Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 49

Tổng truy cập: 1355498

SỐNG CHẾT TRONG TAY CHÚA

Sống chết trong tay Chúa – ViKiNi

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

 

Tin mừng Chúa nhật 12 đến Chúa nhật 13 như một cuốn phim sống động quay lại cảnh con thuyền các môn đệ gần chìm đắm trong bão biểm đêm tối, đến cảnh người dân ngoại sống dưới ách xiềng xích, cùm kẹp khốn khổ của quỷ dữ giữa mồ mả, đồi núi, hoang dại. Để cứu họ, Đức Giêsu đã dẹp tan bão tố, xua đuổi ác quỷ chui đầu xô đẩy đàn heo lối hai ngàn con xồng xộc chạy theo dốc núi chênh vênh nhào xuống biển chết ngộp.

Sau đó, Đức Giêsu đã lên thuyền trở về với đám đông dân chúng đầy thiện cảm đang chờ đón Ngài bên bờ biển Galilê. Mới lên bờ, ông trưởng hội đường đến sấp mình dưới chân Ngài, tha thiết kêu xin Ngài cứu chữa đứa con gái mười hai tuổi gần chết. Ngài chẳng nói một lời, chỉ vội vàng đi với ông và dân chúng chen nhau kéo theo Ngài. Họ đụng cả vào Ngài.

Tự nhiên, Ngài quay lại hỏi đám đông: “Ai đã sờ vào áo Ta?”. Môn đệ chỉ thấy đám đông chen nhau đụng vào Ngài, còn Ngài thấu suốt tâm tư mọi người. Người phụ nữ như thấy Ngài trực tiếp hỏi mình, sợ run lên, đến sấp mình trước mặt Ngài. Ngài đã ôn tồn nhắn nhủ: “Này con, lòng tin của con đã cứu con, hãy đi bằng an và lành hẳn tật nguyền của con”.

Quá sung sướng, người phụ nữ đã mạnh dạn khai báo hết nỗi lòng đau khổ vì bệnh băng huyết. Suốt 12 năm chạy đủ mọi thầy, mọi thuốc, sạch bách tiền của mà tật bệnh vẫn còn.

Đang lúc đó, người nhà ông hội trưởng nhắn tin con ông đã chết rồi! Như sét đánh ngang tai, ông sợ quá. Đức Giêsu đã trấn an ông: “Đừng sợ, hãy tin”. Ông tin dù mọi người khóc lóc, kêu ầm ĩ, có kẻ còn nhạo cười Ngài. Trước cái chết, loài người chỉ biết khóc than hay cười ra nước mắt vì quá bất lực, quá đau đớn và lặng lẽ cúi đầu!

Thánh Phêrô đã chứng kiến từ đầu đến cuối những phép lạ đó và khi đi rao giảng Tin mừng, ngài đã kể rành mạch mọi chi tiết, kể rõ cả tên ông trưởng hội đường là Giairô và đứa con gái 12 tuổi. Chắc chắn ông Giairô và con gái ông vẫn còn sống để làm chứng cho lời Phêrô giảng. Phêrô muốn cho mọi người thấy Chúa Giêsu là Chúa biển cả trời đất, Chúa thống trị quỷ thần và là Chúa nắm giữ sự sống chết của loài người.

Sự sống, sự chết của mỗi người chúng ta đều thuộc quyền Đức Giêsu, cho nên Phaolô đã quyết tâm thực hiện: “Đối với tôi, sống là chính Đức Kitô” (Phil 1,21). Lý do là: “Ngài đã chết thay cho tất cả mọi người, hầu kẻ sống không sống cho chính mình, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại cho họ” (2Cr 5,15).

Thánh Xiprianô đã mạnh mẽ trả lời tổng trấn Galêriô khi ông ra lệnh: “Các hoàng đế đã truyền cho ngươi phải tế thần”.

Xiprianô đáp: Tôi không tế.

Galêriô nói: Hãy suy nghĩ kỹ đi, hãy tuân lệnh đi.

Xiprianô đáp: Thần là quỷ ma giả dối, chỉ có Thiên Chúa là Đấng chân thật, sáng tạo vạn vật. Đó là chân lý, không cần suy nghĩ nữa.

Galêriô nói: Ngươi phải chịu án trảm quyết.

Xiprianô đáp: Xin ngợi khen Chúa.

Vì tin Chúa nắm sự sống chết, nên người sống cho Chúa, coi cái chết nhẹ như lông hồng, như một giấc ngủ. Chính Chúa Giêsu đã bảo cha đứa trẻ: “Con bé không chết, nó ngủ”. Sau này, khi nghe tin Lagiarô chết, Ngài cũng nói: “Lagiarô, người thân của Ta ngủ, Ta đi đánh thức ông dậy”.

Đối với kẻ không nắm được sự sống chết, thì chết là tận diệt, nên phải khóc than, gào thét. Đối với Chúa, sự chết thật là một giấc ngủ. Để được chết an lành như vậy thánh Vinh sơn Phaolô đã tập coi giấc ngủ mỗi đêm là việc lặp đi lặp lại của cái chết thực sự, và thức dậy là dấu của sự sống lại trong ánh sáng của Đức Kitô.

Lạy Chúa Giêsu, cái chết của Chúa trên thập giá đau đớn đến cùng cực, nhưng vì yêu thương cứu độ loài người chúng con, Chúa đã coi cái chết đó như một giấc ngủ thật nhẹ nhàng, bình an, trong sáng. Xin cho con biết hy sinh, tập chết đi những ích kỷ, kiêu căng vì mến Chúa yêu người để đến giờ chết con được an nghỉ êm ái trong Chúa muôn đời. Amen.

 

 

 

 

 

13. Tin thì được chữa lành và được sống

(Suy niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.)

 

Tin Mừng Mc 5:21-24.35-43 Khi tin tưởng vào Ngài, chúng ta sẽ nhận ra Chúa không thờ ơ trước lời kêu cầu đầy lòng tin của người bệnh và không ngừng quan phòng cho chúng ta: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng…

Mang trong mình kiếp con người từ khi sinh ra đến lúc chết đi, ai cũng trải qua những giai đoạn như: sinh, bệnh, lão, tử. Tuy nhiên, trong 4 cái khổ ấy, đệ nhị khổ là thứ khổ dai dẳng nhất.

Khổ về mặt thể lý, con người đã cảm thấy ngán ngẩn. Nhưng cái khổ tâm lý, khổ tinh thần, người đối diện với nó sẽ cảm thấy day rứt khôn nguôi!

Hôm nay, Tin Mừng thuật lại hai phép lạ Đức Giêsu đã làm. Một phép lạ chữa lành bệnh tật. Một phép lạ cứu sống. Phép lạ chữa lành bệnh tật, Ngài đã chữa lành cả thể bệnh lẫn tâm bệnh. Phép lạ cứu sống, Ngài thể hiện uy quyền nhờ lòng tin của người kêu xin.

Qua mạc khải được gợi hứng từ chính bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm những phép lạ khác Đức Giêsu đã làm để thấy được sứ mạng chính yếu của Đức Giêsu ngang qua những phép lạ ấy.

1. Thực thi phép lạ để cứu chuộc

Các sách Tin Mừng ghi lại Đức Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ liên quan đến việc chữa lành, chẳng hạn như: chữa hai người bị quỷ ám (x. Mt 8,29-34; Mc 5,1-20; Lc 8,26-39); chữa nhạc mẫu ông Phêrô khỏi sốt (x. Mt 8,14-15; Mc 1,29-31; Lc 4,38-39); chữa lành người bại liệt (x. Mt 9,1-8; Mc 2,1-12; Lc 5,17-26); chữa 10 người phong cùi được lành (x. Lc 17,11-19); chữa hai người mù (x. Mt 9,27-31); chữa người câm bị quỷ ám (x. Mt 9,32-34); chữa con gái người đàn bà Canaan cũng bị quỷ ám (x. Mt 15,21-28; Mc 7,24-30); chữa nhiều bệnh nhân tại bờ Biển Hồ Galilê (Mt 15,29-31); chữa rất nhiều người ốm đau và mắc đủ thứ bệnh cũng như loại trừ ma quỷ (x. Mt 8,16-17; Mc 1,32-34; Lc 4,40-41); và rồi ngay trước lúc bị bắt, Ngài đã chữa lành tai bị đứt của đầy tớ thầy thượng tế (x. Mt 26,47-55; Mc 14,43-49; Lc 22,47-51; Ga 18,3-11).

Qua một số phép lạ đã liệt kê ở trên, chúng ta thấy có điểm chung, đó là tin thì được lành và được sống.

Điều này cũng được Tin Mừng thánh Máccô ghi lại hôm nay thật rõ:

Phép lạ thứ nhất, Máccô kể lại giữa một đám người ô hợp, họ chen lấn, xô đẩy và à uôm. Vì thế, việc đụng chạm tới Đức Giêsu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có một cái đụng rất ấn tượng khiến Máccô không thể bỏ qua, bởi vì cái đụng này được Đức Giêsu để ý và nhắc tới. Ngài nói: “Ai đã đụng đến ta?”. Cái đụng ấy chính là cái đụng của một phụ nữ bị coi là ô uế suốt nhiều năm. Trong những năm ấy, người phụ nữ Dothái này đã phải tủi nhục, đắng cay và nhiều khi đặt ra cho mình những câu hỏi tại sao? Tại sao? Chính câu hỏi trong đầu và tâm khảm của chị phụ nữ này đã làm cho nàng không còn câu nệ vào luật lệ, bất chấp mọi thứ cấm cản và đã chạy thẳng tới nơi Đức Giêsu và đụng chạm vào Ngài.

12 năm mắc căn bệnh băng huyết. 12 năm đối diện với nhiều tủi nhục. 12 năm tìm thầy chạy thuốc. 12 năm bị cấm không được đụng chạm tới người khác. 12 năm không được đến đền thờ…. Càng đau khổ, tủi nhục bao nhiêu, người phụ nữ này lại càng tăng thêm lòng can đảm bấy nhiêu. Vì thế, bà ta đã quyết tâm và tin tưởng rằng: “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi”. Bà tin thì bà được. Vì thế, Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi cả bệnh thể xác lẫn tinh thần.

Phép lạ thứ hai, thánh sử Máccô nhấn mạnh đến đức tin của người liên hệ và đề cao tinh thần liên đới giữ người cha và cô con gái xấu số. Từ một người trưởng Hội Đường, không quen biết gì đến Đức Giêsu, chỉ nghe người ta nói về Ngài. Từ một người giàu có và quyền thế trong dân, lẽ ra ông bám víu vào thế gian để đảm bảo cho con gái ông khỏi lưỡi hái tử thần. Tuy nhiên, những thứ vật chất và quyền hành trần thế đã không làm cho điều ông mong muốn được thành hiện thực, vì thế, ông đã can đảm, dốc hết lòng tin vào Đấng xa lạ chưa một lần gặp mà chỉ nghe đồn thổi về Ngài. Nhưng khi gặp, ông đã quỳ mọp dưới chân và năn nỉ Ngài đến chữa lành bệnh tật cho con gái ông.

Gặp được Đức Giêsu, ông giống như cá gặp nước, bởi vì từ lòng dạ xót thương, Đức Giêsu đã an ủi ông: “Đừng sợ, cứ tin”. Nói xong, Ngài đã đích thân tới tận nơi để an ủi những người còn sống: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” và ngay lập tức, Ngài tiến lại gần đứa trẻ và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!”

Hai phép lạ khởi đi từ lòng tin. Hai phép lạ kết tụ ở sự sống được trao ban.

Sự sống thể lý nơi người đàn bà mất dần bởi chứng loạn kinh tới 12 năm. Khi chữa lành, Đức Giêsu đã trả lại cho bà sự sống sung mãn thủa ban đầu.

Còn đứa trẻ con ông trưởng Hội Đường thì sự sống đã tắt, nhưng Đức Giêsu đã làm cho sự sống ấy được hồi sinh.

Như vậy, phép lạ có được là do lòng tin từ phía con người và do quyền năng của Thiên Chúa cũng như lòng xót thương của Ngài đúng như lời Kinh Thánh đã chép: “Không phải lá cây, chẳng phải thuốc đắp đã chữa họ lành, nhưng chính Lời Ngài chữa lành tất cả” (Kn 16,12).

2. Niềm hy vọng của chúng ta

Lược qua những phép lạ trong cuộc đời sứ vụ Đấng Cứu Thế, nhất là hai phép lạ được thánh Máccô nhắc tới trong bài Tin Mừng hôm nay đã đem lại cho chúng ta bài học quý giá, đó là:

Nếu sự giàu có, quyền hành của ông trưởng Hội Đường đã không thể tự cứu con của mình khỏi chết, hay sự bất lực không thể diễn tả nổi của người phụ nữ đã tìm thầy chạy thuốc suốt 12 năm, tốn biết bao tiền, mất biết bao công sức… đã dẫn đến một đức tin trưởng thành và can trường vào sự hiện diện của Đấng có thể cứu chữa cả xác và hồn.

Thì đức tin của mỗi chúng ta cũng vậy. Nhiều lúc, mỗi người cũng cảm thấy trống trải khi bám víu vào sự giàu có hay quyền cao chức trọng hoặc cậy vào những khả năng của con người mà phớt lờ Thiên Chúa, Vị Thầy Thuốc tuyệt hảo của cuộc sống để bám víu vào nỗ lực trần gian. Những lúc như thế, ấy là chúng ta đã bị phai nhạt đức tin và không xác tín vào Thiên Chúa nữa. Noi gương người đàn bà và ông trưởng Hội Đường, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay cứu chữa và trao ban cho chúng ta sự sống thần linh. Nói cách khác, bí quyết được chữa lành chính là đức tin. Chìa khóa này sẽ mở được cánh cửa của lòng thương xót Chúa để ta được đắm chìm trong ân sủng và chính sự sống thần linh của Thiên Chúa.

Khi tin tưởng vào Ngài, chúng ta sẽ nhận ra Chúa không thờ ơ trước lời kêu cầu đầy lòng tin của người bệnh và không ngừng quan phòng cho chúng ta: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. […] Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em!” (x. Mt 6,25-30).

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giải thoát chúng con khỏi những căn bệnh thể lý đang dằn vặt thể xác chúng con, đồng thời, xin Chúa cũng chữa lành những căn bệnh tự kiêu, tự mãn, tự ti, tự phụ của chúng con, để thân xác và tâm hồn chúng con được lành mạnh. Amen.

 

 

 

 

 

14. Sống đức tin

 

Thiên Chúa là sự sống và tình thương. Tình thương của Người là tình thương cứu vớt, đem lại cho con người được sự sống, tham dự sự sống của cộng đoàn và tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Chỉ nơi Ngài, mới có tình thương và sự sống tuyệt đối.

Khi muốn xin ai hay thỉnh cầu điều gì, thì chúng ta tin tưởng vào người chúng ta đang đặt niềm tin. Người phụ nữ mắc bệnh băng huyết và người cha có đứa con gái bị bệnh nặng gần chết đã làm như thế. Cả hai đã tin Chúa Giêsu nên đến xin Ngài cứu chữa. Chính vì có lòng tin mạnh mẽ mà cả hai đã được hưởng phép lạ của Chúa Giêsu. Nhưng làm sao chúng ta thấy được hay biết được lòng tin của họ? Vì nó đã được biểu lộ ra qua thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động của họ.

Người phụ nữ này không dám công khai trực tiếp xin Chúa chữa bệnh cho bà trước mặt mọi người. Bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo choàng của Người thôi, là sẽ được cứu chữa” (Mc 5,28). Bà thật khiêm tốn, có thể so sánh với người đàn bà xứ Canaan, hoặc như người trộm lành. Vì thế, bất chấp tất cả những luật lệ phiền phức và nghiêm ngặt, bà lén đến sau lưng Chúa, để thực hiện ý định “rút ơn Chúa”, và kết quả bà đã được toại nguyện. Bà đã thể hiện đức tin một cách sâu sắc, như chính Chúa đã xác nhận và thưởng công cho lòng tin của bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con” (Mc 5,34).

Tuy nhiên, theo quan niệm của người Do Thái thì máu huyết tượng trưng cho sự sống. Người phụ nữ bị băng huyết có nghĩa là sự sống nơi chị mất dần đi, tiêu hao di nên có thể coi chị là người đã chết. Nhất là trong hoàn cảnh của bà, đau khổ không chỉ vì bệnh kéo dài, tiền mất tật mang mà bà còn đau khổ về tinh thần vì tập quán tôn giáo xã hội lúc đó coi những người mắc những thứ bệnh này cũng giống như bệnh cùi là những người bị ô uế, đáng bị cộng đoàn khai trừ. Có thể nói người phụ nữ này đã chết hai lần, cả về mặt sự sống thể xác lẫn về mặt đời sống tinh thần. Chị đã được Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật, hay đúng hơn chị đã được cứu thoát và Ngài đã đem đến cho chị sự sống mới sự sống dồi dào, chị được sát nhập vào đời sống cộng đoàn tôn giáo.

Trường hợp của ông trưởng hội đường Giaia cũng thế. Ông đã thể hiện lòng tin của ông vào Chúa Giêsu. Qua cử chỉ, thái độ và lời nói của ông: Khi đến trước mặt Chúa Giêsu, ông đã quỳ sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn khoản van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống” (Mc 5,23). Ông cầu cứu Chúa Giêsu vì ông yin rằng Ngài có thể cứu sống con ông khỏi chết. Phải tin Chúa Giêsu là ai, phải tin Chúa có quyền phép thế nào ông ta mới có cử chỉ, thái độ và lời kêu xin như thế. Ông không hồ nghi, ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu Chúa muốn, vì Ngài là Chúa sự sống và sự sống lại. Ngài động đến đâu thì sức mạnh và sự sống lan tràn tới đó. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

Trong cả hai phép lạ, chúng ta thấy nổi bật lên một yếu tố, đó là lòng tin. Người phụ nữ bệnh băng huyết khi đã nghe nói về quyền phép của Chúa Giêsu thì chị tin mãnh liệt vào Ngài, bà tin Ngài có thể chữa chị khỏi bệnh, chính vì thế nên chị nghĩ trong lòng rằng: “Nếu tôi sờ vào được áo choàng của Thầy, thì tôi sẽ được khỏi bệnh”. Chính vì tin mà bà vượt qua hàng rào kỳ thị tôn giáo kia, chị vượt qua mọi nếp suy nghĩ và quan niệm của tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ để mạnh dạn đến chạm tay vào gấu áo Chúa Giêsu. Chính vì quyền năng đó mà Chúa đã không từ chối chữa lành cho chị. Bên cạnh đó, lòng tin của ông Giaia cũng là yếu tố quan trọng để Chúa Giêsu làm cho con gái ông sống lại. Hai phép lạ trên cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có quyền năng trên bệnh tật. Điều này chứng tỏ Ngài chính là Thiên Chúa thật, là vị Cứu Tinh, là Đấng cứu độ con người.

Hai phép lạ này còn loan báo cho chúng ta một sứ điệp tình thương, sứ điệp thời đại mới, thời đại cứu độ mà các tiên tri đã loan báo. Thời đại của Chúa Giêsu Kitô. Trước hết, Thiên Chúa là sự sống, Ngài là chủ sự sống. Ngài ban phát sự sống cho con người và muôn loài muôn vật. Riêng đối với con người, Ngài không chỉ là chủ sự sống đời sống vật chất mà còn là chủ đời sống ân sủng, đời sống làm con cái Chúa. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã hiến dâng cho loài người tất cả, kể cả Người con yêu dấu, con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô.

Suy gẫm về bài phúc âm này, chúng ta nhận thấy: Chúa Giêsu đã bộc lộ thiên tính của Ngài, thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa là ban sự sống, là cứu chữa, những gì đã hư mất, là tìm đến những người đau ốm cần thầy thuốc. Ngài luôn quan tâm mọi nhu cầu cụ thể của con người. Ngài quan tâm đến nỗi thống khổ về tinh thần lẫn vật chất của nhân loại. Tất cả nỗi khổ đau của nhân loại đều được Chúa Giêsu cảm thông, chia sẻ và cứu vớt. Chính vì mang trong lòng trái tim yêu thương của Thiên Chúa, nguồn sống từ nơi Chúa Cha nên Ngài đã không khước từ và mau mắn cứu chữa hết người này đến người kia, bình phục cho người này, hồi sinh cho kẻ khác, đem lại phẩm giá và sự tôn trọng cho những ai đang bị loại trừ. Đối với Chúa Giêsu, Ngài không hề loại trừ một ai vì tất cả mọi người đều thuộc về gia đình Thiên Chúa. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi chúng ta có tin nơi quyền năng và tình thương của Thiên Chúa hay không?

Niềm tin, lòng tin hay đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất, nó là một cái gì có thật, nhưng thuộc về thần linh. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Giaia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi lễ, thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài nữa. Vì thế, chúng ta cần phải có một đức tin mạnh mẽ như ông Giaia, hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi. Đàng khác, chúng ta cũng cần có một đức tin kín đáo nhưng dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ trên đây, bà có một thái độ khẩn khoản khiêm nhường và đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa cũng đang chờ đợi ở chúng ta những tâm tình như thế.

Chúng ta tin Thiên Chúa là chủ sự sống, là nguồn gốc sẽ dẫn chúng ta đến thái độ là biết tôn trọng sự sống, bảo vệ và phát huy sự sống. Không đơn thuần là sự sống thể xác, tinh thần mà còn quan tâm đến sự sống thần linh. Không chỉ quan tâm sự sống nơi bản thân mình mà còn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích sự sống nơi tha nhân nữa. Thế nhưng xung quanh chúng ta có rất nhiều sự sống con người đang bị xâm phạm, bị chà đạp, cách này hay cách khác. Biết bao nhiêu trẻ em không có quyền được sinh ra, không có được những điều kiện thiết yếu về mặt vật chất, tinh thần để sống một cuộc sống cho ra người.

Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để con người được sống và sống dồi dào. Nhưng sự sống mà chúng ta đón nhận từ nơi Chúa sẽ không trọn vẹn nếu chúng ta chưa thật sự chia sẻ sự sống ấy cho tha nhân chung quanh chúng ta. Bao lâu nhiều người anh em chung quanh chúng ta chưa được sống xứng đáng vơi nhân phẩm con người, bao lâu niềm vui và quyền được sống như một con người vẫn còn bị khước từ nơi nhiều người đang sống bên cạnh chúng ta thì có lẽ chính chúng ta cũng không thể nào hưởng được một cách dồi dào sự sống mà Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết trân trọng đức tin, sự sống mà Chúa đã ban, để chúng con luôn tin tưởng mạnh mẽ và quyết liệt, bền bĩ và phó thác vào Chúa, vì chúng con được dựng nên bởi tình thương và sự sống của Chúa. Xin cho chúng con biết quý trọng sự sống của mình, của tha nhân và không ngừng phát huy sự sống ấy bằng cách sống yêu thương và giúp đỡ nhau tiến tới sự hoàn thiện như Chúa muốn. Amen.

 

 

 

 

 

15. Đức tin mang ơn chữa lành.

(Suy niệm của Lm Trần Bình Trọng)

 

Trong thời cận đại và hiện tại, với những phát minh tân kì về khoa học, y khoa và kỹ thuật, loài người chứng kiến những việc chữa trị bệnh tật với những cuộc giải phẫu thành công ngoài sức tưởng tượng.

Mặc dầu thế, có những bệnh tật mà y học tân tiến cũng đành bó tay. Lại có những trường hợp khác mà người ta được khỏi bệnh thì y học cũng không cắt nghĩa được tại sao, mà chỉ thấy rằng người ta được khỏi bệnh mà không phải do cách chữa trị của bác sĩ, cũng không phải do thuốc chữa. Tại Lộ Ðức, có toán bác sĩ quốc tế gồm cả người không công giáo đã khám nghiệm, cứu xét và đi đến kết luận rằng có những bệnh nhân được khỏi bệnh một cách ngoại thường.

Phúc âm hôm nay ghi lại một dấu chỉ về quyền năng của Thiên Chúa được thực hiện cho người có đức tin quả quyết và vững mạnh. Ðó là người đàn bà mắc bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà ta tốn nhiều tiền của đi tìm thầy chạy thuốc mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Do đó bà ao ước muốn được gặp Ðức Giêsu để xin Người một ân huệ là cho bà được khỏi bệnh. Không may là phong tục người Do thái thời bấy giờ không cho phép đàn ông nói chuyện với đàn bà nơi công cộng. Cũng theo phong tục Do thái thì người đàn bà không được chạm đến người đàn ông nơi công chúng giống như quan niệm: Nam nữ thụ thụ bất thân của Khổng giáo xưa bên Trung Hoa, có ảnh hưởng sang Viêt Nam vậy.

Còn theo luật Lêvi thì khi người đàn bà trong lúc có kinh nguyệt mà đụng chạm đến ai hay ai đụng chạm đến người đàn bà có kinh thì người đó sẽ ra ô uế (Lv 15:19-28). Thời đó chắc người ta chưa chế tạo băng vệ sinh cho các bà dùng khi có kinh nguyệt. Như vậy bệnh xuất huyết kéo dài mười hai năm của ngưởi đàn bà trong Phúc âm gây ra cả một vấn đề bất tiện và khó khăn cho việc giữ vệ sinh như thế nào! Do đó ước muốn được chửa khỏi càng phải gia tăng cường độ vì bà có thể sợ người đời chê bai là hôi hám khi huyết dính vào quần áo. Vậy thì bà ta phải hành xử thế nào trong trường hợp này để đối diện với Ðức Giêsu?

Ðể tránh việc lỗi luật, bà ta chỉ dám động đến gấu áo của Ðức Giêsu mà thôi. Bà tin rằng chỉ cần động đến gấu áo của Người thì bà cũng được khỏi bệnh. Nếu nhóm người Pharisêu hay bới lông tìm vết có tố cáo bà là đụng đến Đức Giêsu, thì bà có thể cãi hoặc nhờ luật sư cãi phăng đi, là bà đâu có đụng đến thân thể của Đức Giêsu đâu, mà chỉ đụng đến gấu áo của Người mà thôi. Quả thật, đức tin của bà đã cứu chữa bà. Ðức Giêsu đã cảm thấy sức chữa trị xuất phát từ thân mình Người. Người quan tâm đến bà, mà không sợ dư luận quần chúng, nên mới hỏi thử: Ai đã động đến tôi (Mc 5:31). Ðức Giêsu đòi bà phải đối diện với thực chất của việc bà làm. Sau khi bà kể tất cả sự thật, Chúa liền chữa bà khỏi bệnh và còn cho bà được bình an (Mc 5:34).

Ðức tin còn đem đến phép lạ cho người chết sống lại. Viên trưởng hội đường Do thái trong Phúc âm hôm nay cũng đã bầy tỏ đức tin vào quyền năng Ðức Giêsu trong khi nhiều nhà lãnh đạo Do thái nghi ngờ và bất tín Người. Ông bất chấp những nhà lãnh đạo Do thái khác nghĩ thế nào về ông khi ông đến xin Ðức Giêsu một ân huệ. Ông chỉ xin Ðức Giêsu đặt tay trên con gái ông đang hấp hối cho được sống lại. Ðức tin của ông khiến Ðức Giêsu làm phép lạ phục hồi sự sống cho con gái ông: Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi (Mc 5:41).

Phép lạ vẫn xẩy ra hằng ngày trong thời đại ta đang sống. Chỉ cần dùng con mắt đức tin là ta có thể nhận ra và chứng kiến phép lạ. Hằng ngày ta còn có cơ hội để bầy tỏ đức tin vào quyền năng Chúa, xin Người cứu chữa. Ðiều mà ta cần có là lời cầu xin. Phong trào Thánh linh trong Giáo hội đời nay đã giúp khơi dậy ước muốn cầu nguyện, không hẳn là cầu nguyện xin cho được khỏi bệnh, mà còn cầu nguyện để tạ tội, tạ ơn và ca tụng Thiên Chúa. Và lời cầu nguyện của ta phải đi đôi với đức tin, vì nếu cầu nguyện mà không có đức tin, thì lời cầu nguyện của ta chưa chắc gì được Chúa trả lời. Bằng chứng được ghi lại trong Phúc âm là khi người Pharisêu xin Ðức Giêsu một dấu lạ, Người từ chối việc làm phép lạ vì họ không có lòng tin (Mc 6:5,6) hay chỉ muốn thử Người (Mc 8:11-12). Trái lại ta thấy đức tin của người đàn bà loạn huyết và của viên trưởng hội đường là một đức tin quả quyết, vững mạnh, đơn sơ, chân thành và khiêm tốn. Phúc âm ghi lại: Ông ta sụp xuống dưới chân Người (Mc 5:22); còn bà đến phủ phục trước mặt Người (Mc 5:33). Là người, ta cũng cảm thấy khó từ chối khi có ai kêu cầu đến ta một cách khẩn khoản và khiêm tốn như vậy.

Bất cứ khi nào Chúa làm phép lạ đều do người ta xin với lòng tin. Nếu không có đức tin, sẽ không có phép lạ, cũng không được ơn chữa lành. Tất cả những người được thụ hưởng phép lạ của Chúa đều có một điểm giống nhau là họ được thúc đẩy bởi lòng tin vào quyền năng và lòng thương xót của Chúa.

Ðôi khi ta có thể có thái độ như người Pharisêu, nghĩa là ta ngồi đó há miệng chờ ho, đợi cho Chúa làm phép lạ, trước khi ta có thể đặt tin tưởng vào Chúa. Còn Chúa thì lại muốn ta bầy tỏ niềm tin trước đã, trước khi Người hành động. Chúa biết nhu cầu thiếu thốn của mỗi người. Tuy nhiên nếu ta đóng cửa nhà tâm hồn, thì Chúa cũng đành chịu, vì Chúa đã ban cho loài người được tự do lựa chọn và Chúa tôn trọng tự do của loài người.

Nói như vậy không có nghĩa là khi mắc bệnh, người tín hữu không cần đi bác sĩ, không cần uống thuốc chữa trị. Việc đi bác sĩ hay vào nhà thương nếu cần, ta vẫn tiến hành, nhưng đồng thời ta cũng vẫn cầu xin cho được ơn khỏi bệnh. Cách thế Chúa chữa trị bệnh tật loài người thông thường là dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị. Ðôi khi Chúa không cần dùng đến bác sĩ hay thuốc chữa, nhưng là chữa trực tiếp. Cách thế chữa trị đó được gọi là phép lạ. Có một vài giáo phái Kitô giáo chủ trương không đi bác sĩ và uống thuốc. Họ cho rằng đi bác sĩ và uống thuốc là làm giảm lòng tin vào quyền năng của Chúa. Họ không biết rằng Chúa cũng dùng bác sĩ và thuốc men để chữa trị bệnh tật loài người. Như vậy không có việc xung khắc giữa việc đi bác sĩ, uống thuốc và lời cầu nguyện cho được khỏi bệnh. Cả hai phương pháp: đi bác sĩ/uống thuốc và cầu nguyện cho được khỏi bệnh đều bổ túc cho nhau để phục hồi sức khoẻ.

Tuy nhiên có những trường hợp người ta vừa đi bác sĩ, vừa uống thuốc, vừa cầu nguyện với đầy lòng tin tưởng mà bệnh vẫn không được khỏi. Như vậy thì phải giải thích thế nào? Thưa rằng khi Ðức Giêsu còn tại thế, Người có chữa bệnh tật của một số ít người, nhưng mục đích chính của việc Ðức Giêsu xuống thế là để chữa bệnh tật linh hồn của loài người. Ðược chữa trị khỏi bệnh tật phần xác là một niềm vui và là một hồng ân, ta cần tạ ơn Chúa. Tuy nhiên ta cũng phải nhận thức rằng mỗi người phải đi qua tiến trình của kiếp sống con người: sinh, lão, bệnh, tử, để ta có thể chấp nhận những giai đoạn cuối của cuộc đời. Trước khi Ðức Giêsu xuống thế cứu chuộc, thì tác giả sách Khôn ngoan đã nhận ra vì tội ganh tị của quỉ dữ, mà sự chết về phần linh hồn đã lọt vào thế gian (Kn 1:24). Do đó Ðức Giêsu đến để phục hồi sự sống cho hồn thiêng loài người.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn giải thoát khỏi bệnh tật đau khổ:

Lậy Chúa Giêsu nhân lành hay thương xót!

Cũng như Chúa đã chữa trị bệnh tật

của người đàn bà loạn huyết

và cho con gái viên trưởng hội đường được sống lại

vì họ bầy tỏ lòng tin xác tín vào Chúa.

Xin Chúa cũng chữa trị bệnh tật của những người

kêu cầu đến Chúa, gồm cả chính con

với tất cả lòng chân thành, khiêm tốn và tin tưởng

để chúng con được tự do phụng thờ Chúa

với lòng an vui thanh thoả. Amen.

 

 

 

 

 

16. Đức tin mạnh mẽ nhờ hành động

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

 

Một lần kia, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Mẹ Têrêxa Calcutta phải đối diện với một phóng viên không mấy thiện cảm đối với Giáo Hội. Mẹ Têrêxa nói với ông: “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người phóng viên hỏi: “Tôi phải làm gì để có đức tin?” Mẹ Têrêxa đáp: “Ông hãy cầu nguyện”. Ông chống chế: “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Mẹ Têrêxa dịu dàng nói: “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông. Nhưng về phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh ông. Vì một nụ cười có thể đánh động được tâm hồn người khác. Một nụ cười có thể cho chúng ta cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống chúng ta”.

Đúng thế, những hành động cụ thể thường hùng hồn hơn, có khả năng thuyết phục hơn những lời nói suông. Trong bài Tin Mừng, người phụ nữ bị hoại huyết được chữa lành hoàn toàn do lòng thương xót Chúa. Người phụ nữ bệnh hoạn này theo luật Môisê, là một người ô uế, không được ra trước công chúng. Ấy thế mà hôm nay dám ra trước đám đông, lách qua đám đông rồi tiến đến gần Chúa Giêsu. Vì quá tin vào Chúa, bà ta đã biểu lộ đức tin của mình, dù có khó khắn cách mấy, bao lâu đến mấy, bất chấp luật cấm phiền phức và khắt khe, người ta xua đuổi khinh chế bà đến với Chúa Giêsu và chỉ cần chạm đến Chúa là chắc chắn được khỏi bệnh. Đức tin của bà quá sống động, cực kỳ vững mạnh cho nên Chúa Giêsu đã xác nhận và ban thưởng cho bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Rồi đến ông Gia-ia có đứa con gái mắc bệnh nặng thập tử nhất sinh, ông đến xin Chúa cứu chữa con ông. Lòng tin mạnh mẽ của ông được bộc lộ ra qua tất cả con người ông, nghĩa là qua các cử chỉ cũng như lời yêu cầu của ông. Thực vậy, khi đến trước mặt Chúa, ông quì sụp dưới chân Chúa, đây là một cử chỉ dành riêng cho Thiên Chúa trong Cựu ước, cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai. Cử chỉ thứ hai là ông xin Chúa đến đặt tay trên cháu, để nó được cứu thoát và được sống. Nhận thấy lòng tin mạnh mẽ của ông, Chúa đi tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

Chúng ta hôm nay đã có đức tin, chúng ta đã tin Chúa Giêsu nhờ Phép Rửa Tội. Điều quan trọng là sống lòng tin như thế nào trong cuộc sống hôm nay. Khi vui và hạnh phúc hay khi gặp thử thách, hoạn nạn, đau khổ tinh thần hay thể xác thì sao đây?

Niềm tin, lòng tin hay đức tin thì không thể nhìn thấy, bởi vì nó không phải là vật chất nhưng nó là một cái gì đó có thật, nhưng thuộc về tinh thần. Người ta không thể thấy được nó nhưng người ta có thể biết nó có nhờ khi nó biểu lộ qua hành động bên ngoài. Cũng như không ai nhìn thấy lòng tin của ông Gia-ia và của người đàn bà băng huyết, nhưng qua thái độ, lời nói và cử chỉ của họ đã biểu lộ lòng tin của họ. Cũng vậy, chúng ta có đức tin hay không, chẳng ai biết, nhưng khi thấy chúng ta đi lễ, thấy chúng ta đi vào nhà thờ nghiêm trang, người ta có thể biết được chúng ta là người có đức tin. Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà còn phải biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động. Cho nên, Thánh Giacôbê nói: “Ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,14.17). Còn thần học gia Arialdo Beni nói rằng: “Đức tin thật sự là đức tin dấn thân. Nó được thể hiện trong chiều kích qui Thiên Chúa và qui tha nhân. Chính trong cuộc sống thực tiễn và trong tương quan với tha nhân mà đức tin trở thành sống động”.

Vì thế, chúng ta cần phải thể hiện đức tin mạnh mẽ qua những hành động như ông Gia-ia vàngười phụ nữ hiên ngang mà không hổ thẹn, vững chắc chứ không hồ nghi, dẻo dai và can đảm nhưng đầy tin tưởng trong tâm hồn, thế là đủ. Chúa cũng đang chờ đợi ở chúng ta những tâm tình như thế trong từng biến cố, hoàn cảnh trong cuộc sống. Đó là cách thẩm định đức tin của chúng ta. Niềm tin ấy, như Mẹ Têrêxa Calcutta đã nói: “Phải được biểu lộ và nuôi dưỡng, dù chỉ bằng một nụ cười hay một ánh mắt cảm thông”.

Cho nên, trong bài đọc 2 Thánh Phaolô dạy chúng ta phải trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái. Ước gì, Lời Chúa hôm nay xin cho mỗi người chúng ta luôn thể hiện đức tin của mình một cách mạnh mẽ qua việc sống thương người: Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Chôn xác kẻ chết. Rồi, lấy lời lành mà khuyên người. Mở dậy kẻ mê muội. Yên ủi kẻ âu lo. Răn bảo kẻ có tội. Tha kẻ dể ta. Nhịn kẻ mất lòng ta. Cầu cho kẻ sống và kẻ chết. Amen.

 

 

 

 

 

17. Đụng đến áo.

(Trích trong ‘Manna’)

 

Suy Niệm

Giữa đám đông chen lấn chung quanh Đức Giêsu, có những người đụng vào áo Ngài. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của một người phụ nữ, mười hai năm mắc bệnh băng huyết, mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi, mười hai năm bị coi là ô nhơ: không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Đền thờ.

Người phụ nữ đụng vào áo Đức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ. “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.” Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa. Đụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài. Đụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.

Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen, không để lại một âm vang nào, không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ, ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi. Hay nói đúng hơn, vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài. Đụng vào Đấng Thánh để được nên trong sạch.

Chúng ta cần đụng đến Đức Giêsu mỗi ngày và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.

Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình. Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.

Như con gái của ông trưởng hội đường, chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy chỗi dậy.”

Chỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết. Chỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường. Chỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.

Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.

Đức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).

Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Gia-ia: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).

Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.

Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể, ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em, là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.

Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng, ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.

Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?

Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công. Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự. Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

 

 

 

 

 

18. Lời kêu xin.

 

Đoạn Tin mừng sáng hôm nay cho chúng ta thấy các tông đồ đang ở vào một tình thế tuyệt vọng. Lời van xin của họ dường như bị sóng biển vùi lấp:

– Lạy Thầy, xin cứu chúng con.

Chúa Giêsu rất có thể lên tiếng trách cứ các ông:

– Bộ các con không hiểu rằng bao lâu Thầy còn ở với các con, thì không một tai ương hoạn nạn nào có thể xảy ra.

Thế nhưng lời van xin ấy lại rất bình thường và gần gũi với bản tính của chúng ta. Lời van xin xuất phát từ trái tim của một tạo vật nhỏ bé, như muốn xác quyết rằng: Vấn đề thật vô phương cứu chữa, chỉ mình Chúa mới có thể giúp đỡ.

Thế nhưng ngày hôm nay, liệu chúng ta có còn tìm thấy những lời van xin đầy tin tưởng và hy vọng như thế hay không? Nếu chúng ta hỏi những người lính chiến rằng: Vào những lúc nguy hiểm có bao giờ các bạn đã nghĩ tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Nếu chúng ta hỏi những người lái xe rằng khi xảy ra tai nạn có bao giờ các bạn nghĩ tới đời sau và xin Chúa phù trợ hay không. Hầu như tất cả đều trả lời rằng không.

Chiếc tàu Dora với một ngàn bảy trăm hành khách, chẳng may gặp nạn và chìm dần xuống biển, người ta đã ghi nhận được một cảnh tượng thật trái ngược trong thời điểm hoảng hốt đó. Các cô thì lo giữ lấy đôi giày của mình. Các bà thì lo giữ lấy những bộ áo của mình. Các ông thì lo giữ lấy ví tiền của mình. Chỉ có một em bé năm tuổi là đã quỳ gối cầu nguyện.

Ngay cả bản thân chúng ta cũng thế. Mỗi khi gặp phải tai ương hoạn nạn, chúng ta vùng vẫy, chúng ta kêu gào, chúng ta làm mọi cách để thoát khỏi tai ương hoạn nạn ấy, nhưng lại không biết mở miệng kêu xin:

– Lạy Chúa, xin Chúa cứu giúp con kẻo con chết mất. Chỉ mình Chúa mới có thể bảo đảm cho con được an toàn.

Chúng ta cũng giống như dân ngoại. Chẳng tìm thấy hướng đi cũng như ánh sáng cho cuộc đời chúng ta. Ngày xưa mỗi khi mất mùa đói kém giặc giã xảy ra, người ta kêu cầu Chúa:

– Lạy Chúa xin giúp đỡ con.

Người ta tổ chức những cuộc rước kiệu, những cuộc hành hương để kêu cầu Chúa. Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao?

Ngày hôm nay, người ta có rất nhiều phương tiện, chẳng hạn như thuốc trụ sinh, công ty bảo bảo hiểm, và người ta cảm thấy không còn cần đến sự trợ giúp của Chúa nữa. Và tệ hơn nữa, người ta muốn trục xuất Thiên Chúa ra khỏi những sinh hoạt cá nhân và xã hội. Người ta muốn thay trời vắt đất làm mưa. Người ta sống như không còn sự hiện diện của Ngài nữa.

Từ những điều vừa trình bày chúng ta đi tới kết luận: Bao lâu Chúa Giêsu còn ở trong chúng ta thì không một tai nạn nào có thể xảy ra. Tuy nhiên con người thời nay lại không hiểu là như thế. Do đó, vấn đề cần phải đặt ra cho mỗi người, đó là Chúa Giêsu có thực ở trong thuyền đời chúng ta hay không. Tôi đã phản ứng và hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đen tối. Tôi có biết hướng tới Chúa và xin Ngài giúp đỡ hay không? Đó là những câu hỏi mà mỗi người chúng ta phải tự tìm lấy lời giải đáp.

 

 

 

 

 

19. Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

 

CẢM NGHIỆM VỀ CHÚA

Hai người hưởng phép lạ hôm nay đều được đụng chạm đến Chúa.

Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo Người. Vừa đụng chạm vào áo Người, lập tức bà thấy có biến chuyển: bệnh tật bao năm hành hạ bà, làm cho bà tốn biết bao công sức tiền của chạy chữa tưởng như vô vọng, nay bỗng tiêu tan trong phút chốc.

Em bé không đụng chạm đến Chúa vì em đã chết. Nhưng chính Chúa đụng chạm đến em. Chúa cầm tay dắt em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã gây nên những biến đổi mãnh liệt nơi thân xác. Căn bệnh bị xua trừ. Thân xác khỏe mạnh lại. Người phụ nữ được sinh hoạt bình thường với xã hội. Thần chết bị trục xuất. Sự sống trở lại. Em bé được giải thoát khỏi thế giới tử thần, trở về với thế giới sự sống.

Nhưng những biến đổi trong tâm hồn còn mãnh liệt hơn. Khi Đức Giêsu gọi người phụ nữ đến để khen ngợi và khích lệ chị, tâm hồn chị hẳn phải rộn ràng hạnh phúc. Với thái độ khoan dung nhân hậu, Đức Giêsu đã biến đổi sâu xa tâm hồn chị. Từ mặc cảm là người ô uế, bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử một cách trân trọng. Từ thân phận một người lén lút như kẻ ăn trộm phép lạ, chị trở thành người được Đức Giêsu công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân thiết của Đức Giêsu. Chắc chắn, chị sẽ chẳng bao giờ quên được những lời nói và thái độ của Đức Giêsu. Những lời nói, những thái độ ấy đã đem lại cho chị niềm tin, niềm bình an và lòng tự tín. Còn em bé, khi trở lại sự sống, người đầu tiên mà em nhìn thấy là Đức Giêsu. Hơi ấm đầu tiên em cảm nhận được từ bàn tay Người đã làm em thấy yên tâm. Ánh mắt hiền từ của Người cho em niềm tin yêu phó thác. Và thái độ của Người thật như một người cha hiền. Việc đầu tiên Người bảo mọi người là cho em bé ăn. Thật là một sự quan tâm ân cần. Ơn lớn nhất Người ban là trả lại sự sống cho em bé. Em đã được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng chính ánh mắt, cử chỉ và lời nói đầy tình yêu thương đã ghi khắc trong tâm hồn em bé một hình ảnh rất đẹp và rất sâu đậm về Người. Trọn đời em sẽ ghi nhớ mãi hình ảnh Người. Trọn đời em sẽ biết ơn Người. Trọn đời em sẽ sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã cảm nhận được.

Người phụ nữ và em bé đã được Đức Giêsu thương yêu vì họ đã có những phẩm chất đáng quí.

Phẩm chất thứ nhất mà họ có, đó là đức tin mạnh mẽ. Ông trưởng hội đường tin tưởng mãnh liệt nên đã đến tìm Đức Giêsu. Hội đường Do Thái vốn không ủng hộ Đức Giêsu, trái lại còn chống đối và tìm cách giết Người. Thế mà ông trưởng hội đường này vẫn đến cầu cứu Người, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Đức Giêsu đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi!”. Còn người phụ nữ tuy sợ hãi không dám nói với Người, nhưng với lòng tin tưởng mãnh liệt đã sờ vào gấu áo Người. Đức Giêsu đã khen ngợi đức tin của họ: “Lòng tin của con đã chữa con”. Đức tin mãnh liệt như thế đã xứng đáng được Chúa thưởng công.

Phẩm chất thứ hai mà họ có, đó là đức khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường được biểu lộ không những qua sự nhận biết thân phận thiếu thốn, bất lực của bản thân, mà còn diễn tả qua thái độ bên ngoài. “Vừa thấy Đức Giêsu, ông sụp lạy dưới chân Người”. Sau khi bị phát giác, người phụ nữ cũng đến phủ phục dưới chân Người và tỏ bày tất cả mọi sự. Chính thái độ khiêm nhường ấy đã được Chúa thương.

Hằng ngày có nhiều lần ta đụng chạm đến Chúa hoặc Chúa đụng chạm đến ta. Ta đụng chạm đến Chúa trong khi đọc Sách Thánh. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta đụng chạm tới Chúa khi ta lãnh nhận các bí tích. Ta đụng chạm đến Chúa khi ta tiếp xúc với tha nhân, đặc biệt những anh em bệnh tật, nghèo túng, bị bỏ rơi. Nhưng những đụng chạm ấy dường như chẳng để lại dấu ấn nào trong ta. Điển hình là khi ta rước Mình Thánh Chúa. Ta trực tiếp đụng đến Chúa. Thế nhưng vì ta đã đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, theo thói quen, thiếu lòng tin, thiếu tình yêu, nên đời sống ta chưa biến đổi. Hôm nay, ta hãy noi gương ông trưởng hội đường và người phụ nữ bị bệnh băng huyết, đến với Chúa bằng một đức tin mãnh liệt và bằng sự khiêm nhường thẳm sâu. Với đức tin và sự khiêm nhường, ta sẽ cảm nghiệm được Chúa. Chỉ cần một lần nếm cảm được tình yêu Chúa, được thấy ánh mắt nhân từ của Chúa, được lắng nghe những lời êm dịu, khích lệ của Chúa, ta sẽ chẳng còn muốn làm gì khác hơn là đền đáp tình yêu thương của Chúa.

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con một đức tin mạnh mẽ và một lòng khiêm nhường thẳm sâu. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

1) Có khi nào bạn được đánh động bởi một câu Lời Chúa không? Có câu nào đã gây nên một âm vang lâu dài trong đời bạn?

2) Việc rước lễ có giúp bạn sống vui tươi và can đảm không? Bạn thấy mình phải chuẩn bị thế nào cho cuộc gặp gỡ này, khi Chúa đụng vào bạn và bạn đụng vào Chúa?

3) Có lần nào bạn đã cảm nghiệm được Chúa đụng chạm vào bạn chưa?

 

 

 

 

 

20. Hệ lụy tất yếu

(Suy niệm của Trầm Thiên Thu)

 

Cái gì cũng có hệ lụy riêng. Có khởi đầu thì có kết thúc; có sinh thì có tử; có tội thì bị phạt; có công thì được thưởng; có nguyên nhân thì có kết quả hoặc hậu quả, gọi là quy luật nhân quả. Và còn nhiều hệ lụy khác. Đó là những hệ lụy tất yếu của cuộc sống.

Thiên Chúa là Chúa của sự sống, Ngài chỉ có những ước muốn thánh thiện, và trao ban mọi điều tốt lành cho mọi người: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1:13). Tại sao? “Vì Ngài đã sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu, mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh, chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại. Âm phủ không thống trị địa cầu” (Kn 1:14). Thật vậy, “đức công chính trường sinh bất tử” (Kn 1:13-15).

Ngài tốt lành nên Ngài cũng muốn chia sẻ những điều đó cho chúng ta: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Ngài dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 2:23). Người ta tạo ra cái kia hay vật nọ, nhưng không ai làm ra cái gì giống mình. Vậy mà Thiên Chúa đã tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, và còn phú cho bản chất thiện hảo: Nhân chi sơ tính bổn thiện. Sinh ra ai cũng tốt lành, “nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2:24a), và chắc chắn rằng “những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2:24b). Chúng ta đã lây nhiễm điều xấu, càng sống lâu càng tội nhiều, thế nên chúng ta luôn được “cảnh báo” bằng sự chết, vậy mà vẫn không ai sợ. Phàm nhân quá bướng bỉnh và ngang tàng. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!

Dù vậy, Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta cải tà quy chánh, trở nên những người thực sự tốt lành: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Nhưng chúng ta vẫn cố chấp, ngang nhiên nghe lời xúi giục của ba thù (xác thịt, thế gian, ma quỷ) mà phạm tội. Chính chúng ta là “đại thù đệ nhất” của chính mình. Vậy mà Thiên Chúa vẫn xót thương, không nỡ làm ngơ, nên Ngài lại sai Con Một Giêsu nhập thể và chịu chết để cứu độ chúng ta. Còn hạnh phúc nào hơn! Vì thế, chúng ta phải thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2).

“Ngài đã kéo chúng ta lên từ âm phủ, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Tác giả Thánh vịnh cảm nghiệm như vậy nên kêu gọi: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Ngài” (Tv 30; Tv 30:5). Không cảm tạ Ngài sao được, vì Ngài quá tốt lành, vượt ngoài tầm hiểu của phàm nhân chúng ta: “Ngài nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:6). Không vì lòng thương xót của Thiên Chúa thì chúng ta đừng hòng được gì. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn sùng Thánh Tâm Ngài van xin Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đã “bật đèn xanh”, thế nên chúng ta đừng cố chấp và cũng đừng ngần ngại cầu xin: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ” (Tv 30:11). Khúc ai ca được Chúa đổi thành vũ điệu hoan ca, và cởi áo sô mà mặc cho chúng ta lễ phục huy hoàng. Vì thế, chúng ta không thể nín lặng mà không ca ngợi Ngài: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Tv 30:13), đồng thời loan truyền hồng ân thương xót ấy cho mọi người cùng nhận biết.

Kinh nghiệm đầy mình, Thánh Phaolô khuyên: “Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại” (2 Cr 8:7). Tốt về lĩnh vực này thì cũng cần tốt về lĩnh vực kia. Có “máu xấu” này cũng dễ “nhiễm” thói xấu khác. Mắc bệnh này rồi sẽ dễ mắc bệnh khác. Người tốt càng thêm tốt, người xấu càng thêm xấu. Cũng là hệ lụy tất yếu vậy. Cuộc sống đã và đang cho thấy ai mê đắm cái gì thì sẽ chết vì chính cái đó. Sinh nghề, tử nghiệp. Để cứu vãn, không gì hơn là phải tin theo Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã có lòng quảng đại vô cùng. Thánh Phaolô giải thích: “Ngài vốn giàu sang phú quý nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8:9). Thật lạ!

Thánh Phaolô nói cặn kẽ hơn: “Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều” (2 Cr 8:13-14), y như lời đã chép: “Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2 Cr 8:15). Đó mới là yêu thương thực sự, yêu thương triệt để, không yêu thương bằng lời nói suông mà bằng cả hành động. Hành động mới đủ sức thuyết phục và “nói” to hơn ngôn ngữ. Thiên Chúa rất thực tế khi Ngài đặt vấn đề: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá?” (Mt 7:9).

Chúa Giêsu thực tế trong từng lời nói, cử chỉ và hành động. Thánh sử Máccô kể rất tỉ mỉ, rõ ràng, dễ tửng tượng ra các diễn biến từng chi tiết: Một lần nọ, Đức Giêsu xuống thuyền trở sang bờ bên kia Biển Hồ. Một đám rất đông tụ lại quanh Ngài. Chợt có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” (Mc 5:23). Chúa Giêsu đang vội, không rảnh, nhưng Ngài không do dự, không chần chừ, mà liền đi theo ông.

Khi đó, đám đông chen lấn đi theo xem sự thể ra sao. Trong đám đông đó có một bà kia bị băng huyết đã 12 năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Bà nghe đồn về Đức Giêsu, bà cố lách qua đám đông, tiến đến phía sau Ngài, và sờ vào áo của Ngài, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu” (Mc 5:28). Lạ thay, máu cầm lại tức khắc, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi ngay chứng băng huyết. Lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Ngài liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” (Mc 5:30).

Nghe Thầy mình hỏi vậy, chắc là các môn đệ nghĩ Thầy mình quá lẩm cẩm và ngây ngô hết sức, nên họ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” (Mc 5:31). Hỏi thế thì… “bó tay”. Nhưng Đức Giêsu vẫn ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó khiến bà này sợ phát run lên vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Biết không thể giấu được, bà đến phủ phục trước mặt Ngài và nói hết sự thật với Ngài. Ngài nhẹ lời: “Này bà, lòng tin của bà đã cứu chữa bà. Bà hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5:34). Mắc chứng nan y mà được khỏi hẳn. Bà ta sướng rơn, sướng như người về từ cõi chết!

Chúa Giêsu luôn đề cao đức tin. Ngài không nói Ngài chữa lành mà chính niềm tin của chúng ta khả dĩ chữa lành chúng ta – cả tâm bệnh và thể bệnh.

Đang lúc đó, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?” (Mc 5:35). Nghe vậy, Đức Giêsu liền trấn an ông trưởng hội đường: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5:36). Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đức tin. Rồi Ngài không cho ai đi theo mình trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan. Đến nhà ông trưởng hội đường, Đức Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Ngài bước vào nhà và bảo họ: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!” (Mc 5:39). Chết mà bảo ngủ. Quái lạ! Ông Giêsu này “tâm thần” chắc! Thế nên người ta xầm xì chế nhạo Ngài.

Ngài bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Ngài vào nơi nó đang nằm. Ngài cầm lấy tay nó và nói: “Ta-li-tha kum”, nghĩa là: “Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!” (Mc 5:41). Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được. Ai nấy đều kinh ngạc sững sờ. Họ câm họng, hết dám xào xáo. Đức Giêsu không trách họ mà chỉ nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy. Ngài còn thực tế đến nỗi bảo người nhà cho con bé ăn.

Lạy Chúa, chúng con thật đắc tội với Ngài ngay từ những ý nghĩ hão huyền của chúng con. Cúi xin Ngài thương xót mà đại lượng ân xá. Xin Chúa mở lòng trí chúng con để chúng con cũng biết sống thực tế như Ngài, biết sẵn sàng hành động theo Ý Ngài và biết cương quyết khước từ những gì trái Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 

 

 

 

 

21. Nhận ra phép lạ mỗi ngày – Radio Veritas Asia

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Ngày 17/9/1961, máy bay chở ông Đavít Hamacon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc, đã ngộ nạn trên không phận nước Congo, Phi Châu. Ông Hamacon không chỉ là người hoạt động cho hòa bình và là một nhà chính trị lỗi lạc, ông còn là một nhà tu đức có chiều sâu. Sau khi ông qua đời, tại căn phòng của ông ở Nữu Ước, người ta đã tìm được tập tài liệu đánh máy, ghi lại những suy tư và cầu nguyện hằng ngày của ông. Trong tập tài liệu này người ta đọc thấy những dòng như sau: “Thiên Chúa sẽ không chết, ngày mà chúng ta không còn tin ở thần linh nào nữa. Nhưng chính chúng ta sẽ chết, ngày nào cuộc sống của chúng ta không còn thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ không ngừng xảy ra, phép lạ mà lý trí chúng ta không biết từ đâu tới”.

Cái chết mà ông Đavít Hamacon nói trên đây chính là cái chết của tinh thần con người. Khi tinh thần con người không còn vượt qua khỏi chính mình để đi vào chiêm niệm, nghĩa là đi vào thế giới ở bên ngoài khả năng nắm bắt của lý trí, thì đó là lúc nó trở nên cằn cỗi và chết dần chết mòn.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đi vào thế giới ấy, thế giới của những câu hỏi “tại sao”, mà lý trí con người không thể lý giải được. Phép lạ một người đàn bà bị băng huyết được chữa lành nhờ chỉ chạm đến áo của Chúa Giêsu, và phép lạ một em bé gái chết được Chúa Giêsu cho sống lại; cả hai phép lạ đều phát xuất từ lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến với Chúa Giêsu xin Ngài tới đặt tay trên con gái của ông; người đàn bà băng huyết tin một cách mãnh liệt nơi sức mạnh phát xuất từ con người Chúa Giêsu. Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được tuyên xưng tỏ tường; nơi người đàn bà băng huyết, niềm tin rụt rè kín đáo. Nhưng dù tỏ tường hay kín đáo, chính lòng tin đã giúp cho phép lạ xảy ra, như Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà: “Lòng tin của con đã cứu chữa con”.

Niềm tin làm cho con người được sống, điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những thành công trong cuộc sống đều nhờ ở niềm tin, nhưng niềm tin tôn giáo thì quan trọng hơn, bởi vì chính sự sống tinh thần và tâm linh mới là điều cần thiết cho con người đạt được thành công. Có tất cả, nhưng thiếu đời sống tâm linh, con người vẫn như sống dở. Sống sung mãn, sống dồi dào, chính là sống nội tâm. Chỉ có một đời sống nội tâm sung mãn mới giúp con người thấy được, cảm nhận được những gì mà giác quan và lý trí không thể đạt được.

Cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho con người cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày ấy.

Nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống chúng ta luôn được thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ triền miên ấy.

 

 

 

 

 

22. Con chiên nhỏ bé, hãy chỗi dậy

(Suy niệm của Peter Feldmeier – Lm. GB. Văn Hào SDB, chuyển ngữ)

 

“Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13)

Trong giáo xứ tôi coi sóc trước đây, có một phụ nữ tên Irish đã trải qua một cơn ác mộng khủng khiếp: Con trai của chị vừa mới chết lúc tuổi đời còn rất trẻ. Chồng của chị cũng đã mất vài năm trước. Khi cậu con trai chết cách đột ngột, tâm hồn chị tan nát, và chị nói rằng trên đời này chẳng còn điều gì tồi tệ hơn thế.

Sau đám tang vài tuần, tôi gặp chị. Chị suy sụp và tuyệt vọng hoàn toàn. Khoảng một tháng sau, tôi không thấy chị đến nhà thờ nữa, và tôi lại phải đến thăm chị. Chị ta bực bội, tâm hồn rối bời và cảm thấy rất bất mãn với chính Thiên Chúa. Chị ta khó chịu và nói với tôi: “Cha xem, tôi đã cho Thiên Chúa rất nhiều. Suốt 50 năm, tuần nào tôi cũng đến nhà thờ, tôi đọc kinh cầu nguyện với Chúa mỗi ngày. Tôi gửi con cái vào học tại các trường công giáo. Thế nhưng, tôi nhận lại được những gì? Đứa con trai tôi đã chết một cách tức tưởi. Đó là điều Thiên Chúa đã tặng cho tôi một cách ác độc. Tôi nói với Chúa rằng sao Ngài lại dã tâm như thế, và tôi hoàn toàn thất vọng về Ngài.”

Lúc đó, có lẽ không cần tôi phải biện minh cho Thiên Chúa để bảo vệ Ngài. Chính Ngài có thể làm điều này. Tôi chỉ thinh lặng lắng nghe và để đồng cảm với nỗi đau của người phụ nữ khốn khổ kia. Nhưng tôi vẫn suy nghĩ mãi một điều: Tại sao Thiên Chúa vẫn để cho cái chết xảy ra? Tại sao Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và con người chúng ta, lại để cho cái chết tự do tung hoành? Cái chết đến với chúng ta mang chở ý nghĩa gì?.. Câu trả lời giản đơn theo khoa học, thì tất cả vật thể đều sẽ tiêu tan hay biến đổi, và thân xác con người cũng không thoát khỏi định luật vật lý đó. Nhưng câu trả lời theo thần học được nhắc tới trong chính bài đọc thứ nhất của phụng vụ hôm nay, trích từ sách Khôn ngoan. Tác giả viết “ Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong… Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường sinh bất tử. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 1,14; 2,23).

Vậy thì cái chết đến từ đâu? Phần cuối của bài đọc hôm nay đưa ra câu trả lời rất rõ ràng: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian, và ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,24). Thánh Phaolô đã đồng hóa quỷ dữ với con rắn mà sách khởi nguyên phác vẽ. Nó chính là căn nguyên gây nên cái chết, hay nói cách khác sự chết là hậu quả của tội Adam (Rm 5,12). Nhưng chúng ta đừng nên phóng tưởng và nghĩ rằng nếu nguyên tổ không sa ngã, thì sự chết đã không xảy ra. Định luật thiên nhiên luôn còn đó và vẫn mãi chi phối thân xác con người. Tác giả sách Khôn ngoan cũng xác nhận điều này, và còn minh giải thêm rằng ngay cả người công chính cũng sẽ phải chết. Thiên Chúa có là Thiên Chúa của sự sống hay không, thì sự chết vẫn luôn phủ trùm trên thân phận mọi người chúng ta.

Nhưng, sách Khôn ngoan xem cái chết của người công chính chỉ như là một khúc dạo đầu ngắn ngủi, đưa dẫn vào giai đoạn phục sinh vinh quang. Đó là lúc chúng ta được nghỉ ngơi an bình trong tay Chúa. Khi ấy, người công chính sẽ sống một cách sung mãn và ngập tràn hạnh phúc như thuở ban đầu lúc mới được tạo thành. “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và chẳng cực hình nào động tới được nữa… Họ đang hưởng an bình. Khi đến giờ được Thiên Chúa viếng thăm, họ sẽ rực sáng như tia lửa… và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời (Kn 3,2.8).

Thánh giáo phụ Irênê đã viết: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người chúng ta được sống”. Thiên Chúa tạo nên sự sống. Ngài luôn muốn chúng ta sống và sống dồi dào, cho dù chính Đức Giêsu đã phải nếm trải khổ đau và kinh qua cái chết. Bài Tin mừng hôm nay cũng gợi mở cho chúng ta chân lý này.

Ông Giairô đã khấn xin Đức Giêsu đến nhà ông để chữa lành cho cô con gái đang ốm nặng sắp chết. Trên đường đi đến nhà ông, một phụ nữ bị bệnh loạn huyết suốt 12 năm đã sờ chạm đến áo của Chúa và bà đã được khỏi bệnh. Rõ ràng, Đấng Thánh của thiên Chúa (Mc 1,24) không bị nhiễm uế khi có người bệnh đụng đến mình, không giống như luật Moise đã viết (Lv 12,4). Ngài nói với người phụ nữ: “Lòng tin của con đã cứu con”. Vào thời điểm đó, cô con gái ông Giairô cũng đã tắt thở và không qua khỏi cơn nguy kịch. Đức Giêsu liền khơi dậy một niềm tin giống như đức tin của người phụ nữ nói ở trên. Ngài đến bên giường, cầm lấy tay đứa bé và nói “Talithakoum”. Marcô sử dụng hạn từ Aram này để nói lên sự thân thiết và lòng thương cảm sâu xa từ sâu tận đáy lòng của Đức Giêsu. “Talithakoum” có nghĩa là “Hỡi con chiên nhỏ bé, hãy trỗi dậy”. Đức Giêsu ám thị rằng Ngài như người chăn chiên nhân lành luôn phủ bóng yêu thương trên tất cả đàn chiên mà Ngài dẫn dắt. Vi mục tử tốt lành ấy muốn các con chiên của mình được sống và sống dồi dào.

Người phụ nữ bị bệnh loạn huyết và cả cô con gái ông Giairô sau này chắc chắn cũng đã chết, giống như tất cả mọi người chúng ta. Điều này xảy ra không phải vì Đức Giêsu đã thất bại trong việc chữa lành, hay Ngài chỉ tạm đình hoãn cái chết nơi cô gái, và cái chết là điều chắc chắn sẽ đến, không ai có thể trốn thoát. Nhìn sâu hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cả hai phép lạ trên nhằm khải thị một chân lý. Đó là Đức Giêsu muốn vén mở cho chúng ta một chân trời mới, một hoạch định mới trong vương quốc cánh chung sau cùng. Trong vương quốc đó, chúng ta sẽ được sống và sẽ sống mãi vì được kết hợp nên một với Thiên Chúa, đấng hằng sống và không bao giờ chết.

Những phép lạ được trình thuật hôm nay công bố cho dân chúng thời xưa cũng như cho chúng ta ngày hôm nay biết rằng Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong những bầm dập và khổ đau của phận người. Ngài sánh bước cùng chúng ta với một con tim thương cảm sâu xa. Ngài bảo đảm cho chúng ta rằng cái chết không phải là một dấu chấm kết tận, kết thúc lịch sử cuộc sống con người một cách vô nghĩa. Bởi vì, Thiên Chúa mãi luôn là Thiên Chúa của sự sống. Trong Ngài, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết.

 

 

 

home Mục lục Lưu trữ