Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 147

Tổng truy cập: 1350085

SÁM HỐI LÀ THAY ĐỔI THANG GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

SÁM HỐI LÀ THAY ĐỔI THANG GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG –  Lm. Giuse Quang Nguyễn

Nhạc sĩ Trần Tiến với bài hát “Lời nói cuối” đã đoạt giải nhất trong cuộc thi phong trào phòng chống Siđa. Nội dung bài hát ông lấy cảm hứng từ một lá thư của một cậu bé bán bánh mì mắc bệnh Siđa. Cậu ta tâm sự rằng cậu chỉ bán bánh mì vào ban đêm vì khuôn mặt của cậu đã lỡ nhiều quá. Cậu bơ vơ và khát khao một cuộc sống. Cậu nhờ nhạc sĩ viết cho bài hát “lời nói cuối” như một lời trần tình cho mọi người về khát vọng sống. Nội dung bài hát: “Một buổi sớm, nhìn gương lại thấy buồn vết bầm tím lang rộng trên môi, mỗi một sớm thời gian, dục vó ngựa mang đời tôi đi vào đem đen. Mỗi ngày trôi, đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội tới vực sâu, vó ngựa ơi chậm thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi, cho tôi nói lời nói lần cuối: đừng ai, đừng ai chết trẻ như tôi. Tôi là đứa trẻ con còn non dại. Sao tuổi xuân sớm bỏ tôi đi. Tôi là đứa trẻ con còn mơ mộng. Sao tình yêu sớm bỏ tôi đi… Mỗi ngày trôi đời tôi một ngắn lại. Vó ngựa phi vội tới vực sâu. Vó ngựa ơi chậm thêm một chút. Một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi chào mẹ già của tôi. Cho tôi chào bạn bè của tôi. Cho tôi nói lời nói lần cuối. Đừng ai đừng ai chết thảm như tôi”. Vâng, có lẽ giây phút gần cái chết, niềm khát vọng sống trở thành mãnh liệt hơn bao giờ hết vì thế nó thúc đẩy em bé thốt lên một lời nài van: “Hãy cho tôi thêm một chút một chút thời gian, thời gian nhỏ nhoi. Cho tôi nhìn bầu trời của tôi, cho tôi nhìn người tình của tôi. Cho tôi chào mẹ già của tôi. Cho tôi chào bạn bè của tôi. Cho tôi nói lời nói lần cuối đừng ai, đừng ai chết trẻ và chết thảm như tôi”. Vâng, cũng vậy, niềm khát vọng sống, không để chết thảm là sa hỏa ngục đời đời nhưng được sống vĩnh hằng trở thành hiện thực nơi mỗi người chúng ta qua việc Ngôi Hai Thiên Chúa sắp Giáng sinh làm người để cứu độ chúng ta: cho chúng ta làm con cái Chúa, cho chúng ta giao hòa với Chúa và với nhau, đặc biệt cho chúng ta sống lại trong ngày sau hết, để được như vậy thì ngay từ bây giờ chúng ta hãy thay đổi thang giá trị cuộc sống này. Và đó cũng chính là tâm tình Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta.

Trong Tin Mừng, Thánh Gioan tẩy giả loan báo niềm hy vọng cho Dân Israel, đó không phải là niềm hy vọng trừu tượng mà là niềm hy vọng được tập trung vào Đấng mà người Do thái mong đợi Đấng Mesia, Ngôi Hai Thiên Chúa làm ngươi. Vì thế, mở đầu Tông Sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng Chúa Giê-su Ki-tô là Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha vì chưng, trong Chúa Giê-su Kitô, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động, rõ ràng và thấy tột đỉnh điểm của nó. Vì vậy ai thấy Ngài là thấy Cha (x. Ga 14,9) mà Chúa Cha là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa, thành tín” (Xh 34,6) và “giàu lòng thương xót” (Ep 2,4) (số 1). Vâng, Lòng Thương Xót Chúa mạnh hơn tội lỗi, Ngài không bao giờ mõi mệt để tha thứ cho con người, làm cho con người được sống dồi dào và không bao giờ phải chết. Để được như thế, Thánh Gioan Tẩy giả, vị ngôn sứ kêu gọi chúng ta hãy sám hối mà sám hối không phải thứ sám hối chung chung mà phải sám hối cụ thể hoá trong cuộc sống bằng hành động.

Chúng ta thường đặt thang giá trị vào vô vàn khía cạnh của cuộc sống: đối với người làm lớn coi thang giá trị đó là quyền lực. Người kinh doanh đặt thang giá trị nơi tiền, lợi nhuận. Giới trẻ đặt thang giá trị cuộc sống nơi hưởng thụ, “văn hóa vứt bỏ” nói như Đức Thánh Cha Phanxicô. Giới thiếu nhi đặt thang giá trị nơi trò chơi điện tử, ăn chơi leo lỏng… Vì thế, Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta hãy thay đổi những thang giá trị đó: Nếu người làm lớn, hãy sống công bằng, không được ức hiếp người yếu thế. Nếu là công nhân đừng đòi hỏi quá mức lương ấn định. Nếu là chồng, hãy sống chung thuỷ với vợ và hy sinh lo cho con cái. Nếu là vợ, hãy là người vợ đạo đức và người mẹ hiền gương mẫu. Nếu là con cái, hãy chịu khó học hành và vâng lời Cha mẹ. Nếu là giới trẻ, hãy sống có đạo đức và tác phong là người trẻ. Chớ ăn chơi leo lỏng, chớ dùng bạo lực mà đối xử nhau. Nếu là sinh viên, hãy sống trung thực và hòa thuận với nhau, chớ gian dối, bạo lực hay nghiện ngập! Còn các gia đình thân mến, chúng ta hãy năng đọc kinh chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích để Chúa và hãy để Lời của Ngài luôn cư ngụ trong tâm hồn anh chị em, làm cho mỗi người trong gia đình gạt đi những ảo tưởng để đón nhận nhau, cùng nhau nên hoàn thiện hơn mỗi ngày; biết kiên nhẫn, hy sinh và quảng đại với nhau hơn”. Thánh Gioan tẩy giả nói: “Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn cũng làm như vậy”, có nghĩa rằng Các thành viên trong gia đình hãy chia sẻ một chút vật chất, một chút thì giờ, một chút quan tâm cho nhau và cho những người khác. Các bậc làm cha làm mẹ đừng có lạm dụng quyền hành mà lỗi đức công bình, bác ái với nhau và với con cái”. Thánh Gioan tẩy giả nói tiếp: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền ai, có nghĩa rằng các con cái phải cư xử thảo hiếu và vâng lời cha mẹ, anh chị em và hàng xóm láng giềng với nhau. Và cứ như thế, tất cả mọi người sẽ nhìn thấy Ơn Cứu Độ.

Chính vì thế mà Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói rằng: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến”. Vì vậy, Chúa Nhật III mùa vọng hay còn gọi Chúa Nhật Gaudete: “Mừng Vui lên”, vui mừng vì Chúa giải thoát đã đến và đang ở với chúng ta. Ngài đang thực hiện một cuộc đổi mới toàn diện, đang quy tụ muôn nước thành một dân một nước: Dân Chúa, Nước Trời, không phải bằng vũ lực khống chế, nhưng bằng sự giải thoát loài người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, ích kỷ, nhỏ nhen, bất chính… Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy sống liên đới yêu thương, chia cơm sẻ áo cho người đói khổ, sống công bình, chính trực và chan hoà với mọi người đồng thời khơi lên niềm vui cho những ai đang chán nản, thất vọng chán chường vì không có niềm tin, vì đã mất niềm tin nơi con người, nơi xã hội và cả nơi Thiên Chúa nữa.

Xin cho Lời Chúa hôm nay thúc bách chúng ta lấy tình thương, công bằng, bác ái và thứ tha làm thang giá trị trong cuộc sống hầu làm Danh Chúa cả sáng và Nước Chúa đến với mọi người trong ngày Giáng sinh sắp đến cũng như mọi ngày. Amen.

 CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG- C

ANH EM HÃY VUI LUÔN TRONG NIỀM VUI CỦA CHÚA- Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên

Linh mục Antony de Mello đã kể lại câu chuyện sau đây về một nhà tu Ấn Độ nổi tiếng. Vị tu sĩ đáng kính này đã nhận định về cuộc đời của mình như sau: “Khi còn trẻ, tôi là một con người hăng say cách mạng và lời cầu nguyện của tôi lúc đó dâng lên Thiên Chúa là: “Lạy Chúa, xin ban cho con sức mạnh để thay đổi trọn cả thế giới này”. Nhưng rồi khi tôi sống đến nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa thay đổi được ai cả, tôi ít tự phụ hơn và cầu nguyện cùng Chúa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con một ơn này mà thôi, là có thể thay đổi được những ai mà con gặp hằng ngày, những người thân trong gia đình, những bạn bè. Chỉ được như thế thôi thì con cũng mãn nguyện lắm rồi”. Nhưng giờ đây đến lúc già, tháng ngày đời tôi sắp tàn, tôi ý thức mình đã tự phụ và điên rồ, tôi chỉ còn cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con ơn thay đổi chính bản thân con”. Nếu tôi đã sống và cầu nguyện như thế ngay từ đầu cuộc đời của tôi, thì tôi đã không uổng phí cuộc sống của mình”.

Lời tự thú trên đây của nhà tu hành người Ấn Độ nhắc chúng ta một điều căn bản là, hãy thay đổi chính bản thân của mình trước để có thể giúp anh chị em mình, xã hội mình thay đổi sau đó. Truyền thống đạo đức từ ngàn xưa còn nhắc mỗi người chúng ta hãy “tu thân, tề gia” rồi mới mong “trị quốc, bình thiên hạ”. Bởi vì, mọi con đường đi xa đều bắt đầu từ những chỗ gần. Mọi ngọn núi cao đều khởi đầu từ nơi đất thấp.

Chúa Nhật hôm nay được gọi là Chúa Nhật “màu hồng” hay Chúa Nhật của niềm vui. Bài đọc I được trích trong sách ngôn sứ Xôphônia. Ông sống vào khoảng thế kỷ VII TCN, vào những năm trước khi vua Giosia thực hiện cuộc cải cách tôn giáo. Khi đó, nước Do thái đang ở trong một tình trạng tồi tệ: bên trong thì đạo đức suy dồi, bên ngoài thì họa xâm lăng đang rình sẵn. Mặc dù vậy, Xôphônia vẫn kêu gọi dân chúng hãy vui lên, lý do là vì: “Án lệnh phạt ngươi Thiên Chúa đã rút lại, và thù địch của ngươi Ngài đã đẩy lùi xa”. Giữa cảnh ngặt nghèo như vậy, Thiên Chúa vẫn cứ đoái thương nhìn đến và tha thứ mọi lỗi lầm cho toàn dân.

Cũng trong tâm tình đó, trong bài đọc thứ II, Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê:“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa, tôi nhắc lại, vui lên anh em!”. Niềm vui này không chỉ là một tình cảm, nhưng phát sinh những hoa trái cụ thể trong cuộc sống, bằng cách sống hiền hòa và rộng rãi với mọi người.

Nhưng niềm vui đó chỉ trọn vẹn khi chúng ta biết hoán cải cuộc sống của mình. Quả vậy, việc chuẩn bị hang đá có ích gì, khi lòng chúng ta vẫn còn đó những hận thù, bất công, chia rẽ… Vậy chúng ta phải làm gì ? Đó cũng là câu hỏi của những người đến với Gioan Tẩy Giả mà bài Tin Mừng hôm nay đã thuật lại. Theo lời của vị Tiền Hô: Trước tiên, hãy trở về bằng việc thực hành bác ái: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có ; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo”.

Trở về còn là sống công bình và chu toàn công việc bổn phận hằng ngày của mình. Đối với những người thu thuế, thì thánh nhân khuyên: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Đối với binh lính thì “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”. Thánh Gioan đã không kêu gọi người ta phải ra khỏi môi trường cũ. Ngài chỉ kêu gọi người ta từ bỏ nếp sống cũ.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” là tựa đề một cuốn sách của nhà văn Andrew Matthews được bán khá chạy trong mấy năm vừa qua. Nội dung cuốn sách nói về một người đàn ông đang thất vọng cùng cực nói với một học giả. Ông đến và nói với vị học giả này rằng: “Thưa ngài, đời tôi thế là hết Tôi chẳng còn gì cả. Tất cả tiền đã hết ! Tôi đã mất tất cả!”. Vị học giả hỏi lại: “Thế anh còn nhìn thấy, nghe thấy, đi lại … được đấy chứ ?”. Người đàn ông đáp : “Thưa ngài vâng!?”. Nhà học giả nói: “Vậy thì tôi cho rằng cái gì anh cũng còn, chỉ có tiền là mất!”.

Chỉ với một cách nhìn nhận khác mà cuộc đời một người thay đổi: từ chỗ bi quan, tưởng chừng mọi thứ đã kết thúc, sang chỗ lạc quan, có thể sẵn sàng bắt tay vào làm lại từ đầu… Trong cuộc sống thường nhật của chúng ta cũng như vậy. Sự việc thì vẫn thế, chỉ cách nhìn của chúng ta thay đổi, thế là cuộc đời cũng thay đổi …

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ III của Mùa Vọng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta sám hối để có thể trở về với Chúa. Nhưng sám hối không chỉ là quay trở về với quá khứ, mà còn hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Sám hối không chỉ có tính cách cá nhân, mà còn mang tính liên đới trong cộng đoàn. Sám hối không chỉ là một cảm xúc mông lung, nhưng chính là một quyết tâm hành động. Sám hối không chỉ là hướng tới đời sống thánh thiện, mà là trở về với một đấng thánh: Chúa Giêsu Kitô.

Vì thế, sám hối chính là dành cho Chúa Ki tô cơ hội để Người thanh tẩy tâm can, thay đổi con người, nhất là để Người biến những tâm tình và ước muốn của chúng ta nên giống những tâm tình và ước muốn của Người.

Thay vì sám hối bên ngoài, Chúa Kitô muốn chúng ta thật sự hướng lòng về Người. Thay vì kiêu căng tự mãn, Chúa muốn chúng ta thực sự khiêm tốn để nên giống Người. Thay vì nô lệ cho của cải, tiền bạc, Chúa Kitô muốn chúng ta hãy ra khỏi nỗi bận tâm về mình mà nhường cơm sẻ áo cho anh em.

Mùa Vọng là mùa của hy vọng. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Cho dù con người có sa ngã, phản bội, Thiên Chúa vẫn theo đuổi chương trình cứu độ của Người. Cho dù thấp hèn tội lỗi, con người vẫn mang hình ảnh cao đẹp của Thiên Chúa, nên mỗi người đều được Thiên Chúa tin tưởng, yêu thương. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sám hối, đồng thời cũng kêu gọi chúng ta hãy hoàn toàn phó thác và hy vọng nơi Người. Trước khi cố gắng thay đổi môi trường chúng ta đang sống, chúng ta hãy thay đổi chính con người của mình trước.

Lạy Chúa Giêsu, sám hối là dọn đường cho Chúa đến, sám hối cũng là dọn lối để đến với tha nhân. Xin dạy chúng con biết bày tỏ lòng sám hối bằng cách mềm mại để Chúa uốn nắn, và quyết tâm sống công bình bác ái với anh em. Amen.

home Mục lục Lưu trữ