Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 44
Tổng truy cập: 1363935
RỬNG RƯNG CÓ PHẢI LÀ TỘI ÁC ?
Trong đời sống xã hội hiện nay, con người ngày càng có xu hướng sống khép kín, chỉ biết lo cho bản thân và ít quan tâm đến những người chung quanh. Não trạng ‘sống chết mặc bay’ ngày càng trở nên phổ biến. Cha Thomas Merton, một tu sỹ dòng Trapist, đã viết một cuốn sách tựa đề ‘Không ai là một hòn đảo’ (No man is an island), trong đó Ngài đả kích thái độ sống ích kỷ và hẹp hòi này. Bài Tin mừng hôm nay với dụ ngôn về ‘Người phú hộ và anh Lazarô’ cũng nhắc nhở chúng ta phải biết mở rộng cỏi lòng đến với tha nhân, nhất là những người cùng khổ và bất hạnh đang sống quanh ta. Một triết gia đã nói : “Rửng rưng là một tội ác”. Vậy thái độ khép kín và hẹp hòi mà chúng ta thường mắc phải, có phải là một tội ác hay không? Các bài đọc lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta câu trả lời.
Giàu và nghèo dưới ánh sáng Tin mừng.
Xã hội nào cũng có những người giàu sang phú quý, sống bên cạnh những người cơ cực và nghèo nàn. Sự cách biệt giàu nghèo càng lớn, những tội phạm càng dễ xảy ra. Vào thời Chúa Giêsu, tình trạng xã hội cũng tương tự như thế. Chúa Giêsu đã từng mạnh mẽ tuyên chiến với tiền bạc khi Ngài nói : “Không ai có thể làm tôi hai chủ, hoặc Thiên Chúa hoặc tiền bạc”. Ngài còn xác quyết mạnh mẽ hơn : “Người giàu vào nước trời còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Ngược lại, Chúa đề cao tinh thần nghèo khó như mối phúc đầu tiên. Tin mừng Giáng sinh được loan báo trước tiên cho các mục đồng, là những đứa bé chăn trâu khố rách áo ôm, chắc chắn chẳng có một xu dính túi. Chúa còn khen ngợi người đàn bà góa nghèo chỉ có hai xu để bỏ vào hòm dâng cúng trong đền thờ. Kinh Thánh luôn đề cao những người nghèo của Giavê (anawim), bởi vì họ luôn được Thiên Chúa yêu thương và bênh vực.
Dụ ngôn được đọc lên trong phụng vụ hôm nay cũng nên bật hai hình thái tương phản trong xã hội : Giàu và Nghèo. Người phú hộ thì rất giầu, suốt ngày yến tiệc linh đình, còn Lazarô lại quá nghèo, nghèo đến mức độ thèm những mẩu bánh vụn từ bàn rớt xuống để ăn cho no. Sau khi chết, số phận của họ hoàn toàn đảo ngược lại. Tên nhà giàu thì bị đầy xuống âm phủ, còn Lazarô được đem vào lòng tổ phụ Abraham. Như vậy có phải sự giàu có tự nó đã là một tội, còn sự cùng cực đương nhiên bảo đảm cho phần thưởng nước trời mai sau ? Chắc chắn không phải như thế. Có nhiều người sống bần cùng và rất túng thiếu, nhưng có thể do lười biếng hoặc do khờ khạo không biết cách làm ăn. Đó là cái nghèo về kinh tế chỉ thuần mang chiều kích xã hội, lắm khi là một tai họa chứ không phải là mối phúc như Chúa Giêsu đề cao. Ngược lại có những người rất giàu nhưng đã sống với một trái tim quảng đại. Ông bà Martin Guérin, song thân của Thánh nữ Têrêsa là một ví dụ. Giáo hội đã phong thánh để các Ngài trở nên tấm gương sáng cho chúng ta bắt chước. Thế thì tại sao tên phú hộ sau khi chết lại bị đầy xuống âm phủ, còn Lazarô khốn khổ lại được vui hưởng hạnh phúc trong lòng Abraham ?
Rửng rưng đáng bị kết án.
Gã phú hộ trong câu chuyện Tin mừng hôm nay là một tay giàu sụ, tiền dư của để ê hề. Anh ta có nhiều của cải, có thể đang sở hữu một gia tài kếch xù do cha ông để lại. Hoặc có thể vì anh ta biết cách làm ăn với những đồng tiền chính đáng, không phải do gian manh hay luồn lẹo. Anh ta cũng chẳng ăn trộm ăn cắp của ai, không lừa đảo, mánh mung hoặc tham nhũng. Xét một cách khách quan, anh ta khá liêm chính. Nhưng anh ta bị phạt trong hỏa ngục vì đã sống trong tình trạng tội lỗi rất nặng nề. Tội sờ sờ trước mắt là anh ta nhắm mắt làm ngơ trước sự khốn cùng của cận nhân đang sống ngay cạnh mình. Anh ta chỉ biết sống hưởng thụ cách ích kỷ, ngày ngày chè chén say sưa, ăn uống linh đình và chẳng thèm nghĩ đến ai. Trái tim của anh ta đã hoàn toàn xơ cứng. Anh ta sống khép kín và quá vô cảm. Một triết gia đã nói : “Chỉ có loài vật mới dã tâm ngoảnh mặt lại trước nỗi đau của đồng loại mà chăm chút cho bộ lông mượt mà của nó, còn con người thì không”. Hiểu như thế, tên phú hộ này đã mất hẳn tính người. Anh ta hành xử như một con thú và đương nhiên anh ta rơi vào tình trạng tội lỗi khủng khiếp.
Chúa không bao giờ kết án người giàu, chỉ vì họ có nhiều của cải. Ngài chỉ gay gắt chỉ trích những ai đang sống với một tấm lòng keo kiệt, bám chặt vào của cải vật chất một cách ích kỷ và sống cho riêng mình. Tội của tên phú hộ chính là ở điểm này.
Cũng vậy trong bài đọc 1, ngôn sứ Amos mạnh mẽ cảnh cáo những người giàu có nhưng chỉ biết hưởng thụ. “Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng…Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng…nhưng chẳng thấy đau lòng trước cảnh nhà Giuse sụp đổ. Vì thế chúng sẽ bị lưu đầy (Am 6,4-7).
Chủ nghĩa hưởng thụ dẫn đến tội ác.
Nhiều người vẫn còn nhớ một vụ án xảy ra cách đây khá lâu tại Sài Gòn, làm xôn xao dư luận.Vào một buổi sáng, người ta phát hiện một phụ nữ bị giết chết và xác cô ta bị chặt ra làm nhiều mảnh để phi tang. Chính quyền không khó tìm ra thủ phạm vì chỉ ngay chiều hôm ấy, kẻ sát nhân tên là Nguyễn Trung Nhiên, một kỹ sư trẻ tài năng mới ra trường, đã đến đồn công an tự thú. Bắt đầu đi làm và có nhiều tiền, anh ta dần dần bị tha hóa và biến chất. Anh chàng quen một cô gái và 2 người thuê nhà trọ để sống với nhau như tình nhân. Chỉ một thời gian ngắn, anh ta đâm chán cô nàng. Sau một trận gây gỗ, anh túm lấy cô ta và bóp cổ cho đến chết. Sợ người khác phát hiện, anh ta thản nhiên mổ bụng cô gái, vất hết ruột gan ném vào nhà vệ sinh và chặt xác chết ra làm nhiều khúc. Dư luận xã hội rất kinh hoàng trước sự việc xảy ra. Trong một lần tĩnh tâm linh mục của giáo phận, có một Cha xứ nọ đang phụ trách một giáo xứ khá lớn đã thú nhận với các Cha rằng kẻ giết người chính là giáo dân của Ngài. Trước kia anh ta từng là một giáo lý viên rất tốt lành và hăng say. Anh ta cũng tham gia trong ca đoàn và khá tích cực trong công việc chung. Nhưng từ khi đi làm có tiền, anh ta rơi dần vào tình trạng sa đọa, đi nhà thờ thưa thớt dần và rồi hầu như mất hẳn đức tin. Hệ quả tất yếu, cuối cùng tội ác đã xảy ra. Nguyên do chính cũng vì lối sống hưởng thụ cách ích kỷ.
Kết luận:
Lời Chúa hôm nay giúp lay động lương tâm mỗi người. Câu chuyện về người phú hộ giàu có và Lazarô nghèo khổ vẫn còn mang tính thời sự để chúng ta suy nghĩ và nhìn vào cuộc sống của mình. Ông phú hộ đã nói với Abraham : “Xin tổ phụ sai anh Lazarô đến nhà cha con, vì con hiện còn 5 anh em nữa. Xin đến cảnh cáo họ, kẻo họ cũng sa vào cực hình như con.” Năm anh em đó có thể là bạn, là tôi, là những người còn đang sống hôm nay. Abraham đáp : “Moise và các ngôn sứ mà họ không chịu nghe, thì người chết sống lại họ cũng chẳng tin”. Moisê và các ngôn sứ là hình tượng gợi lên sự nhắc nhở mà Chúa Giêsu gửi đến chúng ta qua nhiều dạng thức, đặc biệt qua sứ điệp lời Chúa hôm nay.
3. Trở lại và thay đổi nếp sống _ Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm
Bài sách Amos trong Chúa Nhật trước đã nói đến những con người buôn bán muốn làm giàu bằng cách bóc lột người nghèo. Hôm nay nhà tiên tri nói đến hạng người đã khá giả và đang có thế lực, mà người phú hộ trong bài Tin Mừng Luca là một tiêu biểu. Giáo huấn của Chúa dạy chúng ta không nên bắt chước những người này, nhưng hãy nghĩ đến tương lai dành cho những người như Lazarô, để chúng ta theo. Lời thư gửi cho Timôthê mà biết đặt tầm quan trọng vào công việc nào ở trần gian này? Vậy chúng ta hãy quan sát nếp sống của những con người đầy đủ ở trong xã hội, định mệnh dành cho họ, và cách thức chúng ta phải sống để được tương lai khác họ.
1/ Nếp sống của những con người đầy đủ
Một lần nữa chúng ta lại nghe tiếng nói của tiên tri Amos. Ông là dân quê ở miền Nam nước Do Thái, được Chúa chọn đi tuyên sấm ở miền Bắc. Từ một nếp sống bình dị nơi thôn dã, ông đã thấy mình đứng trước một xã hội buôn bán tấp nập. Không phải ông không muốn thích nghi với đời sống mới, nhưng con mắt của người được Chúa chọn nhận ra ngay những nguy hiểm của nếp sống chạy theo tiền bạc. Người ta cạnh tranh lừa đảo, bóc lột nhau để mà làm giàu. Nhưng để làm gì?
Bài sách hôm nay mô tả nếp sống của hạng người đầy đủ trong xã hội. Nói đúng hơn, đây là giai cấp chiếm ưu thế và được biệt đãi. Họ ung dung cậy dựa vào các thành phần kiên cố ở bờ cõi. Tức là họ đang tin vào trật tự an ninh của xứ sở. Pháp luật và quân đội đang bảo vệ họ, vì họ đang là giai cấp thống trị. Người dân phải đến với họ và họ xét xử mọi công việc.
Bề ngoài, người ta thấy họ như vậy, nhưng bên trong họ đang sống thế nào? Amos viết: "Họ đang nằm trên giường ngà, thõng thượt trên các sập gụ". Ðây không phải là hình ảnh quen thuộc nơi dân Do Thái. Nếp sống này rõ ràng lai căng. Nó bắt chước Hy Lạp, dân ngoại. Nó chứng tỏ lớp người đứng đầu dân đã mất tinh thần dân tộc. Và đối với Amos, như vậy là mất tất cả tinh thần đạo đức. Israen không có tôn giáo riêng ư? Và tôn giáo này có cả một luật pháp với nhiều điều khoản quy định nếp sống xã hội. Bỏ nếp sống này để du nhập phong tục ngoại lai, há chẳng phải là đã bỏ niềm tin vào Thiên Chúa và đạo của Người rồi sao? Không phải bọn họ đã theo đạo nào khác, đạo mới của họ chỉ là nếp sống ươn ái trong chè chén nhậu nhẹt. Chính vì vậy mà Amos dùng những từ ngữ có màu sắc tôn giáo để tiếp tục mô tả nếp sống của họ.
Ông viết: họ ăn chiên cừu cùng bê nhốt chuồng, họ nghêu ngao họa theo tiếng đàn, tự bày nhạc khí theo Ðavít, họ uống rượu cả tô và xức dầu thượng hạng.
Chiên, cừu, bê là những vật thường được dùng để dâng lễ; nay nằm trên bàn ăn của hạng giàu có. Và để phòng ăn của họ trở nên như đền thờ, họ nghêu ngao dạo nhạc như Ðavít. Họ dùng rượu và xức dầu thượng hạng như các tư tế vào dịp lễ lớn. Ít nhất họ cũng đã mang các thứ quen dùng trong đền thờ ra mà ăn uống. Ðạo của họ bây giờ nằm trong những thứ này. Và vì thế Amos muốn dùng những từ ngữ vừa diễn tả nếp sống thực tế của họ, vừa đồng thời khẳng định tôn giáo của họ bây giờ là thế đó. Với những con người đã đầy đủ, Chúa của họ bây giờ là "cái bụng" cũng như đối với những kẻ đang làm giàu: tiền mới là chúa tể. Và đối với cả hai hạng người, nhân dân, đồng bào không còn là gì nữa. Sống chết mặc bay; Giuse có tang thương, Ephraim có đau ốm, cũng chẳng thèm biết. Tương lai dân tộc có làm sao, họ cũng chẳng để ý.
Nhưng họ dại và ngốc. Ðó là những tĩnh từ quen thuộc dùng trong Kinh Thánh để nói về họ, định mệnh sẽ đến chộp lấy họ đang lúc bất ngờ nhất. Và ở đây Amos nói: họ sẽ là những người bị bắt đi lưu đày đầu tiên; họ sẽ cầm đầu đoàn người bị phát lưu, vì khi các thành trì bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị sụp đổ, bọn này sẽ là những nạn nhân đầu tiên và khốn nạn nhất.
Amos nói như vậy thì chưa đưa sang bình diện tôn giáo. Ông đã có quan niệm tôn giáo để quan sát và phân tích nếp sống trụy lạc của giai cấp có của và thống trị. Nhưng khi nói về định mệnh, tương lai của hạng người này, ông vẫn chỉ chờ một cuộc đổi thay xã hội và những hình phạt trần gian. Chúng ta sẽ không thấy như vậy trong bài Tin Mừng là mạc khải sẽ đầy đủ hơn.
2/ Ðịnh mệnh của những người giàu có
Chúng ta ai cũng thuộc nằm lòng câu chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày. Nhưng chưa chắc chúng ta đã hiểu như nhau và nhất là biết hiểu đúng ý của tác giả Luca.
Thánh Luca kể rằng có một người phú hộ ăn mặc gấm tía và lụa mịn, ngày ngày yến tiệc linh đình. Nếp sống của ông ta làm cho chúng ta nhớ lại bài sách của Amos. Và quả thật, ông ta chỉ biết ăn uống, chứ đâu có để mắt tới đồng bào, đồng loại gì... Có người ăn mày tên là Lazarô, nằm ở cổng nhà ông chỉ mong được miếng thừa nào trên bàn của ông liệng xuống mà vẫn không được. Cũng là hai con người, nhưng là hai thân phận. Tác giả Luca không cần mô tả thêm con người giàu có. Ðã có Amos kể thay rồi. Ngòi bút của Luca chú ý hơn để vẽ hình ảnh người ăn mày.
Ðây là lần duy nhất trong tác phẩm, Luca đã đặt cho nhân vật trong bài dụ ngôn một tên. Thế nên chúng ta đừng nghĩ đây là một tên thật, và muốn đồng hóa với Lazarô em của Mátta và Maria. Hai chị em này đâu có nghèo đến nỗi bắt em phải đi ăn xin; Lazarô trong tác phẩm của Gioan (chương 1) không lở lói, hôi thối đến nỗi người ta phải khiêng vứt ở cổng nhà người phú hộ. Ðàng khác, dụ ngôn không phải là những câu chuyện có thật, mà chỉ là những câu chuyện có khả năng xảy ra để giúp chúng ta có một bài học đạo đức.
Nhưng tại sao tác giả Luca lại muốn gọi tên người ăn mày là Lazarô? Ðể chúng ta liên tưởng đến người em trai của hai chị em Mátta và Maria được Chúa thương cho sống lại? Và như vậy Luca muốn báo trước số phận tốt đẹp chung cuộc của người ăn xin. Và khi mô tả Lazarô lở lói, bị vứt ở cổng nhà người phú hộ, có lẽ tác giả muốn lấy lại hình ảnh ông Yob và xác định đây là con người nghèo khó công chính, bị bạc đãi ở đời này nhưng chỉ là tạm thời, vì chung cuộc tương lai sẽ rất tốt. Hơn nữa, trong tiếng Do Thái, từ ngữ Lazarô có nghĩa là "Thiên Chúa cứu giúp". Tác giả Luca muốn nói rằng: những con người nghèo khó là những kẻ đang cần được và sẽ được Thiên Chúa cứu giúp; họ là thành phần được Người quan tâm, chiếu cố và yêu mến. Và Người sẽ bắt tất cả mọi sự phục vụ những con người này, nên ở đây ngay bầy chó hoang, thường chỉ đi xâu xé, thế mà đối với Lazarô chúng cũng dễ thương lạ lùng, đến liếm các ung nhọt cho ông. Và điều này càng nói lên ác tâm bất nhẫn của người phú hộ hơn nữa.
Như vậy, việc giới thiệu hai nhân vật đã xong. Tác giả Luca nói đến câu chuyện xảy ra. Lazarô chết và được các Thiên Thần đưa lên dự tiệc ngay nơi lòng Abraham; còn người nhà giàu cũng chết và được tống táng. Chỉ hai câu nói thôi, nhưng đầy ý nghĩa. Người Do Thái quan niệm rằng các người công chính sau khi chết, sẽ được các thiên thần đưa lên trời dự tiệc, giữa cộng đoàn dân Chúa có tổ phụ Abraham chủ tọa. Và ai cũng được yêu, càng được ngồi gần vị tổ phụ. Kiểu nói "ngồi trong lòng Abraham" chỉ muốn diễn tả chỗ ngồi đặc biệt và tình âu yếm ấy. Số phận của Lazarô đã đổi thay hoàn toàn. Không do một biến động chính trị như Amos đã gợi đến trong bài sách hôm nay. Cũng không như tác giả sách Yob đã nói rằng ông này được lại hết mọi sự ở đời này và được gấp trăm, gấp nghìn. Ở đây việc đổi thay số phận xảy ra ở bên kia thế giới, sau khi con người đã chết. Ðó là bình diện Nước Trời chứ không còn phải trong phạm vi trần gian.
Chúng ta hãy đọc tiếp để thấy quan niệm của tác giả Luca về đời sau và định mệnh chung cuộc của hai nhân vật trong bài dụ ngôn. Vậy, Lazarô được đưa lên trời, còn người phú hộ thì được đem đi tống táng. Một người ở trên và một người ở dưới. Kẻ ở dưới ngước mắt lên thấy hạnh phúc người ở trên. Thấy mình đang nóng nảy trong lửa, còn Lazarô thì đang an thái nơi lòng của Abraham; kẻ khổ sở tự nhiên phải buột miệng kêu lên. Xin Cha Abraham nói với Lazarô nhỏ xuống cho một chút nước để đỡ khổ. Nhưng y đã không hiểu gì. Và Abraham phải cắt nghĩa: bây giờ sự đổi thay đã dứt khoát và hố sâu ngăn cách giữa hai thế giới hạnh phúc và khổ sở không thể bắc cầu được nữa. Kẻ xưa khổ thì nay sướng và kẻ xưa sướng thì nay khổ. Chứ không như ngày xưa khi ở trên mặt đất kẻ sướng có thể đến với kẻ khổ mà chia sẻ... Nhưng vì đã không muốn làm việc ấy, nên giờ đây y đừng hy vọng bắt được nhịp cầu hiệp thông...
Câu chuyện dĩ nhiên có thể chấm dứt ở chỗ này. Và đã có nhiều bài học cho chúng ta. Ngoài những quan niệm về đời sau như: định mệnh của người lành kẻ dữ đã khác nhau ngay từ sau khi chết và trước ngày phán xét chung; định mệnh ấy đã dứt khoát không thay đổi được nữa vì đã hết thời có thể lập công phúc; ở đây khi mô tả sự thay đổi số phận của hai người trong khi sống và sau khi chết, tác giả Luca có ý diễn tả một giáo huấn thông thường của Ðức Giêsu, đó là việc Nước Trời được dành cho những kẻ nghèo khó; vì Thiên Chúa sẽ cứu giúp họ và kẻ tự mãn ở đời này sẽ ra đi tay không về đời sau.
Nhưng tác giả Luca đã không dừng lại ở những điểm này. Người muốn kêu gọi người ta "trở lại". Ðặc biệt ở đây, Người muốn nói với những người Do Thái có Abraham là tổ phụ. Họ phải thay đổi đường lối để không bị loại ra khỏi Nước Trời sau này. Tác giả Luca biết rõ họ rất cứng lòng. Trước đây khi Ðức Giêsu còn đang giảng đạo họ đòi phải thấy phép lạ điềm thiêng. Người bảo họ sẽ chẳng được xem dấu lạ nào, ngoài dấu hiệu của tiên tri Giona, tức là ngoài sự kiện chính Người sẽ sống lại ngày thứ ba sau khi chịu chết. Nay việc đó đã xảy ra rồi; thế mà Luca vẫn thấy họ cứng lòng. Nên hôm nay, tác giả đau đớn dùng miệng Abraham mà nói: dẫu cho có ai sống lại từ cõi chết, chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu! Và đối với người Do Thái, chỉ còn lại hy vọng là họ hãy nghe Môsê và các tiên tri. Ấy là chưa kể chính mầu nhiệm Ðức Giêsu chịu chết và phục sinh, muốn hiểu được cũng phải tựa vào lời sách thánh kể từ Môsê cho tới các tiên tri, như chính Chúa sống lại đã làm như thế để giúp đỡ các đức tin của các tông đồ.
Như vậy bài Tin Mừng Luca hôm nay có những ý tưởng mà thoạt nghe chúng ta đã chưa nhận ra. Người đã không thuật lại câu chuyện Ðức Giêsu đã kể, một cách đơn giản đâu. Vẫn biết khi kể chuyện người phú hộ và Lazarô ăn mày, Chúa đã có ý kêu gọi thính giả của Người là người Do Thái, phải trở lại. Chúa cũng đã muốn thúc giục họ tin vào Môsê và các tiên tri vì các ông này vẫn làm chứng về Người. Nhưng chắc chắn khi Chúa nói: dẫu có ai sống lại từ cõi chết chúng cũng chẳng ngã lẽ đâu, người nghe lúc bấy giờ chưa hiểu một cách thấm thía như tác giả Luca sẽ hiểu sau này và như chúng ta vừa trình bày ở trên.
Dù sao ý tưởng chính của tác giả vẫn là muốn kêu gọi người ta trở lại và thay đổi nếp sống chỉ biết có cái bụng của mình mà không nghĩ đến ai. Thực ra đó cũng là ý của Amos khi ông dùng hình phạt lưu đày để đe dọa những kẻ sống đầy đủ mà ích kỷ. Chỉ có điều ông chưa nghĩ đến đời sau và bình diện Nước Trời một cách sâu sắc như tác giả Luca. Nhưng có như vậy Tân Ước mới hoàn tất Cựu Ước!... Tuy nhiên Tân Ước nơi các sách Tin Mừng, tức là giáo huấn đầy đủ của Chúa Giêsu cũng còn cần phải được triển khai. Và hôm nay tác giả thư Timôthê giúp chúng ta thi hành giáo huấn của Chúa.
3/ Nếp sống và định mệnh của chúng ta
Tác giả đi từ chỗ nhất trí với Amos và Luca, tức là người của Thiên Chúa thì phải lánh xa nếp sống của những kẻ tham lam tiền của và giàu có dư dật (xem 6,7-11a). Thay vào đó hãy theo đuổi công chính và đạo đức. Và cho được như vậy phải sống ba nhân đức: tin, cậy, mến. Riêng Timôthê, tuổi còn trẻ và đang đứng đầu giáo đoàn, hãy bắt chước lòng từ tâm của Chúa Giêsu và đó là tư cách Phúc Âm của những người giữ trọng trách trong Hội Thánh.
Nếp sống đạo đức như vậy chính là nếp sống đức tin, một nếp sống đòi phải phấn đấu rất nhiều. Nhưng có nhiều lý do có thể trở thành động lực thúc đẩy người của Thiên Chúa trong cuộc chiến chính nghĩa này. Nào là sự sống đời đời đang chờ họ ở trên bình diện Nước Trời; nào là lời hứa đáp trả tiếng Chúa gọi mà họ đã tuyên xưng trước mặt Chúa và ở giữa cộng đồng các thánh. Nhưng nhất là gương sáng của Ðức Giêsu Kitô đã tuyên chứng trước mặt Philatô. Chính Người sẽ lại xuất hiện trong ngày sau hết để làm sáng tỏ giá trị của hết mọi người.
Những lý lẽ này là những đề tài để suy niệm không cùng. Nhưng tất cả đều qui về Ðức Giêsu Kitô. Tác giả bài thư Timôthê bảo chúng ta cứ chiêm ngưỡng Người thì thấy phải đổi mới đời sống như thế nào...
Chúng ta sắp thể hiện mầu nhiệm của Người trên bàn thờ. Ðặc biệt chúng ta sẽ nhờ đến cuộc tuyên chứng của Người trước mặt Philatô, tức là cuộc tử nạn vinh hiển của Người. Người đã can đảm quảng đại "vượt qua" như thế nào để chúng ta bắt chước mà từ bỏ đời sống cũ và mặc lấy tinh thần mới. Nếu trước đây chúng ta còn ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình ở đời này, thì từ nay chúng ta cố gắng hơn vừa vươn lên bình diện Nước Trời và hướng về đời sau, vừa phải quảng đại và bác ái nghĩ đến tha nhân và xã hội. Ðó là những mặt không thể thiếu trong nếp sống mới và các bài Kinh Thánh hôm nay muốn chúng ta đem thực hành nhờ ơn Chúa.
4. Liên đới – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Toàn cầu hóa đã giúp nhân loại phát triển tình liên đới. Nhân loại trở nên một cộng đồng sinh mệnh. Sự an nguy không còn của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Cứu người chính là cứu mình. Vì một thảm họa nếu không sớm được ngăn chặn, sẽ mau chóng lan tràn khắp thế giới. Liên đới đang trở thành đức tính không thể thiếu được trong đời sống hiện tại. Nó không chỉ là một việc làm thiện nguyện mà còn là một nhiệm vụ cấp bách của mọi công dân trên hành tinh. Biết sống liên đới, nhân loại đang đi vào con đường Phúc Âm.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến tình liên đới. Phải liên đới vì mọi người đều là anh em với nhau. Phải liên đới vì đó là điều kiện vào Nước Trời.
Bài Phúc Âm hôm nay cho ta thấy điều đó. Có lẽ khi đọc bài dụ ngôn này, có nhiều người bất mãn tự hỏi: "Ông nhà giàu đâu có tội gì mà phải xuống hỏa ngục. Ông không gian tham, trộm cắp, bóc lột. Tiền của do công sức mồ hôi nước mắt ông làm ra, ông có quyền ăn xài chứ? Giàu có đâu phải là tội?".
Vâng, giàu có đâu phải là một tội. Tuần trước Chúa Giêsu đã cho ta thấy giá trị tích cực của tiền bạc khi dạy ta hãy dùng tiền của mua lấy bạn hữu để họ đưa ta vào cuộc sống vĩnh cửu. Tiền bạc, nếu biết sử dụng, sẽ có giá trị tích cực. Nhưng nếu không biết sử dụng, sẽ trở thành nguy cơ.
Nguy cơ thứ nhất là: tiền bạc có thể mê hoặc tâm hồn.
Khi đó tiền bạc sẽ trở thành sợi dây trói buộc. Tâm hồn mê tiền bạc giống như con chim bị cột, không cất cánh bay cao, bay xa được. Đó là trường hợp chàng thanh niên đạo đức trong Phúc Âm. Anh đến hỏi Chúa Giêsu làm thế nào để được sống đời đời. Anh muốn vươn lên, muốn tiến bộ trên đường đức hạnh. Nhưng tiền bạc đã ngăn cản bước tiến của anh. Chúa Giêsu cất tiếng gọi anh. Nhưng tiền bạc đã trói buộc bước chân. Và anh bỏ cuộc quay về. Đành cam chịu với nếp sống tầm thường xưa cũ.
Nguy cơ thứ hai là: tiền bạc dễ làm cho trái tim thành xơ cứng, chai đá.
Người có nhiều tiền bạc dễ rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Phúc Âm hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời giờ nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người ta vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư ăn cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành ích kỷ, thiếu tình liên đới.
Nguy cơ lớn nhất mà tiền bạc có thể dẫn tới: đó là làm cho ta mất hạnh phúc đời đời.
Hạnh phúc trên Nước Trời là một cuộc sống hiệp thông trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Chúa Ba Ngôi là một tình yêu dâng hiến trọn vẹn. Cho đi tất cả để nhận lãnh được tất cả. Những người ích kỷ không biết cho đi, không biết chia sẻ, không thể tham dự vào sự sống hiệp thông này. Vì thế, người ích kỷ là người tự chọn con đường xuống hỏa ngục. Kẻ khép cửa lòng trước nỗi khốn cùng của tha nhân, là người tự đào huyệt chôn mình. Người sống thiếu tình liên đới là người tự trục xuất mình ra khỏi Nước Trời.
Bây giờ thì chúng ta hiểu tại sao ông nhà giàu lại bị đày đọa trong hỏa ngục. Ông nhà giàu không có tội gì. Ông chỉ có tội thiếu sót: thiếu sót tình liên đới, thiếu sót sự chia sẻ. Trước đây ông đóng kín cửa để tự ngăn mình với Ladarô. Nay cánh cửa đó biến thành vực sâu thăm thẳm chia cắt hai người. Trước kia ông chỉ cần xoay nắm mở cửa là gặp được Ladarô. Nay ông không tài nào vượt qua được vực thẳm ngăn cách. Trước kia ông nghĩ sẽ không bao giờ cần tới Ladarô. Nay ông biết mình cần Ladarô cho mình một giọt nước thì đã trễ. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian, khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.
Qua dụ ngôn này, Chúa muốn dạy ta biết: Ta sống trong cuộc đời không đơn lẻ, nhưng sống với người khác. Người ta không phải là những đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Trái lại vận mệnh chúng ta đan xen vào nhau. Vì thế trách nhiệm liên đới là không thể thiếu được. Do đó cần phải quan tâm đến những người chung quanh mình. Sự quan tâm này không phải tự nhiên có được, nhưng phải tập luyện hằng ngày. Phải rèn luyện một trái tim nhạy bén biết cảm thương những cảnh ngộ bất hạnh. Phải rèn luyện một trái tim quảng đại sẵn sàng chia sẻ với những anh em thiếu thốn.
Lạy Chúa, xin mở mắt con để con nhìn thấy Chúa trong những anh em sống chung quanh con. Xin mở tai con để con nghe được tiếng họ đang than van đau khổ. Xin mở trái tim con để con biết chia sẻ với mọi người những niềm vui, nỗi buồn của họ. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Tôi có quan tâm đến những người sống chung quanh tôi, đặc biệt những người nghèo khổ không?
2) Đời sống tôi cần đến người khác cả về phương diện tự nhiên lẫn phương diện siêu nhiên. Tôi có ý thức điều đó không?
3) Một đời sống quá đầy đủ có thể là nguy cơ cho đời sống thiêng liêng. Tôi làm cách nào để tránh rơi vào nguy cơ này?
4) Tại sao ông nhà giàu phải vào hỏa ngục?
5. Tình thương phải bắt đầu từ đâu ? _ Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Bài đọc 1 Chúa Nhật tuần này tiếp nối lời ngôn sứ Amos công kích người giàu có mà sống vô cảm, dửng dưng, không có tình thương. Với lối nói cay độc chua chát, Amos đã tiên báo những sự trừng phạt khủng khiếp dành cho những kẻ giàu có đang hưởng thụ xa hoa mà không biết xót thương người khốn khổ. Của cải vật chất đã trở thành bức tường khép kín, người giàu có sống an toàn mãn nguyện trong không gian riêng mình. Chính họ đã tạo ra khoảng cách vực thẳm. Họ không cần Thiên Chúa cũng chẳng cần biết đến tha nhân, khoảng cách đó lớn dần và kéo dài đến đời sau.
Vực thẳm ngăn cách con người ở đời sau là do con người đã tạo ra ở đời này. Sau khi chết, không còn có thể thay đổi được số phận. Địa ngục là do con người tự tạo ra từ đời này.
1/ Khoảng trống không thể kết nối
Tác giả Ron Rolheiser viết: Chúa Giêsu dạy rằng có địa ngục và ai cũng có khả năng sa vào đó. Nhưng địa ngục mà Chúa Giêsu nói không phải là một nơi chốn hay tình trạng, lúc người ta nài xin một cơ hội cuối cùng, chỉ xin thêm một phút trong đời để làm một hành động ăn năn hối hận, nhưng Thiên Chúa lại khước từ. Thiên Chúa hiện thể và mặc khải trong Chúa Giêsu, là Thiên Chúa luôn mãi mở ra cho sự ăn năn, luôn mãi chờ đợi chúng ta trở về từ những nẻo đường hoang đàng.
Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ hết cơ hội. Bạn có thể hình dung Thiên Chúa nhìn một con người ăn năn, mà nói rằng: ‘Xin lỗi! Với con, đã quá muộn rồi! Con đã có cơ hội! Đừng xin thêm nữa!’ Chúa Cha không như thế.
Nhưng các Phúc âm lại có thể khiến chúng ta có ấn tượng như thế. Ví dụ như, dụ ngôn về người giàu làm ngơ người nghèo trước cửa nhà mình, rồi ông chết và vào hỏa ngục, còn người nghèo Lazarô giờ ở trên thiên đàng trong lòng của Abraham. Giày vò trong địa ngục, người giàu xin Abraham sai Lazarô cho ông ít nước, nhưng Abraham trả lời rằng có một khoảng trống không thế kết nối giữa thiên đàng và địa ngục, và không ai từ bên này qua bên kia được. Đoạn này cùng với lời cảnh báo của Chúa Giêsu trong dụ ngôn tiệc cưới, là một sự chấm dứt bất di bất dịch, khiến dẫn đến một hiểu lầm chung rằng, có một điểm một đi không trở về, một khi vào địa ngục là quá trễ để ăn năn.
Nhưng đó không phải là lời dạy trong những đoạn văn này cũng như trong những lời Chúa Giêsu cảnh báo phải ăn năn sám hối. Khoảng trống không thể kết nối mà dụ ngôn người giàu và Ladarô, là môt khoảng trống không bao giờ kết nối trong đời này giữa người giàu và người nghèo. Và nó vẫn còn không thể kết nối, là bởi sự ngoan cố, không biết động lòng, thiếu ăn năn, chứ không phải bởi Thiên Chúa hết kiên nhẫn mà nói rằng: ‘Đủ rồi! Không còn cơ hội nào nữa!’ Nó vẫn không thể kết nối là bởi, chúng ta theo lề thói mà bám chặt vào những đường lối không thể thay đổi tâm hồn và có sự ăn năn thật.
Dụ ngôn người giàu và Ladarô thực sự rút ra từ một câu chuyện Do Thái cổ hơn nữa, minh họa sự ngoan cố này: Trong dụ ngôn Do Thái, Thiên Chúa nghe lời kêu xin của người giàu từ địa ngục xin một cơ hội thứ hai, rồi ban cho ông toại nguyện. Người giàu, giờ có những giải pháp mới, trở lại cuộc đời, và đi thẳng đến chợ, mua thức ăn chất đầy xe. Trên đường về nhà, ông gặp Ladarô. Ladarô xin người giàu một ổ bánh. Người giàu nhảy khỏi xe và đưa cho Lazarô một ổ, nhưng bởi đó là một ổ bánh lớn, nên cái tôi cũ của ông bắt đầu phản ứng. Ông bắt đầu suy nghĩ. ‘Người này không cần cả ổ bánh lớn! Tại sao không đưa cho nó một phần thôi! Và tại sao lại đưa bánh mỳ mới, ta có thể cho nó bánh mỳ khô mà!’ Ngay lập tức, người giàu thấy mình rơi xuống hỏa ngục. Ông ta không thể kết nối qua được khoảng trống đó. (J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ “Our Fear of Hell”).
Dụ ngôn phú hộ và Ladarô cho thấy có một khoảng trống không thể kết nối ở đời này và đời sau.
Sống ở đời này, phú hộ dư ăn dư mặc, Ladarô nghèo nàn đói lả. Người phú hộ mặc toàn lụa là gấm vóc, Ladarô rách nát tả tơi. Phú hộ nhà cao cửa rộng, Ladarô lê lết bên cổng ăn xin. Phú hộ ngày ngày yến tiệc linh đình, Ladarô không có một chút bánh để ăn. Người sống chốn thiên đàng dương thế, kẻ chịu cảnh hoả ngục trần gian.
Cái chết đến và tất cả đều đảo ngược. Đời sau, Ladarô được đưa lên mây trời, phú hộ bị đày xuống vực thẳm. Ladarô được hưởng phúc thiên đàng, phú hộ phải trầm luân hoả ngục. Có một khoảng cách nghìn trùng giữa hai người mà bên này muốn qua bên kia không được và bên kia muốn qua bên này cũng không thể. Ladarô hạnh phúc trong cung lòng tổ phụ Abraham. Phú hộ chịu cực hình nài xin với Abraham “sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát vì ở đây bị lửa thiêu đốt”. Khi chết, Ladarô đã tìm được những người bạn hữu : các thiên thần, Abraham tổ phụ, những người có đức tin. Ngược lại, phú hộ chẳng có bạn bè, chẳng có trạng sư biện hộ cho hoàn cảnh của ông ta : hỏa ngục, chính là nỗi cô đơn. Nhất là ông vĩnh viễn xa lìa Thiên Chúa, vì đã sống xa cách anh em. Ðây là một cực hình khủng khiếp nhất.
2/ Tình thương phải là căn tính.
Xét cho cùng, ông phú hộ bị trầm luân địa ngục vì tội vô tâm, hững hờ, sống dửng dưng trước nỗi cùng khốn của tha nhân. Ông không có tình thương.
Vì Tình thương là căn tính của con người, nên thiếu Tình thương là sự nghèo khó thảm hại và nguy hiểm nhất. Nó tác động đến bản chất, nó làm cho con người ra thoái hóa, bần tiện và vong thân. Nó hủy diệt con người từ tâm hồn đến dung mạo, nó hạ thấp con người. Thánh Phaolô viết: "Giả như tôi được nói tiên tri, được thông hiểu mọi điều bí nhiệm và mọi lẽ cao siêu nhưng không có lòng mến, thì tôi chẳng là gì" (1Cr 13, 2). Ðó là tình cảnh của những người độc ác, những kẻ giết người, những tên tội phạm chiến tranh, những người nặng óc kỳ thị, thù oán, vu khống, ích kỷ, vụ lợi, tham ô, làm giàu trên xương máu của người khác. Sự nghèo thiếu căn tính này càng gia tăng khi nó xuất phát từ những bè phái, những băng đảng, những nhóm lợi ích, những tập đoàn chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của phe nhóm mình mà chà đạp trên nhân phẩm, nhân quyền, sự sống và hạnh phúc của người khác hay của những dân tộc khác.
Ðối diện với những người hay những tập đoàn giàu có đầy quyền lực và quyền bính nhưng thiếu tình thương này là hàng triệu và có khi cả tỷ người cùng khốn, cô đơn, tàn tật, bệnh hoạn, bị bỏ rơi, bị xã hội khai trừ. Họ đang khao khát tình yêu, lòng thương xót, sự chia sẻ, sự cảm thông như người hành khất Ladarô không được chiếu cố, yêu thương và nâng đỡ.
Bài đọc một và bài Tin mừng đều mở một cuộc xét xử những người giàu có. Tội của những người giàu là sống trong dư dật mà không biết nghĩ đến những người túng quẫn. Sự giàu sang thừa thãi làm cho người ta không còn nhạy cảm với những đau khổ của những con người sống bên cạnh họ, làm cho người ta thành đui mù điếc lác trước nhu cầu của người khác
Cả hai hạng người thiếu tình thương nói trên đều đáng thương. Thế giới hôm nay, giàu về vật chất, nhưng lại nghèo nàn về tình thương. Có những nước không ngần ngại bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua sắm vũ khí. Có những chính phủ đốt hằng ngàn tỷ đồng để xây “tượng đài nghìn tỷ”, xây cất cơ quan dinh thự xa hoa, trong khi người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học sinh đi học phải đu dây qua sông, người nghèo chết phải bó xác chở về nhà bằng xe honda...Chỉ mới hai ông Danh và Thanh thôi mà đã gây thất thoát cả 10 ngàn tỷ đồng (Ngày 9-9-2016, Tòa án nhân dân TPHCM đã kết án ông Phạm Công Danh 30 năm tù vì làm thất thoát của nhà nước 9.000 tỷ đồng. Tối 16-9, Bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC với tội danh "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Ðó là chưa nói đến sự chênh lệch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người được ưu đãi nhờ thời thế, thân thế 5 c (con cháu các cụ cả) và những người cô thân cô thế. Nền văn minh xã hội cần được xây dựng không phải trên của cải vật chất, mà trên tình thương: Nền Văn Minh Tình Thương.
3/ Tình thương phải bắt đầu từ đâu ?
Một người nhà giàu nằm mơ thấy một đám rất đông những người nghèo và những người bệnh tật đang kêu xin giúp đỡ. Cảnh tượng ấy khiến ông xúc động và hạ quyết tâm sẽ đi tìm để giúp những người ấy. Sáng hôm sau ông lên xe đi tìm. Vừa ra khỏi cửa nhà, ông gặp ngay một người ăn mày đang ngửa tay xin tiền. Ông định dừng xe lại, nhưng tự nghĩ hãy đi thêm để biết thêm. Chiếc xe chạy qua những con đường, những khu chợ, những quãng trường… Càng đi ông càng thấy những người nghèo khổ đông quá. Trong đầu ông bắt đầu vẽ ra rất nhiều dự án để cứu giúp rất nhiều hạng người. Nhưng ông bối rối chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Đến chiều, ông quay xe về nhà, và gặp lại người ăn mày trước cổng, với cũng một tư thế ấy và những lời van xin ấy. Tối hôm đó ông lại nằm mơ và lại nghe thấy những tiếng kêu xin cứu giúp. Nhưng lần này những tiếng ấy không xuất phát từ đám đông, mà từ chính người ăn mày nằm trước cổng nhà ông. Và ông hiểu ra : phải bắt đầu từ chính người ăn mày ấy.
Mẹ ThánhTêrêsa Calcutta nói : "Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố… Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó. Tôi không đồng ý với những cách làm ồn ào. Tình thương phải bắt đầu từ một cá nhân : muốn yêu thương một người, bạn phải tiếp xúc với người đó, gần gũi với người đó". Ngài còn kể : "Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người đang hấp hối. Tôi đưa người ấy về nhà, sau đó người ấy chết, chết vì đói. Đang lúc đó bên trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng hái bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực : làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch cho cả 15 năm, thì người này phải chết vì đói". Ngài nói tiếp : "Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn đến những cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ nuôi được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì tôi đã không đưa 42.000 người về nhà. Toàn thể công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu đi một giọt".
Người giàu thật là người biết cho, người nghèo thật là người chỉ biết nhận. Người giàu thật là người có rất ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đủ, người nghèo thật là người có quá nhiều nhu cầu nên luôn cảm thấy thiếu. Sự giàu có thật là giàu trong tâm hồn, sự nghèo nàn thật là một tâm hồn trống rỗng. Bởi vậy cái giàu vật chất thường hay đi đôi với cái nghèo tâm hồn.
Xin đừng sống dửng dưng, thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu đã thương những người cùng khốn.
Hãy sống quảng đại cho đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất nhiều hạnh phúc.
Siêng năng đến với Chúa Giêsu nhận lãnh tình thương để chúng ta chân thành trao ban tình thương mỗi ngày cho anh em.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam