Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 50

Tổng truy cập: 1360982

QUYỀN PHÉP

QUYỀN PHÉP

 

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, như vậy chính Ngài đã tạo dựng vũ trụ, vạn vật, muôn loài, vì thế Ngài có toàn quyền trên thiên nhiên. Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bằng chứng để chúng ta quả quyết điều trên: Chúa đi trên mặt biển nổi sóng và gió yên lặng ngay khi có lệnh của Ngài hoặc khi có sự hiện diện của Ngài. Hoàn cảnh của phép lạ: Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hàng ngàn người ăn no, dân chúng phấn khởi quá muốn suy tôn Chúa làm vua, nhưng Chúa thì không đồng tình như vậy, nên Ngài bảo các môn đệ xuống thuyền ra khơi đi trước và đợi Ngài ở phía bên kia Biển Hồ, Ngài giải tán dân chúng rồi một mình lên núi cầu nguyện. Các môn đệ ra đi được khoảng vài cây số thì gặp sóng to gió lớn. Thánh Luca ghi lại: gió ngược thổi mạnh dữ dội, thánh Matthêu cho biết: lúc ấy vào khoảng canh tư, nghĩa là vào khoảng ba giờ sáng, như vậy lúc đó các môn đệ đã rất mệt mỏi sau mấy tiếng đồng hồ chèo chống. Giữa lúc ấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ, hình như Ngài muốn đi ngang qua các ông. Vừa mệt mỏi, vừa đêm tối, các môn đệ thấy có bóng người đi trên mặt biển, tưởng là ma quái hiện hình, nên hoảng sợ, nhưng khi nghe tiếng nói quen thuộc trấn an: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”, các ông mới nhận ra Chúa, lập tức Phêrô xin phép đi trên mặt nước đến gặp Chúa. Chúa bằng lòng. Phêrô bước ra khỏi thuyền đến với Chúa, nhưng đức tin của ông còn yếu kém, ông hồ nghi và lo sợ nên bị chìm dần xuống và kêu xin Chúa cứu giúp. Chúa đưa tay cầm lấy tay ông và trách nhẹ: “Người đâu mà kém tin vậy, sao lại hoài nghi?”. Khi Chúa và Phêrô đã lên thuyền, sóng gió liền yên lặng và mọi người tuyên xưng Chúa: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.

Qua bài Tin Mừng này, chúng ta ghi nhận được ba bài học: Bài học thứ nhất, việc Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các môn đệ cho chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa. Đối với Chúa, việc này không có gì là khó khăn, và đối với chúng ta, cũng chẳng có gì là khó hiểu, vì Ngài là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, Ngài quyền phép vô cùng. Chính Ngài cầm quyền trên mọi định luật vật lý, nên việc Ngài đi trên sóng nước không có gì là phản khoa học hay vô lý, nhưng lại minh chứng quyền năng Thiên Chúa của Ngài. Các môn đệ hôm ấy được chứng kiến tận mắt và ghi nhận sự kiện tỏ tường Chúa có quyền trên sóng biển, đi trên sóng, truyền cho chúng yên lặng. Vì thế, lòng tin của các môn đệ càng gia tăng. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: Chúng ta phải tin Chúa Giêsu tuyệt đối và thể hiện niềm tin ấy bằng cách sống theo những lời Chúa dạy, bởi vì như thánh Giacôbê nói: đức tin không có việc làm là đức tin chết.

Bài học thứ hai, đang khi các môn đệ gặp bão táp, sóng gió thì Chúa xuất hiện để cứu giúp ho. Trong khoảnh khắc mọi sự đều thay đổi vì có Chúa. Điều này cho chúng ta biết: Ở đâu có Chúa là có bình an. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có giông tố bão táp, có thử thách khó khăn, nhưng chúng ta đừng bao giờ thất vọng nghĩ rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, Chúa ở xa chúng ta hay không để ý gì đến chúng ta. Không, Chúa luôn ở với chúng ta, Chúa luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, Chúa luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Chúng ta có thể nói: trong những giờ phút khó khăn, nguy hiểm, khổ đau, chẳng những Chúa đi bên cạnh chúng ta, mà Chúa còn bồng bế chúng ta trên cánh tay toàn năng của Ngài.

Bài học thứ ba, thánh Phêrô thấy Chúa đi trên sóng nước ngon lành nên đã phản ứng khá mau lẹ, có thể nói quá vội vàng trước khi kịp suy nghĩ, là xin Chúa cho ông cũng đi trên sóng nước như Chúa. Chúa bằng lòng ngay, nhưng vì yếu lòng tin, lo sợ nên Phêrô đã bị chìm xuống. Ông lại vội vàng kêu xin Chúa và Chúa cũng cứu giúp ngay. Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta: một quyết định hay một hành động vội vàng thường dễ sai lầm và gặp khó khăn. Vì thế, cần suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định một điều gì hay làm một việc gì, cần phải xác định được nên làm hay không nên làm và làm lúc nào. Đó là hai vấn đề: chúng ta phải cầu nguyện nhiều trước khi làm, một khi đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn. Nếu chẳng may thất bại thì cố gắng làm lại, đừng chán nản thất vọng. Thánh Phêrô đã làm như thế: đã tin cậy Chúa, rồi càng yêu mến Chúa hơn trước và được Chúa tín nhiệm nhiều hơn.

 

62.Đừng sợ, hãy tin tưởng!

(Suy niệm của Lm. M. Gioan Nghi,CRM)

Vào một buổi tối nọ, một căn nhà bị cháy. Mọi người trong nhà đều đã chạy thoát được ra ngoài, chỉ trừ một em trai ở trên lầu. Nhìn chỗ nào cũng có lửa, em liền chạy đến cửa sổ để xem có cách thoát thân không. Ông bố đứng dưới nhìn lên thấy con đứng bên cửa sổ, biết là không còn cách nào khác hơn là phải nhảy xuống, nên mới gọi lên giục con: “Con nhảy xuống đi, bố đang chờ ở đây.” Đứa con ở trên nhìn xuống, chỉ thấy toàn là khói dầy đặc, nên sợ không dám nhẩy. Ông bố lại giục: “Nhảy mau đi con.” Chú bé ở trên la xuống: “Con không dám nhẩy, vì không thấy bố ở đâu hết.” “Không sao. Bố thấy con mà. Nhảy mau đi.”

Vì thiếu lòng tin tưởng, nên sống trong lo sợ, đó là một hiện trạng chung của con người. Ngay từ thời khởi thủy của lịch sử nhân loại, vì không tin tưởng vào Thiên Chúa, ông bà nguyên tổ đã phạm tội, và vì đó, ông bà đã trốn tránh Thiên Chúa vì sợ hãi. Trải dài lịch sử nhân loại, vì không tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, con người sợ nhau, sợ cho tương lai, sợ vì quá khứ, sợ thiên tai, và sợ cả Thiên Chúa nữa: sợ Ngài oán phạt, sợ Ngài bỏ mặc con người.

Mới đây, tờ báo USA Weekend đã làm một cuộc thăm dò xem người Mỹ có những mối lo sợ nào:

54% sợ bị đụng xe.

53% sợ bị ung thư.

50% sợ hết quỹ An Sinh Xã Hội.

49% sợ không đủ tiền khi về hưu.

35% sợ bệnh già.

33% sợ là nạn nhân của những vụ hành hung.

32% sợ không đủ khả năng để trả nợ.

Trước những sợ hãi đó của con người, một trong những sứ điệp của Thiên Chúa trong Cựu Ước là: Đừng sợ. Với Abraham: “Đừng sợ, vì Ta là thuẫn bảo vệ ngươi.” Với dân Do Thái, qua Môsien: “Đừng sợ, và các ngươi sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Sang tới thời Tân Ước, với Đức Mẹ Maria, qua sứ thần Gabrien: “Đừng sợ, vì Bà đã được ơn nghĩa với Thiên Chúa.” Đừng sợ!

Bài Phúc âm hôm nay thuật lại câu chuyện các môn đệ phải khó khăn để trèo chống con thuyền khi bị sóng đánh. Đang khi đó, thì Chúa Giêsu đi trên mặt hồ đến với các ông, khiến các ông tưởng là gặp ma. Chúa Giêsu đã liền chấn an các ông: “Thầy đây. Đừng sợ!”

“Thầy đây. Đừng sợ!” Đó cũng là lời Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay, khi chúng ta đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế, khi sức khoẻ của chúng ta đang suy giảm, khi một người thân đang bị dày vò vì bệnh tật, hay khi con cái ở tuổi niên thiếu đang khiến chúng ta phải điên đầu. Đừng sợ! Hãy vững dạ, vì giữa những sóng gió ba đào của cuộc sống, chúng ta có Chúa Kitô đang ở với chúng ta. Cũng như em bé trong câu chuyện ở trên, chúng ta hãy vững tâm gieo mình vào cánh tay đầy quyền năng và yêu thương của Thiên Chúa. Hãy vững tin và hãy nắm chắc lấy Chúa Giêsu. Chắc chắn Chúa sẽ không để chúng ta phải thất vọng.

 

63.Suy niệm của John Nguyễn

1. Cầu nguyện có cần thiết không?

“Giải tán họ xong, Người lên núi một mình cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình”. Bài Tin Mừng cho thấy: cuộc đời Đức Giê-su có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hoạt động và cầu nguyện. Nghĩa là Ngài không chỉ hoạt động cũng không chỉ cầu nguyện, mà cả hai luân phiên nhau. Nhưng cầu nguyện để làm gì? Vì hoạt động thì rõ ràng đem lại lợi ích cho mọi người, còn cầu nguyện có vẻ như chẳng làm gì cả, như vậy thì lợi ích cho ai? Các sách Tin Mừng cho thấy Đức Giê-su cầu nguyện một mình rất nhiều lần (x. Mc 1,35; 6,45; Lc 5,16; Mt 26,36-44), và Ngài cũng khuyên các tông đồ cầu nguyện như Ngài (x. Mt 26,41; Lc 21,36). Chắc chắn cầu nguyện phải rất cần thiết và đem lại nhiều ích lợi thì Đức Giê-su mới cầu nguyện nhiều và khuyên các tông đồ hãy cầu nguyện như vậy.

2. Cầu nguyện, một hình thức “sạc pin” tâm linh

Một vài minh họa giúp ta hiểu được vai trò của cầu nguyện:

a) Mục đích của bình ắc-quy là để phóng điện hầu làm sáng bóng đèn, làm động cơ quay, tạo nên những phản ứng hóa học, khởi động máy, v.v… nói chung là sinh một lợi ích nào đó. Nhưng ắc-quy không thể cứ phóng điện hoài, vì điện phóng một thời gian là hết, không phóng được nữa. Nếu muốn tiếp tục phóng điện để sinh lợi ích, thì phải “sạc điện”. Sạc điện xem ra vô ích, chẳng tạo ích lợi trực tiếp, nhưng hết sức cần thiết để ắc-quy có thể tiếp tục hoạt động.

b) Khi đóng đinh, người ta phải nâng búa lên và đập xuống, rồi lại nâng búa lên và đập xuống nữa. Cứ vậy cho đến lúc chiếc đinh lún xuống hoàn toàn. Chỉ động tác đập xuống mới làm đinh lún, còn động tác nhấc lên có vẻ như hoàn toàn vô ích, nhưng phải nói rằng nó tuyệt đối cần thiết. Nếu không nhấc búa lên, không ai có thể đập búa xuống lần thứ hai, và như thế đinh chỉ lún xuống một chút xíu, và như thế là không đạt yêu cầu.

Cầu nguyện xem ra chẳng lợi ích gì cả, nhưng quả thật nó là một điều tối cần thiết cho những ai muốn hoạt động hữu hiệu cho Thiên Chúa, cho nhân loại, cho tha nhân, và cho sự phát triển tâm linh của bản thân. Cầu nguyện chính là tiếp xúc với Thiên Chúa, nguồn của mọi năng lực, nhất là sức mạnh tâm linh để yêu thương và mạnh dạn dấn thân cho Thiên Chúa và tha nhân, để củng cố đức tin vào Thiên Chúa và tự tin vào chính mình, để được khôn ngoan, sáng suốt, nhận định chính xác điều nào điều nào đúng điều nào sai, điều nào chính điều nào phụ trong mọi lãnh vực hoạt động (tâm linh cũng như trần thế), để tâm hồn được bình an và tràn ngập niềm vui, v.v Thiếu sức mạnh tâm linh ấy, con người giống như một bình ắc qui hết điện, hay như những bóng đèn và động cơ không nhận được nguồn điện, khiến mọi hoạt động của họ chỉ còn được thúc đẩy bởi những động lực tự nhiên như: “đói thì đầu gối phải bò”, ham được tiếng khen, muốn được danh vọng, v.v Những động lực này vẫn cần thiết và có ích cho sự sống tự nhiên, nhưng không ích lợi cho sự sống siêu nhiên hay tâm linh. Nói tới đây, thiết tưởng mỗi người chúng ta cần tự xét xem sự sống siêu nhiên hay tâm linh của mình thế nào? có phát triển hay còn èo ọt?

3. Cầu nguyện đích thực tất nhiên phải nhận được sức mạnh từ Thiên Chúa

Bản chất của cầu nguyện là tiếp xúc thật sự với Thiên Chúa, và nhờ đó tiếp nhận được năng lực (tâm lực, trí lực, thể lực, sự an vui) từ nơi Ngài. Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, rước lễ. Tất cả những cách thức cầu nguyện vừa kể chỉ là một số trong rất nhiều phương tiện hay cách thức để tiếp xúc với Thiên Chúa. Tuy nhiên, vẫn có thể có những người đọc kinh, dự thánh lễ, thậm chí rước Mình Máu Thánh Đức Giê-su vào lòng mà không phải là cầu nguyện, vì họ không thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Thiên Chúa. Trái lại, cũng có những trường hợp người ta thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Thiên Chúa mà không cần phải dùng những cách thức vừa kể.

Muốn biết mình có thật sự cầu nguyện, nghĩa là có thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay không, ta chỉ cần xem mình có nhận được sức mạnh từ nơi Ngài hay không, và đời sống có biến đổi thật sự sau khi cầu nguyện không. Vì càng tiếp xúc thân mật với Thiên Chúa, thì càng nhận được sức mạnh tâm linh của Ngài. Nhờ đó, đời sống tâm linh của ta tất yếu phải thay đổi, chẳng khác gì một người nghèo càng nhận được nhiều tiền thì đời sống vật chất hay kinh tế của người ấy tất nhiên phải thay đổi. Không thể khác được! Chính Đức Giê-su cũng được biến đổi khi cầu nguyện (x. Lc 9,29). Rất nhiều người đã được biến đổi tâm hồn khi tiếp xúc với Đức Giê-su: như Mát-thêu, Gia-kêu, Ma-đa-lê-na, người phụ nữ Sa-ma-ri, v.v. Vì thế, không thể có trường hợp thật sự gặp gỡ hay tiếp xúc với Ngài một thời gian mà lại không nhận được sức mạnh của Ngài, và không được Ngài biến đổi nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Nếu sau cả một thời gian cầu nguyện mà không thấy mình được biến đổi về tâm linh, không nhận được sức mạnh, bình an và niềm vui sâu xa, thì ta cần phải nghiêm túc xét lại xem cách thức cầu nguyện của ta có thật sự giúp ta tiếp xúc với Thiên Chúa không.

4. Đừng quan niệm Thiên Chúa là một bóng ma theo tưởng tượng của ta

Trở lại với bài Tin Mừng, ta thấy thoạt đầu các tông đồ tưởng Đức Giê-su là ma. Điều ấy cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ. Rất nhiều khi chúng ta tưởng Thiên Chúa là một bóng ma, hay là một cái gì đấy mà bản chất không phải là Ngài. Có người tưởng Ngài là một bức tượng, hiện diện trước mặt mình một cách vật chất; họ đã vật chất hóa Ngài. Những người trí thức thì lại tưởng tượng Ngài, phác họa chân dung của Ngài theo những quan niệm riêng của mình, hoặc của nền văn hóa dân tộc mình. Vì thế, thay vì gặp được Ngài, ta chỉ gặp được một bóng ma, một Thiên Chúa do chính ta tạo dựng nên theo quan niệm hay sức tưởng tượng của mình.

Để đề phòng chuyện này, Thiên Chúa đã cấm người Do Thái không được tạc tượng Ngài, vì Ngài có hình dáng đâu mà tạc, nên tạc thế nào cũng chẳng bao giờ là tượng của Ngài được (x. Xh 20,4; Đnl 5,8; 27,15). Nhưng con người từ thời cổ đại đến giờ luôn luôn bị cám dỗ tạc tượng Ngài. Người bình dân tạc theo kiểu bình dân, tạc bằng gỗ, đá… Người trí thức tạc theo kiểu trí thức, tạc bằng những ý niệm. Nhà thần học tạc theo kiểu thần học, bằng những tư tưởng thần học. Nhưng Thiên Chúa vốn vượt khỏi mọi kinh nghiệm, mọi ý niệm và ngôn ngữ của con người, nên không thể diễn tả hay quan niệm Ngài bằng bất kỳ một ý niệm hay ngôn ngữ nào của con người. Thiên Chúa không thể diễn tả hay quan niệm được ấy đã bị con người biến thành một Thiên Chúa diễn tả được, quan niệm được, thậm chí được xác định và mô tả dứt khoát bằng vô số chi tiết nhỏ nhặt. “Thiên Chúa” do con người tạo dựng nên ấy làm sao đem lại sức mạnh tâm linh đích thật cho ta? “Thiên Chúa” ấy có thật sự là Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người, và là Thiên Chúa của Đức Giê-su không?

5. Vai trò của đức tin khi cầu nguyện

Khi các tông đồ nhận ra Đức Giê-su, Ngài liền nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Một trong những đặc tính căn bản của Đức Giê-su là, khi ta gặp được Ngài, Ngài làm cho tâm hồn ta được bình an, Ngài tiêu hủy mọi nỗi sợ hãi của ta. Khi gặp các tông đồ, Ngài hay nói: “Bình an cho anh em!” (Lc 24,36; Ga 20,19; 20,21; 20,26). Và bình an của Ngài là thứ bình an “không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Khi gặp được Đức Giê-su, Phê-rô tin tưởng rằng nếu đó chính là Thầy mình thật, ắt Ngài có thể cho mình đi trên mặt nước giống như Ngài. Và quả thực ông đã đi được trên mặt nước. Nhưng đức tin của ông vào Ngài không vững, nên khi thấy gió thổi, ông sợ, và lập tức bị chìm xuống nước. Thì ra việc ông đi trên nước được là do quyền năng của Đức Giê-su, nhưng cũng do đức tin của ông vào Ngài nữa. Tin Mừng cho biết: tại Na-da-rét, “Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13,58). Khi chữa ai khỏi bệnh, Ngài thường nói: “Đức Tin của anh đã cứu anh” (Mt 9,22; Mc 5,34; Lc 8,48; 17,19). Để được cứu rỗi cũng vậy, chính Đức Giê-su cứu ta, nhưng chính ta cũng phải tin vào Ngài thì Ngài mới cứu ta được. Đó chính là điều kiện tối yếu về phía ta. Tương tự, đức tin của ta vào Thiên Chúa cũng đóng một vai trò không thể thiếu được khi cầu nguyện để Ngài có thể làm điều gì đó cho ta, như ban bình an, ban sức mạnh, hay biến đổi ta.

Cầu nguyện

Lạy Cha, xin dạy con biết cầu nguyện đích thực, nghĩa là dạy con tiếp xúc với Cha thật sự, để nhờ đó nhận được sức mạnh của Cha. Rất nhiều khi con đọc kinh, dâng lễ, rước lễ chẳng khác gì một cái máy, trí óc con không hề nghĩ đến Cha mà chỉ tập trung vào những nhu cầu mà con muốn xin Cha thỏa mãn. Con chỉ có vẻ cầu nguyện, chứ không phải là cầu nguyện đích thực. Xin Cha hãy dạy con cầu nguyện đích thực.

 

64.Sự hiện diện của Chúa Giêsu - Nguồn bình an

(Suy niệm của Sao Mai)

Hình ảnh Chúa Giêsu đi trên mặt nước cho chúng ta thấy tình thương của Chúa dành cho các môn đệ thật cao sâu. Dù đêm tối, dù giông bão, cũng không cản bước để Ngài tiến đến với các môn đệ. Ngài đã đến thật đúng lúc, thật kịp thời. Ngài đến để phá tan giông bão. Ngài đến trả lại sự bình yên cho biển cả và cho cả các tông đồ đang hú hồn bạt vía!

Đoạn Tin Mừng này cũng mời gọi chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu hiện giờ chúng ta không cảm nhận được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng thì chắc chắn đó là vì chúng ta đã lìa xa Chúa. Nếu như lúc này chúng ta đang chao đảo và như muốn chìm xuống đáy nước, thì chắc hẳn đó là vì chúng ta đã không còn tin tưởng, cậy trông và phó thác vào Chúa. Hãy quay trở về cùng Chúa và hãy kêu lên như thánh Phêrô: Lạy Chúa, xin cứu vớt con. Chắc chắn Ngài sẽ ra tay phù trợ, bởi vì Ngài không phải chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, mà hơn thế nữa, Ngài còn là một người cha đầy lòng thương xót, luôn sẵn sàng cứu vớt và nâng đỡ chúng ta ở mọi nơi và trong mọi lúc. Có Chúa cùng đi với chúng ta trên vạn nẻo đường đời, chúng ta sẽ không còn sợ hãi trước những phong ba và bão táp, chúng ta sẽ không còn lo lắng trước những gian nan và thử thách như lời Thánh Vịnh đã viết:

Ví như CHÚA chẳng xây nhà,

thợ nề vất vả cũng là uổng công.

Thành kia mà CHÚA không phòng giữ,

uổng công người trấn thủ canh đêm. (Tv.127:1)

Sau khi Chúa Giêsu lên thuyền, gió bỗng yên lặng. Sự hiện diện của Người đủ sức mang lại yên tĩnh và chế ngự phong ba bão táp. Biển theo nghĩa Kinh Thánh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển chứng tỏ quyền năng và sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự dữ, nguồn gốc của bất an, chia rẽ, đau khổ.

Nhiều người Kitô hữu thờ phượng Thiên Chúa nhưng vẫn còn lo lắng, sợ hãi tà thần ma quỉ, mê tín dị đoan. Hãy tin tưởng rằng: quyền lực của bóng tối không có gì đáng sợ khi Chúa đã hiện diện và hoạt động trong đời sống và công việc làm của chúng ta. Nếu biết lắng nghe, trong giông bão cuộc đời, chúng ta sẽ nhận ra tiếng Chúa “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ”. Nếu chúng ta tin tưởng vào lời Chúa hứa thì sự hiện diện của Chúa sẽ làm bão tố êm dịu và khủng hoảng được giải quyết (Pl 4,13).

Xưa có một ông vua tổ chức một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.

Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.

Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự”

Nơi đâu có Chúa Giêsu, ở đó có bình an. Cuộc đời người Kitô hữu không thể tránh khỏi những phong ba giông bão của cuộc sống. Cần phải đến với Chúa Giêsu. Nếu biết đặt Người ở trung tâm đời mình thì sẽ tìm kiếm được an bình nội tâm, cho dù có gặp biết bao gian truân thử thách.

Chúa Giêsu hiện diện ngay trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta biết đến với Người qua việc lắng nghe, thực thi lời Người, đón nhận Mình Máu Thánh Người và siêng năng cầu nguyện với Người.

Lạy Chúa, đứng trước phong ba bão táp của thần dữ, chúng con cảm thấy lao đao vất vả, xin Chúa luôn giúp sức và nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vững tâm tiến bước trong niềm tin tưởng.

 

65.Hãy tìm gặp Thiên Chúa

(Suy niệm của Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

A. DẪN NHẬP.

Trong cuộc sống ai cũng muốn cho mình có một đời sống an toàn, được bảo đảm, không gặp những thử thách, những trở ngại làm cho mình phải lo sợ. Đấy là ước vọng chung của mọi người. Nhưng trong thực tế, không ai có một cuộc đời tươi đẹp như thế, bao lâu còn ở trên trần thế này. Cuộc đời không thiếu gì chông gai, không thiếu gì những gian nan thử thách làm cho nhiều người có thể vươn lên và có thể làm cho nhiều người bị tụt xuống.

Phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt nước và cứu ông Phêrô cho khỏi bị chìm nói lên quyền năng vô biên của Chúa. Trong cuộc sống bình yên cũng như trong những lúc gặp gian nan thử thách, Thiên Chúa luôn ở bên cạnh con người. Chúa sẵn sàng ban ơn phù trợ và cứu giúp khi chúng ta kêu cầu. Để bảo đảm cho cuộc sống, chúng ta hãy luôn ngước mắt nhìn lên Chúa, đừng nhìn xuống, đừng cậy dựa vào mình hay vào người khác mà chỉ cậy nhờ ơn Chúa phù giúp, kêu cầu Chúa như thánh Phêrô đã làm:”Lạy Thầy, xin cứu con”. Tin tưởng phó thác vào Chúa như vậy con người sẽ có một cuộc sống an toàn.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: 1V 19,9a.11-13.

Thời vua Akháp đang trị vì nước Israel, hoàng hậu Zébabel đem việc thờ phượng thần Baal vào nước, tiên tri Elia phải liều mạng đến kéo đồng bào ông về với Thiên Chúa, giải thoát họ khỏi gông cùm của tà thần, dù một mình phải thách thức với cả ngàn sư sãi thờ thần Baal của hoàng hậu và nhà vua. Dù thắng cuộc và sư sãi thần Baal bị tiêu diệt, ông vẫn phải trốn thoát tay hung tàn của hoàng hậu lùng bắt.

Ông phải chạy trốn lên núi Horeb trong một quãng đường dài mệt mỏi. Nơi đây Thiên Chúa đã hiện ra với ông, không phải trong tiếng sấm sét ầm ĩ của một thiên nhiên giận dữ như khi hiện ra với ông Maisen, nhưng hiện ra với ông một cách êm dịu trong sự tĩnh mịch của miền rừng núi. Elia không nhìn thấy Ngài, nhưng ông biết Ngài đang hiện diện bên cạnh ông qua một làn gió hiu hiu.

+ Bài đọc 2: Rm 9,1-5.

Thánh Phaolô giãi bầy tâm sự với tín hữu Rôma: Ngài rất đau buồn khi thấy đồng bào Do thái của Ngài không tin nhận Đức Kitô. Ngài muốn nói lên tình yêu của Ngài đối với dân Do thái, dân Chúa chọn, mà trong những thế kỷ trước đã được đầy tràn hồng ân của Chúa. Vì tình yêu thắm thiết ấy, thánh Phaolô sẵn sàng chịu cho người ta nguyền rủa, ngay cả việc xa rời Chúa Kitô, nếu mãi mãi sự hy sinh này cứu được dân Do thái

Nhưng dù sao, Ngài cũng hy vọng rằng cuối cùng dân Do thái cũng sẽ tin, bởi vì dù sao họ cũng “được quyền làm con, được cho thấy vinh quang, nhận giao ước, lề luật, phụng tự và lời hứa”.

+ Bài Tin mừng: Mt 14,22-33.

Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng hào hứng, muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Điều đó không phù hợp với sứ mạng Messia của Ngài. Có lẽ Ngài không muốn cho lòng hăng hái lệch lạc này tác động lên các Tông đồ, nên đã vội vã bảo các ông lên thuyền sang bên bờ kia.

Sáng sớm Ngài đã đi trên mặt nước mà đến với các ông. Họ tưởng Ngài là ma nên đã kêu rú lên. Nhưng Chúa Giêsu đã trấn an họ. Ông Phêrô muốn rời thuyền đi trên mặt nước mà đến với Chúa. Được sự đồng ý của Chúa, ông mạnh dạn bước đi, nhưng vì sóng lớn, ông sắp bị chìm, đã kêu lên:”Lạy Thầy, xin cứu con”. Chúa Giêsu đưa tay ra đỡ ông lên thuyền và trách ông thiếu lòng tin. Sau biến cố này, các môn đệ đã thốt lên:”Quả thật, Ngài là Con ThiênChúa”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Có Chúa trong cuộc đời.

I. CUỘC ĐỜI CON NGƯỜI TRÊN TRẦN THẾ.

Trên trần gian này ai cũng muốn được hạnh phúc, còn hạnh phúc đời sau thì tùy ở mỗi người, có đức tin hay không. Sống trên đời, con người ai cũng muốn được an toàn may mắn, gặp những điều tốt đẹp... nên họ chúc nhau: vạn sự như ý. Thế nhưng những trang lịch sử của toàn thế giới, của các dân tộc và của riêng bao con người, đã cho thấy rằng các điều tốt đẹp trên nếu có đạt được thì rất giới hạn và mau qua. Ngay trong đời sống của các thánh hiền hay của những người có đức Kitô hiện diện cũng không có nghĩa là họ thoát khỏi những khó khăn không ngờ xẩy đến.

Tuy nhiên, nếu như xưa Đức Kitô ở bên cạnh các Tông đồ, giúp đỡ các ông thắng vượt những khó khăn trên mặt biển, thì sự hiện diện của Đức Kitô nơi chúng ta sẽ giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận và vượt qua những khó khăn hằng ngày trong cuộc sống như vậy vì “ngày nào có sự khó cho ngày ấy”. Chính trong các hoàn cảnh này, niềm tin của chúng ta mới phát triển và trưởng thành hơn.

Kinh nghiệm cho hay những người có đức tin hay những người chẳng có đức tin đều bị chi phối bởi những luật lệ thiên nhiên mà không ai chống lại được. Không thiếu gì những thiên tai do thiên nhiên đưa đến như bão lụt, động đất, hạn hán, sóng thần... hoặc do con người gây ra như chiến tranh, loạn lạc, hận thù chia rẽ, khủng bố, nghèo đói...

Nữ sĩ Đoàn thị Điểm đã nói lên nhận xét của mình về một xã hội chứa đầy những đau khổ loạn ly trong phần mở đầu cuốn “Chinh phụ ngâm khúc”:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiêu nỗi truân chuyên

Xanh kia thăm thẳm tầng không,

Nào ai gây dựng nên nông nỗi này?

Thi sĩ Nguyễn Du cũng gửi gấm tâm sự của mình trước những cảnh nhiễu nhương của xã hội thời ông, trong cuốn “Đoạn trường tân thanh”:

Trăm năm trong cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Theo nhận xét của Nguyễn Du đời người là một cuộc bể dâu, thay thay đổi đổi không ngừng, không có gì là vững chắc. Trong những thay đổi ấy thi sĩ thấy có biết bao nhiêu cảnh đoạn trường xẩy ra làm cho mình đau đớn. Chính những điều thay đổi ấy không làm cho thi sĩ được yên ủi, nhưng ngược lại làm cho thi sĩ phải buồn sầu đối với “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Thi sĩ Xuân Diệu thì có cái nhìn bi quan về sự thay đổi của sự vật, nghĩa là chỉ nhìn thấy cái mất mà không thấy cái còn:

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt.

Một thi sĩ khác cũng phát biểu như thế:

Hoa nở để mà tàn,

Trăng tròn để mà khuyết,

Mây hợp để mà tan,

Nước đầy để mà vơi.

Có rất nhiều người trên đời đã phải vật lộn với biết bao gian nan thử thách để mà sống. Có người đã vượt qua, có người bị đắm chìm, nên người ta đã gửi kinh nghiệm sống ấy vào câu tục ngữ: Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh: nghĩa là số phận của con người, hoặc cuộc sống long đong gặp nhiều gian truân vất vả.

II. NHỮNG THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI.

1. Trong đời sống vật chất và tinh thần.

Đối với những người yếu đuối tinh thần, những người nhu nhược thì sự gian nan khốn khó làm cho họ nản lòng rủn chí. Trái lại, đối với những người có ý chí vững mạnh, gian nan khốn khó càng là động lực thúc đẩy họ tiến lên.

Ông Baden Powell, ông tổ của Hướng Đạo, đã nói:”Đời sẽ thành vô vị nếu toàn là đường mật , muối sẽ mặn chát nếu ta nhấm một mình nó, nhưng khi bỏ nó vào đồ ăn, nó là một thứ gia vị ngon lành. Khó khăn, trở ngại đều là những hạt muối trong đời”.

Người Đông phương thường truyền lại một câu chuyện mang tính chất ngụ ngôn như thế này: Ngày xưa có chàng nông phu theo truyền thống lâu đời của gia đình, năm nào cũng chăm chỉ cầy bừa đào xới đất ruộng, dù mười hai năm liền trời không mưa.

Ngày nay phần đông chúng ta chỉ cần một năm trời hạn hán là đâm ra chán nản, không muốn tiếp tục cầy ruộng nữa. Chúng ta thường là những người thiếu ý chí, quên lời dạy của cổ nhân:”Ở đời không có con đường nào bước một bước mà đến nơi bao giờ”.

Người ta cho gian nan thử thách là một điều cần thiết để đề cao giá trị con người không biết mỏi mệt, không chịu đầu hàng trước những khó khăn:

Có gió lung mới biết tùng bá cứng,

Có ngọn lửa hừng mới biết thức vàng cao.

(Tục ngữ)

Hoặc một nhận xét rất thực tế của một danh nhân:

“Những cây mạnh nhất, cao nhất, mọc trên những mảnh đất cằn cỗi nhất”.

Bời vì kinh nghiệm của một thi sĩ đã cho biết:

Chiến đấu có gian nan

Khải hoàn mới vinh quang.

(Corneille)

2. Trong đời sống thiêng liêng.

Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về sự chấp nhận và biết thánh hoá những gian nan thử thách trong đời sống hằng ngày. Thánh Phaolô đã diễn tả trong một bài Thánh ca:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Tc Pl 2, 6-8).

Kinh thánh cũng cho biết gian nan thử thách là cần vì nhờ đó mà vàng thau không còn lẫn lộn nữa. Nhờ thử thách vàng ròng sẽ được tinh luyện:”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Vì thế người ta nói:

Vàng vào lửa hoá vàng y

Rác rơm vào lửa biến đi đàng nào.

Thánh vịnh 90 cho biết cuộc đời con người vắn vỏi chỉ như cơn gió thoảng qua, nhưng trong đó có biết bao đau khổ con người phải chịu:

Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục

Mạnh giỏi chăng là được tám mươi

Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ

Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

(Tv 90,10)

Thánh Phaolô đã bị đau khổ dằn vặt vì những khó khăn xẩy ra nơi mình. Ngài đã phải chiến đấu khổ sở. Ngài đã tiết lộ cuộc chiến đấu cam go của ngài cho tín hữu Côrintô:”Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi đã bị như một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi:”Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,7-9).

Truyện: Chỉ bán hạt giống.

Cha Antony de Mello kể lại giấc mơ của Paquita như sau: Nàng rảo quanh các quầy hàng của một trong những cửa tiệm lớn nhất hành tinh. Bỗng nhiên nàng nhận ra Thiên Chúa sau một quầy hàng:

- Lạy Chúa, Ngài bán gì vậy?

- Tất cả những gì mà lòng con mong ước.

- Con muốn mua sự bình an trong tâm hồn, tình yêu, sự khôn ngoan, những liều thuốc chữa trị mọi thứ sợ hãi.

- Tốt lắm, nhưng ở đây không bán trái mà chỉ bán hạt giống thôi.

(André Sève, Sương mai, tr 51-52)

III. THÁI ĐỘ CỦA TA TRƯỚC GIAN NAN THỬ THÁCH.

Ta có thể coi trần gian là một biển rộng mênh mông, con người chỉ là một chiếc thuyền trên mặt biển. Mặt biển có lúc phẳng lặng, con thuyền có thể lướt qua mặt nước một cách an toàn. Nhưng cũng có lúc mặt biển nổi sóng to gió lớn như biển Tibériade mà các Tông đồ đang gặp phải trong bài Tin mừng hôm nay thì con thuyền sẽ chao đảo, phải chèo chống mạnh mẽ. Trong những lúc con thuyền đời ta đang gặp sóng gió trên biển cả, ta phải làm gì? Một mình chèo chống chưa đủ vì sức người yếu đuối, sóng gió lại dữ dội. Ngoài sức chèo chống của mình, chúng ta còn phải kêu cầu Chúa đến giúp đỡ như các Tông đồ đã làm:”Xin cứu con với”!

1. Ta phải tin cậy Chúa.

Trong cơn gian nan thử thách ta hay thất bại, nản lòng vì chỉ tin vào sức mình hay vào người khác. Để vượt qua những khó khăn ấy, Chúa đòi chúng ta phải có lòng tin vào Chúa. Thánh Phêrô đã chứng minh điều đó: khi bước xuống khỏi thuyền đi trên mặt nước đến với Chúa: ông tin. Khi sắp bị chìm, ông sợ hãi kêu cứu: ông mất tin. Khi Chúa kéo ông lên thuyền: ông tin. Tại sao ông Phêrô cũng như chúng ta sợ? Vì thiếu lòng tin. Chúa khuyên:”Đừng sợ”.

Truyện: Đức tin lớn lao.

Có một bà nổi tiếng đạo đức, nhân hậu và luôn bình tĩnh trước mọi thử thách. Một bà khác ở cách xa ít dặm, nghe nói thì tìm đến, hy vọng học được bí quyết để sống bình tâm và hạnh phúc. Bà hỏi:

- Thưa bà, có phải bà có một đức tin lớn lao?

- Ồ không, tôi không phải là người có đức tin lớn lao, mà chỉ là một người có đức tin bé nhỏ đặt vào một Thiên Chúa lớn lao (Trích ở Góp nhặt).

Hai hình ảnh về một lòng tin đã được thánh Matthêu nối kết với nhau, như một đối trọng, nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa ở cùng, luôn là điều cần thiết cho các môn đệ năm xưa. Lòng tin của chúng ta vào Thiên Chúa như một mặt hồ phản chiếu. Có những lúc phẳng lặng trong suốt soi rõ những vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng nhiều khi chỉ một làn gió nhẹ làm gợn sóng, mặt hồ liền xáo động, bao nhiêu vẻ đẹp đều tan biến.

Nhìn lại những thăng trầm của cuộc đời, mỗi khi chúng ta được sống trong bầu khí an vui, được hài lòng với mọi sở nguyện, chúng ta dễ dàng xác tín và cảm nhận mạnh mẽ sự quan phòng của Chúa. Thế nhưng khi gặp phải những gian nan thử thách, những điều bất ưng, những nghịch cảnh – như các môn đệ xưa ở giữa sóng gió - chúng ta dễ dàng hoang mang lo sợ và không nhận ra Ngài. Bởi lẽ chúng ta đã quá lo lắng về cuộc sống và chỉ biết tự lo liệu lấy một mình. Nhưng “Phúc thay ai bước đi không phải nhờ cái nhìn, mà nhờ sự phó thác của niềm tin” (Sh Roger). Quả thật, lòng tin của chúng ta đã nhiều lúc yếu ớt, mong manh – một khi chúng ta không biết tín thác vào Chúa Kitô để có sự bình an, không còn chia sẻ con đường thập giá như một phương tiện để hưởng nhờ vinh quang với Ngài.

(Mai Chi, CG và DT, số Giáng sinh 95, tr 228)

2. Ta phải nỗ lực.

Chúa luôn yêu thương ta, Chúa không bao giờ “đem con bỏ chợ”. Nhưng thương yêu không có nghĩa là lúc nào Ngài cũng âu yếm ôm ta vào lòng, chiều chuộng như một đứa con nít, nhưng Chúa muốn ta phải trưởng thành, phải chịu gian nan thử thách để thành nhân.

Tuy Chúa để ta phải chịu thử thách, Ngài đã đo lường sức chịu đựng của chúng ta, không bao giờ chúng ta phải chịu thử thách quá mức. Chúa chỉ đòi chúng ta cộng tác một nửa hay ít ra một phần, còn bao nhiêu thì để phần cho Chúa, giống như trường hợp các Tông đồ chỉ cung cấp cho Chúa có 5 cái bánh và 2 con cá, nhưng Chúa đã làm cho 5000 người đàn ông ăn no không kể đàn bà con trẻ, lại còn thu được 12 thúng bánh vụn.

Muốn thành công, Chúa đòi chúng ta phải cộng tác, Chúa không chịu làm một mình. Thánh Augustinô đã có kinh nghiệm về chân lý ấy khi viết trong cuốn “Tự thuật”:”Lạy Chúa, khi dựng nên con Chúa không cần có con, nhưng Chúa không thể cứu con nếu con không cộng tác’.

Truyện: Phải kiên trì

Ông Paden Powell kể: Có hai con ếch té nhào vào trong một lu sữa to lớn. Cả hai dẫy dụa và mệt lử. Một con nản lòng và chết đuối. Con kia cũng thất vọng, nhưng mà điều đó càng khiến nó vùng vẫy đến nỗi nó trèo được lên đỉnh một khối bơ, vì nhờ vậy mà nó thoát chết.

3. Ta phải cầu nguyện.

Trong cuộc sống chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, những ngăn trở làm cho chúng ta hoang mang. Chúng ta có thể tham khảo ý kiến của những người khôn ngoan, hiểu biết hơn, nhưng những hiểu biết đó chỉ có hạn ; hơn nữa những khó khăn ấy vượt khả năng của chúng ta, chỉ còn một lối thoát là hãy chạy đến với Chúa, xin Ngài giúp đỡ. Hãy theo gương thánh Phêrô kêu xin Chúa giúp:”Lạy Thầy, xin cứu con”. Hãy nhìn thẳng vào Chúa, đừng rời Chúa. Bao lâu con mắt ta rời Chúa là ta thất bại vì chỉ biết nhìn vào chính mình hoặc vào người khác.

Truyện: Hãy nhìn lên.

Vào lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin đi biển để học làm thủy thủ. Một hôm biển có bão, người ta bảo cậu leo lên trên cột buồm. Leo được nửa phần đầu thì dễ dàng vì cậu cứ đưa mắt gắn chặt vào bầu trời. Nhưng đến lưng chừng cậu lại phạm một sai lầm. Cậu nhìn xuống mặt nước biển trong cơn bão, thế là cậu bị chóng mặt và sắp sửa ngã xuống.

Thấy thế, một thủy thủ già la to lên với cậu:”Này nhóc, ngước nhìn lên lại bầu trời đi! Nhìn lên lại bầu trời đi”. Cậu bé nghe theo lời chỉ dẫn và cuối cùng đã leo lên được an toàn.

Lỗi lầm của cậu bé, giống hệt lỗi lầm của Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay. Cậu ta đã rời mắt khỏi đích nhắm của mình và đã nhìn xuống mặt biển giông tố giống như Phêrô đã rời mắt khỏi Chúa Giêsu và nhìn xuống mặt biển giông tố.

(M. Link, Giảng lễ Chúa nhật, năm A, tr 242)

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta thẳng thắn nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu chúng ta không cảm nghiệm được sự bình an là niềm vui thiêng liêng mà ta đã từng cảm nhận, thì chắc hẳn là vì chúng ta đã rời khỏi mắt Chúa Giêsu. Nếu chúng ta đang sắp bị bão tố cuộc đời nuốt trửng, thì có lẽ là vì chúng ta đã rời mắt đi xa Chúa Giêsu.

 

66.Cam kết cho đến chết.

"Đấng Cứu Thế? -- Ai Cần Đấng Cứu Thế?" chính là tựa đề của một chương trong cuốn "Những Dụ Ngôn của Peanuts”. Chương bao gồm những mảnh hoạt họa mà trong đó Linus và Lucy đang theo dõi một em bé đang bò trên sàn nhà. "Mày nghĩ coi còn bao lâu nữa thì Sally mới biết đi?" Linus hỏi. "Lạy Chúa tôi!" Lucy nói, "vội vàng làm gì? Cứ để nó bò vòng vòng một thời gian nữa! Đừng thúc nó làm gì! Nó còn có nhiều ngày giờ mà." Lucy ngừng để suy tư trong giây lát. Rồi cô nói: "Một khi mà mày đứng dậy, và khởi đầu bước đi, thì mày đã phải cam kết cho đến chết!"

Hành động trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay khởi đầu liền ngay sau khi Chúa Giêsu đã nuôi 5 ngàn ăn no nê qua phép lạ hóa mấy chiếc bánh và mấy con cá ra nhiều. Giờ đây, Chúa Giêsu nói các môn đệ hãy xuống thuyền trước Ngài sang bên kia bờ hồ Galilê. Thế nhưng sóng gió nổi lên trong khi họ vượt hồ. Rồi họ thấy một hình bóng đang đi trên mặt nước. Đấy chính là Chúa Giêsu, đang tiến đến để giúp họ. Các môn đệ thì đang khiếp sợ. Mặc dầu họ mới được chứng kiến "Phép Lạ của Bánh và Cá" của Chúa Giêsu, đức tin chưa hoàn toàn cam kết và ngay cả trí óc nhỏ nhen hẹp hòi sẽ không thừa nhận trình trạng có thể rằng Chúa Giêsu có thể làm được việc này. Đi trên mặt nước? Họ nói: "Ma đấy!" và họ "hoảng hốt la lên." Ngay cả sau khi Chúa Giêsu trấn tĩnh sự sợ hãi của họ, thế mà đức tin của Phêrô vẫn còn quá nhỏ nhen. Chúa Giêsu ra lệnh cho ông đi trên mặt nước. "Ông Phêrô liền từ thuyền bước xuống đi trên mặt nước mà đến với Chúa Giêsu", Matthêu nói với chúng ta. Thế nhưng ngay khi ông cảm thấy sóng gió nổi lên, ông đã run sợ và cảm thấy mình bị chìm xuống. "Thầy ơi, xin hãy cứu con," ông la lên (Mt 14, 30). Ông bị chìm xuống bởi vì ông từ chối tin rằng Chúa Giêsu có quyền tạo dựng các kinh nghiệm ngoại thường này trong cuộc sống của ông. Chúa Giêsu muốn Phêrô thôi "bò quanh" với đức tin của ông. Chúa Giêsu muốn Phêrô đứng dậy trong đức tin, và tập đi. Chúa Giêsu muốn Phêrô hoàn toàn cam kết với Ngài, trong đức tin, cho đến chết!

Có nhiều lúc khi mà nỗ lực của bạn để làm việc đúng, làm tốt bất kể việc gì mà bạn được kêu gọi để thi hành, dù khó khăn và thất vọng như là đi trên mặt nước: cố là người cha hay người mẹ tốt; cố làm cho cha mẹ hiểu mình; cố không giữ lòng thù hằn; cố loại trừ đi những tập tục xấu; cố không uống miếng rượu đầu tiên đấy hay hút điếu thuốc đầu tiên đấy; cố tiếp tục kiêng cữ ăn uống cần thiết; cố chấm dứt sự cô đơn và buồn rầu sau khi mất đi người thân yêu. Đấy giống như cố đi trên mặt nước vậy. Bạn cảm thấy không có gì vững chắc dưới chân cả. Bạn có cảm giác khủng khiếp như bị hút vào hố sâu đen tối.

Phêrô đã cảm nghiệm cảm giác này trong khi ông đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Phêrô đã để chính ông bị chìm vào vực sâu bởi vì ông đã mất lòng tin. Khi mọi sự dường như hợp với ý hướng của ta, và khi gánh nhẹ nhàng, thì Hành Vi Đức Tin chính là lúc dễ dàng nhất. Thế nhưng khi sự thể bắt đầu đi ngược ý ta, khi gánh trở nên nặng nề, và chúng ta cảm thấy tinh thần sa sút, thì Hành Vi Đức Tin đi đến chỗ khó khăn nhất. Các môn đệ đã học biết thực thi những công tác dường như bất khả mà Thiên Chúa trao cho họ để thực hành, dưới ánh sáng Đức Tin. Họ phải học biết rằng họ không bao giờ cô đơn lẻ loi, không bao giờ bị ruồng bỏ, dù tình thế khủng khiếp cảm thấy đến đâu, dù cái chết vì chính Chúa Giêsu đã chết cho ta.

Có những người nói với ta rằng thật vô ý nghĩa khi nói về cái chết của Chúa Giêsu. Có phải sự sống của Ngài mới là quan trọng đấy sao? Nó chả có nghĩa lý gì bao lâu chúng ta nhận thức rằng chính trong sự chết, trong Cuộc Đóng Đinh, tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta được tỏ rõ nhất, mạnh liệt nhất, nồng nhiệt nhất, và trực tiếp nhất. Đấy chính là vì sao Thập Giá trở nên trung tâm cho Đức Tin Kitô Giáo từ ngay lúc khởi đầu. Đấy chính là tột đỉnh của mọi sự mà Chúa Giêsu đã nói và đã làm để mạc khải tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta.

Có một người đàn ông bị lôi cuốn bởi Phúc Âm Chúa Giêsu và ông đã đi Nhà Thờ trong vòng vài tháng nay. Khi ông được hỏi là tại sao ông chưa tiến bước nữa để chịu phép Rửa Tội, ông nói rằng toàn bộ kinh nghiệm đi Nhà Thờ cũng giống như lên tàu lửa và hỏi ông tài xế: "Bao nhiêu tiền?" Và ông tài xế trả lời: "Cuộc sống của ông." "Khi tôi nghe thấy điều đó, tôi cảm thấy run sợ và tôi đã trốn cho đến giờ." Chúa Giêsu kêu mời chúng ta lên xe và tiến vào sứ mệnh mục vụ của người Kitô hữu đã chịu phép Thánh Tẩy.

Trong đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu và Phêrô lên thuyền và gió bão liền ngừng. Chúa Giêsu làm lặng biển cả. Các môn đệ phủ phục trước Ngài, và tuyên xưng, "Thầy là Con Thiên Chúa" (Mt 14, 33).

 

67.Hình ảnh về một Thiên Chúa

home Mục lục Lưu trữ