Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 48

Tổng truy cập: 1355840

PHÚC TRÌNH VỀ CUỘC ĐỜI

PHÚC TRÌNH VỀ CUỘC ĐỜI

 

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

Tôi đã từng đọc Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ. Đó là cuốn sách nhỏ, ghi lại 50 lời cầu nguyện của nhiều người. Mỗi lời nguyện đều chất chứa nỗi lòng, tình yêu, sự tha thiết của những con người thích chìm trong cầu nguyện.

Chẳng hạn, lời cầu nguyện số 4 gây trong tôi nhiều cảm động và ấn tượng. Đó là lời cầu nguyện bộc lộ lòng yêu mến Chúa lớn lao, lòng yêu mến chất chứa đầy nghị lực. Tác giả của lời cầu nguyện ấy là bà Vérônique, một phụ nữ Pháp sống ở Cameroun. Tính đến năm 1979, bà đã 58 tuổi, nhưng phải sống và làm bạn với căn bệnh cùi đến 55 năm, và 20 năm đui mù. Lời cầu nguyện của bà như sau:

“Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả. Và con, con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả. Xưa kia con ưa thích đọc sách, và Chúa đã muốn mượn đôi mắt của con. Ngày trước con thích chạy nhảy trong những khu rừng thưa, và Chúa đã muốn mượn đôi chân của con. Mỗi độ xuân về, con tung tăng hái lượm những cánh hoa tươi, và Chúa lại xin con đôi tay. Bởi con là một phụ nữ, con ưa ngắm nhìn suối tóc óng ả của con, ưa ngắm nhìn những ngón tay thon nuột xinh xắn của con, thế mà giờ đây, đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng xinh xinh nữa, chỉ còn lại một vài que củi khô queo nham nhúa. Chúa ơi, Chúa hãy nhìn xem: cái thân thể diễm kiều của con đã bị hủy hoại đến độ nào. Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn… Ôi lạy Cha, Tình Yêu của con, con xin dâng Cha căn bệnh phong cùi thân xác của con, để cho những người thân yêu kia đừng bao giờ biết đến nữa, cái đắng cay, cái lạnh lẽo kinh hồn của căn bệnh cùi tâm hồn…”

Và còn nữa…, còn nữa những lời tâm sự với Thiên Chúa của một con người bị coi là bất hạnh tột cùng, bị coi là tàn tạ không còn gì để đáng sống. Ấy vậy mà từ trong nội tâm của bà Vérônique, lại tỏ lộ một sức mạnh lớn lao của sự sống, một tình yêu và lòng tín thác dũng mãnh, mà không phải bất cứ một người bình thường nào cũng có thể có được, đừng nói chi đến một người tàn tật như bà. Bà Vérônique đã cầu nguyện, một lời cầu nguyện cho thấy một lòng mến Chúa mạnh đến nỗi không một bất hạnh nào có thể làm lung lay.

Hôm nay, đọc lại đoạn Tin Mừng Chúa nhật 16 thường niên này, tôi cảm thấy cần phả tự nhủ với chính mình rằng: Hãy tin Chúa giống như bà Vérônique, và cũng hãy yêu Chúa như bà.

Bài Tin Mừng này tiếp nối bài Tin Mừng tuần trước. Tuần trước, thánh Marcô cho biết Chúa sai các tông đồ ra đi giảng đạo cho dân chúng. Tuần này, thánh Marcô cho biết các tông đồ trở về phúc trình lại những gì mình đã làm. Thánh Marcô viết: “Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy”. Nếu các tông đồ tụ về bên Chúa báo cáo lại cả một cuộc hành trình truyền giáo mà các ngài đã thực hiện, thì chúng ta cũng thế. Tất cả mọi người không trừ ai, không chỉ là hành trình truyền giáo của từng người mà thôi, tất cả đều có lúc phải ra trước tòa Chúa để báo cáo về chính cuộc đời của mình.

Nếu trong hành trình truyền giáo của mình, các tông đồ đã làm được nhiều việc, đã giảng dạy nhiều điều, cuộc đời của mỗi người cũng là một hành trình dài. Không biết khi đến tòa phán xét, chúng ta sẽ mang gì để phúc trình? Có phải đã làm được nhiều điều như các tông đồ hay không? Điều ta phúc trình có phải là lòng yêu mến Chúa, hay lúc đó phơi bày cả một lối sống trong đời toàn là nhữ bê tha, vô trách nhiệm? Không! Bạn và tôi đừng như thế. Ta là người Công giáo, đời sống của ta phải là một cuộc đời được ấp ủ trong tình yêu và trao ban tình yêu.

Bà Vérônique suốt đời không làm được chuyện gì hết, làm sao bà làm được cái gì khi mà những ngón tay co quắp như que củi, đôi chân cũng không còn, đôi mắt cũng chẳng nhìn thấy, cái đầu cũng nhẵn nhụi, không có lấy một sợi tóc. Đúng, bà không làm được cái gì hết, trừ một điều rất quý giá, không có bất cứ cái gì đánh đổi được: đó chính là TÌNH YÊU! Chính vì trao hết tình cho Chúa, yêu hết mình với Chúa, bà đã có thật nhiều điều để kể cho Chúa nghe. Chính vì yêu mến Chúa, bà lấy làm hạnh phúc khi chấp nhận tất cả nỗi bất hạnh lớn lao trên thân xác mình.

Cũng thế, bạn và tôi hãy yêu mến Chúa để cảm nhận hạnh phúc trong cuộc đời. Có yêu, ta mới đủ can đảm, đủ nghị lực chấp nhận mọi nghịch cảnh. Mỗi một ngày sống, nhờ lòng yêu mến Chúa, ta sẽ nhận ra đó chính là một chuỗi ơn lành Thiên Chúa tặng ban. Chính vì tình yêu, ta sẽ dâng lên Chúa nỗi lo âu, vất vả, mồ hôi và nước mắt. Tình yêu mến Chúa sẽ dạy ta biết phó thác khi thương đau và biết cảm tạ khi hạnh phúc. Chỉ có tình yêu, ta mới thấy Chúa thuộc về ta và ta thuộc về Chúa. Chỉ có tình yêu mời giúp ta có thật nhiều cái hay, cái tốt để phúc trình cho Chúa nghe.

 

14.Cần những khoảng vắng

(Suy niệm của Lm. Vũ Xuân Hạnh)

I. Hãy vào nơi thanh vắng

Hôm nay, Chúa nhật XVI thường niên, bài Tìn Mừng (Mc 6, 30-34) có nội dung liên tục với bài Tin Mừng tuần trước (Mc 6, 7-13). Tuần trước, Chúa sai mười hai tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng. Thực thi mệnh lệnh của Chúa, “các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh”.

Tuần này, sau thời gian thi hành sứ mạng trở về, các tông đồ rất phấn khởi vì đạt nhiều thành công rực rỡ. Những thành công ấy cũng rất lạ thường, nó vượt xa khả năng tự nhiên của các tông đồ: có thể trừ quỷ và chữa lành nhiều bệnh. Các tông đồ vui mừng tụ họp bên Chúa, kể cho Chúa nghe “mọi việc các ông đã làm, mọi điều các ông đã dạy”.

Một mặt đón nhận thành quả đầy an ủi đối với các tông đồ, nhưng mặt khác Chúa Giêsu có vẻ quan tâm đến con người hơn công việc. Người nhẹ nhàng kéo các tông đồ rời khỏi “cơn say” bởi “men chiến thắng”: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Bởi Người biết, con đường trước mắt mà thầy trò phải dấn bước không phải là con đường bằng phẳng, sẽ không ít gập ghềnh. Đó là một con đường dài, đầy gian nan, thử thách. Sứ mạng hôm nay dù thành công, nhưng chưa kết thúc, đúng hơn, chỉ mới mở ra. Đường còn dài đã vậy, sức lại chỉ có giới hạn. Vì thế, chưa cho phép mọi người có quyền ngủ vùi trong những thành công đầu đời tông đồ này. Thành công đầu đời chưa phải là tất cả của sự thành công.

Ngoài việc kéo các tông đồ ra khỏi cơn “say men chiến thắng”, lời động viên của Chúa: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”, còn cho thấy sự quan sát rất thực tế của Chúa Giêsu. Chính lúc này đây, các học trò của Chúa cần phải được nghỉ ngơi dưỡng sức. Bởi họ đã lăn xả nhiều cho công việc. Sức lực thể lý của họ đã bị hao mòn vì đám đông, vì cảnh ồn ào, huyên náo. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, lúc này phải là một bầu không gian cô tịch, mới có thể giúp các tông đồ tỉnh táo kiểm chứng nội tâm của mình và bồi bổ dưỡng sức.

II. Tầm quan trọng của sự thanh vắng

Thánh Kinh nhiều lần nhắc đến sự liên hệ cần thiết giữa nơi hoang vu, vắng vẻ liên quan tới ơn gọi, sứ mạng và đời sống của nhiều người. Chẳng hạn, Dân của Chúa sau khi được giải thoát khỏi cảnh nô lệ Aicập đã vào hoang địa để được thanh luyện lòng trung thành của mình suốt bốn mươi năm. Ông Môisen và ông Êlia đi vào nơi hoang địa để gặp gỡ Thiên Chúa (Xh 3, 1; 1V 17,3). Thánh Gioan Baotixita vào hoang địa để nhận lãnh ơn Chúa và thanh tẩy tâm hồn mình hoàn toàn hướng về Chúa trước khi rao giảng kêu gọi mọi người ăn năn sám hối (Mt 3, 1tt). Chính Chúa Giêsu, khi bắt đầu sứ vụ công khai, khi tuyển chọn các tông đồ, khi bước vào cuộc tử nạn, và rất nhiều lần trong những năm công khai rao giảng Tin Mừng, đã vào nơi thanh vắng cầu nguyện…

1. Sự thanh vắng cần cho người đời

Cũng vậy, sự thanh vắng rất cần cho cuộc đời của mỗi người chúng ta. Thế giới ta đang sống cùng, đang đồng hành với nó, cũng đồng nghĩa với việc ta đang ngụp lặn trong đại dương vô bờ của tiếng ồn. Bởi thế giới đang diễn ra không biết bao nhiêu tiếng ồn.

Ồn từ trong cuộc sống tinh thần đến ồn trong cuộc sống vật chất. Ồn từ nội tâm con người đến ồn trong mọi cách mà con người thể hiện. Ồn từ chợ búa đến ồn tận miền quê. Ồn từ trong những thinh lặng đến ồn trong từng tiếng nói, tiếng cười. Ồn trong những nếp nghĩ của người giàu có đến ồn trong sự chạy đôn, chạy đáo của người thiếu thốn. Ồn từ nét hồn nhiên, tinh nghịch của đám trẻ thơ đến ồn trong vô vàn những tất bậc của thế giới người lớn. Ồn trong niềm mừng vui của người hạnh phúc đến ồn trong đau khổ của người bất hạnh. Ồn trong tình yêu đến ồn trong sự thù hằn, ganh ghét nhau. Ồn trong những vỡ kịch công phu trên sân khấu đến ồn trong những màn kịch, dù chỉ là kịch câm, nhưng được dàn dựng hoàn hảo, đủ sức “đâm” lén đối thủ. Ồn trong cả cái mà người ta gọi là văn minh, văn hóa hay kém văn minh, văn hóa. Ồn trong mọi ngóc ngách, mọi khía cạnh, mọi giao tế, mọi nhịp sống…

Giữa một cánh rừng rậm của tiếng ồn như thế, những khoảng lặn trong cuộc đời của mỗi một người là điều hết sức quan trọng. Những khoảng lặng ấy rất cần để ta tự đối thoại với mình, tự nhận diện, khám phá chính mình trong từng hoàn cảnh, từng hướng đi của đời mình. Nếu ta sống mà lại thiếu những phút giây suy tư và lặng ngắm chính nội tâm, nhằm phản tĩnh, và kiểm tra chính mình, ta sẽ dễ đánh mất mình, dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu, những nhộn nhịp, những thu hút giả tạo bên ngoài… cách thiếu suy nghĩ nền tảng, thiếu hẳng bóng dáng cá nhân mình…

Đành rằng cần phải loại trừ chủ nghĩa cá nhân theo kiểu áp đặt, thiên kiến, lèo lái tha nhân, lèo lái hoàn cảnh theo ý riêng mình. Nhưng bóng dáng cá nhân, bao gồm tình yêu, sức sáng tạo, nét riêng làm nên sự phong phú… là điều không thể thiếu. Vì thế, nếu tự để mình vong thân, ta trở thành tội phạm, kẻ đã ăn cắp chính cuộc đời mình làm cho mình không còn là mình nữa. Biết sống thinh lặng và quay về với cõi lòng để tự nhận ra nơi mình cái gì đã tốt mà phát huy hơn, cái gì còn khuyết mà chỉnh đốn. Thinh lặng như thế, chính là sức mạnh đáng quý của một tinh thần cá nhân, để từ đó, sẽ ra đi và sống như mình là mình giữa một thế giới quá nghèo nàn về sự thinh lặng.

2. Sự thanh vắng cần cho đời Kitô hữu

Nếu những khoảng thời gian thanh vắng hoàn toàn là điều kiện cần cho đời sống con người, thì sự thanh vắng càng cần thiết hơn, càng quan trọng hơn cho đời người Kitô hữu.

Trong nghĩa vụ sống đức tin, nghĩa vụ thờ phượng Chúa, người Kitô hữu cần phải in vào tâm khảm mình lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” để luôn luôn tự nhắc nhở mình về những khoảng thinh lặng cần thiết. Những khoảng thinh lặng cần thiết đó, có thể là một chút thôi, có thể là năm phút, mưới phút, hay nhiều hơn tuỳ sự luyện tập dài lâu của bản thân.

Dù dài hay ngắn, chỉ một chút lặng lẽ, người tín hữu đã có thể lắng chìm trong Chúa, đã có thể đặt mình vào vòng tay của Chúa, đã có thể nhờ ánh sáng tình yêu của Chúa soi rọi mọi ngóc ngách của linh hồn, để nghe tiếng Chúa nói, để tự kiểm điểm mình, để bổ sung năng lực của lòng đạo đức có thể đã hao mòn vì những bon chen đời thường, nhờ đó người tín hữu tự thánh hóa mình và dễ dàng đón nhận ơn thánh hóa của Chúa.

Chúng ta hãy nhớ rằng, chỉ có sự thanh vắng thật sự mới có thể tạo được sự nhịp nhàng giữa nghĩa vụ tôn thờ Chúa, nghĩa vụ sống đức tin và những vất vả lao nhọc của đời thường nơi sự sống một người Kitô hữu. Bởi sự sống của người Kitô hữu là một hành trình liên tục đi từ sự hiện diện của con người vào sự hiện diện của Thiên Chúa, rồi lại bước ra, đi từ sự hiện diện của Thiên Chúa vào sự hiện diện của con người. Có thể ví hai sự hiện diện này như sự nhịp nhàng của giấc ngủ và làm việc. Ta không thể làm việc được, trừ khi ta đã có thời gian nghỉ ngơi. Giấc ngủ sẽ hoàn trả lại cho ta một con người tỉnh táo, khỏe mạnh nhờ đó ta tiếp tục làm việc. Cũng vậy, không ai có thể sống đời Kitô hữu hoàn hảo, trừ khi người đó đã dành thời gian cầu nguyện và sống kết hợp với Chúa.

Bởi vậy, chúng ta hãy đi tìm Chúa như đám đông ngày xưa đã đi tìm Chúa. Mặc dù Chúa bảo các tông đồ “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Rồi tất cả cùng xuống thuyền vào nơi thanh vắng. Nhưng đám đông đã không để Chúa yên. Họ tìm đến Chúa. Chúa đáp lại lòng mong mỏi của họ. “Chúa chạnh lòng thương” họ, vì cảm nhận bằng một cái nhìn hết sức yêu thương, trìu mến: Họ bơ vơ “như bầy chiên không người chăn dắt”.

Ngày hôm nay, bắt chước đám đông đi tìm Chúa, ta bước vào cõi thinh lặng của lòng mình để gặp gỡ Chúa, để được Chúa yêu thương trìu mến. Ta phải gặp gỡ Người, vì chỉ có ở trong Người, ta mới có thể hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa cuộc sống và tìm ra nơi cuộc sống ấy lẽ sống cho đời ta. Bởi đời người đâu chỉ có làm lụng, đâu chỉ có vui buồn, đâu chỉ có cái ăn, cái mặc, ngủ nghỉ, vui chơi, giải trí…

Điều đáng buồn nhất, đau đớn nhất là những cái chết của những kẻ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Họ không hiểu được tại sao tôi phải sống? Sống để làm gì? tại sao phải đau khổ? Tại sao sống để rồi đi qua không biết bao nhiêu cái nhiêu khê của cuộc đời đến đích cuối cùng là sự chết phủ phàn đang chờ đợi?

Nói cách khác, sự nghèo đói, sự đau khổ chưa phải là động lực cuối cùng giục người ta liều mạng, tìm về cái chết cho bằng người ta chỉ sống trong cô quạnh vì dốt nát trước giá trị của sự sống. Họ chỉ thấy cuộc đời là phi lý, vô nghĩa, không đáng sống…

Chúa Kitô chính là Nguồn Sống duy nhất của đời người. Trong sự thanh vắng hoàn toàn của tâm hồn, tìm về bên Chúa, ta không chỉ nhận ra ý nghĩa của sự sống đời mình, mà còn múc lấy sức mạnh của sự sống đích thực từ Nguồn Sống quý giá này.

Nơi Nguồn Sống Kitô, ta biết rõ đích điểm của đời mình là chính Người. Người sẽ chỉ cho ta đường đi đến đích. Con đường đó là chính những hy sinh, chấp nhận của cõi đời này. Nơi Chúa Kitô, chính mẫu gương sống và Lời của Người sẽ soi rọi lên sự sống và lên cuộc đời ta. Bởi vậy, hãy để cho Chúa có cơ hội đi vào lòng ta bằng đời sống thanh vắng và cầu nguyện. Để như đám đông ngày xưa đi theo Chúa, một khi để Chúa ở lại nơi lòng mình, ta cũng sẽ được Chúa chỉ bảo cho ta như đã từng “giảng dạy họ nhiều điều”.

Lạy Chúa, đời nội tâm là chìa khóa của hạnh phúc, vì đời nội tâm mở cửa cho con được đi vào và đắm chìm trong hạnh phúc là chính Chúa. Xin cho con biết tìm những khoảng thời gian thanh vắng để được gặp Chúa, từ đó con sẽ gặp chính con người thật của con. Nhờ gặp Chúa và nhận diện chính mình, thì khi phải đối mặt cùng tiếng ồn của cuộc đời, cùng những sôi nổi của thành công, hoặc những ê chề của thất bại, con sẽ không đánh mất chính mình trong thế giới của tiếng ồn, nhưng có khả năng thánh hóa bản thân và thánh hóa chúng. Amen.

 

15.Việc cần làm ngay

(Suy niệm của PM. Cao Huy Hoàng)

“Nghỉ ngơi một chút”

Sau khi được sai đi, và ra đi, các tông đồ trở về thuật lại cho Chúa nghe về những thành quả và niềm vui đạt được. Các ông tưởng là Chúa Giêsu sẽ một câu khích lệ cho khoái chí, thì Ngài lại bảo: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút".

“Nghỉ ngơi một chút”. Thiết tưởng đây là cách khích lệ đầy ưu ái của Chúa Giêsu dành cho các tông đồ. Ngài mời gọi các tông đồ hãy tìm một trạng thái “tĩnh” sau một thời gian “động”. Tình trạng “tĩnh” ấy là

- Thoát ra khỏi cái ồn ào của thành công

- Không bị cuốn vào sức hút của thành công

- Không nối dài kế hoạch nào nữa, mà là buông bỏ tất cả để nghỉ ngơi

Trạng thái tĩnh này có thể gọi được là một sự nghỉ ngơi an bình trong Chúa, nơi ấy, không còn chút bận tâm, ưu phiền và không còn cả niềm hãnh diện thường tình của những người thành đạt. Đôi khi chúng ta lầm tưởng rằng nỗi buồn của thất bại làm chúng ta mất bình an và niềm vui của sự thành công mang lại cho chúng ta hạnh phúc. Nhưng thật ra, cả hai, niềm vui và nỗi buồn theo tính loài người ấy đều phản ảnh một trạng thái tự ti hay tự mãn do cái tôi của lòng kiêu ngạo.

Việc cần làm ngay

Tôi không dám nghĩ là may mắn nhưng “tạ ơn Chúa cho còn sống” sau lần nhồi máu cơ tim tháng 9 năm 2010. Những ngày nằm ở bệnh viện, có một bác sĩ khuyên tôi: “Có một việc cần làm ngay là không làm gì cả”. Tôi mới hiểu ra: “không làm gì cả” cũng là một việc cần thiết và cấp bách trong đời hiểu theo nghĩa: “nghỉ ngơi một chút”

Nếu về mặt thể lý, trạng thái tĩnh giúp phục hồi sức khỏe, thì về mặt thiêng liêng, việc nghỉ ngơi một chút, để lòng không xao động bởi buồn hay vui, thất bại hay thành công, vừa nói lên niềm tín thác cậy trông, vừa là niềm bình an trong Chúa và đem lại cho chúng ta nguồn sinh lực dồi dào hơn.

Quả vậy, là người yêu mến Chúa và thi hành việc của Chúa, cần có những phút tĩnh hay “phút lắng cách tự nguyện trong cuộc đời, dẫu đau thương đã đầy hay niềm vui bỗng vơi. Vẫn cứ lắng vì rất rất cần phải lắng. Lắng chỉ để nghe mà không nói một lời.

Cần có những phút vắng tự nguyện trong cuộc đời, dẫu niềm thương nỗi nhớ cứ khôn nguôi. Vẫn cứ vắng vì rất cần phải vắng. Vắng để ngộ ra bên ta có một người.

Cũng cần có những phút trắng tự nguyện trong cuộc đời, dẫu vạn sắc màu vàng xanh đỏ tím đương lên ngôi. Vẫn cứ trắng vì rất cần phải trắng. Trắng để thương thân một kiếp đời.

Hẳn là trong cuộc đời, sẽ có hồi không tự nguyện lắng cũng phải lắng, không tự nguyện trống vắng cũng phải đành rất vắng, không tự nguyện trắng tay cũng đành còn tay trắng. Vậy nếu ngay hôm nay, tôi không tự nguyện tập trầm mình tĩnh tại trầm lắng trong khiêm hạ, không tự nguyện cô đơn một mình đối diện với Chúa trong phút tương giao huyền nhiệm, không buông bỏ tất cả trong thoáng tan biến cả ý thức lẫn tấm thân mình thì sẽ khó lòng mà chấp nhận chuyện gì sẽ xảy đến trong đời.

Một linh mục về hưu, một bà phước xế bóng, một giáo dân liệt lào hẳn đã cảm nghiệm được phút lắng, vắng, trắng không ước ao vẫn xảy đến. Nhưng nếu đã được chuẩn bị bằng cách “nghỉ ngơi một chút” trong Chúa từng ngày, từng phút trong đời, thì phút về hưu hay xế bóng, phút bệnh hoạn hay lâm chung vẫn là phút tuyệt vời trong cuộc tình huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và con người. Gần nhất, cuộc sống của những người bị giam cầm, cụ thể Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn văn Thuận, cho thấy việc nghỉ ngơi một chút bằng cách tự nguyện lắng, vắng, trắng trong Chúa hằng ngày là cần thiết đến mức nào để chấp nhận được Chúa huấn luyện khi Chúa muốn.

“Nghỉ ngơi một chút” hẳn đã là kim chỉ nam cho nhiều vị thánh sống kết hiệp với Chúa, múc lấy nguồn sinh lực của Chúa, mặc lấy ý thức và ước muốn của Chúa, và thực hiện cuộc sống của mình theo thánh ý Chúa.

“Nghỉ ngơi một chút” là cần thiết, nhưng một chút là bao nhiêu thời gian? Bởi trong chúng ta cũng không thiếu cảnh một chút nghỉ ngơi mà kéo dài năm này qua năm kia.

Tin mừng cho thấy một chút nghỉ ngơi của các tông đồ được tính bằng thời gian quá ngắn trên thuyền với Chúa Giêsu thôi.

“Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều”.

Công việc của Chúa Giêsu cũng liên tục, nhưng Ngài vẫn dành những phút lắng để kết hiệp với Chúa Cha, để lắng nghe Cha, và múc lấy nguồn sinh lực nơi Cha. Nguồn sinh lực mới nơi Chúa Cha giúp Chúa Giêsu thấy “việc cần làm ngay” sau phút nghỉ ngơi ngắn ngủi: “thương đoàn chiên không người chăn” và Chúa đã bắt tay vào việc cần làm ngay mới là “dạy dỗ họ nhiều điều”.

Nguyện xin ban cho chúng con những mục tử yêu mến Chúa, sống bằng sinh lực của Chúa Giêsu và sẵn sàng thí mạng mình vì đoàn chiên Ngài.

Xin cho các tín hữu Chúa biết nghỉ ngơi một chút trong Chúa hằng ngày để được mặc lấy ý muốn, tấm lòng của Chúa mà tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng cho tha nhân. Amen.

 

16.Xin đừng vô cảm

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Có ai đó nói rằng: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương”. Sự lạnh lùng con tim khiến cho tình người giá rét đến nỗi không thể thổi hơi ấm tình người cho nhau. Trái tim lạnh lùng đã khiến họ co ro trong vốc ích kỷ cá nhân mà không thể vươn ra với đồng loại. Sống giữa xã hội lạnh băng tình người, ta sẽ cảm thấy cái lạnh xuyên thấu tâm can, nó dẫn ta đến nỗi đau tột cùng của sự cô đơn.

Cái lạnh tình người ấy dường như đang bao phủ trong xã hội việt Nam hôm nay. Theo kết quả mới công bố của hãng khảo sát quốc tế Gallup, Việt Nam xếp thứ 13 trong những quốc gia vô cảm nhất thế giới. Thực hư của khảo sát không biết đúng hay sai? Nhưng càng ngày, chúng ta càng phải chứng kiến những câu chuyện đau lòng, những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chuyện nữ sinh đánh nhau được các bạn cổ vũ nhiệt tình; chuyện bác sĩ thờ ơ, tắc trách làm chết bệnh nhân; chuyện bảo mẫu, cha mẹ bạo hành con trẻ đến chết; chuyện những vụ án giết người man rợ… khiến người ta không khỏi bàng hoàng về sự suy đồi đạo đức mà biểu hiện rõ nhất là sự vô cảm của con người. Người ta lo ngại “bệnh vô cảm” đang có sức lây lan rất lớn, len lỏi khắp mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.

Sự vô cảm của con người dâng cao đến độ vô tâm làm hại nhau bằng đầu độc thuốc độc hại trong thực phẩm, trong trái cây. . . Dường như trong tất cả các trái cây hay rau xanh bán ở thị trường Việt Nam hôm nay đều được xịt thuốc trước hoặc sau. Đó là hành động giết người, là tội ác, là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Thế nhưng, những sát thủ này vì lợi nhuận vẫn thản nhiên bơm thuốc vào thực phẩm để bán. Sư vô tâm còn man rợ đến nỗi gây nguy hiểm cho tha nhân khi chạy xe ẩu, lạng lách, đánh võng và thiếu nhường nhịn nhau trong giao thông đã gây nên hàng vạn cái chết thương tâm.

Trước một xã hội lạnh giá như vậy thì cần lắm một ngọn lửa tình người được thắp lên. Cần lắm những con người vượt lên trên lợi nhuận để sống có lương tâm, có đạo đức, có tình người. Đừng vì lợi nhuận mà đầu độc thuốc vào thực phẩm. Đừng vì vô tâm mà thấy nguy hiểm với tha nhân mà vẫn thản nhiên.

Giữa một xã hội lạnh lùng tình người thì cần lắm một đời sống chứng nhân của người ky-tô hữu. Người ky-tô hữu phải sống cho Tin mừng. Một Tin Mừng của yêu thương không tham lam của người và biết chia sẻ cơm bánh cho người nghèo khó. Một Tin mừng của tình người luôn biết chạnh lòng thương xót những khổ đau của tha nhân, và sẵn lòng cúi xuống phục vụ mà không mong đền đáp. Một Tin Mừng của công lý và hòa bình để người người biết tôn trọng nhau, tôn trọng luật pháp hầu xây dựng một thế giới hòa bình yêu thương.

Chúa Giêsu đã sống yêu thương. Tình yêu của Ngài trải rộng cho mọi người. Trái tim Ngài luôn chạnh lòng xót thương những mảnh đời khổ đau. Ngài luôn dấn thân xây dựng một thế giới công bằng bác ái. Ngài luôn đặt lợi ích tha nhân lên trên quyền lợi bản thân. Phúc âm ghi rằng Ngài và các môn đệ toan tính rời xa đám đông để nghỉ ngơi. Thế mà, đám đông vẫn theo Ngài. Ngài chạnh lòng thương xót họ và tiếp tục thi ân cho họ.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết trở nên giống như Chúa luôn sống bác ái yêu thương với mọi người. Xin đừng vì ích kỷ mà đóng cửa lòng với những nhu cầu khđau của tha nhân. Xin đừng vì tham lam mà sống thiếu công lý và tình thương làm hại người, hại đời. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ