Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1364275

QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG

QUẢN LÝ BẤT LƯƠNG- Lm. Giacôbê Tạ Chúc

Người quản lý là người thừa lệnh của ông chủ, để lo các công việc khi ông chủ vắng nhà. Họ được chủ thương yêu, tín nhiệm và giao phó mọi công việc. Từ những công to, chuyện nhỏ, quản lý có thể xử lý và lên kế hoạch thay cho ông chủ. Cũng có thể vì thế mà chúng ta dễ dàng tìm thấy, trong cuộc sống hằng ngày, những quản lý bất lương.

Thật vậy, ông chủ biết người quản lý của mình đã thất trung, nên có ý định sa thải anh ta. Quyết định này sẽ bất lợi cho người quản lý, vì anh sẽ trắng tay, sẽ phải vất vả mà lợi nhuận chẳng là bao. Đứng trước một tình cảnh hết sức khó khăn này, người quản lý đã sáng suốt chọn một giải pháp khôn khéo và không kém phần tinh ranh. Kêu các con nợ của chủ và giảm số nợ cho họ. Và để chắc chắn hơn, viên quản lý đã cho viết bằng văn tự giấy tờ, vì: “ bút sa gà chết”. Lập tức hành động của anh đã lôi kéo thêm nhiều đồng minh với mình, và cũng sẽ có nhiều người mang ơn viên quản lý này. Bỗng chốc, trong một nước cờ bí, anh ta đã tự giải thoát mình bằng một việc làm khá mạo hiểm. Những người thụ ơn rồi đây, họ sẽ trả ơn. Và đúng như vậy, viên quản lý sau khi bị sa thải sẽ trở thành ân nhân của những con nợ của chủ.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn và Ngài gọi với cái tên: Người quản lý bất lương. Bất lương vì lẻ ra, trong cương vị của mình, và với sự tin tưởng của chủ, anh phải hết mực phục vụ ông chủ để khỏi phụ lòng anh. Thế nhưng điều hoàn toàn xảy ra và ngược lại: anh đã phản bội lại chủ của mình. Bởi thế người chủ không còn tín nhiệm anh nữa. Anh phải tự mình xoay sở và với bản chất có phần tinh khôn, anh đã có kế hoạch khi tìm cách làm ơn cho những người mắc nợ chủ, được bớt đi phần nào gánh nặng, và như thế họ là những người hậu thuẫn cho anh, sau khi anh không còn làm quản lý nữa.

Việc làm của anh quản lý không mấy tốt đẹp. Thế nhưng, cách thức anh chọn lại là một giải pháp sáng suốt, và chính điều này đã cứu anh lúc sa cơ lỡ vận. Chúa Giêsu muốn khẳng định cho mỗi người thấy, trong thế gian này, con người luôn tìm nhiều cách để trục lợi, kể cả những con đường sai trái. Và một điều được đặt ra: con cái thế gian này, khôn ngoan hơn con cái sự sáng, hãy dùng tiền của mà mua nước thiên đàng.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người quản gia của Chúa. Chúa vì yêu thương, tin tưởng mà Ngài đặt để chúng con làm chủ vũ trụ, vạn vật và cuộc đời. Xin cho chúng con biết tìm mọi cách thế thích hợp, để làm thật tốt công việc mà Chúa giao. Đừng để chúng con biến thành những ông chủ: kiêu căng, ích kỷ. Thay vì làm sáng Danh Chúa, chúng con lại đi tìm kiếm vinh quang cho chính mình. Đừng để chúng con trở nên những quản lý bất lương trong vườn nho của Ngài. Amen.

 CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN-C

BẤT TRUNG HAY TRUNG TÍN- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Năm 1990, sau khi hành quyết Chủ tịch Ceaucescou (côsétcu) và bà vợ, nhà độc tài khét tiếng của nước Rumani, người ta thấy ngôi biệt thự của Chủ tịch, bên ngoài coi rất tầm thường, bên trong có 40 phòng sang trọng, trang hoàng bằng những bức tranh đắt tiền, phòng tắm thảm vàng, mỗi phòng đều có ti vi, video, máy lạnh tối tân. Tài sản của ông không kém gì cựu Tổng thống Noriêga nước Panama dính líu buôn lậu ma túy bị bắt giải sang tù ở Hoa Kỳ. Năm 1992 ở Việt Nam, ai cũng biết ông Giám đốc Ngân hàng Thanh Hương: Nguyễn Văn Mười Hai rất khôn khéo, mánh khóe câu khách hàng gửi tiền như nước vào Ngân hàng của ông, còn ông thì dùng tiền gian dối để ăn chơi: ngồi xe Mercedes hạng nhất, với những vệ sĩ là đầu đảng dao búa. Từ một anh bán hàng rong, chỉ mấy năm đột nhiên lên làm Giám đốc một Ngân hàng lớn nhất nước. Rồi hàng loạt các Ngân hàng khác sập tiệm vì lối làm ăn bất lương như vậy.

Đó là những quản lý bất trung, rất khôn khéo làm những việc bất lương. Nhưng rồi cũng có lúc “cháy nhà ra mặt chuột” như tên quản lý bất trung trong Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu chỉ khen cái khôn khéo chứ không khen cách làm bất trung của anh.

Cái khôn khéo thứ nhất của anh là khéo ăn cắp tài sản của chủ, mà chủ không thấy. Chắc anh tham nhũng ăn chơi dữ lắm, người ta thấy đau lòng, cực lắm họ mới tố cáo cho chủ biết.

Cái khôn khéo thứ hai là anh biết lo đề phòng cho tương lai mua được nhiều bạn hữu cho anh tá túc khi bị cất chức. Anh nói: Tôi phải liệu thế nào để khi mất chức thì có người đón tiếp tôi về nhà.

Cái khôn khéo thứ ba là anh biết cách giải quyết bớt xén của chủ cách hợp pháp, có giấy tờ hợp lệ rõ ràng. Anh gọi các con nợ làm văn tự lại: 100 thùng dầu, viết 50 thôi, 100 giạ lúa, viết 80 thôi… thế là cả hai cùng có lợi!

Thấy những kẻ bất trung khôn khéo làm những việc bất lương như thế, Đức Giêsu thở dài than tiếc cho con cái ánh sáng: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại”. Con cái ánh sáng đáng lẽ phải khôn khéo làm những việc chân chính, nhất là trong việc sử dụng tiền của, như “dùng tiền của đời này mà mua lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào gia cư vĩnh cửu”. Làm như thế mới thật là quản lý trung tín.

Mỗi người đều được Thiên Chúa đặt làm quản lý một gia tài trong cảnh vườn diệu quang như Adam Evà xưa. Gia tài nhỏ là những của cải vật chất, là thân xác mình, là địa lợi chung quanh. Gia tài lớn là những tài năng tâm trí, đức hạnh và linh hồn. Gia tài vô cùng quý giá là nguồn sống vô biên tuôn tràn từ các phép bí tích, từ lời hằng sống, từ trái tim và thần khí của Đức Giêsu. Ai là người quản lý trung tín và khôn ngoan thì biết khôn khéo dùng những gia tài ấy để kinh doanh, phát triển, đầu tư vào những công trình chân chính mà mua lấy bạn bè, sắm lấy những kho tàng, những viên ngọc quý trong nước Thiên Chúa. Đó là cách xử sự khôn khéo của con cái ánh sáng.

Cách xử sự khôn khéo trước nhất là hướng về Thiên Chúa, là chủ của mình, mến Chúa là ưu tiên hàng đầu. Làm tôi Chúa mới mong từ bỏ làm tôi tiền của. Làm tôi Chúa bắt đầu bằng lắng nghe lời Chúa: “Lạy Chúa, xin Chúa phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1Sm. 3, 9), để rồi sẵn sàng xin vâng: “Vâng, tôi là nô tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Sứ thần nói hãy nhận Chúa Thánh Thần, đón rước Đức Giêsu vào lòng (Lc. 1, 30-38), Đón rước Đức Giêsu ngự xuống trên bàn thờ mọi ngày, lắng nghe Người nói trong Thánh lễ và lãnh nhận Thánh Thần trong các phép Bí tích và trong chiêm niệm, trong cầu nguyện liên lỉ, để hô hấp lấy hơi thở thần khí Đức Giêsu, cho ta được kêu lên với Thiên Chúa: “Ba ơi, ba” với hết tình con thảo.

Cách xử sự khôn khéo thứ hai là hướng về con người. Con người tuyệt diệu nhất là hiền mẫu Maria đầy tình yêu thương chan chứa, yêu thương những đứa con đau thương trong tội lỗi đến thí mạng sống con mình trên thập giá. Tiếp đến những bậc thầy hiển thánh tông đồ, tử đạo, đồng trinh, hiển tu, mục tử, chân phước là những tôi tớ trung tín và khôn ngoan nhất của Chúa. Các Đấng đang kêu mời chúng ta nhập vào đoàn người đi theo chân Chúa, đến soi sáng cho muôn dân thấy Thiên Chúa là Cha nhân hậu và Đức Giêsu, Đấng cứu độ muôn đời. Xin cho chúng ta biết làm đệ tử của các Ngài. Sau cùng là kết bạn với những người bé nhỏ, những em út tội nghiệp, sầu khổ đáng thương nhất của Chúa. Những người đó là hình ảnh của Đức Giêsu nghèo khổ không có hòn đá gối đầu, đói khát mà chỉ được uống dấm chua, ta đói chỉ có bông lúa ăn trẩy, ta là khách lạ chỉ có máng cỏ bò lừa cho trọ, ta bị bắt bớ, tù đầy, đánh đập, vác thập giá, bị đóng đinh, chết treo không giường chiếu. Xin cho con biết làm bạn chia sẻ tiền của, sự sống, tình thương và bao nhiêu nỗi nhọc nhằn, đắng cay, chua xót với các bạn chí thiết đó.

Cách xử sự khôn khéo thứ ba là sống hợp pháp, hợp pháp với giới răn của Chúa, hợp pháp với tình người, hợp pháp với nhân phẩm bản chất cao quý thiên chức làm người, người có tình thương, người có lý trí, người có nghị lực, “người chính tâm, thành ý, tri trí và cách vật để tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ, làm cho tứ hải giai huynh đệ”.

Lạy Chúa, xin soi sáng, trợ giúp và đổi mới chúng con nên tôi tớ trung tín và khôn ngoan như vậy.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN- C

GIÁ TRỊ ĐỒNG TIỀN-  Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Đề tài về “tiền của” là đề tài dễ “bàn luận” nhất, vì đó là thứ gần gũi nhất đối với con người. Người ta gọi những người thân yêu là “bà con ruột thịt”, đồng thời người ta cũng thường nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, xem thế, ta thấy đồng tiền có quan hệ “máu mủ” với con người đến mức nào!

Cái gì người ta càng cần đến, thì cái đó càng quan trọng. Cái gì càng quan trọng thì cái đó càng được nhiều người muốn sở hữu. Cái gì càng có nhiều người muốn sở hữu thì cái đó càng quý. Người nào sở hữu nhiều thứ đồ quý, thì đó là dấu hiệu người đó giàu có. Người đó có sức mạnh. “Miệng người sang có gang có thép”.

Tiền là rất cần. Giới trẻ có những câu định nghĩa “tóm gọn sức mạnh đồng tiền” nghe vui vui, tỉ như: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật lò xo, là thước đo lòng người, là nụ cười tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền là… hết ý!”.

Tiền là rất cần, nên người ta phải tìm cách có tiền. Không có cách làm ra tiền, thì làm ra tiền bằng mọi cách!

Vấn đề là chính là ở chỗ này! – Làm ra đồng tiền bằng mọi cách, không trừ những cách bất chính!- “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’” (Lc.16,1-2).

Biết bao người đã vấp ngã vì đồng tiền. Để có được đồng tiền, nhiều người đã đánh đổi cả danh dự, nhân phẩm, và cả niềm tin thiêng liêng nữa.

Họ trở thành nô lệ của Đồng Tiền! Hơn thế nữa, họ thờ Tiền! Họ bị Đồng Tiền trói buộc!

Những cách làm ra tiền bất chính thì rất đa dạng, muôn thứ. Có cái sờ sờ ra trước mắt, như ăn trộm, ăn cướp, mua gian bán lận… nhưng có thứ tinh vi, khó mà biết – nhưng muốn biết cũng không khó – nhiều khi vì lý do này, lý do kia, người ta không muốn biết, hay chưa nên biết, như: tham nhũng, lương lẹo, móc ngoặc, cắt xén công quỹ…

Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể câu chuyện “Lấy của ban ngày” như sau:

Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: “Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được”. Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói:

“Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau này tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại”.

Người coi chợ thấy càn dở, đánh cho mấy roi, bắt của ai trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắn:

“Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các ngươi chưa nghĩ kỹ!” (Long Môn Tử).

ĐỒNG TIỀN ĐI

Tích trữ nhiều tiền của thì phải có mục đích. Mục đích phổ thông nhất là “hưởng thụ”. Trong Tin Mừng, chúng ta gặp rất nhiều ông Phú hộ sống kiểu “hồn ta hỡi … vui chơi cho đã”. (Lc.12,16-21; 16,19-31).

Trong đời thường, chúng ta càng thấy rõ hơn nữa. Những nơi giàu có, mức độ hưởng thụ “ăn chơi” càng “cao cấp”, càng “sang trọng”, và thú vui chơi thể hiện thiên hình vạn trạng và cực kỳ tốn kém.

Sự hưởng thụ nếu không có ánh sáng Tin Mừng soi dẫn, sẽ đi dần đến mức sa đọa, khi mục đích của nó là thỏa mãn những niềm vui nhất thời và vật chất. Hạnh phúc lúc bấy giờ chỉ giới hạn trong những thứ vui chơi thỏa mãn khuynh hướng tầm thường, và chỉ còn là niềm vui của riêng mình. Sự ích kỷ sẽ đưa con người đến vô trách nhiệm với tha nhân và trở nên độc ác.

Thường tình người ta vẫn nghĩ cuộc sống cần phải vươn lên, và vì thế, người ta có quyền hưởng thụ ở mức độ cao nhất như có thể, miễn là người ta làm ăn chính đáng, không hãm hại ai, không làm thiệt hại ai, không đá động tới ai.

Nhưng chúng ta vẫn nghe trong lòng một cái gì đó rất xót xa, khi có những người mua những chiếc du thuyền, những chiếc xe con, những phương tiện giải trí hàng tỷ đồng, và bên cạnh đó, biết bao người đói ăn, đói học, đói những mái nhà đơn sơ đủ để che mưa che nắng qua ngày! Có người thở dài: biết làm sao, bàn tay có năm ngón ngắn dài khác nhau là vậy! Chuyện ấy thời nào cũng có! Chẳng có ranh giới nào để định mức đâu là trách nhiệm đối với xã hội. Chỉ có tiếng gọi của Tình Thương. Trong Phúc Âm, câu chuyện ông Phú hộ và La-gia-rô là một thí dụ. (Lc.16,19-31).

Có những người tung tiền ra để mưu cầu danh vọng. Có những người tung tiền ra để mua quan bán chức. Có một câu chuyện khoa học giả tưởng về một thành phố của ngàn năm về sau, lúc đó, con người đã chế tạo ra những “người máy” tinh xảo. Đi giữa lòng thành phố, người ta không thể phân biệt được ai là “người máy” ai là người thật! Hay nói một cách khác, ai là người “giả”, ai là người “thật”! Ngày nay, nhiều khi cũng khó biết ai là “nhân tài” thật, ai là “nhân tài” giả. Có nơi, người ta rao bán “bằng cấp” trên Internet giống như người ta rao bán chè ở vĩa hè!

Đi xa hơn nữa, sự giàu có dễ quyến rũ người ta say mê thế lực. Cá nhân rồi đến tập thể, Đất Nước. Những Nước giàu có thì chế tạo và mua nhiều vũ khí. Những nước lớn và giàu có bao giờ cũng nói chuyện bằng sức mạnh và quyền lợi của họ trước tiên. “Tiền đẻ ra Tiền”. Làm ăn với tư thế “kẻ mạnh” thì bao giờ cũng có lợi, thậm chí còn bóp chết cả địch thủ cạnh tranh, cho dù là cạnh tranh lành mạnh. Vì rằng “thương trường cũng như chiến trường”, có “chết” và có “sống”. Không có quy luật đạo đức nào cụ thể được áp dụng ở đây. “Mạnh được yếu thua”. “Cá lớn nuốt cá bé”. Ngôn ngữ ngoại giao thì rất đẹp, mà trên thực tế nằm mơ cũng không thấy!

Cứ nơi nào có nhiều mỏ dầu, nhiều tài nguyên thiên nhiên, thì nơi đó có nhiều tranh chấp. Nơi nào có tranh chấp, thì nơi đó thường có những cuộc “tập trận”, phô trương vũ khí, sức mạnh quân sự của những bên liên hệ.

ĐỒNG TIỀN ĐEM LẠI

Đồng tiền giúp chúng ta thể hiện tình thương đối với đồng loại.

“Tiền của là một đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu”. Nếu con người nô lệ vào tiền của, thì rõ ràng, con người gặp phải nhiều hậu quả thật tồi tệ cho cá nhân và cộng đồng nhân loại. Nếu con người làm chủ đồng tiền, thì con người sẽ cải thiện thế giới và con người sẽ hạnh phúc hơn.

Con người chỉ có một chủ là Thiên Chúa, và Thiên Chúa dạy con người biết làm chủ Tiền Của bằng Giới Luật Yêu Thương. “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc.16,13).

Mẹ Têrêsa khi nhận giải Nobel, mẹ nghĩ ngay đến xử dụng đồng tiền để giúp đỡ những người bất hạnh. Thánh Phanxicô Assisi đã bỏ cuộc đời giàu có để dành trọn cuộc đời mình lên tiếng nói bênh vực và nâng đỡ người nghèo…

Thật may mắn, trong đời thường vẫn còn đó những trái tim biết chia sẻ một cách chân thành.

Chia sẻ chân thành là chia sẻ những gì mình có. Không phải cách “lương lẹo” của tên quản lý bất lương. Anh ta tỏ ra “nhân từ” bằng đồng tiền của chủ mình với ý đồ được có nơi nương tựa và tìm cơ hội cho tương lai. Thương người kiểu đó là một cách ăn trộm mà vẫn được người ta thấy mình đạo đức. Nó cũng giống như những người cho vay ăn lời cắt cổ thiên hạ, thỉnh thoảng vào ngày rằm, mua năm mười giạ gạo bố thí cho một số người nghèo; hay mấy công ty bốc lột sức lao động công nhân bằng đồng lương chết đói, thỉnh thoảng tặng tiền cho những chương trình thuộc dạng “vòng tay nhân ái” để được vinh danh và quảng cáo thương hiệu của mình trên TV!

Trong Giới Luật Yêu Thương, Chúa Giêsu không hề bảo con người phải sống nghèo nàn, lạc hậu, nhưng là dạy con người biết cách“cho đi”. (Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…Mt.25,31-46).

Vì “không ai cho cái mình không có”. Nên trước tiên ta phải có mới cho được. Do đó, làm việc không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội, mà hơn thế nữa, còn là bổn phận đối với Thiên Chúa. (Ông giao cho người này năm nén, người kia hai nén, người khác nữa một nén… Mt. 25,14-29).

Trong Khổng Tử Gia Ngữ có câu chuyện thế này:

Khổng Tử nói rằng: Cho mình là hạng phú quí mà biết hạ mình với người với mọi người, thì người nào mà không tôn trọng mình?

Cho mình là hạng phú quý mà biết yêu người, thì người nào mà không thân với mình?

Nói ra mà không ai trái lại, thì có thể cho là hạng người biết nói vậy.

Nói ra mà mọi người đều hướng theo cả, thì có thể cho là hạng người biết thời vậy.

– Cho nên kẻ giàu có, mà lại biết làm cho người giàu có, thì dẫu có muốn nghèo, cũng không thể nào nghèo được.

– Kẻ sang trọng mà biết làm cho người sang trọng, thì dẫu muốn hèn hạ, cũng không thể hèn hạ được.

– Kẻ phát đạt, mà biết làm cho người phát đạt, thì dẫu có muốn khốn cùng, cũng không thể khốn cùng được.

Đồng tiền giúp chúng ta về đến Nước Trời.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một quyển sách được nhiều người yêu thích mang tên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.

Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy dùng tiền để mua những gì “không hư nát”. Hãy biết dùng tiền để tìm về chốn vĩnh cửu, nơi hạnh phúc vĩnh hằng. “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (Lc.16,9).

Nếu cuối cùng, ta nằm xuống. Tất cả những gì hưởng thụ qua đi. Tất cả những gì gom góp cũng bỏ lại. Ta nghe văng vẳng bên tai lời chúa từng giảng dạy: “Đồ ngốc! nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc.12, 20), ta chới với và tiếc rẻ làm sao! Bằng đó những thành đạt cuộc đời không đổi lấy được gì ư?

Có một kim chỉ nam để chúng ta định hướng đời mình. Để suy nghĩ và hành động. Đề gạn lọc và chọn lựa. Để làm phong phú đời mình. Để nuôi sống đời mình. Để đời mình không phải chỉ là một giấc mơ chóng qua và vô nghĩa. Đó là Lời Chúa. Lời Hằng Sống. Lời dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

“Cho tôi xin một vé đi Thiên Quốc”.

Để khi tôi nhắm mắt, là bước vào một cuộc hành trình mới. Tuyệt vời và hạnh phúc!

Lạy Chúa, xin cho con biết tận dụng tất cả những gì con có, để sinh lợi và làm giàu cho Chúa, chứ không phải cho riêng con. Vì tất cả là của Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ