Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 47

Tổng truy cập: 1363948

SỐNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN

SỐNG TÂM TÌNH BIẾT ƠN

 

(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)

Câu chuyện mười người phong cùi là một chuyện có thật chứ không là một dụ ngôn, mang nhiều ý nghĩa.

Theo Luật Môsê, những người mắc bệnh phong hay những thứ bệnh ngoài da lan khắp mình, không được sống trong cộng đoàn mà phải đi ra nơi hoang vắng sống một mình, vì những lý do sau đây:

Về phương diện tôn giáo: người Do Thái cho rằng những người mắc những chứng bệnh này là những người bị Thiên Chúa ruồng bỏ vì có thể họ đã phạm tội. Họ không có quyền sống trong cộng đoàn.

Về phương diện xã hội: vì nguy cơ lây nhiễm, họ phải sống cách ly với gia đình và xã hội. Họ không được đến những nơi có người. Khi di chuyển, nếu có người, họ phải gõ một cái gì đó để cảnh báo cho người ta biết để tránh xa. Vì thế, những người bệnh này gặp nhau và thường sống với nhau, giúp nhau, vì thế mà nhóm người phong Chúa Giêsu gặp trên đường là mười người.

Thánh Luca ghi rõ: “Họ đứng xa và kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi”. Chúa Giêsu đáp lại bằng một lệnh truyền: “Hãy đi trình diện với thầy tư tế”.

Lại một thủ tục khác: những bệnh nhân bị cách ly, khi khỏi bệnh, phải đến trình diện với tư tế nơi mình ở để được kiểm tra. Sau khi được xác nhận là đã khỏi bệnh, họ mới được hòa nhập lại với gia đình và cộng đoàn.

Nghe Chúa nói, họ liền đi. Nhưng họ chưa lành bệnh ngay lúc ấy, làm sao họ có thể đi trình diện được? Nơi đây, chúng ta thấy niềm tin của những người phong này. Họ tin vào lời của Chúa và đi không nghi ngại. Khi đi được một quãng đường, thì họ được lành sạch cả mười người. Chúng ta làm sao hiểu được niềm vui của họ, khi nhận thấy mình đã lành bệnh? Vì quá vui mừng, họ quên tất cả, nhanh chân chạy về nhà lo đi trình diện. Nhưng một người trong nhóm họ đã không vội về nhà, anh trở lại với Chúa Giêsu và “lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”. Đây là một thói quen rất tốt của người Do Thái. Khi lãnh nhận một ân huệ nào đặc biệt, việc đầu tiên của họ là giơ tay lên trời tạ ơn Chúa lớn tiếng cho mọi người biết.

Chúng ta không có thói quen này. Bao nhiêu ơn lành Chúa tuôn đổ trên chúng ta, hằng ngày,chúng ta không thấy, vì thế, chúng ta không tôn vinh Chúa. Chúng ta không nhìn thấy tình thương của Chúa, chúng ta không mấy khi biết tạ ơn. Chúng ta dễ quên. Chúng ta biết lãnh nhận mà không biết đáp trả. Giáo hội luôn nhắc chúng ta tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, nhưng chúng ta có mấy khi để ý đâu!

Lòng biết ơn sẽ dẫn chúng ta vào tình yêu. Chúng ta không yêu mến Chúa, vì chúng ta không nhìn thấy tình thương của Ngài. Chúng ta không có giờ chăng? Hình ảnh trên tivi hay trên màn ảnh hấp dẫn chúng ta hơn, khuôn mặt yêu thương của Chúa không hấp dẫn lắm thì phải? Hãy tập nhìn khuôn mặt của Chúa bằng tâm trí, nhìn thật sâu… Chúng ta quá quen thuộc với cây thánh giá, đến nỗi chúng ta không nhìn thấy Đấng Chịu đóng đinh trên đó. Nhìn Mình Thánh Chúa, chúng ta chỉ thấy tấm bánh chứ không thấy khuôn mặt yêu thương của Ngài. Tâm tình tạ ơn được khơi nguồn từ cái nhìn.

Một trong những người phong đã trở lại tôn vinh Chúa. Người ấy lại là một người Samari. Anh “sấp mình dưới chân Chúa và tạ ơn”. Người Do Thái và người Samari có cùng một niềm tin. Họ chỉ sấp mình dưới chân Chúa mà thôi. Đó là một cử chỉ tôn thờ. Người Samari này sấp mình dưới chân Chúa vì anh nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Thánh Luca chú ý đến điểm này, vì ngài luôn cho thấy ơn cứu độ là cho mọi người không chỉ riêng cho người Do Thái. Thánh Gioan nói: “Tất cả những ai đón nhận Người thì Người cho họ được làm con Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu tỏ ra không hài lòng và nói như một trách móc: “Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì những người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?” Chúa Giêsu không đòi người ta biết ơn Ngài mà chỉ chú trọng đến vinh quang Thiên Chúa.

Chín người được lành sạch không nhìn thấy hồng ân Thiên Chúa, họ không cảm thấy cần phải tạ ơn. Họ chỉ biết vui mừng lãnh nhận mà không biết đáp trả. Chúa Giêsu cũng trách nhiều người trong chúng ta như thế.

Chúng ta có như thế không? Chúng ta có thấy rằng tất cả là hồng ân không? Nhiều người chỉ biết đòi hỏi mà không biết đáp đền. Đối với người biết tạ ơn Chúa nói: “Đứng dậy về đi. Lòng tin của anh đã cứu lấy anh”. Anh đã tin và lòng tin của anh đã cứu cả xác lẫn hồn anh. Anh đã nhìn thấy Đấng mang ơn cứu độ. Anh được khỏi bệnh phần xác và nhận được cả niềm tin.

Chúng ta có nhìn thấy những chuỗi hồng ân Chúa ban cho chúng ta suốt một đời không? Chúng ta tỏ lòng biết ơn như thế nào? Bằng cách loan truyền những kỳ công của Chúa? Bằng cách sử dụng cuộc sống cho danh Cha cả sáng? Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể một phần nào đền đáp tình thương của Chúa. Nhưng dù chúng ta có làm gì đi nữa, chúng ta vẫn không thể đền đáp được một cách cân xứng tình thương vô bờ của Chúa được. Nhưng Chúa biết chúng ta hèn mọn nhỏ bé, Ngài vẫn chấp nhận thiện chí của chúng ta.

Hôm nay, cũng như mọi ngày, Chúa Giêsu vẫn đến với chúng ta qua Bí tích Thánh Thể. Hãy van xin Ngài thương xót thân phận tật nguyền nhỏ hèn của chúng ta. Chỉ cần một lời thôi, Ngài sẽ tẩy sạch tất cả những bệnh cùi tâm hồn chúng ta. Tin cậy vào quyền năng của Ngài, chúng ta hãy đến trình diện với Ngài, nhận lấy Ngài qua một của ăn, chúng ta sẽ được lành sạch.

Hãy cùng với Hội Thánh ngợi khen lòng từ bi Chúa, mọi nơi, mọi lúc. Cuộc sống mãi mãi là một hồng ân, và mãi mãi là một lời tạ ơn nếu chúng ta dám “sống cho Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta” nếu chúng ta, như thánh Phaolô, dám sống như ngài nói: “Sống đối với tôi là Đức Kitô”.

 

27.Thể hiện của tự do thực sự

(Trích dẫn từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Radio Veritas Asia)

Trong suốt nhiều thế kỷ, người Do thái đã phải còng lưng dưới sức nặng của lao động khổ sai bên Ai Cập. Dưới sự lãnh đạo của Môsê, Thiên Chúa đã giải phóng họ và đưa họ vào vùng đất tự do. Để đánh dấu cuộc giải phóng khỏi các thứ khổ sai đó, Thiên Chúa đã thiết lập một ngày trong tuần như ngày Hưu Lễ. Đó là lý do tại sao người Do thái đã trân trọng tuân giữ ngày Hưu lễ. Nó chính là biểu trưng của tự do, bởi vì thời nô lệ, bẩy ngày trên bẩy ngày, người Do thái không thể có được một ngày nghỉ ngơi. Như vậy, nghỉ ngơi là dấu chỉ của tự do, và đó là ý nghĩa nguyên thủy của ngày Hưu lễ.

Thế nhưng, dần dà qua dòng thời gian các nhà thần học Do thái đã thay đổi ý nghĩa ấy của ngày Hưu lễ: thay vì là biểu tượng của tự do, họ đã biến ngày Hưu lễ thành một gánh nặng đầy đọa và trói buộc con người; họ đã kéo dài ngày Hưu lễ thành một bản kê khai tỉ mỉ những gì không được phép làm trong ngày Hưu lễ và như vậy dấu chỉ của tự do giờ đây chỉ còn là một hình thức nô lệ mới đối với người Do thái: thay vì là dấu chỉ của tự do đưa con người vào gặp gỡ với Thiên Chúa, ngày Hưu lễ đã trở thành một gánh nặng chồng chất trên vai con người, nhất là làm cho con người xa cách Thiên Chúa.

Đó cũng là tình trạng của lề luật nói chung thời Chúa Giêsu. Luật lệ không còn là vì con người, nghĩa là giải phóng con người, mà trở thành gánh nặng đè bẹp con người và tách lìa con người khỏi Thiên Chúa; con người chú tâm thi hành lề luật hơn là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Thái độ của 9 người phong cùi người Do thái trong Tin Mừng hôm nay phản ánh tâm thức chung của người Do thái thời đó. Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong cùi, trong đó chỉ có một người Samari không phải tuân hành luật Do thái. Theo đúng đòi hỏi của lề luật, Chúa Giêsu đã yêu cầu 9 người Do thái đến trình diện các tư tế để được xác nhận là đã khỏi bệnh, riêng người Samari không phải tuân giữ điều đó, nhưng đây lại là người duy nhất trở lại cảm ơn Chúa Giêsu và ngợi khen Thiên Chúa.

Câu truyện trên cho chúng ta thấy luật lệ đã cản trở con người đến gặp gỡ Chúa Giêsu và cảm tạ Thiên Chúa. Người Samari vì không bị chi phối bởi lề luật, nên đã được tự do để nói lên tình cảm chân thật của mình, người này gần với tôn giáo đích thực bởi vì ông có tự do hơn. Thiên Chúa thi ân một cách nhưng không thì con người cũng phải đáp trả một cách tự do. Một tương quan như thế không thể có được trong một xã hội lề luật, trong đó con người chỉ biết tính toán theo thứ công bình hoán đổi. Người Do thái vốn quen thuộc với tâm thức ấy, họ tính toán chi ly về công đức của mình, họ lượng giá phần thưởng dựa trên công nghiệp của mình. Chúa Giêsu đã đánh đổ một quan niệm như thế về tương quan giữa con người và Thiên Chúa: ơn cứu rỗi mà Ngài loan báo và thực hiện là ơn cứu rỗi nhưng không, đến độ con người chỉ được cứu độ nhờ lòng tin vào lòng từ bi của Thiên Chúa, đến độ những kẻ tội lỗi là những người đầu tiên được vào Nước Chúa.

Ngày nay, có lẽ nhiều người chúng ta cũng giống như 9 người phong cùi Do thái trong Tin Mừng hôm nay. Họ đã bị lề luật giam hãm trong Đền thờ để không còn có thể nói lên lời tạ ơn đối với Đấng đã thi ân cho mình; họ xem lề luật trọng hơn điều thiết yếu của niềm tin là lòng biết ơn và niềm tín thác. Cũng như họ, có lẽ chúng ta đã tỏ ra trung thành một cách chi ly với luật Hội Thánh, nhưng nhiều lúc chúng ta vẫn còn tự hỏi: Tôi phải đọc bao nhiêu kinh? Tôi phải lần bao nhiêu chuỗi? Tôi phải ăn chay bao nhiêu lần? Tôi phải bố thí cho bao nhiêu người nghèo khó? Tính toán như thế là quên rằng Thiên Chúa như Chúa Giêsu mạc khải là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài ban ơn cho chúng ta hơn cả những gì chúng ta chờ đợi và tính toán. Một Thiên Chúa như thế, con người không thể có một tâm tình nào xứng hợp hơn là lòng tri ân, niềm tín thác. Đó là sự thể hiện của một tâm hồn tự do đích thực, nhờ đó con người có thể vượt qua bốn bức tường nhà thờ để không ngừng gặp gỡ Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

 

28.Đức tin của con đã cứu con – Veritas.

(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)

Có câu chuyện kể rằng, một hôm Chúa sai hai thiên thần xuống trần gian đi làm nhiệm vụ, đúng hẹn hai thiên thần trở về, một vđeo cái giỏ nặng trĩu, thấy vị kia đeo cái giỏ nhẹ tênh, hầu như không có gì bèn nói: Chúa sai tôi xuống trần gian thâu tất cả những lời cầu xin, nhưng nhiều quá nên cái giỏ của tôi rất nặng. Còn ngài, ngài đã làm gì mà sao cái giỏ của ngài nhẹ quá vậy? Vị kia trả lời: Tôi xuống trần gian để thu tất cả những lời tơn, nhưng chẳng có bao nhiêu.

Câu chuyện phần nào nói lên một thực tế của con người và giúp chúng ta hiểu được bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe đọc, thì ra người ta hầu như biết cầu xin hơn là biết đón nhận và tạ ơn. Thánh Luca thuật lại sự kiện có mười người phong cùi đến gặp Chúa Giêsu và khẩn khoản cầu xin Chúa thương xót, Chúa đã chữa lành bệnh cho họ, nhưng chỉ có một người quay lại để tạ ơn Chúa. Người quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa lại là một người ngoại, vậy thì chẳng lẽ những người kia không được lành bệnh sao?

Đọc bài Tin Mừng này tôi nhớ lại một sự kiện tôi đã gặp mà tôi nhớ rất rõ, đó là trưa ngày mùng 3 tháng 11 năm 1995 tại một nhà thờ của Dòng Đaminh, có một phụ nữ ôm một bó hoa tươi đang phân vân đi đi lại lại trước các tượng thánh Đaminh, thánh Vinh sơn Liêm và thánh Martinô trong khuôn viên nhà thờ. Tôi tiến lại gần và hỏi hình như bà muốn đặt hoa trước vị thánh nào đó phải không? Bà thú nhận bà là người ngoại đạo, bà làm việc này theo yêu cầu của đứa con trai của bà. Nhưng thật đáng tiếc, bà không biết đâu là thánh Martinô, rồi bà tiếp tục tâm sự: gia đình bà đều ngoại giáo, cách đó nhiều năm đứa con trai của bà học lớp 9, theo các bạn bè Công giáo đến khấn xin thánh Martinô cho học hành tốt đẹp và tất cả chúng đã đạt được như ý. Kể tđó, hàng năm vào ngày 3/11 lễ thánh Martinô nó vẫn mang bông đến tơn thánh nhân, nhưng bởi vì năm nay nó đi xa, nó vẫn nhớ việc này và nhờ bà làm giúp cho nó.

Một người ngoại đạo họ không biết Chúa, không đón nhận Phép Rửa, không cùng tuyên xưng đức tin với chúng ta nhưng họ đã nhận ra nguồn hạnh phúc thật của sự sống. Họ ý thức rất rõ và xác tín những gì họ đã đón nhận. Họ hiểu ra rằng tất cả cuộc đời của họ đều là hồng ân. Họ chưa bao giờ tuyên xưng đức tin, nhưng họ đã luôn sống và thể hiện đức tin: “Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Có thể nói, người biết tạ ơn đó là người có thái độ biết cầu xin và biết đón nhận, hay là người có thái độ tạ ơn Thiên Chúa, đó là người có đức tin.

Mỗi người chúng ta khi cầu nguyện, chúng ta thường hay nhắm đến cầu xin và luôn luôn cầu xin cho chúng ta, cho nên chúng ta đã quên mất rằng, tạ ơn là một trong những yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện. Cùng với chúc tụng, sám hối, chúng ta cầu nguyện hình như là để cầu xin Thiên Chúa thực hiện theo ý của chúng ta hơn là để chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực hành ý Ngài.

Chính thái độ đó mà chúng ta cứ quay quắt trong ý định riêng tư và dằn vặt trong tính toán nên không thể nào nhận ra được hồng ân cao cả đầy yêu thương của Thiên Chúa đang thực hiện trong cuộc đời của mình. Nếu chúng ta ý thức một chút, chúng ta sẽ nhận ra cuộc đời của chúng ta là cả một cuộc đời đầy những hồng ân. Vì vậy, chúng ta phải chúc tụng, tạ ơn cả cuộc đời và cả một cuộc đời của chúng ta phải là một cuộc đời tạ ơn liên lỉ.

Xin cho mỗi người chúng ta vững mạnh trong đức tin để nhận ra trên thế giới này Thiên Chúa vẫn đang sống, vẫn đang hành động, đang ở với chúng ta, để chúng ta chúc tụng và tạ ơn. Giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin và xin cho mỗi người chúng ta cũng sống trọn vẹn đức tin để chúng ta chúc tụng, tạ ơn Chúa.

 

29.Suy niệm Chúa Nhật 28 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy)

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa chữa 10 người phong cùi được lành bệnh, nhưng trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.

Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trên máy bay có một cô tiếp viên hàng không đẹp tuyệt vời. Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York , đã lưu ý đến sắc đẹp kiều diễm của cô tiếp viên này. Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào tạm biệt và hành khách đáp lại hai tiếng cảm ơn. Nhưng đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia và nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.

Bốn tháng sau, khi khóa I Công Đồng chung Vatican II kết thúc, các Giám Mục về nước.

Rồi bỗng một hôm, cô chiêu đãi viên xinh đẹp nọ tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen: “Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?”

– “Tôi còn nhớ lắm, cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma”.

– “Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?”

– “Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời như thế không?”

– “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”.

Trước một câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tỉnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng. Sau đó ngài nói: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở Di Linh – Lâm Đồng. Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc của con để an ủi họ”.

Mặt cô tiếp viên tái mét. Cô đứng lặng yên một hồi lâu. Sau đó cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời.

Thế rồi đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin: “Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”.

Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt.

Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân. Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (Lv13,1-44).

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa chữa 10 người phong cùi được lành bệnh, nhưng trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo. Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.

Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người. Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cảm ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân!

Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn. Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người. Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người.

Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình. Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác. Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng. Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói "cảm ơn" với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.

Người ta có muôn vàn cách để cảm ơn. Có rất nhiều chuyện mà người ta không thể cảm ơn bằng tiền bạc được, người ta có thể cảm ơn bằng nụ cười, một thoáng quan tâm hay một cử chỉ thân thiện. Hoặc như cô chiêu đãi viên hàng không trong câu chuyện đã cảm ơn Thiên Chúa bằng cách bỏ ra 6 tháng trời để đến chung sống với những người phong cùi tại Di Linh.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách: "Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17, 17-18). Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng chính vì ích lợi của kẻ được ơn. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin của anh. Người nói: "Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh" (Lc 17, 19).

 

30.Lòng biết ơn – Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Đọc Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, tôi cảm thấy thật buồn về thái độ vô ơn của chín người được ơn. Trong số mười người phong hủi được Chúa Giêsu chữa lành, chỉ có một người quay trở lại để tạ ơn. Mười người được ơn, chỉ có một người biết ơn. Tỷ lệ một phần mười. Một tỷ lệ quá thấp. Như vậy, kẻ vô ơn thì thật nhiều, còn người biết ơn có lẽ thật ít. Người biết ơn ấy lại là người ngoại đạo!

Chúa Giêsu hỏi người ngoại giáo: "Không phải tất cả mười người đều được lành sạch cả sao? còn chín người kia đâu? không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại bang này?”. Chúa Giêsu buồn không phải vì bị phụ ơn mà vì trong số mười người chỉ có một người hiểu biết tình trạng thiêng liêng của mình trước mặt Thiên Chúa.

Trong cuốn sách "Nói với chính mình" Đức Cha Bùi Tuần có viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ. Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.

Chuyện phiếm 7 “Hai chữ cảm ơn”, Gã Siêu xót xa: Một tác giả nào đó đã viết: Một sự kiện làm chúng ta phải ngạc nhiên không ít, đó là một số người Việt Nam từ nước ngoài trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như sau. Dầu có cố gắng che dấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, họ vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện không phải qua cách mua sắm tiêu xài, hay là phục sức, mà gắn liền với một chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn miệng nói lên hai tiếng “cảm ơn”. Nếu quả thực hai tiếng cảm ơn đã trở thành quí hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì phải chăng đó là một lời báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu chỉ của sự khô cạn tình người trong xã hội Việt Nam chúng ta. Khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc về tình người cũng trở thành mong manh. Và khi tình người bị chối bỏ, thì nhiều lãnh vực khác cũng sẽ bị lung lay và sụp đổ.

Sở dĩ như vậy là vì những người Việt Nam sống ở nước ngoài tiếp xúc thường xuyên với người phương Tây, nên cũng đón nhận những nét đẹp văn hóa của họ. Những tiếng vốn được người phương Tây xử dụng nhiều nhất là “xin lỗi” và “cảm ơn”. Dân Pháp thì luôn miệng nói “pardon” và “merci”. Còn dân Ăng lê thì động một tí là “sorry” và “thank you”. Thói quen tốt đẹp này có được là do sự giáo dục từ trong gia đình. Có người đã tổng kết được mười mấy chữ quan trọng trong việc giáo dục trẻ em ở phương Tây, đó là cảm ơn, chào ông bà, xin lỗi, phiền ông bà, tạm biệt, xin mời…Trong đó đứng đầu là hai tiếng “cảm ơn”. Như vậy, họ đã dạy cho con em biết cảm động, không được thờ ơ nhìn sự giúp đỡ và làm ơn của người khác.Từ đó, gã suy ra rằng, lòng biết ơn và tình yêu mến luôn đi song song và tỷ lệ thuận với nhau. Lòng biết ơn sẽ sinh ra tình yêu mến và tình yêu mến lại sinh ra lòng biết ơn.(x.dunglac.org).

Tác giả Nguyễn Văn Tuấn, trong bài “Văn hóa cảm ơn” viết chua chát: Cảm ơn và xin lỗi đôi khi trở thành một đề tài xã hội. Khoảng 2 năm trước đây, viết trên báo Tuổi Trẻ, một người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam “phàn nàn” rằng người Việt Nam ít nói xin lỗi. Tiếp theo đó là một thư khác của bạn đọc người Việt chỉ ra rằng chẳng những ít nói xin lỗi, mà người Việt còn ít nói cảm ơn. Điều này có vẻ mâu thuẫn với truyền thống đạo lý của người Việt, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, ghi ơn tiền nhân. Nhưng có lẽ trong cuộc sống bề bộn của thời thực dụng kinh tế, không ít người Việt, trong đó có cả những quan chức, quên nói lời cảm ơn. Sự thiếu sót này có thể ảnh hưởng đến quốc thể và gây ấn tượng không đẹp ở người nước ngoài về người Việt. Câu chuyện mà tôi sắp kể sau đây còn cho thấy hình như trong một số quan chức thể hiện sự tri ân vẫn còn khá khó khăn. Anh là một kỹ sư người Đức, do cơ duyên nào đó, lấy vợ Việt Nam và quê vợ ở một làng nghèo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Có lẽ để làm một nghĩa cử đẹp cho quê vợ, anh về Đức quyên tiền, và đem số tiền đó về quê vợ xây một bệnh xá cho người dân nghèo. Người dân trong làng ai cũng nhớ anh ta trực tiếp chỉ huy việc xây dựng, rất quan tâm đến chất lượng đến nổi cẩn thận gõ từng viên gạch để đánh giá xem thật hay dỏm. Kết quả là một bệnh xá khang trang và có chất lượng cao. Đến ngày khai mạc, các quan chức trong làng đua nhau cảm ơn Đảng và Nhà nước, nhưng không có đến một lời cảm ơn chàng rể người Đức dù anh có mặt trong buổi lễ khánh thành bệnh xá. (x.saigonecho.com).

Vô ơn chẳng làm cho người ban ơn thiệt thòi mà chỉ làm cho tâm hồn kẻ chịu ơn thêm chật hẹp. Đúng như John Hery Jowett đã viết: "Sống vô ơn là một cuộc đời trống vắng tình yêu và không cảm xúc. Có hy vọng mà không có tri ân là sự thiếu hụt của một nhận thức tinh tế. Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng".

Văn hóa cảm ơn được thể hiện trong xã hội văn minh. Mọi người luôn nói cảm ơn mỗi khi được người khác giúp đỡ, dù chỉ là nhỏ bé thôi. Hai tiếng cảm ơn làm ấm lòng người nghe. Hai tiếng cảm ơn làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cảm ơn được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng là vì ích lợi của kẻ được ơn mà thôi. Người Samari trở lại tạ ơn Chúa đã ban cho anh ơn phần xác. Chúa lại ban thêm cho anh ơn phần hồn nữa: "Ðứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Như thế, cảm ơn lại là cơ hội để nhận được thêm ơn.

Sống trên đời này mọi người cần biết ơn nhau. Biết ơn là thái độ cần thiết cần phải có đối với người ban ơn. Trong cuộc sống, tiếng "cảm ơn", "xin lỗi" luôn có sẵn trên môi miệng những người có giáo dục, lịch sự, lễ độ. Lòng biết ơn, tiếng cảm ơn phát xuất từ tấm lòng chân thành luôn làm vui lòng mọi người. Chính lòng biết ơn Thiên Chúa, biết ơn cha mẹ là nền tảng cho mọi thứ biết ơn khác.

Có hai thứ chịu ơn: vật chất và tinh thần.

Vật chất thì có thể tính bằng con số, đo lường bằng mức độ như một cây vàng, một ngàn đồng, một sào đất... Tất cả những thứ ấy đều có thể trả được.

Chịu ơn về tinh thần thì khó định nghĩa rõ ràng để trả ơn. Khi một người thất vọng, chán chường, cô đơn, đau khổ, bệnh tật... nếu có được một chút lửa ấm tình thương nâng đỡ sẻ chia, giúp cho người đó ra khỏi đêm tối, tìm lại ánh sáng, niềm vui, bình an, hy vọng, thì lòng biết ơn đó là mãi mãi.Kẻ nghĩ rằng trả ơn là xong, không cần biết ơn nữa, đó là một tâm hồn nghèo nàn.

Thật là dễ nếu cảm ơn những điều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống bao giờ cũng tạo cơ hội mới cho mọi người cảm ơn cả những thứ chưa hoàn hảo nữa. Suy nghĩ luôn có thể chuyển tiêu cực thành tích cực. Nếu bạn biết cách biết ơn những thứ rắc rối của bạn thì chúng có thể giúp ích nhiều cho bạn!

Bạn thân mến.

Hãy cảm ơn vì bạn chưa có tất cả những thứ bạn muốn. Vì nếu bạn có rồi thì bạn còn có gì để trông chờ và hy vọng nữa đâu.

Hãy cảm ơn vì còn nhiều điều bạn chưa biết. Vì nếu bạn biết hết rồi thì bạn chẳng còn gì để học hỏi nữa sao?

Hãy cảm ơn những lúc khó khăn. Vì nếu không có một lúc khó khăn thì liệu bạn có trưởng thành được không?

Hãy cảm ơn vì bạn còn có những nhược điểm. Vì nếu không còn nhược điểm gì thì bạn sẽ chẳng còn cơ hội để tiến bộ, để cải thiện bản thân.

Hãy cảm ơn những thử thách. Vì nếu không có thử thách nào thì liệu cái gì có thể xây dựng nên sức mạnh và cá tính của bạn?

Hãy cảm ơn những lỗi lầm bạn đã có. Vì nếu bạn không có lỗi lầm gì thì cái gì sẽ dạy cho bạn những bài học đáng giá như thế đây?

Hãy cảm ơn những khi bạn mệt mỏi. Vì nếu bạn không khi nào mệt mỏi tức là bạn không làm việc gì hay sao?

Suốt cuộc đời, bạn và tôi đều mang ơn rất nhiều. Cảm ơn về tất cả, tri ân về tất cả. Bắt đầu mầm sống trong lòng mẹ, nơi ngôi nhà ấm cúng, thầm kín đầu tiên đó, tôi được mẹ lấy máu thịt nuôi dưỡng lớn dần từng ngày.Từ ngày đó tôi đã chịu ơn rồi. Tôi vào đời với tiếng khóc như biểu tượng sự yếu đuối và cần đến mọi người. Rồi tôi lớn lên nhờ dòng sữa mẹ, nhờ hơi ấm, nhờ những bàn tay nuôi nấng dẫn dắt. Công cha, nghĩa mẹ, thầy cô giáo dục. Vào đời, tôi cần tình yêu, cần tình bạn, cần thông cảm. Cuộc đời được dệt nên bằng những ơn nghĩa nối tiếp nhau. Sự sống là ân ban cao cả nhất, thiêng liêng nhất mà tôi được đón nhận từ Thiên Chúa. Ngài tạo thành tôi và còn ban Con Một của Ngài chịu chết thập giá để cứu chuộc và ban cho tôi Sự Sống Mới.

Nói đến trả ơn, chỉ có thể trả ơn người, chứ không bao giờ trả ơn Chúa được. Hôm nay tôi nghèo, có người giúp tôi. Thời gian sau, có thể khá hơn tôi có dịp trả ơn. Nhưng với Chúa thì bao giờ tôi cũng nghèo, cũng túng thiếu. Chúa chẳng cần gì để tôi có thể trả ơn, vì mọi sự đều đến từ Chúa. Tôi chỉ có thể biết ơn Ngài bằng thái độ yêu quý những gì Ngài ban tặng. Tặng vật lớn nhất là sự sống và lời mời gọi làm con của Ngài. Bởi đó phải yêu quý sự sống của mình, yêu bản thân mình, yêu con người và yêu cuộc đời. Ghét bỏ chính mình, không yêu người là sự vô ơn đối với người ban tặng. Mọi sự đều đến từ Thiên Chúa. Ngài sắp xếp hoà điệu để con người tham gia vào chương trình đón nhận ân sủng Ngài trao tặng. Những gì tôi đón nhận từ tha nhân cũng là ơn Chúa, nên lòng biết ơn đối với tha nhân cũng chính là lòng biết ơn đối với Chúa.

Mỗi sáng khi vừa thức dậy, tâm tình đầu tiên là tôi Tạ Ơn Chúa, dâng một ngày mới cho Chúa. Cùng cộng đoàn hiệp dâng Thánh Lễ chung lời Tạ Ơn Chúa, một ngày mới tràn đầy bình an và ơn thánh.

Tạ ơn để đón nhận thêm ơn lành cho cuộc sống, lời Kinh Tiền Tụng số IV trong Sách Lễ Rôma: "Thật ra, Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Chúa lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời".

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn sống tâm tình biết ơn, biết ơn Chúa, biết ơn người để cuộc đời chúng con là bài ca tri ân tình thương của Chúa. Amen.

home Mục lục Lưu trữ