Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 68
Tổng truy cập: 1362696
SỰ SÁNG
SỰ SÁNG
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Ngày kia trong lớp giáo lý, cô giáo lý viên nói với các em học sinh về đề tài 'Chúa Giêsu'. Hôm nay, cô muốn nói với các em về một người mà các em sẽ gặp. Người đó yêu thương và chăm sóc các em hơn cả chính gia đình, cha mẹ, anh chị em và bạn bè của các em. Người đó hảo tâm hơn bất cứ người hảo tâm nào mà các em biết. Người đó tha thứ tội lỗi cho các em bất kể các em đã làm sai lỗi, nếu biết sám hối. Cô giáo để ý có một em nhỏ trai rất chú ý lắng nghe khi cô giảng. Đột nhiên, em không thể giữ im lặng được nữa. Em giơ tay phát biểu: Em biết người mà cô đang nói tới. Người đó sống ngay bên góc đường. Kitô hữu là người tỏ bày cho người khác những điều mà Chúa Giêsu yêu thích.
Từ thời rất xa xưa, trong cuộc sống xã hội đã luôn xuất hiện kẻ nghèo, người giầu. Thiên Chúa an bài trao ban cho mỗi cá nhân những khả năng chuyên môn tiềm ẩn và số mệnh riêng. Sự sống là một mầu nhiệm vô biên, mỗi người được chia sẻ một tí chút khả năng. Hiện hữu trên trần gian, không ai giống ai hoàn toàn và cũng không có sự đồng đều giữa mọi người. Có người được sinh ra trong nhung lụa ấm êm, có người vào đời có đủ ăn đủ mặc và có kẻ được sinh ra trong đói nghèo khổ sở. Giầu có hay nghèo đói mời gọi sự hỗ tương chia sẻ để đạt hạnh phúc đời này và đời sau. Người nghèo nương tựa người giầu và người giầu chia sẻ cho người nghèo. Mọi khả năng tiềm ẩn có được đều là món qùa nhưng không của Thượng Đế ban. Chẳng có điều gì chúng ta có, mà không bởi trên ban cho. Chúng ta nhận lãnh nhưng không thì cũng hãy chia sẻ nhưng không. Tiên tri Isaia mời gọi: Hãy chia sẻ của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi (Is 58, 7).
Giống như thời tiên tri Isaia của hơn 2,500 năm trước, thế giới hiện nay cũng thế, có biết bao nhiêu người nghèo, đói ăn và cùng khổ. Xã hội thời nào cũng có người giầu kẻ nghèo. Nghèo không phải là cái tội. Đôi khi họ nghèo tiền bạc, nhưng giầu lòng nhân ái. Chúa đã dựng nên mỗi người một cách đặc biệt không ai giống ai. Chúa dựng nên con người và chúc phúc cho loài người được sinh xôi nẩy nở đầy mặt đất. Con người có gia đình, xã hội và cộng đồng để cùng nâng đỡ chia sẻ với nhau trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Mỗi người đóng góp chút khả năng đặc biệt để cùng vun đắp và xây dựng một thế giới văn minh và tiến bộ. Hãy ngắm nhìn thế giới đa dạng chung quanh có muôn mầu, muôn sắc tuyệt vời.
Mỗi loài thụ tạo hay mỗi con người đều là một kỳ công của tạo hóa. Tạo hóa đã đặt để trong mỗi sinh vật một sứ mệnh riêng biệt. Các loài thụ tạo liên đới hài hòa để tiếp tục sinh tồn. Con người là thụ tạo cao quý được Thiên Chúa yêu thương ban cho nhiều khả năng. Tuy con người hiện hữu trong trần gian giới hạn, nhưng có ước vọng cao vời và vượt trên các loài. Con người được sinh ra trong thời gian hữu hạn, nhưng lại ngưỡng vọng cuộc sống vĩnh cửu. Bởi thế, loài người có sứ mệnh cao cả là phải luôn học hỏi, nghiên cứu và suy tìm để nhận biết, chúc tụng, cảm tạ và tôn vinh Đấng Tạo Hóa.
Truyện kể: Vào một ngày nọ, khi thầy dòng ẩn tu đang cầu nguyện thì chợt trông thấy một người ăn xin tật nguyền, đó là người mẹ nghèo đang đi xin thức ăn cho con nhỏ bệnh hoạn. Nhìn thấy thế, vị ẩn tu thân thưa với Thiên Chúa rằng: Lạy Thiên Chúa tốt lành, làm sao Chúa lại để sự khổ đau xảy ra mà Chúa không can thiệp chi? Trong tận đáy lòng, vị ẩn sĩ nghe Chúa đáp lời: Ta đã thực hiện một số việc. Ta đã dựng nên con. Chúng ta là tác phẩm tuyệt với của Thiên Chúa. Chúa Giêsu phán: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che dấu được (Mt 5, 14). Anh em là ánh sáng soi dọi cho trần gian. Ánh sáng của cuộc sống tỏa chiếu qua nhiều cách thế cả tinh thần lẫn thể chất. Có thể chiếu tỏa qua gương sáng đạo đức, qua lòng bác ái vị tha, qua trái tim từ bi hỉ xả và qua các nhân đức tin, cậy và mến. Ánh sáng có thể diễn tả qua lời nói dịu dàng, cử chỉ thân mật, khuôn mặt tươi vui, hy sinh phục vụ và sự ân cần giúp đỡ.
Chúa Giêsu ước muốn mỗi người chúng ta hãy góp phần làm vinh danh Chúa Cha: Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (Mt 5, 16). Kitô hữu là muối ướp mặn đời và ánh sáng dọi chiếu muôn nơi để mọi người, mọi nơi được ánh lên vinh quang Thiên Chúa. Thực hành các nhân đức sống động trong môi trường chung quanh bằng việc tốt lành. Gieo nhân tốt thì sẽ phát sinh hoa trái tốt. Một suy nghĩ tốt, một lời nói tốt, một cử chỉ tốt và một hành động tốt sẽ sinh muôn vàn hương hoa tốt lành. Người tốt và việc tốt sẽ chiếu dãi tấm guơng tốt. Hữu xạ tự nhiên hương. Thiên Chúa tạo dựng mong muốn mọi loài chia phần vinh phúc và chiếu tỏa vinh quang Chúa khắp nơi hoàn cầu.
Sau khi trở thành tông đồ của Chúa Kitô, Phaolô đã dành cả cuộc đời còn lại để rao truyền danh thánh Chúa, bất chấp mọi khó khăn cản trở. Phaolô lên tiếng: Phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan, tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa (1Cor 2,1). Không dựa vào sự khôn ngoan hiểu biết của thế trần, Phaolô được chính Chúa Giêsu soi sáng thúc đẩy từ nội tâm. Ngài đã cố gắng rao giảng chân lý với lòng nhiệt thành nóng bỏng. Ngài thuyết phục mọi người hãy đặt niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh, nguồn ơn cứu độ. Chân lý cứu độ hoàn toàn không do sự nhận biết suy nghĩ khôn ngoan của người phàm mà do chính Chúa Giêsu mạc khải: Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan của người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa (1Cor 2, 5). Chúa Kitô là nguồn sáng thật đã chiếu sáng vào tâm trí chúng ta sự sáng thật. Sự sáng tinh tuyền của ơn cứu độ giải thoát.
Ánh sáng có thể len lỏi vào mọi nơi, mọi chỗ để đẩy lùi bóng đêm. Đêm tối là do thiếu ánh sáng. Khi mặt trời khuất bóng, màn đêm buông xuống. Con người khuất phục bóng đêm bằng các nguồn sáng hạt nhân, điện lực, động cơ và các nhu liệu. Ánh sáng mặt trời giúp mọi loài phát triển không ngừng trong thiên nhiên. Con người đã biết lợi dụng nguồn năng lượng để đưa vào cuộc sống. Ánh sáng văn minh mở rộng biên cương và kéo dài thời khắc làm việc và vui sống. Nhưng xã hội rất cần những ánh sáng thật chiếu dãi vào trong tâm hồn con người. Con người cần sự ấm áp của tình yêu thương, sự cảm thông, lòng thương xót và liên kết tình người. Một trái tim cô đơn có thể được sưởi ấm giữa mùa sương tuyết lạnh. Ánh sáng của những việc từ thiện và quan tâm cần thiết soi dọi vào giữa cuộc sống đầy vô cảm này.
Thánh Phaolô đã tâm sự: Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy (1Cor 2, 3). Biết mình yếu kém vì đã từng đi bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu, khi luồng sáng đánh ngã ngựa, Saul bị mù lòa bước đi trong đêm tối của sự sợ hãi cho tới khi nhận được ánh sáng của Chúa Kitô. Phaolô can đảm nói lên sự thật về Chúa Kitô phục sinh. Ông đã bước đi trong sự sáng và chiếu dãi ánh sáng đó cho nhiều người và nhiều cộng đoàn tiên khởi. Khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta cũng đón nhận ánh nến đức tin được đốt từ cây Nến Phục Sinh, chúng ta trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống như con cái sự sáng luôn sẵn sàng đèn nến thắp sáng để ra đón Chúa Kitô.
Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và là sự sống. Xin ánh sáng của Chúa dẫn dắt chúng con ra khỏi bóng tối của sự dữ và sự dối trá. Xưa Chúa đã đem lửa xuống thế gian và mong cho lửa ấy cháy lên sưởi ấm mọi tâm hồn. Xin cho chúng con biết khơi dậy ngọn lửa yêu mến để nhiệt tâm sống chứng nhân cho tình yêu.
23.Muối và ánh sáng
(Tổng hợp từ R.Veritas)
Sau một thời gian dài học hỏi và tu luyện, người học trò mới cất tiếng hỏi thầy mình:
- Thưa thầy, đâu là sự khác biệt giữa kiến thức và giác ngộ?
Thầy mỉm cười và ôn tồn giải thích:
- Khi có kiến thức, giống như con có “ánh sáng” soi đường con đi. Nhưng khi con giác ngộ, chính con sẽ trở thành “ánh sáng” soi đường cho người khác.
Bạn thân mến!
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cũng mời gọi ta trở nên “Ánh Sáng và Muối Đất”. Đó cũng là lệnh truyền cấp bách mà Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta hôm nay.
“Chính anh em là muối cho đời”. (Mt. 5,13) Muối là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ; vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà; vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối. Khi muối muốn ướp cho “mặn đời”, muối phải biết chấp nhận hòa tan, phải biết “mất đi” cho chính mình để hoá thân trong chất mặn, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại, của yêu thương và tha thứ …
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”(Mt.5:13). Đây là lời mời gọi tuyệt vời dành cho người Kitô, bởi lẽ chỉ Thiên Chúa mới là Ánh Sáng (1Ga.1:5). Chỉ Đức Giêsu mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga.8:12). Vậy ta muốn trở thành ánh sáng như Đức Giêsu, ta phải ở gần Ngài: gần đèn thì ta được toả sáng.
Ánh sáng không thiên vị một ai, không thích người này và cũng không chê người kia. Ánh sáng của mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Ánh sáng của người Kitô cũng vậy,“ánh sáng của anh em phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú. Không phải để khoe khoang, tự kiêu, nhưng là để tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời” (Mt.5:16).
Ánh sáng của cây nến tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ toả sáng cả một căn phòng, làm cho bóng tối phải lùi bước. Một khi ánh sáng của ngọn nến bừng lên, đó cũng là lúc ngọn nến bị đốt cháy, bị tan biến đi. Người Kitô cũng vậy, phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để “Ánh Sáng Chúa Kitô“ được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà, khắp mọi tâm hồn.
Khi bị đốt cháy, ngọn nến nhận sức nóng từ ngọn lửa và cho đi ánh sáng. Người Kitô trong thế giới hôm nay cũng phải giống như vậy. Nhưng trong suy tư thinh lặng, tôi tự hỏi lòng mình: “Tôi đang nhận điều gì trong cuộc sống hôm nay? Và tôi sẽ cho đi những gì cho người anh em xung quanh tôi?”
***
Vì tôi là muối nhạt nên thế giới này vô vị.
Vì tôi là đèn hết dầu, nên thế giới còn nhiều bóng tối.
Thế giới này sẽ mang bộ mặt mới nếu tôi thực thi lời mời gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Anh em là muối cho đời …Anh em là ánh sáng cho trần gian ”.
Lạy Chúa Giêsu!
Xin giúp con lắng nghe tiếng Chúa
và nỗ lực thực thi Lời Ngài trong cuộc sống của con hôm nay. Amen!
24.Ánh sáng và muối men cho đời
(Suy niệm của Lm JB. Lê Ngọc Dũng)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta, các môn đệ của ngài: Các con là ánh sáng cho trần gian, là muối men cho đời.
Chúa Giêsu trao cho chúng ta một sứ vụ cao cả: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giải trước mặt thiên hạ để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16).
Sứ vụ đó thật cao cả vì nâng phẩm giá con người chúng ta lên mức con cái Thiên Chúa, vì Chúa Giêsu nói Thiên Chúa là “Cha của anh em”.
Chúng ta hãy thử suy nghĩ, làm sao có thể thực hiện được lời mời gọi đón nhận sứ vụ cao cả này, vì chúng ta thấy mình còn yếu đuối, tội lỗi; thấy mình đâu có hơn gì người khác! Nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải nhận ra mình là con cái của Cha trên trời.
Các nhà tu đức khuyên rằng “Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.
Vậy thì, giữa bóng tối của thế gian, chúng ta hãy thôi lên án tố cáo; thôi tố cáo rằng họ lừa dối, gian tham, giết người cướp của; thôi tố cáo những vụ hối lộ, lường gạt với những con số hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng; thôi tố cáo người làm những miếng thịt ôi thối thành miếng thịt tươi bằng tẩm ướp hóa chất; thôi tố cáo hàng giả, hàng độc hại…
Thà thắp lên một ngọn nến nhỏ, chứ đừng ngồi đó mà tố cáo thế gian! Hãy như những hạt muối nhỏ, giúp thực phẩm khỏi ôi thối, hay thành một tý muối nhỏ để cho thức ăn được có hương vị ngọt ngào, để thực hiện Lời Chúa Giêsu dạy: Các con là muối men cho đời.
Trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (số tháng 9/1997), tác giả Đăng Quang có ghi lại một cảnh đời như sau:
Ghé vào một tiệm bên đường Trần Huy Liệu để sửa chữa chiếc đồng hồ đeo tay, trong khi đứng chờ, tôi thấy có một người đàn ông trạc 50 tuổi, mình trần, bước vào hỏi mượn người thợ sửa đồng hồ chiếc kềm. Trên tay ông cầm một thanh sắt nhỏ bằng hai ngón tay, cổ đeo một dây to, để thòng xuống ngực một Thánh Giá. Khi thấy ông ta cầm chiếc kềm cố bẻ thanh sắt ra ba hướng, tôi tò mò hỏi người thợ sửa đồng hồ: …để làm gì vậy? Người thợ sửa đồng hồ lắc đầu nói: "Để vứt xuống đường cho xe đạp cán, ông ta vá ép mà”. Nhìn thanh sắt trên tay ông, tôi bổng thấy hơi sờ sợ. Bẻ xong thanh sắt, ông bước ra sát lề đường, đi tới một đoạn rồi vứt thanh sắt xuống lòng đường, và điềm nhiên quay trở lại nơi có chiếc thùng sắt, có chiếc bơm hơi, ngồi trên chiếc ghế gỗ ung dung chờ đợi.
Tôi định đến nói với ông ta một điều gì đó, nhưng chưa kịp thì đã nghe tiếng bánh xe xì. Nhìn ra tôi thấy một chiếc xe xích lô đang chở một bà mẹ và hai đứa con nhỏ. Người đạp xích lô xuống xe nhìn vào chiếc bánh xe xẹp lép, những giọt mồ hôi từ mặt nhỏ xuống, anh ta đưa tay gạt lia lịa, lưng áo ướt đẵm, anh tìm quanh bánh xe và phát hiện ra thanh sắt găm vào vỏ xe, anh cố rút thanh sắt ra, anh chưởi lầm bầm trong miệng và rồi vứt thanh sắt ra bên lề đường. Người đàn ông ở trần, ngực đeo Thánh giá vẫn ngồi yên chờ đợi, ông chắc thế nào người đạp xích lô cũng đưa xe vào vá. Nhưng không, anh xích lô vô tình đẩy chiếc xe nặng nhọc đó đi. Khi chiếc xích lô đi khỏi, người đàn ông ở trần đánh tiếng chưởi thề, đưa mắt nhìn thanh sắt chĩa nhọn, có lẽ ông ta muốn nhặt lại và làm lại từ đầu. Nhưng ngay lúc đó tôi thấy một bà cụ chậm rãi đi qua đường, thấy thanh sắt, bà cúi xuống nhặt lấy bỏ vào chiếc túi ni lông bà đang xách trên tay.
Cảnh đời trên không chỉ có người đàn ông vá ép uốn thanh sắt chĩa ba của mình và đặt trên lòng được, gây hại cho người ta để mình được lợi lộc, gây ra cái ác cho cuộc sống. Cảnh đời còn có một bà cụ già với chiếc túi ni lông để nhặt thanh sắt chĩa ba hầu cất đi những cái ác nho nhỏ trong cuộc đời. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ ấy của bà cụ cũng đủ để làm cho cảnh đời thấy như đen tối, được sáng đẹp hẳn lên.
Niềm hy vọng của người Kitô giáo không cho phép chúng ta thua cuộc trong việc đem lại ánh sáng cho thế gian, làm muối men cho đời. Dù chỉ là những việc nho nhỏ, như nhường nhịn người hàng xóm một câu khích bác; như người chồng thay vì chê nấu canh mặn thì khen vợ nấu món cá ngon; như người vợ âm thầm hy sinh phục vụ chồng con… Cuộc sống gia đình sẽ trở nên tươi sáng với những cử chỉ nho nhỏ yêu thương. Cuộc đời sẽ đen tối dường nào nếu không có những việc thiện nhỏ, bác ái, âm thầm từng ngày ấy.
Lệnh truyền phải trở nên ánh sáng và muối men cho đời của Chúa Giêsu làm cho chúng ta tin tưởng vào giá trị của từng công việc tốt nho nhỏ, chứ chưa cần đến những việc lớn lao. Những việc tốt nho nhỏ đó sẽ tháp nhập vào hy sinh thập giá của Đức Kitô.
Bóng tối của thế gian tưởng như đã thắng, nhưng Ngài đã thắng bóng tối thế gian, bằng hy sinh thập giá của Ngài. Ngày nay, đôi khi ta tưởng như cái ác của thế gian đang thắng thế, nhưng Thập giá hy sinh của Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hằng ngày để chiến thắng.
Ngài mời gọi chúng ta đóng góp vào cuộc chiến của thập giá đó, bằng những hy sinh phục vụ nho nhỏ, bằng những việc tốt nho nhỏ, như những ngọn đèn nho nhỏ, những hạt muối nho nhỏ, của từng ngày trong cuộc sống. Qua những ngọn đèn, những hạt muối nho nhỏ đó, như Chúa Giêsu dạy: “Thế gian sẽ tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 5,16).
25.Vì đời và cho đời – Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng
Muối
Muối rất cần để bảo vệ thực phẩm. Và hình ảnh ấy cũng nói đến những con người đóng vai trò giáo dục, có bổn phận và trách nhiệm “bảo vệ và gìn giữ” những vẻ đẹp cao quý, thiêng liêng, những giá trị đạo đức nhân phẩm để con người sống “nên người”, sống “cho ra người” hơn. Ca dao Việt Nam có câu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Muối là gia vị làm cho thức ăn được ngon miệng, mặn mà. Từ đó nó gợi cho con người hình ảnh tình nghĩa đậm đà mà con người cần phải có để cuộc đời thêm đẹp, thêm ấm áp. Nếu không tình đời sẽ “lạt như nước ốc, bạc nhơ vôi”.
Ánh Sáng
Ánh sáng chiếu soi vạn vật, nhờ ánh sáng con người chiêm ngưỡng được vẻ đẹp cảnh vật quanh ta.
Nhờ ánh sáng, con người định hướng được hướng đi của đời mình. Nhờ ánh sáng con người vượt qua được nguy hiểm, tiếp tục cuộc hành trình an toàn, và đến bến bờ hạnh phúc. Như ánh sáng Hải Đăng cần thiết cho những cuộc hành trình ở Đại Dương bao la.
Ánh sáng thiên nhiên gợi cho ta hiểu ánh sáng tâm hồn. Đôi mắt mùa lòa làm cho con người đau khổ vì sống trong tăm tối, nhưng đôi mắt tâm hồn “mùa lòa” sẽ dẫn con người đến sự sụp đổ hoàn toàn. Mùa Xuân thiên nhiên có thể không đến với những con người mà đôi mắt đã bị cướp đi ánh sáng, nhưng nếu tâm hồn họ đã vươn lên được niềm hạnh phúc cao cả, nếu đôi mắt tâm hồn của họ đã nhìn xuyên thấu những giá trị cao quý của đời người, dù sống trong tăm tối, tâm hồn họ vẫn rực sáng với muôn điều hạnh phúc kỳ diệu sẽ đến trong thế giới nhiệm mầu của riêng họ.
Điểm chung của muối và ánh sáng
Muối và ánh sáng đều đem lại sự an bình. Không hư hao, và tránh những điều xấu có thể đến.
Muối và ánh sáng đem lại cho đời những điều tốt đẹp hơn. Mặn mà và tươi sáng.
Muối và ánh sáng đều chịu hao mòn. Tan biến và dần dần tự hủy đi tạo ra muôn thứ tốt đẹp và hữu ích. Những hạt muối hòa tan và mất đi để có những bữa ăn ngon. Những cây nến hao mòn và mất đi để cho đời ánh sáng. Mặt trời một ngày nào đó cũng tắt khi nguồn năng lượng cạn kiệt.
Muối và ánh sáng đều thầm lặng hy sinh. Khi dùng những món ăn ngon, người ta khen thịt, cá, rau, quả…không ai khen muối. Khi ngắm cảnh đẹp, người ta khen núi, sông, hoa, lá, mây trời… không ai khen ánh sáng.
Vì đời và cho đời
Muối thì phải mặn. Nếu muối mà không mặn thì có còn là muối không?
Ánh sáng thì phải chiếu sáng. Nếu ánh sáng mà không chiếu sáng, thì có còn là ánh sáng không?
Môn đệ thì phải theo gương thầy. Môn đệ mà không giống thầy, thì có còn là môn đệ thầy không?
Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-làm-người. Ngài dành cả cuộc đời ở trần thế nầy để “vì đời và cho đời”.
Vì đời và cho đời như “muối và ánh sáng”.
Hãy nhìn vào cuộc đời của Đức Ki-tô, Đấng Cứu Thế, từ Bê-lem đến đỉnh Can-vê! Còn ai “vì đời và cho đời” hơn như thế không?
Nên môn đệ Chúa Giêsu phải là “muối” và “ánh sáng” theo gương của Thầy Chí Thánh của mình là Chúa Giêsu.
Chính anh em là muối cho đời (Mt.5,13).
Chính anh em là ánh sáng cho trần gian (Mt.5,14).
“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”.
Và tất cả múc nguồn từ Chúa Giêsu Ki-tô.
Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. (Ga.1,14).
Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi. (Tv 119,105).
“Muối và ánh sáng vì đời và cho đời”, để đời có Niềm Tin, Hy Vọng và Vui Sống. Để đời biết sống đúng ý nghĩa kiếp người và tìm về bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu trong Tình Yêu Thiên Chúa.
“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga.14,6).
Lạy Chúa,
Xin dạy cho con,
và soi sáng cho con,
biết suy nghĩ và hành động,
theo thánh ý Chúa. Amen.
26.Muối cho đời – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt
Trong những dịp cuối năm, các bản tổng kết tình hình đều đánh giá cao những đóng góp của Giáo hội đặc biệt trong lãnh vực giữ gìn đạo đức xã hội. Nơi nào có đồng bào Công giáo sinh sống, tệ nạn xã hội không có hoặc có rất ít. Nghe những nhận định trên, tôi rất vui vì thấy anh chị em tín hữu đang sống đúng tinh thần trở thành muối cho đời như lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Khi nói đến muối Chúa Giêsu có ý dạy các môn đệ về cách thế hiện diện trong xã hội.
Đó là một hiẹn diện khiêm nhường
Hạt muối thật bé nhỏ. Chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của nó. Bên cạnh thịt, cá, rau cỏ, muối chỉ đóng vai phụ. Người ta trưng bày những món ăn đắt tiền. Người ta giới thiệu những món ăn cầu kỳ. Không thấy ai trưng bày muối. Chẳng có ai giới thiệu muối trong bữa tiệc lớn. Xét về giá trị kinh tế, muối chẳng đáng giá bao nhiêu. Đó là một hiện diện quên mình.
Muối có đó nhưng không ai thấy muối. Không chỉ vì muối bé nhỏ khiêm nhường mà vì muối phải tan biến đi. Phải tan biến đi muối mới có tác dụng. Muối ướp vào thịt cá mà không tan đi thì không thấm được vào thớ thịt, thớ cá, không giữ cho thịt tươi cá tốt được. Muối gia giảm vào cá kho, thịt rim, nước canh mà không tan đi thì khi ăn phải, người ta sẽ nhăn mặt bỏ đi. Chỉ khi tan biến đi, hoà tan vào thịt, cá, rau cỏ, muối mới có ích lợi. Muối phải hiện diện nhưng lại phải tiêu huỷ đi thì mới có ích.
Đó là một hiện diện tích cực.
Tuy bé nhỏ khiêm nhường và vắng mặt, nhưng hiện diện của muối là một hiện diện tích cực. Tích cực vì góp phần bảo trì thực phẩm khỏi hư thối, vì nâng phẩm chất món ăn. Tích cực vì là một thành phần hầu như không thể thiếu trong các món ăn. Tuy không thấy và không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu trong mỗi món ăn đều có muối.
Khi dùng muối làm hình ảnh minh hoạ, chắc chắn Chúa Giêsu cũng muốn cho các môn đệ của Người có những đặc tính của muối.
Người muốn các môn đệ của Người sống giữa nhân loại như muối ở trong thức ăn. Người muốn các môn đệ của Người hiện diện thật kiêm nhường như những hạt muối bé nhỏ. Người muốn các môn đệ của Người hiến thân mình cho nhân loại như những hạt muối hòa tan trong thực phẩm.
Nhưng để sự hiện diện bé nhỏ khiêm nhường mang yếu tố tích cực, các môn đệ phải giữ được vị mặn của muối.
Vị mặn, đó là lòng yêu mến Chúa mặn nồng, là tình yêu tha nhân mặn mà, là sống tinh thần Tám Mối Phúc như Chúa dạy trong bài Tin Mừng tuần trước.
Giữ được vị mặn của Phúc Âm và hiện diện âm thầm trong phục vụ quên mình, người môn đệ Chúa sẽ thực sự góp phần bảo vệ nền đạo đức của xã hội. Dù không muốn, họ vẫn trở thành ánh sáng soi trần gian.
Lạy Chúa, Chúa tin tưởng con, nên đã gọi con là muối trần gian. Xin cho lòng con yêu mến Chúa tha thiết, để đem cho đời hương vị tình yêu. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn nghĩ gì về hình ảnh hạt muối?
2- Làm muối, dễ hay khó?
3- Bạn đã bao giờ cảm thấy niềm vui được chìm đi để anh em được nổi nang chưa?
27.Có can đảm sống trung thực theo con người mình
(Trích từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Chân lý, nhất là chân lý do đức tin mang tới, là muối và ánh sáng. Chân lý, tự nó, không thể nên lạt lẽo và tối mờ. Nhưng thực tế thì chân lý trở nên “khả giác” khi đi vào trí khôn và cõi lòng con người. Chính những con người mang chân lý và đức tin, là muối và ánh sáng gian trần. Bởi vì nhà ở của chân lý và đức tin là con người với tất cả sự phức tạp của nó, bản năng, sở thích của nó, cho nên sự biến chất lạt lẽo và tình cảnh bị bóp nghẹt vẫn là những mối đe doạ thường xuyên. Chúa nói với môn đệ rằng họ là muối và ánh sáng mà không để cho bị lạt lẽo và che mờ đi.
Muối được dùng nhiều trong các nghi thức tôn giáo, hẳn là vì nó chữa lành, không bị hư thối, vì nó cho hương vị. Sách Lêvi (2,13) nói đến muối của Giao Ước để chỉ rằng Giao Ước phải bền vững, không thể hư hỏng. Tiên tri Êlisê “tẩy sạch” một giòng suối bằng cách bỏ vào muối vào. (2V 2,21). Ánh sáng là để soi chiếu. Để rọi chiếu, ánh sáng chỉ cần là ánh sáng. Bài Phúc Âm nói tới cái thùng, có lẽ gợi lại tục lệ của mấy người nghèo thường đặt đèn trên một cái thúng lật ngược. Nếu lấy thùng chụp đèn lại, người ta giam hãm ánh sáng và làm nó phải tắt.
- Để suy niệm, chúng ta sẽ hiểu muối và ánh sáng như những biểu tượng của người Kitô hữu.
1) Người Kitô hữu phải là muối thế gian. Ngày nay hơn bao giờ Giáo Hội phải thâm nhập vào nền văn minh với những giá trị của đức tin, hầu cho thế gian khỏi tan rã và thoái hoá trong bạo lực. Người ta nói nhiều đến thuyết duy vật, thuyết duy sắc dục… Lắm người quảng đại chiến đấu cho một thế giới công bình hơn, nhưng không biết bên kia cái cùng đích họ theo đuổi còn có gì… Nếu bị bỏ mặc cho mình, thì thế giới sẽ nên hủ bại. Người Kitô hữu phải làm chứng về phẩm giá, và số mệnh con người, để góp phần cứu vớt thế gian. Trong tất cả đời sống xã hội, gia đình, nghề nghiệp, chính trị kinh tế, họ phải nghĩ tưởng và hành động theo như lòng tin nơi Đức Giêsu Kitô soi sáng thúc đẩy họ. Nếu không có can đảm làm như thế, nếu trở nên lạt lẽo, thì nó sẽ không chu toàn sứ mệnh và thế gian có thể lôi kéo họ vào sự ghê tởm. Bị ném ra ngoài cho người ta dày đạp dưới chân. Phúc Âm nói thế.
2) Người Kitô hữu phải là ánh sáng gian trần. Vấn đề không phải là phô trương mình ra. Những cũng là ánh sáng soi chiêu vì nó là nó, thì người Kitô hữu cũng phải toả ánh sáng Tin Mừng bằng cách là người Kitô hữu đích thực, thế thôi. Một điểm đáng cho ta lưu ý. Khi hoạt động với tư cách Kitô hữu, có nên che dấu “sự quy chiếu” của mình về Chúa Kitô và đặc nó dưới thùng hay không? Nói cách khác, ánh sáng mà người tin Chúa mang trong mình không phải loan báo Đức Giêsu Kitô hay sao? Trả lời thực tế cho câu hỏi này không đơn giản đâu. Dù sao, theo Phúc Âm dạy thì hành động được thực hiện trong ánh sáng, phải dẫn đưa con người tới chỗ ngợi khen Cha trên trời.
28.Suy niệm của Lm Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Bài Tin Mừng Chúa nhật thứ 5 mùa thường niên theo thánh sử Matthêu gồm hai ý tưởng chính yếu: môn đệ Chúa Kitô là "Muối cho đời" và "Ánh sáng cho trần gian". Trong bài suy niệm này, chỉ xin được ngẫm suy về muối.
Ngay từ tấm bé, ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng câu tục ngữ Việt Nam:
"Cá không ăn muối cá ươn.
Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư".
Ông bà tổ tiên mình đã dùng kiểu nói ví von dễ hiểu để dậy con cháu những bài học đạo đức luân lý cụ thể. Qua câu tục ngữ đó, ai trong chúng ta cũng hiểu rằng chất mặn của muối ướp cá cho khỏi ươn khỏi thối. Muối ở đây là lòng kính thảo cha mẹ, biết vâng lời, biết nghe và sống theo những lời dậy bảo của các bậc sinh thành. Những lời dạy bảo của cha của mẹ là khuôn vàng thước ngọc, giúp cho con cái trưởng thành khôn lớn, để trở thành người có ích cho gia đình xã hội mai sau. Đứa con nào bỏ ngoài tai lời cha mẹ khuyên răn, chắc sẽ khó tránh khỏi tính hư tật xấu.
Muối còn là gia vị cần thiết cho sự sống: muối mang lại dinh dưỡng cơ thể và bảo vệ sức khoẻ. Nấu nướng mà không có "mắm muối", đồ ăn sẽ nhạt nhẽo, không mặn mà. Trong đời sống vợ chồng, muối là tượng trưng cho những gì thắm thiết "mặn nồng", nhờ đó đôi vợ chồng gắn bó chung thủy với nhau đến "đầu bạc răng long":
"Tay bưng đĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau."
Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh cụ thể của muối để giáo huấn các môn đệ. Đa số các Ông là dân thuyền chài, sinh sống bằng kéo chài thả lưới, trước khi bỏ "mọi sự" mà theo Chúa, để trở thành "những kẻ chài người". Hơn ai hết, các Ông hiểu ngay Chúa Giêsu muốn dậy các ông gì khi Ngài nói: "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi."
Qua lời của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu rất rõ rằng: họ được mời gọi là "muối" cho đời. Bản chất của muối là mặn. Giá trị của muối cũng là chất mặn. Bên bờ hồ Galilê hay bên hồ Giênêgiarét xưa, đã nhiều lần chính các ông đã dùng muối để ướp cá trên thuyền. Nay giữa cuộc đời bon chen, đầy sa đọa, môn đệ Chúa Giêsu phải là "muối" ướp mặn thế gian, làm cho đời khỏi ươn, khỏi thối. Theo lối giải thích của thánh sử Matthêu, các môn đệ phải là "muối cho đời" (Mt 5:13), nghĩa là phải gìn giữ và làm cho thế gian thêm mặn nồng trong giao ước với Thiên Chúa. Nếu không "nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi" (Lc 14:35).
Bản chất của muối là mặn. Bản chất của người môn đệ Chúa là được Chúa kêu gọi lên thánh, để "thánh hoá" bản thân, gia đình và xã hội. Trong Bí tích Thánh tẩy xưa kia, có nghi thức linh mục cho em bé hoặc người tân tòng nếm chút muối. Vì muối được ghi nhận trong Cựu Ước như "muối giao ước của Thiên Chúa" và Muối có công dụng thanh tẩy, cũng như ngôn sứ Êlisê đã dùng muối để tẩy rửa "nước độc" (2 V 2:19-22), vì thế, xát muối vào trẻ con (Ez 16:4), là dấu chỉ người Kitô hữu được kêu gọi nên thánh, để "thánh hóa" đời.
Trong Tân Ước, muối còn là hình ảnh của sự khôn ngoan và sự tinh ròng về luân lý. Đó là điều Đức Giêsu chờ đợi nơi người môn đệ (c.13). Nếu muốn "muối" đời khỏi ươn khỏi thối, người Kitô hữu phải nhất quyết từ bỏ "tội lỗi", cải chừa tính mê, để mặc lấy sự công chính, tức là mặc lấy chính Chúa Kitô, Đấng là "Đường, Sự Thật và Sự Sống". Làm sao có thể "ướp cho đời khỏi hư thối" khi chính mình không phải là "muối mặn". Cha mẹ làm sao dạy bảo được con cái: "Cá không ăn muối cá ươn, Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư", khi chính đời sống của cha của mẹ chẳng gương mẫu gì! Vợ chồng công giáo mà "chồng ăn chả, vợ ăn nem", tối ngày chỉ lo làm giầu, cãi vã nhau như cơm bữa, thì làm sao ướp cho tình yêu lứa đôi khỏi hư thối. Trong Tin mừng theo thánh sử Marcô (Mc 9:50), Đức Giêsu cũng dạy: "Muối là cái gì tốt. Nhưng muối mà hết mặn, thì anh em sẽ lấy gì ướp cho mặn lại? Anh em hãy giữ muối trong lòng anh em và sống hòa thuận với nhau." Ở đây muối chính là những giọt mồ hôi và lao công xây đắp cuộc sống, những hy sinh và từ bỏ mình để duy trì mối hòa thuận thương yêu (x Lc 14:34tt). Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu "lời nói phải đi đôi với việc làm": "Chớ gì ngôn ngữ anh em luôn dịu dàng, ướp đầy muối mặn để biết trả lời hợp với mọi người".
Câu chuyện "Những Lọ Đựng Muối Tiêu" sau đây, trích từ "những câu chuyện tu đức hằng ngày" của chương trình phát thanh Việt ngữ đài Chân lý phải làm mỗi tín hữu Chúa Kitô phải bóp trán suy nghĩ:
Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.
Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở của vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: "Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối".
Đó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắn lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...
Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Đức Tin, Đức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.
29.Chiếu ánh sáng của chúng ta khi cần.
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Trong một cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, một phóng viên đã hỏi ngài: “Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những ai và cho điều gì?” Đức Thánh Cha trả lời bằng việc trích dẫn đoạn văn mở đầu trong Hiến Chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vatican II. Đoạn văn ấy như sau: “Sự vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt là những người nghèo hay những người bị bách hại, cách nào đó là niềm vui và hy vọng, đau buồn và lo âu của những người theo Chúa Kitô” (Bước qua ngưỡng cửa hy vọng, số 20).
Thật ra Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi không chỉ như ngài là một Giáo Hoàng mà với tư cách là một người Công giáo, một người theo Chúa Kitô, giống như mọi người chúng ta. Chắc chắn những lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha cũng sẽ là của chúng ta nữa. Dĩ nhiên cầu nguyện phải dẫn tới hành động và hành động tương quan với tha nhân nữa.
Biến lời cầu nguyện thành hành động là giáo huấn của tiên tri Isaia trong Thánh Lễ hôm nay: “Hãy chia bánh với người đói, cung cấp chỗ cư trú cho kẻ bị áp bức và không nhà. Mặc quần áo cho kẻ mình trần khi thấy họ, đừng xoay lưng lại với những khốn khổ đang xảy ra”. Những lời cảm động này muốn nói tới những người Do Thái bị lưu đày, họ trở về sau khi thoát ách nô lệ ở Babylon. Họ tìm thấy quê hương họ đã bị xâm chiếm bởi một dân tộc khác, một dân không chia sẻ cùng một tôn giáo hay nền luân lý của họ. Họ cảm thấy mình như là một dân tộc thiểu số trong một khu vực thù địch.
Chúng ta không giống như họ nơi xã hội của chúng ta, những người Công Giáo không phải là một nhóm người thiểu số, nhưng một số người đang lớn dần lên chung quanh chúng ta có vẻ như trái tim họ bị xơ cứng trước những nhu cầu của người anh em, ví dụ như những người đói khát, những dân nhập cư, những người không nhà, những người nhận trợ cấp xã hội. Các nhu cầu giúp đỡ sẵn sàng bị loại bỏ như là việc vô giá trị và không đáng được phục vụ. Ở một số nơi, tinh thần này đã thay thế cho sự thương xót. Những người Công Giáo chúng ta không thoát khỏi ảnh hưởng của những biến chứng này. Đôi khi những hiệu quả thì rất tinh tế mà chúng ta không hề ý thức đên chúng.
Ngày nay, một số người nghèo khổ và thích cuộn mình nằm nơi góc tối, nơi đó họ không bị nhìn thấy. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng chúng ta phải chiếu sáng sự tốt lành của chúng ta trên những người có nhu cầu để họ không bị quên lãng, tiên tri Isaia đã giúp chúng ta hiểu những gì Chúa Giêsu muốn nói bằng việc nói với chúng ta: “Nếu các người rời khỏi nơi áp bức, sự kết án gian dối và những bài giảng ác tâm, nếu các ngươi cho những kẻ đó bánh ăn, an ủi những kẻ ưu phiền, thì ánh sáng sẽ bùng lên ngay giữa nơi tối tăm của các ngươi”.
Chúng ta có thể cần tự nhủ phải trở lại với lối suy nghĩ của người Công Giáo và hành động theo Đức Kitô, những người mà niềm vui hay những đau thương, nhu cầu và những lo âu của họ trong thời đại này, đặc biệt là của những người nghèo khó hoặc những người đau khổ là những người có liên quan đến chúng ta.
Thật ra, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu lớn lao, không có mức độ tài chánh nào có thể đáp ứng cho đủ cả. Chúng ta cần Thiên Chúa và ân sủng của Người. Thiên Chúa không hề quay mặt đi khỏi chúng ta. Người hằng nhìn xem chúng ta và đáp trả những lời cầu xin của chúng ta cách quảng đại, đặc biệt là lời cầu trong Thánh Lễ. Người gọi chúng ta ra khỏi tình trạng không nhà của thế giới trần tục để vào trong nhà của Người là Giáo Hội. Ở đây, Người tiếp đón chúng ta bằng những lời êm dịu và yêu thương trong Thánh Kinh, nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Con của Người. Có phải chúng ta xứng đáng với tất cả chuyện đó chứ? Chúng ta làm gì để xứng đáng với điều đó? Chắc chắn những hồng ân quảng đại của Thiên Chúa hằng ban xuống trên chúng ta, sẽ khiến chúng ta đi theo sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha và làm cho những nhu cầu của tha nhân thật sự trở nên của chính mình.
30.Ánh sáng và bóng tối
Ngày kia, các môn đệ của thầy Haxiđich bên Ấn Độ đến than phiền với thầy về ảnh hưởng xấu của ma quỷ trên thế gian. Họ hỏi thầy phải làm thế nào để có thể xua đuổi ma quỷ?
Thầy Haxiđich đề nghị trước hết hãy lấy chổi bắt đầu quét bóng tối khỏi căn phòng nhỏ dưới hầm. Các môn sinh ngạc nhiên trước lời dạy bảo đó. Nhưng họ cũng đành lòng vâng theo.
Sau nhiều giờ mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhãi, nhưng họ vẫn không đuổi được bóng tối ra khỏi căn phòng nhỏ.
Thầy Haxiđich bảo các môn sinh lấy gậy đập bóng tối để đuổi ma quỷ ra khỏi phòng. Nhưng vẫn uổng công vô ích. Lần thứ ba, thầy bảo các môn sinh hãy xuống hầm gào thét nguyền rủa bóng tối. Họ đã khan cổ, mất tiếng mà vẫn không sáng thêm được chút nào.
Sau cùng thầy bảo các môn sinh:
- Hỡi các con, mỗi người trong các con hãy đương đầu với thách đố của bóng tối bằng cách đốt lên một cây nến.
Họ thi hành theo lời thầy. Và kìa, lập tức bóng tối đã bị đuổi đi. căn hầm tối tăm lạnh lẽo bỗng trở nên sáng rực và ấm cúng.
Anh chị em thân mến,
Văn sĩ Locke, người Anh, cũng nói: “Thà bật lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”.
Bóng tối của tà thần vây phủ khắp nơi bằng nhiều hình thức: gian dối, hận thù, chiến tranh, bất công, bóc lột, tệ nạn xã hội, sách báo tranh ảnh đồi truỵ… Người ta đã tốn biết bao công sức, đổ biết bao mồ hôi, đã quá mệt mỏi. Tất cả hầu như đã không được gì. Bóng tối vẫn là bóng tối vây phủ con người. Ngoài ánh sáng ra, có gì xua đuổi được bóng tối? Nỗ lực trong bóng tối thì bóng tối vẫn cứ tối mãi. Cần phải khơi dậy nguồn sáng. Mỗi con người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên. Mỗi người cần phải tự mình thắp sáng lên cây đèn của mình. Một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thế giới tối tăm này sẽ bớt tối đi. Tất cả mọi người đều thắp sáng ngọn đèn của mình, cuộc đời này sẽ sáng rực lên nguồn sống mới, vui tươi và ấm cúng biết chừng nào?
Tuy nhiên, thưa anh chị em, có người đã tự hỏi: “Tại sao tôi lại phải là muối cho đời và ánh sáng cho người?”. Tôi chỉ muốn sống bình thường như mọi người, muốn đi lẫn vào đám đông chứ không muốn đi đầu như một người lãnh đạo. Tôi không muốn chơi nổi, không muốn chường mặt ra cho mọi người nhìn vào như ngọn đèn trên giá hay ngọn đèn đường trên cao nơi góc phố. Trở thành muối, thành ánh sáng có lẽ là nhiệm vụ của linh mục, tu sĩ hãy một số người đặc biệt nào đó chứ không phải là tôi.
Chúng ta được quyền tự hỏi như thế khi ý thức mình chỉ là con người tội lỗi, yếu đuối như mọi người. Nhưng Chúa Giêsu hôm nay không muốn chúng ta từ chối nhiệm vụ này, khi Ngài nói: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Người Kitô hữu là muối cho đời, là ánh sáng cho trần gian, không có nghĩa là phải có thái độ cha chú, lên mặt dạy đời, tự phụ phô trương quảng cáo như kiểu bọn Biệt phái Pharisêu giả hình. Trái lại, là muối, là ánh sáng, người Kitô hữu phải có cung cách khiêm tốn, tan biến, lắng chìm giữa lòng đời, như hạt muối thấm vào thức ăn, như ánh sáng chan hoà trong không khí, và có như thế thì món ăn mới thêm đậm đà, không gian mới xinh đẹp, tươi vui.
Lẽ tất nhiên, muối phải luôn mặn từ bên trong, và đèn phải chiếu sáng từ trên cao. Bằng không, chúng sẽ trở thành đồ vô dụng, đồ phế thải, bỏ đi… Vậy, người Kitô hữu phải luôn sống đức tin của mình, phải thực thi Tin Mừng của Chúa Kitô ngay giữa các môi trường mình đang sinh sống hằng ngày. Trái lại, nếu sống bê tha, bất công, gian ác, thì sẽ trở thành bóng tối, sẽ bôi nhọ khuôn mặt của Chúa Kitô, của Giáo Hội: Muối đã biến chất, nhạt nhẽo, vô vị. Đèn đã cạn dầu, tắt ngúm, đứt bóng, còn ích gì?
Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 hôm nay đã kê khai cách tỉ mỉ những việc cần làm để cho “ánh sáng chúng ta bừng lên trong bóng tối và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày”, đó là hãy chia cơm, sẻ áo cho người đói rách, tiếp nhận người không cửa không nhà. Đó là loại bỏ những xiềng xích bất công, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu (x. Bài đọc 1). Chúa đã ban cho chúng ta thời giờ, sức lực và phương tiện đủ để chúng ta ướp mặn và soi sáng, nhưng nhiều người chúng ta bỏ quên, không sử dụng những ân huệ này.
Anh chị em thân mến, hơn ai hết, Kitô hữu chúng ta phải là những cây đèn đặt trên giá đèn để xua tan bóng tối và chiếu sáng cả nhà. Căn nhà thế giới, căn nhà Giáo Hội, căn nhà của mỗi gia đình chúng ta cần thứ ánh sáng ấy biết bao!
Là môn đệ chân chính của Chúa Kitô, chúng ta không thể quên lời Ngài đã quả quyết: “Chính anh em là muối cho đời, là ánh sáng cho người”. Xác tín vào Lời Chúa, chúng ta sẽ gắng công dùng mọi khả năng tự nhiên và siêu nhiên Chúa ban để ướp mặn đời, để toả sáng cho mọi người bằng một cuộc sống thánh thiện xứng đáng với tư cách là những người con của Cha trên trời.
Nếu mỗi người chúng ta đều thấm nhập chất mặn của Tin Mừng và phản chiếu ánh sáng của Chúa Kitô, thì thế giới này làm sao còn bóng tối, cuộc đời này làm sao không rực sáng lên hy vọng và nguồn vui sống? Được Lời Chúa soi sáng, được Thánh Thể bồi dưỡng, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, thấm nhập tinh thần của Ngài để rồi hoàn thành sứ mạng Chúa đã trao phó cho chúng ta hôm nay, đó là làm muối cho đời, làm ánh sáng cho người.
31.Suy niệm của Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri
Khi người ta hỏi ông Gandhi, một người rất nổi tiếng đấu tranh dành độc lập cho dân tộc Ấn-độ, về việc phải làm thế nào để cho ngày càng có nhiều người biết chấp nhận và tuân giữ giáo lý khôn ngoan của Chúa, ông đã trả lời: “Các bạn hãy nghĩ về bí quyết của những bông hồng. Mọi người đều thích chúng vì ngoài vẻ đẹp và màu sắc sặc sỡ, hoa còn tỏa một mùi thơm kỳ diệu. Vậy, các bạn hãy “tỏa hương thơm”. Không chỉ tỏa hương thơm mà thôi, Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ chúng ta hãy là muối đất và ánh sáng cho thế gian.
Là muối đất, vì muối mang lại hương vị cho thức ăn, giữ cho thực phẩm khỏi hư thối hoặc sát trùng chữa lành những gì hư hại… thì cách sống của chúng ta cũng phải có tác dụng tương tự với xã hội, nghĩa là phải nói năng, cư xử, hành động thế nào để cứu chữa thế gian này khỏi những gì xấu xa, khỏi hư thối vì tội lỗi và ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Là ánh sáng cho đời vì nhiệm vụ của ánh sáng là soi chiếu đêm đen. Cũng giống như Chúa Kitô là Ánh sáng thế gian, chũng ta phải trở nên đèn sáng, những hướng đạo soi đường chỉ lối cho mọi người khỏi tối tăm lầm lạc để biết tìm đến quê trời, tìm đến với Chúa là nguồn sống muôn đời.
Khi dạy chúng ta phải trở nên muối ướp thế gian, Chúa Giêsu đã muốn chỉ vẽ cho chúng ta một thái độ sống cụ thể nhằm áp dụng tinh thần 8 mối phúc thật vào cuộc đời chúng ta. Như vậy, chúng ta có sứ mệnh cứu vớt loài người khỏi cảnh sa đọa tối tăm và có bổn phận luôn là muối mặn và là ánh sáng cho đời.
Nói một cách khác, để giữ mãi vị mặn của muối và ánh sáng của đèn, chúng ta phải từ bỏ những gì là tội lỗi xấu xa và thực hành các nhân đức như thương xót, từ bi, nhân hậu, công bình, quảng đại và bác ái với mọi người như được mô tả trong bài đọc I mà chúng ta vừa nghe.
Khi biết sống đạo giữa đời như thế, chứ không phải chỉ trong 4 bức tường của nhà thờ, chúng ta trở thành muối đất đèn đời và phản ảnh được tấm lòng đầy yêu thương nhân hậu của Chúa chúng ta. Được như thế, sự sáng của chúng ta mới “bừng lên trong bóng tối và tỏ rạng như hừng đông”. Khi nhìn vào những việc lành công bình bác ái chúng ta làm, người khác sẽ có cảm tình với đạo Chúa và sẽ tin thờ Chúa với chúng ta.
Người ta kể rằng thời xưa mỗi lần ra khỏi nhà trong đêm tối, người Nhật thường dùng những chiếc lồng đèn. Có một người mù nhớ đường rất giỏi, anh ta có thể đi trong đêm tối chỉ với cây gậy mà không cần dùng đến đèn. Đêm kia, anh ta đến thăm nhà một người bạn. Khi trở về, thấy anh đi tay không, người bạn mới lấy một chiếc lồng đèn trao cho anh, nhưng người mù từ chối và nói: “Đối với tôi thì cầm chiếc lồng đèn để làm gì vì bóng đêm hay ánh sáng đều như nhau”.
Người bạn trả lời: “Tôi vẫn biết như thế, nhưng nếu anh không cầm đèn trong tay, kẻ khác sẽ không thấy anh và như vậy họ có thể đụng vào anh”.
Nghe thế, người mù đành cầm lấy lồng đèn ra về, nhưng đi được một đoạn đường, bất ngờ anh bị một người khác tông vào. Tức giận quá đỗi, anh quát tháo inh ỏi: “Bộ đui hay sao? Không thấy chiếc đèn tôi đang cầm hay sao?”.
Người kia mới xin lỗi và phân trần: “Ông ơi, đúng là ông đang cầm chiếc lồng đèn, nhưng ngọn nến bên trong đã tắt từ lúc nào rồi!”.
Vì thế, nếu cuộc sống đạo của chúng ta không chiếu sáng bằng một đức tin vững mạnh và bằng những việc lành cụ thể là bác ái yêu thương thì chằng khác nào một ngọn nến đã tắt ngúm trong chiếc lồng đèn và có thể sẽ gặp tai họa. Tai họa cho tha nhân, cho đạo Chúa và còn là tai họa cho chính bản thân chúng ta. Tha nhân mất đi một điểm tựa cho cuộc sống, Giáo hội Chúa mất đi những vẻ đẹp sáng ngời, mà chính chúng ta cũng tự đày đọa mình vào trong bóng tối tội lỗi.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết trờ nên muối đất đèn đời để thiên hạ xem thấy những việc lành chúng con làm mà nhận biết và ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam