Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 73
Tổng truy cập: 1361466
SỰ SỐNG ĐÍCH THỰC
SỰ SỐNG ĐÍCH THỰC
Trong lịch sử Giáo Hội, Bí Tích Thánh Thể đôi khi được chứng thực bằng những phép lạ. Trong những phép lạ đó, cũng có những trường hợp là Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng cả phần thân xác con người. Louis Lateau, một nguời Bỉ được in năm dấu thánh vào năm 1868. Từ nhỏ, cô đã bị đau yếu, ít ăn uống, nhất là sau khi được in năm dấu thánh, cô chỉ còn được ăn chút ít, mỗi ngày một mẫu bánh nhỏ. Và kể từ năm 1871 trở đi, cô không ăn uống được gì, chỉ còn rước lễ hàng ngày, trong suốt bảy năm.
Những trường hợp khác tương tự cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây. Trong số những người đó, có Têrêsa Niu-man và Matta Robin đã không ăn uống trong nhiều chục năm. Họ chỉ rước lễ mỗi ngày. Như thế, Thánh thể vốn là của ăn thiêng liêng đôi khi trở nên một ơn lạ nuôi sống cả phần thân xác.
Tuy nhiên khi Chúa Giêsu nói đến bánh hằng sống, Ngài không có ý nhắc đến cuộc sống thể lý mà Ngài có ý nói đến sự sống thiêng liêng, sự sống đơì đời trong tình yêu và hạnh phúc với Thiên Chúa.
Thực ra, cái mà chúng ta gọi là sự sống, trong lãnh vực tự nhiên ở đời này, chẳng đáng gọi là sự sống. Trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu muốn sửa sai quan niệm của chúng ta về sự sống và sự chết. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa ban cho ông bà tổ Ađam và Evà cả hai sự sống ấy. Chẳng những đời sống thể lý mà còn đời sống siêu nhiên nữa. Đó là sự sống thân ái kết hiệp với Thiên Chúa.
Một đời sống thể lý mà thôi thì chẳng đáng được gọi là sự sống theo ý nghĩa sâu sắc của nó. Cái chết thể lý, chẳng đáng gọi là chết, Chúa Giêsu gọi nó là giấc ngũ. Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho cô bé con ông Zairô sống lại. Khi Chúa Giêsu đến nhà ông thì cô bé vừa chết và thấy người ta khóc lóc xôn xao, Chúa Giêsu liền nói: “Hãy lui ra, cô bé không chết. Nó ngũ đó thôi” (Mt 9,24).
Về cái chết của Lazarô cũng vậy, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ: “Lazarô người bạn của chúng ta đã nghĩ yên. Ta phải đánh thức dậy” (Ga 11,11).
Thánh Phaolô sau này cũng quan niệm cái chết thể lý như một giấc ngũ.
Vậy đối với Đức Giêsu cái chết thực sự đó là con người sống tách biệt với Thiên Chúa. Khi con người có được đời sống thần thiêng của Thiên Chúa, đó mới thực sự là sống.
Sự sống này chính Đức Giêsu thông ban cho ta, Ngài nói: “Bánh hằng sống từ trời xuống, chính là Ta! Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51).
Bánh hằng sống mà Chúa Giêsu nói đến có hai nghĩa:
Trước hết, đó là đạo lý của Ngài, là Lời Ngài. Chúng ta tiếp nhận bánh Lời Ngài, hay nói cách khác, là tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa, bằng cách tin vào Ngài và sống Lời Ngài. Chúa Giêsu nói: “Phàm ai nghe và học hỏi nơi Cha thì đến với Ta. Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Bánh sự sống chính là Ta.” (Ga 6,45).
Theo nghĩa thứ hai, Bánh hằng sống chính là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.
Chỉ một khi con người tin vào chính Chúa Giêsu và tiếp nhận Mình và Máu của Ngài trong bí tích Thánh Thể, con người mới sống được đời sống Thiên Chúa.
Khi mẹ Têrêsa Calcutta sang Liên Xô, để xin lập chi nhánh của dòng, mẹ xin cho có được một linh mục. Cho dù rất khó khăn trong một nước xã hội chủ nghĩa, mẹ vẫn kiên trì xin cho bằng được có một linh mục để dâng Thánh lễ mỗi sáng cho các nữ tu. Mẹ Têrêsa giải thích lý do: Sở dĩ các nữ tu có đủ tinh thần và nghị lực để mỗi ngày đem đến cho những người nghèo khổ sự an ủi, phục vụ và yêu thương, đó là nhờ Mình Thánh Chúa mà họ rước mỗi ngày.
Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56).
Giáo huấn đó của Chúa Giêsu diễn tả một sự liên kết hổ tương quan trọng. Ngài đến sống trong lòng kẻ tiếp rước Ngài. Điều đó đúng, nhưng nói thế cũng chưa đủ. Chúa còn nói thêm “Ai tiếp rước Ngài thì ở lại trong ngài”. Điều này có nghĩa là: ai tiếp rước Ngài thì có khả năng trở nên giống Ngài. Khi chúng ta ăn một bát cơm, của ăn ấy được biến hoá để trở nên thịt và máu của ta. Ở đây thì ngược lại: Khi chúng ta ăn uống Mình và Máu Chúa Giêsu, thì chính Mình Máu Chúa lại biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta trở nên chi thể Chúa Kitô.
Nói một cách nào đó, Thiên Chúa đã làm người, đã trở nên của ăn và của uống cho con người, để con người trở thành Thiên Chúa, nghĩa là, để con người đón nhận tính Thánh Thiêng của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu thừa biết rằng chúng ta rất cần cơm bánh vật chất để cho thân xác sống. Nhưng chúng ta không phải chỉ có sự sống thể lý đó mà còn có đời sống thần linh của Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được tham dự thiết thực vào bàn tiệc Lời Chúa để sự sống của Thiên Chúa trong ta được lớn lên và đồng thời tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể với hết lòng tin tưởng, để sự sống Thiên Chúa vững bền trong chúng ta.
19.Đức Giêsu: Bánh ban sự sống đời đời--Lm. Đan Vinh
I. HỌC LỜI CHÚA
Ý CHÍNH:
Tin Mừng lễ Mình Máu Chúa hôm nay gồm mấy điểm chính như sau:
Đức Giêsu tự nhận là Bánh Hằng Sống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời (51). Bánh đó là Thịt Mình của Người (51). Khi người Do thái thắc mắc về thức ăn này, thì Đức Giêsu lại nhấn mạnh thêm: Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình (52). Kẻ ăn Người thì ngay từ bây giờ họ đã được kết hiệp mật thiết với Người (56) và được sống nhờ Người (57). Khác với bánh man-na mà tổ tiên họ xưa đã ăn nhưng vẫn bị chết, còn ai ăn Bánh Đức Giêsu ban, sẽ được sống muôn đời (58).
CHÚ THÍCH:
- C 51-52: + Bánh Hằng Sống: Đức Giêsu là sự sống và ánh sáng của Thiên Chúa (x. Ga 1,4), được ban cho loài người dưới hình dạng tấm bánh có thể ăn được. Bánh này chứa đựng sức sống thiêng liêng vĩnh cửu mà những ai ăn vào sẽ nhận được sự sống ấy. + Từ trời xuống: Đức Giêsu từ Chúa Cha mà đến (x. Ga 6,46; 16,28). + Bánh tôi sẽ ban tặng: Là Bánh Thánh Thể mà Người sắp ban trong bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,19-20). + Chính là Thịt tôi đây: Bánh Hằng Sống được đồng hóa với Thịt của Đức Giêsu. Từ ngữ “thịt” trong tiếng Hy lạp là “sarx”, ám chỉ thịt của người sống, bao gồm cả hồn lẫn xác (x. Ga 1,14). + Để cho thế gian được sống: Hiệu quả của Bánh Thánh Thể là thông ban cho những ai lãnh nhận có được sự sống thiêng liêng, đã được Đức Giêsu chuộc lại bằng cuộc tử nạn và phục sinh của Người. + Người Do thái liền tranh luận với nhau: Làm sao ông này cho chúng ta ăn thịt ông ta được?: Họ thắc mắc vì đã hiểu đúng thịt đó chính là thân xác của Đức Giêsu đang ở giữa họ, trong khi Đức Giêsu muốn nói về Thịt của Người dưới hình tấm bánh không men trong bữa tiệc chiên Vượt Qua. Bánh ấy sau lời truyền phép sẽ hóa thành Thịt của Đức Giêsu đã chịu tử nạn và phục sinh (x. 1 Cr 11,23-26). Thịt trong bí tích Thánh Thể thực sự là Bánh mà Đức Giêsu sẽ ban để cho thế gian được sống.
- C 53-54: + Thật, tôi bảo thật các ông: Đức Giêsu không cải chính khi người Do thái hiểu lầm lời Người nói theo nghĩa đen, mà Người lại còn nhấn mạnh hơn khi quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông”. + Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người…: Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể là một điều kiện không thể thiếu để được sống đời đời. Nếu họ không ăn uống Thịt Máu Người trong bí tích Thánh Thể, thì họ sẽ không nhận được sự sống đời đời do Người chuộc lại nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh. + Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời: Đây là kiểu nói lặp lại tư tưởng ở trên. + Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết: Hiệu quả của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu mỗi khi rước lễ là được Người thông ban sự sống siêu nhiên, có sức làm cho họ được sống lại vào ngày tận thế.
- C 55-56: + Vì Thịt Tôi: Chúa Giêsu nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là lương thực để ăn uống, và thông ban sự sống muôn đời. Qua bí tích Thánh Thể, người ta sẽ được nghe Lời Người để có đức tin, sẽ được ăn Thịt uống Máu Người để được nuôi dưỡng đức tin ấy. Nhờ đó họ sẽ có sự sống đời đời. + “Ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”: Câu này nói lên sự kết hiệp mật thiết giữa Chúa Giêsu Thánh Thể với người rước lễ. Sự kết hiệp này giống như sự kết hiệp giữa hai người bạn tâm giao luôn nghĩ đến nhau và sống vì nhau.
- C 57-59: + Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi…: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian. Người sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì Người cũng ban cho những ai rước Mình Máu Người được tham phần vào sự sống siêu nhiên của Người. + Thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy: Sự sống siêu nhiên ấy phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Giêsu, xuống tới người tín hữu tin và lãnh nhận bí tích Thánh Thể. + Đây là Bánh từ trời xuống…: Sự sống ban cho kẻ rước lễ là sự sống đời đời phát xuất từ Thiên Chúa, khác hẳn sự sống thân xác từ man-na, là thứ bánh vật chất được Đức Chúa ban cho dân Do thái từ trên trời rơi xuống, nên dân Do thái thời Mô-sê, dù đã được ăn man-na trong cuộc Xuất Hành nhưng rồi vẫn bị chết. + Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời: Đây là câu tóm lược bài giảng về Bánh Hằng Sống. Chúa Giêsu chính là Bánh từ trời xuống. Người mang lại sự sống thiêng liêng cho loài người đang phải chết vì đã phạm tội, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Người. + Hội đường ở Ca-phác-na-um: Là một hội đường Do thái ở Ca-phác-na-um, một thành phố được Đức Giêsu chọn làm trung tâm truyền giáo, nằm cạnh biển hồ Ga-li-lê (x Ga 6,1).
HỎI ĐÁP:
- HỎI 1: Tại sao người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giêsu lại không tiếp tục đi theo làm môn đệ của Người nữa và họ đã tranh luận với nhau về vấn đề gì? Tại sao Phê-rô và Nhóm Mười Hai lại chọn ở lại với Đức Giêsu? Tông đồ Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin như thế nào?
ĐÁP:
+ Sở dĩ người Do thái và nhiều môn đệ Đức Giêsu đã bỏ không còn đi theo Người nữa (x. Ga 6,66), vì họ đã hiểu đúng lời Đức Giêsu giảng là ăn Thịt thân mình của Người, giống như họ ăn thịt các con chiên, bò, gà… nên tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Cũng như các thân nhân Đức Giêsu ở Na-da-rét có lần đã cho rằng Người đã bị điên khùng mất trí (x. Mc 3,21), ở đây các đầu mục Do thái đã coi lời Đức Giêsu giảng là điều chướng tai không thể chấp nhận được (x. Ga 6,52). Tuy nhiên, thay vì cải chính, Đức Giêsu lại giải thích rõ hơn và còn nhấn mạnh hơn: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình… Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống” (Ga 6,53.55)..
+ Phê-rô và Nhóm Mười Hai đã chọn ở lại với Đức Giêsu kể cả sau khi Người giảng về Bánh Hằng Sống, vì các ông đã tin Người chính là Đấng Thiên Sai và tin Lời Người nói là sự thật, dù các ông chưa hiểu rõ ý nghĩa của những lời ấy. Phê-rô đã đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin của Nhóm như sau: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết Thầy chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
HỎI 2: Luật Mô-sê cấm dân Do thái không được ăn máu và thịt thú chưa cắt tiết (x. Lv 19,26), và nghị quyết của Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 cũng yêu cầu các Ki-tô hữu gốc dân ngoại “phải kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết và ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm” (x. Cv 15,29). Vậy tại sao Giáo Hội Công Giáo lại không ngăn cấm các tín hữu ăn tiết canh?
ĐÁP:
Thời Mô-sê, người ta tin rằng: Máu là sinh khí tụ lại, nên chỉ dành riêng để tế lễ dâng cho Thiên Chúa trong lễ Xá Tội. Vì chỉ mình Đức Chúa mới là chủ tể của sự sống (x. Lv 17,11). Đàng khác, tục lệ uống máu những con vật sát tế cho thần linh vẫn có trong nhiều tôn giáo của dân ngoại. Vì thế mà Luật Mô-sê đã cấm ăn máu và thịt thú chưa cắt tiết máu còn lẫn trong thịt (x. Lv 19,26).
Ngày nay Giáo Hội không có luật cấm ăn tiết canh hay thịt thú vật chưa cắt tiết, vì Luật cấm này đã được Đức Giêsu kiện toàn (x. Mt 5,17), khi truyền cho các môn đệ ăn Thịt uống Máu Người (x. Mt 26,26-28), và niềm tin sinh khí tụ lại trong máu là không có cơ sở đúng đắn. Đàng khác, Công Đồng Giê-ru-sa-lem năm 49 tuy có yêu cầu các Ki-tô hữu An-ti-ô-khi-a không được ăn tiết và thịt thú chết ngạt không phải vì lý do đức tin mà chỉ là một biện pháp kỷ luật của Hội Thánh, nhằm bảo vệ sự hiệp nhất trong cộng đoàn Hội thánh bấy giờ bao gồm cả các tín hữu gốc Do Thái lẫn gốc lương dân, như Tông Đồ Gia-cô-bê giám mục thành Giê-ru-sa-lem đã cho biết: “Vì từ thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Mô-sê, đều có những người rao giảng. Họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày Sa-bát” (Cv 15,21). Ngày nay vì không còn có nguy cơ chia rẽ nội bộ giữa các tín hữu gốc Do thái và gốc lương dân như thời Hội thánh sơ khai, nên Giáo luật không đề cập đến vấn đề này và người tín hữu được tự do ăn hay không ăn máu huyết của các con vật nói trên.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
2. CÂU CHUYỆN: Chiếc nhẫn kỷ vật của tình yêu.
Có một đôi vợ chồng trẻ kia mới lấy nhau được hơn một năm. Trong thời gian đó họ đã sống thật hòa hợp hạnh phúc. Mỗi buổi sáng trước khi rời nhà đi làm, và buổi chiều khi vừa trở về ngôi nhà thân thương, anh chồng không bao giờ quên trao cho vợ một cử chỉ âu yếm và một lời nói yêu thương. Nhờ đó tình yêu giữa hai vợ chồng ngày một nồng thắm. Nhưng rồi hạnh phúc của họ đã bị đe dọa khi một hôm người chồng trên đường từ sở làm về nhà bị trúng mưa. Anh đã bị cảm lạnh phải nằm liệt giường và được vợ anh tận tình chăm sóc. Do bệnh không thuyên giảm, nên anh đã được vợ mang đi bệnh viện và được chẩn đoán mắc bệnh sưng phổi. Sau đó anh tiếp tục được bác sĩ xét nghiệm và xác định anh bị mắc ung thư màng phổi ác tính thời kỳ thứ ba vô phương cứu chữa. Khi biết mình sắp chết, anh chồng đã cầm lấy tay vợ thều thào nói: “Em yêu quí! Có lẽ sắp tới giờ Chúa gọi anh về. Anh đã chuẩn bị và sẵn sàng vâng theo ý Chúa. Anh chỉ tiếc một điều là không còn được tiếp tục sống bên em. Trước khi đi xa, anh không có gì trối lại cho em ngoài chiếc nhẫn mà cách đây hơn một năm hai vợ chồng mình đã trao cho nhau khi kết ước trước bàn thờ Chúa. Bây giờ anh xin tặng chiếc nhẫn kỷ vật này cho em, để em tin là anh luôn ở bên em và hằng cầu xin cho em an lành hạnh phúc”. Nói xong, anh tháo chiếc nhẫn đang đeo và âu yếm xỏ vào tay vợ, giống như trước đây anh đã trao nhẫn trong lễ hôn phối của hai người. Sau khi chết, anh được an táng tại nghĩa trang gần nhà. Từ ngày đó, hằng ngày người ta đều thấy một phụ nữ còn rất trẻ, đầu chít khăn tang, tay cầm bó bông đi viếng nghĩa trang. Chị đứng hằng giờ trước ngôi mộ cỏ mọc chưa xanh của chồng để cầu nguyện cho anh. Tay chị có đeo hai chiếc nhẫn: Một chiếc của ngày thành hôn và một chiếc nhẫn thứ hai là kỷ vật thân thương của người chồng quá cố đã để lại khi sắp từ giã cuộc đời.
3. SUY NIỆM:
Hơn hai ngàn năm trước đây, trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã lập phép Thánh Thể, để trao cho Hội Thánh dấu hiệu của một tình yêu vô cùng lớn lao là Mình Máu Thánh của Người dưới hình bánh rượu, để nên của ăn của uống cho các tín hữu, hầu ban cho họ được sự sống đời đời.
1) Đức Giêsu tiên báo về Bí Tích Thánh Thể:
Trong hội đường ở thành Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đã tuyên bố với đám đông dân chúng như sau: “Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là Thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Nghe vậy người Do thái liền tranh luận với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52). Trước phản ứng của thính giả, Đức Giêsu không những không rút lại hoặc giải thích khác đi, mà Người còn nhấn mạnh như sau: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. Vì Thịt tôi thật là của ăn, và Máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54-55). Sau đó Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể thực sự trong bữa Tiệc Vượt Qua chung với các Tông đồ trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,19-20).
2) Thánh Thể là một Mầu Nhiệm Đức Tin:
Nghe Đức Giêsu nói đến việc cho người ta ăn thân thể của mình, nhiều môn đệ đã xì xầm phản đối: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6,60). Đức Giêsu đã trả lời cho thắc mắc ấy bằng việc giải thích lý do người ta không chấp nhận sự thật này là vì họ không tin vào nguồn gốc thần linh của Người: “Điều đó anh em lấy làm chướng không chấp nhận được ư? Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? “ (Ga 6,61-62). Người cũng cho thấy để có thể tin nhận chân lý mầu nhiệm này cần phải có ơn Chúa ban: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (x. Ga 6,65). Và Tin Mừng cho biết: “Từ lúc đó, có nhiều môn đệ đã rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66). Riêng Nhóm 12 khi nghe Đức Giêsu hỏi đã cùng với ông Phê-rô tuyên xưng đức tin như sau: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
3) Hiệu quả của Bí Tích Thánh Thể là ban sự sống đời đời:
Trong thực tế đời thường, các thực phẩm như rau thịt cơm bánh chúng ta ăn uống sẽ được cơ thể tiêu hóa để biến thành năng lượng giúp cho cơ thể hoạt động: suy nghĩ nói năng hành động. Chúng ta có khỏe mạnh hay đau ốm phần lớn tùy thuộc vào thực phẩm và cách thức ăn uống của chúng ta. Ngày nay, các thầy thuốc điều trị bệnh ngoài việc cho toa dùng các loại thuốc đặc trị, còn phối hợp với việc ăn uống các loại rau quả có lợi cho sức khỏe gọi là thực phẩm chức năng nữa.
Về phạm vi đức tin, các tín hữu cũng được Chúa ban ơn cứu độ là sự sống đời đời nhờ 2 loại thực phẩm chức năng là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa. Mỗi tuần khi tham dự thánh lễ Chúa nhật, các tín hữu được ăn hai loại thực phẩm này khi lắng nghe Lời Chúa trong phần phụng vụ Lời Chúa và khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong phần phụng vu Thánh Thể. Nhờ nghe Lời Chúa, nhất là bài suy niệm của chủ tế mà các tín hữu sẽ nhận ra những sai sót tội lỗi của mình để tu sửa và ngày một nên con thảo của Chúa Cha, nên môn đệ thực sự của Đức Giêsu và nên anh chị em của mọi người trong Hội Thánh. Rồi nhờ việc rước Mình Thánh Chúa, chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu và sau đó đem Chúa đến cho những người chúng ta có dịp tiếp xúc giữa đời thường. Nhờ ơn Chúa giúp và nhờ thành tâm sống Lời Chúa mỗi ngày, và tham dự các buổi học sống Lời Chúa hằng tuần với cộng đoàn nhóm nhỏ, chắc chắn các tín hữu sẽ được từng bước biến đổi nên người mới đầy vị tha, bác ái, hiền hòa, nhẫn nhịn, bao dung và khiêm nhường phục vụ… thay cho con người cũ đầy thói ích kỷ, tham lam, gann ghét, tự mãn… Nhờ đó chúng ta có thể nói được như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
4) Trở nên bánh ăn cho tha nhân:
Như vậy, lãnh nhận bí tích Thánh Thể là ăn hai loại thực phẩm chức năng là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa, để nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta sẽ ngày một biến đổi nên tốt hơn, sẽ từng bước loại trừ “cái tôi” ích kỷ cố hữu để thay bằng lối sống vị tha của Đức Giêsu, luôn trải rộng tình thương đến với mọi người, sẵn sàng trở nên tấm bánh bị ăn như Đức Giêsu (Lm. Antoine Chevrier, tu hội Prado). Nhờ một lối sống luôn quên mình để nghĩ đến người khác, chúng ta sẵn sàng bị những người chung quanh ăn, sẵn sàng hy sinh phục vụ người thân như vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, hàng xóm... Sống được như vậy là chúng ta đã lãnh nhận bí tích Thánh Thể cách đẹp lòng Chúa hơn cả.
Một người thực sự kết hiệp với Chúa Thánh Thể sẽ luôn chọn đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” theo ý Thiên Chúa. Đây là con đường hẹp, leo dốc và ít người muốn theo nhưng là đường duy nhất dẫn đưa chúng ta lên trời. Nhờ năng ăn Lời Chúa và Mình Thánh Chúa chúng ta sẽ đón nhận được ơn Chúa giúp để ngày một biến đổi nên giống Chúa Giêsu hơn. Mỗi ngày chúng ta sẽ chết đi cho các thói hư thuộc về con người cũ “thuộc thể”, để biến đổi thành con người mới “thuộc linh”, tức là thuộc về Thần Khí của Chúa Ki-tô và được sống đời đời như thánh Phao-lô đã viết: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt. Còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,5-6).
4. THẢO LUẬN: Để đáp lại tình yêu thương tột cùng của Đức Giêsu khi lập bí tích Thánh Thể, mỗi tín hữu phải có thái độ thế nào khi tham dự Thánh lễ hay dự chầu Thánh Thể…?
5.CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Giêsu. Bàn tiệc Thánh Thể do Chúa thiết lập và mời chúng con tham dự nhằm biểu lộ tình yêu thương và sự hiệp nhất cộng đoàn. Chúa muốn chúng con phải tránh thói ích kỷ và những việc lgây chia rẽ nội bộ, như Tông đồ Phao-lô đã quở trách giáo đoàn Cô-rin-thô: “Trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau… Khi anh em họp nhau, thì không còn phải là ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước. Và như thế kẻ thì bị đói, người lại no say! Cho nên thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hóa ra để bị kết án!” (1 Cr 11,18-22.33-34). Hôm nay, xin Chúa giúp chúng con biết hiệp thông với tha nhân mỗi khi tham dự thánh lễ. Cho chúng con biết thể hiện tình bác ái huynh đệ bằng việc vào nhà thờ ngồi ghế thay vì đứng ở ngoài sân. Cho chúng con biết mở miệng thưa kinh chung với cộng đoàn. Xin cho chúng con luôn biết dấn thân, sẵn sàng đi bước trước đến làm quen với những người mới gặp, sẵn sàng nhường chỗ tốt cho những người già cả và tật nguyền… để thánh lễ trở thành cơ hội giúp chúng con thực hành tình yêu hiệp nhất với Chúa và với tha nhân.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria.- Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.
20.Thịt Tôi là Của Ăn Thật--Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến
Để có thể hiểu văn mạch của đoạn 6,51-58, cần phân tích cấu trúc của chuơng 6. Chương nầy gồm hai đoạn: tường thuật hai câu chuyện làm bánh hoá ra nhiều (cc. 1-15) và Chúa Giêsu đi trên nước (cc. 16-21), và diễn từ về Bánh hằng sống tại hội đường ở Capharnaum (cc. 22-59). Diễn từ nầy có thể chia thành hai phần: 6,22-40 và 6,41-58. Phần còn lại của chương 6 là đối thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người về sự thách đố của diễn từ đối với họ (cc. 60-65), và đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô về căn tính của Người (cc. 66-71).
Đoạn 6,41-59 có thể chia thành hai phần: – Chúa Giêsu nói về bánh ban từ trời xuống (6, 41-51); và Chúa Giêsu ban bánh nầy làm của ăn (6,52-59). Hai đoạn nói kết với nhau qua từ ngữ “sarx” (cc. 51.52). Đoạn Tin mừng của Chúa nhật hôm nay thuộc về phần hai. Phần nầy dẫn vào bằng câu hỏi của người Do thái về việc ban thịt để ăn (c. 52) và diễn từ kết thúc với câu 59. Trong khi đó các câu 53-58 khai triển chủ đề “ăn thịt” và “uống máu”.
Câu hỏi của người Do thái (c. 52). Trong cuộc tranh luận trước với người Do thái, từ vấn đề “bánh bởi trời” (c. 31) Chúa Giêsu dẫn họ đến tuyên bố Người là bánh hằng sống thật (c. 35), rồi “Tôi là bánh từ trời xuống” (c. 41); và cuối cùng, bánh bởi trời xuống nầy chính là “thịt của Tôi” (c. 51). Tuy nhiên, người Do thái không hiểu những điều Người nói (x. 6,41-42.52). Họ hiểu “sarx” là “thịt” theo nghĩa đen, là phần thịt mềm bao bọc xương cốt của của thân thể đang sống, chung cho người và thú vật (x. 3,6). Cách đặt câu hỏi “Làm sao có thể”, pōs dunatai, diễn tả ý nghĩ là điều ấy không thể xảy ra được. Như Nicôđêmô nghĩ là một người khi đã già rồi, không thể sinh ra lại được (3,4.9); như người Pharisêô nghĩ là Thiên Chúa không thể nhận lời một người tội lỗi để cho người đó làm phép lạ (9,16). Vậy, trong câu hỏi người Do thái muốn nói là đối với họ không thể có chuyện Chúa Giêsu lấy “thịt” của Người cho họ ăn được.
Câu trả lời của Chúa Giêsu (cc. 53-58). Các câu nầy được khai triển theo cấu trúc đối đảo:
6,53: Người không ăn và uống máu …không có sự sống đời đời
6,54: Người ăn.. có sự sống đời đời
6,55: Thịt Thầy thật là của ăn và Máu Thầy thật là của uống.
B’ 6,56: Người ăn…ở trong Thầy cũng như Thầy ở trong người ấy
A’. 6,58: Cha ông … đã chết
Cách trình bày với cấu trúc nầy muốn nhấn mạnh sứ điệp chính nằm ở câu 55 là thịt và máu của Người mới là của ăn và của uống thật (6,55).
“Sars” và “haima” của Người Con Nhân Loại (c. 53) là xác và máu của Con Thiên Chúa làm người, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (1,14). Tước hiệu “Người Con Nhân Loại” gắn liền với kinh nghiệm cuộc thương khó, cái chết và phục sinh. Do đó, có thể hiểu là Chúa Giêsu ban thịt và máu nầy trong cái chết và sống lại của Người; bởi đó thịt và máu nầy mang lại sự sống đời đời.
Hành động trōgō sarx “nhai thịt”, và pinō haima “uống máu” của Người được lập lại tới bốn lần trong mỗi câu (cc.54.56.57.58). Đến lúc phải thực hành. Trong ngữ cảnh của chương 6, dân chúng đói khát, Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hoá nhiều cho họ ăn (6,1-13). Họ muốn tôn Người làm vua, vì Người giải quyết được lương thực cho họ (6,15), và họ tìm kiếm Người chỉ vì mục đích nầy, “bởi vì các ngươi đã được ăn bánh no nê” (6,24-26). Câu chuyện nầy được thuật lại với mục đích giáo huấn là họ cũng phải đi xa hơn và tìm kiếm của ăn chân thật do Chúa Giêsu ban. Động từ trōgō, “nhai, ngấu nghiến” diễn tả hành động đưa thức ăn vào thân thể cách cụ thể và hiện thực hơn cả động từ ethiō, “ăn”. Vậy, Người là Bánh để được ăn, và Máu để được uống. Lời giáo huấn nầy nhắm đến mọi người.
Hiệu quả của việc ăn uống nầy là để “có sự sống đời đời” (c. 53) và “ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy” (c. 56). Về “sự sống đời đời”, muốn có sự sống nầy phải tin vào Con Thiên Chúa (3,15.16; 3,16; 6,47); nghe lời Con Thiên Chúa và tin vào Người (5,24).
Chính trong sarx và haima nầy chứa đựng sự sống nầy. Nói cách khác đây là sarx và haima của Đấng Sống Lại. Động từ anistēmi “làm cho chỗi dậy” trong Gioan thường dùng cho Chúa Giêsu. Chính Người làm cho người tin vào Người hoặc ăn thịt và uống máu Người được chỗi dậy “trong ngày sau hết” (6,36.40.44.54). Chúa Giêsu có sự sống trong Người (10,28; 17,2). Theo nghĩa nầy và trong viễn cảnh của sự sống lại ngày sau hết, sarx và haima là của ăn và của uống thật (c. 55). Về của ăn, brōsis, Chúa Giêsu đã dùng chữ nầy để chỉ chính của ăn của Người (4,32). Đây là của ăn thật, alethēs, vì của ăn nầy có đặc tính là không hư nát mà tồn tại trong sự sống đời đời, và do Chúa Giêsu ban cho (6,27). Điều nầy sẽ được thực hiện cách dứt khoát trong bữa Tiệc Ly. Vậy của ăn thật chính là của ăn do Chúa Giêsu ban trong đó có sự sống đời đời.
Hai câu tiếp theo 57 và 58 giải thích về nguồn mạch của sự sống đời đời trong của ăn và thức uống thật. Chúa Giêsu đặt sự sống nầy trong tương quan với Chúa Cha. Người cho thấy sự sống nơi Người đến bởi Chúa Cha, dia ton patera (c.57). Như thế chính nơi Người, thịt và máu, có sự sống đời đời; bởi đó, ai ăn Người, được sống nhờ Người, dia eme. Gioan thường dùng cách trình bày là mọi tương quan thông hiệp với Chúa Giêsu đều gắn liền với Chúa Cha như là nguồn mạch; qua đó làm nên một thực thể duy nhất: làm vinh danh (5,23); yêu mến (15,9); tuân giữ giới răn (15,10); ở trong (17,21), sai đi (20,21). Vậy, Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Câu 58 tổng kết lại những điều đã đề cập trước trong diễn từ. Chúa Giêsu nhắc lại “bánh bởi trời”, manna, mà người Do thái nghĩ là do Môsê ban cho (c. 31). Người tuyên bố là cha ông họ đã ăn bánh ấy và đã chết, vì không phải là bánh thật. “Bánh thật bởi trời”, chú ý tính từ alethinon “thật”, chỉ do Thiên Chúa ban (6,32-33). Bánh nầy ban sự sống đời đời. Phần cuối của câu 58 lập lại từng chữ trong câu 51 “bánh nầy ban sự sống đời đời” để đóng khung lại diễn từ về bánh hằng sống.
Chúa Giêsu là của ăn và của uống thật. Đời sống đức tin chỉ được nuôi dưỡng bằng lương thực nầy. Chúa Giêsu ban chính Người cho chúng ta. Hãy đến lãnh nhận mà ăn.
21.Tin nhắn yêu thương--Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Có những hình ảnh, những vật đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Nó giúp cho người đang yêu bày tỏ tình yêu một cách lãng mạn mà không cần nói bằng lời. Với một trái tim đỏ thắm hoặc hình trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua đều là biểu tượng cho tình yêu. Trái tim đỏ thắm nói: tôi xin dâng tặng cả trái tim này! Một trái tim có mũi tên đâm qua như muốn nói: Tôi đã yêu đơn phương! Hai trái tim có mũi tên xuyên qua diễn tả: Chúng mình đã gắn kết với nhau bởi tình yêu!
Hoa hồng cũng là biểu tượng tình yêu. Theo truyền thuyết kể rằng: có một thiếu nữ tên Rodanthe. Nàng đẹp kiều diễm nên rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thấy nàng bị dồn ép quá mức, nữ thần săn bắn Diana biến nàng thành một bông hồng rực rỡ và ngát hương, biến những chàng trai yêu cô thành những gai nhọn tua tủa. Một truyền thuyết khác lại cho rằng những bông hoa hồng này sinh ra từ những giọt rượu tiên mà Thần Tình Yêu Cupid đã vô tình đánh rớt xuống mặt đất. Tình yêu đẹp, tình yêu nồng nàn nhưng cũng đầy đau khổ...
Bí tích Thánh Thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài nên dấu chỉ tình yêu mà Ngài dùng chính Thân Thể Ngài trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Thật cụ thể. Thật gần gũi. Qua tấm bánh Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu.
Quả thực, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người tự hiến vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giêsu không dừng lại ở việc chết cho người mình yêu mà còn hiến ban chính Thánh Thể Ngài nên nguồn sức sống cho con người. Vì yêu con người nên Ngài đã nhỏ những giọt rượu tiên ân phúc xuống cho dương gian. Từ đây “Ai ăn và uống máu Ngài thì sẽ có sự sống đời đời”. Từ đây qua bí tích Thánh Thể Ngài sẽ ở cùng con người mọi ngày cho đến tận thế.
Điều tâm huyết mà Chúa muốn nơi chúng ta thực thi đó chính là “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi Chúa cầm bánh và rượu dâng lên và trao ban cho các môn đệ Ngài đều tha thiết mời gọi: “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đó là việc của hiến tế, việc của yêu thương đến trao ban chính máu thịt mình cho anh em. Chúa muốn người môn sinh của Chúa lập lại hằng ngày trên mọi nẻo đường dương gian hành vi của yêu thương và tự hiến cho người mình yêu.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là hãy bẻ đời mình ra như tấm bánh đem lại niềm vui, sức sống, hạnh phúc cho tha nhân. Có lẽ ai cũng đã từng nâng niu chiếc bánh. Ai cũng từng vui sướng khi mẹ trao cho tấm bánh. Tấm bánh nào cũng có những giá trị riêng. Tấm bánh nào cũng mang lại niềm vui cho người được nhận vì tấm bánh tự bản thân là tự hiến cho con người. Do đó, cuộc đời người tín hữu cũng được mời gọi hãy là tấm bánh mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cuộc đời người tín hữu cũng trở nên tự hiến để yêu thương và phục vụ con người. Không có yêu thương phục vụ thì đời người tín hữu không có giá trị như tấm bánh đã hết date hay đã không còn sử dụng làm của ăn cho con người.
Có lẽ chúng ta còn nhớ tới vụ động đất tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 với một câu chuyện thật cảm động về tình mẹ. Chuyện kể rằng: Sau khi động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.
Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.
Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên với vẻ đầy ngạc nhiên: "Một đứa bé! Có một đứa bé!".
Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.
Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: "Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con".
Một tin nhắn thật cảm động. Cảm động vì nó nói lên một tình yêu hy sinh cao đẹp mà người mẹ dành cho con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu cũng để lại cho chúng ta một tin nhắn: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúa Giêsu không chỉ muốn chúng ta hãy nhớ rằng Ngài rất yêu thương chúng ta mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy tiếp tục thi thố tình yêu ấy đến cho anh em.
Ước gì là người ky-tô hữu chúng ta hãy làm cho tình yêu của Chúa được hiện tại hóa qua đời sống yêu thương phục vụ của mình. Ước gì từng lời nói, từng việc làm của chúng ta cũng để lại một tin nhắn cho anh em chính là tin nhắn của tình yêu tự hiến cho anh em. Amen.
22.Hiến lễ cuộc đời--Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Theo giáo lý của Hội thánh "Bản chất của Bí tích Thánh Thể không chỉ là bữa ăn chung, mà còn và trước tiên là hiện tại hóa hy lễ thập giá. Thiếu giá trị hy tế, Mầu Nhiệm Thánh Thể không có ý nghĩa và chỉ có giá trị như là một buổi gặp gỡ giao hảo và huynh đệ" (BT cứu độ).
Vì thế, hôm nay chúng ta cùng nhau khơi gợi lại ý nghĩa và những giá trị thiêng liêng của thánh lễ để qua đó chúng ta sẽ tham dự thánh lễ một cách tích cực và sốt sắng hơn. Vậy, thánh lễ là gì?
Thánh lễ là diễn lại cuộc hy tế của Chúa Giêsu ngày xưa trên thập giá, là bàn tiệc Nước Trời mà chúng ta được mời gọi tham dự; là thông phần khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, vì thế, khi chúng ta tham dự thánh lễ, là chúng ta đóng vai trò của:
- Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ dâng lên Thiên Chúa Cha lời xin vâng trọn vẹn qua sự hiệp thông với Con yêu qúy để cứu độ trần gian. Chính Mẹ đã kết hợp đau khổ từ trái tim của mình với đau khổ máu đổ tuôn rơi của Con để mang lại mùa xuân cứu rỗi cho trần gian.
Cũng vậy, khi chúng ta đi dâng thánh lễ, là chúng ta đem những lao công vất vả trong ngày của mình, những khổ đau trong tâm hồn, đem những tâm tình vui tươi, lạc quan của mình, hợp với của lễ trên bàn thờ là Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha, để nhờ Đức Kitô, xin Ngài ban ơn cho chúng ta, tha tội cho chúng ta và xin ơn cứu độ cho toàn thể thế giới. Một sự hy sinh vất vả của một đời lao nhọc để đem lại nguồn sống và hạnh phúc cho mái ấm gia đình, là một lễ vật tuy không đổ máu nhưng cô quặng trong những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt chảy ngược vào tim. Đó là một hiến tế mà bổn phận đòi hỏi chúng ta phải chu tòan. Đó là lễ vật mà hằng ngày chúng ta có thể thưa lên với Chúa: "Xin Chúa nhận lễ vật bởi tay cha để tôn vinh danh Chúa và sinh ơn ích cho toàn thể Hội thánh Người.
- Chúng ta cũng đóng vai trò của thánh Gioan Tông đo, đã gan dạ đứng kề bên thập giá như một chứng nhân cho cái chết hiến tế của Thầy Chí Thánh Giêsu. Gioan không chạy trốn như bao môn đệ khác. Gioan không bàng quang như bao người khách qua đường, nhưng ông đứng dưới chân thập giá như muốn nói lên tấm lòng sẵn lòng cùng Thầy trải qua cuộc thương khó đau thương.
Cuộc sống của chúng ta luôn có thánh giá, thánh giá trong bổn phận, trong trách nhiệm, trong những lao nhọc của công ăn việc làm, trong những ưu tư lo lắng cho con cái, cho hạnh phúc gia đình. Đó là thánh giá mà Chúa đang cần chúng ta ôm lấy vào cuộc đời mình. Không trốn tránh thập giá, nghĩa là không lẩn trốn đau khổ, lẩn trốn trách nhiệm. Cuộc đời này ai cũng muốn an nhàn nhưng để được hưởng những tháng ngày an nhàn thì cần phải có những ngày tháng lao động cực khổ. Có gieo - có gặt. Có trồng mới có ngày hưởng nếm những thành quả của mình.
- Cuối cùng, khi tham dự thánh lễ là chúng ta thông hiệp vào Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta được kết hợp nên một trong Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh đã dâng chính mình làm tế lễ, còn chúng ta là những chi thể trong nhiệm thể của Người, chúng ta cùng ăn một bánh, cùng uống một chén thánh là chính Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta có cùng chịu hiến tế chính mình như Đức Kitô là Đầu của Hội thánh hay không? Liệu rằng, chúng ta có thể đứng nhìn Chúa chịu sát tế, còn mình không chịu làm gì cả, hay chỉ đứng đó như những khách bàng quang, đứng bên vệ đường nhìn xem máu Chiên Con vô tội đang đổ ra vì loài người, mà lòng mình không cảm thấy một chút hổ thẹn hay ái ngại lương tâm? Chúa Kitô vẫn đang đổ máu vì tội lỗi loài người. Giáo hội vẫn đang hiệp thông với đau khổ của Con Chiên Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ đóng góp phần vụ gì trong việc đền tội cho thế giới và cứu độ trần gian?
Chúng ta biết rằng, trên bàn thờ tế lễ Giáo hội buộc phải có tượng Chúa chịu nạn, chính là để nhắc nhở chúng ta phải hy sinh, phải dâng hiến mình như Chúa Giêsu đã hiến dâng. Phải đóng góp phần chúng ta như Mẹ Maria đã đóng góp chính nỗi đau khổ xé nát lòng mình, hiệp thông với đau khổ của Chúa Giêsu để dâng lên Chúa Cha. Phải đóng góp phần chúng ta như Gioan đứng sát cây thập giá để nói lên tình yêu thuỷ chung sắt son với Thầy, cho dù phải cùng Thầy trải qua những cam go của đỉnh đồi Calve.
Thiết tưởng để thánh lễ thực sự mưu ích cho phần rỗi chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Mỗi người chúng ta cũng phải biết gom góp hy sinh mỗi ngày như những hạt lúa bị nghiền nát, như trái nho ép thành chén rượu mới có của lễ để dâng trên bàn thờ. Đó chẳng phải là mồ hôi nước mắt trong lao công con người làm nên hay sao? Đó chẳng phải là những hy sinh, những chén đắng trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa hay sao?
Lạy Chúa, xin nhận lấy hạt lúa chấp nhận phân huỷ, mục nát là cuộc đời chúng con. Dưới cối xay của bổn phận trong bậc sống của mình, của những thập giá đắng cay trong những thất bại, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm,... Xin cho con được nghiền nát cho Chúa, cho dẫu tâm hồn và thân xác của con có tan nát nhưng xin cho ngọn lửa tình yêu mến làm con trở nên một tấm bánh tinh tuyền hiến dâng cho Thiên Chúa. Amen.
23.Bánh Hằng Sống-- Lm. Bùi Quang Tuấn, CSsR
"Bánh hằng sống chính là Ta... Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời" (Gn 6, 51 - 58).
Theo sinh vật học, khi cơ thể con người thiếu đi những chất dinh dưỡng cần thiết, lúc bao tử không đủ cung cấp cho các tế bào những sinh tố căn bản thì tay chân run lên, tai ù đi, mắt mờ lại. Các hoạt động của mọi cơ phận khác cũng bị trì trệ. Lý trí dễ mất khả năng cảm nhận, suy xét và quyết định chính xác. Hậu quả là người ta mất dần những cảm quan và tương giao với tha nhân và với môi trường chung quanh. Khi bị cơn đói dày xéo, con người có thể trở nên tàn nhẫn với người khác hay bán đứng nhân phẩm của mình.
Trong Tân ước, hình ảnh của "người con hoang đàng" cũng đủ cho thấy cơn đói không những dễ khiến người ta đánh mất nhân quyền, nhưng còn nhân phẩm, và danh dự dân tộc. Vì đói anh ta chấp nhận đồng hàng với... heo.
Người Do thái coi heo là con vật ô uế bẩn thỉu. Lịch sử chứng nhận có người thà mất mạng sống còn hơn ăn thịt heo, như trường hợp "Cụ Già Elêaza" hay "Bà Mẹ Với Bảy Người Con" trong sách Macabêô. Truyền thống oai hùng xa lánh loài heo là thế. Vậy mà, vì đói người con hoang đàng chẳng màng chi nhân phẩm hay danh dự; anh chỉ mong ngốn cho đầy bụng đồ ăn của heo, một sản phẩm còn dơ nhớp hơn cả thịt heo. Thật là nhục nhã!
Người đói, kẻ nghèo không chỉ thuần tuý chịu đựng những hành hạ của thiếu thốn, nhưng lắm khi còn bị đồng loại khinh miệt và đối xử kém thua loài vật. Hình ảnh Lazarô và ông phú hộ trong Phúc âm Luca đã phác hoạ hố sâu ngăn cách giữa hai con người và hai cảnh sống. Lazarô thì nghèo quá và đói quá. Nhà phú hộ lại giàu quá và no đủ quá, cứ ngày ngày "yến tiệc linh đình". Khoảng cách giữa hai con người còn bị đào sâu bởi thái độ lạnh lùng thờ ơ của nhà phú hộ. Tâm hồn ông dường như không chút dao động trước con người sắp chết vì đói. Riêng Lazarô, không được dự phần bàn tiệc với người giàu đã đành, ngay như muốn dự phần với chó mà đợi hoài cũng chẳng thấy chi.
Đói nghèo đúng là kẻ thù của nhân phẩm, nhân quyền và sự sống. Thế nên, Giáo hội không thể ngồi yên khi phẩm giá con người bị đe doạ và tổn thương. Giáo hội Chúa Kitô không bao giờ chấp nhận vì giàu nghèo mà có cảnh con người bị đối xử như con thú.
Từ thuở khai sinh, Giáo hội không ngừng lên tiếng kêu gọi con cái mình đối xử công bằng và tôn trọng lẫn nhau, đừng khinh nghèo chuộng giàu, đừng thấy người ăn mặc bảnh bao mà xun xoe: "Mời ông an toạ nơi này", "mời ngài ngự tới nơi kia", còn người nghèo thì: "Hãy ngồi dưới bệ chân tôi" hay "anh hãy đứng đó" (Gc 2).
Nhưng do đâu có cảnh giàu nghèo? Phải chăng vì lòng ích kỷ, tham lam, và bất công của con người. Vì ích kỷ nên không muốn mất đi những gì đang có, sợ phải chia sẻ trao ban. Vì tham lam nên mạnh tay thu vét, bất chấp đúng sai, miễn sao có càng nhiều càng tốt.
Lòng ích kỷ, tính tham lam, sự bất công là những nguyên nhân trực tiếp tạo nên đói nghèo. Nhưng suy cho cùng, nguyên do chính yếu khiến cho con người trở nên hà tiện, gian dối, tàn ác, bất công là vì thiếu yêu thương.
Thiếu yêu thương nên khoá lòng khi gặp người đói khổ, không muốn san sẻ với kẻ chẳng may, đối xử với nhau mất hết tình người, và đánh mất nhân phẩm của mình cũng như đồng loại.
Vì thiếu yêu thương mà đói nghèo nảy sinh, không chỉ về thân xác vật chất, song con cả linh hồn thiêng liêng.
Đức Giêsu đã đến trong thế gian để rao giảng cho con người Tin Mừng Tình Yêu và cũng là Tin Mừng Sự Sống. Ngài mời gọi con người chia cho nhau những nén bạc hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng, làm phong phú sự sống tha nhân trong tinh thần yêu thương sẻ chia.
Không chỉ mời gọi, Đức Giêsu còn là mẫu gương của thương yêu và trao ban tận cùng. Ngài trao ban chính mình để thế gian được sống và sống dồi dào (Gn 10:10). Ngài tự hiến toàn thân làm lương thực xoa dịu cơn đói khát của tâm hồn nhân thế.
Làm no thoả cơn đói sâu thẳm nơi con người là mục tiêu căn bản trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu. Qua tấm bánh vật chất, Ngài hướng nhân loại đến với tấm bánh thần linh: "Ta là Bánh Hằng Sống từ trời xuống... cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn Bánh này sẽ sống đời đời" (Gn 6:51-59).
Như thế, tấm bánh thần linh chính là Ngài. Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể sẽ xoa dịu cơn đói khát tận cùng nhất của con người là yêu và được yêu.
Khi yêu thương người ta muốn hoà chung sự sống trong nhau để không còn là hai nhưng là một. Phải chăng đó cũng là lý do nhiều người hôn nhau mà cứ như ăn nhau? Có những bà mẹ thương con, vừa hôn vừa nựng: "Mẹ muốn ăn con".
Phải chăng yêu thương cũng chính là động lực khiến Thiên Chúa hủy mình, trở nên tấm bánh đơn sơ để được ăn và nên một với con người. Bài Phúc âm trong Chúa nhật Mình Thánh Chúa tuần này không dài nhưng động từ "ăn" lại được lập đi lập lại đến 9 lần.
Thiên Chúa không ăn con người nhưng lại để con người ăn Thiên Chúa. Song khi ta ăn Chúa thì không thuần tuý là ta rước Chúa vào lòng, nhưng đúng hơn, Ngài rước ta vào cung lòng yêu thương bao la của Ngài.
Trong Bí tích Thánh Thể, bạn và tôi được mời gọi nên một với Thiên Chúa bằng tình yêu đón nhận, đồng thời nên một với tha nhân trong tinh thần chia sẻ trao ban, hầu tất cả cùng được sung túc trong tình Chúa và tình người.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam