Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 59
Tổng truy cập: 1361824
SỰ SỐNG MỚI
SỰ SỐNG MỚI
Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.
Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.
Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.
Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.
Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.
Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?
2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?
3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?
10.Đấng khơi nguồn hy vọng
(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.)
Lời Chúa hôm nay làm chúng ta tràn trề hy vọng. Chính vì tin vào Thiên Chúa, mà niềm hy vọng bùng lên.
Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy (Ga.14, 15)
"Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì đó là kẻ nói dối" (1Ga.4, 20). Tình yêu được cụ thể hoá bằng việc làm! "Tình yêu hệ tại việc làm hơn lời nói" (LT.230). Vi phạm giới răn, đó là dấu chỉ cho thấy không yêu Thiên Chúa!
Có người nói yêu thương, nhưng thực sự họ không yêu thương! Họ chỉ lợi dụng, họ tìm lợi cho họ. Thời gian giúp con người biết sự thật: mình có được yêu thương hay không!
Yêu thương ai, là muốn điều tốt lành cho người đó, là nghĩ tốt cho họ, là giúp đỡ an ủi họ, là trân trọng và tôn trọng tự do của họ, là muốn họ được triển nở và hạnh phúc hơn.
Có nhiều lúc trong đời, ta muốn người nào đó bị tai họa! Ta nguyền rủa họ, muốn khai trừ họ, không muốn nhìn thấy mặt họ! Cũng có những lúc, ta muốn làm hòa, muốn tha thứ, muốn đi bước trước để đến với người mình không ưa, nhưng ta lại không thể! Chúng ta không vượt qua được mình, chúng ta bị "cái tôi" chi phối! Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm điều này: "Điều thiện tôi muốn tôi không làm, còn điều dữ tôi không muốn tôi lại làm" (Rm.7, 19), và ngài đã phải kêu lên: "Ai cứu tôi khỏi tình trạng khốn nạn này bây giờ?" (Rm.7, 24).
Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi
Đức Yêsu nài xin Chúa Cha ban Đấng Bầu Chữa khác cho chúng ta (Ga.14, 16). Đây phải là điều rất quan trọng nên Đức Yêsu mới nài xin!
Thánh Thần là ai? Ngài là Đấng thế gian không thấy nên không biết! Còn chúng ta biết Ngài, vì chúng ta tin vào Đức Yêsu.
Đức Yêsu đã mặc khải Thánh Thần cho chúng ta (Ga.14, 16.26; 15, 26-27; 16, 12-14; 20, 22). Chính vì tin vào Đức Yêsu, nên chúng ta biết Thánh Thần dù chúng ta không thấy Ngài.
Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài ở với từng người, để giúp mỗi người cầu nguyện (Rm.8, 26), để chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha (Rm.8, 15-16), để làm chúng ta sống đời sống mới (Rm.8, 11).
Thánh Thần biến đổi các tông đồ, từ một người ít học nhát đảm thành người dám đứng ra rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho nhiều người. Thánh Thần là Đấng giúp chúng ta biết
Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng,
và Thiên Chúa quyền năng sẽ biến đổi con người, làm chúng ta thành người mới, thành người trung tín như Thiên Chúa nếu chúng ta vâng phục Thánh Thần.
Thánh Thần tha thứ tội cho chúng ta, giúp chúng ta đến với người khác, giúp chúng ta làm những điều đẹp ý Thiên Chúa, giúp chúng ta vượt qua chính mình, làm chúng ta nên thánh.
Giữ giới răn, đó là dấu chỉ được Thiên Chúa yêu mến
Ai giữ giới răn của Chúa, đó là người yêu mến Chúa. Những người này được Chúa Cha yêu thương, được Chúa Yêsu yêu mến và tỏ mình cho họ (Ga.14, 21).
Điều làm chúng ta an tâm, đó là:
Thiên Chúa đang ở với chúng ta,
Thiên Chúa đang ở trong chúng ta,
và chúng ta đang ở trong Thiên Chúa.
"Nơi nào có hai hay ba người họp nhau vì danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ" (Mt.18, 20).
"Thầy ở trong Cha, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em" (Ga.14, 20).
11.Yêu thương và vâng phục
Tin Mừng hôm nay ghi lại những lời Chúa Giêsu giáo huấn cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Trong những giờ phút sau cùng này, Ngài đã nói với các môn đệ những lời căn bản nhất. Những điều ấy như là những chỉ dẫn thiết yếu cho các môn đệ trong tương lai, và đó cũng chính là những gì Ngài muốn họ sống trong khi không có Ngài hiện diện bên cạnh cách hữu hình. Một trong những điều ấy là: "nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ các giới răn của Thầy".
Chúa không nói với chúng ta đến việc tuân giữ các giới răn một cách lý thuyết mà nói bằng chính cuộc sống của Ngài. Điều gì thật sự có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và chứng tỏ chúng ta là Kitô hữu? Không thể gọi chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu cách đúng nghĩa, nếu chúng ta không lắng nghe và cố gắng thực hiện lời của Ngài. Chúng ta càng không là Kitô hữu nếu chúng ta không nỗ lực sống những gì Chúa Giêsu dạy.
Nhưng chúng ta cần phải xác tín một điều. Chúng ta không phải giữ giới răn của Chúa để được Ngài yêu mến, mà chúng ta giữ giới răn Chúa bởi gì Ngài đã yêu mến ta trước. Trong suốt bữa tiệc ly, Chúa Giêsu không ngừng nhắc nhở: "hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương". Điều đó cho chúng ta thấy, chính Ngài đã yêu thương chúng ta trước, và yêu thương chúng ta cách nhưng không, vô điều kiện.
Một sự thật quan trọng chúng ta cần phải nhận ra là chúng ta đã được yêu thương cách nhưng không. Nhiều khi chính chúng ta cũng không tin rằng tại sao chúng ta lại được Chúa yêu thương như thế. Vì chúng thường nghĩ, hay để ý: Chúa chỉ yêu thương chúng ta khi chúng ta tốt. Nhưng thật ra Chúa không thương yêu chúng ta vì chúng ta tốt lành, thánh thiện nhưng bởi vì Chúa tốt lành, thánh thiện. Vì ngay cả sự hiện hữu của chúng ta trên đời đã là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dành cho chúng ta là Tin Mừng cho nhân loại. Bổn phận của chúng ta là nỗ lực, cố gắng đáp lại tình yêu ấy.
Chúa Giêsu biết rằng, Chúa Cha đã yêu thương Ngài và Ngài đã đáp lại bằng cách yêu thương Chúa Cha. Và Ngài đã chứng tỏ tình yêu đối với Chúa Cha qua thái độ vâng phục, thậm chí vâng phục đến nỗi dâng hiến cả cuộc sống mình. Cũng chính nhờ sự vâng phục mà chúng ta chứng tỏ tình yêu của mình đối với Chúa Giêsu. Như thế có ý nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta phải biết lắng nghe lời Ngài và mang ra thực hành trong cuộc sống. Yêu thương là vâng phục, và vâng phục là yêu thương.
Có nhiều người chỉ biết tuyên bố yêu Chúa Giêsu trong lời nói, nhưng lại chối bỏ Ngài trong đời sống họ. Tình yêu thật sự phải được minh chứng bằng việc làm cụ thể. Người ta chỉ biết chúng ta qua hành động chứ không phải bằng những lời nói ngoài môi miệng.
Nhưng thật sự không phải dễ sống như người môn đệ của Chúa Giêsu trong thế giới hiện đại hôm nay. Đó cũng chính là lý do mà Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Để khi chúng ta yếu đuối, chúng ta cầu nguyện với Ngài. Chính Thánh Thần sẽ an ủi khi ta buồn, soi sáng lúc ta lâm vào tăm tối và làm cho chúng ta trở nên mạnh mẽ, dũng cảm khi chúng ta yếu đuối.
Danh từ mà Chúa Giêsu gọi Thánh Thần là "Đấng An Ủi", Ngài chính là Đấng nâng đỡ, bào chữa khi chúng ta gặp thử thách gian nan. Chính Ngài đã ban sức mạnh để nâng đỡ các môn đệ trong lúc gặp thử thách. Cũng chính nhờ Người mà các môn đệ Chúa Giêsu có thể đón nhận những đau khổ như thập giá phát sinh ơn cứu độ. Như thánh Phêrô tông đồ nhắc nhỡ trong bài đọc II: "thà chịu đau khổ vì làm những việc lành còn hơn là làm điều dữ". Chính khi thi hành điều thiện mà gặp đau khổ thì đời sống đức tin chúng ta sẽ lớn lên và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chúng ta còn có một gương mẫu là Đức Kitô, Đấng dù vô tội nhưng vẫn chịu đau khỗ và chết vì tội lỗi chúng ta.
Các tông đồ biết rằng chính Chúa Giêsu yêu thương họ. Và chúng ta biết Ngài cũng yêu thương chúng ta. Không có một tình yêu nào lại mang bóng dáng của sự lầm lỗi, vì đã là tình yêu thì không phải là tội lỗi. Bạn chỉ có thể cảm nhận điều này ngay trong trái tim bạn. Nó như một ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn bạn, thêm sức mạnh để bạn có thể vượt qua những giây phút tăm tối trong cuộc đời. Tình yêu làm cho chúng ta gắn bó, hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và nối kết chúng ta lại với nhau. Đời sống người Kitô hữu chỉ có thể lớn lên khi được nuôi dưỡng trong môi trường, bầu khí yêu thương, thánh thiện.
"Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Điều đó đã thâu tóm lại tất cả những gì lề luật dạy.
12.Nếu yêu mến Thầy
(Suy niệm của Lm. Trầm Phúc)
Chúng ta đang suy niệm một đoạn của diễn từ trong buổi Tiệc Ly. Tâm sự của Chúa Giêsu chảy ngọt những lời yêu thương sâu đậm, những lời trối trăn ân tình: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Yêu mến Thầy không chỉ là nói mà làm. Tình yêu đích thực là làm những gì người mình yêu mong muốn. Những lời nói yêu thương ngọt ngào thế nào chăng nữa mà chẳng đi đôi với việc làm thì chỉ là sáo ngữ, không thuyết phục. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta, Ngài đã chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng cả cuộc sống. Ngài đã làm mọi sự vì chúng ta mà thôi. Ngài đã yêu Chúa Cha bằng cách vâng phục Chúa Cha một cách trọn hảo. Ngài muốn chúng ta yêu Ngài như Ngài đã yêu Chúa Cha. Ngài không cần những tiếng nói dù ngọt ngào đến đâu. Ngài chỉ muốn chúng ta chứng tỏ tình yêu bằng hành động, bằng thực tế. Chính Ngài đã nói: “Không phải những kẻ nói “lạy Chúa, lạy Chúa” mà vào được Nước Trời, mà những kẻ thi hành ý của Cha Ta trên trời mới vào được”.
Chúng ta đã yêu mến Ngài như thế nào? Hay chúng ta giống như dân Do Thái xưa bị Chúa luôn quở trách là dân cứng cổ, như con ngựa bất kham, như người đàn bà không trung tín, chỉ thờ Chúa bằng môi bằng miệng mà lòng vẫn cách xa? Nói thì nói đạo đức mà lòng thì nham hiểm ác độc, ganh tị, kiêu căng? Chúa đang mỏi mắt tìm kiếm những người tôn thờ Chúa trong Thánh Thần và sự thật, những người yêu mến Chúa hết lòng hết sức… Được mấy người?
Ai yêu mến Chúa thật tình thì Chúa hứa sẽ ban cho họ một Đấng Bảo Trợ khác, ở với anh em luôn mãi.
Đấng Bảo Trợ là Đấng an ủi, bênh vực nâng đỡ chúng ta. Ngài được Chúa Giêsu gọi là Thần Khí sự thật, Ngài ở giữa anh em và ở trong anh em. Đối với các tông đồ đây chỉ là lời hứa, nhưng ngày lễ Ngũ Tuần, lời hứa này đã được thực hiện một cách sung mãn. Đối với chúng ta, lời hứa đó cũng được thực hiện. Chúng ta đang ở trong Thánh Thần. Giáo hội đang sống trong Thánh Thần. Ngài âm thầm hoạt động mặc dù chúng ta không thể thấy rõ những hoạt động của Ngài. Hai mươi thế kỷ, Thánh Thần Chúa vẫn bảo vệ Giáo hội và ngay hôm nay, trong một thế giới đầy hỗn loạn và không tin, Giáo hội vẫn luôn là ngọn đèn cho mọi người, cho thế giới.
Chúng ta không quen lắm với Thánh thần, nhưng Ngài vẫn ở trong chúng ta, soi sáng tâm trí chúng ta và giúp chúng ta tiến sâu vào tình yêu.
Thánh Phaolô luôn nói đến Thánh Thần gần như trong tất cả các thư của ngài. “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự tronglòng anh em mà kêu lên: “Abba, Cha ơi!” “Anh em không biết rằng anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần và Thánh Thần đang ngự trong anh em sao?” Thánh Thần đó dạy chúng ta cầu nguyện, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải”… Thế gian không biết Người, nhưng anh em biết Người vì Người ở giữa anh em và ở trong anh em. Chúng ta không thấy Ngài, nhưng Ngài vẫn luôn ở với chúng ta.
Nếu tìm lại trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy Ngài gần như luôn có mặt và hoạt động. Ngài hoạt động ngay từ khi tạo dựng vũ trụ. Ngài bay là trên mặt nước trong cảnh hỗn man ban đầu. Ngài làm cho thế giới thành hình với muôn tạo vật trong trật tự. Ngài nói qua miệng của các ngôn sứ, những con người dốt nát hèn yếu như chúng ta, soi sáng cho họ biết nói gì để đánh thức dân cứng đầu cứng cổ là dân Do Thái, dạy họ tuân giữ Giao Ước mà Chúa đã thương ban cho họ. Những lời kinh trong Thánh vịnh phải chăng là những lời được Thánh Thần soi sáng để trở thành lời nguyện cầu của dân Chúa, hôm qua cũng như hôm nay.
Tuyệt tác của Thánh Thần là việc nhập thể của Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần đã hoạt động trong công việc này như là tác giả, Đấng sáng tạo. Ngài đã đến trên Maria, một cô gái quê tầm thường, đã làm cho nàng trở thành Mẹ Thiên Chúa. Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Bà… Ngài đã đến soi sáng cho nàng hiểu công trình của Chúa để nàng cộng tác với tất cả lòng biết ơn. Xin Chúa cứ thực hiện nơi tôi những gì Ngài muốn. Nàng đã đáp lại tiếng gọi của Chúa để mang đến cho chúng ta Ngôi Lời. Nàng đã cưu mang, sinh ra Ngôi Lời của Thiên Chúa. Tất cả đều do Thánh Thần.
Nơi Chúa Giêsu, chúng ta càng thấy rõ hơn hoạt động của Chúa Thánh Thần. Gần như Chúa Giêsu luôn luôn hoạt động cùng với Thánh Thần trong mọi hoàn cảnh. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Ngay khi còn trong lòng mẹ, Chúa Thánh Thần đã soi sáng cho bà Êlisabet nhìn nhận Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, và Gioan Tẩy Giả nhảy mừng trong lòng mẹ.
Chúng ta thấy rõ nét nhất mối liên hệ của Chúa Thánh Thần với Chúa Giêsu lúc Ngài chịu phép rửa tại sông Giođan: Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu. Khi Ngài vào Hội đường Nadaret và đọc lời tiên tri Isaia: Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi… và sau đó Ngài tuyên bố một cách rõ rệt: “Hôm nay ứng nghiệm lời anh em vừa nghe đọc”. Chúng ta không thể kể hết những hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi Chúa Giêsu, nhưng chúng ta có thể thấy được sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Thánh Thần và Chúa Giêsu.
Nếu chúng ta đọc lại sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta càng thấy rõ vai trò của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội sơ khai. Gần như Thánh Thần điều khiển tất cả, hướng dẫn tất cả mọi hoạt động của Giáo hội. Sách Tông Đồ Công vụ được xem như Tin Mừng của Chúa Thánh Thần. Và cho đến hôm nay, Giáo hội luôn được Thánh Thần Chúa yểm trợ trong hành trình về quê trời.
Nhìn sơ lược những hoạt động của Chúa Thánh Thần để thấy rằng, Ngài vẫn yểm trợ chúng ta. Ngài thay thế Chúa Giêsu và tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu cho đến tận thế. Chúa nói: “Thầy không để anh em mồ côi” là như thế. Chúa Thánh Thần sẽ ở với chúng ta thay cho Ngài để giúp chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Thánh Phaolô đã nói: “Ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, người ấy không thuộc về Chúa Kitô”. Chúng ta thấy tại sao Chúa Giêsu, trong giờ phút từ biệt các môn đệ để đi vào cuộc khổ nạn, Ngài đã nói đến Chúa Thánh Thần như Đấng sẽ thay thế Ngài chăm sóc đoàn chiên nhỏ bé của Ngài.
Chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần vì không có Ngài, chúng ta chỉ là những con người yếu đuối, không thể nào giữ các điều răn của Chúa, không thể trở nên con Chúa Cha. Hãy sống trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần và như thánh Phaolô căn dặn: đừng dập tắt Thánh Thần, nhưng luôn sống trong Ngài, nghe theo những thúc đẩy của Ngài, chúng ta mới thực sự là đền thờ của Chúa Ba Ngôi như Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình cho Người ấy”.
Chúa Giêsu vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nhưng hơn thế nữa Ngài còn ở với chúng ta nhờ Thánh Thể. Chúng ta luôn được nuôi dưỡng bằng của ăn hằng sống này. Của ăn này từ Thánh Thần mà đến vì chính Thánh Thần biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa chứ không do linh mục. Sống trong Chúa nhờ Thánh Thể như Chúa đã nói: “Thầy sống thì anh em cũng được sống”. Chỉ khi nào chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài, chúng ta mới đủ can đảm trung thành.
13.Suy niệm của Lm Trầm Phúc
Chúa Giêsu sống lại đã trở thành nguồn phấn khởi và hy vọng cho chúng ta. Và để cho niềm vui đó tồn tại và sung mãn, Ngài chỉ cho chúng ta một con đường là giữ điều răn của Thầy. Và giữ điều răn của Thầy chính là yêu mến Thầy. Con đường tình yêu không chỉ là nói mà làm. Tình yêu đích thực là làm cho người yêu vừa lòng. Yêu mến Chúa cũng thế thôi. Chúa đã từng trách dân Do Thái chỉ yêu ngoài môi ngoài miệng mà lòng trí vẫn xa Ngài. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta trước và tình yêu đã khiến Ngài hi sinh tất cả, mang lấy thân phận chúng ta, và chết cho chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng dám chết cho bạn hữu”. Ngài đã chứng minh tình yêu của Ngài bằng những hành động cụ thể, không thể chối cãi. Ngài cũng yêu Chúa Cha bằng cách vâng phục ý Cha đến trọn vẹn, cho đến chết và chết trên thập giá. Con đường tình yêu chỉ có một. Chúng ta yêu Ngài cũng theo con đường duy nhất đó.
Khi yêu Ngài, giữ lời Ngài, chúng ta sẽ được gì? Ngài không hứa ban cho chúng ta những lợi lộc trần gian. Ngài cho chúng ta những gì mà thế gian không thể biết và không thể lãnh nhận là Thánh Thần của Ngài, Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật. Đấng bảo trợ là ai? Theo nguyên ngữ Hy Lạp, Đấng Bảo Trợ mang nhiều ý nghĩa: là Đấng an ủi, là người bảo vệ, là trạng sư, là người nâng đỡ… Ở đây, Chúa Thánh Thần bao gồm tất cả những nhiệm vụ đó. Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy Ngài hoạt động từ lúc sáng thế cho đến ngày chung thẩm, không có nơi nào mà chúng ta không thấy hoạt động của Ngài. Ngài hiện diện trong mọi biến cố của dân Chúa, trong những người Chúa chọn để dạy dỗ hay cứu vớt dân Chúa. Nhất là nơi các tiên tri, và đặc biệt nhất là nơi Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu xuống thế làm người là do quyền năng Thánh Thần. Có thể nói, Chúa Giêsu hoàn toàn là một với Thánh Thần, trong mọi hoạt động, trong mọi tình huống. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao phó Thánh Thần cho Giáo Hội và cho chúng ta khi Ngài tắt thở. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần Chúa đã long trọng ngự xuống trên các tông đồ và dưới sự thúc đẩy của Ngài, Giáo Hội bắt đầu chinh phục thế giới.
Nơi bàn tiệc ly, Chúa Giêsu đã hứa trước và Ngài đã thực hiện lời hứa đó. Chúng ta được thanh tẩy trong Thánh Thần và nhận lãnh Thánh Thần một cách sung mãn nơi Bí tích Thêm Sức. Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Ngài là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự thật vẹn toàn. Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa là sự thật. Biết Thiên Chúa là điều cốt yếu, nếu không, chúng ta dễ biến Ngài thành thần tượng, như dân Do Thái đã biến Thiên Chúa thành con bò vàng. Thiên Chúa vượt xa tất cả những gì chúng ta tưởng về Ngài. Chỉ có Thánh Thần mới giúp chúng ta hiểu biết Thiên Chúa như Chúa muốn. Chỉ có Thánh Thần mới dạy chúng ta cầu nguyện thế nào cho phải và cho chúng ta biết gọi tiếng cha ơi với tất cả tình con thảo. Chỉ có Thánh Thần mới soi sáng cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Chỉ có Thánh Thần mới dạy chúng ta biết yêu mến Chúa hết lòng hết sức. Chúa Giêsu đã hứa là không để chúng ta mồ côi, Ngài sẽ cùng chúng ta nhờ Thánh Thần của Ngài: Ngài ở giữa anh em và ở trong anh em. Hãy lặp đi lặp lại những lời đầy an ủi này, chúng ta sẽ thấy ấm lòng hơn. Chúng ta sẽ không đơn độc giữa thế giới đầy hận thù và gian ác này. Chúng ta sẽ không thất vọng khi mọi sự quanh ta trở thành chướng ngại, và cuộc sống trở nên gánh nặng. Chúng ta sẽ can đảm rao giảng Tin Mừng Chúa bằng cả cuộc sống cam go này.
Nhờ Thánh Thần Tình Yêu, chúng ta sẽ trở nên tình yêu: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Phải can đảm phi thường mới có thể yêu thương như Thầy. Nhưng có thể được vì chúng ta có Chúa Thánh Thần trong ta. Chính Ngài thúc đẩy mọi việc lành, mọi cố gắng của chúng ta.
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến sự ở trong: “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em. Thánh Thần ở giữa và ở trong anh em”. Đó mới là biểu hiện của tình yêu. Chúng ta được ẩn náu trong Chúa, và như thế chúng ta được sống trong Chúa và chính Chúa chọn tâm hồn chúng ta làm nơi cư ngụ của Ngài. Ngài không cần tỏ hiện, Ngài dùng chúng ta để tỏ hiện tình yêu của Ngài cho mọi người. Chúng ta phải sống thế nào? Phải yêu thương nhau. Đó là ước muốn cuối cùng của Chúa Giêsu. Chúng ta là con Chúa, chúng ta chỉ sống bằng tình yêu thôi. Chúng ta không thể làm gì khác. Chúng ta là hình ảnh của Chúa, vì Chúa đã tạo nên chúng ta giống hình ảnh Ngài. Vì thế, Chúa Giêsu đã dùng một phương tiện lạ lùng để sống trong chúng ta một cách cụ thể. Ngài tự hiến cho chúng ta bằng cách trở nên một tấm bánh và bảo chúng ta cầm lấy mà ăn. Như thế, Ngài thực hiện ý định tình yêu của Ngài bằng một hình thức cụ thể nhất và chúng ta sẽ không thể nào tránh né tình yêu Ngài. Phải là một với Ngài, hôm nay và mãi mãi.
14.Giữ lời Chúa truyền
Yêu và được yêu là khát vọng thiết yếu của con người. Một ai đó đã từng nói: "không ai có thể sống mà không yêu". Như thế sống yêu thương là yếu tố hàng đầu và cần thiết của con người. Thầy Giêsu muốn các môn đệ yêu mến Thầy. yêu mến Thầy thì phải giữ Lời Thầy, thực hiện theo ý muốn của Thầy. Mà ý muốn của Thầy là làm theo Đấng đã sai Thầy. Người Kitô hữu được mời gọi giữ Lời Chúa Kitô truyền, thực thi ý muốn của Người.
Thật thế, Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giêsu Kitô là hình ảnh hữu hình của tình yêu ấy. Tình yêu đã thúc bách Đức Giêsu Kitô mang thân phận con người, sống như con người và chết tủi nhục vì con người nhăm mang lại cho con người sự sống và tình yêu cứu độ như Thiên Chúa đã dựng nên thuở ban đầu.
Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, sống cho và sống vì Thiên Chúa. Con người hiện hữu trong vũ trụ do Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi để sống yêu thương cho Thiên Chúa tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức lực, hết linh hồn và hết trí khôn và cũng yêu tha nhân như chính mình là điều đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Đó là giới răn quan trọng nhất. Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là bổn phận của con người, đặc biệt nó làm nên yếu tính của người Kitô hữu, những người tin và bước theo Chúa Giêsu trên con đường sống đạo. Giữ lời Chúa Kitô nghĩa là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân phải là kim chỉ nam cho người Kitô hữu. Đó còn phải là lẽ sống, là linh hồn của mọi hoạt động của con người. Yêu mến Thiên Chúa là tìm được nguồn sống đích thực. Yêu thương tha nhân chính là sống giây phút hạnh phúc ở thì hiện tại. Và như thế, giữ Chúa truyền là thướt đo lòng mến của người môn đệ, là dấu chỉ nhận biết môn đệ đích thực của Thầy Giêsu.
Khi người ta đã hết lòng yêu thương ai thì họ sẽ sống như chính mình đang sống với chính người mình yêu. Dù cho người được yêu vắng mặt nhưng khuôn mặt, lời nói, cử chỉ, ước muốn của người yêu vẫn luôn hiện diện canh cánh bên lòng người yêu. Từng cử chỉ, thái độ và ước muốn của lý trí, ý chí và con tim cũng được thể hiện rõ nét trong người yêu. Như thế, tình yêu không chỉ diễn tả bằng việc thấy, nghe, biết mà còn là hiểu bằng con tim và còn là thể hiện bằng những hành động cụ thể trong đời sống của mình. Do đó, dù có "xa mặt nhưng không thể cách lòng". Dù có xa cách thể lý nhưng vẫn hiện diện trong sự gần gũi tấm lòng và của toàn diện con người đang yêu bằng việc giữ lời của người yêu muốn.
Con người được hiện hữu vì yêu thương nên tình yêu là động lực, là ánh sáng chỉ đường, là phương thế để con người thực thi sự yêu thương ấy. Con người còn có có bản chỉ đường là tiếng nói lương tâm yêu mến Chân, Thiện, Mỹ hay chính lương tâm làm lành lánh dữ, lương tâm sống bác ái vô vị lợi. Hơn nữa, người Kitô hữu còn có tiếng nói của Lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội, giới răn của Thiên Chúa... để làm tiêu chuẩn, để con người có thể dựa vào đó mà kiểm điểm mỗi khi sai lệch phương hướng và là con đường để tiến bước trong an bình theo Chúa Kitô.
Chính vì muốn thực thi Lời Chúa, giữ Lời Chúa truyền, muốn sống yêu thương mà biết bao người trẻ hiến thân cho nhau để sống gương mẫu trong bậc gia đình, để làm tăng thêm người yêu thương trong Đạo Thánh Chúa. Cũng chính vì muốn giữ lời Chúa truyền mà hằng ngày, hằng giờ có biết bao tâm hồn của người trẻ thiện chí lắng nghe tiếng gọi để đáp lại tình yêu tận hiến cho Chúa Giêsu yêu dấu, họ đã tự nguyện tham gia trong bậc sống tu trì, giáo sĩ và tu sĩ... và còn nhiều tâm hồn thành tâm thiện chí khác đang sống an bình trong yêu thương tuân giữ luật Chúa truyền dù phải vất vả sống cho tình yêu mà mình được mời gọi, sống yêu mến Thiên Chúa và sống yêu thương, tha thứ, chia sẻ bác ái cho than nhân.
Như thế, giữ Lời Chúa truyền là điều thiết yếu đối với người Kitô hữu chúng ta. Yêu thương giúp người ta nhận biết ta là môn đệ Thầy Giêsu. Yêu thương là cánh cửa dẫn đến sự sống: sống cho, sống vì và sống với, sự sống ấy chính là sự sống Thiên Đàng, là hạnh phúc và an bình mà con người đã, đang và sẽ đạt tới.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết giữ giới răn Chúa truyền là thực thi điều Chúa muốn đó là sống yêu thương như Chúa đã làm gương và mời gọi. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương tha nhân như chính mình. Amen.
15.Giữ giới răn vì yêu mến
Làm bất cứ điều gì nếu ta thực hiện với cả tấm lòng và nhất là khi ta đặt vào đó tình yêu thì cho dù vất vả cách mấy cũng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Hơn thế, hiệu quả đem lại có giá trị cao và phi thường. Một anh thanh niên và một cô thiếu nữ thật lòng yêu thương nhau sẽ tự cam kết sống với nhau cho đến răng long đầu bạc. Mặc dù trước cam kết đó sẽ là không biết bao nhiêu vất vả, khó khăn. Cha mẹ dầm sương dãi nắng, đổ mồ hôi sôi nước mắt hay bán mặt cho đất bán lưng cho trời chỉ vì yêu thương lo cho con cái mình. Cho dù điều đó không ai buộc họ phải làm. Cũng thế, hôm nay Chúa Giêsu mời gọi ta tuân giữ giới răn của Người vì yêu mến.
Mở đầu đoạn Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga, 14, 15). Thông thường khi được kêu gọi tuân giữ điều gì ta hay tự hỏi nó sẽ đem lại lợi ích gì cho tôi. Chẳng hạn khi được kêu gọi đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông thì tôi được an toàn hơn nếu lỡ có xảy ra tai nạn. Tôi được kêu gọi ăn chín uống sôi, ăn sạch uống sạch để bảo vệ khỏi mắc bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm đến tính mạng... Do đó, có lẽ chúng ta cũng sẽ tự hỏi tuân giữ giới răn Chúa tôi sẽ được gì. Chắc chắn có lợi ích nên Người mới mời gọi ta. “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14, 16); “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 18) và “...sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy." (Ga 14, 21). Thật là những lợi ích hết sức thiêng liêng quý giá. Chỉ trong cái nhìn đức tin chúng ta mới có thể cảm nhận được những lợi ích đó.
Hơn thế nữa, tuân giữ những giới răn của Chúa vì để đáp đền tình yêu Thiên Chúa sẽ lý do cao cả và quý nhất. Điều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã có lần nói chính là mến Chúa yêu người (Mc 12, 24 - 38)
Làm sao ta có thể mến Chúa yêu người nếu như ta chưa thật sự cảm nhận được tình yêu mà Chúa dành cho mình. Được sinh ra làm người và được làm con Chúa đó là ơn ban nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Vì thương mà Thiên Chúa đã chẳng tiếc gì kể cả Con Một của Ngài. Bấy nhiêu cũng quá đủ để ta thấy Thiên Chúa yêu thương ta như thế nào. Đặc biệt, những ngày trong mùa Phục sinh này càng làm cho tưởng nhớ tình thương Chúa dành cho ta. Chúa Giêsu đã được phục sinh vinh quang sau khi đi trọn con đường trần thế này. Đó là điều bảo đảm nhất để ta thêm nghị lực mà tuân giữ giới răn của Người.
Xin bình an và tình yêu của Chúa Giêsu phục sinh cho ta tiếp tục cảm nhận được nhiều hơn tình yêu bao la Chúa dành cho mình. Để rồi vì đền đáp tình yêu Chúa mà ta tuân giữ giới răn mà Người truyền dạy.
16.Thuộc về Chúa
Kitô giáo là tôn giáo của Đấng đã sống lại, Đấng đang sống sự sống tràn trề của Thiên Chúa. Có lẽ, hơn ai hết, Thánh Phaolô đã cảm nếm hương vị tuyệt vời về biến cố sống lại của Đức Giêsu Kitô. Thánh Phaolô đã bị cuốn hút bởi Đấng Phục sinh sau biến cố lạ lùng xảy ra với ông trên con đường Đamas. Rồi sau khi được Đấng Phục sinh chinh phục, ông cảm thấy được Ngài là tất cả của ông. Không còn gì đáng mơ ước hơn nữa nếu đã có được Ngài ở bên và được thuộc về Ngài. Thánh Phaolô đã dùng bao nhiêu là từ ngữ và lời nói phát xuất từ con tim của Ngài để nói lên hạnh phúc được thuộc về Chúa: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”. Đó là tâm tình và sức sống của một kẻ cảm nghiệm mình được yêu và đang yêu.
Tất cả niềm hạnh phúc và sức mạnh dấn thân của Phaolô được khởi đi từ cảm nghiệm Đức Giêsu Kitô đang sống và đang đồng hành với ông trong cuộc đời này. Thánh Phaolô đã thốt lên: “ Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,14.19-20), để từ đây, ai thuộc về Đức Giêsu Kitô là thuộc về thế giới của sự sống, của kẻ sống và sống vĩnh cửu.
Trong cuộc đời này, có những khi ta cảm tưởng mình như đang bước đi trong bóng đêm dày đặc, đang rơi xuống vực thẳm đen tối khi bao nhiêu những dự định hay những mối quan hệ tình cảm bỗng nhiên bị đổ vỡ và tan biến. Đó phải chăng là một cuộc chết đi cho những dự tính nông cạn, thiển cận của con người được mời gọi tham dự vào cuộc sống mới, cuộc sống của Đấng Phục sinh.
Marian Picasso là cháu của hoạ sĩ Picasso. Từ năm 1973 đến năm 1975, bà phải chịu nhiều cái tang lớn: ông nội mất, anh ruột tự tử, cha của bà đột ngột qua đời. Đây thật là những mất mát không sao bù đắp được, dù bà nắm trong tay một gia sản khổng lồ. Năm 1990, bà đến Việt Nam và nhận các bé mồ côi hay bị bỏ rơi về làm con nuôi và giúp các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được nơi ăn học. Từ lúc ấy, bà cảm nhận được một sự thay đổi nơi nội tâm “nhờ giúp đỡ những trẻ em này, tôi tìm lại được chính mình. Giờ đây, tôi cảm thấy mình như sống lại, và tôi muốn phân phát sự sống đó cho các em”.
Hẳn đã có những người Kitô hữu đã trải qua kinh nghiệm của Marina, kinh nghiệm thấy mình được sống lại nhờ biết ra khỏi nổi đau của mình để chia sẻ niềm hạnh phúc cho những ai đang cần đến chúng ta. Kinh nghiệm tìm lại được chính mình bình an khi không còn bận tâm lo cho mình nữa. Kinh nghiệm thấy sự sống được nhân lên gấp bội khi biết chia sẻ tận tình.
Thuộc về Chúa Giêsu Kitô là sống theo gương mẫu của Ngài và sống như Ngài đã sống. “hy sinh mạng sống của mình vì người mình yêu”. Sống thật là biết cho đi. Khi biết trao ban tận tình là thuộc về Đấng hằng sống. Đức Giêsu Phục sinh không chỉ hiện ra một vài lần nhưng Ngài muốn ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế, một sự hiện diện 2 chiều, mới mẻ và thâm sâu “anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”, một sự hiện diện tràn đầy sức sống “Thầy sống và anh em cũng sống”. Nhờ qua Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu tự bản chất đã được Phục sinh và sự Phục sinh ấy không ngừng lớn mạnh nhờ thông hiệp với Đấng đang sống là Đức Giêsu Kitô.
Mùa Phục sinh là mùa nhắc chúng ta nhìn lại sự sống nơi mình. Lắm khi chúng ta sống èo uột chỉ vì không dám yêu thương, không dám hy sinh và không dám cho đi. Bắt đầu ra khỏi chính mình để sống yêu thương là bắt đầu thấy Chúa tỏ mình, thấy sự sống của Thiên Chúa bùng lên mạnh mẽ nơi chúng ta. Thế giới hôm nay đang cố làm cho cuộc sống được đảm bảo hơn, tiện nghi hơn và kéo dài hơn, nhưng con người vẫn sống trong lo sợ, nguy hiểm và may rủi rất cao do chiến tranh, khủng bố, tội ác, đói nghèo... cuộc sống bị héo úa vì không tìm thấy ý nghĩa. Thế giới đang đói khát sự sống đích thực. Nếu chúng ta thật sự là người đang sống trong Đức Giêsu Kitô, chúng ta có thể trao ban cho thế giới sự sống đó qua việc phục vụ trong tình yêu.
17.Khát khao gặp Chúa - Ioseph, Svd
Tự bản chất, con người luôn hướng lòng về Thiên Chúa và kiếm tìm Ngài. Vì Ngài là chính chân lý và hạnh phúc viên mãn mà con người hằng khao khát. Vì chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy những khoảng trống khao khát trong lòng con người. Lời Chúa hôm nay như gợi mở, giải đáp cho những khúc mắc thường gặp, cho những ưu tư và trăn trở khắc khoải trong hành chính tìm Chúa của chúng ta.
“Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Đã biết bao lần chúng ta khát mong gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, biết bao lần chúng ta kêu xin Chúa đến với chúng ta, cho chúng ta được gặp gỡ Ngài một cách thực sự và thâm sâu, nhưng chúng ta vẫn chưa gặp được Chúa, chưa nghe được tiếng Chúa, chưa nhận ra ý Chúa… Có thể nói hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra lời giải cho nỗi ưu tư của chúng ta. Đó cũng là chìa khóa để chúng ta mở ra cánh cửa cho Chúa đến, kiến tạo cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa cách thực sự thâm sâu. Đó là “yêu mến”. “Nếu ai yêu mến Thầy,… Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Chúa sẽ tỏ mình, sẽ mạc khải về Ngài cho chúng ta, sẽ thực sự gặp gỡ chúng ta khi và chỉ khi chúng ta biết mến yêu Chúa chân thành, tha thiết, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn. Mến yêu Chúa cách thực sự và trọn vẹn. Đó là điều kiện để gặp được Chúa, để những mong mỏi của ta được thành tựu. Vậy tôi phải yêu mến Thầy Giêsu như thế nào cho được…?
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.” Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách yêu mến Chúa rất thiết thực: giữ lời Thầy. Giữ lời Thầy hay nói khác đi là sống lời Thầy dạy, là thực hành Lời Chúa, để cho Lời Chúa triển nở sống động trong cuộc đời chúng ta, nên hơi thở của ta, nên máu thịt của ta… Đó là khi Lời Chúa đã thực sự được “cưu mang”, được nhập thể trong ta. Như thế, từng lời nói, cử chỉ, hành động, suy nghĩ của ta đều mang dáng dấp của Chúa và chính bản thân ta phản chiếu bóng hình Chúa. Vì tất cả được thấm nhuần giáo huấn của Chúa và đời ta thực sự có Chúa hiện diện. Khi người anh em của ta nhận ra Chúa nơi con người chúng ta, thì cũng khi ấy, chúng ta gặp gỡ được Chúa, thấy được Chúa hiện diện cách tỏ tường trong chính đời sống của mình, trong chính bản thân mình. Hơn thế nữa, khi giữ Lời Chúa dạy, Chúa ở lại trong ta và ta ở trong Chúa. Chúng ta được bước vào sự hiệp thông thần linh với Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì Chúa sẽ ban Đấng Bảo Trợ đến trong ta. Vì Chúa Cha ở trong thầy và Thầy ở trong Chúa Cha. Đó là cuộc gặp gỡ đích thực, thiêng liêng và cao quý. Khi chúng ta sống được như thế, Thiên Chúa đã tỏ mình và hiện hữu cách sống động và cụ thể trong cuộc đời chúng ta. Quay trở lại những vấn đề chúng ta đặt ra ở trên, chúng ta đã có thể trả lời cho câu hỏi: tại sao chúng ta khát khao, mong ước gặp gỡ Chúa mà chưa gặp được?
Lời Chúa hôm nay vang lên vừa nhắc nhở, vừa tạo cho chúng ta cơ hội nhìn lại mối tương quan của mình đối với Chúa, nhìn lại đời sống thiêng liêng của mình. Chúng ta muốn gặp gỡ Chúa, chúng ta đã yêu Chúa hay chưa? Chúng ta yêu Chúa, chúng ta có giữ lời Chúa hay không? Chúng ta theo đạo, nhưng chúng ta có giữ đạo hay không, có thực sự sống đạo hay không?...
Xin Chúa soi sáng và ban Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ mà Ngài đã hứa cho chúng ta, để Ngài giúp chúng ta nhận ra mình đang ở đâu trong đời sống đức tin, ở đâu trong hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Chúa, ở đâu trong cuộc lữ hành tiến về Nhà Cha, nơi có Chúa ngự trị và nơi chúng ta được ngắm nhìn vinh quang Thiên Chúa chẳng khi ngưng.
“Hãy ở lại trong Thầy.” Chúa vẫn hằng mời gọi chúng ta đến với Ngài và gặp gỡ Ngài. Hãy kiên trì cầu nguyện và hết lòng kiếm tìm Chúa trong sự yêu mến chân thành là sống Lời Chúa dạy. Chúa sẽ đến và ở lại trong ta. Chúa sẽ gặp gỡ ta và ở với chúng ta luôn mãi. Ngài sẽ không để chúng ta phải thất vọng bao giờ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam