Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 55
Tổng truy cập: 1361561
PHƯƠNG PHÁP HIỂU QUẢ NHẤT
PHƯƠNG PHÁP HIỂU QUẢ NHẤT(*)- Lm. Feznandez
1) Tinh khẩn thiết của sứ mạng tông đồ: mùa màng thì nhiều mà thợ gặt lại ít
Bài Tin mừng trong Thánh lễ hôm nay vẽ ra một cảnh tượng mà chắc chắn đã thường xuyên xảy ra mỗi khi Chúa Giêsu rảo bước qua các thành thị và làng mạc để rao giảng Nước Trời đang đến gần. Khi nhìn đám đông, Người chạnh lòng thương; Người đã xúc động trước cảnh ngộ khốn khổ của họ vì thấy họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (Mt 9,36). Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37). Ngày nay hoàn cảnh cũng tương tự như thế, có quá ít nhân lực để thực hiện một công trình to tát. Hoa mầu có thể thất thu vì không có người ra đồng mà gặt. Vì thế có một nhu cầu thúc bách các Kitô hữu sống trung tín đơn thành hiệu quả và vui tươi với Hội Thánh và ý thức được những việc cần phải làm. Tất cả chúng ta đều can dự vào công việc này, vì Thiên Chúa đang cần những công nhân, sinh viên đem Đức Kitô đến công trường hay vào giảng đường bằng uy tín và tinh thần tông đồ của họ. Thiên Chúa cần những giáo viên sống mẫu mực, truyền bá nhân sinh quan Kitô giáo, những giáo viên biết tận tụy dành thời giờ cho sinh viên, những giáo viên chính hiệu. Thiên Chúa cũng cần những bậc làm làm mẹ biết quan tâm đến việc giáo dục và đức tin của con cái và đóng một vai trò tích cực trong hội đồng nhà trường, các ủy ban và hiệp hội địa phương.
Khi chúng ta thấy nhiều người đang đi vào con đường sai trái, cuộc đời họ luôn thiếu vắng Thiên Chúa và trong lòng chỉ quan tâm tới của cải vật chất hay khao khát muốn chiếm hữu những của cải ấy, chúng ta không thề cứ ù lì, bất động, “bình chân như vại” mãi được. Vì mặc dù bề ngoài họ có vẻ dửng dưng, nhưng thâm sâu trong tâm hồn, họ vẫn khát khao tìm Thiên Chúa. Họ mong muốn có ai đó nói với họ về Thiên Chúa và những chân lý cứu độ. Nếu các Kitô hữu không lấy tinh thần hy sinh ra mà giải quyết vấn đề này, thì những lời tiên tri của ngôn sứ Giôen ngày xưa sẽ trở thành sự thật mất thôi: Đồng ruộng bị tàn phá, đất đai cũng u sầu như thể chịu tang, vì lúa mì bị tàn phá, rượu mới đã cạn khô, dầu tươi chẳng còn nữa. Hỡi nhà nông, hãy thẹn thùng xấu hổ, kẻ trồng nho, hãy rú lên nào, tiếc cho lúa miến, lúa mạch, vì đồng ruộng chẳng còn gì để gặt hái. Nho cằn cỗi, vả héo tàn, cả lựu, cả chà là lẫn táo, mọi cây cối ngoài đồng đã chết khô. Thế là đã cạn hết niềm vui của con cái loài người (Ge l,1-12). Thiên Chúa mong mỏi hoa mầu được thu hoạch nhưng chúng lại thất thoát chỉ vì sự chểnh mảng của đám thợ gặt mà thôi.
Những lời Chúa Giêsu nói, lúa chín thì nhiều nhưng thợ gặt thì ít, đáng cho chúng ta hôm nay suy gẫm, và hàng ngày xét mình xem: hôm nay chúng ta đã làm cho Danh Chúa được tỏ hiện cho mọi người chưa? Tôi đã nói với ai về Đức Kitô chưa? Tôi đã làm được một việc tông đồ nào chưa? Tôi có quan tâm đến ơn cứu độ của bằng hữu và đồng nghiệp? Tôi có nhận thức rằng nhiều người có thể đến gần Thiên Chúa hơn nếu như tôi dạn dĩ hơn và gương mẫu hơn trong việc chu toàn những nghĩa vụ bổn phận hàng ngày?
2) Không được viện cớ thoái thác.
Thiên Chúa kêu gọi mọi người làm tông đồ. Cầu nguyện là phương thế cần thiết và hiệu nghiệm nhất để thực thi sứ mạng ơn gọi này.
Người ta có thể đưa ra nhiều lời bào chữa cho việc đã không mang Đức Kitô đến với tha nhân – nào là thiếu nhiều phương tiện, chưa chuẩn bị tương xứng, không có thời giờ, nào là vì chúng ta đang sống ở xó xỉnh này có quen biết được bao nhiêu người đâu hay vì chúng ta sẽ phải đi thật xa, hay cho dù ngay trong vùng chúng ta đang sống cũng phải đi thật nhiều. Tuy nhiên Thiên Chúa tiếp tục nhắc nhở tất cả chúng ta, và đặc biệt hơn trong thời đại mà người ta quá dửng dưng với tôn giáo này, rằng mùa màng thì nhiều mà thợ gặt lại ít. Hoa màu không thu hoạch kịp sẽ bị hư thối. Những lời vàng ngọc của thánh Gioan Kim khẩu sau đây cũng có thể giúp chúng ta thấy được là trong khi cầu nguyện, chúng ta có quá dễ dàng thoái thác lời kêu gọi cao quý đến nỗi từ chối làm tông đồ theo như thánh ý Chúa. Không có ai lạnh lùng nn tâm hơn một Kitô hữu mà chẳng biết quan tâm đến ơn cứu độ của tha nhân. Anh em không được dùng sự nghèo khổ mà biện bạch. Bà góa dâng cúng vào đền thờ vài xu kia sẽ tố cáo bạn cho mà xem. Chính thánh Phêrô cũng nói: “Vàng bạc thì Ta chẳng có” (Cv 3,6). Còn Thánh Phaolô còn nghèo đến độ lắm phen phải chịu cảnh đói khát thiếu thốn mọi phương tiện cần thiết để sống, Đừng viện cớ hoàn cảnh khiêm hạ bình dân để biện minh chữa mình. Các Ngài cũng xuất thân từ đám người khiêm hạ nhất đấy thôi. Cũng đừng phân trần kêu ca mình thiếu kiến thức này kia. Các Ngài cũng mù chữ thất học cả đấy. Dù có là nô lệ tôi đòi, hay là khách kiều cư di dân lập nghiệp, anh em phải làm tất cả những gì có thể làm. Ônêsimô trước vẫn thế, và hãy khôn ngoan trong ơn gọi của mình… Đừng kêu ca ốm đau bệnh hoạn để biện minh chữa mình. Timôthê cũng thường xuyên đau ốm đấy thôi… Mỗi người trong chúng ta đều có thể có ích cho những người chung quanh nếu như chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm. Chúng ta muốn trung tín với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ mãi tín trung với Ngài nếu chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể.
Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Thánh Gregoriô chú giải thế này: Khi nghe câu này, chúng ta không thể không cảm thấy buồn, vì chúng ta biết rằng có nhiều người muốn nghe Tin mừng, nhưng cái đang thiếu là thiếu những người đi loan báo cho những tin vui này.
Vì thế để có nhiều người vai kề vai, mỗi một người trong vị trí riêng của mình, cùng nhau làm việc trên thế giới này, chúng ta chỉ có một cách là đi theo con đường chính Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta: Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9,37). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa đánh thức ước muốn, trong nhiều tâm hồn, được góp phần to lớn hơn vào công cuộc cứu độ. Cầu nguyện là những phương tiện hiệu quả nhất để thu phục những tông đồ mới và giúp con người khám phá ra ơn gọi của mình. Trong kinh nguyện dâng lên Thiên Chúa, ước muốn có thêm những tông đồ phải được chúng ta bộc bạch với Ngài trước mọi điều khác: nài xin khiêm tốn, tín thác và liên lỉ. Tất cả mọi Kitô hữu cần cầu xin Thiên Chúa sai thợ ra gặt lúa về. Nếu chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ơn gọi, thì chính chúng ta sẽ cảm thấy thôi thúc hơn, bạo dạn hơn trong công tác tông đồ của chúng ta, vì thế cũng có thể thu hút thêm nhiều thợ gặt mới cho vụ mùa.
3) Cầu xin Thiên Chúa ban nhiều ơn gọi
Bằng cách sai các môn đệ đi trước, Chúa Giêsu đã chuẩn bị xa cho những chuyến đi của Người tới những làng mạc thị thành khác. Công việc ấy mới chỉ là chuẩn bị nhưng cũng là công tác tông đồ cả đấy. Các tông đồ đã đi vào các làng mạc nơi chính Chúa Giêsu sẽ đến. Mọi công tác tông đồ chẳng qua đều là nhắm đến mục tiêu chuẩn bị cho người ta đón nhận Thiên Chúa đến với họ.
Lúa chín vẫn cứ nhiều… chúng ta cứ phải tiếp tục cầu xin Thiên Chúa đánh thức tâm hồn mọi Kitô hữu nam cũng như nữ để họ nhận ra được ý nghĩa ơn gọi trong cuộc đời mình. Họ sẽ nhận thức rằng mình không chỉ muốn sống lương thiện tốt lành, mà còn phải tập tành làm thợ gặt trong cánh đồng của Thiên Chúa, mỗi khi quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nam hay nữ, trẻ hay già đều sống tận hiến cho Thiên Chúa trên đời này; nhiều người độc thân làm tông đồ; cả những Kitô hữu bình thường, trong khi cùng sinh hoạt với mọi người trong xã hội, lại là những người mang Đức Kitô vào tận giữa lòng cuộc đời này.
Hãy cầu xin chủ mùa gặt… chúng ta cũng phải cầu xin cho có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, những ơn gọi đầy hân hoan thánh thiện và trung tín, những ơn gọi rất đỗi cần thiết cho Hội Thánh.
Chúa Giêsu, một mình Người vẫn có thể thực hiện trọn vẹn ơn cứu độ trên thế gian này, nhưng lại muốn cậy dựa vào các môn đệ đi trước mình vào các làng mạc thị thành, và nay là các đại học, các công trường nhà máy, để loan báo những kỳ công, dấu lạ, điềm thiêng và những yêu sách đòi hỏi của Vương quốc Thiên Chúa đang ngự đến. Rõ ràng là Hội Thánh Mẹ chúng ta đang cần những người dấn thân vào con đường tận hiến thánh thiện này. Các Đức giáo hoàng Rôma đã không ngừng nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhu cầu khẩn thiết cần có những ơn gọi làm tông đồ, vì công cuộc phúc âm hóa thế giới này đang nằm trong tay những ơn gợi ấy.
Hãy cùng tôi kêu lên: “Lạy Chúa Giêsu, các linh hồn!… các tâm hồn tông đồ! Ho thuộc về Chúa, họ sống cho Chúa, cho Vinh Danh Chúa”. Cuối cùng anh em sẽ thấy Ngài sẽ nhậm lời chúng ta.
Phần tôi, tôi đang làm gì để thu nhận những ơn gọi này? Những ơn gọi này sẽ xuất hiện giữa con cái, anh em, chị em, họ hàng, bằng hữu và người quen biết của chúng ta. Chúng ta đừng quên Thiên Chúa muốn gọi nhiều người. Chúng ta hãy xin Ngài ban ơn thúc đẩy và khuyến khích ơn thiên triệu cho những người chúng ta tiếp xúc hằng ngày.
Chúng ta cũng cầu xin Đức Maria giúp chúng ta lắng nghe nghiêm túc Lời Chúa hôm nay và quyết tâm làm tất cả những gì chúng ta có thể, với ý thức khẩn trương và liên tục nhờ vậy để chúng ta sẽ được thấy nhiều thợ gặt đến làm việc trong cánh đồng Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho mình niềm vui được làm dụng cụ cho Chúa Giêsu mời gọi người khác. “Tin vui đây: một “gã khùng” khác sắp vào nhà thương điên đây… Và tất cả mọi chuyện đều trở nên hồ hởi phấn khởi qua lời lẽ của anh thuyền chài nọ… Xin Thiên Chúa làm cho những mẻ lưới của anh em đầy tràn.”
Thiên Chúa không bao giờ quên được ‘anh chàng thuyền chài’ đó đâu.
(*)Tựa đề do BTT.GPBR đặt
CHÚNG TA LÀ DÂN ĐƯỢC SAI ĐI- ĐGM Bar. Nguyễn Sơn Lâm
Chúng ta họp nhau lại đây để dâng Thánh lễ, tức là để nghe Lời Chúa hướng dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm giao ước mới, ký kết trong Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, hầu trở thành Dân Thiên Chúa ở giữa trần gian một cách hoàn toàn hơn. Như vậy thì những bài đọc Thánh Kinh vừa nghe rất thích hợp để suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta.
- Quá Khứ, Chúng Ta Là Dân Ðược Tuyển Chọn
Quả vậy, trước đây chúng ta là gì? Chúng ta không tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn hay sao? Chúa Yêsu đã nhìn thấy chúng ta như thế. Và Người thương chúng ta, như lời bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc.
Chúng ta có thể kiểm chứng một cách dễ dàng. Trước khi vào nhà thờ này, chúng ta không phải mỗi người một ý hay sao? Tâm trí chúng ta khác nhau hết thảy. Và tâm hồn chúng ta thật lộn xộn bơ vơ. Hằng trăm ưu tư lo lắng dày vò chúng ta mỗi người mỗi cách. Một lũ chiên bơ vơ có lẽ còn ít vấn đề và ít khác nhau khác nhau hơn là chúng ta. Bởi vì những con chiên vô linh tính kia không có những lương tâm xâu xé như tâm hồn đôi khi nhiều tội lỗi của chúng ta. Thánh Phaolô viết: trước đây chúng ta là những kẻ có tội. Phải, không nhiều thì ít quá khứ của chúng ta đã có nhiều nét buồn thảm. Chúng ta không khác dân Dothái bao nhiêu, hồi họ còn ở Aicập. Cuộc đời nô lệ lam lũ của họ là hình ảnh của lúc chúng ta sống trong tội lỗi.
Nhưng như bài sách Xuất hành hôm nay nói: chính chúng ta đã thấy Chúa làm những gì cho chúng ta ở trong quá khứ. Ðối với dân Dothái, Người đã bồng họ lên đôi cánh phượng hoàng mạnh mẽ của Người để đưa họ ra khỏi Aicập. Còn đối với chúng ta trước đây sống trong tội lỗi, thì thư thánh Phaolô nói, Chúa Yêsu đã phải giang hai cánh tay chịu chết trên Thánh giá để cứu chúng ta ra khỏi tội lỗi. Và Người đã phải thiết lập Giáo hội các Tông đồ để xua trừ ma quỷ, phục sinh chúng ta và đưa chúng ta vào nếp sống mới.
Quả thật, quá khứ của chúng ta không tốt đẹp bao nhiêu. Dĩ vãng của mỗi người được mô tả trong dĩ vãng của Dân Chúa. Và quá khư của Giáo hội hay giáo xứ chúng ta được phác họa trong lịch sử dân Dothái. Xưa kia họ là những tên nô lệ bị bóc lột đến tận xương tủy. Vất vả lầm than và nhục nhã ê chề. Họ không biết nhau cũng chẳng hề biết tới một vị thủ lãnh nào có thể tập họp và ban sức mạnh để họ có thể ra khỏi chốn lưu đày khổ sở. Nhưng chính Chúa đã có sáng kiến; Người sai Môsê đến kêu gọi họ ra khỏi cảnh lầm than. Thoát ách nô lệ, họ còn là mớ người khố rách áo ôm đi lang thang trong sa mạc. Từ đỉnh núi Sinai, Chúa lại hiện xuống nói với Môsê tập họp họ lại, ban cho họ một giao ước để họ làm thành dân, một dân đặc biệt giữa muôn dân nước.
Lịch sử đó là lịch sử của mỗi người và của tất cả chúng ta trước khi được nhận vào Giáo hội và một phần nào đó, trước khi vào nhà thờ này để cử hành lễ giao ước. Chúng ta thật như chiên lạc bơ vơ, lo lắng mỗi người mỗi lối. Nhưng Thiên Chúa đã tập họp chúng ta lại ở đây, làm thành Giáo hội, làm nên Dân của Người để hiện tại chúng ta không còn như trước nữa, và tương lai lại còn huy hoàng hơn nhiều. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn vào hiện tại.
- Hiện Tại, Chúng Ta Là Dân Ðược Sai Ði
Ở đây hình ảnh dân Dothái trong quá khứ cũng giúp chúng ta hiểu biết thân phận của mình. Sách Xuất hành viết, ở dưới núi Sinai, Thiên Chúa đã phán với dân Dothái: nếu các ngươi nghe và giữ Lời Ta, các ngươi sẽ là kỷ phần của Ta ở giữa các dân tộc. Các ngươi sẽ là một nước tư tế và một dân thánh thiện của Ta.
Những lời thật rõ ràng và cương quyết. Giao ước Sinai chỉ gồm những câu khẳng định này: nếu Dân giữ Lời Chúa thì họ sẽ là phần đặc biệt của Người giữa các dân tộc. Họ sẽ là dân tư tế và thánh thiện của Người. Chúng ta tạm không nói tới điều kiện Chúa đòi hỏi Dân phải nghe và giữ Lời Chúa. Chúng ta tìm hiểu Chúa đã hứa gì với họ.
Người sẽ coi họ là phần riêng của Người ở giữa các dân tộc. Nghĩa là đang khi mọi dân tộc đều thuộc về Chúa và là của Người hết thảy, Người sẽ cho Israel một chỗ đứng riêng biệt; Người coi họ là phần riêng, là gia sản độc đáo của Người. Người sẽ đổ dồn tình thương và ân sủng xuống nơi họ, không phải để các dân tộc không còn được gì nữa, nhưng để mọi dân nước chỉ được chúc phúc với Abraham và dòng dõi ông.
Chúng ta thử suy nghĩ! Israel trước đây là những tên nô lệ chẳng có một chút giá trị nào. Thế mà bây giờ được thành dân ưu việt, không những hơn mọi dân khác, mà còn trở nên nguồn mạch phúc lành của Chúa các dân tộc ban cho mọi dân nước.
Tuy nhiên địa vị ưu việt sánh với các dân vẫn không đáng kể bằng giá trị của Israel ở trước mặt Thiên Chúa. Ðó là con cưng của Người. Là dân tư tế. Là dân thánh thiện. Phải có cả lịch sử sau này mới triển khai được những vinh dự phong phú ấy. Hiện tại chúng ta thấy Israel là Dân được Chúa săn sóc đặc biệt, khác mọi dân ngay cả về tổ chức. Ðang khi các dân có vua quan cai trị, những người đứng đầu Dân trong nếp sống trung thành với Giao ước. Thế nên Samuel đã khó chịu khi thấy Dân muốn một vị vua lên cai trị Dân để giống như mọi dân khác. Vì giống như các dân thì không còn là dân ưu việt nữa.
Ðồng thời dân ưu việt cũng là dân thánh thiện, tức là thuộc về Ðấng Thánh và tham dự vào sự sống siêu đẳng của Người. Nhưng chúng ta biết, dân Dothái đã không nghe và giữ Lời Chúa. Họ muốn tổ chức như các dân khác và như vậy cũng đã trở thành dân tội lỗi như mọi dân. Ðến nỗi khi Ðức Yêsu Kitô đến, Người đã nhìn thấy cảnh tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Và bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Người đã thiết lập chúng ta nên Dân Mới của Người.
Người gọi 12 môn đệ đến, tượng trưng cho tổ phụ của 12 chi họ trong Dân Mới. Người cho họ quyền làm được công việc mà Môsê xưa đã làm một cách bề ngoài. Vì chúng ta biết, trước khi tập họp Dân đến dưới Sinai để đón nhận giao ước, ông đã làm lễ thanh tẩy cho Dân. Bây giờ Chúa Yêsu ban quyền cho 12 môn đệ xua được xua đuổi tà thần và chữa lành mọi bệnh tật là hình ảnh tội lỗi dơ nhớp tâm hồn.
Chúa đặt họ làm Dân Mới, làm người đứng đầu Dân Mới của Người với sứ mạng đi rao giảng Nước Trời. Họ sẽ không trị dân như vua quan nơi mọi dân nước. Họ là hàng tư tế thánh. Họ sẽ làm nên một dân thánh thiện vì họ sẽ ra đi chữa lành ngay cả những người phung và phục sinh kẻ chết, chứng tỏ họ sẽ tạo nên một nếp sống mới, thánh thiện ở mọi nơi.
Tất cả những gì Thiên Chúa đã muốn làm cho dân Israel và họ đã để mất, thì nay Người làm cho Giáo hội và cho chúng ta. Giờ này chúng ta đã được triệu tập lại đây để nghe Lời Chúa. Người sẽ ký kết Giao ước mới với chúng ta trong Máu Thánh của Con Người để chúng ta trở nên Dân được chọn làm sở hữu; chúng ta tham dự vào lễ tế của Ðức Kitô và chịu lấy Mình Thánh Người để chúng ta là dân tư tế, được nuôi sống, lãnh đạo nhờ sứ vụ tư tế ở trong Giáo hội; chúng ta trở nên thánh thiện, tham dự vào mầu nhiệm thánh, lãnh nhận các ơn thánh để ra đi thánh hóa các dân tộc.
Ở Sinai, Lời Chúa đã nhấn mạnh đến việc giữ Giao ước. Còn ở đây, Chúa sai chúng ta ra đi ban phát nhưng không những gì chúng ta đã đón nhận nhưng không ở nơi này, tức là ơn thánh hóa đời sống và tâm hồn, ơn tham dự vào mầu nhiệm lễ tế của Ðức Kitô Thượng tế, ơn trở thành Dân ưu việt của Thiên Chúa chúng ta.
Hiện tại chúng ta là thế, còn ngày mai sẽ thế nào?
- Tương Lai Chúng Ta Ðã Ðược Bảo Ðảm
Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay không hồ nghi tí nào về tương lai của Giáo hội và của chúng ta. Niềm tin của người có cơ sở vững vàng. Người nói khi chúng ta còn là tội lỗi mà Thiên Chúa cũng đã chết cho chúng ta thì huống hồ bây giờ khi chúng ta đã được công chính hóa, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của Ðức Yêsu Kitô.
Chúng ta không thể nào không đồng ý với lập luận của thánh Tông đồ. Khi chúng ta còn trong tội lỗi, Thiên Chúa đã chứng tỏ một lòng nhân nghĩa lạ lùng. Người ta có thể chết cho một lý tưởng và hy sinh đời mình cho một bậc cao trọng, chứ chẳng có ai lại nhận chết cho một người có tội. Thế mà Thiên Chúa đã làm công việc như thế cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.
Người đã yêu thương chúng ta khi còn tội lỗi, thì không lẽ Người lại không quý chuộng chúng ta hơn nữa lúc chúng ta đã được công chính hóa nhờ sự chết của Con Một Người.
So sánh như vậy đã cho phép thánh Phaolô đi sang một so sánh thứ hai. Trước đây lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa đã biểu lộ ra trong sự chết của Ðức Yêsu Kitô để công chính hóa chúng ta, thì bây giờ lòng nhân nghĩa ấy phải được diễn tả ra trong sự sống của Ngài: nghĩa là nếu chúng ta đã được giải thoát khỏi tội lỗi nhờ việc Ðức Kitô chết trên Thập giá, thì bây giờ chúng ta phải đáng được sống trong ơn của mầu nhiệm Ðức Kitô phục sinh nơi vinh quang Thiên Chúa.
Về sự sống phục sinh này, biết nói làm sao cho hết và diễn tả thế nào được bằng ngôn ngữ loài người? Thánh Phaolô chỉ biết nói rằng chúng ta sẽ được vinh hiển trong Thiên Chúa, vì sự sống hiện tại của Ðức Kitô phục sinh là sự được vinh hiển trong vinh quang thần tính. Dĩ nhiên có nhiều đoạn văn Kinh Thánh khác đã cố gắng mô tả vinh quang để dành cho chúng ta sau này trong tương lai. Nhưng tất cả vẫn chỉ là niềm tin. Và giá trị của niềm tin ấy căn cứ vào hạnh phúc hiện tại chúng ta đang nắm giữ: đó là đã được giao hòa với Thiên Chúa trong Máu Ðức Kitô để trước đây chúng ta như chiên bơ vơ lạc lõng nhưng bây giờ chúng ta đã nên phần riêng của Thiên Chúa, trở thành dân tư tế và thánh thiện của Người. Chúng ta là lúa chín mà Chúa đã sai các Tông đồ đến gặt để đưa vào gia sản của Thiên Chúa.
Mà thực vậy, giờ đây chúng ta sắp được thu lại để dâng lên bàn thờ. Chúng ta mỗi người mỗi khác và có thể nói rời rạc bơ vơ. Nhưng tất cả chúng ta, đời sống chúng ta, buồn vui của mỗi người, ưu tư của mọi cá nhân, sẽ được dâng lên trên đĩa thánh, sẽ được đem pha vào chén rượu như giọt nước để cùng với Ðức Kitô chúng ta được trở nên một thân thể, làm thành một Dân Chúa. Sự sống và phúc lành chan chứa của Thiên Chúa sẽ được trao sang cho chúng ta, để chúng ta là Dân được tuyển chọn, là Dân tư tế được Chúa dẫn dắt, là Dân thánh thiện được Ngài sai đi. Không phải chúng ta sẽ làm được gì cho người khác, nhưng nếu chúng ta để Lời Chúa, sự sống của Chúa, tình yêu của Chúa thoát ra trong đời sống ngôn ngữ và hành động của chúng ta, thì chắc chắn sự sống của Ðức Kitô phục sinh, tức là ơn Chúa Thánh Thần sẽ chảy ra từ lòng chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy đời mình không những êm ái mà còn phong phú, bảo chứng hạnh phúc tương lai đã khởi sự ngay từ hiện tại. Chúng ta hãy sốt sắng dự lễ trong niềm tin ấy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam