Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 61
Tổng truy cập: 1359318
PHỤC VỤ LÀ ƠN GỌI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
PHỤC VỤ LÀ ƠN GỌI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Trên đường đến Capharnaum, Chúa Giêsu đã công khai loan báo cuộc thương khó và phục sinh của Ngài lần thứ 2. Lần này Ngài đi thẳng vào vấn đề chứ không rào đón như lần trước. Thế nhưng trước những lời loan báo ấy, thái độ của các mộ đệ thế nào? Xem ra cả hai lần loan báo của Chúa Giêsu không có tác dụng gì đối với tâm thức của các ông cả, chẳng khác nào “nước đổ đầu vịt”. Theo những gì Tin Mừng thuật lại, ta thấy dường như các ông không hiểu gì hết. Không hiểu, một phần vì các ông không muốn hiểu. Không hiểu, một phần vì các ông vẫn còn bám vào quan niệm về một Đấng Kitô theo kiểu phàm trần.
Mặc dù không hiểu, đúng hơn là “khó hiểu” nhưng các ông lại không dám hỏi. Sống với Thầy gần ba năm rồi, tự dưng hôm nay thấy Thầy “khó gần” quá đỗi. Thế mới hay! Đây cũng là một nghịch lý “khó ưa” nơi các môn đệ. Kỳ thực vì các ông sợ. Sợ điều gì? Sợ hiểu rõ điều các ông không muốn hiểu. Sợ biết rõ sự thật các ông không muốn biết. Và nhất là sợ bị Chúa Giêsu cho “ăn đòn” như thánh Phêrô hôm trước.
Hậu quả là khi khư khư giữ lấy quan niệm về một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, ô-tô-ma-tíc các ông đã sa vào cơn cám dỗ kinh điển của con người: tranh giành địa vị, quyền lực. Trong thâm tâm các ông vẫn luôn nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của Đế Quốc La Mã và tái lập một vương quốc Israel hùng mạnh. Lúc bấy giờ, chắc chắn các ông, chứ không ai khác, sẽ được tân vương Giêsu bổ nhiệm vào 12 chức vụ quan trọng trong điều đình. Vì mang não trạng như thế, nên không lạ gì dọc đường các ông đã “giành ghế” với nhau. Ai sẽ là tể tướng? Ai sẽ là Quân sư? Ai sẽ là Phò mã? v.v... Quả đúng, quyền lực luôn là vấn đề muôn thuở của con người, ngay cả những người đi theo Chúa. Chiến tranh, chia rẽ, xung đột, đau khổ… cũng từ đó mà ra!
Chúa Giêsu đã sửa sai quan niệm và thái độ của các ông ra sao? Chúa Giêsu đã nêu cao tinh thần phục vụ cho các môn đệ của Ngài. Ngài đã, đang và sẽ phục vụ với tư cách là người rốt hết và là người tôi tớ của mọi người: “Ai muốn làm người đứng đầu thì thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35); “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Chúa Giêsu muốn các môn đệ học lấy bài học này, bài học mà chính Ngài đã “trả giùm” học phí cho họ bằng cái giá đắt đỏ nhất, là máu châu báu của Ngài trên thập tự. Tuy nhiên, đây cũng là bài học “khó xơi” nhất mà có khi các môn đệ phải vật lộn cả đời mới thấy thấm nghiệm.
Rõ ràng ơn gọi của người môn đệ Chúa Kitô là phục vụ, phục vụ theo gương mẫu của Chúa Kitô. Phục vụ chứ không phải là thống trị, và phục vụ đến độ sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45). Ngài còn đồng hoá mình với các trẻ nhỏ, đồng hoá mình với những người bé mọn: “Ai đón tiếp trẻ nhỏ này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy” (Mc 9,37).
Tắt một lời, khi ta chỉ lo tìm kiếm địa vị danh vọng và tranh giành quyền lực hơn thua là ta đang sống theo tinh thần thế tục. Ngược lại, khi ta sống tinh thần khiêm nhường phục vụ là ta đang sống ơn gọi làm người môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Có một giai thoại lý thú về bác sĩ Charles Mayo, người thường được nhắc tới với cái biệt hiệu là “bác sĩ giám đốc đánh giày”. Cùng với cha và người em của mình, bác sĩ Charles Mayo đã xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại thành phố Rochester, bang Minnnesota, Hoa Kỳ.
Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quý khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ Charles Mayo làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng! Có thể họ đã quên làm việc này chăng? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. Khi nhân viên phụ trách đánh giày hôm đó làm nhiệm vụ lúc nửa đêm, anh rất ngạc nhiên khi thấy vị bác sĩ giám đốc bệnh viện vẫn đang loay hoay đánh những chiếc giày cuối cùng cho các khách quý.
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành một huyền thoại! Bác sĩ Charles Mayo được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, hay vì những công trình y khoa to lớn đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, mà còn vì đời sống khiêm nhường phục vụ của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng với địa vị của ông.
Chúng ta không biết bác sĩ Charles Mayo có thấm nhuần giáo huấn của Đức Kitô hay không, nhưng những việc phục vụ mà ông đã là đúng theo tinh thần của người môn đệ Đức Kitô: càng làm lớn càng phải phục vụ mọi người.
Phẩm giá của người môn đệ Chúa Kitô không được đo bằng chứ này chức nọ trong Giáo Hội hay xã hội, mà được đo bằng chính phẩm chất của việc phục vụ anh chị em đồng loại. Vậy ta đã sống tinh thần phục vụ thế nào? Thường thì ta vẫn thích sai khiến, thích thống trị kẻ khác hơn là phục tùng và phục vụ, và nếu có phục vụ đi nữa, ta chỉ thích phục vụ những kẻ giàu sang quyền thế, hay những kẻ trên mình. Ít khi ta tự nguyện hạ mình phục vụ những kẻ nghèo khó thấp hèn; trong khi đó Chúa lại dạy rằng khi ta phục vụ những kẻ bé mọn là ta đang phục vụ chính Chúa. Mà được phục vụ chính Chúa thì còn vinh phúc nào bằng! Vậy thử hỏi bao nhiêu lần ta đã đánh mất cái phúc vinh lớn lao này vì đã từ chối phục vụ Chúa trong những người anh em bé mọn?
Lạy Chúa, chắc là nhiều nhiều lắm, con đếm không nổi rồi Chúa ơi!!!
40.Thiên vị
(Suy niệm của Lm. Giuse Trần Việt Hùng)
Sống chung trong một xã hội, con người không tránh khỏi những va chạm, ganh tị và cãi vã. Con người mang tính ích kỷ trong mình và luôn mong muốn được hơn người khác. Người ta bon chen đua đòi hơn thua về mọi khía cạnh cuộc sống cả về tinh thần lẫn thể xác. Tranh dành về quyền thế, địa vị, danh vọng, tiền bạc và về thành quả công ăn việc làm. Điều gì tốt đẹp và có lợi ích cũng có kẻ ham muốn chiếm đoạt. Sách Khôn Ngoan đã cảnh báo: Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo (Kn 2, 12). Kẻ sống trong lầm lạc, tự do và bất công thì thù ghét những người công chính và ngay thẳng. Họ ghen tị người khác chỉ vì họ yêu thích lối sống tầm thường theo bản năng.
Nhiều người chạy theo những đòi hỏi tạm thời mau qua chóng hết để thỏa mãn cuộc sống. Họ sống buông thả đi ngược lại với luân thường đạo lý. Họ ghét bỏ những người dám lên tiếng trách cứ hành động sai trái và lầm lạc của họ. Những người sống vô kỷ luật thì không muốn nhắc đến luật lệ vì lương tâm của họ có thể sẽ bị cắn rứt nhức nhối. Họ cũng không muốn ai nhắc bảo điều hơn lẽ thiệt vì có thể sẽ mất đi những hương vị ngọt ngào và dễ dãi của kiểu sống hưởng thụ. Tâm hồn của những kẻ gian ác chứa đầy những mầm mống của thù hận, ghen ghét và hủy hoại. Nếu không biết thức tỉnh, những sự thôi thúc nội tâm của bản năng thú tính sẽ đưa đẩy và kéo lôi con người vào sự dữ. Chúng ta không thể tưởng tuợng sự hung dữ cực kỳ của con người có máu lạnh.
Theo lời dạy của thánh Giacôbê tông đồ: Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa (Giac 3, 16). Trong thế giới, xã hội con người đã trải qua những cuộc tàn phá diệt chủng khủng khiếp ở Đức Quốc, Rwanda và Căm-bốt… Khi cái ác chiếm ngự tâm hồn thì con người giống như những con quái vật. Họ mất đi tính người mà hành động theo thú tính, thực tình mà nói dữ hơn thú dữ. Chúng ta không thể hiểu điều gì đã thôi thúc cháy lửa trong lòng để họ phải hành động dã man như thế. Người ta gọi họ là những người say máu hay khát máu. Khi lương tâm một người bị cuồng say và sa đọa, người đó có thể làm bất cứ điều gì. Sự thiện và sự ác, tình yêu cũng như hận thù, nếu không được khơi dậy, dưỡng nuôi và chăm tưới, nó sẽ lụi tàn. Càng gây hận thù thì lửa hờn ghen báo thù càng mạnh. Chúng ta đừng thêm dầu vào lửa.
Sự ghen tương và tranh quyền đạt lợi đã dẫn đến những cuộc chiến tranh thảm khốc gây nên sự chết chóc, chia ly và phá hủy. Tất cả là do lòng tham sân si của con người. Hai bên thiện ác luôn đối nghịch trong cuộc sống của con người xã hội. Sự ác dữ và sự sai trái có một hấp lực thu hút con người cách mạnh mẽ như nam châm. Tội ác làm chúng ta mê lầm và mù quáng khi xét đoán: Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng (Kn 2, 21). Người gian ác chỉ muốn tiêu diệt và phá hủy. Người ác tìm cách giết hại những người công chính. Tác giả sách Khôn Ngoan muốn ám chỉ về Con Thiên Chúa. Như một lời tiên báo Con Người sẽ phải bị kết án và chết cách nào:Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.”(Kn 2, 20).
Chúa Giêsu dám đối diện với sự thật vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát. Chúa đã từ từ mạc khải cho các môn đệ về đường đi lối bước của Chúa. Chúa chọn con đường khởi từ thấp đi lên và con đường chông gai khổ đau để đạt tới vinh quang. Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ một cách rất chân tình:Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại (Mc 9, 31). Đối diện cái chết, thường thì ai cũng tránh né và sợ hãi. Mấy ai dám nói đến sự chết của riêng mình. Vua chúa trần gian tìm mọi cách để bảo vệ sự sống và vương quốc của riêng mình. Họ lo xây dựng và tìm đạt vinh quang qua sự hy sinh của thuộc hạ và toàn dân. Trong khi Chúa Giêsu chọn một con đường khác biệt, con đường thánh giá. Không mấy ai muốn hiến thân đi vào con đường này.
Con đường Chúa đi là con đường đi lên Núi Sọ. Con đường của hiến thân phục vụ và hy sinh mạng sống vì anh chị em. Các tông đồ dù đã đi theo Chúa nhiều ngày, nhiều tháng những vẫn chưa hiểu được ý nghĩa thâm sâu của mầu nhiệm thập giá. Các tông đồ vẫn còn não trạng của con người trần thế tìm đạt vinh quang mau qua chóng hết. Các ngài tranh luận với nhau và tranh dành chỗ đứng trong anh em. Chúa Giêsu mở một đường sống mới: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người (Mc 9, 35). Làm đầu là để phục vụ. Đây là một tư tưởng hoàn toàn mới lạ đối với các tông đồ và chúng ta. Chúa Giêsu dẫn các tông đồ vào con đường hẹp của thập giá.
Chúa lại chọn con đường khiêm hạ và đau khổ thập giá để đến với nhân loại. Chúa đi con đường khổ hẹp cốt để thuyết phục nhân tâm. Chúa đã hạ mình xuống tận đáy vực thẳm để cảm thông những cùng cực của kiếp người. Chúa dẫn dắt con người vào chính lộ của niềm vui phục vụ và bác ái. Niềm vui tự tại trong tâm hồn. Muốn theo Chúa, chúng ta phải vác thánh giá hằng ngày mà theo. Thánh giá chính là những sự vui buồn và sướng khổ của cuộc sống. Chúng ta vui nhận cuộc sống vô thường này với tất cả ý thức và sự trân qúi. Không có điều gì tốt lành mà chúng ta đã thực hiện mà không sinh ích. Việc tốt sẽ sinh trái tốt. Chấp nhận mọi sự cố xảy đến trong đời với sự bình tâm và thanh thản. Chọn lựa thái độ sống là của chúng ta và không có sự gì có thể làm khó chúng ta.
Thánh Giacôbê khuyên dạy chúng ta hãy có thái độ khôn ngoan: Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình (Giac 3, 17). Hoa trái của sự khôn ngoan là sự hài hòa, tha thứ, bao dung và hợp nhất. Người ta thường nói: Người đầu bạc thì khôn ngoan. Muốn nên hoàn thiện, chúng ta phải kinh qua thử thách như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Càng trải nghiệm qua nhiều đau khổ, chúng ta càng có nhiều kinh nghiệm sống và khôn ngoan đối xử. Gian khổ là nấc thang giúp chúng ta bước lên, tiến tới, gạn bỏ đi những lầm lỗi và nết hư tật xấu. Bất cứ nhân đức nào cũng cần phải tu luyện, tập tành và bồi dưỡng hằng ngày.
Chúa Giêsu đã loan báo sự đau khổ, sự chết và sống lại. Chúa đã từng trải tất cả những biến cố đau thương và chết cách nhục nhã trên thánh giá. Từ trên thánh giá nguồn ơn phúc đổ tràn. Chúa tha tội cho mọi người xúc phạm đến Chúa. Chúa mở cửa thiên đàng đón nhận kẻ biết ăn năn hối cải. Chúa giao hòa giữa Thiên Chúa Cha và loài người cùng ban ơn cúu độ cho nhiều người. Thánh giá đã trổ hoa.
Lạy Chúa, Chúa đã đi qua tất cả các chặng đường khổ đau qua sự chết tới sự sống lại. Xin cho chúng con biết kết hợp những sầu khổ vào thánh giá của Chúa, để những khổ đau biến thành những hoa trái của niềm hoan lạc và hạnh phúc muôn đời.
41.Chất người trong tôi
(Suy niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
“Ở đâu có ghen tương, tranh chấp, ở đó có hỗn độn và các thứ tệ đoan… Chinh chiến tự đâu? Đấu tranh tự đâu? Nếu không phải là tại các đam mê dục tình hằng làm giặc nơi chi thể anh em đó sao? Anh em ham muốn mà không được, nên anh em giết nhau. Anh em ghen tương mà không được, nên anh em đấu tranh, chinh chiến và cãi vã” (Gc 3:16-4:2).
Lời chất vấn và khiển trách của Thánh Giacôbê tông đồ khiến tôi nghĩ đến một câu chuyện.
Có một chàng thương gia nọ rất sùng đạo; mặc dầu lo làm ăn vất vả nhưng dường như anh ta không bao giờ bỏ việc khấn vái với thần thánh. Gặp phải thời kỳ có cạnh tranh trong công ăn việc làm, anh ta càng khẩn cầu tha thiết hơn. Động lòng trắc ẩn, một hôm thần tiên đâu đó hiện ra với anh và phán: “Thấy nhà ngươi cứ thành tâm cầu xin nên ta không nỡ làm ngơ. Bây giờ hãy cho ta biết ước muốn của ngươi. Điều gì ta cũng ban cho. Đồng thời để tỏ cho thế nhân biết được lòng quảng đại của ta thì hễ thứ gì đã ban cho ngươi thì ta cũng sẽ ban cho tha nhân, đồng nghiệp của ngươi như thế và có khi gấp đôi luôn.”
Nghe thần phán, lòng anh thương gia chuyển từ vui mừng sung sướng qua ưu tư lo buồn. Anh tự nhủ: “Nếu bây giờ mình xin cho được một chiếc xe Lexus thì mấy người bạn, chúng nó sẽ được hai chiếc. Ái dà, không được đâu! Nhưng nếu xin cho được trúng số một triệu thì mấy nhà xung quanh, họ sẽ được tới hai triệu mất. Thế thì không ổn!”
Anh tiếp tục suy nghĩ: “Nếu mình xin cho có vợ đẹp con khôn, thì rồi đồng nghiệp của ta, chúng sẽ có vợ đẹp gấp đôi vợ mình, con khôn và giỏi gấp đôi con mình. Thế thì lại càng không ổn… Đó là chưa nói tới chuyện chúng có tới hai vợ trong khi mình chỉ được một. Trong thời buổi cạnh tranh như thế này thì phải làm sao cho hơn người chứ. Nhưng nếu xin theo kiểu này thì thật là thất sách vô cùng!”
Chàng thương gia đắn đo không biết nên xin cái gì. Sau một hồi lâu ưu tư, anh ta chợt reo lên như vừa tìm thấy điều chi hay lắm. Anh thành kính quì xuống thưa với thần: “Lạy Ngài, xin cho con đui một con mắt.”
Không xin cho được khá giả may mắn vì sợ người khác sẽ được hơn, nhưng lại xin cho bị rủi ro thiệt hại một tí để kẻ khác bị khốn đốn bất hạnh nhiều hơn. Xin cho mình đui một con mắt để người khác bị mù cả hai quả là quá tiểu nhân và quá dã tâm. Một tâm địa xấu xa nhỏ nhen! Thế nhưng nếu thành thật rà soát lại lòng mình thì không chừng cái chất tiểu nhân kia-những so sánh hơn thua, những đố kỵ ghen ghét-cũng đang ẩn nấp đâu đó trong hồn tôi. Để rồi nếu được thành công, may mắn, xinh đẹp… hơn người, thì nó sẽ nằm yên bất động. Còn như kẻ khác trổi vượt, thì chất tiểu tâm và lòng dã nhân kia sẽ bùng lên với những gì là khó chịu và đắng cay. Thế rồi những xung khắc cay chua, những tổn thương tình người, những xúc phạm nhân phẩm cứ từ đó mà phát sinh và lan đi.
Trong Thánh Kinh không thiếu những câu chuyện như trên. Chẳng hạn trường hợp 12 môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Bỏ tất cả mọi sự đi theo Ngài, bất chấp nắng mưa, cực nhọc, túng thiếu. Ăn ở với nhau rất đề huề vui vẻ. Nhưng rồi một ngày kia, một người đàn bà xuất hiện, xin cho hai anh Gioan và Giacôbê được ngồi bên hữu, bên tả Đức Giêsu sau khi Ngài khải hoàn vinh quang.
Thế là sinh chuyện! Kinh Thánh nói rõ: mười môn đệ kia phẫn uất với hai anh em con nhà Zêbêđê. Không biết chiến tranh nóng lạnh giữa các tông đồ đi đến mức độ nào, chỉ biết rằng sau đó, Chúa Giêsu phải can thiệp và dạy cho các ông một bài học của khiêm nhường, quên mình, thí mạng để làm giá chuộc thay cho nhiều người.
Một ví dụ khác là câu chuyện Người Con Hoang Đàng: Một ông chủ có hai con trai. Đứa em thì ăn chơi phung phí, phá tan sản nghiệp gia đình, làm bại hoại gia phong, giao du với quân đàng điếm. Người anh dường như chẳng care, không quan tâm. Nó đi bụi đời, sống chết mặc nó. Đời mình cứ vậy mà êm trôi. Thế nhưng bất ngờ đứa em trở về và được đón tiếp linh đình. Tức thì anh ta lồng lộn lên. Lòng ghen tuông gia tăng khiến anh cắt đứt luôn những quan hệ cha con anh em khi tuyên bố “thằng con của ông.” chứ không phải “đứa em của tôi”. Tình người bị cắt đứt!
Và khi tình người bị cắt đứt thì còn đâu chuyện thương cảm, lắng lo cho nhau khi gặp rủi ro, sa cơ, hay vui mừng chia sẻ với nhau khi gặp may mắn, hạnh phúc.
Nhưng tại sao người ta lại thiếu tình người? Phải chăng vì họ đã không nhận ra tình Chúa-khi vô tình thì cũng dễ vô ơn và vô tâm? Phải chăng người ta không nhận ra chân lý trong Tin Mừng của Đức Kitô: chỉ là người hơn khi tự làm rốt hết và trở nên tôi tớ mọi người.
Thật lạ kỳ! Thói thường, nhân thế hay tìm đến với danh vị, lợi lộc, quyền uy, kết thân với chốn cao sang để mưu cầu ảnh hưởng. Phần Đức Kitô, Ngài lại dạy người ta tìm đến với những ai hèn kém, nghèo khổ, đơn côi, những kẻ mà xét theo khách quan, chỉ biết đón nhận chứ không thể cho đi. Thế nhưng chính khi trao ban cho những người như thế lại là đang tiếp cận với Đức Giêsu và đón nhận chính Ngài. Bởi lẽ “những gì các ngươi làm cho một trong các anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đang làm cho chính mình Ta” (Mt 25:40).
Càng chân thành trao ban cho các “anh em hèn mọn,” tôi càng làm phong phú chất người trong tôi và tăng thêm sức sống cho đời. Giá trị và mức độ của chất người và sức sống đó lại không tùy thuộc vào chất lượng hay số lượng của vật được cho đi, song là tùy thuộc vào thái độ của việc trao ban. “Để vinh Danh Chúa hay hiển danh tôi?” “Để tỏ mình là người quảng đại hay để ‘anh em hèn mọn’ có được cơ may hạnh phúc?” Đó là những câu hỏi mà tôi phải dùng để tự vấn thường xuyên.
Trở nên đầy tớ mọi người, để mang hạnh phúc cho đời, vui trong niềm vui của người, xót cho nỗi đau của đời. Tập sống như thế là tôi đang trở thành môn đệ đích thật của Đức Kitô vậy.
42.Người lớn và trẻ em
(Suy niệm của Lm Anphong Trần Đức Phương)
Có lần trong một cuộc hội thảo với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo về vấn đề giáo dục con cái tại Hoa Kỳ, nhiều bà đã tỏ ra lo lắng vì trong xã hội hiện nay, trẻ em thích sống tự lập, thích thoát khỏi sự che chở và giáo dục của cha mẹ; em nào cũng chỉ mong mau đến ngày sinh nhật thứ 18 (18 tuổi), trở thành người lớn để được sống tự do, thoải mái, ngoài sự kiểm soát của cha mẹ!
Thật ra, tâm trạng chung là chúng ta ai cũng muốn làm ‘Người Lớn’, ai cũng muốn là người quan trọng đáng được chú ý hơn người khác. Bài Phúc Âm hôm nay (Matcô 9: 30-37) cho chúng ta thấy đó cũng là tâm trạng của nhóm 12 Tông đồ của Chúa, nên ngay khi Chúa Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn của Ngài, thì mấy ông lại tranh luận với nhau về ai là người ‘lớn nhất’ trong nhóm các ông. Nhưng Chúa Giêsu đã để một em nhỏ đứng giữa các ông, chúc lành cho em, rồi dạy các ông bài học phục vụ trong khiêm tốn: “Ai muốn làm ‘người lớn nhất’, thì hãy hạ mình làm ‘người nhỏ nhất’ và phục vụ mọi người!” Theo Phúc Âm của Thánh Matthêu, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: “Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em không thể vào được Nước Trời…” (Mt 18, 1-4).
Chính vì “ai cũng muốn làm lớn hơn người khác, mà sinh ra đủ thứ tranh chấp, hỗn độn và đủ thứ tệ đoan…” như Thánh Giacôbê đã nói trong Bài Đọc II hôm nay (Giac 3,16-4,3). Từ đó nảy sinh ra gièm pha, thù hận, làm hại lẫn nhau.
Những tranh chấp này đưa đến chiến tranh, loạn lạc khắp nơi trên thế giới. Trong phạm vi gia đình, cũng vì những ham muốn ‘làm lớn’, mà gây ra những tranh chấp giữa vợ chồng, rồi đưa đến những đổ vỡ rất đáng tiếc trong một số gia đình hiện nay.
Chúa Giêsu khi xuống thế làm người, Ngài đã không sinh xuống trong cảnh vương giả, giầu sang, nhưng đã chọn nơi hèn mọn, khó nghèo là hang bò lừa để sinh ra và Ngài đã lớn lên trong gia đình Nagiaret bần hàn. Hơn nữa, dù là Thiên Chúa thật, Ngài có thể làm cho người chết sống lại, người mù được thấy…, nhưng Ngài đã không dùng quyền lực Thiên Chúa để giải thoát con người, mà là chọn con đường khổ giá (Philiphê 2:6-8). Chính tên trộm bị treo trên thập tự giá cũng đã mỉa mai Ngài: “Nếu ông là con Thiên Chúa, sao không tự mình xuống khỏi thập giá để cứu mình và cứu chúng tôi với!” (Lc 23,39). Đó là những lời lộng ngôn của những kẻ cao ngạo như đoạn Sách Khôn Ngoan (2, 12. 17-20) trong Bài Đọc I hôm nay ghi lại: “Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã. Nếu nó thật là Con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó… Nhưng những kẻ cao ngạo đó đã trở nên mù quáng, không nhận ra thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa!”
Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết suy gẫm cuộc đời của Chúa từ lúc giáng sinh trong hang đá bò lừa, lớn lên trong gia đình khó nghèo Nagiaret, sống cuộc đời nghèo khổ (“Con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu”). Cả cuộc đời chỉ lo rao giảng Phúc Âm tình thương, phục vụ mọi người, và sau cùng là chấp nhận vác Thánh giá và chết khổ nhục trên Thánh giá để chuộc tội nhân loại (Mt 20,28)
Khi cuộc đời của Chúa có ảnh hưởng mạnh trong tâm hồn chúng ta, chúng ta sẽ dễ dàng sống khiêm tốn và hòa hợp yêu thương (Mt 11, 28-29). Chúng ta sẽ chung tay xây dựng được những gia đình đầm ấm, tránh được những đổ vỡ đáng tiếc. Xây dựng được những ‘gia đình hòa bình’ là chúng ta đã đã góp được phần vào việc xây dựng hòa bình thế giới. Vì “sự khôn ngoan từ trời xuống thì trước tiên là trong sạch, ôn hòa, bao dung, mềm dẻo, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo rắc trong bình an cho những ai xây đắp hòa bình.” (Giac 3, 17-18).
Xin Mẹ Maria và các Thánh đã sống cuộc đời đau khổ trần gian, nhưng luôn biết yêu thương và phục vụ, nay đã được hưởng phúc trường sinh trên Nước Hằng Sống, nâng đỡ chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Xin cho chúng ta luôn biết sống khiêm tốn, tôn trọng mọi người, để xây dựng sự an vui, hòa hợp trong gia đình, nơi sở làm và trong mọi môi trường sống hàng ngày của chúng ta. Trong “Năm Linh Mục” này, chúng cũng hãy tiếp tục cầu nguyện cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, như những sứ giả tình thương của Chúa, luôn biết noi gương Chúa Giêsu, yêu thương, khiêm tốn và vui vẻ phục vụ mọi người.
43.Chúa Nhật 25 Thường Niên
(Suy niệm của Jean-Pierre Camerelain)
“NHỮNG KITÔ HỮU NÀY THẬT LÀ ĐIÊN”
Ở mọi thời, những chứng nhân đích thực của Thiên Chúa đều bị coi là điên. Người ta đã chế giễu, bách hại, đôi khi giết họ nữa. Chính Chúa Giêsu đã trải qua một kinh nghiệm như thế. Nhưng sự sống đã tuôn trào từ sự điên rồ kia.
Ngày xưa có một cộng đoàn Do Thái thiểu số nhưng sốt sắng. Người ta có khuynh hướng khinh dể cộng đoàn này. Những cách hành xử của họ, niềm tin của họ làm cho thành phố Alexandria nơi họ sống, phải ngạc nhiên. Các thành viên của cộng đoàn này ngưng làm việc ngày thứ bảy, tụ họp lại xung quanh những cuộn giấy cũ được cất giữ cẩn thận từ nhiều thế kỷ, kiêng ăn thịt heo. Để nâng đỡ cộng đoàn này, một trong những thành viên của cộng đoàn đã viết một quyển sách rất hay. Một quyển sách gọi là Khôn Ngoan trong đó tác giả nhắc lại cho những kẻ cùng tôn giáo với mình rằng người công chính bao giờ cũng bị bách hại, nhưng Thiên Chúa chẳng khi nào bỏ rơi họ. Tác giả nhắc lại những vị anh hùng của lịch sử dân tộc đã chịu một số phận như thế. Chính từ quyển sách này mà hôm nay chúng ta đã nghe một đoạn trích. Tại sao những người công chính lại bị kẻ khác bách hại như thế? Bài đọc hai trích thư thánh Giacôbê sẽ trả lời cho chúng ta.
Sự ghen tương muôn thuở.
Có hai con đường cho nhân loại: Con đường dễ dãi, tìm kiếm của cải để thỏa mãn bản năng của mình, và con đường của sự khôn ngoan, chính trực, hòa bình. Bao giờ cũng sẽ có một sự tranh chấp giữa những kẻ chọn con đường này và những kẻ dấn thân vào con đường kia, giữa những kẻ tìm kiếm quyền uy, sở hữu của cải vật chất, và những người sống theo tinh thần hòa bình, khoan dung, thông cảm. Vào thế kỷ thứ I, kỷ nguyên chúng ta (lúc thánh Giacôbê viết thư của người) cũng như cũng như vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên (thời đại của sách Khôn Ngoan), đã có sự tranh chấp này rồi, vậy ta không nên ngạc nhiên khi thấy nó xuất hiện vào thời Chúa Giêsu hoặc cả thời đại chúng ta nữa!
Ông Giêsu này thật là điên!
Chính Chúa Giêsu cũng bị coi là điên. Một người tự xưng là phát ngôn viên của Thiên Chúa và bị các ký lục và biệt phái thù ghét, đã tự cho mình được tự do đối với luật sabat và nhiều tập tục thiết thân đối với những người đạo đức của dân Ngài, điều này không thể chấp nhận được. Chúa Giêsu biết mình bị thù ghét. Lúc đó Ngài bắt đầu nói về những nỗi đau khổ mà Ngài sắp phải chịu về việc Ngài bị các nhà chức trách của dân tộc ruồng bỏ và thậm chí về cái chết của Ngài nữa. Phêrô không thể chấp nhận được những chuyện như thế. Nhưng khi ông trách móc Ngài thì Chúa Giêsu đã vạch mặt Satan là kẻ ẩn nấp trong sự can thiệp của Phêrô. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nói với các môn đệ là chính các ông nữa cũng sẽ phải chịu một số phận như Ngài!
Bước theo Chúa Giêsu trong việc tử đạo của cái thường nhật.
Vác thập giá của mình không chỉ “vào giờ chết” mà thôi nhưng “ngay từ bây giờ”. Trong cái “ngay bây giờ” của những mối tương quan giữa con người với nhau. Không những dấn thân vì chính nghĩa lớn lao như việc cứu rỗi thế giới hoặc phát huy nhân phẩm, nhưng sống hằng ngày với việc mang niềm vui đến cho những kẻ vì đau khổ mà trở nên gắt gỏng với những người chung quanh, nâng đỡ những người thiếu tình yêu thương, giúp những kẻ bị ruồng rẫy, bị bỏ rơi tìm lại được phẩm giá của họ.
Trở thành đầy tớ của những kẻ bé mọn nhất như Chúa Giêsu đã làm dù có nguy cơ sẽ không được những kẻ đương thời hiểu. Làm sao chúng ta có thể là môn đệ Chúa Giêsu nếu chúng ta chỉ đón tiếp những ai suy nghĩ như chúng ta, những kẻ “trong tình trạng hợp lệ”, những kẻ đã thuộc lòng tất cả bộ kinh tin kính hoặc đã tham dự tất cả những buổi họp được yêu cầu để chuẩn bị các bí tích? Chúng ta có hiểu rằng khi đã chấp nhận làm đầy tớ thì phải bỏ đi não trạng làm thầy, dù là thầy dạy suy tư chăng?
Khiêm tốn thật.
Có lẽ đó là khiêm tốn thật. Nhìn nhận rằng dù có đạo từ lâu, thậm chí còn dấn thân trong Giáo Hội nữa, với tất cả lòng thành, ta vẫn còn phải khám phá nơi kẻ bé mọn nhất một cái gì đó phát xuất từ Thiên Chúa. Phải tìm lại cho mình thái độ của đứa trẻ luôn luôn có khả năng ngưỡng mộ trước những con người và sự vật.
Trẻ con ngược hẳn với kẻ chán chường, kẻ biết mọi sự, kẻ đã thấy mọi sự. Trẻ con là kẻ, dù cao niên, vẫn biết thán phục, cởi mở đối với Thánh Linh, Đấng muốn thổi đâu thì thổi và thường gây phiền hà cho chúng ta.
Không phải vô cớ mà Chúa Giêsu đưa một trẻ nhỏ làm gương mẫu cho các tông đồ của Ngài, khi Ngài đòi các ông phải phục vụ theo hình ảnh của trẻ thơ. Ngài muốn các ông trở thành như trẻ nhỏ, có khả năng đón nhận không hậu ý, không nhỏ nhen, không tìm lợi lộc cho riêng mình. Đó là sự cao cả thật sự mà Chúa Giêsu muốn cho những kẻ thuộc về Ngài: sự cao cả của lòng khiêm tốn, sự cao cả của tinh thần phục vụ.
Thánh Phaolô nói: Dù là Con, Chúa Giêsu đã không sợ hạ mình mang thân phận người phàm, Ngài đã khiêm tốn thẳm sâu đến nỗi để cho mình bị kẻ khác ruồng bỏ và chết trên cây thập giá. Tuy nhiên, nhờ vậy mà Ngài đã Phục Sinh và sống muôn đời. Có thể nào khác hơn được đối với các môn đệ của Ngài chăng?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam