Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 52

Tổng truy cập: 1360809

SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

 

(Suy niệm của ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên - Suy tư nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2008)

Từ 82 năm nay, ngày Chúa Nhật giữa tháng 10 dương lịch được chọn làm Ngày thế giới truyền giáo. Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng thường công bố một sứ điệp kêu gọi cộng đoàn Công giáo thế giới hãy suy tư và hành động để tham gia sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Sứ điệp nhân ngày truyền giáo năm 2008 mang chủ đề: "Được mời gọi để trở thành những môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô". Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã nêu rõ tính cách thánh thiêng của sứ mạng truyền giáo, vì đây "là một ân sủng, một ơn gọi xứng hợp và căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội" (trích Tông Huấn Loan báo Tin Mừng số 14). Truyền giáo chính là lệnh truyền của Đấng Cứu Thế với các môn đệ trước khi Người về trời. Công cuộc truyền giáo càng trở nên cấp bách hơn nữa trong thời đại hôm nay, khi con người càng ngày càng tỏ ra dửng dưng đối với tôn giáo và những giá trị tâm linh.

Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa. Bí tích này cũng mời gọi chúng ta trở nên môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu, qua những cố gắng của bản thân trong cuộc sống mỗi ngày.

Trở nên môn đệ là muốn sống đời nội tâm, thực thi Lời Chúa và gắn bó với Người, tức là nên thánh.

Trở nên tông đồ là mong làm cho nhiều người hiểu biết Chúa và đi theo làm môn đệ Người, tức là truyền giáo.

Môn đệ và tông đồ, hai sứ mạng này có tương quan mật thiết với nhau đến nỗi trở thành một ơn gọi duy nhất. Không thể làm tông đồ nếu trước đó không trở nên môn đệ; cũng không thể là môn đệ đích thực nếu không thao thức làm việc tông đồ.

Truyền giáo là gì?

Chúng ta thường xuyên nghe nói về từ này. Nguyên gốc của từ này là một danh từ tiếng La-tinh Missio, động từ là Mittere. Từ này có nhiều nghĩa, và một trong những nghĩa thường được hiểu là gửi đi, sai phái đi để làm một công tác quan trọng. Đức Giêsu chính là Đấng được Đức Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ con người và tạo vật. Chính Đức Giêsu cũng sai các môn đệ ra đi, lên đường để cộng tác với Người trong sứ mạng cao cả này.

Truyền giáo trước hết là "ra đi" khỏi chính con người của mình: chúng ta ai cũng có khuynh hướng ích kỷ, khép kín và coi mình là trung tâm. Chúng ta thường lấy mình làm tiêu chuẩn để phán đoán người khác. Ai không có lối suy nghĩ giống chúng ta thì bị phê bình chỉ trích. "Ra đi" khỏi cái tôi của mình, tức là chấp nhận người khác cùng với ý kiến lập trường của họ, là quảng đại bao dung khi bị xúc phạm. Truyền giáo chính là thoát ra khỏi vỏ bọc ích kỷ để hòa đồng với anh chị em mình, tôn trọng sự khác biệt và chấp nhận những hy sinh vì ích chung. Các môn đệ đầu tiên, khi nghe Đức Giêsu kêu gọi, đã bỏ mọi sự mà theo Người. Các ông từ bỏ những dự tính nghề nghiệp, từ bỏ môi trường gia đình, làng xóm. Các ông không hề băn khoăn lo lắng cho ngày mai, nhưng sẵn sàng bước theo Thày, vì các ông tin rằng theo Thày sẽ không phải thiệt thòi thất vọng.

Truyền giáo còn là "ra đi" khỏi những định kiến: Cuộc sống này được dệt lên bởi những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ. Bước ra khỏi những định kiến để đón nhận tha nhân trong tình huynh đệ hài hòa, không phân biệt lập trường chính trị, tôn giáo hay quan điểm xã hội. Một cộng đoàn đức tin gò bó trong quan niệm khắt khe không thể truyền giáo có hiệu quả. Một Giáo Hội dửng dưng với những giá trị trần thế, hoặc khép mình trước những biến cố vui buồn của cuộc sống xã hội chung quanh, sẽ là một Giáo Hội ảm đạm u sầu thay vì hân hoan hy vọng. Một cộng đoàn không dấn thân phục vụ con người sẽ trở nên một thứ ao tù không lối thoát và thiếu sinh khí.

Nhờ hai yếu tố nêu trên, chúng ta tiến tới một điểm cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất, truyền giáo chính là kể lại cuộc đời của Đức Giêsu. Câu chuyện về Đức Giêsu đã được kể từ 2000 năm nay mà không lỗi thời. Lời giảng của Đức Giêsu đã được loan báo từ 20 thế kỷ mà vẫn không mất tính thời sự. Cuộc đời Đức Giêsu đã và đang được kể lại một cách phong phú không những chỉ qua sách vở, mà còn qua chính cuộc đời của các tín hữu. Xuyên qua con người của họ, người ta đọc thấy chính cuộc đời của Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã cảm thông với người đau khổ, đã chữa lành người bệnh tật, đã phục sinh người chết, đã chúc lành và đã chia sẻ niềm vui với đôi tân hôn trong ngày cưới. Như vậy, truyền giáo chính là sống như Đức Giêsu đã sống, yêu như Đức Giêsu đã yêu. Truyền giáo là có trái tim như trái tim của Chúa, có đôi mắt như đôi mắt của Chúa. Trái tim để yêu và đôi mắt để trao gửi tình thân thiện.

Như thế, truyền giáo không buộc phải làm điều gì to tát ồn ào, mà khởi đi từ những gì rất âm thầm bình dị trong cuộc sống. Chính những hành động bình dị đó có thể mang lại những hiệu quả lớn lao, khi chúng ta thực hiện với thao thức truyền giáo.

 

12.Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo

(Suy niệm của Lm. Phêrô Huỳnh Thế Vinh)

Tin mừng Mt 28: 16-20: Trong việc loan báo tin mừng, Thiên Chúa cần chất lượng hơn là số lượng. Nhiều tấn muối lạc thì chỉ đáng vứt bỏ ra đường cho người ta chà đạp, còn một hạt muối mặn thì được trân quý vô cùng...

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Ngày nay, người ta thường nói: “Thật thà thẳng thắng thường thua thiệt, lọc lừa luồng lách lại lên lương”. Quả thật không lạ gì khi thực tế có những công nhân đứng lên tố cáo sai phạm của các công ty, xí nghiệp. Họ được thắng kiện nhưng rồi họ bị cho... nghỉ việc. Còn những người lương lẹo luồn lách cứ mãi lên lương, lên chức. Cứ như thế, sống thật thà trong xã hội ngày nay như là một cái gì đó xa xỉ, nguy hiểm và thiệt hại. Tiếng nói của lương tâm ngày càng nhẹ ký, lương tâm đấu tranh riết, nói riết cũng không bằng lương tháng.

Sống trong bầu khí như thế, nhân ngày khánh nhật truyền giáo hôm nay, Chúa Giêsu gởi đến mỗi người Kitô hữu chúng ta một sứ mạng hết sức quan trọng và cần thiết: Sứ mạng truyền giáo, làm chứng cho nước trời bằng chính đời sống chứng tá: anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Hay nói cách khác, Chúa mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy trở thành muối ướp mặn đời, là ánh sáng chiếu soi trần gian.

Đây là một sứ vụ khó nhưng nó lại là một điều bắt buộc đối với những ai mang danh là Kitô hữu, vì nếu không sống sứ vụ này thì sẽ bị vức bỏ và bị chà đạp, như Lời Chúa đã khẳng định: khi muối lạc đi thì nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp mà thôi. Hơn nữa, thánh Phaolô đã xác quyết: khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng nước trời.

Là người Kitô hữu thì phải mặn chất chân thật, phải tỏa sáng ánh sáng tin mừng cứu độ. Cho nên, người Kitô hữu không thể sống theo kiểu gian dối của thế gian được, người Kitô hữu không thể thấy người ta sống sao thì tôi sống vậy, hay thấy người ta làm bậy tôi cũng làm theo! Không, là Kitô hữu mang trong mình sứ vụ loan báo tin mừng, chúng ta là muối ướp mặn đời, chứ không phải là muối bị thế gian làm biết chất muối chân thật của mình, làm lu mờ ánh sáng tin mừng nơi mình.

Người ta thường có lập luận: “một con én không làm nên mùa xuân”, một mình sống ngay chính thật thà, một mình sống chất tin mừng cũng chẳng thể thây đổi được gì trong xã hội.

“Một con én không làm nên mùa xuân”, điều này đúng, nhưng nếu không có con én đầu tiên thì sẽ chẳng bao giờ có con én thứ hai, thứ ba, và nhiều con én khác nữa để làm nên mùa xuân. Nếu không có ai dám xung phong là người đầu tiên sống chất tin mừng thì sẽ chẳng bao giờ có người thứ hai.

Nếu nốt nhạc bảo rằng: Một nốt nhạc đâu làm nên ca khúc, thì hẳn sẽ không có bản trường ca.

Nếu viên gạch bảo rằng, một viên gạch đâu xây được bức tường, thì hẳn sẽ không bao giờ có một ngôi nhà.

Nếu hạt lúa bảo rằng một hạt lúa đâu phủ hết ruộng đồng, thì hẳn sẽ không có được mùa gặt.

Và nếu con người cứ bảo rằng một cử chỉ yêu thương thật thà đâu cứu được nhân trần, thì hẳn sẽ không bao giờ có công lý và hòa bình, nhân phẩm và hạnh phúc trên thế gian này.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em thân mến,

Trong việc loan báo tin mừng, Thiên Chúa cần chất lượng hơn là số lượng. Nhiều tấn muối lạc thì chỉ đáng vứt bỏ ra đường cho người ta chà đạp, còn một hạt muối mặn thì được trân quý vô cùng.

Sống trong một xã hội có quá nhiều gương xấu như hôi của, hối lộ, tham nhũng, bằng giả, bằng gian, lừa gạt, cướp bóc… Thì con người ngày nay đang thiếu và đang rất cần những chứng nhân sống chất tin mừng của Chúa.

Ngày xưa, trước khi tiêu diệt thành phố Sôđôma sa đọa và tội lỗi, Chúa đã có cuộc thương lượng với Abraham. Chúa phán nếu Abraham tìm được 100 người sống thánh thiện trong thành Sôđôma thì Chúa sẽ tha thứ cho cả thành, tìm hoài không thấy, Abraham quay lại và trả giá với Chúa xuống còn 50, 30, 20, và cuối cùng xuống còn 5 người, và Chúa vẫn hứa vì 5 người đó, Chúa cũng sẽ tha thứ cho cả thành, nhưng Abraham tìm không thấy 5 người thánh thiện trong thành, nên Thành Sôđôma đã bị lửa tiêu diệt muôn đời. Thánh bị tiêu diệt vì thiếu 5 người công chính trong muôn ngàn người tội lỗi.

Và thực trạng thiếu vắng người công chính của thành phô Sôđôma ngày xưa cũng đang diễn ra nơi các thành phố, làng mạc, nơi mỗi giáo xứ, nơi mỗi cộng đoàn và trong từng gia đình ngày nay.

Nơi gia đình thiếu những thành viên dám sống chứng nhân để cứu cả gia đình. Vì thiếu vắng một người cha gương mẫu, một người mẹ hiền từ, hay một người con hiếu thảo nên gia đình bị tan vỡ.

Nơi trường học thiếu vắng những học sinh chăm chỉ, sống trung thực thật thà, nên trường học thiếu vắng đi chất men tin mừng.

Nơi công ty, công sở, nơi phố chợ đang thiếu những người sống ngay chính thật thà, nên đau khổ, khổ đau do sự lừa gạt cướp bóc cứ mãi dâng tràn.

Như ngôi nhà cần đến từng viên gạch, Như bản trường ca cần đến từng nốt nhạc, và như mùa gặt cần đến từng hạt lúa. Thì Thiên Chúa và nhân loại ngày nay cũng đang cần đến từng người chúng ta là những Kitô hữu sống mặn chất muối, và tỏa sáng tin mừng để cứu giúp những người thân trong gia đình mình, và những người xung quanh.

Đó là sứ mạng truyền giáo và loan báo tin mừng mà Chúa gởi đến cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay và Chúa luôn đặt hi vọng và tin tưởng vào từng người chúng ta. Amen.

 

13.Chúa Nhật Truyền Giáo

Hôm nay, ngày thế giới truyền giáo. Mỗi năm một lần, giáo hội nhắc nhở con cái mình về vai trò và bổn phận của người Kitô hữu trong cuộc sống ở trần gian, đó là sống và làm chứng nhân cho Tin Mừng, tức là truyền giáo. Vậy Truyền giáo là gì? Chúng ta phải truyền giáo như thế nào?

Trước hết, truyền giáo là gì? Truyền là truyền bá, truyền thông, rao giảng, loan truyền... Giáo là giáo lý, đạo giáo, Tin Mừng, Phúc âm của Chúa Giêsu...Truyền giáo là truyền bá đạo, là rao giảng Phúc âm, là loan truyền chân lý của Chúa cho người khác hiểu biết, chấp nhận và tin theo. Đàng khác, truyền giáo còn có nghĩa là lập những cộng đoàn Kitô hữu trong đức tin, trong phụng vụ Thánh Thể, bác ái như Giáo hội mong muốn. Nói khác đi, truyền giáo là "gieo trồng" Giáo hội vào các dân tộc, các địa phương, cho đến khi những người trong địa phương ấy trở nên tín hữu, trở thành anh chị em cùng một niềm tin vào Chúa Giêsu, thành một đoàn chiên. Theo ý nghĩa này, truyền giáo không phải chỉ là truyền bá một số giáo lý, nhưng là truyền thông sự sống của Chúa cho anh em khác, vì Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Đạo Chúa là đạo sự sống, là nguồn sống, có khả năng thay đổi, biến cải những con người từ không có Chúa trở thành có Chúa, từ mất Chúa trở thành tìm lại được Chúa. Truyền giáo theo nghĩa này là truyền sự sống của Chúa Kitô mà chúng ta đã có sang cho anh em mình, như thân cây nho chuyển nhựa sống sang cho cành nho. Sau hết, truyền giáo còn có một nghĩa nữa là củng cố, tăng cường, huấn luyện đức tin cho một cộng đoàn, cho các tín hữu, để họ lại ra đi truyền giáo cho những người khác.

Vì thế hai chiều của việc truyền giáo: chiều rộng và chiều sâu. Nếu làm cho những người chưa biết Chúa hoặc những người biết mà đã bỏ Chúa, được nhận biết và yêu mến Chúa. Đó là truyền giáo theo chiều rộng, là mở rộng nước Chúa và làm tăng thêm số người thờ phượng Chúa. Còn nếu làm cho những người đã biết và yêu mến Chúa được hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, để rồi họ lại tiếp tục làm những công việc ấy nơi những người khác. Đó là truyền giáo theo chiều sâu, vì làm cho nước Chúa được vững chắc hơn và làm tăng thêm số người Công giáo sốt sắng, đạo đức.

Do đó, truyền giáo không phải chỉ có nghĩa là làm cho những người ngoại, lương dân, những người chưa biết được biết và yêu mến Chúa, nhưng còn có nghĩa là truyền đạo Chúa cho cả những người Công giáo sống trong một họ đạo, một giáo xứ với chúng ta nữa. Chúng ta phải sống một đời đạo đức, sốt sắng, thánh thiện để làm gương tốt cho họ, để giúp cho họ thêm lòng yêu mến và tôn kính Chúa.

Đó là ý nghĩa của việc truyền giáo. Và như vậy tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ truyền giáo. Việc truyền giáo không của riêng ai và không phải là một việc làm tùy sở thích, muốn làm hay không cũng được. Nhưng đây là một bổn phận, một nhiệm vụ bắt buộc. Mỗi người chúng ta phải coi đây là vấn đề sống đạo, là vấn đề sống còn của Giáo Hội và là trách nhiệm của chính mình.

Vậy chúng ta phải truyền giáo thế nào? Có rất nhiều cách nhưng nhất thiết phải nhớ hai việc là cầu nguyện và sống chứng nhân. Cầu nguyện cho việc truyền giáo là cách thức rất quan trọng: cầu nguyện cho những người đi truyền giáo, cầu nguyện cho mọi người mở rộng lòng sẵn sàng đón nhận ơn Chúa, đón nhận Lời Chúa. Chúng ta có gương truyền giáo là thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, dù ngài không đi đâu truyền giáo, chỉ ở trong bốn bức tường dòng kín cầu nguyện cho việc truyền giáo nhưng Giáo Hội đã tôn phong ngài là quan thầy các nơi truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê. Ngài đã sống đời truyền giáo, đã âm thầm cầu nguyện và dâng việc hy sinh cho công cuộc truyền giáo. Sống chứng nhân của mình. Đây là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, bác ái, yêu thương, chia sẻ là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay, vì "Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo". Sống "tử tế" với mọi người là cách truyền giáo. Sống "tử tế" là sống vui tươi, sống lạc quan, sống biết có trước có sau có trên có dưới, sống lịch sự, sống cảm thông, sống yêu thương với mọi người, sống như thế là chúng ta đang góp phần làm cho danh Chúa được cả sáng và nước Chúa được trị đến, đó cũng là chúng ta đang truyền giáo vậy.

Truyền giáo là một nhiệm vụ và một đặc ân cho mọi kitô hữu. Chúa Kitô muốn chúng ta đem Tin Mừng vào lòng dân tộc. Cần đến sự quảng đại, hy sinh và sẵn sàng của chúng ta, cần đến đời sống nhân chứng của chúng ta để bày tỏ cho anh em tình yêu thương của Ngài. Tích cực tham gia vào công cuộc Phúc Âm hoá mới đó là thực thi lòng mong muốn của Chúa Kitô.

"Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8). Quả thực, Kitô hữu là ai? Thưa họ là những người được Chúa Kitô "chiếm đoạt" (x.Pl 3,12), và vì thế, là người khát khao làm cho Chúa Kitô được mọi người nhận biết và yêu mến ở khắp mọi nơi " cho đến tận cùng trái đất". Chính niềm tin và yêu mến Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta trở thành những người truyền giáo, những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con can đảm sống đức tin, tha thiết bằng lòng yêu mến và dám thực thi Lời Chúa. Đó là cách thế chúng con đang sống đời truyền giáo như Chúa mong muốn. Amen.

 

14.Ơn gọi Truyền giáo

(Suy niệm của Lm Đam. Nguyễn Ngọc Long)

Cha Alexander De Rohdes, vị thừa sai truyền giáo ở nước Việt Nam từ 1624 đến 1645, sinh trưởng bên quê hương nước Pháp thành Avignon, và là một trong những vị tiên khởi đã sáng tạo tìm ra Chữ Quốc Ngữ cho văn hóa đất nước dân tộc Việt Nam từ thế kỷ 17, viết thuật lại ơn gọi truyền giáo của mình:

“Cùng lúc khi Chúa ban ơn gọi tôi gia nhập Dòng, thì cũng cho tôi quyết định rời bỏ Âu châu để đi Ấn Độ. Đó là lý do chính khiến tôi chọn Dòng này hơn các Dòng khác. Tôi chỉ thích đi tới những miền đất xa xôi tốt đẹp, nơi bao nhiêu linh hồn sa đọa vì thiếu người giảng, và Chúa đã thành công dẫn đưa tôi vào ý định Người đã gợi nơi tôi.“ (Alexander De Rohes, Divers voyages et missions 1653 - Hành trình và truyền gíao, bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, 1994.).

Và trong dòng lịch sử Giáo Hội Công Giáo từ hơn hai ngàn năm luôn hằng có những tâm hồn nghe cảm nhận được tiếng Chúa kêu gọi hy sinh dấn thân rời bỏ quê hương nơi sinh ra đi đến miền vùng đất nước hẻo lánh xa lạ về mọi phương diện, để sống đời truyền giáo giữa con người xa lạ khác biệt về mọi khía cạnh nơi đó.

Họ sống như thế nào ở những nơi đó?

1. Nữ tu Ruth Katharina Pfau, sinh ngày 9.9.1926 ở thành phố Leipzig nước Đức, sau khi tốt nghiệp là nữ bác sĩ đã xin rửa tội trở thành tín hữu đạo Tin Lành, và sau đó năm 1953 xin vào đạo Công Giáo.

Năm 1957 Bác sĩ Pfau xin nhập Dòng Những người con của trái tim Đức Mẹ Maria. Năm 1960 nhà Dòng gửi chị nữ tu Pfau sang Ấn Độ làm việc là Bác sĩ cho các người phụ nữ. Nhưng vì giấy nhập cảnh bị trục trặc, nên vị nữ tu bác sĩ này ở lại thành phố Karachi bên nước Pakistan. Nơi đây nữ tu bác sĩ Ruth Pfau đã sống cống hiến đời mình chữa trị những bị bệnh phong cùi, bệnh lao phổi, cho tới khi qua đời ngày 10.08.2017.

Suốt cuộc đời vị nữ tu bác sĩ sống giữa những người bị bệnh lao phổi, bệnh phong cùi và chữa trị cho họ.

Khả năng chuyên là một thầy thuốc chữa bệnh, và là một nữ tu có tâm hồn đạo đức tràn đầy lòng thương yêu Thiên Chúa và con người, nên nữ tu Pfau đã không chỉ là một vị bác sĩ chữa bệnh phần thân xác cho những người mắc bệnh, nhưng còn mang đến cho họ tình yêu thương an ủi, niềm hy vọng, mà Chị đã lãnh nhận cùng cảm nghiệm ra từ nơi Thiên Chúa, đấng sinh thành ra đời mình.

Vì thế, Nữ tu bác sĩ Ruth Pfrau được ca ngợi vinh danh là “Mẹ của người phong hủi.“.

Sự hy sinh dấn thân nỗ lực làm việc của nữ tu Ruth Pfau giữa cùng cho người bệnh tật xấu số là muối men là ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14). Đó là công việc truyền giáo giữa lòng đời sống xã hội .

2. Mẹ Thánh Têrêxa thành Calcutta nước Ấn Độ sống cống hiến đời mình cho những người có cuộc sống bất hạnh xấu số thiếu thốn lương thực, bệnh tật đau yếu bị khinh miệt kỳ thị, những trẻ em sống lang thang bị bỏ rơi rơi ngoài đường

Mẹ Thánh Teresa sinh trưởng bên nước Albania, trở thành nữ tu Dòng Đức Mẹ bên Anh quốc, nhưng đã tình nguyên dấn thân sang thành phố Calcutta bên Ân Độ làm việc. Nơi đây vị nữ tu Teresa đã thành lập Dòng Những chị em truyền giáo cho tình yêu thương con người.

Suốt dọc đời sống cho tới khi qua đời ngày 05.09.1997, Nữ tu Teresa và Chị em Dòng đã sống trọn đời mình phục vụ cho những người bất hạnh xấu số ở nơi đó.

Mẹ Thánh Teresa và Chị em nữ tu Dòng của mẹ đã làm công việc truyền giáo: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho khách, con người có nhà ở nương thân, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết.

Việc truyền giáo của mẹ Thánh Teresa cùng Dòng của mẹ, và Nữ tu bác sĩ Ruth Pfau tập trung ở nơi cuộc sống ngay giữa con người nghèo khổ cần được giúp đỡ về vật chất cho thể xác và tinh thần.

Công việc truyền giáo của họ mang đến niềm an ủi, niềm hy vọng cho con người., đặt nền tảng trên Tám mối phúc thật, mà Chúa Giêsu đã rao giảng ( Mt 5, 1- 11)

Thánh Teresa thành Calcutta lúc sinh thời vì những công việc truyền giáo bác ái đã được vinh danh ca ngợi là Mẹ Teresa.

3. Cách đây 400 năm các Vị Thừa Sai từ bên Âu châu sang nước Việt Nam công việc truyền giáo là loan truyền tin mừng phúc âm của Chúa cho con người. Các ngài đã hòa mình chấp nhận cuộc sống xa lạ khác biệt về mọi phương diện, cuộc sống thiếu thốn khổ ải, tù đày rồi bị kết án hành quyết cho tới chết.

Các ngài không chỉ làm công việc rao giảng tin mừng phúc âm đức tin vào Chúa, nhưng còn nỗ lực tìm cách giới thiệu phát triển nếp sống văn minh mới của Âu châu cho con người nữa, mà không loại bỏ hay làm lu mờ phong tục tập quán nếp sống văn hóa cổ truyền của dân tộc. Các ngài đã làm công việc truyền giáo hội nhập văn hóa dân tộc nơi đó.

Chữ Quốc Ngữ là một bằng chứng điển hình cho nền văn hóa hội nhập trong lòng dân tộc đất nước hôm qua hôm nay và ngày mai.

Các nhà thờ cổ kính nghệ thuật văn hóa Âu châu mà các ngài đã có công xây dựng là những di tích lịch sử văn hóa lâu dài cho đất nước xã hội.

Các bài kinh sách, ca vè, những tập tục nếp sống đạo đức… các ngài đã phát triển theo cung cách hội nhập văn hóa cho trở nên có nét đẹp trong sáng vẫn hằng sống động trong nếp sống con người.

“Nhiệm vụ của kitô hữu trong thế giới này là trở thành các thừa sai của niềm hy vọng, mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh, có khả năng tái trao ban nhựa sống cho những gì xem ra đã mất đi vĩnh viễn…

Đức tin, niềm hy vọng của chúng ta không chỉ là một sự lạc quan; nó là một cái gì khác, hơn nhiều! Nói như thể các tín hữu là những người có một “mảnh trời” hơn nữa ở trên đầu. Điều này thật đẹp! Chúng ta là những người có một mảnh trời hơn nữa ở trên đầu, được đồng hành bởi một sự hiện diện mà ai đó không thể trực giác được.

Như thế nhiệm vụ của các kitô hữu trong thế giới này là mở ra các không gian của ơn cứu rỗi, như các tế bào của sự tái sinh có khả năng trả lại nhựa sống cho những gì xem ra đã mất luôn mãi. Khi toàn bầu trời âm u, thì thật là một phúc lành ai biết nói về mặt trời.“ (Đức Giáo Hoàng Phanxico, Giáo lý buổi triều yết ngày thứ tư, 04.10.2017).

 

15.Kitô hữu, chứng nhân truyền giáo

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

“Anh chị em đi khắp thế giới, loan báo Tin Mừng cho muôn dân”. Thưa anh chị em, đó là mệnh lệnh cuối cùng của Chúa Giêsu. Giáo Hội từ thời các Tông đồ trải qua các thời đại cuối cùng của Chúa, bất chấp mọi trở ngại.

Thế nhưng, qua 20 thế kỷ truyền giáo, số người tin theo Chúa Kitô vẫn là một thiểu số đáng lo ngại so với dân số thế giới ngày càng gia tăng. Hiện nay, dân số thế giới đã lên đến trên 5 tỷ người, thế mà số tín hữu công giáo chỉ được 900 triệu, nhưng 50 phần trăm là ở Nam Mỹ, còn triệu kia rải rác ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á, Châu Úc và Châu Phi.

Riêng tại Châu Á của chúng ta, một lục địa với hơn 3 tỷ người, trong số đó chỉ có 3% là người Công giáo. Tại Trung Quốc chỉ có 4 triệu người Công giáo giữa một tỷ dân. Tại Nhật Bản có lối 500 ngàn người Công giáo giữa 123 triệu dân. Ở Nam Triều Tiên, 5 triệu người Công giáo trên 42 triệu dân. Tại đất nước Việt Nam chúng ta chỉ có hơn 4 triệu rưỡi người Công giáo trên 72 triệu dân, tỷ lệ hơn 6%. Tại TP. Hồ Chí Minh chúng ta có khoảng hơn 450 ngàn (485.584) người Công giáo trên hơn 5 triệu dân, tỷ lệ 13%. (Tại Hạt Tân Định, có 41.105 người Công giáo trên 266,000 dân). Đó là những con số trên giấy tờ, trong sổ Rửa Tội, còn trên thực tế, họ có sống đạo hay không là chuyện khác.

Như chúng ta được biết, ở những miền có đông giáo dân Công Giáo- ở Nam Mỹ chẳng hạn- đời sống dân chúng ở đó lại nghèo đói và thiếu linh mục.Ở Braxil, một nước lớn nhất Nam Mỹ, dân số 107 triệu, đại đa số là Công giáo. Thế mà gần đây người Công giáo đã bỏ Giáo Hội để sang Hội Thánh Tin Lành tính ra có trên 17 triệu người (lý do có lẽ là để được hưởng trợ cấp). Trái lại, ở các nước giàu có, phồn thịnh về vật chất- như ở Châu Âu và Bắc Mỹ- người Công giáo lại đánh mất niềm tin và không còn tôn trọng các giá trị đạo đức tinh thần nữa, coi thường các luật luân lý của Giáo Hội về đời sống hôn nhân gia đình. Sự kiện đó đang trở nên mối lo âu và là một vết thương đau nhức nhối nhất của Giáo Hội ngày nay.

Xin đan cử ra đây một dấu chỉ của thời đại: Đầu năm 1998, tại thành phố Amsterdam ở Hà Lan, Hội Đồng Giáo Mục đã quyết định đóng cửa một loạt 5 ngôi thánh đường đồ sộ của thành phố, vì không có giáo dân lui tới nữa, trong khi đó phí khoản 9dê3 bảo trì các ngôi thánh đường này lại quá lớn. Tại Bắc Mỹ cũng thế, Đức Hồng Y Josef Bernardin, Tổng Giáo Mục Chicago tuyên bố: ngài buộc lòng phải đóng cửa 13 giáo xứ, 2 cơ sở truyền giáo và 6 trường tiểu học Công giáo trong giáo phận của ngài. Còn Đức Hồng y Szoka, Tổng Giám Mục Giáo phận Detroit cũng tuyên bố quyết định đóng cửa 30 giáo xứ thuộc giáo phận của ngài. Lý do đóng cửa là vì thiếu người và thiếu tiền (x. Bùi Tuần, Ơn Trở Về, tr.85).

Nói lên những dấu chỉ thời đại ấy để chúng ta thấy rằng: Con người ngày nay đã bỏ Chúa, không còn tin vào Chúa nữa, hoặc có nhiều người tin, nhưng với một niềm tin hời hợt, hững hờ. Chính vì thảm trạng nầy mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành thông điệp “Sứ Vụ Đấng Cứu Độ” (Redemptoris Missio, 1990) để đặt toàn thể Giáo Hội trước sứ mạng truyền giáo và tái truyền trong Thiên Niên Kỷ Thứ III.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, ngày Thế Giới Truyền Giáo, Đức Thánh Cha lại gởi đến toàn thể Dân Chúa một sứ điệp với chủ đề: “Tất cả các kitô hữu đều được mời gọi làm người truyền giáo và chứng nhân”. Đức Thánh Cha nói: “Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, Chúa Giêsu quyết liệt lập lại những lời Ngài đã nói với các Tông đồ trước khi về trời, những lời hàm chứa bản chất sứ vụ của người Kitô hữu: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Quả thực, Kitô hữu là ai? Thưa họ là người được Chúa Kitô “chiếm đoạt” (x.Pl 3,12), và vì thế, là người khao khát làm cho Chúa Kitô được mọi người nhận biết và yêu mến ở khắp mọi nơi “cho đến tận cùng trái đất”. Chính niềm tin vào Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta trở thành những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Ngài. Nếu không thực hiện được điều đó, có nghĩa là niềm tin củ chúng ta còn bất toàn, khiếm khuyết và chưa trưởng thành.

Do đó, “Truyền giáo là vấn đề của niềm tin, nó là thước đo niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu và nơi tình yêu của Ngài dành cho chúng ta” (RM số 11). Đức tin và truyền giáo đi đôi với nhau: đức tin càng mạnh càng sâu thì nhu cầu truyền thông, chia sẻ và làm chứng niềm tin càng bức thiết. Ngược lại, nếu đức tin suy yếu thì nhiệt tình truyền giáo cũng suy giảm và khả năng làm chứng cũng mất đi sức mạnh. Đó là điều vẫn xảy ra trong lịch sử Giáo Hội: sự sút giảm lòng nhiệt thành truyền giáo là triệu chứng của sự khủng hoảng đức tin. Điều này phải chăng xảy ra khi người ta đánh mất xác tín sâu xa là: “Đức tin càng vững mạnh khi đem chia sẻ” (RM.2). Vì chính khi loan báo Chúa Giêsu Kitô và làm chứng về Ngài mà đức tin của chúng ta được củng cố và tái khám phá con đường đưa đến một nếp sống đúng theo Tin Mừng của Ngài. Như thế, chúng ta có thể nói: “Truyền giáo là một phương thuốc chắc chắn nhất chống lại cuộc khủng hoảng đức tin. Chính nhờ dấn thân truyền giáo mà mỗi thành phần Dân Chúa củng cố căn tính mà mình và hiểu rõ là: không ai có thể là Kitô hữu đích thực nếu không là chứng nhân” (số 2).

Thưa anh chị em,

“Mỗi Kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thanh Tẩy, đều được mời gọi làm nhà truyền giáo và chứng nhân. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô. Và Thánh Thần sai mỗi người kitô hữu ra đi loan báo và làm chứng về Chúa Kitô cho muôn dân: đó là nhiệm vụ và đặc ân, bởi vì đó là một lời mời gọi cộng tác với Thiên Chúa để cứu độ mỗi người và cả nhân loại” (số 3).

Truyền giáo bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội, là sứ vụ của mọi người giáo dân. Làm chứng cho sự thánh thiện, như những người sống các Mối Phúc của Tin Mừng, đó là căn tính của người Kitô-hữu-chứng-nhân. Con người ngày nay có vẻ dửng dưng không muốn tìm về Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ cảm thấy cần đến Thiên Chúa và họ bị các Thánh thu hút và đánh động, những vị thánh đã biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa trong đời sống của mình, như những ánh sao trong đêm tối.

Giáo Hội Việt Nam chúng ta ngày nay phải truyền giáo trong môi trường cụ thể chúng ta đang sống, với những con người cụ thể chúng ta đang gặp. Chúa Kitô cần đến chúng ta để đem Tin Mừng vào lòng dân tộc. Chúa Kitô cần đến tâm hồn quảng đại và sẵn sàng của chúng ta, cần đến đời sống nhân chứng của chúng ta để bày tỏ cho anh em đồng bào tình yêu thương vô biên của Ngài. Tích cực tham gia vào công cuộc Phúc-âm-hóa mới, đó là công việc đặc trưng của những năm chuẩn bị tiến đến Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của Hồng Ân Cứu Độ.

 

home Mục lục Lưu trữ