Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 46
Tổng truy cập: 1361953
SỨ MẠNG PHỔ QUẮT
SỨ MẠNG PHỔ QUẮT
1.- Ngữ cảnh
Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến ngữ cảnh trực tiếp, đó là mộ trống với hai sứ điệp, một tích cực, một tiêu cực:
a) Sứ điệp tích cực
Sứ điệp tích cực được gửi đến trong hai thì:
- bởi sứ thần khi ngài giao phó cho các phụ nữ hai sứ mạng là làm chứng về sự Phục Sinh của Đức Giêsu và loan báo cho các môn đệ lệnh triệu tập của Đức Giêsu (28,1-8). Đây là kinh nghiệm tiêu cực về sự Phục Sinh.
- bởi chính Đức Giêsu Phục Sinh (28,9-10): Người cho các phụ nữ sống một kinh nghiệm thực hữu về sự Phục Sinh của Người và giao cho họ cùng một sứ mạng, là triệu tập các môn đệ về Galilê.
Đoạn văn Mt 28,16-20 cho hiểu rằng các phụ nữ đã chu toàn hai sứ mạng được giao: khi quy tụ về quả núi đã được chỉ định tại Galilê, các môn đệ chứng tỏ các ông đã tin vào chứng tá của các phụ nữ liên hệ đến cuộc Phục Sinh để cũng có thể tin vào lệnh triệu tập được các bà chuyển cho.
b) Sứ điệp tiêu cực
Sứ điệp tiêu cực là truyện sai lạc về Đức Giêsu, được toán lính tung ra theo trò bịp bợm của các thủ lãnh Do-thái.
Đoạn văn này nêu bật sự tương phản (c. 16: de) giữa các thủ lãnh Do-thái và toán lính một bên, và bên kia, là Đức Giêsu và các môn đệ Người, giữa sứ điệp do người Do-thái tung ra và thực tế; vậy đoạn văn này chính là một lời phi bác tin đồn thất thiệt đã được phổ biến. Đối với người Do-thái, Đức Giêsu là một xác chết, còn các môn đệ Người là những tên trộm cắp và dối trá; trong thực tế, Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết, đã sống lại, được ban cho toàn quyền của Thiên Chúa và đảm bảo bằng sự hiện diện đầy uy lực của Người; các môn đệ Người không tìm cách đánh cắp thi hài, nhưng đã đi về Galilê, đi xa ngôi mộ, để gặp Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Mừng sẽ đi đến với “mọi dân tộc”, chứ không như tin đồn thất thiệt kia, chỉ được loan truyền “giữa người Do-thái” mà thôi. Giáo huấn phổ quát (didaskontes) mà các môn đệ của Đức Giêsu, vị Tôn Sư tuyệt đối (didaskalos, 23,8), sẽ cống hiến cho mọi dân tộc sẽ hoàn toàn vượt xa những gì toán lính phổ biến, vì họ đã làm theo lời “các thượng tế dạy” (edidachthêsan, 28,15). Các môn đệ sẽ được che chở và nâng đỡ “cho đến tận thế”, không phải bởi một quyền bính nhân loại như quyền bính của các thượng tế, nhưng bởi uy quyền của Đấng Phục Sinh, Chúa tể vũ hoàn.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành hai phần:
1) Cuộc diện kiến của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu (28,16-17);
2) Các lời nói của Đức Giêsu (28,18-20):
a) Mạc khải về quyền năng (18),
b) Lệnh truyền giáo (19-20a),
c) Hứa hiện diện hỗ trợ (20b).
3.- Vài điểm chú giải
- Về phần mười một môn đệ (16): Ở đầu c. 16 này, có tiêu từ de (“và”, “rồi”; “nhưng”; “về phần”) hẳn là để nêu lên sự tương phản giữa báo cáo sai lạc của toán lính với sự thật về cuộc hiện ra của Đức Giêsu với mười một môn đệ.
- Mười một môn đệ (16): Trong Mt, Đức Giêsu có một nhóm các “môn đệ” (mathêtês: Mt 73 lần, Mc 46 lần, Lc 37 lần, Ga 78 lần. Có 65 trong Mt ở số phức) luôn luôn được xác định bằng quán từ (article) hoi (x. 5,1; 8,21; 9,10; 12,1; 13,10; 14,15; 15,2; 16,5; 28,7). Điều này khẳng định rằng họ được biết rõ trong tư cách đó và họ không phải là nhóm “bảy mươi hai” của Lc (vả lại, Lc không gán cho nhóm “bảy mươi hai” cái tên “môn đệ”, mà là “bảy mươi hai người khác”, x. Lc 10,1). Các ông là những người sống hiệp thông với Thầy mình (“einai meta” [“ở với”]), tháp tùng Thầy trong sứ vụ của Người (9,19), cùng làm việc với Người để phục vụ các đám đông (9,36-37), được nêu ra làm gương cho các đám đông và được giới thiệu như là gia đình đích thực của Đức Giêsu (12,46-50). Mt xác định rằng các ông là “mười hai môn đệ” ( 10,1; 11,1; hay là “Nhóm Mười Hai”: 20,17; 26,20; ở c. 10,2, các ông cũng được gọi là “mười hai tông đồ” cùng với tên của các ông).
Con số “mười một” nhắc đến sự vắng mặt thê thảm của Giuđa, “một trong Nhóm Mười Hai” (26,14.47; x. 10,2.4): sự hư hỏng đã xảy ra ngay trong nhóm, tức là đây không phải là một nhóm toàn vẹn; với lại, tất cả các ông khác đều đã té ngã (x. hoi mathêtai: 26,56b; Phêrô: 26,69-75). Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu ban cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ và hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải.
- ngọn núi (16): To oros (danh từ với quán từ) khẳng định rằng chính là trên một quả núi mà Đức Giêsu và các môn đệ đã biết, nhưng không cung cấp một xác định nào khác.
- Bái lạy (17): Mt chỉ dùng động từ proskyneô (Mt 13 lần; Mc 2 lần; Lc 2 lần) cho những ai đã nhìn nhận phẩm giá của Đức Giêsu và diễn tả sự nhìn nhận đó ra bằng hành vi này (x. các hiền sĩ: 2,2.8.11; người phong cùi: 8,2; ông trưởng hội đường: 9,18; các môn đệ trên thuyền: 14,33; bà Canaan: 15,25; mẹ các con ông Dêbêđê: 20,20; các phụ nữ tại mồ: 28,9).
- Nhưng có mấy ông lại hoài nghi (17): Trong Tân Ước, động từ distazein chỉ xuất hiện ở 14,31 (Phêrô đi trên mặt nước) và ở đây. Động từ này nhắc đến những gì Tin Mừng đã nói biết bao lần về phẩm chất của đức tin của các môn đệ: ở 6,30; 8,26-27; 14,31; 16,8; 17,20 (x. câu 17). Mt là tác giả duy nhất ghi nhận “đức tin lớn (megalê hê pistis)” của bà Canaan (15,28). Cùng với đề tài đức tin, Mt trình bày đề tài sự hiểu biết (synienai) và không hiểu biết: ở 15,16; x. 16,12; 17,13.
- Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (18): Động từ edothê ở thì aorist thái bị động trần thuật (passive indicative): Thì aorist nhắm đến một sự kiện đã hoàn tất, chứ không phải là một lời hứa hay một niềm hy vọng; hẳn là ta có thể nghĩ đến một quan hệ mặc nhiên với sự phục sinh. Thái bị động đây là một thái bị động thay tên minh nhiên của Thiên Chúa. Hơn nữa, cách thức khẳng định cách tuyệt đối như thế gợi ý rằng Thiên Chúa là tác giả (so sánh c. 18b với 11,25).
Đề tài exousia cũng là một đề tài quan trọng của Mt (9 lần: 7,29; 8,9; 9,6; 9,8; 10,1; 21,23; 21,24; 21,27; 28,18). Từ ngữ có nghĩa là “quyền hành”, “uy quyền”, “quyền lợi”, “khả năng”, là những đặc tính của giáo huấn và cách hành động của Đức Giêsu: phân đoạn 5,1–7,29 (Bài Giảng trên núi) giới thiệu Đức Giêsu như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong lời nói” (x. 7,28), còn phân đoạn 8,1–9,38 giới thiệu Người như là “Đấng Mêsia có uy quyền trong hành động” (x. 11,2) (Đức Giêsu khẳng định rằng Người có exousia này: 9,6; dân chúng: 7,29; viên sĩ quan: 8,9; khi thấy người bại liệt được chữa lành, dân chúng tôn vinh Thiên Chúa: 9,8; Đức Giêsu nói về quyền của Người và từ chối cho biết nguồn gốc của quyền ấy: 21,24.27). Câu 28,18 là như tổng hợp về đề tài này và là một câu trả lời cho nhà chức trách tôn giáo: Đức Giêsu không phải là một người mất trí hay một kẻ tiếm quyền; Người đã nhận được quyền bính này trọn vẹn, trên toàn vũ trụ, từ Thiên Chúa (chứ không phải từ tay ma quỉ, x. 9,34). Ở đây, điều được khẳng định là quyền (exousia) đã được Thiên Chúa ban.
- hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ (19): Trong các Tin Mừng, động từ mathêteuein chỉ được sử dụng ở Mt (13,52; 27,57; 28,19) với hai nghĩa: 1) nghĩa nội động (intransitive): trở thành môn đệ (13,52; 27,57); 2) nghĩa ngoại động (transitive): làm thành môn đệ; làm cho ai thành môn đệ (28,19; x. Cv 14,21). Đây không phải là chỉ trình bày, cống hiến sứ điệp, loan báo Tin Mừng, nhưng là kiến tạo một quan hệ chặt chẽ và riêng tư. Kiểu mẫu của quan hệ này chính là quan hệ của Đức Giêsu lịch sử với các môn đệ đã được Người kêu gọi (môn đệ đi theo [akolouthein, x. 4,20.22; 8,23; 19,27.28], Thầy đi trước [proagein, x. 26,32; 28,7]).
- nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần (19): Công thức “nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” một công thức phép rửa. Qua công thức này, ta găp thực tại chúng ta có trong các Tin Mừng Nhất Lãm: đó là quan hệ chặt chẽ giữa đời sống và công trình của Đức Giêsu với Cha Người trong Chúa Thánh Thần. Cựu Ước biết đến vị Thiên Chúa tạo thành trời đất, đây là vị Thiên Chúa mà họ đến trình diện trong tư cách là các thọ tạo hoàn toàn khác với Ngài và không có quyền đi vào đối thoại với Ngài. Đức Giêsu loan báo vị Thiên Chúa có một người đối thoại trong bình diện thần linh. Chúa Con ở trước mặt Chúa Cha, và hai Đấng được liên kết với nhau, biết nhau, hiểu nhau và yêu thương nhau trọn vẹn và hoàn hảo nhờ Chúa Thánh Thần. Bí tích Rửa tội nhận chìm chúng ta vào trong vùng quyền lực của vị Thiên Chúa này.
- Này đây Thầy (20): Mt chuộng thức mệnh lệnh idou này. Nên ghi nhận là công thức long trọng idou egơ luôn luôn có quan hệ với ý tưởng sứ mạng: 10,16; 23,34 et 28,20.
- Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (20): Khi nói minh nhiên pasas tas hêmeras (tất cả các ngày), Đức Giêsu khẳng định Người sẽ ở thường trực và trọn vẹn với các môn đệ. Heôs tês synteleias tou aiônos (cho đến tận thế) có nghĩa mục tiêu, nơi đến: nhắm đến tận thế. Từ ngữ synteleia (hoàn tất; kết cục) luôn được sử dụng với aiôn có nghĩa là “thời gian hiện tại”, “tình trạng hiện nay của tạo thành” (x. 13,22; 12,31). Synteleia tou aiônos có nghĩa là “khi kết thúc thời gian của thế giới này”. Người ta chờ đợi một kết thúc thời gian này với việc Đức Giêsu ngự đến (x. 24,3).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Cuộc diện kiến của Nhóm Mười Một với Đức Giêsu (16-17)
Phần thứ nhất kể lại các hành vi của các môn đệ trong quá khứ (aorist) (đi tới, c. 16; bái lạy, c. 17; hoài nghi, c. 17). Bản văn cũng ghi nhận một hành vi của Đức Giêsu, “đã truyền” (etaxato, c. 16), nhưng chắc chắn đây là một hành vi Đức Giêsu đã làm trước các hoạt động của các môn đệ được kể lại trong đoạn văn này; hành vi này lại chỉ là một mệnh lệnh, một hành vi nói. Ngược lại, trong các bản văn khác về hiện ra, Đức Giêsu hành động cùng nhịp với những người có mặt, chẳng hạn, ở Mt 28,9, Đức Giêsu đến gặp (hypêntêsen) các bà. Phải chờ đến c. 18 để gặp được một hành vi của Đức Giêsu, nhưng cả hành vi này cũng chỉ là một hành vi nói (elalêsen).
Các nhân vật chính của phần thứ nhất là hoi hendêka mathêtai, “mười một môn đệ”. Con số này nhắc đến sự phản bội của cả nhóm. Nhưng sứ điệp mà Đức Giêsu ban cho các ông nhờ trung gian các phụ nữ đã là một dấu cho thấy Người tha thứ và hòa giải; Người gọi các ông là “anh em của Thầy” (28,10). Bây giờ, cuộc hành trình của các ông tiến về với Đức Giêsu và sự hiện diện của các ông tại nơi Người đã chỉ định là một dấu chứng tỏ các ông đón nhận sự tha thứ và hòa giải. Các môn đệ tiến về một nơi đã được Đức Giêsu xác định trước và theo thông tin của các phụ nữ (lệnh của sứ thần (28,7) và lệnh của Đức Giêsu ban cho các phụ nữ).
Trong Mt, ta không thấy có một lệnh minh nhiên của Đức Giêsu là đi đến một ngọn núi được xác định, nhưng có những chi tiết liên hệ đến Galilê. Tất cả các chi tiết này, khi được đặt vào trong bối cảnh là cuộc Thương Khó và Phục Sinh, thì giống như những tia chớp hy vọng được ban cho các môn đệ (tại núi Ô-liu, Đức Giêsu đã nói đến Galilê: 26,32; tại mộ, vị thiên thần đã nhắc đến Galilê: 28,7; Đức Giêsu xác nhận sứ điệp: 28,10). Chuyến đi đưa các ông về nơi Đức Giêsu đã chỉ định cho thấy rằng họ vừa thi hành lệnh Đức Giêsu truyền, họ vừa ý thức rằng họ đang được trở vào trong tình bằng hữu với Người, tình bằng hữu mà Người đã mời họ đến khi gọi họ là “anh em của Thầy” (28,10).
Như thế, câu truyện sẽ kết thúc ngay tại nơi mà sứ vụ của Đức Giêsu đã bắt đầu: tại “Galilê, miền đất của dân ngoại”, đã xuất hiện ánh sáng có sức thắng vượt bóng tối của tử thần (4,15-16) và giúp cho có thể bắt đầu việc rao giảng cho muôn dân (28,19). Ở đây tầm quan trọng của Galilê đặc biệt có tính thần học: Đấng Phục Sinh gặp lại các môn đệ Người tại nơi chính của hoạt động trần thế Người (nhất là theo Mc và Mt); điều này giả thiết có một sự tiếp nối giữa Đức Giêsu trần thế và Đức Kitô Phục Sinh, một sự tiếp nối mà c. 20a sẽ nêu bật minh nhiên (“[bằng cách] dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”). Do chính sự kiện này, Người xác nhận việc loan báo đầu tiên của Người, hoặc đơn giản hơn, xác nhận trọn vẹn sứ mạng của Người và giới thiệu sứ mạng ấy như mẫu mực cho các môn đệ.
Lời Đức Giêsu nói với các phụ nữ (28,10), “họ phải đi đến Galilê”, là một mệnh lệnh, còn “họ sẽ được thấy Thầy ở đó” là một lời hứa. Vậy bản văn của chúng ta là sự hoàn tất mệnh lệnh ấy và sự thực hiện lời hứa ấy.
“Ngọn núi” không phải là một nơi mà người ta hẳn là có thể xác định theo địa lý; đây là nơi tiêu biểu cho mạc khải (5,1: “Bài Giảng trên núi”; 15,29: mạc khải của Đấng cứu thế, Đấng nuôi dưỡng dân Người như Môsê xưa kia trong hoang địa; 28,16: “ngọn núi” xuất hiện lần thứ ba, để cũng nêu bật tầm quan trọng của mạc khải như thế).
Sự kiện các môn đệ “thấy” Đức Giêsu được kín đáo giới thiệu bằng một vị tính từ (participle), lệ thuộc động từ chính: “các ông bái lạy”. Việc “thấy Đức Giêsu” chỉ được nhắc đến ngắn ngủi ở đây, khác với các bài tường thuật khác về hiện ra, nhưng nó chẳng còn giá trị gì khi nói về niềm tin Phục Sinh. Sự kiện quan trọng đối với Mt là “các ông bái lạy” (prosekynêsan), đây là cách tôn kính mang tính tôn giáo và thậm chí phụng vụ. Thái độ này diễn tả trước những gì sẽ được lời tuyên bố ở c. 18b loan báo về quyền của Đức Giêsu. “Nhưng có mấy ông lại hoài nghi” (c. 17). Ở đây, nỗi ngờ vực đã xảy đến idontes, “khi thấy Người” như là Đấng Phục Sinh. Chúng ta phải ngạc nhiên khi thấy phát sinh nỗi ngờ vực, nghĩa là một tình trạng ngần ngại, lưỡng lự, trong bối cảnh lại quá đậm đặc và tiêu biểu này. Phản ứng này xuất hiện nhiều lần trong các bài tường thuật khác về hiện ra. Nỗi hoài nghi được thắng vượt mỗi lần một cách: Đấng Phục Sinh xin các ông cho ăn (Lc 24,41tt); Đức Giêsu hiện ra một lần nữa với các môn đệ lúc đầu không tin (Mc 16,14tt); Tôma có thể chạm tới các vết thương của Đức Giêsu (Ga 20,24-29). Ta không thấy có gì tương tự ở đây cả. Có lẽ sự hoài nghi này liên hệ đến một thời đại muộn màng hơn: cộng đoàn hôm nay không còn thấy Đức Giêsu bằng mắt thịt nữa, họ có thể rơi vào hoài nghi; họ phải thắng vượt khó khăn này nhờ dựa vào lời của Đấng Phục Sinh. Các lời nói của Đức Kitô Phục Sinh và sự vâng phục của các môn đệ với lời Người là cách thế duy nhất giúp vượt qua nỗi hoài nghi.
- Các lời nói của Đức Giêsu (18-20)
Đứng trước đức tin xen lẫn hoài nghi của các môn đệ, lời Đức Giêsu nói cung cấp câu trả lời. Đấng Phục Sinh không trách các ông về sự bất trung hoặc về nỗi hoài nghi; thậm chí Người cũng không xua tan nỗi hoài nghi bằng một cử chỉ hoặc một chứng từ bổ sung. Người đến gần các ông và nói. Người từ xa đến với những người là các môn đệ Người, vâng phục Người và đang cung kính bái lạy Người. Chỉ mình Người có thể vượt qua khoảng cách bằng cách đi đến với các ông. Proserchomai là một động từ được Mt ưa chuộng (Mt 52x; Mc 5x; Lc 10x; Ga 1x), nhưng chỉ có hai lần ông diễn tả một hành vi chủ động của Đức Giêsu (ở đây và ở 17,6-7: hai đoạn riêng của Mt): trong trường hợp này, Đức Giêsu đến gần là để nâng đỡ những người đang hoài nghi hoặc đang sợ.
Vấn đề ở đây là một lời nói, vấn đề ở đây là nghe chứ không phải là thấy. Chính lời nói của Đức Giêsu tạo được sự trấn an diễn tả ra bằng hành vi đến gần: Người tự tỏ mình ra trong lời Người nói như là Đấng được đặt để trong quyền bính và nói với uy quyền. Trong tư cách đó, Người hiện diện trong thời gian của thế giới, trong Giáo Hội cho đến tận thế.
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất (18b). Được đặt ở đầu bài diễn từ, mạc khải này đỡ nâng các khẳng định tiếp sau: lệnh truyền và lời hứa. Đức Giêsu khẳng định quan hệ của Người với Thiên Chúa và vị trí hiện nay của Người: chính Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu (so sánh với 9,6.8; 11,27 và Đn 7,14), đã ban cho Người tất cả các quyền hành trên trời dưới đất.
Theo lời rao giảng tiên khởi (kêrygma) của các tông đồ, do Phục Sinh, Người đã được đặt làm Đức Chúa (Kyrios) trên vũ trụ và làm Thẩm phán vào lúc tận thế. Trong thực tế, bản văn không nói cho biết là Người đã được Chúa Cha đặt để như thế khi nào, nhưng nhấn mạnh rằng quyền lực tối thượng này của Đấng Phục Sinh là vô biên (pasa) tự nó trong sự viên mãn và trong cường độ của nó: trong không gian, Đấng Phục Sinh hiển trị trên vũ hoàn (trời và đất), như trong Cựu Ước, Thiên Chúa được nhìn nhận là Chúa tể trời đất, nghĩa là Đấng Tạo hóa và Bảo toàn tất cả vũ trụ; và trong thời gian, Người hiển trị bây giờ và cho đến tận thế.
Bây giờ, trong tư cách là Đấng đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, Đức Giêsu là Đấng mạc khải cánh chung cho biết ý muốn của Thiên Chúa và là Đấng thực hiện dự phóng cứu độ của Ngài. Các môn đệ có thể hoàn toàn chắc chắn rằng họ được ban cho quyền này.
Từ oun, “vậy”, gợi ý là lệnh truyền này là hậu quả của tuyên bố về quyền vũ hoàn của Đức Giêsu, là sứ mạng của Nhóm Mười Một phát xuất từ quyền bính của Đức Kitô. Tuy nhiên, lệnh truyền được ban cho toàn nhóm, điều này cho thấy rằng bổn phận truyền giáo là một nhiệm vụ của toàn thể cộng đoàn chứ không của một vài cá nhân. Uy quyền (c. 18) và sự hiện diện của Đức Giêsu (c. 20) sẽ cho các ông đủ tư cách và uy tín mà chu toàn bổn phận này.
Khi đi rao giảng, các môn đệ không chỉ trình bày, chỉ cống hiến sứ điệp, loan báo Tin Mừng (keryssein), nhưng là kiến tạo một cộng đoàn có quan hệ chặt chẽ và riêng tư. Tương quan của các môn đệ với Đức Giêsu là kiểu mẫu cho sự hiệp thông với Người mà mọi dân tộc đang được đưa dẫn tới. Kể từ nay, kiểu mẫu này là chuẩn mực cho mọi ki-tô hữu: “môn đệ” có thể nói là định nghĩa ngắn nhất của ki-tô hữu. Được giao sứ mạng “làm ra các môn đệ”, Nhóm Mười Một đang hiện diện ở đây sẽ có thể rút ra từ đó biết bao hệ luận: một đàng, kinh nghiệm sống với Đức Giêsu phải luôn luôn là điểm qui chiếu cho họ trong hoạt động; đàng khác, tư cách môn đệ không phải là của riêng thuộc về những bạn đồng hành lịch sử của Đức Giêsu trần thế, trái lại đây là tư cách mà kể từ nay mỗi người được mời gọi đi vào. Tất cả đều được mời gọi trở thành”môn đệ Đức Giêsu”, vị Thầy duy nhất (x. 23,8.10).
Chiều hướng phổ quát đã được báo trước trong lời nhắc đến Abraham (1,1), trong truyện các đạo sĩ (2,1-12), vị sĩ quan Caphácnaum (8,5-13), bà Canaan (15,21-28), viên sĩ quan canh giữ Đức Giêsu trên đồi Sọ (27,54). Đi đến với các dân tộc đã là chọn lựa của Đức Giêsu, cho dù trong diễn từ truyền giáo (ch. 10), Người đã truyền các môn đệ là chỉ đi đến với các chiên lạc Israel thôi. Tính phổ quát truyền giáo này còn được báo trước ở 24,4 và 26,13, và bây giờ được khẳng định như là ý muốn chính xác của Đức Giêsu. Điều bị cấm trước đây ở 10,5 (anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại) bây giờ được khuyến cáo thi hành (hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ): như đại đa số các lần xuất hiện, từ ethnç trong Mt có nghĩa chữ là Dân ngoại, lệnh này chỉ liên hệ đến Dân ngoại. Nhưng nếu Israel không còn là đối tượng của một sứ mạng đặc biệt, điều này không có nghĩa là Israel bị loại ra khỏi chân trời Phục Sinh. Rất có thể vào thời của cộng đoàn Mt, đã có một sự đoạn tuyệt giữa Giáo Hội và Hội đường; nhưng người Do-thái tiếp tục là một thực tại của cộng đoàn Mt. Nếu Israel bị kết án, mỗi người Do-thái vẫn có thể đến với cộng đoàn các môn đệ. Sẽ xuất hiện một cộng đoàn phổ quát trong đó mỗi người có một quan hệ trực tiếp và thân tình vừa với Đức Giêsu vừa với những người khác. Hoạt động của các môn đệ là một sự tiếp nối hoạt động của Đức Giêsu (4,23; 9,35; 11,1).
Để làm cho muôn dân thành môn đệ, hai việc các môn đệ phải làm là “làm phép rửa” nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi và “giảng dạy”. Căn tính mới của Thiên Chúa là căn tính Cha, Con và Thánh Thần, mà người môn đệ bắt đầu quan hệ với qua bí tích thánh tẩy. Lệnh truyền giảng dạy đã được đặt vào cuối Tin Mừng, có thể là vì Mt coi nhiệm vụ giảng dạy như là nhiệm vụ cao nhất trong Hội Thánh. Nhóm Mười Một không được phép mở trường, nhưng tiếp tục học ở “trường” Đức Giêsu: các ông phải giảng dạy, như chính Đức Giêsu đã giảng dạy. Cho dù các ông đã nhận lãnh bổn phận giảng dạy, các ông sẽ phải mãi mãi duy trì chân tính môn đệ, bằng cách nhìn nhận và chấp nhận uy quyền của Đức Giêsu, bằng cách bây giờ tin vào Đức Giêsu như tin vào chính Thiên Chúa.
Đề tài giảng dạy đã có sẵn: các lệnh truyền của Đức Giêsu. Tin Mừng Mt chứa biết bao lời giảng dạy của Đức Giêsu (trong năm diễn từ), nhưng nhất là giáo huấn của Bài giảng trên núi đáng được xét đến. Trong lệnh truyền giáo, Đấng Phục Sinh đã nói với các môn đệ là “dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (c. 20). Câu này chắc chắn qui về tất cả mọi lời nhắn nhủ, tất cả giáo huấn của Đức Giêsu trong TM Mt, nhưng đặc biệt qui về các lời nhắn nhủ trong Bài Giảng trên núi bởi vì Bài Giảng này chứa phần lớn những gì Đức Giêsu đã dạy các môn đệ và có một giọng thôi thúc người ta thực hiện các lời nhắn nhủ này (x. 7,13-27).
Tuy nhiên, Đấng nói đây không còn là vị Thầy trần thế nữa, nhưng là Đức Chúa Phục Sinh, “Đấng đã được ban cho toàn quyền trên trời dưới đất”. Bây giờ, với uy quyền của Đấng là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” trong mức viên mãn của sự Phục Sinh, Đức-Giêsu-đang-sống lấy lại giáo huấn của Bài Giảng trên núi và nhắc lại cho các thế hệ tương lai.
Mục tiêu không còn phải là chu toàn Lề Luật hoặc các Ngôn sứ, nhưng tuân giữ “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”. Như thế, chính Đức Giêsu đặt mình vào vị trí của “Lề Luật hoặc các Ngôn sứ” (x. ngay ở 5,21-48 với các công thức “Anh em đã nghe [Luật] dạy người xưa / Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”), Người là Đấng lập pháp tối cao, diễn tả trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa. Thái độ này khi đó và lệnh truyền hiện nay gửi trở lại với các công thức khác nhau của Cựu Ước trong đó chính Yhwh truyền lệnh cho dân Ngài là tuân giữ điều răn của Ngài (x. 2 Sb 33,8; Xh 34,32; Đnl 4,2; 12,14). Bây giờ Đức Giêsu thay thế Yhwh khi khẳng định ý muốn của Người. Và chắc chắn ý muốn thần linh này được tập trung nơi điều răn yêu thương, đỉnh cao và sự hoàn tất của Kinh Thánh (“Lề Luật hoặc các Ngôn sứ”: x. 22,40).
Tuy nhiên, hẳn là ta có thể nới rộng ý nghĩa của “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em” cho cả bốn bài diễn từ khác, bởi vì tác giả đã xác định rằng chúng cũng là những “chỉ thị/dụ ngôn/những điều” của Đức Giêsu (x. công thức kết luận mỗi bài diễn từ: 11,1; 13,53; 19,1; 26,1; x. 7,28-29). Vấn đề ở đây là các giáo huấn của Thầy về các điều kiện và bản chất của đời sống đích thực của người môn đệ và về nẻo đường thánh ý chân thực của Thiên Chúa, “nẻo đường công chính” (21,32).
Khi nói “tất cả những gì Thầy đã truyền cho anh em”, Đức Giêsu xác định giáo huấn của Người là như một lệnh truyền, như một đòi hỏi cấp bách (trong một ngữ cảnh tương tự, Mc nói đến “tin mừng”: 13,10; 14,9; Lc thì nói đến “hoán cải và tha thứ tội lỗi”: 24,47). Đấng Phục Sinh biến lời của Đức Giêsu trần thế thành chuẩn mực cho Hội Thánh mọi thời và “cho đến tận thế”. Sứ điệp của Đấng Phục Sinh được coi là đồng nhất với sứ điệp của Đức Giêsu trần thế.
Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (20b). Egô meth’ hymôn eimi. Giới từ meta + thuộc cách có nghĩa là “với” nhằm diễn tả sự hiệp thông, sự hiệp nhất (cơ bản là riêng tư cá nhân), sự cộng tác, khi đó là tương quan của Đức Giêsu với những người khác: Đặc biệt 28,20 đáp lại khởi đầu Tin Mừng, khi mà Đức Giêsu được giới thiệu lúc chào đời như là Đấng mà “người ta sẽ gọi tên là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (1,23). Ở đây chúng ta có một thể đóng khung rất lớn bung mở ra chiều kích vũ hoàn của bản thân Đức Giêsu trên toàn thể lịch sử nhân loại, đồng thời vẫn nêu bật sự bám rễ của Người về phương diện xác thịt trong thời gian và không gian. Thực tại Emmanuel này được diễn tả xuyên qua toàn thể Tin Mừng: Vào lúc chào đời của Đức Giêsu (1,23); trong khi hoạt động, Người hiện diện giữa nhóm môn đệ (9,15; 26,18.20.36.38.40; x. “Đức Giêsu dẹp yên biển động”, 8,23-27; egô eimi, 14,27); những lần Người tiếp xúc với người tội lỗi (9,11) và qua cái chết ban ơn cứu chuộc (26,28; x. 1,21; 17,17 so với Mc 9,19). Mt 28,20 hẳn là câu trả lời chung cuộc cho câu hỏi ấy. Bây giờ Người hứa ở với họ mãi mãi.
Trong Cựu Ước, bằng những thuật ngữ tương tự Ta sẽ ở với các ngươi mãi mãi, Yhwh thường đảm bảo với một tín hữu, một ngôn sứ, một thủ lãnh, toàn dân, nhất là trong bối cảnh một cuộc sai phái, là Người sẽ hiện diện, nghĩa là giúp đỡ tận tình, với lòng từ bi thương xót, để cứu độ. Đấng Kyrios ban cho các môn đệ cũng một đảm bảo như Yhwh đã ban cho dân Ngài trong Cựu Ước. Người không thế chỗ cho các môn đệ, nhưng sẽ hiện diện với họ để nâng đỡ họ bằng sức mạnh, không do các đức tính hay các thành tích của các môn đệ, nhưng do sự trung tín hữu hiệu của Đấng đã đưa các lời hứa trong Kinh Thánh đến chỗ hoàn tất. Khi nói “tất cả các ngày”, Đức Giêsu khẳng định Người sẽ ở thường trực và trọn vẹn với các môn đệ, và nhắm đến tận thế, “lúc kết thúc thời gian của thế giới này”.
+ Kết luận
Trên núi Galilê (28,16; x. 5,1), Đức Giêsu Phục Sinh, đại diện toàn quyền của Thiên Chúa, tỏ mình ra như là Đấng mạc khải tối hậu của Thiên Chúa và Đấng lập pháp vĩnh viễn, nay cử các môn đệ đi đến với mọi dân tộc. Trong Cựu Ước, núi Sinai xuất hiện ra như là quả núi của mạc khải và của Giao ước, trên đó Thiên Chúa tự tỏ mình ra và thông ban các điều răn của Ngài (Xh 19,1–24,11). Từ Sinai, dân Israel bắt đầu cuộc hành trình tiến về Đất hứa; trên núi Galilê, Đức Giêsu đích thân, trong tư cách Đấng Phục Sinh, tức đã đi vào trong đời sống Thiên Chúa, cho thấy đâu là mục tiêu của mỗi người trong “tất cả các dân tộc”.
Các lời kết thúc của Đức Giêsu đã đón nhận lấy các nội dung chính của TM Mt về sứ vụ không biên giới của các môn đệ. Điều này còn cho thấy một lần nữa chiều hướng tổng hợp hướng về sứ vụ phổ quát như là nét tiêu biểu của Tin Mừng này.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Nhóm môn đệ có một vết thương, gây ra do sự phản bội và sự biến mất của Giuđa. Họ không còn là mười hai, là là mười một. Vết thương này nhắc nhớ rằng tất cả đã bất trung với Đức Giêsu. Khi Người bắt đầu chuyến đi vào Thương Khó, các ông đã cắt đứt việc đi theo Người hoặc bằng cách chạy trốn (26,56) hoặc bằng cách giữ khoảng cách trong ba lần chối (26,69-75). Tuy nhiên, Đức Giêsu đã chữa lành vết đứt này. Người không gọi những môn đệ mới, nhưng gọi chính những người đã thất bại trong thử thách Khổ Nạn. Khi các môn đệ đến nơi hẹn, Đức Giêsu không hề thốt ra một lời trách móc, mà lại còn giao sứ vụ, là sứ vụ của chính Người.
2. Nhận biết và hoài nghi là hai thái độ có thể đi với nhau, như lời xin của cha đứa bé trong Tin Mừng Máccô: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24). Do đó, cần phải nhìn lại tất cả hoạt động công khai của Đức Giêsu dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh. Bây giờ Đức Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết Người có toàn quyền, Người là Chúa tể không giới hạn, do quyền Chúa Cha ban cho Người. Người đã gọi các ông, các ông đã đi theo Người, đã nghe lời Người giảng dạy; Người đã chết trên thập giá, nhưng nay Người đang sống trước mắt các ông và là Chúa tể tuyệt đối, các ông hãy tin trọn vẹn vào Người.
3. Các môn đệ của Đức Giêsu phải ra đi để làm cho muôn dân “trở thành môn đệ” Người, chứ không phải trở thành môn đệ của chính mình. Các môn đệ mới sẽ cùng các ông bước theo Đức Giêsu, nghĩa là liên kết với Đức Giêsu, hiệp thông cuộc sống với Người, chấp nhận Người chỉ cho mình lộ trình phải theo, xác định hình thái và chiều hướng sống, ký thác trọn vẹn nơi Người.
4. Những người được nhận lời hứa hiện diện thường trực cho đến tận thế, không chỉ là các môn đệ ở trên núi Galilê ấy mà thôi. Chân trời mở rất rộng: Đấng Kyrios không hiện diện giữa dân Người như trong mầu nhiệm nội tại và trong thực tại thần bí của Người, nhưng đúng ra, tại mọi thời và trong mọi tình huống, Người ở bên cạnh dân để trợ giúp và an ủi họ, để khích lệ và kêu gọi họ, và Người luôn luôn tháp tùng hoạt động của các sứ giả Người. Mt không nhắc đến Thăng thiên để không đưa Đức Giêsu đi xa cộng đoàn của Người: Người tháp tùng họ trong cuộc hành hương trần thế “cho đến tận thế”.
47.Chú giải của Noel Quesson
Từ “Thăng Thiên" có thể mang một sắc thái xấu đối với các Kitô hữu, nếu chúng ta để cho trí tươởg tượng biểu thị một cách vật lý điều mà thực ra là một mầu nhiệm vô cùng của đức tin. Bản văn của Mátthêu khác với bản văn của Luca, không nói với chúng ta về sự thăng thiên (lên trời) nhưng về sự hiện diện mới thánh sử mời gọi chúng ta không nên cử hành ngày này như “sự ra đi của một người thân yêu mà người ta đưa ra phi trường trước khi phi cơ cất cánh”. Vậy chúng ta hãy quên đi mọi sự tưởng tượng của chúng ta và lắng nghe Đức Giêsu: Không nói về sự ra đi, Người nói về sự hiện diện khắp mọi nơi! “Thầy ở cùng anh em mọi ngày...” Vậy chúng ta hãy lắng nghe trang cuối cùng của Tin Mừng Thánh Mátthêu. Đó là bảng tỏm tắt bài tường thuật tất cả các từ ngữ đều chuyện tái ý Đó. Chúng ta hãy suy niệm về tất cả các từ ấy
Mười một môn đệ.
Họ gồm có “mười một" và chỉ mười một thôi! Rất ít đối với một trách nhiệm tỏ lớn mười một chứ không phải mười hai, như chúng ta đã quen từ lúc bắt đầu Tin Mừng. Quả thực, đây là một Giáo Hội rất nghèo nàn.. một nhóm quá nhỏ, bị cắt cụt bởi vì một người trong số họ đã bỏ ngũ. Không phải chỉ hôm nay mới có những người bỏ rơi đồng đội.
"Mười một môn đệ".. Mátthêu gọi họ là “môn đệ" thay vì là "tông đồ” điều Đó là có dụng ý. Ở đây, họ không ở vị trí của những người được giao cho một quyền bính đặc biệt. Hoàn toàn đơn giản, môn đệ là điều kiện chung của mọi người đi theo Đức Giêsu, là bạn hữu của Người. Môn đệ ư? Bạn, tôi chúng ta...Bạn có phải là một môn đệ không? Bạn hãy nhớ rằng Giuđa đã làm lỡ một cuộc hẹn gặp.
Đi tới miền Galilê...
Nhấn mạnh trên địa điểm hẹn gặp này là điều có ý nghĩa đối với Mátthêu; thánh sử đã không ngần ngại cho địa điểm ấy là nơi xảy ra sự xuất hiện chính thức, để tôn cao giá trị của miền Galilê... và không nói đến những lần hiện ra ở Giêrusalem trong các tường thuật Tin Mừng khác.
Galilê! Nơi hẹn gặp đã được Đức Giêsu chỉ định sau bữa ăn cuối cùng: "Sau khi chỗi dậy, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em" (Mt 26,32). Ở ngôi mộ trống, thiên thần đã nhắc lại cuộc hẹn gặp: "Các bà hãy mau về nói với các môn đệ Người rằng Người đi Galilê trước các ông và ở Đó các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,7). Galilê! Miền đất mà Mátthêu đã chú ý mang lại ý nghĩa tượng trưng ngay từ đầu sứ vụ của Đức Giêsu trong tỉnh Đó khi dẫn lời ngôn sứ: Hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại... những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi! (Mt 4,15; Isaia 8,23 - 9,l).
Galilê! Tỉnh xanh tươi và ngọt ngào: Xứ sở của sự sống! Galilê! Tỉnh của nhiều sắc dân trộn lẫn, xứ sở mà các người thanh khiết ở Giêrusalem khinh bỉ, xứ sở mở ra cho những xứ sở khác, cho những dân ngoại đây là miền đất của sự tiếp xúc, nơi hòa trộn niềm tin với sự vô tín.
Galilê! Miền đất cội rễ của con người Giêsu Nadarét: Người trở nên một thân thể với xứ sở này; người là một người Galilê; có giọng nói của người miền Bắc, "Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?" (Gioan l,46) đối với chúng ta, Đó là một lời mời gọi chớ nên mơ tưởng đến một chỗ nào khác: Ờ, phải chi tôi có một tổ ấm khác!
Phải chi tôi học trong một trường học khác! Phải chi các đồng nghiệp tôi thế này, thế khác; giáo xứ tôi thế nọ, thế kia! Đức Giêsu hẹn gặp bạn trong miền Galilê của chính bạn.
...Đến ngần núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến.
Trong toàn bộ Kinh Thánh, núi là nơi tượng trưng cho sự gặp gỡ với Thiên Chúa và cho sự mạc khải của Thiên Chúa. Ở trên cao, người ta nhìn xa... xa hơn như khi ở trong cánh đồng! Ở trên cao, người ta hít thở khoáng đãng hơn.., trong lành hơn sự ô nhiễm của các thành phố! Ở trên cao, người ta cô quạnh hơn... và có nhiều khả năng hơn để lắng nghe tiếng nói của sự im lặng, thường bị nhận chìm bởi những mớ lộn xộn của sự nhiều lời trống rỗng! Núi Xi-nai nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa duy nhất lần đầu tiên. Núi các mối Phúc Thật (Mt 5,1). Núi của sự biến hình (Mt 17,1). Núi chữa bệnh (Mt 15,29). Núi cầu nguyện (Mt 14,23). Núi hóa bánh ra nhiều (Mt 15,32) làm thế nào mà sự sống lại không được biểu lộ trên núi chứ? (Mt 28,16).
Còn bạn? Phải chăng bạn có những cuộc hẹn gặp trên núi nơi mà Đức Giêsu ra lệnh cho bạn đến gặp Người?
Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.
Bái lạy. Hoài nghi. Hai từ này bề ngoài hoàn toàn đối lập nhau, nhưng Mátthêu tập họp chúng trong cùng một câu. Vâng, cũng trên nhọn núi ấy, có chỗ cho thực tại đáng sợ ấy: Sự hoài nghi bái lạy là sự chiến thắng trên hoài nghi. Đức tin là một hành động tự đo, rất khác với những điều hiển nhiên buộc phải chấp nhận của bình diện khoa học. Tin Mừng rất khiêm tốn, không có gì là bực dọc và hứng khởi vô lý mọi tường thuật các lần xuất hiện sau khi sống lại đều có một nét chung: Đức Giêsu sống lại không "hiển nhiên"... người ta ngần ngại thừa nhận điều Đó.
Bạn đang tìm kiếm và hoài nghi, vậy bạn hãy thử bái lạy, thờ phụng Người.
Đức Giêsu đến gần, nói với các ông.
Tôi chiêm ngắm hành động này trong nội tâm trong một trường hợp duy nhất khác, Mátthêu ghi nhận động tác tiếp cận ấy mà Đức Giêsu đã thực hiện. Đó là lúc Người biến hình. Khoảng cách của Thiên Chúa đối với con người rất lớn đến nỗi: Thiên Chúa cần phải đến với chúng ta một cách chủ quan, chúng ta không có khả năng tin tưởng. Sự khởi xướng thuộc về Thiên Chúa. Còn phần chúng ta, chúng ta có tự do đáp lại hành động tiếp cận của Người bằng sự thờ lạy.
Trong tường thuật Phục Sinh của Mátthêu, chúng ta nhận thấy sự kín đáo tột độ: Không có chi tiết cụ thể nào...Đức Giêsu chỉ đến gần và nói! Toàn bộ Tin Mừng của Mátthêu có đặc tính nhấn mạnh trên những bài giảng văn Đức Giêsu: Đức Kitô của Mátthêu là một Đức Kitô thuyết giảng năm bài giảng lớn đã tạo thành nhịp điệu sự tường thuật của Mátthêu. Vậy, đây là lời tôn vinh và kết luận: những lời sau cùng của Người.
“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất..."
Công thức này khẳng định sự bình đẳng của Đức Giêsu với Thiên Chúa. Thật vậy, trong toàn bộ Cựu ước, chỉ Thiên Chúa mới là "Chúa của trời đất"... vũ trụ hữu hình và vô hình.
Công thức này, không mô tả sự Thăng Thiên bằng những từ ngữ cụ thể nhưng đòi hỏi phải có sự việc Đức Giêsu lên trời từ nay thống trị toàn thể vũ trụ. Dĩ nhiên, vấn đề không phải là tìm kiếm Đức Giêsu giữa những vì tinh tú, trong "bầu trời đầy sao".
Công thức nêu lên ý niệm về toàn thể: Không có gì nằm ngoài quyền của Thiên Chúa. Từ nay, Đức Giêsu sống lại là Chúa Thượng của mọi tạo vật!.
Khi đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu, Người nói "này là mình Thầy, này là máu Thầy", Người chỉ mang lại cho chúng ta “dấu chỉ" về hiệu quả của quyền chủ tể của người trên mọi phần của vũ trụ... và do Đó trên mỗi người chúng ta và chúng ta thật sự trở thành nhiệm thể của Người.
Và Thánh Phaolô trong bài đọc I của ngày hôm nay, cũng khẳng định quyền chủ tể ấy: Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức kitô chỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô!" (Ep 1,20-23). Phải, chúng ta là thân thể Đức Kitô! Vì thế mà Phaolô phải nói rằng "Thiên Chúa đã cho chúng ta cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời (Ep 2,5-6).
Phụng vụ của chúng ta không chỉ cử hành các kỷ niệm của quá khứ các lễ mừng trọn năm: Phụng vụ làm cho chúng ta tham dự trước những điều kỳ diệu của thời Thế Mạt, Phaolô biết rất rõ ràng những người mà ngài viết cho họ chưa ngự trị trên cõi trời. Bị bầm giập bởi thử thách, họ biết mình phải chết tuy nhiên sự "thăng thiên của chính họ đã được tham dự trước, trong Đức tin vào Đức Kitô".
Điều Đó chẳng phải cho chúng ta tất cả cách sống và cách cử hành phụng vụ sao?
"Vậy anh em hãy đi và làm cho MUÔN dân trở thành môn đệ..."
Sau TOÀN quyền mà Đức Giêsu đã được trao ban, giờ đây toàn thể trường hoạt động của Đức Kitô qua thân thể Người tức là các môn đệ được nêu lên trước kia trên núi cám dỗ, Đức Giêsu đã từ chối nhận của xa tan "tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy" (Mt 4,8-10). Giờ đây, lúc có vẻ sắp ra đi, Đức Giêsu táo bạo ấy đã nhắm đến toàn thể vũ trụ trong cuộc chinh phục một cách hòa bình, qua mười một con người ấy muôn dân, mọi quốc gia mọi con người? Đức Giêsu đang nhìn từ tầm nhìn cao cả nhất.
Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần..."
Một công việc vĩ đại, nhấn chìm nhân loại vào một không gian mới: Ba Ngôi Thiên Chúa... Ba Ngôi là tình yêu liên ngôi vị tinh tuyền và trong suốt nhất mà chỉ Ba Ngôi mới có.. để cho dù nhiều tất cả chỉ là một. Đó cũng chính là giấc mơ của mọi tình yêu.
“Dạy bảo họ tuân giữ MỌI điều Thầy đã truyền cho anh em..”
Vậy thì, đấy là toàn bộ hành động của con người phải được đặt dưới quyền chủ tể của Đấng Phục Sinh trước hết, làm môn đệ của Đức Giêsu không phải là một thái độ trí thức việc dạy giáo lý cũng vậy, trước tiên không phải là truyền thông những khái niệm, nhưng là tập luyện một cách sống bao gồm mọi khía cạnh của đời sống.
“Và đây Thầy ở cùng anh em MỌI ngày cho đến tận thế”
Sự hiện diện của Đức Giêsu Phục Sinh, không chỉ tràn ngập mọi nơi trên trần thế mà còn bao trùm toàn bộ thời gian! Sứ thần khi truyền tin cho Thánh Giuse lúc Tin Mừng bắt đầu đã nói: "Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Mt 1,23). Mọi Tin Mừng của Mátthêu do đó đều bao hàm trong tư tưởng ấy.
Một lời mời gọi phi thường: Nếu Thiên Chúa hiện diện mọi ngày, mọi lúc... nếu chúng ta có thể nói rằng chính chúng ta cũng hiện diện và ở cùng Thiên Chúa? Thi hào Tagore nói rằng "ước gì đời sống của con như một cây sáo trúc, để Ngài có thể làm đầy bằng âm nhạc".
Mỗi ngày hôm nay, mỗi giây phút của đời tôi có thể trở nên rực sáng bởi tình bầu bạn ấy của Đức Giêsu! Ôi, Lạy Chúa Giêsu...
48.Chú giải của Fiches Dominicales.
“VÀ ĐÂY, THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ”
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI
1. Kết thúc mà lại khởi đầu
Phụng vụ bài đọc năm A về lễ Thăng Thiên mời gọi ta suy niệm những câu cuối cùng của Phúc Âm thứ nhất. Đoạn văn kết thúc Phúc Âm Matthêu này đặc biệt gợi nhớ đến hai chương đầu của Phúc Âm.
- Thực vậy, khi viết “Phúc Âm về thời niên thiếu”, thánh Matthêu muốn mời gọi ta coi việc Đức Giêsu giáng sinh tại Belem, thành vua Đavít là ứng nghiệm lời tiên tri về một Đấng “Emmanuel": Đấng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Is 7), còn các Đạo sĩ đến từ phương Đông tiêu biểu cho những người tiên phong của Dân Ngoại đang đi đến niềm tin vào Đức Kitô: “Họ THẤY Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền SẤP MÌNH THỜ LẠY NGƯỜI”.
- Ở đoạn kết thúc, rõ ràng là thánh sử, đã lấy lại cũng những lời lẽ trên để thuật lại cuộc gặp gỡ lần cuối cùng của Đấng Phục Sinh với các môn đệ của Người ở Galilê: “Khi THẤY Người, các ông SẤP MÌNH THỜ LẠY Người”. Rồi Đức Giêsu trao cho các ông sứ mệnh đến với “MUÔN DÂN” và long trọng tuyên bố rằng: “THẦY Ở CÙNG CÁC CON” mọi ngày cho đến tận thế”.
J. Radermakers chú giải: “Ở đây chúng ta thấy con người Đức Giêsu dầu mang dấu vết của một con người được sinh ra ở một thời điểm và sinh sống ở một nơi chốn nhất định, vẫn có cả một sự bao trùm lớn lao, trải rộng đến mọi chiều kích của toàn thể lịch sử nhân loại” ("Au fie de l'Evangile selon saint Mathieu, Viện Nghiên cứu Thần học, Bruxelles, 1974, trang 362).
2. Khi hồi kết thúc loan báo một khởi sự mới
Sau Phục sinh, Đức Giêsu hẹn gặp lại các môn đệ Người, không phải ở Giêrusalem, thủ đô và là thành thánh như trong Phúc Âm Luca, mà là ở “Galilê” miền đất vẫn bị mọi người nhìn bằng nửa con mắt, là “nơi qui tụ dân” là biểu tượng của thế giới ngoại giáo (Mt 4,12-23).
Giáo Hội... phải rời bỏ Giêrusalem mà về mặt địa lý cho tới lúc ấy vẫn được coi là trung tâm đức tin, nơi có Thiên Chúa hiện diện, để đi tới miền vốn được coi là “Galilê của dân ngoại”. Một Giáo Hội được định nghĩa ngay là một “Giáo Hội vì mọi người": đó chính là sứ mệnh của Giáo Hội, điều mà không bao lâu sau Đức Giêsu sẽ nói rõ ràng” (Cahiers - Evangiles” số 9, trang 6).
Nơi Đức Giêsu truyền cho các môn đệ đi tới, là một “ngọn núi” vốn là nơi rất thích hợp cho việc Chúa mạc khải. Một lần nữa ở dân cũng như trải dài suốt Phúc Âm của Ngài, thánh Matthêu đều trình bày Đức Giêsu như một Môsê mới ban Luật của Người cho dân tộc mới của Thiên Chúa.
Cl. Tassin chú giải: “Như trong một cuốn phim, người ta lần lượt thấy xuất hiện những ngọn núi: núi quỷ cám dỗ khi chỉ cho Đức Giêsu xem thấy các nước trần gian, núi Bát Phúc, nơi Thầy công bố hiến chương Nước Trời, và Núi Hiển Dung nơi vinh quang Con Người được tỏ hiện; nổi bật hơn cả vẫn là cảnh âm u tịch mịch của núi Nê-bô, nơi Môsê phải nói lời giã biệt trước khi dân tiến vào Đất Hứa” ("Phúc Âm thánh Matthêu, NXB. Centurion, trang 303).
- Khi thấy Đức Giêsu, các môn đệ liền “sấp mình thờ lạy Người” trong một cử chỉ vừa tôn kính theo đạo giáo, mà cũng có tính cách phụng thờ, y như các đạo sĩ đã làm khi thấy hài nhi với thân mẫu là bà Maria (2,2.8.11); cũng như các môn đệ đã bày tỏ khi ở trong thuyền lúc sóng to gió cả, và đó cũng là cử chỉ của người phụ nữ xứ Canaan vậy (15,25).
Nhưng lòng tôn thờ của các ông còn vương vấn “sự hoài nghi”, mối hoài nghi này, theo như J. Radermakers nhận xét chí lý, chính là người bạn đồng hành không thể tách biệt của một lòng tin đang lần bước”.
- Đấng tỏ mình ra cho các môn đệ ("Đức Giêsu đến gần"), Đấng mà các ông sấp mình thờ lạy ấy, chính là Đức Chúa hiển vinh. Một khi đã được vinh thăng, được trao ban quyền tối cao xét xử toàn cầu ("Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất") thì giờ đây Người có lý khi sai các môn đệ của mình đi khắp thế giới để làm cho vương quyền ấy được thực hiện.
Những lời Người ban bố cho họ đánh dấu sự khai trương một giai đoạn mới trong sứ mệnh của Người, sứ mệnh mà từ này trở đi Người sẽ vẫn tiếp tục nhờ Giáo Hội.
+ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”. Suốt thời gian thừa hành sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã phải tự ý giới hạn hoạt động của Người đối với “các chiên lạc của nhà Israel”. Từ nay những biên giới ngăn cách do không gian và thời gian đều bị bãi bỏ vì Người có thể thực thi trọn vẹn sứ mệnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đúng như Matthêu đã loan báo, khi mượn lời sấm của Isaia 42,1-4: “Và môn dân sẽ đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,18-21). Dân ngoại có mặt ngay từ buổi đầu của Phúc Âm thì cuối cùng vẫn thấy mình là những con người được Tin Mừng nhắm tới. Đức Giêsu trao phó cho Giáo Hội Người sứ mệnh truyền giáo khắp hoàn cầu này.
Cl. Tassin còn muốn lưu ý ta rằng: “Điểm nhấn mạnh không ở tại động từ “Đi” hay ở tại sứ mệnh chinh phục địa lý, mà cốt ở việc mở ra cho hết mọi nhóm người không phân biệt một ai. Bởi lẽ Đức Giêsu đã được “trao toàn quyền” thì mọi người đều phải thần phục quyền bính của Người. Đối với Matthêu, truyền giáo là gì? Thưa là: những môn đệ làm cho những người khác trở thành môn đệ; là những người nam cũng như nữ cảm nghiệm sâu sắc rằng giáo huấn của Đức Giêsu biến đổi chính cuộc đời của họ, họ chia sẻ kinh nghiệm này với các người khác, dạy bảo cho những người ấy tuân giữ mọi giới luật của Đức Giêsu mà thực ra chỉ tóm gọn lại trong một luật là tình yêu” (O.C., trang 304).
+ “Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Truyền giáo không phải là tuyên truyền một ý thức hệ, dù là cao siêu tuyệt vời, mà là chủ trương không ngừng xây dựng một cộng đồng: cộng đồng của những con người nhờ chịu phép rửa mà muốn sống gắn bó mật thiết với nhau bởi cùng thuộc về một Thiên Chúa là “Cha, Con và Thánh Thần”.
+ “Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em”. Truyền giáo không thể chỉ thu gọn lại trong việc kêu gọi người ta trở lại rồi bỏ mặc đấy. Giáo Hội sẽ phải giúp đỡ những tân tòng ngày qua ngày sống hoà nhập với cuộc đời mới mà họ đã bước vào.
J. Radermakers đưa ra nhận xét sau: “Chính Phúc Âm nhìn toàn bộ là một giáo huấn về cuộc sống, được hiểu như dấu chỉ của bí tích trong phép rửa tội và được triển khai cách hài hoà trong cuộc sống đời thường; đời sống luân lý trong cộng đồng Kitô hữu chẳng qua là sống Tin Mừng bằng việc làm cụ thể” (O.C., trang 365).
+ “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Đây là lời tuyên bố cuối cùng và cũng là điểm cao nhất của lời Chúa phán vì là lời hứa bảo đảm một sự hiện diện tích cực và hữu hiệu vô bờ bến. Cuối Phúc Âm của mình, thánh Matthêu mới cao rao rằng lời thiên thần hứa với Giuse đã hoàn toàn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
J. Potin kết luận: “Đức Giêsu không xa lìa Giáo Hội của Người. Mặc dầu ta không trông thấy Người, Người vẫn hiện diện ở mọi nơi mà Giáo Hội sẽ lan rộng tới, cho đến tận thế. Theo thánh Matthêu, Đức Giêsu không biến mất lên trời. Nhưng lời nói cuối cùng của Người cũng là câu sau chót của Phúc Âm, hứa rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vả lại trước đây há chăng Người đã chẳng tuyên bố: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Đấng Phục Sinh không ở lại trên núi Galilê, Người đi theo các tông đồ của Người trên mọi nẻo đường trần gian” ("Jésus, l'histoire vraie” NXB Centurion, 1994, trang 516).
II. BÀI ĐỌC THÊM:
1. “Bài kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu thực ra là một sự khởi đầu, một sự khai mở (Đức Cha L. Daloz, trong “Le Règne de Dieu s'est approché”).
“Bài kết thúc Phúc Âm thánh Matthêu thực ra là một sự khởi đầu, một màn khai mở: đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu. Phải suy niệm, và nhìn ngắm mới thấy rõ việc truyền giáo là con tim đang đập trong lồng ngực Giáo Hội có tác dụng kích thích Giáo Hội. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các tông đồ, và qua các ông, cho chung tất cả mọi môn đệ, Đức Giêsu thành người sống đương thời với chúng ta: Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế... Việc gặp gỡ Mười Một Tông đồ là điều có liên hệ chặt chẽ với mầu nhiệm Phục sinh. Trước khi đi vào cuộc khổ nạn Người đã báo trước: Sau khi sống lại, Thầy sẽ đến Galilê trước anh em. Sau khi Phục sinh, Người nói lại sứ điệp ấy với các phụ nữ đứng bên mồ và triệu tập các môn đệ: “Các bà hãy về báo cho anh em Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. Vì nhờ mầu nhiệm Phục sinh của Đức Kitô, sự phục sinh nhân loại mới có thể được thực hiện. Khi sai các môn đệ... Đức Giêsu phục sinh là cội nguồn của việc truyền giáo. Quyền năng Thiên Chúa đã cho Người sống lại trở nên quyền năng cứu độ cho mọi dân tộc. Chúng ta nhận biết quyền năng ấy, và chỉ có lòng tin mới tiếp nhận được thôi (cũng như 11 tông đồ) các ông gặp Đức Giêsu trên núi, là nơi vốn xảy ra những cuộc hiển linh của Chúa, như ở núi Sinai hay ở núi Hiển Dung. Thái độ của các tông đồ lúc ấy diễn tả lòng tin của ta: tôn thờ mà lại do dự: khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Cảnh tượng thật long trọng, giống như một cuộc hành lễ, chứ không còn là buổi gặp gỡ thân tình như những lần hiện ra trước đây. Là vì lần gặp gỡ này xác định nền tảng, hình thức và chân trời cho sứ mệnh truyền giáo vậy.
Nền tảng ấy là quyền hành mà Đức Giêsu nhận được: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Không phải là quyền của kẻ có sức mạnh trong tay và thống trị, mà là ách êm ái và gánh nhẹ nhàng. Không phải là quyền chiếm đoạt như Tên Cám dỗ đã đề nghị cho Người. Nhưng là quyền của tình yêu không để bị khuất phục. Đó là sức mạnh của sự phục sinh được khơi nguồn trong Đức Giêsu và nhờ Người sức mạnh ấy làm thay đổi cả thế giới. Những nỗ lực truyền giáo, tinh thần can đảm để không ngừng thực thi sứ mệnh, tất cả đều nhờ sức mạnh ấy mà tìm được chỗ dựa bảo đảm. Sức mạnh này không phải do ta khôn ngoan, tài khéo, tận tuỵ mà có được... anh em hãy đi! Đó là một lệnh truyền. Từ buổi đầu cho đến nay, lệnh sai đi này vẫn vang lên không ngừng, vẫn luôn luôn gợi ra những sáng kiến mới lạ, những cuộc lên đường mới, một đà tiến mới tới miền xa xăm hay rất gần mà chúng ta đều mắt thấy tai nghe qua suốt dòng lịch sử.
Bởi lẽ chân trời truyền giáo là tất cả mọi quốc gia, và hạn kỳ là cho đến tận thế. Việc truyền giáo chẳng bao giờ cùng về mặt địa lý cũng như về lịch sử. Ta tham gia vào công việc này ngay ở nơi ta đang ở và thời đại ta đang sống. Mỗi người lãnh phần trách nhiệm của mình, nhưng mỗi người không phải chịu trách nhiệm về tất cả. Quan tâm thôi, không đủ; mà phải hành động. Mỗi người chúng ta được sai đến ở nơi mình đang ở; ta không thể chỉ là người hưởng ơn cứu độ, mà cũng còn là dụng cụ Chúa dùng để ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô đạt tới những kẻ khác, những người ta đang sống với, những người ta được sai đến với họ ở cận kề bên ta hay ở xa ta. Nhiệt tình do Đức Giêsu phục sinh ban cho vẫn có trong con tim của mọi cuộc đời Kitô hữu. Đời sống này trở nên suy nhược khi bóp nghẹt nhiệt tình này bằng lối sống vị kỷ, khép kín. Cần phải biết sống chia sẻ để khởi xơ cứng và chết. Cũng vậy, Giáo Hội không thể ở thể tĩnh. Giáo Hội được sai đi...
Hình thức việc truyền giáo cũng được chỉ rõ ràng: Làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Chúng ta nhận thấy có ba mặt: loan báo Tin Mừng để khơi dậy được những con người môn đệ, tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh bằng việc lãnh nhận phép Rửa và các bí tích, sống đời sống mới bằng cách thi hành các điều Chúa truyền. Truyền giáo là tất cả như thế đó. Không có ba yếu tố này, công việc ấy không đầy đủ, và chẳng một yếu tố nào trong ba làm nên được công chuyện bởi lẽ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Quả thực, đây là một thách đố đặt ra cho Giáo Hội, vì rằng mọi dân tộc đều có quyền chia sẻ mầu nhiệm Phục sinh, đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu để được biến đổi và trở nên mới. Như thế các dân tộc ấy cũng hội nhập vào mầu nhiệm sự sống Thiên Chúa: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Qua việc truyền giáo của các tông đồ, Đức Giêsu vẫn theo đuổi công việc Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Phục sinh của Người; Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Ta còn sợ hãi gì nữa, một khi có Đức Giêsu phục sinh đang ở cùng chúng ta.
2. “Là dịp để ta canh tân lại quyết định làm môn đệ trung thành của Đức Kitô” “Célébrer” (Nguyện san của Trung tâm Quốc gia về Mục vụ Phụng vụ) số 258 trang 42.
“Thiên Chúa vẫn luôn luôn là Emmanuel”, vẫn là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.Việc Người-lên-trời không hẳn là một sự lìa bỏ. Phải học hỏi để nhận ra điều này dầu không trông thấy Người như các môn đệ đã thấy xưa. Chúa lên trời nhắc nhở ta sống thân phận của một người tin và yêu: tin rằng Người vẫn đang có mặt, và thực hành yêu thương để làm cho Người được hiện diện. Lễ này phải là dịp để ta canh tân lại quyết định trở thành những môn đệ trung tín của Đức Kitô: những môn đệ vững tâm vì Người vẫn có mặt bên ta “mọi ngày”, những môn đệ sẵn sàng đáp lại tiếng gọi sai đi truyền giáo cho “muôn dân” của thời đại hôm nay”.
3. “Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” J. Rader-makers chú giải thêm cho bài viết ở trên.
Đức Giêsu Nagiarét xuất thân.
Từ miền Galilê của chư dân,
Đất thuộc Zabulon và Néptali
Người là ánh sáng bừng lên
Soi cho dân ngồi trong tăm tối;
Người là Quý Tử chí ái
Của Ngôi Thánh Phụ muôn đời quang vinh.
Để tha tội lỗi môn dân
Người đành hiến máu để làm Giao ước;
Người đã chỗi dậy ngày thứ ba
Làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Người là Emmanuel vẫn luôn có mặt,
Người còn đi trước các anh em
Đến những Galilê của mọi miền trái đất.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam