Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1363995
SỐNG LẠI
SỐNG LẠI– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong chương trình “Những điều bạn có thể chưa biết” của đài VTV3 có tường thuật một trường hợp lạ lùng: Một phụ nữ bị nhồi máu cơ tim. Chị tắt thở. Chị đã chết. Nhưng nhiều giờ sau, chị tỉnh lại. Các bác sĩ hỏi chị đã thấy gì trong thời gian ấy. Chị trả lời: chị thấy mình như bay bổng lên cao, và từ trên cao chị nhìn xuống thấy các bác sĩ, các y tá đang chăm sóc cho mình, nhìn thấy thân xác mình nằm bất động, nhìn thấy thuốc men, dụng cụ y tế. Chị cũng nhìn thấy một chiếc giày tennis cũ màu xanh da trời, đế giày bị mòn ở mép trong bàn chân, giây giày màu trắng, đầu một sợi dây thòng xuống dưới đáy giày. Nghe lời tả rất chi tiết của chị, vị bác sĩ chuyên điều tra băn khoăn để ý tìm kiếm. Một hôm vị bác sĩ đi qua tòa nhà đối diện nhìn sang bệnh viện, bà giật mình kinh hãi vì thấy ở tầng ba của tòa nhà, trên một gờ xi măng rất cheo leo, có một chiếc giày tennis cũ ai đã đặt ở đó tự hồi nào. Vị bác sĩ quan sát kỹ lưỡng và thấy chiếc giày giống từng chi tiết với chiếc giày mà người chết kể lại: chiếc giày vải cũ màu xanh, đế giày mòn ở mép trong, dây giày màu trắng, đầu một dây thòng xuống nằm ở dưới đáy giày.
Đó là một trong 1370 trường hợp trở về từ cõi chết mà các bác sĩ Đức và Mỹ đã điều tra. Theo những người có kinh nghiệm về cái chết này thuật lại thì: Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này. Và sau khi “chết đi sống lại”, không ai còn sợ chết nữa, không ai muốn kiếm tiền bạc, danh vọng, lạc thú gì nữa. Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người. Tất nhiên đây chưa phải là bằng chứng chắc chắn về việc người chết sống lại. Nhưng nó rất gần với mặc khải của Lời Chúa hôm nay. Và kinh nghiệm hiếm có của họ rất có thể hữu ích cho ta. Kinh nghiệm của họ nói với ta hai điều:
1) Có cuộc sống khác ở bên kia cái chết. Kinh nghiệm của họ phù hợp với niềm tin dân gian, nhất là của người Việt Nam vẫn tin rằng: thác là phế thách, còn là tinh anh. Vì tin có sự sống ở bên kia cái chết mà chúng ta mới thờ kính tổ tiên, cúng quảy, giỗ chạp.
Niềm tin ấy phù hợp với giáo lý của Chúa. Khi Môsê thấy Chúa hiện ra trong bụi gai cháy đỏ. Ông hỏi Chúa là ai. Chúa trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Abraham, Isaác, Giacóp”. Vào thời của Môsê, Abraham đã qua đời được 5, 6 trăm năm. Vậy mà Chúa vẫn tự giới thiệu là Thiên Chúa Abraham, tức là Abraham vẫn sống, đang sống bên Chúa. Vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhiều lần nhắc đến cuộc sống sau cái chết như dụ ngôn người giàu có và Lagiarô, trong dụ ngôn về ngày phán xét, dụ ngôn lúa đồng và cỏ dại.
Theo thánh Phaolô, cuộc sống đời sau mới là đích điểm mà mọi tạo vật nhắm tới. Trong thư Rôma, Ngài viết: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt phải chịu vậy. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến nay, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-23)
Chúng ta rên siết vì cuộc sống hiện tại đầy khổ ải. Chúng ta mong chờ cuộc sống đích thực ở mai sau. Đời sống này là thời kỳ thai nghén. Ta phải chịu đau đớn để sinh vào đời sau.
*2) Cuộc sống ở bên kia rất khác với cuộc sống hiện tại. Khi Chúa Giêsu trả lời người Sadducêô, Chúa Giêsu đã mặc khải ba chân lý.
Chân lý thứ nhất: Chỉ những ai được tuyển chọn mới được vào Nước Chúa. Sự sống đời sau có đó. Nhưng không phải ai cũng vào được. Chỉ có những người được xét là xứng đáng mới được vào. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa đã nói tới việc tuyển chọn này. Chúa sẽ loại chiên ra khỏi dê, lúa tốt ra khỏi cỏ dại, cá tốt ra khỏi cá xấu. Tiêu chuẩn để chọn lựa là Tám mối phúc, nhất là giới răn bác ái yêu thương.
Chân lý thứ hai: Người ta sẽ giống như thiên thần. Đời sống trên trời sẽ không có gì giống với đời sống dưới đất. Sẽ không còn đói khát nên sẽ không cần ăn uống. Sẽ chẳng có lấy vợ lấy chồng, sẽ chẳng cần sinh con để nối dõi vì người ta không bao giờ chết nữa. Nếu vậy, trên trời ta có còn là ta nữa không hay ta trở thành một người khác, một kiếp khác? Thưa, tuy có khác nhưng ta vẫn là ta. Đứa bé bụ bẫm hôm nay chẳng có gì giống với cái bào thai ngọ nguậy trong bụng mẹ hôm qua. Nhưng cả hai chỉ là một. Bà cụ 90 tuổi hôm nay chẳng còn gì giống với cô thiếu nữ mà bà đã là cách nay 70 năm. Nhưng cả hai vẫn là một. Chú bướm xinh đẹp nhởn nhơ bay lượn trên khóm hoa hôm nay chẳng có gì giống với gã sâu xấu xí lê la trên đất hôm qua. Nhưng cả hai vẫn chỉ là một.
Trên trời, ta sống một cuộc sống khác, không ăn uống, không lấy vợ lấy chồng. Nhưng ta vẫn là ta. Có khác biệt nhưng vẫn có liên tục.
Chân lý thứ ba: Ta sẽ trở thành con Thiên Chúa. Sống lại rồi, ta như đứa con bấy lâu phiêu bạt xa quê nay được trở lại nhà cha mẹ. Tâm hồn luôn bị dằn vặt vì niềm khao khát vô biên, nay mới được no thỏa: Thiên Chúa chính là hạnh phúc lấp đầy được vực thẳm khao khát vô biên của ta. Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”. Là con Thiên Chúa, hạnh phúc lớn nhất của ta là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là cội nguồn hạnh phúc, nên thánh Phaolô đã nói: “Những đau khổ ta chịu bây giờ không thấm gì so với hạnh phúc sau này ta sẽ được. Và mọi tạo vật mong tới ngày được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, để được cùng con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,22). Vì hạnh phúc ấy mà tám mẹ con trong bài đọc thứ nhất đã cam chịu mọi khổ hình.
Lời Chúa hôm nay đem lại cho ta bao niềm hy vọng. Chúa cho ta biết, đời ta sẽ không đi trong bất định, lạc vào hư vô, nhưng đời ta có một cùng đích, đó là trở về với Thiên Chúa là cội nguồn của ta. Đời ta sẽ không chìm đắm trong đau khổ, nhưng sẽ vươn lên hạnh phúc, hạnh phúc làm con Thiên Chúa, hạnh phúc chia sẻ sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đời ta như vậy sẽ không đi vào mạt kiếp lụi tàn, nhưng sẽ triển nở trong vinh quang tự do. Đúng như lời thánh Phaolô nói: “Gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà chỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà chỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,43-44)
Lạy Chúa, xin cho con biết sống ở đời này theo đúng Lời Chúa dạy, để mai sau con xứng đáng được trở nên con của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Cái chết là một thành phần của đời sống. Bạn chuẩn bị và đón nhận cái chết thế nào?
2) Con người sinh ra không phải để chết nhưng để sống. Bạn hiểu câu này thế nào?
3) Đời sau ta sẽ sống với Chúa. Ngay từ bây giờ bạn phải làm gì để chuẩn bị cho cuộc sống với Chúa?
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
SỰ SỐNG ĐỜI SAU- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm
Hầu hết nhân loại đều tin con người qua khỏi đời này, sẽ có một cuộc sống khác: một cuộc sống đời sau, một cuộc sống lại, không phải chết là hết. Nhưng có một số người không tin có sự sống khác sau khi chết, nên họ đã đặt ra những vấn nạn vô lý.
Thời Đức Giêsu, phái Sa đốc (Sadduceéns) không tin có sự sống lại. Họ đã tưởng tượng ra câu chuyện khá lố bịch để hỏi Đức Giêsu: “Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Môsê, người em phải lấy chị góa đó để có con nối dòng, và cả bảy anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị góa đó là vợ ai?”
Nếu nhận có sự sống lại theo họ nghĩ thì thật căng, thật khó xử và gây rất nhiều rắc rối. Vậy phải chấp nhận không có sự sống lại là khỏe, là giải quyết êm đẹp mọi vấn đề rắc rối! Họ khoái trí với lý luận đó và nhiều lý luận quá vật chất như thế. Lý luận của những người dựa vào giả thuyết tiến hóa của Charler Robert Darwin (1809-1882) cũng thế. Giả thuyết này cho rằng: mọi sinh vật đều có chung một tổ tông. Những hình thức cao hơn của đời sống phát sinh từ những biến dạng của những hình thức đơn giản hơn (Funk &Wagnalls: Encyclopedia). Đó mới chỉ là giả thuyết (hypothesis) chưa được xác minh theo phương pháp khoa học. Nếu mọi sinh vật đều bởi một Ông tổ vật chất nẩy sinh đột biến, thì chết đều trở về vật chất, không còn sự sống nữa.
Những người không tin có sống lại đó, họ vẫn xây những ngôi mộ thật đẹp, những lăng tẩm thật vững chắc. Họ kỷ niệm ngày chết tổ tiên, anh hùng long trọng. Chẳng lẽ họ lại tô điểm cho cái xác đã rữa thối? Tôn vinh những ngôi mộ bằng đất đá? Như vậy, miệng thì chối không có sự sống lại. Nhưng việc họ làm chứng tỏ lòng họ tiềm ẩn một niềm tin sống lại. Nếu chỉ vì ghi công và noi gương các bậc anh hùng, vĩ nhân thì cách tốt nhất là ghi lại trong sử xanh lưu danh muôn thuở. Mồ mả quá tốn phí, lại chóng đổ nát. Những người nhân danh khoa học để chối không có sống lại, không có Thiên Chúa, mà xây mồ mả như thế là phản khoa học.
May mắn thay số người như vậy quá ít, so với hầu hết nhân loại tin có sống lại, tin có Thiên Chúa Ông Eymieu đã công bố bảng thống kê 432 nhà bác học thế kỷ 19 thì có 367 vị tin có Thiên Chúa và sự sống lại. Bác sĩ Dennaert người Đức cho biết trong số 300 nhà bác học lỗi lạc nhất ở 4 thế kỷ vừa qua có 242 vị tin, 38 vị không rõ lập trường, 20 vị không tin và dửng dưng” (VQ. Đi Về Đâu – tr.39; René Courtois: Des Savants nous parlent de Dieu. p. 11).
Những tôn giáo vĩ đại như Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo đều tin có đời sau. Vạn thế sư biểu như Khổng Tử tin rằng chết là an nghỉ ngàn thu. Khi Tử Cống xin nghỉ học về thờ phụng cha mẹ cho khỏi mệt. Khổng Tử bảo việc nào trên đời này làm trọn bổn phận đều rất khó nhọc, nghỉ sao được! Tử Cống thất vọng kêu lên: Vậy con không có lúc nào được nghỉ ư? Khổng Tử đáp: Có chứ, lúc nào con thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, cái mộ được đắp chắn, người đưa con bỏ về. Bấy giờ là lúc con được nghỉ. Cống reo lên: Vậy chết hay thật, quân tử thì được nghỉ ngơi, tiểu nhân hết làm bậy” (Giảm chi. Đại vương THTH. Tr. 54). Khổng Tử còn dạy hiếu đối với cha mẹ: “Sống thì lấy lễ mà thờ, chết thì lấy lễ mà táng, lấy lễ mà tế” (Luận ngữ II, 5). Người Việt Nam tin chết là thể phách, còn là tinh anh, sinh ký tử qui. Sinh là ký gởi, chết là về cội nguồn tinh anh.
Hầu hết nhân loại tin có sự sống đời sau, nhưng chưa biết rõ thế nào. Bậc chí thành như Khổng Tử đã thú nhận rằng: “Vị tri sinh, yên tri tử”: Chưa biết rõ cái lẽ sống, thì cái lẽ chết cứ để yên đó. Chỉ mình Đức Giêsu là biết rõ cái lẽ chết đời sau, Người nói:
Thứ nhất: Đời này cưới lấy chồng vợ, đời sau thì không. Những ai được xét xứng đáng thì được hạnh phúc đời sau. Xét như một cuộc thi tuyển, chỉ tuyển những người sống xứng đáng ở đời này mới được thưởng hạnh phúc đời sau.
Thứ hai: Họ sống lại được giống như thiên thần. Đời sống Thiên Thần hoàn vượt trên tầm hiểu biết của trí thức khoa học và vượt mọi kinh nghiệm của loài người. Thiên Thần là bậc thiêng liêng tinh thần, không có hình hài thể xác cho nên không bị chết nữa, và các ngài đang được hưởng hạnh phúc vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta khi được sống lại cũng được sống như các ngài. Chúng ta có thể ví đời sau khác với đời này, như đứa trẻ khác với khi nó sống trong bào thai, như con bướm khác với lúc nó là con sâu, như cây xanh tốt khác với hạt mọc nên nó. Tuy vậy, nó có sự tiếp tục từ bào thai sang đứa trẻ, từ con sâu thành con bướm, từ hạt giống mọc nên cây.
Thứ ba: họ sống lại được làm con Thiên Chúa, sống thân mật với Thiên Chúa là Cha mà họ suốt đời kính mến hết lòng. Không còn vinh phúc nào hơn nữa, nên thánh Phaolô hằng “cầu xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã lấy lòng nhân hậu mà ban cho chúng ta niềm phấn khởi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” (Bài đọc II)
Sau hết: Họ sống lại vì Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Thiên Chúa đã dựng nên họ, đã cứu chuộc họ, đã chọn họ, yêu thương họ như các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacóp để họ sống hưởng hạnh phúc trong gia đình đầy yêu thương của Thiên Chúa, chứ không phải để họ chết. Lời tung hô Alêluia đã reo vang lên: “Vạn tuế Đức Kitô, Đấng đầu tiên từ cõi chết sống lại. Người vinh hiển quyền năng, Vạn vạn tuế!”. Người là đầu thân thể đã sống lại để cho chi thể được sống lại với Người.
Lạy Chúa, là Cha chúng con, đã dựng nên và cứu độ chúng con. Xin cho chúng con luôn sống theo luật yêu thương của Chúa dù gặp gian nan khốn cực đến đâu, chúng con quyết noi gương bảy anh em Macabê để được sống lại vinh phúc đời đời.
CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN- NĂM C
“AI TIN VÀO TA THÌ CÓ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”– Lm. Gioan Nguyễn Tươi
Theo quy luật của kiếp nhân sinh, con người được sinh ra, lớn lên, già yếu, bệnh tật và chết đi. Không ai có thể thoát khỏi quy luật này. Tuy nhiên, người ta vẫn đặt câu hỏi. Sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?
Trong trang Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nghe câu trả lời của Chúa Giê-su về sự sống lại từ cõi chết. Khi nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giêsu, nhóm này chủ chương không tin có sự sống lại, và họ đặt câu hỏi cho Chúa Giê-su: “Có bảy người anh em lấy một phụ nữ. Sau đó, tất cả điều phải chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết đi. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?” Câu hỏi này không chỉ nhóm Xa-đốc đặt ra cho Chúa Giêsu về sự sống lại mà ngay cả thời đại này, con người vẫn đang đi tìm câu giải đáp sự sống đời sau.
Tất cả các tôn giáo đều tin có sự sống đời sau. Thuyết luân hồi của đạo Phật, người ta tin vong hồn sẽ đầu thai vào một thân xác nào đó, và trở thành một kiếp khác theo quy luật nhân quả quy định. Giáo lý nhà Phật gọi là vòng luân hồi. Nó cứ mãi chuyển xoay đến khi nào linh hồn rũ sạch hết bụi trần. Giáo thuyết nhấn mạnh đến cái nghiệp quả của người kiếp trước. Vì vậy, họ tin rằng, cái nghiệp đó sẽ được diệt sạch bằng việc tu tâm và lòng từ bi thì sẽ được siêu thoát.
Dưới ánh sáng Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu giải đáp rõ về sự sống đời sau: Khi con người sống lại, những ai được xét và hưởng phúc đời sau, họ sẽ được sống lại từ cõi chết, thì họ không còn cưới vợ gã chồng nữa và không thể chết nữa vì họ được ngang hàng với các thiên thần. Tất cả là con cái của Thiên Chúa và được hưởng viễn mãn trên thiên đàng. Tất nhiên, người phụ nữa đó cũng chẳng thuộc về ai.
Với cái nhìn của con người, chúng ta thường bị giới hạn bởi không gian và thời gian, hay lệ thuộc về một người nào đó, khi chúng ta sở hữu những thứ chúng ta có. Chẳng hạn, cái nhà chiếc xe, hay ngay cả chuyện vợ chồng. Chết rồi còn hỏi Chúa cô ta thì thuộc về ai. Con nguời luôn tự ràng buộc mình vào những thứ thuộc về thế gian, nên họ cố bám víu vào nó như là thước đo cho những giá trị hạnh phúc ở đời. Nhóm người Xa-đốc, họ vẫn còn mang nặng mùi theo kiểu trần tục trong việc vợ chồng, rồi họ đặt ra vấn đề cô ta sẽ thuộc về ai.?
Ngẫm nghĩ sự đời, người ta vẫn thường nói: “Chết rồi cũng không buông tha”. Đời người thật mong manh, chóng qua.
Dựa trên các quan niệm về đời sau, chúng ta có thể nhận thấy rằng, con người luôn khao khát tìm kiếm chân lý, để làm cứu cánh và định hướng đi cho cuộc đời. Lòng khát khao đó giúp cho con người sống mỗi ngày để hoàn thiện bản thân mình, thì Thiên Chúa là con đường cho ta bước theo, là ánh sáng dẫn bước chúng ta. Ngài là ánh, là chân lý vĩnh cửu và trường tồn. Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô thắp lên niềm tin và hy vọng cho tất cả nhân loại nhân, để nhận biết sự sống chiết suất từ Thiên Chúa. “Ai tin vào Ta sẽ được sống đời đời.” Giáo hội mời gọi chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện cho các linh hồn trong tháng 11 này.
Chúa cho Lazarô sống lại thì Ngài cũng cho kẻ chết sống lại. Niềm tin và hy vọng của chúng ta là nơi Chúa Phục Sinh, Ngài sẽ chúng ta cũng được sống lại trong ngày sau hết, để hưởng phúc trên thiên đàng. Sự sống này chỉ thay đổi, chứ không mất đi. Với niềm xác tín vào sự sống đời đời, chúng ta sẽ biết chọn cho mình cách sống và hướng đi thích hợp ở đời này và cho đời sau. Đó là cách chọn lựa của mỗi người khi chúng ta sống trên trần gian này. Chúa Giê-su phán: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được gì?.”
Lạy Chúa:
– Con vẫn nghe Lời Chúa dặn, con người sẽ được sống lại, nhưng tâm hồn con vẫn còn xa lìa Chúa.
– Con biết một ngày nào đó, con sẽ từ giã cõi đời này, nhưng nơi cõi lòng con vẫn còn tham lam của cải, danh vọng và lạc thú.
– Con vẫn biết trần gian là quán trọ để dừng chân, nhưng chân con vẫn chạy theo những thứ vui giả trá để giết chết thể xác và linh hồn.
– Con biết sự dữ và tội ác đang vây bủa thân con bởi kiêu ngạo, hận thù và gian ác nhưng con vẫn làm ngơ trước sự cám dỗ của ma quỷ.
Xin Ngài thương xót và cứu chữa linh hồn con cả đời này và đời sau. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam