Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1355576
SỐNG TRONG MỘT THẾ GIỚI MAU QUA
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
Qua lời lẽ kinh hoàng của lối văn Khải Huyền…
Bài Phúc Âm hôm nay giống như trích đoạn song hành trong Phúc Am Máccô mà ta đọc vào Chúa nhật 33 thường niên năm B. Trước vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của Đền Thờ Giêrusalem, các môn đệ không ngớt lời trầm trồ khen ngợi và muốn Thầy mình cùng chia sẻ lòng thán phục, thì Đức Giêsu lại nhân cơ hội này nói lên một bài dài về con đường dẫn đến cuộc giải thoát.
Lời lẽ của bài diễn từ có thể gây kinh hoàng cho con người thời nay, nhưng lại rất quen thuộc với những người sống cùng thời với Đức Giêsu. Đó là lối văn bàng bạc trong từng trang Kinh Thánh mà người ta thường sử dụng để củng cố lòng tin của các tín hữu trong những giờ phút gian truân khốn khó: lối văn “Khải Huyền” muốn “vén bức màn” (đó là nghĩa của từ “apocalypse” = mạc khải) để hé mở cho ta thấy rằng mặc dầu sự thể bên ngoài có trắc trở thế nào, thì Thiên Chúa vẫn đang âm thầm hoạt động ngay trong hoàn cảnh đó. Việc mô tả quá quen trong lối văn chương này – “mặt trời ra tối tăm”, “mặt trăng không còn chiếu sáng”, “các vì sao từ trời rơi xuống”, “các quyền lực trên trời bị lay chuyển”… chỉ là một cách loan báo cuộc chiến thắng cuối cùng của Chúa vào ngày tận cùng của lịch sử.
Thể văn của bài diễn từ và ngay cả từ “Khải Huyền” đều là điều kỳ bí đối với độc giả thời nay – Hugues Cousin nhìn nhận: từ “Khải Huyền” do từ Hy Lạp apocalypsis có nghĩa là “vén màn” cho thấy điều bí mật ẩn khuất bên trong. Tại sao “vén màn” những biến cố liên quan tới Cánh Chung, những biến cố đi theo liền sự sụp đổ của thế giới cũ – thế giới của chúng ta để hướng tới thế giới mới?
Câu trả lời có cơ sở, đó là một niềm xác tín sâu xa trong Kinh Thánh rằng lịch sử các dân tộc không phải vô nghĩa, bới lẽ Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử ấy tới một cùng đích được sửa soạn chu đáo. “Người sẽ cư ngụ cùng mới họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,3-4). Đó chính là cuộc giải phóng chung cuộc vĩnh viễn của lịch sử nhân loại”
… là Tin Vui loan báo việc Chúa quang lâm.
Chính trong bối cảnh một vũ trụ đổi mới, không còn một chướng ngại nào mà Đức Giêsu trong Luca cũng như trong Máccô, loan báo Tin Vui xuất hiện Vương quốc hòa bình và công chính của Người vào lúc thời gian kết thúc. Ở đây Người coi mình như nhân vật kỳ bí của sách Đanien (bài đọc 1, Chúa nhật trước) là “Con Người” ngự giá mây trời mà đến cho đất trời cùng mở hội giao duyên.
Nhưng trong ngày ấy, kẻ sinh ra từ thế giới mới sẽ là người tuyệt vời, chính người ấy đang hình thành, “đang tiên đến gần”. Thế nên người có lòng tin phải “đứng thẳng và ngẩng đầu lên”. Lệnh Chúa mà thánh sử truyền lại không phải chỉ được gởi đến cho những Kitô hữu vô danh nào đó còn đang sống vào lúc Đức Giêsu trở lại; thánh sử cũng gởi đến cho các Kitô hữu thời ngài, đang là đối tượng của những cuộc đàn áp khủng khiếp đầu tiên, sau khi đã ngao ngán chứng kiến cảnh đổ nát của Đền thờ Giêrusalem; sau cùng, thông qua những tín hữu kia, “ngài gởi đến cho mọi kẻ có lòng tin mà sau này sẽ nghe hoặc sẽ đọc Tin Mừng thứ ba. Những giáo hữu của giáo đoàn thánh Luca – rồi (chúng ta hôm nay – đều phải sống với niềm tin chắc chắn rằng (công cuộc giải phóng họ thực sự dang tiến hành, đang gần kề” (H. Cousin, sđd, trg 282).
Đòi hỏi người tín hữu phải luôn tỉnh thức.
Được phấn khởi vì Tin vui về một Thế giới mới sẽ tỏ hiện vào lúc tận cùng thời gian và ngay từ lúc này không những hình thành trong giòng lịch sử của đời ta, người môn đệ Đức Kitô sẽ không được phép ngủ mê hay sống tiêu cực mà phải “tỉnh thức”, phải “cầu nguyện luôn” để có thể “đứng thẳng” (tâm tình kinh nguyện phụng vụ ngày Chúa nhật phục sinh) vào ngày Chúa trở lại trong vinh quang đem lại sự giải thoát dứt khoát và toàn vẹn.
Cousin kết luận: “Người ta sẽ có thể hiểu rằng chương 21 của Tin Mừng Luca không nhắm mô tả cho độc giả thấy trước diễn tiến của lịch sử cho bằng muốn thổi cho họ một luồng sinh khí đề họ sống hiên ngang giữa những cơn thử thách, nhắc nhở họ rằng giây phút hiện tại thực sự mang một giá trị tích cực: chính lúc này đây Chúa đang vẫy tay mời gọi ta đấy. Một bài diễn từ với ý nghĩa như thế vượt quá cả ý hướng của khải huyền vốn phủ nhận lịch sử, đem đến một niềm hy vọng mang tính cánh chung đòi hỏi người tín hữu phải sống tích cực với giây phút hiện tại “ở đây và lúc này”. Bởi lẽ, chính ngay bây giờ, chính trong thực tại khiêm tốn của đời thường là mầu nhiệm gặp gỡ với Đấng sẽ đến, được thực hiện. Một niềm hy vọng như thế không làm suy giảm tầm quan trọng của những trách vụ trần thế, nhưng đúng hơn còn giúp kiện toàn nhờ vào những dộng cơ mới” (Vatican II, sđd. trg 278)
BÀI ĐỌC THÊM
“Anh em hãy ngẩng đầu lên”
Phải có những biến cố hãi hùng, để ta tin rằng: Chúa đang có mặt ở đó chăng? Để cho con người quay trở về với Chúa, có phải cần đến những tai ương làm sớn tóc gáy mọi người chăng? Có những giáo phái thích chủ trương phải có những tai họa như thế để thuyết phục người ta tin rằng “Có Chúa”. Phải chăng cũng có những tín hữu muốn nghĩ rằng vì người ta sợ hãi nên mới tin, hoặc vì con người bỏ quên Chúa, nên người mới giáng xuống những tai họa để trừng phạt họ đấy sao?
Thế ra Thiên Chúa của Đức Kitô là một Thiên Chúa hay trả thù. Thế ra Người chỉ nhằm gây tai họa cốt để cho người ta khám phá ra Người sao?
Đức Giêsu mượn những hình ảnh ghê rợn kia trong một loại văn chương của thời đại Người là lối văn “Khải Huyền”, không phải để loan báo sự tận cùng, sự chấm dứt mọi sự, nhưng là để loan báo cho mọi người biết một Tin Vui là Đấng Cứu độ đang đến. Đồng thời, để mời gọi mọi người đứng sẵn ở cửa, tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Người. Còn Người thì lúc nào cũng vẫn đến. Khi mầm của hạt giống làm nứt vỏ hạt, người ta không nói là hạt chết, mà là sống. Khi những mảnh lá non hay những cánh hoa chọc thủng phần ngoài của nụ hay chồi, không ai nói đó là một sự xé rách, hay phá hoại, nhưng là vẻ đẹp.
Nào, vậy thì mời bạn hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên. Hãy nhìn đi, hãy chiêm ngưỡng đi? Chúa đang đến đây nè”.
“Tận thế sẽ là bó hoa kết dâng cuối cùng” (G. Boucher, trong “Le ciel sur terre”)
“Giờ phút kinh hoàng đã điểm. Người ta sẽ thấy núi phun lửa ầm ầm nhả ra những dung nham nóng chảy, trái đất nứt nẻ, biển cả gào thét, gió xoáy điên cuồng, nhà nhà sụp đổ. Người ta sẽ thấy đất trời rung chuyển, mặt trời ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống.. Tắt một lời đó là quang cảnh báo trước ngày tận thế. Và toàn thể nhân loại đều phải phập phồng lo sợ cho cái giờ phút hãi hùng ấy.
Tiếp theo những hiện tượng kinh khủng của trời đất, thì này đây bừng lên một cảnh tượng thật là thanh bình và hoành tráng khi con người xuất hiện. Giống như xưa giữa cơn phong ba bão táp, thì giờ đây một con người cũng đứng lên ra tay uy quyền dẹp yên sóng gió.
Cái bề ngoài từng là chết chóc, tai họa lại đang báo trước cảnh thanh bình và hoàn tất mỹ mãn.
Núp ẩn trong nhà ư? Độn thổ ư? Sống mà sợ hãi ư? Không đây sẽ là ngày để ta đứng thẳng dậy, tiến bước, mắt ngước lên, đầu ngẩng cao. Đây sẽ là khúc nhạo dạo đầu chào mừng một thế giới mới bước vào vô biên.
Đó sẽ là nơi “cư ngụ” vĩnh viễn, là nhân loại đã hoàn thành.
Như vỏ trứng tự nứt nẻ để gà con nở ra thế nào, thì trời đất đại dương cũng sẽ tự vỡ ra như vậy để cho Con Người xuất hiện, và nhân loại mới cũng cùng xuất hiện với Con Người.
Trong cảnh hỗn mang này, thực ra Chúa chỉ muốn đưa ra cho ta một lời mời gọi này mà thôi: hãy chế ngự nỗi sợ hãi để niềm tin được thảnh thơi. Hãy sống những thực tại của con người như là những giai đoạn dẫn đưa ta vào thời ân sủng và vinh quang. Hãy lấy đức khôn ngoan mà phân định điều gì xảy đến với con người, giữa các dân tộc, và ngay trung tâm các yếu tố của thế giới.
Và rồi hãy để cho đời sống và lịch sử của ta mở ra, hướng đến nguyện cầu. Nghĩa là hãy nhận ra và tìm gặp được, ngay trong những giây phứt quay cuồng của cuộc sống, sự hiện diện ân cần và thân thương của Chúa Cha, lời Chúa Con mời gọi ta hướng dẫn những biến cố theo chiều hướng đi lên và hoàn bị, sự nhạy bén đối với Chúa Thánh Thần, Đấng hằng khơi gợi lên từ muôn dân trên mặt đất, những con người luôn ấp ủ niềm hy vọng mà không sợ hãi.
Một khi Thiên Chúa làm cho lịch sử kết thúc như vậy rồi, thì một người sẽ xuất hiện trong quyền lực và vinh quang. Bấy giờ nhân loại sẽ đứng thẳng lên, ngỡ ngàng phát hiện ra rằng dẫu sao mình cũng đã dự phần làm cho thế giới nên hoàn bị.
Nhận ra sự hiện diện của Chúa.
Dáng vẻ bên ngoài có thể che khuất thực tại. Vẻ đẹp của đá hoa cương và tòa nhà có thể khiến khách tham quan chỉ chú ý đến vẻ lộng lẫy kia mà không nhận ra cái gì là quan trọng.
Đền đài hay Đấng ngự trong đền đài, cái nào quan trọng? Nếu việc loan báo sự kết liễu Đền thờ Giêrusalem có gợi được sự quan tâm, thì phải chăng cũng chỉ là để cho người ta chăm chú đến cái cốt lõi, sự Hiện diện? Cái kết thúc không được làm cho ta quên đi cái Hiện tại, cũng như cái hiện tại mau qua kia không được gây trở ngại cho việc chiêm ngưỡng Đấng chẳng hề qua đi. Hãy đón nhận những gì được ban cho ta lúc này, chứ đừng thả mồi bắt bóng. Vậy phải đợi xảy ra những biến cố kinh hoàng như chiến tranh, động đất, địch tễ và chết đói. Phải đón chờ sự sợ hãi và kẻ loan báo nỗi hãi hùng kia rồi mới lắng nghe tiếng đang nói đang mời gọi ta hôm nay chăng? Chính không phải cái giờ phút ấy, cũng chẳng phải những tiếng nói tiên báo tương lai kia mà ta phải chờ đợi. Điều quan trọng hơn cả vẫn chính là tiếng đang nói hôm nay, chỉ một tiếng nói đó mới nói thật rằng “Chính Ta đây” hoặc “Ta đây”. Chỉ ngày hôm nay, chứ không phải ngày mai, “giờ khắc ấy đã đến gần” rồi. Còn ai nữa đâu mà chờ đi theo?”
ĐỨNG VỮNG TRƯỚC MẶT CON NGƯỜI- Chú giải mục vụ của Hugues Cousin
Diễn từ về “Cuộc trường chinh của việc giải phóng”
Và sẽ có những điềm lạ trên mặt trời…
Lần này đó là những biến cố gắn liền với ngày quang lâm được nói đến (cc. 25-27). Điều đáng chú ý là liên từ “và”: Chúa Kitô đi từ thời của dân ngoại đối với thành Giêrusalem đến những biến động trong vũ trụ và không xác định chiều dài của thời gian giữa sự tàn phá thành vào năm 70 với thời Tận cùng. Như thế, ngài mặc cho sự giày xéo thành bởi các dân ngoại (c. 24) một màu sắc cánh chung. Đã hai nghìn năm rồi từ ngày xảy ra biến cố ấy!
Những điềm lạ nói đây nghiêm trọng hơn những điềm lạ ở câu 11: chúng sẽ đồng thời xảy ra trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao và sẽ gieo rắc lo âu sợ hãi cho toàn thể dân cư trên mặt đất. Trật tự vũ trụ sẽ chao đảo như thể trở về với cái hỗn mang nguyên thuỷ ghi dấu thời tận cùng của lịch sử. Các biến cố này đi liền trước ngày quang lâm của Con Người, ngày đó được nhắc đến một cách ngắn gọn chứ không được mô tả. Trong khi ngày đó là đích điểm của toàn thể lịch sử nhân loại, thì tầm quan trọng của nó lại quá nhỏ trong bài diễn từ mà trọng tâm lại nằm ở chỗ khác.
Lúc ấy, Chúa Giêsu mới đưa ra một lời diễn giải giúp khám phá ý nghĩa của diễn từ (cc. 28-32); Ngài nối kết các biến cố Ngài vừa nói ở trên với các câu hỏi ban đầu về ngày giờ và dấu chỉ (xc.7). Một ý tưởng trung tâm (c.28) được minh hoạ nhờ một dụ ngôn (cc.29-30) và nhờ lời giải thích dụ ngôn ấy (c.31).
Trước hết là dấu chỉ. Những sự vật sinh sản (cây đâm chồi nẩy lộc, trong dụ ngôn) cho phép các tín hữu suy diễn về sự gần kề của ngày giải thoát vĩnh viễn (mùa hè gần đến, trong dụ ngôn; và Triều Đại Thiên Chúa gần đến, trong lời giải thích). Nếu các sự việc này quy chiếu về các biến động trong vũ trụ xảy ra trước ngày quang lâm của Con Người, thì chỉ có thế hệ tín hữu cuối cùng mới bị liên hệ bởi sự gần kề của ơn cứu độ vĩnh viễn. Và nếu Chúa Giêsu chỉ đưa ra việc trời đất rung chuyển như là dấu chỉ và không đưa ra những điềm báo về sự sụp đổ của thần thánh, Ngài không mặc khải gì mà lại đã không được nói đến trong các bản văn Cựu Ước liên quan tới Ngày của Chúa (x. Is 13,10; Hg 2,6). Trong thực tế, dấu chỉ nằm nơi những biến cố lịch sử xảy ra trước ngày Giêrusalem bị tàn phá (xc.20). Về lệnh truyền “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”, đặc biệt thích hợp cho các kẻ bị bách hai (xc. 12tt); “Ngài không nói với các Kitô hữu vô danh sẽ còn sống vào lúc quang lâm cho bằng, một cách cụ thể hơn, với các người đương thời của tác giả Tin Mừng” (V.Fusco) và, qua họ, với tất cả các Kitô hữu sau này sẽ nghe hoặc sẽ đọc Tin Mừng thứ ba. Các thành viên trong Giáo Hội của Luca –rồi chúng ta hôm nay- phải sống trong sự xác tín rằng việc giải thoát họ thực sự đang tới, rằng nó đã gần rồi. Như lời Tông đồ Phaolô: “Hiện này, ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo… Ngày gần đến” (Rm 13,11-12).
Câu 32 trả lời một cách long trọng cho câu hỏi về ngày giờ: Mọi điều ấy sẽ xảy ra trong khi thế hệ này –đa số những người đương thời với Chúa Giêsu Nagiaret- vẫn còn sống. Từ ngữ “mọi điều” bao gồm toàn bô các biến cố tương lai đã được loan báo, kể và nhất là biến cố quan trọng nhất” (V.Fusco). việc quang lâm, nghĩa là những dấu chỉ là việc Con Người ngự đến, Luca không ngại ngần chi khi lấy lại lời truyền thống này mà không thêm bớt gì, ông cũng đã làm như thế ở 9,27 với lời liên hệ đến những kẻ sẽ không phải chết trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa, mạch văn cho phép quy chiếu về biến cố hiển dung, rồi về thời gian lý tưởng giữa biến cố Phục Sinh và Thăng Thiên. Câu 32 còn đi xa hơn: thế hệ đã chứng kiến biến cố Đền Thờ bị phá huỷ cũng phải biết đến ngày quang lâm. Việc quang lâm của Chúa Kitô vinh hiển bao trùm cuộc sống mọi tín hữu và không thể là biến cố thuộc về một tương lai xa xôi.
Để kết luận lời tiên tri của mình, Chúa Giêsu xác nhận thế giá và tính cách chắc chắn của lời hứa trước đây, cũng như của toàn bộ diễn từ cánh chung (c.33): chúng vững bền hơn vũ trụ (x.16). Nói thế rồi, Ngài đồng hoá lời của Ngài với lời Thiên Chúa mà Is 55,10-11 đã nhắc đến hiệu quả.
Diễn từ kết thúc bằng một lời huấn dụ tỉnh thức và cầu nguyện (cc. 34-35). Những chỉ thị đã được đưa ra cho các môn đệ rất rõ ràng: lời cảnh giác phải đề phòng khỏi các lo lắng, trong phần giải thích dụ ngôn hạt giống (8,14) và giáo huấn về thái độ thích hợp đối với của cải vật chất (12,22tt), cảnh cáo chống lại việc say sưa, trong dụ ngôn người quản lý trung thành (12,45-46). Về điểm này, tình trạng mà Giáo Hội của Luca phải đương đầu không khác gì tình trạng ở các cộng đoàn của Phaolô. Các chỉ thị được đưa ra ở 1Tx 5,4-8 –với cơ nguy, như ở đây, là ngày Phán xét đến bất thình lình đối với các tín hữu- và ở Rm 13,11-13 rất giống nhau. Sự ngủ mê đe doạ các cộng đoàn, bởi vì, trong Luca cũng như trong các thư của thánh Tông đồ, vang lên lời kêu gọi hãy tỉnh thức, hãy chỗi dậy.
Hai tảng đá ngầm đối nghịch nhau, nhưng lại phụ thuộc lẫn nhau, đang rình rập Giáo Hội: niềm hy vọng bồn chồn về ngày trở lại gần kề của Chúa Kitô (2Tx 2,1-3) và sự vỡ mộng, cơn cám dỗ buông trôi mọi hy vọng vào tương lai (x. 2Pr 3,4). “Càng nóng lòng trông đợi vào ngày quang lâm, càng đắng cay vì nỗi thất vọng” (Fusco); và các ảo tưởng là điều nguy hiểm cho đức tin. Rõ ràng đó là mối nguy thứ hai mà Luca sợ cho Giáo Hội của mình –cũng là mối nguy đe doạ các cộng đoàn Công giáo Tây phương chúng ta vào cuối thế kỷ XX này- và Luca phản ứng chống lại mối nguy ấy. Từ đó, ta thấy sự kiện Chúa Kitô nói tiên tri, tuy có phân biệt, nhưng không hoàn toàn tách rời việc Giêrusalem bị tàn phá khỏi ngày quang lâm. Cũng do đó, mà đã có những xác quyết: từ cuộc tàn phá này, sự giải thoát các tín hữu đang gần kề; mỗi tín hữu trong Giáo Hội của Luca –và mỗi người trong chúng ta- phải sống trong mọi lúc thế nào hầu có thể có sức mạnh… mà đứng vững trước Con Người.
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG- Năm C
TẤM GƯƠNG BÀ GÓA- Lm. Carolo Hồ Bặc Xái
Sợi chỉ đỏ :
Các bài đọc của Chúa nhật này bắt đầu đề cập đến ý tưởng chính của Mùa Vọng, đó là Ngày Chúa đến.
– Trong bài đọc I (Gr 33,14-16), ngôn sứ Giêrêmia bảo đảm với dân Israel là Thiên Chúa sẽ sai Đấng Messia đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày. Đó là lần thứ nhất Chúa đến.
– Trong bài Tin Mừng (Lc 21,25-27.34-36), thánh Luca mượn ngôn ngữ khải huyền của Cựu Ước để nói về lần về lần thứ hai Chúa đến, đó là ngày Quang Lâm.
– Và trong bài đọc II (1 Tx 3,12–4,2), Thánh Phaolô dạy tín hữu bồi dưỡng tình yêu để đón Chúa đến lần thứ hai.
DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến
Phụng vụ Mùa Vọng luôn nhắc chúng ta nghĩ tới việc Chúa đến. Lý do là vì chúng ta đang sống giữa hai lần Chúa đến : lần thứ nhất Chúa đến tại Bêlem một cách khiêm tốn âm thầm trong những yếu đuối của thân phận làm người ; lần thứ hai Ngài sẽ lại đến trong vinh quang uy quyền của một Vị Vua nắm quyền cả vũ trụ. Thánh Phaolô nói rằng trong thời gian giữa hai lần đó, cứ mỗi năm trôi qua thì “ơn cứu độ của chúng ta gần hơn khi chúng ta mới tin đạo”.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu chúng ta cần Chúa như thế nào để chúng ta tích cực chuẩn bị đón Ngài đến với chúng ta.
GỢI Ý SÁM HỐI
– Hôm nay là bắt đầu một năm Phụng vụ mới. Nhìn lại năm cũ, chúng ta nhận thấy có rất nhiều thiếu sót lỗi lầm. Chúng ta hãy xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp chúng ta làm lại cuộc đời trong năm mới này.
– Chúa rất thường đến với chúng ta, phần chúng ta thì ít khi đến với Chúa.
– Nhiều khi Chúa muốn đến với tâm hồn chúng ta nhưng Ngài không vào được vì lòng chúng ta đã dành hết chỗ cho những đam mê trần tục.
LỜI CHÚA
Bài đọc I (Gr 33,14-16)
Giêrêmia là một ngôn sứ đã chứng kiến những trang lịch sử đau buồn nhất của đất nước : dân Chúa bất trung với Ngài ; quân thù vây hãm Giêrusalem ; mất nước ; lưu đày. Là sứ giả của Lời Chúa trong bối cảnh như thế, Giêrêmia bó buộc phải gióng lên những lời nói chói tai để tố cáo tội lỗi của dân mình và tha thiết kêu gọi họ sám hối.
Thế nhưng khi dân đã bị lưu đày, Ngôn sứ đổi giọng. Trích đoạn này nằm trong phần “sứ điệp cứu độ” (các chương 26-35). Ông báo cho dân biết rằng cảnh lưu đày sẽ không kéo dài lâu, vì sẽ tới những ngày Thiên Chúa sẽ gởi đến Một Đấng cứu thoát họ : “Trong những ngày ấy… Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính… Giuđa sẽ được cứu thoát… Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp…”
Rõ ràng đây là lời hứa về lần đến thứ nhất của Đấng Messia.
Đáp ca (Tv 24)
Bài thơ này là lời cầu nguyện của kẻ đang đau khổ và tỏ bày tâm tình sám hối.
Từ chìa khóa trong trích đoạn được chọn đọc trong Thánh lễ hôm nay là “đường, lối” : đường lối duy nhất để thoát khỏi cảnh khổ sầu và đến được ơn cứu thoát chính là đường lối của Chúa, đường chính trực, đường chân lý, đường yêu thương, đường giao ước…
Tin Mừng (Lc 21,25-27.34-36)
Đoạn Tin Mừng này nằm trong Diễn từ chung luận trong đó Chúa Giêsu nói về những việc sẽ xảy ra vào những ngày cuối cùng của thế giới.
Các câu 25-28 : nói về ngày tận thế và Quang lâm. Tất cả những thế lực mà xưa nay người ta dựa vào vì coi là vững chắc (mặt trời, mặt trăng, tinh tú, biển…) đều bị lay chuyển để nhường cho quyền lực của Con Người lên ngôi. Trước tình huống đó, “muôn dân” (tức là những kẻ không có đức tin) sẽ lo sợ đến hồn siêu phách lạc, vì chỗ dựa của họ đã bị lung lay, nhưng các môn đệ Chúa thì hãy vui mừng và ngẩng đầu lên chờ đợi Chúa ngự đến.
Các câu 34-36: nói về đến thái độ mà môn đệ Chúa Giêsu phải có.
– Thái độ thứ nhất là chú ý tới việc quan trọng là đón Chúa đến : không nên để mình bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn bên ngoài để rồi lo chè chén say sưa hoặc chỉ lo chuyện sống chết, chỉ lo chuyện thế gian… Nếu bất cứ lúc nào cũng nghĩ đến việc Chúa đến thì dù cho có thình lình, đột ngột, họ cũng không ngỡ ngàng.
– Thái độ thứ hai là kiên trì trong việc cầu nguyện liên lĩ : cầu nguyện để xin Ngài mau đến, cầu nguyện để xin ơn đứng vững trước những xáo trộn bên ngoài.
Bài đọc II (1 Tx 3,12–4,2)
Thánh Phaolô viết bức thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônikê trong viễn cảnh Chúa sẽ đến lần thứ hai.
Vì nghĩ rằng Chúa sắp đến rồi, nên các tín hữu Thêxalônikê sống buông thả, lười biếng. Từ đó sinh ra nhiều tệ nạn khác. Thánh Phaolô cho rằng đó không phải là thái độ đúng đắn. Thái độ đúng đắn là phải bồi dưỡng tình thương : “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Có như thế thì… anh em mới được bền tâm vững chí không có gì đáng chê trách… trong ngày Chúa Giêsu quang lâm”
GỢI Ý GIẢNG
* 1. Suy nghĩ đầu năm phụng vụ mới
Hoa trên đồi có tàn đi thì cũng nở lại vào năm sau.
Tuổi xuân con người một khi tàn phai thì không bao giờ nở lại.
Mặt trời mọc lên buổi sáng, buổi chiều lặn đi, nhưng sáng hôm sau mọc lại.
Đời người dần trôi về lúc hoàng hôn và không bao giờ có bình minh nào khác.
Tại sao mỗi người chỉ có một đời ? Tại sao con người không có cơ hội khác ?
Thôi đừng thắc mắc và cũng đừng thở than. Hãy ý thức rằng cuộc đời là một món quà tặng ; vì nó chỉ có một nên nó vô cùng quý giá.
Xin Chúa cho chúng con biết tận dụng những cơ hội của đời này, bởi vì chỉ có thế chúng con mới đến được đời sau, một cõi đời không bao giờ tàn úa, một cõi đời mãi mãi sáng tươi.
* 2. Giữa tối tăm bừng lên một tia sáng
Trong bài đọc I, Ngôn sứ Giêrêmia mô tả cuộc sống trong một thời tăm tối bi quan : trong nội bộ dân Chúa thì bất trung tội lỗi ; từ bên ngoài thì hiểm họa xâm lăng lúc nào cũng rình chờ. Thế mà Giêrêmia vẫn có thể thốt lên những lời dự đoán đầy lạc quan : “Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp”. Từ trong tối tăm của hiện tại, Giêrêmia vẫn thấy trước tia sáng của tương lai, bởi vì Giêrêmia tin vào nguồn sáng là Thiên Chúa : “Đức Chúa là sự công chính của chúng ta”.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên trời…. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang… Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc…” Mặc dù vậy, Ngài vẫn bảo môn đệ mình “Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Chúng ta đang ở ngưỡng cửa một năm Phụng vụ mới. Nhìn tới tương lai, ai mà không khỏi lo lắng hoang mang vì bao gian truân đang sẵn chờ. Nhưng Lời Chúa hôm nay vẫn bảo chúng ta hãy lạc quan. Vì tương lai chỉ tối tăm mờ mịt khi vắng bóng Thiên Chúa. Còn đối với những người để Thiên Chúa dẫn dắt đời mình thì tương lai sẽ ngày càng tươi đẹp.
* 3. Hướng đi của lịch sử
Theo quan niệm thông thường của người đời, lịch sử đi theo vòng tròn : Hết xuân tới hạ, rồi thu, rồi đông, và sau đó trở lại chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông. Theo quan niệm ấy, một năm trôi qua rồi sang năm khác với cũng những cảnh ấy, những việc ấy, những lao nhọc và khó khăn ấy.
Nhưng theo quan niệm Thánh Kinh, lịch sử đi theo đường thẳng và hướng đến một tương lai tốt đẹp do Chúa sắp sẵn cho những ai biết cùng Ngài hành trình trên con đường dương thế. Chính vì nghĩ thế nên Thánh Phaolô nói với tín hữu của Ngài rằng cứ mỗi năm trôi qua thì “ơn cứu độ của chúng ta gần hơn khi chúng ta mới tin đạo”.
Hôm nay bắt đầu một năm Phụng vụ mới, chúng ta hãy quyết tâm sẽ đồng hành cùng Chúa trong suốt năm này, để mỗi ngày một tiến gần hơn tới ơn cứu độ.
* 4. Hướng lòng về Ngày Chúa đến
1/ Ý nghĩa mùa Vọng
Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào mùa Vọng. Vọng là hướng về, là chờ đợi. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta hướng lòng về ngày Chúa đến, đồng thời chờ đợi Chúa đến. Chúa đến để khai mạc một thời đại mới, thời đại hết sức tốt đẹp hơn, tràn đầy hạnh phúc.
Chúa đến thế gian này hai lần, lần thứ nhất đã đến rồi, và lần thứ nhì chưa đến nhưng chắc chắn sẽ đến. Vì thế, mùa Vọng có hai ý nghĩa :
– Thứ nhất : chuẩn bị đón mừng kỷ niệm biến cố Chúa đến lần thứ nhất cách đây 2000 năm.
– Thứ hai : chuẩn bị đón Chúa đến lần thứ hai. Lần này, chúng ta không biết sẽ xảy ra vào lúc nào. Có thể còn lâu, nhưng cũng có thể đến nơi rồi. Ngài nói Ngài sẽ đến bất ngờ như kẻ trộm.
Tuy nhiên, biến cố quan trọng này vẫn có thể biết trước, nhất là đối với những tâm hồn tỉnh thức, luôn luôn chuẩn bị đón chờ, vì có những điềm báo trước. Thánh Phaolô viết : «Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm. Khi người ta nói : “Bình an biết bao ! Yên ổn biết bao !”, thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống (…) chẳng ai trốn thoát được. Nhưng thưa anh em, anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày» (1 Tx 5,2-5).
2/ Chờ đợi «Trời mới đất mới», một kỷ nguyên tốt đẹp sẽ đến
Mùa Vọng là thời gian thuận lợi để Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị và sẵn sàng đón chờ Chúa đến. Chúa đến để khai mở một kỷ nguyên mới :«Này đây, Ta sẽ sáng tạo trời mới đất mới» (Is 65,17a ; xem 66,22), nghĩa là một kỷ nguyên thanh bình, hạnh phúc, được ngôn sứ Isaia diễn tả như sau : «Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, và sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này cũng như nước lấp đầy lòng biển» (Isaia 11,6-9). Kỷ nguyên này không còn chiến tranh, bất công, hận thù, không còn nước mắt, đau khổ. Mọi người đều thỏa mãn, an vui, hạnh phúc.
Vì thế, ngày Chúa đến là một ngày hết sức vui mừng cho những người sống tốt lành, khiêm nhường, yêu thương người khác. Ngày đó là ngày những người tốt lành hằng mong chờ, vì đó là ngày thiện vĩnh viễn thắng ác, là ngày Thiên Chúa toàn thắng ma quỉ cùng những thế lực xấu xa, là ngày ơn cứu chuộc được thể hiện tràn đầy, viên mãn. Ma quỉ cùng với sự ác, sự chết, đau khổ vĩnh viễn bị tiêu diệt khỏi thế giới người sống, và bị trừng trị đích đáng. Đó là một ngày đáng vui mừng hơn bất kỳ ngày nào !
Nhưng ngày đó cũng là ngày hết sức khủng khiếp cho những kẻ không yêu thương người chung quanh, những kẻ lãnh đạm trước những đau khổ của người khác, những kẻ sống bất lương, kiêu căng, gây tội ác, tạo bất công. Ngày đó Thiên Chúa sẽ hết sức thịnh nộ và không còn khoan nhượng đối với những phường gian ác. Ngài phán với họ : «Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và những kẻ theo nó. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp» (Mt 25,41.46).
3/ Ngày đó có thể sắp đến
Kinh Thánh cho biết những điềm sẽ xẩy ra báo trước ngày ấy : các ngôn sứ giả, chiến tranh, đói kém, động đất, lụt lội, các thứ dịch tễ, tai họa… (xem Mt 24,4-8), các tội ác, tình trạng đạo đức giảm sút, lòng người ra khô khan nguội lạnh, tôn giáo thì đa số vụ hình thức mà lơ là điều cốt lõi là mến Chúa yêu người đích thật… Những điềm báo trước đó ngày càng thể hiện rõ rệt trong thời đại chúng ta. Vì thế, ta biết ngày Chúa đến không còn xa lắm, nó có thể sắp đến, một cách bất chợt.
Đức Kitô nói ngày ấy đến như kẻ trộm, điều đó không chỉ có ý nghĩa thời gian (tức vào thời điểm không ngờ được), mà có thể còn là hình thức (cách xảy đến cũng không ngờ được). Nghĩa là Chúa đến có thể theo một cách khác hẳn với cách mọi người thường nghĩ.
Ngày ấy là ngày Chúa phán xét, nên điều hết sức quan trọng là vào ngày ấy, chúng ta phải là người trong sạch, tốt lành, không có gì đáng chê trách trước mặt Chúa, nhất là về lòng yêu thương và cách xử sự đối với mọi người. Khi phán xét, Ngài phán xét ta chủ yếu về điều ấy.
4/ Hãy chuẩn bị sẵn sàng
Vì ta không biết ngày nào Ngài đến, nên khôn ngoan nhất là lúc nào ta cũng nên sẵn sàng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô cũng khuyên ta như vậy : «Anh em hãy đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất». Chuẩn bị như thế nào ? Đức Kitô khuyên ta : «Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn».
– Tỉnh thức là luôn luôn tỉnh táo ý thức rằng ngày ấy có thể đến bất kỳ lúc nào, nên lúc nào cũng sẵn sàng như thể Chúa sẽ đến vào ngay ngày mai, hay chốc lát nữa. Thái độ sẵn sàng đó chắc chắn không làm ta thiệt hại, mà giúp ta sống khôn ngoan, hạnh phúc hơn. Hình ảnh hay nhất minh họa sự tỉnh thức là thái độ của người canh kẻ trộm, không dám ngủ thiếp đi một phút nào.
– Cầu nguyện không phải chỉ là đọc kinh, mà là tâm trạng luôn hướng về Chúa, sẵn sàng làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Cầu nguyện là hợp nhất với Thiên Chúa trong tâm tình yêu thương, nhất là trong ý hướng và hành động. Hãy luôn luôn muốn và thực hiện những điều Chúa muốn.
Có như vậy, chúng ta mới «đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến, và đứng vững trước mặt Con Người».
***
Lạy Cha, hiện nay, đã có biết bao nhiêu điềm báo hiệu ngày quang lâm của Chúa Giêsu. Ngày ấy có thể đã gần tới. Vì thế, xin Cha giúp con biết chuẩn bị cho ngày ấy, và sẵn sàng để bất kỳ lúc nào Ngài đến, Ngài cũng có thể hài lòng về con, về cách sống của con, về tình thương của con đối với mọi người, và về cách đối xử tốt đẹp của con đối với những người chung quanh con. Xin giúp con luôn tỉnh thức trong tinh thần cầu nguyện, như Chúa Giêsu đã khuyên nhủ mọi người trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen (Nguyễn chính Kết)
* 5. “Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên”
Thời Đức quốc xã thế chiến II. Một thanh niên 17 tuổi bị giam, vượt ngục, bị bắt lại và bị lên án tử, anh viết thư cho cha mình :
“Thưa ba, con cảm thấy rất khó khi viết bức thư này, nhưng con phải báo cho ba hay là tòa án quân sự đã tuyên cho con một bản án rất nặng. Xin Ba đọc thư này một mình rồi sau đó tìm cách khéo léo kể lại cho má biết… Chỉ vài ngày nữa thôi, lúc 5 giờ sáng thì sự việc sẽ xảy đến… và con sẽ về với Chúa…
Phải chăng đó là một chuyến đi khủng khiếp ?.. Tuy nhiên giờ đây con thấy mình rất gần Chúa và con đang chuẩn bị chết… Con nghĩ điều đó thật là xấu đối với ba hơn là đôùi với con. Vì con biết, con đã xưng hết mọi tội của con rồi. Bây giờ con rất bình an…” (Mark Link kể)
* 6. Tỉnh thức và cầu nguyện
Trong cuộc chiến khốc liệt giữa Pháp và Đức năm 1870, tại một bệnh viện Pháp, có một thương binh vốn là sĩ quan người Đức đang bị bắt làm tù binh. Một hôm, bác sĩ cho biết anh sẽ không qua khỏi vì vết thương ngày càng trầm trọng. Viên sĩ quan tỏ ra bất cần một cách ngạo nghễ và can đảm chờ đợi cái chết.
Chị y tá nữ tu Dòng Nữ Tử Bác ái Vinh Sơn vốn chăm sóc anh từ lâu, ân cần ngỏ ý khuyên anh nên xin gặp một vị linh mục để dọn mình trước khi chết. Anh nhận mình là người Công giáo nhưng đã bỏ đạo từ lâu, nên một mực từ chối lời đề nghị chân thành này.
Chị nữ tu vẫn dịu dàng nói :
– Nếu vậy, tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông mau hồi tâm trở về với Chúa.
Viên sĩ quan mỉa mai :
– Chỉ cực nhọc vô ích mà thôi
Chị nữ tu vẫn kiên nhẫn thuyết phục :
– Thú thật với ông, đã “16 năm” nay, các chị em trong Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho một người trở về cùng Chúa.
Viên sĩ quan ngạc nhiên :
– 16 năm rồi cơ à ? Thế người được các chị cầu nguyện chắc “phải là ân nhân của nhà Dòng ?
Chị nữ tu trả lời :
– Cách đây rất lâu, mẹ tôi là người hầu cho một nữ Nam tước người Đức. Trong một lần tôi tới thăm mẹ, bà Nam tước biết tôi là nữ tu nên đã xin cầu nguyện cho con trai bà. Anh đã mất đức tin, sống phóng túng, đam mê danh vọng và quyền lực. Đã 16 năm qua, tôi và cả Nhà Dòng vẫn luôn cầu nguyện cho anh.
Người sĩ quan gặng hỏi :
– Thế mẹ của chị có phải là bà Béate không ?
Chị nữ tu vô càng ngạc nhiên :
– Nhưng tại sao ông lại biết tên mẹ tôi ?
Đến đây thì viên sĩ quan nghẹn ngào thú nhận :
– Thưa chị, tôi chính là Nam tước Charles, con trai của nữ Nam tước mà mẹ chị đã tận tuỵ hầu hạ bấy lâu. Chính tôi là người mà chị và Nhà Dòng đã cầu nguyện cho suốt 16 năm qua.
Có nhiều người sống như không bao giờ phải chết. Có nhiều người sống như thể thế giới sẽ vô tận. Có nhiều người sống như thế gian này đã là thiên đàng. Họ bị ru ngủ bởi những hoan lạc trần thế. Trái tim họ “ra nặng nề, vì chè chén say sưa”.
Họ bị Chìm ngập trong những tính toán làm ăn, lo toan cho cuộc sống hiện tại, mà quên tìm lẽ sống thật.
Họ bị cuốn hút bởi đam mê danh vọng, quyền lực mà quên đi có những cái bất ngờ sẽ đến.
Viên sĩ quan trong câu chuyện trên đây là một điển hình.
Cuộc sống con người không thiếu những bất ngờ :
Có những bất ngờ thú vị làm cho chúng ta vui sướng khôn nguôi.
Có những bất ngờ bi thảm khiến chúng ta đau khổ tột cùng.
Mùa Vọng nhắc lại lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35). Giữa hai lần ấy có biết bao lần Người bất ngờ đến. Đó là ngày tận cùng của mỗi người chúng ta.
Mùa Vọng là mùa Tỉnh thức
Nếu chúng ta luôn “Tỉnh thức và cầu nguyện” (Lc 21,36), luôn sẵn sàng và thanh thoát, thì việc Người đến sẽ là một bất ngờ thú vị. Ngày đó, chúng ta sẽ không phải”lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét” (Lc 21,25), chúng ta sẽ không “sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26), nhưng sẽ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (Lc 21,28), vì chúng ta sắp được lãnh ơn cứu độ.
Lạy Đức Ki tô, ngày Chúa đến như vị Thẩm Phán, vũ trụ này sẽ xáo trộn sâu xa, nhưng xáo trộn kinh khủng nhất lại chính là xáo trộn trong cõi lòng.
Xin cho chúng con biết “tỉnh thức và cầu nguyện, để tâm hồn luôn sẵn sàng và thanh thoát. hầu khi Chúa đến sẽ là giây phút được mong đợi, và là một cuộc hạnh ngộ đầy hoan lạc và yêu thương. Amen (TP)
Những cây trường xuân
Trong quyển “The legend of the Bells”, John Shea kể rằng sau khi tạo dựng các giống cây, Thiên Chúa muốn ban một món quà cho mỗi giống. Nhưng trước đó Ngài muốn làm một cuộc thử nghiệm để xem cây nào xứng đáng nhận món quà nào. Ngài bảo “Ta muốn các ngươi luôn tỉnh thức suốt 7 đêm”.
Những cây trẻ rất nôn nao nhận quà nên thức suốt đêm chẳng có gì khó khăn. Tuy nhiên sang đêm thứ hai thì điều ấy không còn dễ nữa. Hoàng hôn vừa buông xuống là một số cây đã ngủ thiếp đi. Đêm thứ ba, số cây ngủ tăng thêm. Và cứ thế. Qua khỏi đêm thứ bảy thì chỉ còn một số cây còn thức, đó là cây tuyết tùng, cây thông, cây vân sam, cây linh sam, cây nhựa ruồi và cây nguyệt quế.
Thiên Chúa rất vui lòng với những cây này. Ngài phán : “Các ngươi đã kiên trì một cách rất đáng khen. Ta ban cho các ngươi món quà đặc biệt là được xanh tươi mãi mãi. Các ngươi sẽ là những cây bảo vệ cho cả khu rừng. Ngay cả khi giá lạnh mùa đông làm cho những cây khác phải chết thì các ngươi và con cháu các ngươi vẫn sống và mãi mãi xanh tươi”.
Từ đó trở đi, người ta gọi những cây ấy là những cây trường xuân.
Kitô hữu phải là những cây trường xuân giữa khu rừng nhân loại. Thế giới chung quanh có thể ngủ vùi hoặc dần dà khô héo, nhưng kitô hữu vẫn tỉnh táo, vẫn thức, vẫn mọc lên những chồi xanh tốt bằng cuộc sống chứng nhân của mình. Nói cách khác, kitô hữu vẫn yêu thương giữa một thế giới hận thù, vẫn sống hòa thuận giữa một thế giới đấu tranh, vẫn giữ vững tâm hồn chính trực giữa một thế giới dối gian, vẫn hy vọng giữa một thế giới tuyệt vọng, vẫn tỏa ánh sáng rạng ngời giữa một thế giới tối tăm.
Nói một cách khác nữa, họ là những người thợ, những giáo viên, những y sĩ, những cha mẹ, những con cái v.v. lúc nào cũng tận tuỵ chu toàn trách nhiệm của mình. Họ chính là những cây trường xuân. (FM)
Chuyện minh họa về sự sẵn sàng
Một vị đan tu tên là Mésique. Bất trung với ơn gọi, ông đã sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng. Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đống hồ ấy. Ông xin người ta cho ông ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở đó suốt 12 năm trời. Hàng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên phá cửa đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ đang vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng trước khi ra đi : “Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ phạm tội.”
Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho một người một ấn tượng sâu đậm. (Góp nhặt)
Bài giải thích của Thánh Bernard (+ 1153)
Các bạn đừng chỉ nghĩ tới lần Chúa ngự đến để “tìm và cứu những gì hư mất” (Lc 19,10) ; hãy nghĩ tới lần Ngài ngự đến để rước chúng ta đi theo Ngài nữa. Ước gì các bạn hãy suy gẫm sâu xa về hai lần ngự đến ấy, và nghiền ngẫm trong lòng về điều Ngài đã ban cho ta trong lần ngự đến thứ nhất, và điều Ngài hứa sẽ cho ta trong lần ngự đến thứ hai.
“Bởi lẽ thời phán xét đã đến, bắt đầu từ nhà của Thiên Chúa. Nếu việc đó bắt đầu từ chúng ta, thì cuối cùng số phận của những kẻ từ chối không chịu tin vào Tin Mừng của Thiên Chúa sẽ ra sao ?” (1 Pr 4,17) Cuộc chung thẩm sẽ thế nào đối với những kẻ không đứng vững trong cuộc phán xét này ? Tất cả những ai trốn tránh cuộc phán xét bây giờ, tức là cuộc phán xét làm cho thủ lãnh thế gian này bị ném ra ngoài, thì họ phải chờ đợi, hay nói đúng hơn là phải lo sợ cuộc phán xét sẽ làm cho họ cũng bị ném ra ngoài cùng với thủ lãnh của họ. Còn nếu chúng ta chịu phán xét đầy đủ bây giờ thì chúng ta hãy an tâm “mong đợi Chúa Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng ta. Ngài có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài”(Pl 3,20-21) “Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ” (Mt 13,43)
Khi Chúa đến, Ngài sẽ biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài. Nhưng chỉ với điều kiện là trước đó tâm hồn chúng ta đã được biến đổi giống tâm hồn khiêm tốn của Ngài. Chính vì thế mà Ngài đã nói : “Hãy trở nên môn đệ Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm tốn trong lòng” (Mt 11,29).
Các bạn hãy khám phá trong đoạn Tin Mừng này hai loại khiêm tốn : một là khiêm tốn về nhận thức, hai là khiêm tốn về tình yêu tức là khiêm tốn trong lòng. Loại khiêm tốn thứ nhất dạy ta biết rằng ta chẳng là gì cả, chúng ta chỉ học biết do chính chúng ta và do sự yếu đuối của chúng ta mà thôi. Với sự khiêm tốn thứ hai, chúng ta chà đạp vinh quang của thế gian, và chúng ta được học biết từ chính Đấng tự huỷ mình đi, mang phận tôi đòi ; khi người ta muốn tôn Ngài lên ngôi thì Ngài lánh đi ; còn khi được gọi chịu mọi thứ hành hạ và nhục hình trên thập giá thì Ngài đã vui lòng tự hiến.
LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, nỗ lực sống thánh thiện, lấy tình bác ái huynh đệ mà đối xử với nhau, đồng thời luôn luôn tỉnh thức và không ngừng cầu nguyện, là những việc làm không thể thiếu được trong việc chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng sinh. Với tâm tình thiết tha trông đợi ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
- Hội thánh có sứ mạng công bố cho toàn thể thế giới biết rằng / Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ duy nhất của trần gian / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi nước mọi dân / biết chân thành đón nhận lời công bố của Hội thánh.
- Trên thế giới ngày nay / nạn kỳ thị chủng tộc vẫn đang hoành hành ở nhiều nơi / đem đến vô vàn đau khổ cho những người bị kỳ thị / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi người / biết lấy tình bác ái mà đối xử với nhau.
- Tửu sắc là nguyên nhân gây ra biết bao đổ vỡ trong đời sống hôn nhân và gia đình / biết bao tội ác trong đời sống xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang đắm chìm trong tửu sắc / biết mau mắn thức tỉnh / đổi mới đời sống / để đem lại hạnh phúc cho những người thân yêu / và nhất là để đón mừng ngày Ngôi Hai xuống thế làm người.
- Thánh Phaolô khuyên các tín hữu luôn cố gắng sống thánh thiện / nhất là sống bác ái yêu thương trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô ngự đến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thành tâm lắng nghe / và tích cực thực hiện lời khuyên của vị tông đồ dân ngoại.
Chủ tế : Lạy Chúa là nguồn mọi ơn phúc, chúng con đang thao thức trông chờ ngày Chúa Giêsu Kitô, con Một Chúa hằng ưu ái, xuống thế làm người và ở cùng chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết chuẩn bị thật tốt tâm hồn, để xứng đáng đón mừng đại lễ Giáng sinh sắp tới. Chúng con cầu xin.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam