Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 114

Tổng truy cập: 1354732

Sám Hối Đón Chúa Đến

Cập nhật : 04-12-2010
 

Sám Hối Đón Chúa Đến

Thoạt đầu, những lời của Gioan Tẩy Giả và của Isaia dường như tương phản nhau. Isaia nói về hy vọng: một vị vua sẽ đến để đem sự bình an và vinh quang cho dân người. Gioan Tẩy Giả với những lời cảnh báo nặng nề: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa.”

Nhưng lịch sử cho thấy giữa hai vị ngôn sứ có nhiều điểm giống nhau. Vua chúa thời Isaia không tin tưởng vào đường lối của Chúa nhưng vào sự khôn ngoan của loài người để cai trị dân mình. Trong thời Gioan Tẩy Giả, nhóm tư tế có nhiều người cấu kết với Đế Quốc Rôma để bảo đảm quyền hành của họ. Vị Vua Thiên Chúa gởi đến sẽ “xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng” (Isaia), sẽ gọi vua chúa trần gian đến trước mặt người để xét xử về quyền hành Ngài đã trao ban cho họ. “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’ Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham.”

Và lịch sử đã chứng minh “Ngài đã đến với dân Ngài, nhưng dân Ngài không nhận ra Ngài.” Không phải vì họ không ngong chờ đấng cứu độ, nhưng đấng cứu độ mà họ ước muốn, đấng mà họ ngóng chờ, họ không tìm thấy nới Đấng Cứu Độ Thiên Chúa gởi đến. Không ai có thể ngờ được sự khiêm tốn tột bậc, sự yếu hèn của Đấng Cứu Thế trong hình ảnh của một đứa bé sinh ra trong một gia đình nghèo, trong máng cỏ, nơi súc vật ở. Kẻ thù, bạn hữu không ai phải sợ một đứa bé nghèo hèn.

Và không hiếm kẻ muốn tước đọat danh hiệu Đấng được xức dầu phong vương. Vua Hêrôđê chẳng hạn, một vị vua ác độc và chỉ là bù nhìn của Rôma, cũng cố gắng đáp lại lòng ước ao của dân chúng để tỏ rằng mình có thể là đấng vua họ đang trông chờ, như Vua Đavít xưa, vừa là vua, vừa là tư tế, vừa là ngôn sứ. Ông đổ công xây Đền Thờ để mua lòng dân.

Còn dân chúng, sống dưới ách đô hộ của Rôma, ước mong một ngày kẻ thù của Chúa sẽ phủ phục trước vị vua dân Do-thái mà Thiên Chúa đã hứa ban và mọi dân tộc sẽ không còn nghi ngờ chi nữa họ là dân riêng của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ chứng tỏ cho toàn thế giới biết quyền năng của Chúa. “Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang.” (Bài đọc 1) Và sự vinh quang ấy chính dân riêng của Chúa cũng phải được chia phần. Đấng cứu độ đối với họ phải là một siêu nhân, đầy quyền năng khiến tất cả đều khiếp phục, không một tí nghi ngờ.

Nhưng khi Đấng Cứu Độ đến, Hài Nhi trong bụng mẹ cũng phải tuân theo luật Rôma về quê để kiểm tra dân số, chạy trốn qua Ai-cập để tránh Vua Hêrôđê tham lam tàn ác. Ngài làm nhiều phép lạ, chữa bệnh tật, xua đuổi quỷ nhưng lần sau lần vẫn phải trốn lánh để khỏi bị “con sói Hêrôđê” tìm giết Người. Cuối cùng, Ngài không làm phép lạ để cứu mình nhưng bị giết chết dưới tay dân ngoại, chịu đóng đanh trên thập giá, mang trên mình án phạt của kẻ bị Chúa nguyền rủa: "Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ." (Gl 3, 13)

Có lẽ Gioan Tẩy Giả cũng không nhận ra Đức Kitô khi Ngài đến. Ông cũng bị bối rối bởi sự khiêm nhường, thiếu oai phong của Chúa Giêsu và phải gởi môn đệ của ông đến để hỏi Chúa Giêsu: “Ông là Đấng chúng tôi đang chờ, hay chúng tôi phải chờ một kẻ khác?”

Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,
trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.
Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta,
vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này.
Isaia 11

Sau hơn 2000 năm Kitô hữu hôm nay cũng không khác dân Do-thái khi xưa. Chúng ta vẫn không hiểu Chúa, chúng ta vẫn thầm ước Chúa ra tay oai phong lẫm liệt để không ai phải nghi ngờ nữa. Nếu không, chúng ta nghĩ Chúa bỏ rơi chúng ta, vì chúng ta không đáng giá gì mấy; hoặc thầm kín sợ Chúa vì khi đi theo Chúa, Ngài không những chẳng cứu chúng ta khỏi “thập giá” của mình và vẫn còn mời gọi chúng ta bước theo Ngài trên con đường thấp hèn của con người thụ tạo để phục vụ người khác.

Dân Do-thái được chọn làm dân riêng của Chúa để qua họ “muôn dân sẽ được chúc phúc” (x. Galát 3:8). Họ đã không hiểu sứ mạng của mình, coi mình cao trọng, có sự giúp đỡ của Chúa họ sẽ đập tan bạo quyền và làm chủ đất của mình một lần nữa. Họ thích uy quyền.

Nhưng đó không phải là câu chuyện chúng ta nghe trong Lễ Giáng Sinh. Câu chuyện Giáng Sinh là câu chuyện của một đứa bé, không có sức mạnh để làm sợ ai. Kẻ lành, người dữ đều có thể đến ngắm nhìn Ngài và sẽ dâng Ngài vàng, mộc dược nhũ hương, và lời chào vui mừng như của các người chăn chiên thấp hèn. 1

Thiên Chúa vẫn “là một, hôm qua, hôm nay và ngày mai.” Ngài vẫn mời chúng ta đón gặp Ngài trong cảnh thấp hèn của máng cỏ, trong cảnh nhục nhã của cây thập tự và đặt niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Ngài vẫn mời gọi chúng ta sống để qua chúng ta “muôn dân sẽ được chúc phúc” bằng đời sống hằng ngày bước theo chân Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem để làm theo thánh ý Chúa Cha.

1 http://liturgy.slu.edu/2AdvA120510/reflections_rolheiser.html

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,
trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,
để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,
và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn.
Triều đại Người, đua nở hoa công lý
và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.
Người làm bá chủ từ biển này qua biển nọ,
từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất.
Người giải thoát bần dân kêu khổ
và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương,
chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo.
Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ,
giải thoát cho khỏi áp bức bạo tàn,
từng giọt máu họ, Người đều coi là quý.
Tân Vương vạn vạn tuế !
Thiên hạ sẽ đem vàng Ả-rập tiến dâng lên,
và cầu xin cho Người luôn mãi,
ngày lại ngày chúc phúc cho Người.
Danh thơm Người sẽ trường tồn vạn kỷ,
nức tiếng gần xa dưới ánh mặt trời.
Ước gì mọi sắc tộc trần gian, nhờ Người được chúc lành,
và muôn dân thiên hạ ngợi khen Người có phúc.
Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,
chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.
Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,
ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu !
A-men. A-men.
 
Nguồn : gxnl 

home Mục lục Lưu trữ