Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 111
Tổng truy cập: 1356739
QUÊ TRỜI
QUÊ TRỜI
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên)
Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, như chính Người đã khẳng định trong lời thân thưa với Chúa Cha: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã trao cho con” (Ga 17,4). Và, như người lính sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với ngành nguyệt quế chiến thắng, Đức Giêsu được cất lên trời trong vinh quang và giữa tiếng muôn thiên thần tung hô chúc tụng. “Được cất lên”, đó là kiểu nói của Kinh Thánh. Độc giả Do Thái dễ dàng liên tưởng đến trường hợp của ngôn sứ Elia và ông Enốc trong Cựu ước. Hai vị này đã được Chúa “cất lên” không trung, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ ngôn sứ. Được “cất lên” cũng là lối diễn tả sự thưởng công của Chúa cho một người đã trung tín với sứ mạng được trao.
Việc Chúa về trời trước hết diễn tả vinh quang chiến thắng. Qua sự phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần. Người cũng chiến thắng những cám dỗ của thế gian nhằm lôi kéo Người từ bỏ thực thi ý định của Chúa Cha. Chúa Giêsu về trời, mang theo những dấu tích của cuộc khổ nạn (dấu đinh), như bằng chứng của sự hy sinh tự hiến để thánh ý Chúa Cha được nên trọn.
Việc Chúa Giêsu về trời đánh dấu sự hoàn tất của công trình cứu độ được thực hiện qua biến cố thập giá. Tuy vậy, sự hoàn tất này lại mở ra một giai đoạn mới trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Lịch sử cứu độ đã sang một trang mới kể từ biến cố phục sinh. Nhận được lệnh truyền của Chúa, các môn đệ đã hân hoan ra đi thi hành sứ vụ. Đây là một cuộc lên đường mới, đầy hứng khởi nhiệt tình. Việc Chúa được cất lên trời không làm cho các môn đệ u sầu buồn bã, trái lại các ông lại hân hoan vui vẻ, vì tin chắc có Chúa ở với mình. Từ nay, các ông được trang bị bằng sức mạnh của Chúa Thánh Thần, cùng với khả năng làm phép lạ mà chính Chúa đã ban cho các ông, như lời căn dặn trước khi Người về trời. Với lời “sai đi” của Chúa, sứ mạng truyền giáo không còn giới hạn trong xứ Palestina, nhưng đã mở ra những chân trời mới. Nước của Chúa không còn giới hạn ở những cột mốc lãnh thổ và những đường biên ngăn cách, nhưng lan rộng đến mọi nền văn hóa, đến mọi dân tộc. Chúa đã về trời. Cũng như trời rộng bao la mênh mông thế nào, thì vương quốc bình an mà Người đã khởi sự thiết lập cũng sẽ rộng lớn như vậy.
Chúa Giêsu đã nhập thể và mang lấy thân phận con người như chúng ta. Sau khi kết thúc cuộc đời trần gian, Người đã khải hoàn về thiên quốc. Việc Chúa Giêsu về trời cũng khẳng định với chúng ta, đất và trời từ nay không còn cách biệt nữa. Dưới đất này đã có trời, và trên trời cao đã có đất. Quả vậy, nếu định nghĩa trời là nơi Thiên Chúa ngự trị, thì trong “cõi người ta” này, Thiên Chúa đang hiện hữu để chúc lành và dẫn dắt chúng ta bằng cánh tay yêu thương của Ngài. Nếu định nghĩa đất là nơi con người sinh sống, thì trên trời, hiện đã có một “Con Người” là Đức Giêsu, mẫu mực chung cho tất cả mọi người về cách sống cũng như về sự hy sinh vì tha nhân. Vì thế, liền sau khi Chúa Giêsu được cất lên, trong khi các môn đệ còn bỡ ngỡ lưu luyến, thì hai sứ thần đã nói với họ: “Hỡi người xứ Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Qua những lời này, các sứ thần muốn khẳng định với các ông rằng, các ông hãy quay về với bổn phận, vì tuy Chúa đã về trời, Người vẫn luôn hiện diện trên mặt đất này với các ông. Từ nay, mọi bước đường truyền giáo của các ông sẽ có Chúa đi cùng. Người hiện diện thiêng liêng, vô hình nơi trần gian, và Người sẽ trở lại trong vinh quang vào thời tận cùng của lịch sử. Chính vì vậy, “Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng con, nhưng để chúng con là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Ðầu và là Thủ Lãnh của chúng con đã đến trước” (Kinh Tiền tụng lễ Thăng Thiên).
“Quê Trời” là niềm mơ ước của con người thuộc mọi nền văn hóa, dù khái niệm về trời rất mông lung bàng bạc và phong phú đa dạng. Trong quan niệm dân gian của người Việt, “Trời” không chỉ là cái vòm màu xanh ở tít trên cao, nhưng là một “Đấng”, một “Ông”, một “Vị”, một nhân vật. Nhân vật này vừa quyền năng mạnh mẽ vừa lắng nghe cảm thông với con người và giúp đỡ họ. Nơi “Ông Trời” người ta tin tưởng cầu xin ơn phù trợ để mọi sự tốt lành: “Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm” (Ca dao). Trời cũng là nơi ở dành cho các anh hùng dân tộc, những người có công với nước, như trường hợp Thánh Gióng, sau khi đánh giặc Ân, cưỡi ngựa về trời.
Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta: Quê trời là phần thưởng Chúa Cha dành cho người công chính. Hạnh phúc Nước trời là được chìm mình trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi, cùng với anh chị em mình. Đó là tình yêu vĩnh cửu, viên mãn, tồn tại muôn đời. Hạnh phúc Chúa Giêsu hứa ban không phải một thứ “bánh vẽ” xa vời, một thứ “thuốc phiện mê dân” ảo tưởng. Nước Trời đã hiện diện giữa trần gian, ngay ngày hôm nay, nơi cuộc đời của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta biết đón nhận bằng con tim rộng mở và tấm lòng yêu mến chân thành.
6.Chúa Giêsu được siêu tôn
(Bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho –trong Thánh lễ Chúa Thăng Thiên, kỷ niệm 13 năm Giám mục, ngày 20 tháng 05 năm 2012).
1. Anh chị em rất thân mến, mầu nhiệm “Chúa Giêsu lên trời” mà chúng ta mừng lễ hôm nay, gắn chặt với mầu nhiệm “Sự Chết và Sự Sống lại của Chúa”. Chúa Giêsu đã ra đi, rời bỏ các môn đệ còn ở thế gian, mà Người rất thương mến. Người đi lên cùng Chúa Cha, để ngự bên hữu Chúa Cha, được tôn vinh bên cạnh Chúa Cha. Ra đi là “chết”, không phải chỉ là chết trong lòng, mà là chết thực sự, là ra đi vĩnh viễn. Nhưng sự ra đi của Chúa Giêsu, không phải là đi vào cõi hư vô, dẫn đến tiêu diệt, mà là ra đi để được sống, sống dồi dào và vĩnh viễn. Sự chết không cầm giữ được Người, Người đã sống lại và vẫn đang sống. Theo Thánh Luca, tác giả Sách Công vụ các Tông đồ, thì Chúa Giêsu đã dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các Tông đồ thấy là Người vẫn sống, sau khi đã chịu khổ hình: trong 40 ngày Người đã hiện ra để đàm đạo với các Tông đồ về Nước Thiên Chúa (Cv 1,3).
2. Chúa Giêsu không những vẫn “đang sống”, mà còn được tôn vinh bên cạnh Chúa Cha, được hạnh phúc trong Lòng Chúa Cha. Theo ý muốn của Chúa Cha, “Người đã đi xuống”, Nhập Thể trong lòng Trinh nữ Maria, và đã làm Người. Giờ đây Người “đi lên”, lên ngự bên hữu Chúa Cha, để làm “Vua vũ trụ”, làm “Chúa” giống như Thiên Chúa Cha, Đấng làm chủ, không những trái đất, mà toàn thể vũ trụ, vì đã tạo dựng nó. Người làm Chúa, không để thống trị, mà để ban phát Tình Thương, ban phát Sự Sống. Người yêu cầu các Tông đồ đừng rời khỏi Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi “điều Chúa Cha đã hứa”, chờ đợi Chúa Thánh Thần, Đấng là “Chúa và là Đấng ban Sự Sống”, là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Kitô Phục Sinh. Đấng là Sức Mạnh từ trên cao, là Quyền Năng của Thiên Chúa, là Thần Trí và là Ánh Sáng.
3. Các Tông đồ chờ Ngày lễ Ngũ Tuần, để nhận lãnh Chúa Thánh Thần, để “chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần” (Cv 1, 5), theo kiểu nói của Chúa Giêsu. Họ sẽ “làm chứng tá” về Chúa Giêsu Phục Sinh, cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1, 8). Họ sẽ đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng Cứu độ, Tin Mừng về Tình yêu của Thiên Chúa, biểu lộ trọn vẹn nơi “sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu”. Loan báo “Niềm Hy vọng” mà họ đã nhận được, khi được khai ân Thần Khí. “Chúa Giêsu lên trời” vừa là một sự kiện, vừa là một sứ điệp từ trời: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đang thấy Người lên trời” (Cv 1,11).
4. Hiện nay khoa học đã phát triển tột bậc, nhiều phi hành gia, và một ít người giàu có đã được lên trời, trên những phi thuyền không gian. Ước vọng của con người không bao giờ cùng, nhưng có thực sự là ước vọng vươn lên, theo nghĩa hướng thượng, hướng về Thiên Chúa là Chân Thiện Mỹ, hướng về hạnh phúc đích thực, về sự thành toàn nhân cách khi đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc đời không? Muốn được như thế, không chỉ có việc ngước mắt nhìn trời, mà còn phải nhận lãnh sức mạnh từ trời. Kinh nghiệm cho thấy rằng: chỉ với sức mạnh tự nhiên, con người dễ sa đà xuống dốc, nhất là từ khi nguyên tổ loài người phạm tội. Trong xã hội hôm nay, con người chỉ tiến bộ về khoa học kỷ thuật, còn về những phương diện khác thì xuống dốc trầm trọng, hình như đang lao xuống vực thẳm của sự dữ và tội ác.
5. Chính vì thế mà ngày hôm nay hơn bao giờ hết Giáo hội phải hăng hái thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu trước khi Người lên trời: “ Đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15). Loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh: Sự Sống chiến thắng sự chết, Tình yêu chiến thắng tội ác, chân lý chiến thắng dối trá và sai lầm. Đó là ước mơ của chúng ta, ước mơ của những người Kitô hữu. Không những thế, trong thâm sâu của “vô thức”, đó cũng là ước mơ của mọi người trong nhân loại và của mỗi con người. Tin Mừng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu luôn luôn hợp thời và luôn luôn cần thiết, như chính Chúa Giêsu đã phán dạy: “Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu rỗi; còn ai không tin, sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Không phải vì Thiên Chúa độc tài, độc đoán, nhưng vì không tin là không đón nhận “giải đáp đích thực”của Thiên Chúa cho các ước vọng chính đáng của mình, hay là tìm thoả mãn nơi trần thế, và cuối cùng sẽ “qua đi” như bộ mặt trần gian này sẽ qua đi.
7.Chứng từ & việc rao giảng
(Suy niệm của Lm. Mark Link, SJ.)
Chủ đề: "Đức Giêsu giao chúng ta sứ mệnh làm chứng cho Ngài giữa thế gian và rao giảng cho các dân tộc"
Một vị tuyên uý quân đội người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu. Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về đức tin công giáo của bạn; Đừng xấu hổ khi phải công khai tuyên xưng nó”.
Sau thánh lễ, một lính thủy do rất xúc động vì bài giảng đã chận vị tuyên uý ngay trước cửa giáo đường và hỏi; “Thưa cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?”. Vị tuyên uý trả lời: “Tôi rất sung sướng được nghe anh xưng tội”. Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường. Vị tuyên uý vội nói; “Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!”. Chàng lính thủy đáp lại: “Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con”.
***
Tinh thần làm chứng nhân của anh lính thủy quả là hơi “quá” nhiệt tình, nhưng chắc chắn anh đã có một ý nghĩ đúng đắn. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Các ngươi sẽ làm chứng cho Ta đến tận cùng trái đất”. Lệnh truyền của Chúa Giêsu bao hàm tất cả chúng ta, qua Bí Tích Rửa tội, Thêm sức, tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu. Nhưng Bí tích Rửa tội và Thêm sức còn đòi hỏi chúng ta đi xa hơn, chúng yêu cầu chúng ta nhiều hơn nữa. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy công bố Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta phải thi hành.
Việc công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu không dành riêng cho các linh mục hay các tu sĩ. Đó là bổn phận mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện sau khi đã nhận lãnh phép Rửa tội và Thêm sức. Điều này gợi lên một vấn nạn: Một người trung bình có thể rao giảng như thế nào về Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay?
Tôi xin chia sẻ với quí vị câu chuyện nói về cách thế mà một người đã dùng để trả lời cho câu hỏi ấy.
Ruddell Norris là một chàng trai cần mẫn. Chỉ tội chàng ta nhút nhát. Nói chuyện với kẻ khác chàng đã thấy là khó khăn rồi, huống chi phải bàn chuyện tôn giáo với họ. Thế rồi một ngày kia chàng nảy ra một ý kiến. Ruddell đọc sách khá nhiều và chàng biết có nhiều cuốn sách nói về đức tin công giáo. Vì vậy chàng quyết định dành riêng một phần tiền tiết kiệm hàng tuần để mua những cuốn sách ấy. Ruddel để những cuốn sách ấy ở những nơi mà chàng nghĩ người ta thường cầm chúng lên đọc. Chẳng hạn, ở những phòng chờ đợi và tiếp khách.
Một hôm, một thiếu phụ vốn là bạn của gia đình chàng kể cho cha mẹ chàng biết cô ấy đã trở lại đạo thế nào và chồng cô đã trở về với Giáo hội thế nào. Cô nói: “Tất cả bắt đầu do một quyển sách nhỏ mà tôi đã tìm thấy tại phòng chờ đợi ở bệnh viện”. Anh chị em có thể tưởng tượng được chàng trai đã phấn khởi biết bao khi biết được tầm ảnh hưỏng mà chỉ một trong những tập sách nhỏ của chàng đã tạo ra.
***
Câu chuyện của Ruddell Morris nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc công bố Tin Mừng: Có nhiều cách để công bố Tin Mừng. Chúng ta có thể công bố một cách trực tiếp như Ruddell đã làm. Hoặc “công bố” một cách gián tiếp, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện hoặc gíup đỡ tài chính cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội.
Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng nhất của toàn năm phụng vụ. Đó chính là lý do khiến chúng ta mừng lễ Thăng Thiên với hình ảnh chuyền gậy từ vận động viên này tới vận động viên khác trong một số cuộc chạy đua tiếp sức.
Cũng ngay này, cách đây hơn 2000 năm, Đức Giêsu đã chuyền chiếc gậy tượng trưng công việc của Ngài cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục chuyền đi. Chúng ta có thể tiếp tục công việc ấy bằng cách làm chứng cho đức tin của mình như anh lính thủy kia đã làm và công bố đức tin ấy cho kẻ khác như Ruddell đã làm. Đây là một trách nhiệm hai mặt mà lễ Thăng Thiên đặt ra cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải chu toàn trách nhiệm này theo cách thức mà Chúa Thánh Thần linh ứng cho từng người.
Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại những lời Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ Ngài trong bài giảng trên núi. Chúng có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay.
“Các con là muối ướp cho mọi người, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì làm cho nó mặn lại được, nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.
Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, là một thành phố xây trên một ngọn đồi nên không thể giấu được….
Cũng thế, ánh sáng các con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5: 13-16).
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam