Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 55
Tổng truy cập: 1360675
Sám Hối, Điều Kiện Để Được Vào Nước Chúa
SÁM HỐI: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 21,28-32
(c 28) Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. (c 29) Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (c 30) Ông đến gặp người thứ hai, va cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đi!” nhưng rồi lại không đi. (c 31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (c 32) Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.
2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN VỀ HAI NGƯỜI CON
Qua dụ ngôn “Hai người con”, Đức Giê-su muốn gián tiếp cảnh cáo thái độ giả hình của bọn đầu mục Do Thái, và kêu gọi họ hoán cải để được cứu độ. Dụ ngôn trình bày hai thái độ khác nhau của hai đứa con: Người thứ nhất ám chỉ các người thu thuế và tội lỗi, tuy phạm tội, nhưng đã tin vào Đức Giê-su do Thiên Chúa sai đến. Người con thứ hai tượng trưng cho các thượng tế và kỳ mục Do thái, tuy giữ Luật Mô-sê, nhưng lại không tin Gio-an Tẩy Giả, là người được sai đến để chỉ đường công chính của Thiên Chúa. Sau cùng Đức Giê-su khẳng định như sau: “Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 28-29: + Các ông nghĩ sao?: Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục dân Do Thái tại Giê-ru-sa-lem (x. Mt 21,23-27). Họ đòi Đức Giê-su phải chứng minh nguồn gốc của Người do Thiên Chúa sai đến (c 23). Để trả lời, Đức Giê-su đòi họ xác định sứ mệnh của Gio-an Tẩy Giả: “Phép rửa của Gio-an do đâu mà có? Do trời hay do người ta?”. Nếu họ nhận là do trời, thì tại sao họ lại không tin lời Gio-an đã làm chứng Đức Giê-su là Đấng Thiên sai? + Một người kia có hai con trai: Người kia là cách nói trống ngôi, ám chỉ Thiên Chúa. Hai con trai tượng trưng cho hai thành phần của dân Do Thái là các người tội lỗi và các đầu mục Do thái tự nhận là công chính. + Người con thứ nhất: ám chỉ các người thu thuế và cô gái điếm. Họ đã từ chối không tuân giữ luật pháp của Thiên Chúa. Nhưng lại tin theo lời rao giảng của Đức Giê-su mà sám hối để trở thành con ngoan của Thiên Chúa. + Con hãy đi làm vườn nho: Đi làm vườn nho tức là thi hành ý muốn của Thiên Chúa. + Con không muốn đâu: Câu trả lời cho thấy thái độ cự tuyệt ý muốn của cha. Điều này cho thấy những kẻ tội lỗi đã sống trái với thánh ý Thiên Chúa. + Nhưng sau đó nó hối hận, nên lại đi: Ở đây không cho biết lý do tại sao người con thứ nhất hối hận. Chỉ biết rằng nó đã nhận ra lỗi mình và hoán cải để làm theo ý muốn của cha.
-C 30-31: + Ông đến gặp người thứ hai: Người thứ hai là những kẻ tự hào mình công chính, ám chỉ các đầu mục của dân Do Thái là các thượng tế và kỳ mục. + Thưa ngài, con đây!: Đây là câu trả lời lễ phép của một đứa con hiếu thảo, sẵn sàng vâng theo lời cha dạy. + Nhưng rồi lại không đi: Đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng mặt chứ không bằng lòng, nên sau đó đã không đi làm vườn nho theo ý muốn của cha. Đây là thái độ “ngôn hành bất nhất”, “Nói mà không làm”. Đây là thái độ đạo đức giả của các thượng tế và kỳ lão. Họ giữ luật Mô-sê từng chi tiết nhưng lại không tin Đấng được Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su. + Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người Cha?: Đặt ra câu hỏi này, Đức Giê-su muốn những người đầu mục Do thái đặt mình trước mặt Thiên Chúa. + Những người thu thuế và những cô gái điếm: Đây là hai hạng người bị xã hội Do Thái khinh dể, vì họ không giữ luật Mô-sê và có đời sống tội lỗi, gây gương xấu cho kẻ khác. + Vào nước Thiên Chúa trước các ông: Những người thu thuế và gái điếm vì biết hối cải mà tin theo đức Giê-su nên họ sẽ chiếm chỗ trong Nước Thiên Chúa mà Người sắp thiết lập, để thay chỗ của các đầu mục là các thượng tế và kỳ mục Do Thái.
- C 32: + Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông: Gio-an Tẩy Giả nhờ có lối sống khổ hạnh và sự rao giảng phép rửa thống hối, đã dạy dân Do thái phải làm gì chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Thiên Sai để được trở nên công chính trước Thiên Chúa. + Mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin: Các thượng tế và kỳ mục Do Thái đã không tin lời Gio-an Tẩy Giả. Ngược lại, các người thu thuế và các cô gái điếm đã nghe Gio-an giảng và giới thiệu Đức Giê-su cho họ nên đã tin theo Người. + Còn các ông…: Các đầu mục Do Thái dù đã nhìn thấy lối sống khổ hạnh và được nghe lời Gio-an Tẩy Giả rao giảng kêu gọi mọi người “ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”, nhưng họ vẫn cứng lòng không tin Gio-an, do đó cũng không tin Đức Giê-su, nên họ sẽ không được gia nhập vào Nước Thien Chúa.
4. CÂU HỎI: 1.-Hai con trai trong dụ ngôn ám chỉ hai hạng người nào trong dân Do thái? 2.-Thái độ đối với Thiên Chúa của hai hạng người này khác nhau thế nào? 3.-Tại sao người thu thuế và gái điếm lại bị khinh dể? Do đâu mà họ sẽ được vào Nước Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục Do thái? 4.-Tại sao các đầu mục Do thái không được gia nhập vào Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI Chúa: Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (c 23).
2. CÂU CHUYỆn: NGUỒN GỐC SỨC MẠNH CỦA MỘT CÔ GÁI ĐIẾM
Một hôm nghe tin về một cô gái điếm tuy tội lỗi, nhưng lại có một quyền năng siêu phàm, vua A-đúc (Ashoka) đã triệu vời cô ta tới và yêu cầu cô hãy thi thố tài năng để xem thực hư ra sao. Trước mặt nhà vua, các quần thần, các đạo sĩ và đám đông dân chúng đang tụ tập hai bên bờ sông Hằng, cô gái điếm kia đã thi thố tài năng: cô đã ra lệnh cho dòng sông đang chảy cuồn cuộn phải chảy ngược dòng, gây ra những tiếng động ầm ầm long trời lở đất. Đang khi đó, các vị đạo sĩ tuy đã dày công tu luyện nhiều năm và rất am tường Phật pháp lại đành chịu bất lực trước nạn lụt hàng năm, nước sông dâng lên tràn bờ đê, gây ra cảnh lụt lội lớn lao, làm cho nhân dân dọc theo hai bên dòng sông ngày một lầm than đói khổ! Nhà vua không thể tin được là một cô gái điếm, thuộc hạng tiện dân và tội lỗi lại có sức mạnh siêu phàm. Bấy giờ vua hỏi cô gái rằng: “Do đâu mà một kẻ tội lỗi ti tiện như ngươi lại có thể làm được việc lớn lao phi thường như thế?” Cô gái đáp: “Tâu đức vua, đó là nhờ đức hạnh của tiện nữ!”. Đức vua liền cười khẩy và vặn hỏi: “Thế đức hạnh của ngươi ra sao?”. Cô đáp: “Tâu đức vua, đức hạnh của tiện nữ chính là do cách cư xử công chính đối với mọi người. Khi tiếp chuyện với bất cứ ai, dù họ là bậc quân vương, quý tộc hay đám dân thường, tiện nữ đây cũng hết lòng tôn trọng và luôn đối xử vẹn tình trọn nghĩa. Tuyệt đối không dám khinh thường hoặc gian dối với bất cứ người nào cả!”.
Theo lời cô gái trong câu chuyện trên: Muốn có sức mạnh làm được những việc phi thường, thì người ta phải ăn ở công chính, nghĩa là đối xử công minh chính trực với mọi người. Trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đã nêu tên ông Gio-an Tẩy Giả và đòi những ai muốn được ơn cứu độ phải tin ông Gio-an và đi theo con đường công chính của ông như sau: “Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy. Còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (c 32).
3. SUY NIỆM:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã tuyên bố một câu khiến những đầu mục dân Do Thái đương thời phải sững sờ: Tôi bảo thật các ông: Những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Một số nhà chú giải Kinh Thánh đã giải thích từ “vào trước” không chỉ có nghĩa là “trước” so với sau, nhưng là “thay thế”. Vì các đầu mục Do Thái “đã không tin” (c 32), nên họ sẽ không được vào Nước Thiên Chúa, chứ không phải sẽ “vào sau”. Như vậy câu này có thể được dịch như sau: “Những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa thay chỗ các ông”. Do đó các đầu mục Do Thái sẽ bị loại ra ngoài Nước ấy.
- TẠI SAO CÁC ĐẦU MỤC LẠI BỊ MẤT CHỖ TRONG NƯỚC THIÊN Chúa?
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Bài đọc Một đã nêu ra lý do thứ nhất khiến các đâu mục Do thái bị mất chỗ trong Nước Thiên Chúa như sau “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính, thì chính điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18,26). Thực vậy, người ta thường nghĩ mình vẫn đang tốt khi mình đã trở nên xấu. Để rồi đến giờ chết, khi định vào Nước Thiên Chúa, thì mới hay mình không có chỗ trong đó! Bài Tin Mừng cho biết lý do thứ hai: Người cha đến nói với đứa con thứ hai: “Con hãy đi làm vườn nho cho cha”. Nó đáp: “Thưa vâng, con đi”. Nhưng rồi nó lại không đi (Mt 21,30). Thực vậy, người ta thường hay tự lừa dối khi nghĩ rằng chỉ cần nói: “Thưa vâng” với Chúa là đủ. Các đầu mục Do Thái đã “thưa vâng” nhiều lần khi họ tuân giữ Luật Mô-sê trong từng chi tiết. Chính chúng ta ngày nay đã “thưa vâng” như thế khi ta chỉ biết đi lễ, đọc kinh… Nhưng “thưa vâng” như thế chưa đủ điều kiện để ta được vào Nước Thiên Chúa sau này.
- TẠI SAO NGƯỜI THU THUẾ VÀ GÁI ĐIẾM CÓ CHỖ TRONG NƯỚC THIÊN Chúa?
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Bài đọc Một đã cho biết lý do thứ nhất như sau: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 18,27). Lý do thứ hai là thái độ đứa con thứ nhất lúc đầu từ chối, nhưng “sau đó nó hối hận nên lại đi” (Mt 21,29). Thực ra, cả hai câu trên đều chung một lý do là: Phải biết hối hận về tội lỗi trong quá khứ của mình và hồi tâm hoán cải. Thực vậy, rất nhiều câu chuyện được diễn tả trong phim ảnh cũng như trong đời thường về những người có một quá khứ tội lỗi như trộm cướp, trùm Ma-phi-a… nhưng không những họ đã được biến đổi nên người tốt, mà còn trở nên vị tha bác ái cách đặc biệt. Có những tú bà hay những cô gái điếm sau khi hoàn lương, đã bỏ được nếp sống nhơ nhớp trước kia, để sống đời sống mới đầy lòng yêu thương tha nhân. Họ thật xứng đáng được vào Nước Thiên Chúa để thế chỗ những kẻ đã từng sống tốt, những dần dần biến chất thành những kẻ giả đạo đức như bọn đầu mục Do Thái thời Đức Giê-su.
- VẬY CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ?
Ki-tô giáo là một tôn giáo của lòng tin. Nhưng tin trong lòng phải được biểu lộ ra ngoài như thánh Gia-cô-bê nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17). Lòng tin không phải chỉ là tuyên xưng ngoài môi miệng, nhưng phải được thể hiện bằng chính cuộc sống như Đức Giê-su dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Dòng đời luôn thay đổi, và con người cũng dễ đổi thay: Hôm nay chúng ta đang là người tốt, nhưng ngày mai có thể hóa ra xấu và ngược lại. Do đó, chúng ta đừng vội hãnh diện với quá khứ đạo đức của mình, đến nỗi không nhận ra mình đang biến thành kẻ xấu. Cần năng tự kiểm vào mỗi cuối ngày để biết mình có giữ được điều đã dốc quyết hay không. Vì dù ta có nói giỏi nói hay bao nhiêu chăng nữa, nhưng nếu không giữ được điều đã dốc quyết, hoặc “ngôn hành bất nhất”, là ta đã tự đánh mất uy tín và điều ta nói sẽ không còn mấy ai tin. Mỗi ngày chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp từ bỏ các sai lỗi thiếu sót để sống tốt hơn và nhờ đó sẽ xứng đáng được Chúa đón nhận vào Nước Thiên Chúa sau này.
4. THẢO LUẬN: 1.-Mục đích của việc học lời Chúa là gì? 2.-Ta có cần phải sống Lời Chúa gtrong cuộc sống đời thường hay không? Đức Giê-su nói:” Có đầy trong lòng mới trào ra ngoài cửa miệng - Lòng đầy thì miệng mới nói ra!” Hiện tại lời nói của bạn đang xây dựng hòa bình gia tăng hiệp nhất hay đang gây hiểu lầm dẫn đến sự chia rẽ ly tán?
5. CẦU NGUYỆN:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Con thấy việc sám hối không phải là điều dễ dàng, vì chúng con hiện chưa đủ khiêm tốn để lắng nghe người khác phê bình chỉ trích các thói hư khuyết điểm của mình. Chúng con chưa dám tự nhận lỗi về phía mình như trong kinh thú nhận: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!”. Nhưng chúng con cũng thật ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng, mà lại đứng xếp hàng chung với các tội nhân để chờ Gio-an làm phép rửa cho. Qua hành động ấy, chúa đã muốn mang thân phận tội nhân như chúng con để nêu gương khiêm nhường cho chúng con.
- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con tránh thái độ của người con thứ hai trong Tin Mừng hôm nay: Thưa vâng rồi không làm theo những điều đã hứa. Nhiều lần chúng con đã thưa vâng với Chúa khi đi xưng tội, đã sốt sắng quyết tâm đổi mới trong các buổi sám hối chung, rồi sau đó chứng nào tật đó, chúng con vẫn sống và phản ứng theo nề nếp xưa cũ của mình! Xin cho chúng con biết năng tự kiểm về tư tưởng lời nói việc làm và những điều thiếu sót vào mổi buổi tối hằng ngày. Xin cho chúng con tránh những ảo tưởng về mình để khỏi trở thành những Pha-ri-sêu giả đạo đức của thời đại hôm nay. Hy vọng sau khi được ơn tha thứ giống như Gia-kêu xưa, chúng con sẽ yêu mến Chúa nhiều hơn, sẽ quảng đại hiến dâng cho Chúa tất cả những gì chúng con có, để Chúa sẽ ban tất cả những gì Chúa có cho chúng con.
x) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam