Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 47
Tổng truy cập: 1363967
SỐNG ĐỨC ÁI
SỐNG ĐỨC ÁI Lm Giuse Tạ Duy Tuyền
Một ngày nọ, Mẹ Têrêsa nhận được 15 đôla do một người bị bất toại đã 20 năm gửi tặng. Ông ta bị toàn thân bất toại chỉ còn bàn tay phải là có thể cử động được. Ông sống trong cô đơn và chỉ có một người bạn duy nhất là điếu thuốc lá.
Hôm ấy, Mẹ Têrêsa đến thăm, an ủi ông và ông đã nói với Mẹ:
- Thưa Mẹ, con đã ngừng hút thuốc từ một tuần nay, và đây là số tiền con dành dụm được. Con xin biếu Mẹ để Mẹ mua cơm bánh cho những kẻ nghèo khó.
Thật quý hóa cho một tâm hồn cao thượng. Biết tích góp từ những đồng tiền ít ỏi của mình để trao tặng tha nhân. Người ta nói rằng: trên đời này, không ai nghèo đến nỗi không có gì để chia sẻ với người khác và cũng không ai giàu đến độ không thể nhận thêm được cái gì của người khác! Với số tiền nhỏ bé 15 đôla kia, Mẹ Têrêsa đã mua cơm bánh cho người nghèo đói, và cả hai -người bất toại trong việc cho đi và người nghèo đói trong việc nhận lãnh- đều cảm nhận được một niềm vui sâu xa. Có lẽ nhiều lần chúng ta đã dễ dàng quên đi một sự thật căn bản này là: mỗi một dịp chia sẻ với người khác tức là một lần đón nhận niềm vui của một tâm hồn biết cho đi. Thế nhưng, chúng ta vẫn để cuộc đời trôi qua trong tẻ nhạt vì lạnh vắng tình người.
Thực ra, giá trị cuộc đời con người nằm ở chỗ có khả năng trao ban. Người càng trao ban nhiều thì càng có giá trị với cộng đoàn, với xã hội. Ai không biết trao ban sẽ trở thành vô ích với xã hội loài người. Cho dù họ có lắm tiền nhiều của hay chức vọng cao sang thì cũng vô giá trị với anh em nếu không biết sống trao ban. Trao ban còn cho ta niềm vui của cuộc sống khi nhận ra mình thật có ích với tha nhân. Chúng ta có thể trao ban cho tha nhân tiền tài, tình yêu, sự chia sẻ, lòng cảm thông. Chúng ta có thể trao ban lời nói và hành động ngay cả ánh mắt của sự đồng cảm yêu thương. Trao ban sẽ tạo cho ta mối giây liên hệ gắn kết với tha nhân, cộng đoàn. Trao ban sẽ tạo cho ta niềm vui vì thấy người khác vui nhờ sự chia sẻ của chúng ta.
Đây là niềm vui của Giakêu khi ông biết cho đi. Có lẽ cuộc đời ông trước kia chỉ đón nhận, chỉ biết vun quén, có khi vun quén bằng những hành vi bất chính. Ông có tiền và rất giầu. Ông có kho lẫm tích trữ rất nhiều nhưng ông không có niềm vui tâm hồn. Ông biết rằng khi trao ban mới có niềm vui nhưng ông không tìm được lý do để trao ban. Cho tới khi ông gặp Thầy Giêsu, ông mới mạnh dạn làm cái điều mà mình hằng thổn thức, hằng ước mong. Thầy Giêsu là động lực để ông dám trao ban cả một khối gia tài mà trước đây ông vun quén, ông xây kho lẫm để chất cho đầy. Khi có Thầy Giêsu, ông chỉ muốn dùng tài sản của mình để đền bù cho những ngày tháng mình quá ích kỷ. Ông muốn làm việc nghĩa. Ông sẵn sàng làm tất cả để chuộc lại lỗi lầm. Giờ đây ông biết rằng: tiền bạc chẳng mua được hạnh phúc và càng không mua được Nước trời.
Cuộc đời quanh ta cũng có biết bao cơ hội để ta trao ban nhưng dường như chúng ta vẫn để cơ hội ấy lặng lẽ trôi qua. Chúng ta vẫn sợ cho đi mình sẽ thiệt thòi. Chúng ta vẫn ích kỷ không dám cho đi vì sợ người ta hơn mình. Chúng ta vẫn cố nắm giữ cho mình mà ít nghĩ tới việc trao ban. Thế nên, cuộc đời chúng ta vẫn lặng lẽ trôi qua trong âm thầm tẻ nhạt.
Ước gì mỗi lần chúng ta đến với Chúa sẽ cho chúng ta cơ hội để trao ban. Có Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc vượt trội hơn mọi danh vọng, vật chất trần gian. Có Chúa là lẽ sống sẽ giúp chúng ta làm một điều gì đó cho Chúa vui lòng như Giakêu đã thành tâm sám hối chuộc lại lỗi lầm. Ông đã bố thí, đã trao ban nhờ đó ông ngập tràn niềm vui trong tâm hồn. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Chúa biết sống cho đi mà không tính toán, cho đi cả mạng sống mình vì hạnh phúc tha nhân để nhờ đó chúng ta được sống mãi trong tình thương của Chúa. Amen.
33. Viếng thăm nhau – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II được coi là sứ giả của Thiên Chúa, và là con người của muôn người. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đã thực hiện trên 100 chuyến công du đến 129 quốc gia để gặp gỡ và chung sống với đủ mọi thành phần trong xã hội, đủ mọi dân tộc trên khắp Năm Châu. Dù tuổi già sức yếu, hai lần té gãy xương, thậm chí cuộc ám sát năm 1981 đã khiến ngài từng ngã qụy vì viên đạn bắn gần vào tim, nhưng tất cả vẫn không làm chùn bước chân của người mục tử đi đến với đoàn chiên và tìm chiên lạc trở về.
Ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm lịch sử, một chuyến viếng thăm đã chinh phục được toàn thể luơng tâm nhân loại. Đó là khi Ngài dừng chân bên bức tường Than Khóc. Tại đây, ngài lập lại lời xin lỗi cho cả một quá khứ hiểu lầm đầy đau thương. Đây quả thực là một cuộc viếng thăm đã san bằng con đường gồ ghề gai góc và mở ra một chân trời mới.
Chân trời của sự tha thứ lẫn nhau.
Chân trời của sự tin tưởng lẫn nhau
Chân trời của những chân lý chung
Chân trời của những trách nhiệm chung
Và chân trời của sự cầu nguyện chung.
Đức thánh Cha Đức Bênêdicto 16 cũng ra đi, để đến với muôn dân. Đặc biệt trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 11/2006, ngài đã thực hiện một chuyến viếng thăm đầy mạo hiểm theo cái nhìn người đời, nhưng là bước đi đầy lòng cậy trông và phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Ngài đã đánh đổ mọi cái nhìn lệch lạc về ngài khi ôm chúc bình an với Đức Thượng phụ Bathôlômêô I, và khi ngài bước vào Đền Thờ Xanh trong sự kính trọng và đầy thiện cảm của anh em Hồi Giáo. Chính chuyến tông du có tính lịch sử này, giới truyền thông trên toàn thế giới cho rằng ngài đã đóng góp: “cho việc xây dựng một thế giới có khả năng nhận ra những chân lý chung trong tình huynh đệ và đối thoại, và không chiều theo đối kháng hay đầu hàng quyền lực sự chết”.
Trong cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu luôn đi đến với mọi người. Mỗi bước đi của Ngài luôn để lại dấu ấn đầy yêu thương cho những ai được tiếp xúc với Ngài. Hôm nay, Giakêu đã được Chúa viếng thăm. Đây là một hồng phúc dành cho Giakêu. Gia Kêu không ngờ mình lại được Thiên Chúa viếng thăm. Những người Do Thái năm xưa càng không ngờ Thầy Giêsu, một vị Thầy đáng kính, một người thánh thiện lại ghé thăm kẻ tội lỗi. Nhưng đây lại là đường lối của Chúa. Chúa đã dùng cách này để mang tình yêu đổi lấy cuộc đời Gia Kêu. Chúa dùng tình yêu để cải hoá người tội lỗi. Chúa đến để tìm kiếm, để cứu chữa những gì đã mất. Chính trong chuyến viếng thăm lịch sử này, Chúa đã đổi đời Gia Kêu để từ đây ông không còn tham lam quyền bính hay tham lam tiền bạc. Gia Kêu đã sám hối và chuộc lại lỗi lầm. Ông đã cho đi những của phù vân. Ông đã biết dùng của cải đời này mà mua lấy bạn hữu Nước Trời mai sau. Ông còn bỏ tiền để đền bù những việc lỗi công bằng bác ái mà ông đã gây ra. Ông đã tìm được sự bình an của tâm hồn sau một lần được Chúa viếng thăm.
Con đường đến với anh em phải là con đường của các môn đệ Thầy Giêsu. Hãy ra khỏi chính mình để đến với anh em. Hãy tìm đến các con chiên lạc mà đưa về ràn. Hãy hội nhập với đời để đem đạo vào đời. Chúa đã đi vào đời để gieo chân lý, niềm tin và hy vọng. Là môn đệ của Chúa cũng cần bước theo dấu chân của Thầy Giêsu. Dấu chân luôn rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Dấu chân của người môn đệ đi đến đâu, sẽ để lại cho đời một màu xanh của yêu thương và hạnh phúc bình an. Ước mong mỗi người chúng ta hãy can đảm vượt qua những trở ngại từ bản thân, từ môi trường để dấn thân cho Tin mừng của Chúa được đến với muôn người. Hãy xoá mọi thành kiến xấu nơi anh em để có thể hoà hợp với anh em. Hãy xoá bỏ mọi ngăn cách giầu nghèo hay địa vị cao thấp mà sống hoà đồng với anh em. Hãy xoá bỏ mọi hiềm khích hận thù để sống bác ái yêu thương nhau ngõ hầu làm sáng danh Chúa qua những dấu chỉ của tình yêu thương.
Nguyện xin Chúa là Đấng đã viếng thăm Giakêu xin cũng lưu lại nơi cuộc đời chúng con để biến đổi chúng con thành những tín hữu biết sống công bình bác ái và dấn thân hết mình phục vụ tha nhân. Amen.
34.Dám nhận cái sai để sửa
(Suy niệm của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
Xã hội hôm nay sao kiếm được con người tử tế thật khó! Người tử tế biết nhận cái sai để sửa, biết nhận lỗi lầm mình mà ăn năn hầu sống đẹp hơn. Trái lại, người không tử tế dầu biết sai nhưng vẫn cố chấp, vẫn tìm cách bào chữa bản thân và không bao giờ nhận tội về mình.
Có một câu chuyện vui về Người Tử Tế như sau:
“Ði mua bao thuốc lá 20k đưa chủ tiệm 50k, được thối lại 40k, đút túi bỏ về. Anh chủ tiệm chạy theo kêu:
- Chú em, chú để quên không lấy bao thuốc lá nè.
Trên thế gian vẫn còn nhiều người tử tế, tôi nghĩ mình thật tồi tệ. Xúc động rút tờ 10k ra đưa lại cho anh:
- Lúc nãy anh trả dư em 10k này!
Anh chủ tiệm cũng cảm động:
- Thôi, chú đưa lại anh bao thuốc lá, anh đổi cho bao thuốc lá thật.
Hành động của anh lại làm tôi mủi lòng. Trên thế gian sao lại có người cũng thật thà như mình. Tôi tỏ vẻ hận:
- Anh đưa tờ 50k hồi nãy cho em, em đổi cho anh đồng tiền thật.
Cầm tờ giấy bạc, anh chủ tiệm rơm rớm nước mắt:
- Thôi chú đưa anh tờ 10 ngàn lúc nãy, anh đổi cho tờ thật.
Híc! Người ta tốt thế mà mình tồi tệ quá... Tôi rụt rè móc cái điện thoại ra:
- Cái này của anh, lúc nãy em lỡ tay... xin trả lại.
Anh chủ tiệm cảm động, tay run run... Anh rút ra một cái ví:
- Cái này của em, anh cũng xin trả lại em.
Dầu là người xấu nhưng thấy sai dám nhận, dám sửa vẫn đáng kính trọng biết bao. Xét cho cùng “nhân vô thập toàn” ai mà chẳng có lúc sai nhưng chỉ đáng xấu hổ là không dám nhận cái sai mà sửa, đôi khi còn “vừa ăn cướp vừa la làng” hay “cả vú lấp miệng em” để che lấp tội lỗi của mình.
Hôm nay tin mừng cho ta thấy hình ảnh thật đẹp của Giakêu. Ông đã từng lún sâu trong tiền bạc. Ông đã từng tham lam vô độ đến nỗi chỉ lo vun quén cho bản thân và lỗi công bình với tha nhân. Nét đẹp của ông là khi gặp được Chúa ông đã thay đổi cái nhìn về cuộc sống. Ông không coi của cải là lẽ sống. Ông không tìm thỏa mãn nơi tiền tài. Ông dám nhìn nhận cái sai mà sửa. Ông nhìn nhận mình đã tham lam nên dùng nửa số tiền để đền bù. Ông đền bù cả lãi lẫn lời lên tới gấp 4 lần. Ông còn tiến tới đức ái hoàn hảo là làm việc phúc đức cho người nghèo với mong phần nào đền bù tội lỗi quá khứ của mình.
Xem ra người tử tế phải là người thấy sai là sửa. Người tử tế không cố chấp ở lì trong tội. Người tử tế dám nhận lỗi, dám chuộc lỗi và làm lại cuộc đời. Thực ra, không có cuộc trở về nào là quá muộn, chỉ cần quay trở về thì chúng ta đã bước ra ánh sáng và khuôn mặt chúng ta sẽ đẹp trước mặt Chúa và tha nhân.
Xin Chúa giúp chúng ta biết ăn năn sám hối lỗi lầm của mình, biết can đảm chuộc lại lỗi lầm bằng sự đền bù, bằng sự dấn thân sống có ích cho cộng đoàn và xã hội. Xin đừng vì cố chấp mà đánh mất đi cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng luôn trỗi dạy sau những lần vấp ngã để kiện toàn con người mình mỗi ngày một tốt hơn. Amen.
35. Tầm cao của Phúc Âm
(Suy niệm của Achille Degeest)
Giakêu là một người giàu có. Sự giàu có của ông có thể khiến cho người ta có lý do chính đáng nghi ngờ ông tham nhũng. Thật vậy, phụ trách thu thuế cho người La mã chiếm đóng xứ sở mình, ông trích ra những khoản đáng kể làm của riêng, lấy ở những số tiền thuế do ông quản lý. Vậy mà Đức Giêsu đã không nề hà đến thăm, lưu lại nhà ông, đem đến cho ông ơn cứu rỗi. Đoạn kết bài tường thuật nhấn vào ý nghĩa sứ vụ của Chúa là đến cứu rỗi nhân loại. Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Ơn cứu rỗi đối với ông Giakêu phải chăng là bố thí rộng rãi và hoàn trả gấp bội số tiền phù thu lạm bổ? Chúng ta không nên tách riêng đoạn Phúc Âm hôm nay với giáo huấn tổng quát của Đức Kitô về của cải thế gian. Mọi của cải thế gian, mọi sự giàu có, bất lương hay lương thiện cũng vậy, đều có xu thế chiếm đoạt tâm hồn, đều được chứa đựng hiểm họa gây thiệt hại cho kẻ khác. Muốn được cứu rỗi thì phải cố lên tới tầm mức Nước Thiên Chúa, ở độ cao ấy tâm hồn tự giải thoát khỏi sự chi phối của tiền bạc để có thể thờ phụng Thiên Chúa và đối xử với đồng loại bằng một tình huynh đệ thực tế và công bằng. Tình thương công bằng cho đồng loại, ưu tiên tuyệt đối cho Thiên Chúa, đó là tầm cao ơn cứu rỗi của Phúc Âm. Thế mới biết, những viễn ảnh muốn nhìn Phúc Âm như một hệ thống bình đẳng đáng ngờ trong hưởng thụ của cải đời này, quả là một lối nhìn thiển cận biết chừng nào. Phúc âm trong thực tế chủ trương công bằng xã hội, chính là vì Phúc Âm nhắm một mục tiêu vượt xa đời này vô cùng. Ơn cứu rỗi của Phúc Âm ở tầm cao của đức tin và trong trật tự đức tin. Do đó có hai câu hỏi:
1) Ai dám tự phụ hoàn toàn không mắc cái “tội” của ông Giakêu?
Kitô hữu nào thật sự giàu hoặc thèm muốn giàu mà không cần lo giải thoát tâm hồn mình khỏi sức hấp dẫn của tiền bạc? Tới đây, chúng ta phải đề phòng kẻo rơi vào một ảo tưởng. Sống trong hoàn cảnh đầy đủ, người ta có thể ngay lòng xác nhận mình không bận tâm về của cải thế gian. Nhưng trong hoàn cảnh may mắn ấy, người ta có đặt ưu tiên cho việc thờ phụng Thiên Chúa không? Vì ở đây không chỉ là giá trị của sự từ bỏ những điều giam hãm tâm hồn, ở đây là giá trị của sự thờ phụng và kính mến Thiên Chúa hằng sống.
2) Đức Giêsu có ghét bỏ Giakêu kẻ giàu có không?
Chúng ta biết rõ Đức Giêsu nghĩ gì về sự giàu có. Thế mà Người đối thoại với những kẻ giàu. Chúa đứng về phía những kẻ hèn mọn, nghèo khổ, Chúa bênh vực quyền lợi họ, nhưng không lấy đó làm vũ khí chống kẻ giàu có. Chúa không hô hào bần cùng hóa nhà giàu và tư hữu hóa kẻ nghèo. Tất nhiên Đức Giêsu tiếp lời các ngôn sứ giảng dạy về sự Thiên Chúa đòi hỏi gắt gao phải đối xử công bằng. Nhưng Đức Giêsu đi xa hơn nữa, Người nhắm vấn đề cơ bản. ‘Người này cũng là con cái Abraham’, Chúa nói như thế về ông Giakêu ăn năn trở lại. Vậy thì, con cái Abraham, nghĩa là gì? Là đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và tin cậy sắt đá vào Thiên Chúa. Dòng dõi thiêng liêng Abraham tập hợp và liên kết chặt chẽ với nhau trong niềm tin vào Đức Kitô. Kẻ nào thành thật sống niềm tin ấy thì tìm được thái độ thích đáng là không gắn bó thiết tha với sự giàu có, giàu có thật sự hoặc giàu có trong mơ ước thèm khát cũng vậy.
36. Hãy thương xót như Cha trên trời
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
Phụng vụ Lời Chúa tuần này lại vang lên như tiếng chuông nhắc bảo chúng ta về tình yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, đồng thời mời gọi ta thực thi lòng thương xót.
Chúa thương xót mọi loài, và yêu thương mọi tạo vật (x.Kn 11,21-26). Thương xót đến đô “nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người …không ghét bỏ bất cứ vật gì Chúa tác thành” (Kn 11, 23). Lòng thương xót ấy được cụ thể hóa nơi hành động của Chúa Giêsu đối với tội nhân và những người cùng khổ, Ðấng đã khẳng định rằng Người đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng để kêu gọi những người tội lỗi (x. Lc 5,32). Trình thuật về cuộc hoán cải của ông Giakêu trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay là một bằng chứng (x. Lc 19, 1-10).
Giakêu, người thấp bé. Đây không phải là một chuyện nhỏ, nhưng là một nỗi đau đối với ông. Trong trí ông luôn mang trong mình sự ảm ảnh mình bị chế giễu và loại trừ, ông là người đau khổ. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì để trả miếng : thậm chí trở thành người thu thuế cho ngoại bang. Đây là nghề không lành mạnh, dễ bị loại ra khỏi đời sống tôn giáo và xã hội, vì thông đồng với người Rôma, kẻ chiếm đóng và bóc lột đồng bào. Nhưng điều đó không quan trọng đối với ông, ông biết, ông có thói quen bị loại trừ. Trở thành một viên thu thuế quyền thế giàu có. Giakêu, như những người khác, đã thu về một khoản tiền lớn từ bàn thu thuế, nhưng sự yêu mến tiền bạc không phải là động lực chính của ông, ông muốn có được sức mạnh trên những kẻ coi thường ông. Vì thế, ông xa cách họ, tránh xa các cuộc tấn công của họ, và ở trên họ.
Nhưng điều trên không làm cho Giakêu chìm vào bóng tối. Con người biết tính độc ác đích thực của mình. Trong sâu thẳm của coi lòng, có cái gì đó lợi hơn : khát khao Thiên Chúa. Giakêu là người con của lời hứa và Thiên Chúa đã không quên ông. Thế là, Chúa Giêsu rảo khắp các ngả đường, giảng dạy trong hội đường. Lời giảng dạy của Chúa Giêsu thấu đến tai Giakêu như cá gặp nước, củi khô gặp lửa. Người đã nhóm lên trong lòng Giakêu ngọn lửa không hề bị dập tắt từ Thiên Chúa. Giakêu, kẻ thu thuế đã nghe nói về các phép lạ của Đấng Tiên Tri, và rằng Chúa Giêsu không bao giờ từ chối những người tội lỗi. Ông chộp lấy cớ hội, quyết định tiến lại gần Chúa Giêsu.
Để đến được với Chúa Giêsu không phải là dễ, ông gặp phải sự cản trở của bản thân vì thấp bé, của đám đông. Họ sẽ nhận ra và lại chế giễu ông thấp bé, quyền lực, giàu có, bóc lột đồng bào. Họ sẽ khinh thường ông, làm cho ông xấu hổ, báo thù khơi dậy báo thù. Nhưng Giakêu không bỏ lỡ cơ hội, ông sẽ thấy Chúa Giêsu đang đến gần, không gì có thể cản trở ông được.
Vì thế, ông trèo lên cây, ẩn mình trong những tán lá để xem Chúa Giêsu mà không bị ai nhìn thấy, ông tìm cách tiếp cận, với hy vọng những tán lá sẽ bảo vệ ông khỏi đám đông. Nhưng Chúa Giêsu đi ngang qua. Người tiến lại gần, ngước mắt nhìn ông và gọi “Giakêu”. Giakêu có nghĩa là “Chúa nhớ lại”. Thiên Chúa nhớ đến kẻ yếu người nghèo, với lòng thương xót “Giakêu, hãy xuống mau” (Lc 19,5).
Cố gắng của con người xem ra vô dụng, khi dùng cả sức mạnh của mình để vươn lên tới Chúa, tới Trời : “các ngươi sẽ nên như các thần” con rắn cám dỗ Ađam như thế. Giakêu khi ở trên cao, ông khám phá ra rằng để có được điều ông tìm kiếm, ông phải đi xuống. Thiên Chúa đã hạ mình xuống với con người. Thiên Chúa đã trở nên thấp và nhỏ bé, ở dưới gốc cây. Giakêu vui sướng thấy Chúa.
Chúa Giêsu đã giao hòa Giakêu với Thiên Chúa, và với mọi người. Tiếng gọi của Chúa Giêsu đặt Giakêu vào giữa cộng đoàn, khiến ông quên đi sự báo thù, mở lòng ra để đón nhận ơn tha thứ, niềm vui này Giakêu chia sẻ với anh em. Chúng ta đừng có nhầm : Giakêu không vứt bỏ tiền vì đã gặp được Chúa, ông không còn thích nữa. Chính sự dâng cúng này, Giakêu cho thấy ông không còn cần quyền lực để bảo vệ mình giữa mọi người nữa. Cuối cùng, ông đã nhận ra họ là anh em. Trước kia ông sống trong cô đơn, nay ông khám phá ra niềm vui của một tình yêu sâu thẳm vô điều kiện ở nơi Chúa Giêsu. Vì vậy, hạnh phúc của ông là đáp lại anh em mình, bằng cách chia sẻ tài sản của ông, mở ra một mối quan hệ mới với họ, dựa trên công lý.
Trong một văn bản khác của Tin Mừng, Chúa Giêsu khẳng định rằng, người giầu rất khó vào Nước Trời (x. Mt 19,23). Trong trường hợp của ông Giakêu, điều xem ra không thể, lại được thực hiện: thánh Girolamo giải thích rằng “ông Giakêu đã cho đi sự giầu có của ông và lập tức thay thế nó bằng sự giầu có của nước trời” (Bài giảng 83,3). Và thánh Massimo thành Torino nói thêm: “Ðối với những người dại dột, của cải giầu sang dưỡng nuôi sự bất chính, trái lại đối với những người khôn ngoan chúng trợ giúp nhân đức; cơ may cứu rỗi được cống hiến cho những người khôn ngoan, còn đối với những người dại dột sự vấp ngã khiến cho họ hư mất” (Bài giảng, 95).
Chúa Giêsu kết thúc: “Con người đến tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,10), “điều đã hư mất” chứ không phải là “kẻ bị mất”. Đây không phải là Giakêu đã mất. Khi cô lập với anh em mình, ông đã mất niềm hy vọng tìm thấy Thiên Chúa. Chúa Giêsu mang lại cho ông niềm hy vọng khi nói với ông : “Giakêu, hãy xuống mau!”.
Thiên Chúa không loại trừ ai hết, người nghèo cũng như người giầu. Thiên Chúa thấy nơi mỗi người một linh hồn cần cứu vớt. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta : hãy noi gương Chúa và thực thi lòng thương xót như Cha trên trên! Hôm nay ơn cứu độ của Chúa đến với chúng ta ; “Hôm nay, Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Mỗi ngày, hãy đến với Chúa Giêsu, là chủ nhà của tâm hồn chúng ta và là Thầy của đời ta. Amen.
37. Chúng ta thì giống như Giakêu
(Trích dẫn từ ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Một số người khiếp hãi về cách cư xử của Chúa Giêsu. Bài Phúc Âm ngày hôm nay cho chúng ta thấy những người bàng quan đã không bằng lòng với chú ý đặc biệt mà Chúa Giêsu đã dành cho Giakêu. Bài Phúc Âm ngày hôm nay cho chúng ta thấy những người bàng quan đã không bằng lòng với chú ý đặc biệt mà Chúa Giêsu đã dành cho Giakêu, người bị đóng nhãn như một người tội lỗi. Thật ra họ đã bị sốc và họ phải xì xào bàn tán chống lại Chúa Giêsu.
Mặc dầu không được chuẩn nhận từ đám đông, Giakêu đã làm một quyết định đúng. Ông nhận thấy rằng Chúa Giêsu, Đấng có thể làm cho ông trở lại đường ngay chính bằng cuộc sống của mình. Ông hiểu rằng, Chúa Giêsu có đầy đủ tình yêu và lòng nhân từ. Giakêu cũng đã xác định được, ông ta sẽ không đi đến với bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì có thể ngăn cản ông gặp gỡ Chúa Giêsu, không phải sự bất bình của những kẻ phán xét ông không có giá trị gì, và hình hài nhỏ bé của ông cũng không thể ngăn cách ông thấy Chúa Giêsu từ trên đầu của đám đông.
Tôi tưởng tượng ra Giakêu giống như một đứa trẻ khi cha mẹ chúng đang đi ngang qua. Ông bị những người trưởng thành che khuất tầm nhìn. Ông đã nhảy lên nhảy xuống nhưng vẫn không thể thấy những gì đang xảy ra. Giakêu biết rằng không một người nào giúp ông nhưng ông có một ý tưởng để tự giúp mình. Ông đã chạy tới phía trước để trèo lên một cây vả và ở đó ông có thể thấy Chúa Giêsu, khi ở trên đám đông ông cố gắng nín thở để quan sát một cách cẩn thận, nhưng sự kinh ngạc của ông thì không phải ông chỉ thấy có Chúa Giêsu nhưng ông đã thật sự nghe Ngài nói. Chúa Giêsu đã gọi đích danh tên ông, Giakêu đã ngạc nhiên làm sao Chúa Giêsu biết ông là ai. Có phải Chúa Giêsu đã nghe về những tội lỗi khủng khiếp của ông không? Một người nào đó đã chỉ ông cho Chúa Giêsu phải không? Tiếp đó, ông nhận ra những gì Chúa Giêsu đang nói: “Giakêu, hãy xuống nhanh lên, Ta sẽ lưu lại nhà ngươi hôm nay”. Ông vội vàng trèo xuống khi biết rằng ông đang ở trên cây và ông đã hộ tống Chúa Giêsu đến nhà ông. Ông hứa sẽ thống hối, sẽ thay đổi để theo những lời giáo huấn của Chúa Giêsu, đó là một ngày hạnh phúc trong đời ông.
Những gì Chúa Giêsu đã làm cho Giakêu, nay Ngài cũng làm cho chúng ta. Ngài đã bước vào trong thế giới của chúng ta, thế giới mà sự thật là nhà của người tội lỗi. Chúng ta đã được chúc phúc bằng cách cư xử bất ngờ của Con Thiên Chúa. Cho dù những người khác có thấy đó là gương mù hay không, chúng ta phải làm một quyết định đúng là tìm kiếm Chúa Giêsu, nâng tầm nhìn của chúng ta lên trên những người loại bỏ Chúa Giêsu hoặc nhìn Giáo Hội một cách khinh miệt. Với đôi mắt của đức tin, chúng ta tháy Chúa Giêsu như là Đấng cứu độ của chúng ta, và với đôi tai đức tin chúng ta nghe Ngài nói với chúng ta. Vào ngày chúng ta chịu phép rửa Ngài đã gọi tên chúng ta, Ngài đã biết chúng ta là ai bởi vì Cha Ngài là Đấng Sáng Tạo chúng ta, đã chỉ định chúng ta cho Ngài. Chúng ta đã trở thành con cái của Thiên Chúa.
Trở lại vấn đề, Chúa Giêsu đã không trở thành người khách của chúng ta như Ngài đã là khách của Giakêu, nhưng chúng ta đã trở thành khách của Người. Phép rửa đã mở ra cho chúng ta cánh cửa vào nhà Người là Giáo Hội, nơi mà Chúa Giêsu, chủ của chúng ta đang mời gọi chúng ta tới bàn tiệc thánh, là Thân Mình và Máu Người trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta có một đặc ân kỳ diệu vào mỗi ngày Chúa Nhật và mọi ngày nếu chúng ta muốn.
Chúa Giêsu trông đợi chúng ta sẽ thay đổi bất cứ những gì phải xếp đặt lại để theo giáo huấn của Ngài, như Giakêu đã làm. Vào lúc kết Thánh Lễ, chúng ta đã nghe nói: “Hãy đi trong bình an, để yêu thương và phục vụ Thiên Chúa”. Đó là lời hứa của chúng ta trung thành với ý muốn của Thiên Chúa.
Chúng ta không bị sốc bởi cách cư xử của Chúa Giêsu, chúng ta phải sung sướng nghĩ rằng Ngài đã đến để tìm kiếm chúng ta và cứu thoát những gì đã hư mất. Giống như Giakêu chúng ta phải là những kẻ được chúc phúc bởi tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân từ của Người.
38.Tìm kiếm và cứu thoát
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Chúa Giêsu gây ngỡ ngàng. Ngài không hành động như mọi người. Ngài luôn vượt biên giới của dư luận.
Hôm nay, câu chuyện ông Da-kêu là một hành động gây ngỡ ngàng của Chúa Giêsu.
Ngài vào thành Giê-ri-khô, một thành phố lớn thứ ba sau Giê-ru-sa-lem và Ca-phac-na-um. Đám đông đang chen nhau theo Ngài. Trong đám đông đó, một người vì “thấp bé” “nhỏ con”, hay mập mà lùn? không thể thấy Ngài, ông Da-kêu, trưởng phòng thuế của thành phố, ông ước mong xem thấy Chúa Giê-su như thế nào. Ước muốn mãnh liệt đến độ ông dùng tất cả mọi phương tiện có thể để đạt ý muốn. Ông trèo lên một cây bên vệ đường, và hy vọng sẽ thấy được Chúa Giêsu vì Ngài đang đi về hướng đó. Một ông trưởng phòng thuế của thành phố mà trèo trên một nhánh cây! Chuyện lạ! Người ta sẽ cười ngạo ông, nhưng bất kể mọi người đang ngạc nhiên nhìn ông, ông vẫn trèo… Ngồi trên nhánh cây, chờ đợi…
Và ngạc nhiên biết bao! Ông Giêsu đi đến gốc cây, dừng lại, ngước mắt lên nhìn ông Da-kêu… Da-kêu mãn nguyện vì ông đã nhìn thấy được người ông đang mong nhìn thấy. Nhưng lạ thay! Ông Giêsu dừng lại, ngước mắt lên nhìn ông và bảo: “Anh Da-kêu, xuống mau, hôm nay tôi phải đến ở lại nhà ông”. Thánh Luca chỉ nói đơn sơ: ông Da-kêu mừng rỡ đón rước Người.
Ai có thể diễn tả được niềm vui và niềm hãnh diện của Da-kêu!
Hành động của Chúa Giêsu gây ngỡ ngàng… và nhiều người lẩm bẩm: ông ấy đến trú ngụ tại nhà một người tội lỗi!
Tại sao Chúa Giêsu lại “xin” trọ tại nhà ông Da-kêu? Một mầu nhiệm! nhưng chúng ta thấy rằng có lẽ Chúa Giêsu đã biết rõ tâm hồn ông ấy.
Biết bao nhiêu người đã mong tìm Chúa Giêsu, như vua Hê-rô-đê, ông “đã từ lâu muốn gặp được Người bởi đã từng nghe nói về Người, cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ…” (Lc 23,8).
Chúa Giêsu hỏi toán quân đến bắt Người: “Các ngươi tìm ai?”
Họ đáp: “Tìm ông Giêsu Nadaret.” (Ga 18,4-5).
Ông Da-kêu cũng tìm Chúa…
Chúng ta cũng tìm Chúa…
Sự khác biệt như thế nào?
Vào trọ nhà một người như ông Da-kêu, là một điều cấm kỵ đối với người Do Thái. Ông là một người thu thuế, và là trưởng phòng thu thuế, tức là một người tội lỗi công khai, làm việc cho ngoại bang, liên hệ thường xuyên với người ngoại (là Rôma). Người thu thuế cũng là một tay bóc lột đồng bào mình, làm giàu trên xương máu của đồng bào mình, vì họ có quyền thu thuế tùy theo ý muốn miễn là nộp đủ số tiền đã ấn định cho người Rôma.
Nhưng chúng ta thấy Chúa Giêsu không đặt vấn đề gì cả. Đối với Ngài, “Ngài đến để tìm và cứu vớt những gì đã hư mất” (Lc19,10). Ngài vượt ranh giới của những điều cấm kỵ… Hơn nữa, ông Da-kêu là một “đại gia”, Chúa Giêsu có thể bị mang tiếng là lui tới với bọn nhà giàu. Ngài vẫn hiểu điều đó, nhưng đó không phải là một điều gì đáng ngại.
Ông Da-kêu đã không ngại bị người ta chê cười. Chúa Giê-su cũng không ngại dư luận. Hành động của Chúa Giêsu đã đáp lại sự mong mỏi của Da-kêu.
Chúng ta làm sao hiểu được niềm vui của Da-kêu! Ông chỉ mong nhìn thấy Chúa Giêsu mà thôi, nhưng giờ đây Ngài là thượng khách của gia đình ông! Niềm vui của Da-kêu là được đón tiếp người mà ông mong mỏi nhìn thấy. Niềm vui này sẽ được tiếp nối bằng một niềm vui sâu đậm hơn, sung mãn hơn khi ông chấp nhận từ bỏ tất cả để sống một nếp sống mới.
Niềm vui đón tiếp sẽ trở thành niềm vui cứu độ.
Trong bữa tiệc khoản đãi vị thượng khách, tại sao ông lại thưa với Ngài rằng là sẽ đền trả gấp 4 lần cho những người ông đã bóc lột và sẽ cho kẻ nghèo phân nửa gia tài của ông? Tại sao?
Da-kêu là một người giàu có, một “đại gia”. Tiền bạc tràn trề, tiện nghi dư đầy, đời sống nhàn hạ… Thế mà ông dám tuyên bố công khai: “Tôi sẽ từ bỏ tất cả”… “Đồng tiền nối liền khúc ruột” thế mà trong một giây phút, ông đã dám quyết định buông bỏ mọi sự. Một hành động can đảm như thế, không mấy người dám làm! Đứng trước quyết định của Da-kêu chúng ta phải hỗ thẹn thôi.
Chúng ta vẫn chưa trả lời câu hỏi: tại sao?
Chúng ta nhớ câu chuyện của người đàn bà bị bệnh loan huyết, đã lén lút chạm tới tua áo Chúa Giêsu (Lc 8,46). Chúa Giêsu nói: “…Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra…” Đây phải chăng là lúc Da-kêu đã chạm vào “năng lực thần linh” đó? Ông Giêsu này không phải như những người ông đã quen biết. Trước mặt Chúa Giêsu, Da-kêu cảm thấy như bị cuốn hút vào trong một miền đất khác, nơi đó không còn tham lam bóc lột, tham nhũng, không còn hưởng thụ ích kỷ nữa…
Chạm đến “năng lực thần linh” đó, ông cảm thấy hoàn toàn đổi mới. Từ lâu nay, sống trong nhung lụa, ông vẫn không an tâm, vẫn khắc khoải như vẫn thiếu một cái gì đó trong tận tâm hồn u tối tội lỗi của ông. Hôm nay, ông đã gặp được một luồng ánh sáng đưa ông vào một vũ trụ mới, tươi sáng và bình an.
Phải, Da-kêu đã tìm được điều mà lâu nay ông vẫn khao khát mà không thể hiểu. Hôm nay, qua sự hiện diện của Chúa Giêsu, ánh sáng lan tỏa chan hòa trong tâm hồn ông. Giờ phút ấy, không do dự, ông đã đi vào ánh sáng. “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến trong nhà này, bởi người này cũng là con cháu của Abraham…”
Hôm nay, chúng ta cũng được vinh dự như Da-kêu là đón tiếp Chúa Giêsu vào tâm hồn chúng ta. Vinh dự cho chúng ta biết bao! Chúng ta có biết “hồng ân của Thiên Chúa” không?
Hãy để cho ánh sáng tình yêu của Chúa tràn ngập tâm hồn chúng ta để chúng ta dám đứng lên đi trong ánh sáng…
“Chúng con là ánh sáng thế gian…”.
39. Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình
(Trích dẫn từ ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Tại Boston ở Hoa Kỳ có một đại hội đặc biệt. Đó là đại hội người lùn. 400 người trong 3000 hội viên đã đến tham dự đại hội người lùn của nước Mỹ. Người cao nhất của hội chỉ có 4 feet (=1m40) và người lùn nhất chỉ có 2 feet (=0m70). Đây là đại hội thứ 25, có mục đích để người lùn gặp gỡ vui chơi với nhau và để cho mọi người bớt thiên kiến với thế giới người lùn.
Tin Mừng hôm nay nói đến một người lùn, một người lùn nổi tiếng trong thành Giêricô có tên là Giakêu. Con người lùn tịt ấy đã đi vào lịch sử vì đã được gặp Đức Giêsu. Giakêu là trưởng phòng thuế vụ của thành phố và là một người giàu có, do chức vụ, do việc làm của mình và cũng có thể do đã ăn của đút lót, đã bớt xén của công… Ông là người có tiếng tăm vừa được nể sợ, vừa bị chê ghét trong dân chúng. Có thể chỉ vì tò mò muốn biết Đức Giêsu là người thế nào, có thể trong lòng ông có sẵn một tâm tình ngưỡng mộ, yêu mến. Điều đáng ngạc nhiên là ông tìm bằng được mọi cách để có thể ngó mặt Đức Giêsu khi Ngài đi qua đường phố. Vì lùn, bị đám đông vây kín, Chúa khuất tầm nhìn, ông phải chui ra khỏi đám đông, chạy lên phía trước, leo lên một cây sung để xem thấy Đức Giêsu.
Kìa Giakêu đang ngồi trêng chạng hai của cây sung, ẩn mình trong cành lá. Trăm ngàn người đi theo Chúa Giêsu nào có ai để ý? Và nếu có bị để ý thì ông cứ để mặc. Nhưng Chúa Giêsu thì khác: Đến nơi gốc cây, chân Ngài dừng lại như thể đã hẹn hò; mắt Ngài ngước lên như âu yếm chào; miệng Ngài khẽ kêu đúng tên như người thân đã từng quen biết: “Ông Giakêu ơi! Hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ông”. Hạnh phúc của Giakêu thật tràn đầy vượt quá lòng mong ước. “Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Chúa Giêsu”.
Giakêu đã ngỡ ngàng, nhưng phải nói là dân chúng thành Giêricô còn bị bất ngờ hơn nữa. Mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”. Thật quá sức, thật không thể chấp nhận được. Họ cùng trao đổi với nhau như người Pharisêu đã mời Chúa dùng bữa tại nhà ông: “Nếu quả thật ônt nầy là Ngôn sứ, thì ông phải biết người kia là hạng người nào chứ: Hắn là hạng người tội lỗi” (Lc 7,39).
Gặp Đức Giêsu, Giakêu thấy mỉnh phải thay đổi cách sống, phải chuộc lại những lỗi lầm, phải đền bù những bất công đã gây ra trong quá khứ. “Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo; và nếu tôi đã lường gạt ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Dân chúng càng bàng hoàng kinh ngạc khi Chúa Giêsu chẳng những đến nhà Giakêu trú ngụ ở đó ít ngày, mà lại còn tuyên bố minh bạch: “Hôm nay nhà nầy đã được ơn cứu độ, bởi vì người nầy cũng là con cháu tổ phụ Abraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất”. Chỉ có một cái dừng chân do tình thương và lòng nhân hậu thúc đẩy, Chúa Giêsu đã biến đổi một con người tội lỗi trở thành người công chính. Từ giây phút gặp gỡ ấy, cuộc sống của Giakêu đã hoàn toàn đổi mới: từ một người bị cộng đoàn khinh chê ruồng bỏ, ông được Chúa Giêsu cho hội nhập vào cộng đoàn con cháu tổ phụ Abraham.
Thưa anh chị em,
Lời Chúa hôm nay khẳng định với chúng ta về tình yêu thương của Thiên Chúa. Tình yêu thương đó là tinh yêu thương không giới hạn, không phân biệt tình trạng của đối tượng. Tình yêu thương ấy dường như ngả về người tội lỗi, nghiêng về những người sống bên lề xã hội, bên ngoài tôn giáo.
Qua đời sống trần thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy rõ Chúa Giêsu dành tấm lòng yêu thương, ưu ái cho những hạng người mà xã hội tôn giáo Do Thái lúc bấy giờ gạt ra ngoài lề. Đó là những dân ngoại, những người nghèo, những cô gái điếm, những phụ nữ, trẻ em, những người bênh phong cùi, bỉ quỷ ám, những người thu thuế cộng tác và phục vụ ngoại bang… như Matthêu, như Giakêu hôm nay. Chính những hạng người đó lại là đối tượng của Thiên Chúa tình yêu. Vì, như Chúa Giêsu đã nói: “Không phải người khỏe mạnh cần thầy thuốc, nhưng là những người đau bênh”. Và họ cần Chúa là thấy thuốc vạn năng, chữa bá bệnh, có thể làm hồi sinh người đã chết, có thể chữa lành mọi vết thương thân xác cũng như tâm hồn. Chính vì những người tội lỗi, những người yếu đuối, những người bệnh tật mà Chúa Giêsu đã đến.
Giakêu là một thí dụ, Madalenna là một thí dụ khác. Người phụ nữ ngoại tình, người trộm lành lại là một thí dụ khác nữa. Trong bốn sách Tin Mừng, chúng ta gặp được nhiều khuôn mặt méo mó đã được trả lại vẻ đẹp, chúng ta thấy nhiều tâm hồn tan nát đã được ban đầy sức sống mới. Công trình cứu độ là như thế. Tình yêu thương của Thiên Chúa không bị chi phối bở sự trong sáng hay vẫn đục trong lý lịch con người. Trái lại, ai có một lý lịch càng nhiều vết đen, càng phức tạp thì tâm hồn lại càng được yêu thương cứu chữa. Điều cần thiết trước nhất là chúng ta dám mạnh dạn tin tưởng và tiến lại gần tình yêu thân linh vô vị lợi của Thiên Chúa. Và chúng ta hãy cảnh giác, bao lâu chúng ta tưởng mình đã là người khỏe mạnh, đã là người đạo đức thánh thiện… thì lúc đó coi chừng, chúng ta khước từ tình yêu của Thiên Chúa đang nâng đỡ chúng ta từng giây từng phút.
Chúng ta cho rằng mình chẳng có tội gì ư? Có thể nhiều người nghĩ như thế, vì trong cuộc đời nhiều người không hề giết người, không hề gian dâm, không hề trộm cắp. Thế nhưng chãy coi chừng! Tội vì làm những điều ác thì có lẽ phần đông chúng ta không có, nhưng tội vì không làm những điều tốt mà Thiên Chúa truyền dạy thì chẳng ai cò thể vỗ ngực là mình không sai phạm. Vậy thì chúng ta cũng trở thành đối tượng của lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa.
Anh chị em thân mến,
Gặp được Chúa Giêsu là cuộc đời chúng ta được biến đổi. Chúng ta phải biết tìm đến gặp cho bằng được Chúa Giêsu. Nếu thực sự chúng ta gặp Chúa như Giakêu, thì thế nào đời sống chúng ta cũng sẽ được đổi mới, tội lỗi chúng ta sẽ được xóa sạch và tâm hồn chúng ta sẽ trở nên trong sáng hơn. Càng gặp gỡ Chúa trong thâm sâu của cõi lòng, chúng ta càng được biến đổi. Nếu chung quanh chúng ta có bao người vẫn mang một nếp sống cũ rích, sói mòn, càng ngày càng nghèo nàn hơn về mặt chất lượng, thì đó là dấu chứng họ chưa thực sự gặp được Đức Kitô Giêsu. Nếu cuộc sống của chúng ta chưa thể hiện được một thay đổi quyết liệt, thì đó là dấu chứng chúng ta chưa gặp Đức Kitô thực sự. Bởi vì bất kỳ một cuộc gặp gỡ nào với Đức Kitô thì đều phát sinh một hiệu quả là thay đổi cuộc sống.
Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự ở giữa loài người chúng ta và Ngài mong ước mỗi người chúng ta gắt chước Giakêu mở rộng cõi lòng ra để đón nhận ngài. Khi gặp gỡ Chúa cách chân thành như thế thì chính Chúa sẽ ban ơn hoán cải cho ta và biến đổi ta thành những con người mới: trong sạch, liêm chính theo thánh ý Ngài.
40. Tình yêu làm kinh ngạc - McCarthy
Khi sửa chữa người khác, cách tiếp cận mà chúng ta chọn rất quan trọng. Nếu chúng ta tiếp cận họ chỉ để chất vấn những lỗi lầm của họ thì có nhiều khả năng, chúng ta không làm được gì. Thật vậy, chúng ta hầu như làm cho vấn đề trở nên tồi tệ. Họ sẽ khép kín, trở nên oán hận và chai cứng tâm hồn.
Một người quản lý nhà tù nói rằng cách duy nhất để thay đổi người ta phải thông qua một tương quan với người ấy. Bạn không thể cải thiện người khác bằng cách tránh xa hoặc bỏ rơi họ. Một bầu khí lạnh lùng không khích lệ sự trưởng thành.
Nếu bạn làm bẽ mặt một người, bạn chỉ làm cho tâm hồn người ấy chai cứng. Bạn chỉ tìm cách nào để tâm hồn người ấy cảm động. Mọi người, kể cả người có máu lạnh nhất đều có cái cốt lõi của sự lễ nghĩa, và có khả năng thay đổi, nếu tâm hồn họ cảm động.
Chúng ta phải tiếp cận những người khác cách nào để họ thấy rằng chúng ta tin tưởng và tín nhiệm họ. Kết quả là họ sẽ dẹp bỏ sự thủ thế, dè chừng và cởi mở lòng họ. Một khi họ cởi mở thì một điều gì đó có thể xảy ra. Chúng ta thấy điều đó trong trường hợp của Giakêu.
Đức Giêsu nhìn thấy Giakêu trên cây. Lúc đó cách sống của Giakêu hoàn toàn trái ngược với những điều mà Đức Giêsu bảo vệ. Chắc chắn đám đông chờ đợi và hy vọng Đức Giêsu sẽ quở trách và cấm ông ta không được làm bậy. Làm như thế, Người sẽ làm cho dân chúng trong thành thêm yêu thích Người.
Nhưng Đức Giêsu từ chối quở trách Giakêu. Trái lại, Người đã làm một điều khiến dân chúng lập tức không còn yêu thích Người. Người nói với Giakêu Người muốn dùng cơm tối ở nhà ông và với sự kinh ngạc. Giakêu vui mừng đón tiếp Người. Dân chúng than phiền: “Ông ấy đến ở lại nhà người tội lỗi”. Họ ghét Giakêu. Họ không muốn nhìn thấy ông được cứu. Họ muốn nhìn thấy ông bị lên án và trừng phạt.
Nhưng Đức Giêsu đã không nghĩ như thế, Người thấy rằng điều mà Giakêu cần không phải là sự lên án mà là sự cứu chuộc. Vấn đề không phải là ông ta có xứng đáng với sự cứu chuộc hay không. Ông ta cần có – đối với Đức Giêsu, như thế đã đủ. Với việc đi đến nhà ông, đối đầu với sự bất mãn và giận dữ của dân chúng trong thành, Đức Giêsu cho Giakêu thấy rằng Người quan tâm đến ông. Nếu Người tránh xa ông hoặc lên án ông, phép lạ hẳn không bao giờ xảy ra.
Giakêu đã cảm nghiệm tình yêu thương của Đức Giêsu. Điều này đã là một kinh nghiệm kỳ diệu đối với một người mà cho tới nay chỉ có kinh nghiệm về sự oán ghét. Được một người tín nhiệm chúng ta, người ấy không phán xét hoặc lên án chúng ta nhưng yêu thương chúng ta, đó là một cảm giác tuyệt vời. Tâm hồn Giakêu nở bung ra với sự sống như một sa mạc sau trận mưa to.
Được người ta yêu thương vì mình tốt lành không có gì là to lớn, khác thường. Cũng như khi mình xứng đáng. Nhưng được yêu thương khi mình xấu xa – như trường hợp của Giakêu quả là kỳ diệu. Giakêu đã cảm nghiệm sự kinh ngạc ấy vì được yêu. Điều này khiến cho những điều tốt đẹp nhất trong ông được triển nở. Sự hoán cải của ông là một sự hoán cải hướng đến điều thiện hảo. Với mức độ nhiều hơn hoặc ít hơn, tất cả chúng ta cần có sự hoán cải ấy.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam