Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 73
Tổng truy cập: 1361452
SỨ MẠNG CÁC TÔNG ĐỒ
SỨ MẠNG CÁC TÔNG ĐỒ
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT.)
Trong suốt thời gian tại thế, nhất là ba năm rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su đã gặp gỡ dân chúng, tiếp xúc với dân, Ngài đã hiểu rõ đời sống thực tế của dân, càng gần gũi dân, Chúa Giê-su càng hiểu rõ họ, càng yêu mến họ và càng lúc Ngài càng lưu tâm, để ý tới họ. Dân chúng trong thời Chúa Giê-su sống cũng gặp biết bao thảm cảnh: đói khát về thể xác, thiếu thốn về tinh thần. Tin Mừng thánh Mát-thêu trong trích đoạn hôm nay đã cho chúng ta thấy rõ nhu cầu của dân chúng: "Ðức Giê-su thấy đám đông, Người chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt" (Mt 9, 36). Rõ ràng Chúa Giê-su chạnh lòng thương dân chúng vì họ bơ vơ, đói khát, nên Ngài gợi ý với các môn đệ đang ở bên Ngài: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít" ( Mt 9, 37 ).
I. CHÚA GIÊSU CHỈ RA CHO MÔN ÐỆ THẤY DÂN CHÚNG THẬT ÐÁNG THƯƠNG:
Khi theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy, chứng kiến các phép lạ Chúa làm, dân chúng như say mê với lời Chúa, hăng hái ngồi nghe Chúa, quên hết mọi Ưu tư, phiền muộn. Tuy nhiên, Chúa Giê-su thấy rõ đám đông, Ngài đã tiếp xúc với họ, đã chia sẻ với họ cả niềm vui lẫn nỗi buồn, Ngài đã hiểu thấu nỗi bận tâm của dân chúng. Dân đang nghe Chúa giảng, đang trố mắt nhìn Chúa với tâm hồn nhiệt tình, đạo đức. Họ đói lòng, nhưng tai họ thì tràn đầy Lời Chúa. Chúa hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của họ. Họ thích đón nhận nước trời, họ muốn nghe Lời Chúa và muốn có người hướng dẫn. Chúa thấy rõ điều ấy, nên Ngài thương họ thật tình, tình thương phát xuất tự con tim đầy yêu thương của Chúa.
Chúa biết rõ dân xưa trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa Cha của Người đã sai nhiều vị lãnh đạo tới hướng dẫn, chỉ vẽ, hướng dẫn dân. Một Áp-ra-ham với một dòng tộc lớn lao, Thiên Chúa tặng ban cho Ông để qua Ông 12 dòng tộc Ít-ra-en được thiết lập. Thiên Chúa đã dùng Mô-sê, Ða-vít để chăn dắt, lãnh đạo dân như những mục tử thật tốt lành. Ðời sống của dân ngày nay cũng rất cần các mục tử dẫn dắt, hướng dẫn, lãnh đạo. Các ngôn sứ thời cựu ước đã loan báo chính Chúa sẽ đến và trở thành người dẫn dắt dân, trở thành Mục Tử tốt lành, yêu thương chiên, hy sinh mạng sống vì chiên của mình (Ga 10, 11). Dân đông đảo, dân bơ vơ, dân đói khát nhưng họ có thể tin tưởng vững bước vì Chúa là Mục Tử của họ. Hình ảnh đồng lúa chín vàng gợi lên cánh đồng truyền giáo bao la, mênh mông, rộng lớn. Chúa đã đi bước trước khi Người rảo khắp các làng mạc, thành phố, rao giảng trong các hội đường. Công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa mọi bệnh hoạn, tật nguyền, xua trừ ma quỉ (x. Mt 9, 35). Nước Chúa đã đến: thế giới rộng mênh mông, nhiều người, nhiều linh hồn muốn trở về với Chúa.
II. CHÚA KÊU GỌI 12 MÔN ÐỆ TIẾP NỐI SỨ MẠNG CỦA CHÚA GIÊSU:
Trước một cánh đồng lúa chín vàng, thế giới gồm biết bao nhiêu người rải rác khắp nơi, Chúa muốn con người cộng tác vào việc cứu thế của Chúa. Công việc cứu độ một mình Chúa là đủ, nhưng Người muốn con người tiếp tay với Người trong công việc truyền giáo cho một thế giới bao la. Nên, Chúa đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để tiếp tục công việc của Ngài loan báo Tin Mừng Cứu Ðộ. Chúa Giê-su đã chọn nhóm 12 làm môn đệ, Ngài đã gọi đích danh từng người và nhất nhất các môn đệ được gọi, được chọn đã cương quyết theo Ngài. Tuy nhiên, Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ một cách nhưng không, Ngài muốn chọn ai tùy ý Ngài và ơn gọi, sự chọn lựa chỉ được thực hiện, sau khi Chúa Giê-su đã cầu nguyện lâu giờ, hỏi ý Chúa Cha. Chọn môn đệ, gọi họ là Tông Ðồ (Apostoloi), nghĩa là được sai đi.
Các môn đệ vì tùy thuộc vào Chúa, họ phải thực thi lệnh truyền của Chúa. Si-mon gọi là Phê-rô, được Chúa đặt làm đầu nhóm và trở nên vị giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh do Chúa thiết lập. Tất cả các tông đồ đều thực hiện lời gợi ý của Chúa: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít" (Mt 9, 37) và các ông đều hướng về lệnh của Chúa trước khi Ngài về trời tại Ga-li-lê: "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ..." (Mt 28, 19).
Còn bây giờ, các môn đệ, những người được Chúa sai đi đã tới trước hết với "những con chiên lạc nhà Ít-ra-en". Các môn đệ tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su: loan báo Nước Trời đã đến, thực hiện những điều Chúa Giê-su đã làm, giảng dạy, chữa lành bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỉ và ban bình an cho con người. Các Ngài đã được trao sứ vụ phục vụ con người như Chúa Giê-su đã phục vụ: "Thầy đến để phục vụ, chứ không để được hầu hạ". Các môn đệ muôn người như một đã luôn noi gương Thầy mình "vác thập giá để theo Chúa Giê-su" và các ông đã luôn hướng về đồng lúa thế giới mênh mông để xin Chúa Cha sai thợ ra gặt lúa về (Mt 9, 38). Các môn đệ luôn ý thức rằng các ông đã nhận nơi Chúa nhiều ân huệ nhưng không, các ông cũng phải cho lại nhưng không. Sứ mạng của các Tông Ðồ sẽ trải dài mãi cho đến ngày cùng tận và mọi người đều vững mạnh, tin vào lời Chúa hứa: "Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28, 20).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết yêu mến Giáo Hội, xây dựng Giáo Hội và cầu nguyện luôn cho Giáo Hội. Xin cho mỗi người chúng con luôn noi gương bắt chước các Tông Ðồ để loan báo Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô cho mọi người. Xin cho chúng con luôn biết cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, các Ðức Giám Mục, các Linh Mục và các phẩm trật của Hội Thánh.
15.Ðẹp thay bước chân người đi loan Tin Mừng
(Suy niệm của Lm. Augustine, SJ.)
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Hôm ấy, Ðức Cha Thể (Théphanô Théodore Cuenot sinh 1802 tại Pháp, chết tử đạo 1861 tại Việt Nam) gọi thày Do lên và hỏi thẳng thày về cách thày sẽ thực thi mệnh lệnh truyền giáo như thế nào:
- Thày phải mở qua ngõ An Sơn, tức Tây Sơn, một con đường để đi truyền giáo cho các dân tộc thiểu số: Thày sẽ làm thế nào để hoàn thành việc đó?
- Thưa Ðức Cha, con sẽ làm lái buôn, Thày Do đáp lời, để trong vai lái buôn, con sẽ tiến sâu vào phía bên kia ranh giới nơi những lái buôn chưa từng vượt qua. Một khi khảo sát xong địa hình, con sẽ trở về đưa một vị thừa sai đến vùng đó.
- Quá tốt, Ðức Cha Thể nói tiếp, Cha mong đợi rất nhiều ở Thày.
Thế là thày Do được trang bị bằng phẩm chất của hai thánh Têphanô và Lorensô xưa, tức chịu chức phó tế. Không tậu ngay được môn bài làm lái buôn, thày Do xin làm người giúp việc cho lái buôn. Sau thời gian ngắn, người chủ hết sức hài lòng về anh giúp việc này liền thăng chức cho anh được làm đầu bếp. Thày sáu Do, vai mang gùi chứa đựng nồi niêu chén bát, tháp tùng ông chủ lái buôn đi hết làng này sang làng khác. Thày kiên trì hỏi han anh em dân tộc về ngôn ngữ, phong tục, tập quán của họ.
Sau sáu tháng sống đời phiêu bạt, thày sáu Do đã biết tạm đủ thổ ngữ dân tộc để dùng trong trường hợp phiêu lưu một mình. Không còn lý do để ở làm đầu bếp lâu hơn nữa cho ông chủ lái buôn người kinh, thày sáu Do bỏ An Sơn về Gò Thị, trình báo mọi sự lại cho Ðức Cha Thể. Nay thày muốn làm lái buôn thực thụ để có thể đi sâu vào những buôn làng dân tộc mà các thương gia người kinh khác chưa tới bao giờ. Ðức Cha Thể tán thành ý kiến và cho bốn chủng sinh đi theo thày Do.
Ðoàn thương gia của thầy sáu Do hoàn toàn di chuyển ban đêm. Với nhiều thận trọng khôn khéo, họ đã an toàn đến với bộ lạc Hà Ðrông. Nhưng trước kia thầy sáu Do làm người đầu bếp nên không ai chú ý tới thầy làm chi. Nay thầy đóng vai ông chủ buôn người kinh, thầy liền bị người Hà Ðrông để ý muốn chiếm lấy hàng hoá mà họ tưởng là rất quý giá; họ đồng thời còn muốn bắt chủ buôn và các phụ tá để bán sang Lào làm nô lệ! May thay thầy Do biết được ý định đen tối của chủ nhân Hà Ðrông hiếu khách một cách giả dối. Thầy và các phụ tá đã kịp thời chạy trốn lúc đêm khuya, bỏ lại đàng sau tất cả hành lý và đồ đạc. Khi bọn cướp kéo đến bao vây nhà trọ, phái đoàn của thầy đã cao chạy xa bay trên đường về Gò Thị báo cáo cho Ðức Cha Thể biết kết quả.
Trước hết như đã thấy ở trên, thầy sáu Do đã biết được một ít thổ ngữ dân tộc, đó là điều cơ bản; kế đến và nhất là thầy đã khám phá ra con đường độc đạo, hiểm trở, ngoài các con đường thông thường của các thương gia người kinh sử dụng, mà qua đó các vị thừa sai có thể kín đáo đến được các vùng rừng núi phía Tây. Con đường này hết sức cam go và vất vả, lại dài hơn những lối đi khác, bởi vì phải đi một vòng quanh rộng lớn theo hướng Bắc trước khi rẽ sang hướng Tây. Ðó là lối đi an toàn, bởi lẽ không một thương gia người kinh nào có can đảm dấn bước vào đó. Sau khi xem xét chu đáo. Ðức Cha Thể đã chọn lối đi này.
Câu chuyện vừa kể phần nào nói lên ý chí cương quyết của Ðức Cha Thể đối với mệnh lệnh truyền giáo là làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ðức Giêsu (Mt 28,19). Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy ý chí cương quyết ấy khởi đi từ chính Giavê Thiên Chúa. Chính Người đã chạnh lòng thương khi thấy dân Người vất vưởng như bầy chiên không có người chăn nên đã sai Con Người đến như người Mục Tử nhân lành. Vị Mục Tử này hôm nay sai phái các môn đệ lên đường săn sóc dân Người. Do đó mới có những con người như Ðức Cha Thể là người kế nghiệp các thánh Tông Ðồ, và những người như thày sáu Do là người tích cực tham dự vào sứ mạng truyền giáo.
Thiên tình sử xuyên qua Ðức Giêsu đến ta hôm nay
Bài Tin Mừng hôm nay gợi ý cho thấy cả một thiên tình sử trước Ðức Giêsu, trong thời Ðức Giêsu và sau đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. Thiên chúa luôn là tình yêu sống động. Loài người càng vất vả lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ.
Trước Ðức Giêsu. - Ngay từ ngày con cái nhà Giacóp còn sống trong cảnh lầm than nơi Ai Cập, Giavê Thiên Chúa đã chạnh lòng thương nên đã sai Môsê đến giải thoát họ, đưa họ về đất hứa: "Tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Vua Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập." (Xh 3,9-10)
Thế là thiên tình sử của Cựu Ước đã bắt đầu từ sách Sáng Thế, nay trở nên quyết liệt trong sách Xuất Hành. Thiên Chúa tình thương luôn đứng về phe người bị áp bức để giải thoát họ khỏi cảnh bạo tàn. Xưa tiếng máu của Abel bị Cain là anh giết, vang thấu tới Thiên Chúa (St 4,10), nay tiếng rên siết của con cái Israel, Thiên Chúa cũng không bỏ qua.
Hình ảnh mục tử trong văn chương phổ quát trên thế giới đã từng được áp dụng cho những nhân vật chính trị hoặc tôn giáo. Trong Cựu Ước hình ảnh ấy có khi được áp dụng cả với Giavê Thiên Chúa, như thấy trong các sách Ngôn Sứ (Is 40,10tt; Gr 23,1-4; Ed 34,2-10; M 4,6tt). Thiên Chúa nói: "Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc Ta sẽ đưa về; con nào bị thương Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật Ta sẽ bồi dưỡng; con nào béo mập, con nào khỏe mạnh Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng." (Ed 34,1-16)
Trong thời Ðức Giêsu. - Bài Tin Mừng hôm nay chỉ phản ảnh phần nào hoạt động của Ðức Giêsu với tư cách là Mục Tử nhân lành. Tự bản chất, Ðức Giêsu chính là hiện thân của lòng ưu ái của Giavê Thiên Chúa ưu tiên dành cho người nghèo. Người được sai đến là thành phần của một gia đình nghèo làng Nadarét, để trở nên bạn của người nghèo ở mọi nơi và trong mọi thời đại. Người được sai đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó (Lc 4,18). Người quý chuộng người nghèo đến nỗi chọn ở giữa họ nhóm Mười Hai Tông Ðồ. Ðó là những người được trao quyền trừ quỷ và chữa lành mọi bệnh tật (c.1). Trong tương lai họ sẽ được ban Thần Khí để chính họ tha tội cho ai thì tội người ấy được tha (Ga 20,22-23). Trong khi chờ đợi họ là những người môn đệ thân cận nhất sống bên Ðức Giêsu. Họ được hấp thụ một nền giáo dục thiết thân hầu có khả năng Phúc Âm hoá cả thế giới nhờ có Ðức Giêsu phục sinh luôn ở với họ. "Anh em hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28,19-20).
Từ đó cho đến thời đại chúng ta hiện nay. - Các Tông Ðồ và những người thừa kế các ngài luôn phải kết hợp với Ðức Giêsu phục sinh còn ở lại mãi trong Giáo Hội, để thực thi những điều Người muốn. Mục tiêu của các cuộc Phúc Âm hoá qua các thời đại luôn là công trình hiện thực hóa Nước Thiên Chúa nơi xã hội loài người. Nước đó chỉ được hoàn tất trong ngày sau hết, nhưng đã phải bắt đầu hiện hữu giữa thế giới chúng ta đang sống. Các Kitô hữu nam nữ đều tham gia việc làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện dưới sự lãnh đạo của Chúa Kitô bằng đời sống chứng tá hàng ngày, bằng việc góp phần làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu được lãnh hội và được sống, dĩ nhiên phải xuyên qua nền văn hoá phức tạp của con người, xuyên qua cuộc đối thoại liên vị và không thể bỏ qua việc thăng tiến công bằng gắn liền với việc Thiên Chúa ngay từ ban đầu đã muốn giải phóng dân Người thoát khỏi mọi hình thức bất công. Ðiểm cuối cùng này được Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh khi nói: "Lao tác cho Nước Chúa hiển trị là nhận biết và cổ võ hành động của Thiên Chúa đang hiện diện và biến đổi lịch sử loài người. Xây dựng Nước Chúa có nghĩa là lao tác nhằm giải phóng khỏi sự dữ dưới mọi hình thức. Tắt một lời, Nước Thiên Chúa chính là việc bày tỏ và hiện thực hoá kế hoạch cứu độ trong tất cả mức tròn đầy của kế hoạch đó." (Thông điệp Sứ Mạng củ Ðấng Cứu Thế, số 15)
Một số câu hỏi gợi ý
1. Bạn nghĩ những người Công Giáo của những dân tộc thiểu số vùng Cao Nguyên Việt Nam ngày nay có thể cảm thấy lòng biết ơn đối với những người sau đây về những điều mà họ mắc nợ: Ðức Cha Thể, Thầy Sáu Do? Các vị Thừa Sai Ba Lê? Riêng bạn có mắc nợ ai về ơn đức tin mà qua họ bạn lãnh nhận chăng, chẳng hạn: người dạy giáo lý cho bạn? Người làm gương sáng cho bạn? Một cuốn sách bạn đọc? Gương của một vị thánh? Một số các vị thừa sai đầu tiên đến rao giảng Tin Mừng cho người Việt Nam, mà bạn nhớ tên?
2. Loài người càng vất vưởng lầm than thì Thiên Chúa càng xót thương và ra tay cứu độ. Bạn biết gì về lòng thương xót đó của Thiên Chúa trước thời Chúa Giêsu, trong thời Chúa Giêsu sống nơi trần gian và sau thời đó cho đến ngày hôm nay?
16.Tung cánh chim khắp nơi
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT.)
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta không khỏi xúc động,cảm kích về thái độ, cử chỉ và con người của Đức Kitô. Thực sự, có một cái gì rất diệu kỳ và linh thánh khi nói về Chúa Giêsu. Ngài sinh ra nơi trần gian không chỉ để sống kiếp làm người như mọi người khác, nhưng việc nhập thể của Chúa cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta hiểu thật rõ về Con Người-Chúa của Ngài. Ba mươi năm sống với cha mẹ của Ngài ở làng quê Nagiarét đã hun đúc con người lao động, chiêm niệm và chuẩn bị sứ vụ công khai của Ngài. Chúa Giêsu đã tiếp xúc hàng ngày với nhiều lớp dân, nên Ngài đã hiểu nhu cầu thực tế của họ. Thánh Matthêu viết:” Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt”(Mt 9,36). Với lòng nhân từ, Chúa Giêsu gợi ý để các môn đệ suy nghĩ:” Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Mt 9, 37).
NHU CẦU CỦA DÂN CHÚNG VÀ CÁNH ĐỒNG LÚA MÊNH MÔNG:
Tin Mừng của thánh Matthêu gợi lên hình ảnh rất thực tế của Chúa Giêsu: ”Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Nhờ đi đây đi đó, tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu hiểu rõ những nhu cầu của dân. Đám đông dân chúng không chỉ đói khát lương thực, không chỉ thiếu thốn vật chất, nhưng dân chúng quả đang khát khao lắng nghe lời rao giảng của Chúa và các mộn đệ của Ngài. Dân chúng đang thiếu các vị chủ chăn, đang thiếu những người lãnh đạo để dậy dỗ họ và yêu thương họ. Điều này cho chúng ta hiểu rõ hơn về quan niệm Cựu Ước: “hình ảnh các mục tử rất quen thuộc với nền văn hóa du mục“. Tổ tiên của dân Cựu Ước cũng là những người chăn chiên, như Môsê, Đavít, Giêrêmia và Eâzêkiel đã loan báo trước cho dân là chính Thiên Chúa sẽ trở nên người chăn dắt đàn chiên của Ngài. Lời tiên báo của các ngôn sứ đã được thực hiện nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con Một duy nhất của Thiên Chúa, vị Mục tử hiền lành chạnh thương và chăm sóc mọi con chiên của Ngài, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho chúng. Do đó, dân chúng cảm thất an tâm vững dạ, tiến bước vì có Chúa là Mục Tử dẫn dắt họ. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành.Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) hoặc “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Tiếp xúc với dân, hiểu rõ dân, Chúa Giêsu thấy nhu cầu truyền giáo bao la: lúa chín đầy đồng, ruộng đồng mênh mông. Chính vì thế, công việc cứu độ, việc loan báo Tin Mừng, Chúa không làm một mình. Chúa muốn có nhiều người cộng tác với Người trong công cuộc cứu độ. Do đó, Chúa đã kêu mời nhóm mười hai đi theo Ngài để Ngài huấn luyện, uốn nắn, biến đổi họ thành những tay thợ lành nghề trong cánh đồng truyền giáo bao la của thế giới. Chúa đã tuyển chọn nhóm mười hai để tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài.
CHÚA THIẾT LẬP GIÁO HỘI Ở TRẦN THẾ ĐỂ TIẾP TỤC CHƯƠNG TRÌNH CỨU RỖI CỦA CHÚA:
Tin Mừng thánh Matthêu hôm nay đưa chúng ta về những bước khởi đầu của việc thiết lập Giáo Hội. Trong thời kỳ công khai rao giảng, Chúa Giêsu đã giảng dậy trong các hội đường Capharnaum va nhiều hội đường khác. Danh tiếng của Ngài đã được rất nhiều người biết tới. Những lời rao giảng, những phép lạ của Ngài đã làm danh tiếng Ngài vang đi khắp nơi. Ngài nhìn thấy trước công cuộc cứu rỗi của Ngài. Do đó, để thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng, loan báo Tin Mừng. Trong số các môn đệ, Chúa Giêsu đã chọn mười hai người để làm tông đồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Giáo Hội của Chúa từ thời các tông đồ cho tới ngày hôm nay vẫn luôn tồn tại, phát triển không ngừng dù rằng Giáo Hội không ít gian nan, thử thách. Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng của các tông đồ mà đứng đều là thánh Phêrô và các Đấng kế vị Ngài. Do đó, chấp nhận quyền bính trong Giáo Hội, phẩm trật của Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ. Hội Thánh của Chúa ở trần gian là Hội Thánh duy nhất, thánh thiện và tông tuyền.Khi tuyên xưng như thế có nghĩa là mọi Kitô hữu sống trong sự hiệp thông với Hội Thánh trong đó các Đức Giám Mục mà Vị Thủ Lãnh là Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô làm thành một phẩm trật hết sức thánh thiêng và hiệp nhất. Hội Thánh đã được Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ, các tông đồ lại truyền lại cho các người kế tục và cứ như thế cho đến ngày viên mãn chung cục…
CẢM NGHIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA VÀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN HỘI THÁNH:
Thánh Matthêu đã vẽ lại bức tranh tuyệt đẹp về con người của Chúa Giêsu. Đây là sự mạc khải tuyệt vời về lòng thương xót của Chúa. “ Thấy đám đông thì Chúa chạnh lòng thương”. Chúa Giêsu đã sống đích thực sự sống của con người, một người có trái tim nhạy bén, trái tim biết nói, trái tim người nhưng đầy thần khí của Chúa. Chúa xót thương con người, thương yêu dân chúng vì họ đói khát lời của Chúa. Và Ngài đã chỉ thị cho các môn đệ phải tiếp tục loan báo Nước Trời, rao giảng lời Chúa. Như năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã nuôi nhiều ngàn người ăn. Dân chúng bơ vơ, đói khát cả về vật chất lẫn tinh thần, Chúa yêu thương nuôi sống họ và Chúa sẽ để lại chính Thịt Máu của Ngài làm lương thực nuôi sống con người. Hội Thánh của Chúa sẽ tiếp tục sứ mạng của Chúa và tin tưởng Chúa Thánh Thần sẽ luôn tác động, đổi mới để làm cho Giáo Hội Chúa càng ngày càng trổ sinh hoa trái tốt đẹp.
Mỗi người Kitô hữu chúng ta có ý thúc vai trò, nghĩa vụ của mình là xây dựng Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương mỗi ngày một đạo đức, thánh thiện hay không? Mỗi người Kitô hữu phải là một viên đá sống động động để Chúa xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian này. Như các tông đồ chúng ta tung cánh khắp mọi nơi để loan báo Chúa Giêsu Kitô và rao giảng Nước Trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con hiểu rõ rằng nơi đâu có người công giáo là nơi đó có Giáo Hội Chúa. Amen.
17.Suy niệm của Lm. Trọng Hương
A. Hạt giống...
Bài Tin Mừng này có 4 ý:
1. Chúa Giêsu thương đám đông như đoàn chiên không người chăn, như đồng lúa chín rộ mà không có thợ gặt, nên Ngài kêu gọi các môn đệ hãy cầu xin Thiên Chúa sai thợ gặt đến.
2. Tiếp theo, Ngài sai chính nhóm 12 ra đi làm thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Ngài ban quyền cho họ: Họ có quyền trên các thần ô uế và quyền chữa lành các bệnh tật.
3. Liệt kê danh sách 12 tông đồ. Họ xuất thân từ nhiều nơi và nhiều thành phần khác nhau, đa số là nghèo, ít học và không có địa vị cao trong xã hội.
4. Những chỉ dẫn đầu tiên về cách cư xử: 1/ Đừng đến với dân ngoại nhưng chỉ đến với các chiên lạc nhà Israel; 2/ Nội dung rao giảng: Nước Trời đã đến gần”.
B.... nẩy mầm.
1. “Bấy giờ Người nói với các môn đệ rằng ‘Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38)
Thế giới hôm nay còn nhiều điểm tối, nhưng vẫn có những đốm sáng rực rỡ: khi con người ngồi gần lại nhau để giải quyết tranh chấp, tìm kiến hòa bình; khi cả thế giới lo chung một mối lo bảo vệ trái đất, ngăn chận sida, tận diệt ma tuý; khi có những người nghèo quan tâm đến những người nghèo hơn; khi trẻ thơ và người già được chăm sóc; khi những hàng rào ngăn cách các nước được tháo gỡ; khi không còn kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, màu da; khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho con người sống hạnh phúc; khi mọi người nhận ra mình là anh em của nhau, liên đới với nhau và chịu trách nhiệm về nhau, sống trên cùng một hành tinh, dưới mái nhà bầu trời.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay còn cần rất nhiều người thiện tâm thiện chí để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Xin cho có nhiều người trẻ can đảm dấn thân cho một thế giới mới. (Hosanna)
2. Chúa Giêsu không chọn những người tài cao học rộng giàu sang và có địa vị xã hội cao, mà chọn những người có tấm lòng và thiện chí. Hai điều này là đủ, mọi điều khác Chúa sẽ lo.
3. Một tác giả tưởng tượng việc Chúa chọn các tông đồ như sau: Sau những đêm dài cầu nguyện, Ngài rảo bước khắp nơi nhưng không chọn được người nào. Ngài đành đăng quảng cáo, nhưng trong số những người đến trình diện Ngài cũng không chọn được ai.
Ngài đành tổ chức thế vận hội. Môn đầu tiên là cầu nguyện: nhiều người biểu diễn cầu nguyện rất hay nhưng Chúa không chọn được ai cả. Môn thứ hai là thờ phượng, cũng thế. Môn thứ ba là giảng thuyết, cũng thế.
Chán nản vì mất giờ vô ích, Chúa Giêsu rời vận động trường thả bộ ra bờ biển hóng gió và ở đây Ngài thấy một đám dân chài. Ngài đứng quan sát và nhận ra có một số người để hết tâm hồn vào công việc. Ngài nghĩ thầm họ là những người có quả tim. Và thế là Ngài chọn họ làm tông đồ của Ngài (Chờ đợi Chúa)
4. Chúa cũng chọn Giuđa, cũng ban quyền cho Giuđa và cũng sai Giuđa đi rao giảng Tin Mừng. Nghĩa là Chúa cũng tin tưởng và đặt hy vọng nơi Giuđa. Nhưng Giuđa đã không đáp lại niềm tin tưởng và hy vọng của Chúa.
Chúa cũng tin tưởng và hy vọng nơi con. Xin cho con đừng phụ lòng Chúa.
5. Sứ mạng của người giảng Tin Mừng là đẩy lùi sự xấu (xua đuổi các thần ô uế) và cứu chữa những khổ đau (chữa lành những người bệnh).
Đó cũng là sứ mạng của tôi. Vậy tôi đã làm gì để giảm bớt sự xấu trong môi trường tôi đang làm việc? Tôi đã làm gì đề cứu chữa các anh em tôi?
6. 12 tông đồ còn rất non yếu nên Chúa Giêsu không sai họ đến với những đối tượng khó khăn (dân ngoại) mà chỉ đến với những người Israel. Chúa không giao sứ mạng quá sức con người đâu. Cho nên tôi đừng e ngại và sợ hãi gì cả.
7. “Chúa Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trước các thần ô uế, để các ông trừ khử chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1)
Vào thời Chúa Giêsu, người ta quan niệm người bị tật nguyền là người tội lỗi vì đã làm điều ô uế. Nhưng theo Chúa Giêsu, những người đó được sinh ra để làm sáng danh Chúa, và chính Ngài đã từng chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Ngài cũng đã cảm hoá được nhiều người tội lỗi trở về với Chúa Cha.
Ngày nay, sự ô uế hiện ở nhiều mặt: dối trá, tham lam, trộm cắp, ăn chơi sa đoạ…. Cánh cửa của sự ô uế vẫn luôn mở và tồn tại song song với cánh cửa Nước Trời. Chính vì thế, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ đặc ân là trừ khử mọi ô uế và chữa lành mọi bệnh tật.
Đặc ân ấy ngày nay không chỉ dành riêng cho 12 tông đồ mà cho mọi tín hữu. Mỗi người kitô hữu phải nhận lấy nhiệm vụ trừ khử ô uế nơi chính mình và giúp anh em thoát khỏi mọi điều ô uế.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các tông đồ quyền trừ khử mọi ô uế nhằm làm sáng danh Chúa, thì xin Chúa cũng ban cho chúng con thêm sức mạnh để trừ khử ô uế nơi chính mình, sống tốt hơn và yêu mến Chúa luôn. (Hosanna).
18.Chúa Nhật 11 Thường Niên
(Suy niệm của Lm. Augustine, SJ.)
Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng
Chúa Giêsu đã về trời từ hơn 2000 năm nay, nhưng mệnh lệnh truyền giáo của Người hãy còn rất cấp bách. Theo thông kê trong cuốn Niên Giám 1999 của Toà Thánh, được đệ trình lên Ðức Thánh Cha ngày 20.2.1999, tổng số người Công giáo trên thế giới tính đến ngày 31.12.1997, là 1 tỉ rưỡi người. Tuy nhiên, con số xem ra đông đảo ấy chỉ chiếm 17,3% dân số hoàn cầu. Các lục địa có số người Công giáo đông nhất là Mỹ Châu (62,9%), rồi đến Âu Châu (41,1%) và Úc Châu (27,5%). Riêng Phi Châu chỉ có 14,9% và Á Châu: 3%! (Theo CGDT số 1197)
Tại Việt Nam, theo con số thống kê của các giáo phận vào năm 1995, trên toàn quốc có 4,646,575 người Công giáo số với tổng số dân của cả nước hơn 70 triệu người, tức chỉ chiếm dưới 7%. (Theo cuốn Công Giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm: 1945-1995, do CGDT xuất bản năm 1996, trang 509). Như vậy, nếu không tính con số anh chị em Tin Lành trong nước, thì cứ 100 người sống trên mảnh đất Việt Nam, có tới 93 người chưa tin Chúa! Một tỉ lệ khiến chúng ta phải suy nghĩ!
Câu chuyện "Xóm Chùa"
Cộng đoàn nhỏ bé gồm 3 người của Thầy Sáu Sơn vừa mua một căn nhà ở Xóm Chùa. Người dân trong khu vực gọi tên xóm ấy như thế vì xóm ở gần một ngôi Chùa; vả lại hầu hết bà con trong xóm đều là Phật giáo. Ðến sống ở Xóm Chùa, Thầy Sơn học biết thêm nhiều điều về những người láng giềng "bên lương" của Thầy.
Ðiều làm Thầy Sơn ngại ngùng nhất khi mới tiếp xúc với bà con trong xóm, là sự kính trọng đôi lúc thái quá mà họ dành cho Thầy. Về sau Thầy hiểu ra rằng truyền thống Á Ðông ta vốn trọng khổ hạnh và thoát tục, vì vậy cũng dễ hiểu tại sao bà con kính trọng các bậc tu hành, dù các vị thuộc tôn giáo nào. Cũng qua việc chung sống với bà con, Thầy nhận ra họ là những người hiền hoà, trọng nhân nghĩa. Qui tắc luân lý của họ là phải ăn ngay ở lành, phải có lòng NHÂN và tôn trọng sự sống, không chỉ nơi con người mà còn cả nơi các thụ tạo khác: "Thiên địa đại đức viết sinh" - nhân đức cao cả nhất trong trời đất là sự sống.
Với một lương tâm bình an, thanh thản khi sống theo triết lý hoà hợp đó, những người láng giềng của Thầy Sơn dường như không cảm thấy cần thiết phải đi tầm đạo ở đâu khác. Họ cũng chẳng bận tâm tìm hiểu xem đạo giáo của Thầy có gì đặc sắc, mặc dầu họ vẫn một mực kính trọng Thầy và thỉnh thoảng còn mang xôi chè biếu Thầy vào những dịp rằm lớn.
Thách đố
Câu chuyện Xóm Chùa trên đây phản ánh một thách đố chung cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng ở Á Châu, một lục địa đã ăn sâu cắm chặt vào những truyền thống nhân bản và tâm linh tự ngàn đời của nó, đến độ sau 4 thế kỷ chinh phục, Kitô giáo chỉ chinh chiếm lĩnh được tâm hồn của 3% dân số châu lục này. Trong những năm gần đây, hầu chuẩn bị cho Giáo Hội bước vào Ngàn Năm Thứ Ba, Ðức Gioan Phaolô II đã triệu tập các Thượng Hội Ðồng Giám Mục của từng châu lục, để duyệt lại các công việc và cách thức truyền giảng Tin Mừng trên các châu lục ấy. Tại kỳ họp của THÐGM Châu Á đầu năm 1998, các Giám Mục Á Châu đã cố phân tích những nguyên nhân khiến việc Tin Mừng hóa ở lục địa này chậm phát triển. Một trong những lý do chính yếu được nêu lên là Giáo Hội trong quá khứ đã quá chậm trễ trong việc mở ra và đối thoại với các truyền thống văn hóa và thiêng liêng lâu đời của Á Châu, để tìm ra nơi đó những phương thế thích hợp cho việc truyền đạt những giá trị của niềm tin Kitô giáo.
Vì vậy, tại Việt Nam chẳng hạn, trong suốt nhiều thế kỷ, người Công giáo Việt Nam hầu như đã sống bên lề văn hoá của quê hương mình, bởi lẽ khi chịu phép rửa tội, họ không còn được phép giữ phần lớn những tập tục của truyền thống mà Giáo Hội thời đó cho là không phù hợp với đức tin Công giáo (như thờ kính tổ tiên, ma chay, tục lệ ngày tết...). Hơn thế, những giáo dân đó còn bị coi là "tây hoá" từ việc xây cất nhà thờ, nghi thức phụng vụ, cho đến cả cách sống và nếp suy nghĩ.
Một cơ hội bị bỏ lỡ
Nói như thế không có nghĩa là, trong quá khứ, Giáo hội không có nhưng mẫu gương hội nhập vào văn hóa bản xứ một cách đặc sắc hầu giúp đẩy mạnh việc Truyền giáo. Xin đơn cử ở đây trường hợp Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes - Thế kỷ XVII), người đã có công đưa đức tin công giáo vào hoà hợp với những giá trị văn hoá Việt Nam. Chẳng hạn cha biên soạn chữ quốc ngữ để quảng bá đức tin dễ dàng hơn. Vì biết người dân Việt ưa chuộng chèo, hát, cha đã cho sáng tác những bài vè, bài thơ về Phúc Âm, về giáo lý, tổ chức ngắm đứng trong Mùa Thương Khó và cho Dâng Hoa tôn kính Ðức Mẹ. Ngoài ra, vì nhận thấy người Việt rất trọng luân thường đạo lý, cha đã khởi sự cuốn giáo lý "Phép Giảng Tám Ngày" bằng việc dạy Mười Ðiều Răn, về đời sau; sau đó mới đề cập đến các mầu nhiệm về Thiên Chúa. Cũng vậy, ý thức rằng dân quê Việt Nam rất mê tín, đâu đâu cũng thấy thần thánh, lại thích những gì cụ thể để diễn tả các tâm tình tôn giáo, cha đã phổ biến rộng rãi việc dùng nước phép, nến phép, các ảnh tượng thánh và tổ chức những lễ nghi linh đình. Cuối cùng, cha Ðắc Lộ yêu mến và đề cao những gì là Việt Nam; cha chủ trương hết sức giữ nguyên những tập tục gia đình, xã hội, văn hoá nghệ thuật của địa phương, chỉ trừ những gì thật sự mê tín và trái với Tin Mừng. Ngài cũng tin tưởng ở lòng đạo của người bản xứ, đến mức đã xin Toà Thánh đặt các Giám Mục người Việt để cai quản Giáo Hội bản xứ trong thời buổi cấm đạo mà các thừa sai ngoại quốc khó xuất đầu lộ diện.
Ðáng tiếc là những sáng kiến hội nhập văn hoá của cha Ðắc Lộ đã không được đón nhận kịp thời. Vì thế Giáo Hội đã để lỡ cơ hội đưa đức tin Kitô giáo ăn sâu bén rễ vào các nền văn hoá lớn ở Á Châu như Ấn Ðộ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam. Ngày nay, với công cuộc canh tân của Công Ðồng Vaticanô II (1962-1965), người Công giáo Việt Nam (cũng như người Công giáo ở khắp nơi) đã được phép cử hành các nghi thức phụng vụ bằng tiếng mẹ đẻ của mình; đồng thời họ được khuyến khích hội nhập các giá trị truyền thống của văn hoá bản xứ vào việc truyền giảng đức tin. Tuy nhiên, công cuộc trở về với truyền thống sau nhiều thế kỷ bị phân cách không phải là con đường phẳng phiu, như lời nhận xét sau đây của Ðức Cha Nguyễn Như Thể tại THÐGM Á Châu: "Ngày nay, Toà Thánh đã cho phép thờ cúng tổ tiên, nhưng muộn mất rồi, vì người Công Giáo không quen nữa nên khó chấp nhận."
Truyền giáo khởi đi từ việc sống Ðức Ái
Vượt trên mọi hình thức hội nhập văn hoá, có một đòi hỏi hội nhập nền tảng hơn hết: đó là HỘI NHẬP TÌNH YÊU, hội nhập của "văn hoá đức ái". Thật vậy, trong chỉ thị liên quan đến Truyền Giáo ở cuối bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu dã sai các đồ đệ của Người đi để loan báo Tin Mừng, đồng thời để chữa lành mọi tật bệnh của người khác (c.10,8). Như thế, loan báo Phúc Âm và thăng tiến đời sống những người nghèo khổ, bị bỏ rơi đều là những đòi hỏi cấp bách của Ðức Ái. Hơn nữa, một chứng từ tình yêu siêu việt sẽ có sức mạnh thuyết phục hơn bất cứ một lời giảng thuyết hùng biện suông nào. Chính Mẹ Têrêsa Can-cút-ta, chẳng hạn, đã chọn cách thức "nói" về Thiên Chúa (tức Truyền Giáo) khởi đi từ việc sống Ðức Ái.
Quả thật, Mẹ Têrêsa đã theo sát gót bước Chúa Giêsu khi mẹ "chạnh lòng thương" trước những người nghèo khổ, bệnh tật, hấp hối, không được ai chăm sóc trên các vỉa hè của thành phố Can-cút-ta. Chắc hẳn tâm hồn Mẹ đã bị dằn vặt nhiều trước những con người không có cơ hội sống và chết xứng đáng với nhân phẩm là con cái Thiên Chúa. Cuối cùng, Mẹ đã đặt mình để được Chúa sai đi chăm sóc những con chiên không có người chăn đó, không phải bằng lời nói, nhưng trước hết và trên hết bằng những cử chỉ bác ái siêu vượt.
Chắc hẳn không phải mọi Kitô hữu đều có thể trở nên những Thừa Sai Bác Ái như Mẹ Têrêsa; nhưng tất cả những ai đã chịu phép rửa để thuộc về Chúa Kitô, cũng đều phải thực thi Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa dạy ta trước tiên, phải cầu xin cùng Thiên Chúa, để chính Người sai ta đi. Một khi kiên trì cầu xin điều ấy, chính Chúa sẽ giúp ta mở cõi lòng hầu có thể yêu tha nhân như chính mình. Nhờ đó ta có thể dễ dàng nói về Chúa cho mọi người hơn.
Ta cũng không quên cầu nguyện cho những người đang âm thầm làm chứng tá cho Chúa trên quê hương Việt Nam (như Thầy Sáu Sơn và cộng đoàn của Thầy), để nhờ việc gắn liền với Chúa Giêsu là thân nho, công việc của các vị đó cũng mang lại nhiều hoa trái cho đất nước Việt Nam, như Mẹ Têrêsa đã mang lại biết bao thành quả cho cánh đồng truyền giáo trên thế giới.
Một số câu hỏi gợi ý
1. Có bao giờ bạn nghĩ rằng một số người đã dửng dưng với đạo Công giáo và không màng tìm biết về Chúa vì họ có một số thành kiến, hay một số hiểu lầm về Ðạo và về những người có Ðạo không? Liệu có cách nào giúp họ vượt qua những trở ngại đó?
2. Theo bạn, cách thức "Truyền Giáo khởi đi từ việc sống Ðức Ái" như Mẹ Têrêsa sẽ hữu hiệu như thế nào với môi trường bạn sống?
3. Bạn có thể góp phần vào công cuộc truyền giáo như thế nào qua cầu nguyện, qua việc làm cụ thể, qua giáo dục ý thức truyền giáo cho con cái?
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam