 10, 49b).
a) Can đảm lên.
Trước lệnh truyền của Chúa Giêsu, đám đông, ít ra là những người ở bên cạnh Chúa Giêsu lúc đó đã xoá bỏ đi thái độ dị biệt, không chấp nhận mà trước kia họ tỏ ra đối với giới hạ cấp trong xã hội. Và đồng thời họ cũng tham dự vào biến cố đang xảy ra.
Qua lệnh truyền vừ kể, “kêu anh ấy lại đây”, Chúa Giêsu làm cho đám đông tham dự vào các mối tương quan, dạy bảo họ hãy có thái độ đáp ứng lại tiếng kêu cứu của kẻ yếu thế bất hạnh.
Và đám đông tỏ ra đáp ứng lại ước muốn đó của Chúa Giêsu, bằng cách giúp đỡ, khuyến khích anh:
- “Can đảm lên...".
b) Đứng dậy đi.
Người Hy Lạp đọc câu nói vừa kể hiểu được là câu nói đầy ý nghĩa và gợi lại bao nhiêu kỷ niệm, bởi đó là động từ diễn tả động tác hồi sinh, mà Thánh Marco đã ghi lại liên quan đến biến cố Chúa Giêsu làm phép lạ chữa cho con gái ông Zairo sống lại:
- "Người cầm lấy tay cô bé và phán: "Talita kum", nghĩa là : "Nầy bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi !" (Mc 5, 41).
Câu Chúa Giêsu phán với cô bé cũng như động từ đám đông thúc giục anh Bartimeo là lời mời gọi đánh động, hãy bỏ qua đi hoàn cảnh sống của sự chết và khởi đầu một cuộc sống mới.
c) Người gọi anh đó !
Hay để nhấn mạnh hơn, chúng ta có thể dịch “Người gọi chính anh đó”, cho thấy Chúa Giêsu quan tâm đến chính con người mà trước đó những kẻ khác coi thường, đặt anh ra bên lề xã hội, “ngồi ăn xin bên vệ đường”.
Điều đó cho thấy Chúa Giêsu giải toả trạng thái mà nhiều khi con người kiềm hảm trong cách sống của tổ chức xã hội con người. Con người khai trừ, đê tiện hoá con người, đánh đập, trấn áp, chửi mắn, “trấn nước ", " bịt miệng”, đối đải với người đồng loại, với anh em đồng bào mình như súc vật. Đó là cách sống của con người, hay đúng hơn đó là cách sống của những kẻ không còn đáng được gọi là con người.
Chúa Giêsu hành động ngược lại, theo lý lẽ của Thiên Chúa, Người chia xẻ số phận không may mắn của con người, và một cách nào đó, cũng lấy đó như là số phận của mình.
Hoàn cảnh sống của anh mù trở thành tình trạng của Người, số phận bị xã hội bỏ rơi của anh làm đánh động Người đến tận con tim, khiến cho Người ra tay can thiệp.

4 - Chúa Giêsu và anh Bartimeo.
Lệnh truyền hay lời mời gọi của Chúa Giêsu tạo ra phản ứng lập tức của anh Bartimeo:
- " Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu " (Mc10, 50).
Giờ đây khoản cách giữa Chúa Giêsu và anh mù Bartimeo không còn nữa. Người nầy đang đứng trước mặt người kia, nhưng người thì thấy, người kia không.
Chúa Giêsu hướng dẫn anh bằng một lời nói đơn sơ, có khả năng tạo nên mối tương giao thấu hiểu nhau và thân mật nhau.
Đó là ý nghĩa câu hỏi của Chúa Giêsu. Với tư cách thật tế nhị làm cho anh mù khỏi bối rối, người đặt với anh một câu hỏi, làm cho anh cảm thấy an tâm, dễ chịu, khiến cho anh không có gì khó khăn để trả lời.
Cuộc gặp gỡ trao đổi bằng lời nói chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ diện kiến, mặt giáp mặt.
Lòng tin của anh Bartimeo, hay đúng hơn thái độ cương quyết “cứng đầu” của anh đã tạo được phép lạ, bởi lẽ ngay cả hoàn cảnh cũng đã thay đổi trước mặt mọi người. Anh mù trước kia ngồi nhu nhược bất động bên vệ đường, giờ đây trở thành năng động, “đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu".
Khi Chúa Giêsu kêu gọi anh, mãnh lực sự sống được chuyền qua suốt con người của anh, khiến anh đầy nghị lực, trở thành năng động. Anh đứng phắt dậy và đến với Người, bởi vì sức sống lời kêu gọi của Người đã bứt bỏ mọi ràng buộc, anh trở thành con người tự do. Thái độ tự do đó, dân chúng lúc đó đều thấy được, bởi lẽ
- “Anh liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Chúa Giêsu" (Mc 10, 50).
Vất áo choàng lại”, là chướng ngại vật, tượng trưng cho tình trạng thụ động trước đó, trạng thái của con người củ, cản trở anh được tự do cử động để chạy mau đến với Chúa Giêsu.
Anh không còn phải là người “ngồi ăn xin bên vệ đường” và chờ đợi được bố thí nữa.
Anh Bartimeo cảm thấy chính mình được Chúa Giêsu thương mến qua tiếng gọi của Người, bởi đó anh thấy cần phải vất đi những gì thuộc về trạng thái đui mù hôm qua.
Anh vất bỏ đi áo choàng, cũng như các môn đệ bỏ lại hết mọi sự để theo Chúa Giêsu:
- "Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Zebedeo ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người" (Mc 1, 20),
cũng như người thiếu phụ Samaritana bỏ lại vò nước và vào thành để báo cho mọi người biết là có Chúa Giêsu:
- “Người thiếu phụ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta: "Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki Tô sao?" (Jn 4, 28-29).
Như vậy, trước lời kêu gọi của Chúa Giêsu cần mau mắn , hối hả chạy đến Người và vất bỏ đi những gì làm trở ngại cho mình đến với Người.

Giờ đây anh Bartimeo đang đứng trước Chúa Giêsu, nhưng anh vẫn chưa nhìn thấy được Người, bởi vì bệnh mù là vòng đai phía ngoài đang cản trở. Chúa Giêsu là Đấng thấy anh, nắm lấy sáng kiến và hướng dẫn anh:
- "Anh muốn tôi làm gì cho anh?" (Mc 10, 51).
Câu hỏi có vẻ quá tầm thường, nếu chúng ta nghĩ đến nội dung của câu trả lời mà người mù đang ao ước sẽ trả lời.
Tuy vậy, nhìn dưới khía cạnh tâm lý, là một câu hỏi thật dễ dàng để có thể khởi đầu câu chuyện với nhau, cũng như về phía Chúa Giêsu là câu hỏi để tỏ lòng tôn trọng tự do của người đối thoại.
Câu hỏi đơn sơ làm cho người được hỏi có thể trả lời dễ dàng, giúp cho anh Bartimeo xoá bỏ được khoản cách giữa anh và Chúa Giêsu, giữa con người và Thiên Chúa.
Câu trả lời bởi đó trở thành bộc phát và được khởi đầu bằng thái độ kính trọng:
- “Lạy Thầy , Rabbuni ..." (Mc10, 51b).
Từ ngữ “Rabbuni " (lạy Thầy ) kém long trọng hơn “Con vua David", nhưng bù lại tạo được bầu không khí đối thoại thầy trò thân mật hơn.
Và kế đó là lời van xin ân phúc mà mình muốn nhận được, mục đích mà anh đã phải can đảm, vất vả và “cứng đầu”, bất chấp mọi chống đối của đám đông để nhằm đạt được:
- “Xin Thầy làm cho con nhìn thấy được " (Mc 10, id.).

Câu trả lời của Chúa Giêsu trước lời thành khẩn van xin đó:
- " Con hãy đi, lòng tin của con đã cứu con " (Mc 10, 52),
là lời xác nhận đức tin của Bartimeo, đồng thời Người đặt mối liên hệ giữa đức tin và ơn cứu độ, xác nhận thái độ “quyết liệt, can đảm, cứng đầu" muốn gặp Chúa Giêsu cho bằng được của anh là khởi điểm của tiến trình cho anh trở nên thánh thiện, "đã cứu con" hay "được cứu rổi”.

Một điều quan trọng khác trong câu trả lời của Chúa Giêsu, đó là động từ đi, được dùng ở thì mệnh lệnh tính:
- "Con hãy đi...".
Thể thức mệnh lệnh tính của động từ vừa kể nhắc nhở cho chúng ta nhớ rằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu luôn luôn hàm chứa mục đích sứ mệnh loan truyền lời của Người và con người của Người đến cho những anh em khác.
Chúa Giêsu không nói với anh mù "hãy đến đây và theo Ta" như những gì Người đã phán với Nhóm Mười Hai, để chuẩn bị cho sứ mạng sắp tới, mà là "con hãy đi”, loan báo những gì con đã được "thấy”. Đó cũng là sứ mạng mà Người nói với mỗi ngươi chúng ta, khi chúng ta được gặp Người, được biết Người và được Người ban cho ân phúc trong cuộc sống Ki Tô hữu.
Sứ mạng mà Chúa giao cho mỗi người tín hữu Chúa Ki Tô là thân tình vâng nghe lời dạy bảo của Người và phục vụ bất vụ lợi đối với anh em, trong tinh thần phục vụ mà Người đã làm gương cho chúng ta:
- “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải là người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm người đầy tớ mọi người" (Mc 10, 43-44).

Đoạn Phúc Âm kết thúc, nhắc lại tư tưởng con đường mà cho đến lúc đó là nơi mà Bartimeo chỉ biết bất động, mù, ngồi đợi được bố thí. Giờ đây cũng trên con đường đó, anh được Chúa Giêsu mở mắt, nhìn thấy lại được và di chuyển đi theo Người:
- " Tức khắc anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi " (Mc 10, 52).
Đó là con đường mà Chúa Giêsu đi qua, lên Giêrusalem, nơi mà Người sẽ chịu khổ nạn, tử nạn và phục sinh.
Đó là con đường của anh Bartimeo và cũng là con đường của mỗi người chúng ta, người tín hữu Chúa Ki Tô, con đường duy nhứt đến đích cứu rổi, đến phục sinh mà Chúa Giêsu đã đi trước và chỉ dẫn cho chúng ta.
Có thể có người cho rằng có những con đường khác rộng rãi, dễ đi, ngắn gọn hơn, tiện lợi hơn. Hãy coi chừng, đó là nhữn lối tắt đưa vào ngỏ cụt, dẫn đưa chúng ta ra xa khỏi sự sống hay không bao giờ đến được sự sống.
Anh mù Bartimeo là mẫu gương của người môn đệ và của mọi tín hữu Chúa Ki Tô muốn thấy được, biết được có nghĩa là gì và làm sao được cứu thoát.
Chúa Giêsu gặp được anh Bartimeo và làm cho anh thấy lại được, cùng với cặp mắt sáng và cả niềm vui để sống. Người cứu anh khỏi cảnh sống hạ cấp, sống ký sinh, bám víu vào lòng đại lượng của người khác và chấp nhận anh tháp tùng cùng đi với Người trên con đường đi đến niềm vinh quang phục sinh Người đang đi.
Lòng can cường, quyết chí, không bỏ cuộc của anh mù Bartimeo được tưởng thưởng bằng việc mắt thấy lại được và được hướng dẫn hội nhập với Đấng có quyền năng giải quyết vấn đề của anh.
Anh được làm cho sáng mắt, nhưng cũng được làm cho anh biết nhiều hơn Chúa Giêsu là ai. Bởi đó sau khi được sáng mắt, anh không bỏ Người đi mất, mà quyết chí theo Người:
- “Tức khắc anh nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi ".
Chúng ta cũng vậy, có lẽ chúng ta cũng không thấy được rõ ràng để định hướng.
Chúng ta cần có Chúa để làm cho chúng ta thấy rõ hơn con đường Người muốn chúng ta đi và ngắm nhìn ngưỡng mộ các công trình yêu thương của Người đối với chúng ta.
Và như vậy chúng ta luôn luôn " đi theo Người ", khắn khít với Người.

home Mục lục Lưu trữ