Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 57

Tổng truy cập: 1361332

SỰ SỐNG THẦN LINH

SỰ SỐNG THẦN LINH

 

Nếu đặt câu hỏi: "Tại sao ông bà (anh chị) tham dự Thánh Lễ?", chúng ta sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau: nào là để gặp lại anh chị em Kitô hữu làm thành một cộng đoàn, hiệp nhất trong một niềm tin, nào là để cầu nguyện, để nuôi dưỡng đức tin, để lắng nghe Lời Chúa... Qua tất cả những câu trả lời này, chúng ta thấy rằng đi lễ đem lại rất nhiều lợi ích. Tốt! Nhưng chúng ta chưa đề cập đến điểm chính yếu của thánh lễ.

Thánh lễ là một bí tích, một hiện thực cứu độ trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta qua nghi thức phụng vụ. Chúa Giêsu nói: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ai bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống". Khi Chúa Giêsu nói về thịt Người làm lương thực, đó không phải là xương, thịt, gân cốt hoặc một phần thân thể nào đó, mà là toàn diện bản thân Người. Khi Chúa Giêsu nói đến việc cho máu của Người làm thức uống, không phải Người nói đến thứ chất lỏng màu đỏ mà là sự sống làm cho con người được sống. Nói đến mình và máu Chúa Giêsu tức là nói đến chính bản thân và sự sống của Người.

Chính bởi thân thể và máu của mình, Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử loài người. Thánh lễ là sự nhập thể luôn tiếp diễn. Thánh Tôma Aquinô có nói: "Thánh lễ là phép lạ lớn nhất của Chúa Giêsu".

Trong thánh lễ, chúng ta cử hành việc hiến mình của Chúa Kitô làm lễ dâng lên Chúa Cha, và cùng với Người, chúng ta dâng hiến bản thân của mình. Chúng ta dâng bánh và rượu, là hoa màu ruộng đất và cũng là thành quả lao động con người. Bánh và rượu là những thức ăn thuộc về con người. Do đó, khi dâng lên Chúa Cha bánh và rượu để trở thành mình và máu Chúa Kitô, chúng ta dâng lên Người những hoạt động chân tay và tinh thần, dâng lên Người đời sống của chúng ta với tất cả nỗi vui buồn. Kết hợp với hy lễ của Chúa Kitô, Chúa Cha làm cho của lễ này có tầm vóc thần linh và vĩnh cửu. Từ đó, bánh và rượu biểu tượng cho cuộc sống toàn diện của chúng ta. Tóm lại, bánh và rượu đại diện cho chính chúng ta. Trong đức tin, bánh và rượu này, tuy không thay đổi thành phần vật lý và hóa học, bấy giờ trở thành chính Chúa Kitô, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ là sự chuẩn bị cho hiệp lễ (communion, kommunion), hay nói một cách chính xác hơn, toàn thánh lễ trở thành hiệp lễ. Thánh lễ phát triển tác động của Chúa Kitô làm cho chúng ta trở thành thân thể huyền nhiệm của Người, tức là Giáo Hội. Vậy là chúng ta đã hiểu hiệp lễ quan trọng như thế nào: hiệp lễ tóm lược toàn bộ thánh lễ.

Nhiều lúc chúng ta không dám lên rước lễ vì nghĩ rằng mình không xứng đáng. Thực ra, rước lễ không phải là một công trạng hay phần thưởng cho những ai sống gương mẫu, thánh thiện. Rước lễ là một lương thực. Chúng ta hãy nhớ lại câu mà cộng đoàn đọc trước khi rước lễ: "Lạy Chúa, con chẳng (xứng) đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Qua câu nói này, điểm chính yếu không phải là việc nêu lên phẩm giá của mình, mà ngược lại, ý thức được rằng rước lễ không phải là một quyền lợi, nhưng là một ân huệ. Hơn nữa, thánh lễ không phải là một ân huệ trong số những ân huệ khác. Thánh lễ là chính Chúa, Đấng ban ân huệ. Khoảng cách giữa sự thánh thiện của Chúa và của chúng ta lớn đến mức không thể nào nêu lên vấn đề chúng ta có xứng đáng hay không để rước Chúa Kitô vào lòng.

Lời nguyện trên lập lại lời của viên sĩ quan đã không dám tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình: "nhưng xin Ngài phán một lời" (Lc 7,7). Trong Chúa Giêsu, Lời và bản thân Người chỉ là một. Để ý đến lời mời của Chúa Giêsu "Hãy cầm lấy mà ăn" quan trọng hơn là việc tìm kiếm phẩm cách của chúng ta.

Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ. Ngoài vấn đề những người bị vạ tuyệt thông hoặc phạm tội nặng không được rước lễ, có thể vào lúc rước lễ, chúng ta cảm thấy thực sự chưa sẵn sàng trong tâm hồn để tiến lên đón nhận Mình thánh Chúa. Rước lễ là một cử chỉ biểu hiện đức tin cao độ, vì thế phải cố gắng làm sao tránh rước lễ một cách máy móc và nhàm chán.

Tuy nhiên, cử hành thánh lễ mà không thể rước lễ là một thái độ đáng tôn trọng. Đức Cha Jacques Jullien, trong tác phẩm "Demain la famille" (Gia đình ngày mai) đã viết: "Có một số người không thể rước Chúa một cách trọn vẹn, đó là nỗi khổ của họ. Nhưng họ có thể rước Lời Chúa, kết hiệp với Chúa, với nhiệm thể của Người là Giáo Hội và hoạt động theo ân huệ của họ".

Khi chia sẻ tấm bánh duy nhất, Chúa Kitô thực hiện ý muốn của Người là làm cho chúng ta thành một thân thể, thân thể của chính Người. Rồi Người sai chúng ta đến với anh chị em. Chúa cần và mong chờ chúng ta xây dựng một thế giới công bằng và bác ái.

Ước gì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn kết hiệp với Thiên Chúa và kết hiệp với nhau. Amen.

 

25.Thánh Thể, lương thực của tình yêu Thiên Chúa--Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

I. Dẫn vào Phụng vụ Thánh Thể

Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô ra sắc dụ lập lễ kính Thánh Thể trong toàn Giáo Hội mà chúng ta mừng kính hôm nay, đó là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Mục đích của việc thiết lập lễ này là để long trọng tạ ơn Chúa Giêsu Kitô đã dùng quyền năng siêu việt mà lập Bí tích Thánh Thể để ban bánh trường sinh cho nhân loại.

Trong ngày lễ trọng tôn vinh Mình Máu Thánh Chúa Kitôhôm nay vốn được gọi là bí tích Tình yêu: Thánh Thể, tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; Thánh Thể diễn tả mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh để mời gọi Kitô hữu sống tình bác ái huynh đệ.

II. Thánh Thể, Tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô:

Trong bài đọc thứ nhất trích sách Đệ Nhị Luật, kể lại dân Itrael sau khi rời đất Ai Cập đã lâm vào tình cảnh đói khát, liền kêu than với Môsê. Môsê vừa trình bày thì Chúa tỏ lòng thương dân bằng cách cho bánh Manna từ trời rơi xuống, cho nước từ tảng đá vọt ra, dân hết đói hết khát trong suốt thời gian rong ruổi trong sa mạc.

Bài Tin Mừng trong Thánh Lễ hôm nay, Thánh Gioan đặt bài diễn từ dài của Đức Giêsu về bánh sự sống vào phép lạ hoá bánh ra nhiều (Ga 6, 35-58). Bài diễn từ này gồm 2 phần. Phần thứ nhất gồm các câu 35-50, phần thứ hai gồm các câu 51-58. Trong phần thứ hai này diễn từ về chủ đề Thánh Thể được Chúa Giêsu làm nổi bật khi liên kết bánh hằng sống với thịt và sự sống của Người, để làm nên lời loan báo và hình dung trước về mầu nhiệm Thánh Thể mà Người sẽ thiết lập.

Khởi từ nguồn mạch tình yêu của Chúa Cha, Chúa Giêsu đến để công bố và trao ban tình yêu ấy cho nhân loại. Cho nên mọi hành vi và lời nói của Người đều thể hiện một mục đích duy nhất ấy. Chúa giảng dạy vì thương con người đi trong u mê lầm lạc của tội lỗi cần được khai sáng; Chúa chữa lành vì thương muốn giải thoát bệnh nhân khỏi gánh nặng của đau khổ; Chúa hóa bánh ra nhiều vì thương, Chúa muốn cho người đói khát được no nê. Và trên hết Người đã dâng hiến chính bản thân mình, chính máu mình như lời Người dạy: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống.Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (cc54 - 56). Lương thực này tặng hiến cho nhân loại để họ được sống và sống dồi dào như lời hứa của chính Người. Để thể hiện lời hứa, Người đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại để nuôi sống thể xác lẫn tâm hồn, cùng với đời sống tâm linh của dân Người. Sự dâng hiến xác thân của Con Thiên Chúa được gọi là Bí tích Thánh Thể, đó là sự dâng hiến tình yêu cho đến tận cùng của Thiên Chúa qua Người Con Một yêu dấu là Đức Giêsu Kitô.

Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn trao ban tình yêu của Thiên Chúa Cha cho chúng ta trong hiến tế Thánh Thể. Đón nhận Thánh Thể là đón nhận tình yêu của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, là sống mối tình của Thiên Chúa, để rồi sẽ trải lòng ra yêu thương mọi người.

III. Thánh Thể mời gọi Kitô hữu sống hiệp thông và bác ái huynh đệ:

Khi các môn đệ đề nghị Chúa Giêsu giải tán dân chúng để họ đi tìm kiếm thức ăn thì chính Người đã nói với các ông: “Các con hãy cho họ ăn đi”. Điều này cho thấy Chúa Giêsu muốn mời gọi sự cộng tác của con người vào trong công việc của Người. Trong Bí tích Thánh Thể cũng thế, Mình Thánh Chúa được biến đổi từ chính của lễ do con người dâng hiến là bánh và rượu, là hoa màu ruộng đất, là sản phẩm của cây nho và lao công của con người. Xin dâng lên để bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa.

Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (Lumen Gentium). Vì thế, Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Tiệc Thánh Thể là cuộc họp mặt của các tín hữu. Cộng đoàn phụng vụ hiện diện, mặc dù, bao gồm nhiều thành phần đa dạng, nhưng với tiệc Thánh Thể chúng ta trở nên duy nhất trong Chúa Kitô. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Do đó còn gì gần gũi hơn, thân thiết hơn khi trong chúng ta đều luân lưu một của ăn và một thức uống, đều có chung một nguồn sống là Chúa Kitô. Nhưng từ đó, nguồn suối mang sự sống của Chúa Kitô cũng phải được chuyển thông cho anh chị em đồng loại của mình. Thế giới chung quanh ta ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tiên tiến; nhưng thống kê của cơ quan lương thực thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết mỗi ngày có khoảng 400.000.000 người phải đi ngủ với bụng đói, không có gì để ăn và 15.000 người phải chết đói hàng ngày. Những người này cần được thương xót tinh thần lẫn vật chất, cần có cơm ăn, áo mặc, cần có nơi cư trú, cần tình thương, cần nâng đỡ ủi an. Vậy “hãy thương xót như Cha trên trời”.

Để thể hiện tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại, người tín hữu hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến đốt cháy lửa mến yêu trong lòng chúng ta, để chúng ta nhận ra chúng ta đói khát Mình Chúa và Lời Chúa, là quà tặng vô giá Chúa ban cho nhân loại. Và xin Chúa Thánh Thần đào luyện con tim chúng ta trở nên con tim biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu, để chúng ta cũng trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người.

Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu trở nên giống Chúa mỗi ngày một hơn nhờ việc tham dự vào tiệc Thánh Thể, cũng như qua việc được chia sẻ sự sống của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con được lớn lên, được trưởng thành trong đức ái, sẵn sàng đóng góp phần của mình để phục vụ anh chị em, để rồi trong cuộc đời lữ hành trần gian chúng con sẽ được no đủ và vững bước tiến về quê trời mà không lo sợ phải mệt lả dọc đường.

 

26.Bí tích Thánh Thể--Phêrô Trần Đình Phan Tiến

Sự sống nhân thế hệ tại ăn và uống, uống ăn, ăn uống cứ quẩn quanh và sinh ra rất nhiều phiền toái. Ăn thế nào cho ngon, cho sang, cho bổ, cho khỏe. Đó là công việc của nhân thế, thế nhân thường sử dụng lời nói “làm ăn”. Làm lụng vất vả để có cái ăn, điều ấy thật tốt lành, “cũng như lao động là vinh quang”, dùng sức lao động tạo ra cái ăn là vinh quang.

Từ đầu sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng nên con người, chưa cần làm lụng vẫn có cái ăn. Qủa thật là thiên đàng, nhưng rồi vì án phạt con người phải làm lụng vất vả mới có cái ăn, cuối cùng con người phải “chết”. Vì thân xác con người đã mang án phạt, nên con người phải chết, nghĩa là cái ăn của trần thế chỉ mang lại sự sống nơi thế gian, cho dù nhân thế có ăn uống cao lương mỹ vị, sơn hào hải sản quý đến đâu đi nữa, con người cũng không thể duy trì sự sống trên trần gian, như vậy tại sao con người phải chết? rõ ràng là án phạt nguyên tổ. Như vậy nhân thế chờ mong điều gì nơi Đấng Tạo Thành. Há chẳng phải là ơn cứu độ sao? Ơn cứu độ để làm gì? Há chẳng phải là để được sống và sống muôn đời sao?

Sống muôn đời mà phải làm lụng vất vả, tìm kế sinh nhai, lao động là vinh quang vì cái ăn, thì sống đời đời để làm gì? Có khác gì với đời sống thế trần đâu?

Như vậy ăn uống luôn gắn liền với sự sống của con người, ngay cả khi họ chết rồi, họ cũng được thân nhân cúng cơm, cúng nước và cúng giỗ hằng năm. Cái ăn, cái uống không thể tách rời nhân thế khi sống ở thế trần hay khi về âm phủ, chầu âm ty.

Thật đáng thương cho nhân thế, nếu không có lương thực vĩnh cửu, trường tồn, thì họ chỉ biết lấy cái ăn làm chuẩn mực cho cuộc sống trên dương thế cũng như âm phủ. Triết lý sống trần thế chỉ có thế thôi!

Nhưng, “Thiên Chúa đã yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài cho thế gian, để ai TIN vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Như vậy rõ ràng, Thiên Chúa không bỏ mặc thế gian. Thiên Chúa đã ban sự sống từ Thiên Chúa cho thế gian một lần nữa, sau lần sáng thế. Nhưng sự sống nơi Thiên Chúa được trao ban qua Con MỘT của Ngài là Đức Kitô Giêsu. Chỉ có đấng từ trời mới ban cho Lương thực bởi trời, tức là Thần Lương, Thần Lương tức không còn là lương thực tự nhiên như cơm bánh, nước và rượu nữa, vì những thứ đó tự bản chất không phải là Thần Lương. Thần lương tức lương thực siêu nhiên, chỉ ăn một lần mà sống mãi, đó là Niềm TIN. Thật vậy, khi nhân thế chỉ TIN vào Đấng cứu thế Giêsu một lần là đủ cho họ, nhưng niềm tin cũng cần nuôi dưỡng để nó lớn lên và trưởng thành, như vậy, chúng ta cần kết hiệp với Đấng Cứu thế thường xuyên, liên tiếp khi nào có thể, để Thần lương huyền nhiệm vì tình yêu sẽ nâng đỡ chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc, cho đến khi chúng ta được Chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay, được Đấng Giêsu Kitô quả quyết cách xác thực chính Thần Lương từ trời là “THỊT và MÁU” của Người, nghĩa là phần nhân tính hữu hình của Đấng thiên sai không phải là sự hư nát, tiêu hao như phần nhân tính của phàm nhân. Bởi vì, Người là Thiên Chúa, ăn THỊT và uống MÁU Chúa Giêsu là Tin tuyệt đối vào mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm Người, ở giữa nhân loại. Sự sống Người mang đến cho nhân loại là mầu nhiệm nhập thể và làm Người cùng với phần Thiên tính là Thiên Chúa của Người. Bí tích Thánh Thể không thể hiểu theo nghĩa hẹp, khi Chúa Giêsu còn ở trần gian, mà là khi Người đã hoàn tất mầu nhiệm cứu độ. Mầu nhiệm cứu độ bao gồm sự nhập thể – nhập thế làm Người, tử nạn và phục sinh. Bánh và rượu thánh không mang lại sự cứu độ vì nó không phải là Thần Lương, nó không cho sự sống trường sinh, ví nó là phương tiện hữu hình của trần gian. Không có giá trị nào thay thế THỊT và MÁU Chúa Giêsu được. Vì chính Thân Thể hữu hình “ấy” được treo lên, thì THỊT và MÁU “ấy” sẽ trở nên Thần Lương CHO NHỮNG AI TIN VÀO NGƯỜI LÀ THIÊN CHÚA.

“Vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” (c 55), chứ không phải bánh và rượu là của ăn và của uống nữa. Thịt và Máu của Chúa Giêsu chính là lương thực đích thực nuôi sống nhân thế đời đời và những ai đón nhận thì không hề đói khát, vì Thần lương vĩnh hằng chính là Thiên Chúa duy nhất. Đến đây, xin nhớ đến linh hồn thân phụ tôi, người mà luôn thì thầm bên tai tôi, mỗi khi tham dự Thánh lễ Misa, khi tôi còn thơ ấu.

Khi linh mục đọc lời truyền phép và dâng bánh lễ lên: Thầy cả làm gì khi dâng bánh? Thầy cả lấy dĩa thánh có bánh lễ dâng lên, bánh ấy trở nên Mình Thánh Đức Chúa Giêsu. Thầy cả làm gì khi dâng rượu? thầy cả rót rượu nho vào chén Thánh, rượu nho trở nên Máu Thánh Đức Chúa Giêsu và một chút nước lã,hai chất ấy chỉ Máu và Nước bởi cạnh nương long Chúa đã chảy ra khi Người chịu treo trên cây Thánh Giá. Thầy cả rửa tay thì kẻ giúp làm gì? Kẻ giúp đổ nước trên ngón tay thầy cả để chỉ lòng ăn năn sám hối, ta cũng phải rửa linh hồn ta cho sạch và ăn năn thảm thiết về tiền khiên ta đã phạm, để xứng đáng dâng thánh lễ cực trọng nầy.

Như vậy, bánh và rượu là hình thức tượng trưng cho THỊT và MÁU Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ trời mà đến, đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin và đón nhận và làm no thỏa mọi khao khát của nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, con tin vào Chúa, xin Chúa trợ giúp lòng tin yếu kém của con. Amen.

 

27.Bánh Hằng Sống--Lm. Trầm Phúc

Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là kho lương thực của Giáo Hội, là sự sống, là kho tàng vô giá. Vì chính Chúa tự trao ban Thịt Máu Ngài cho chúng ta làm của ăn. Hằng ngày, chúng ta vẫn ăn lấy Chúa, nhưng Giáo Hội muốn nhắc cho chúng ta nhớ đến Bí Tích quan trọng nầy một cách đặc biệt hơn, vì lắm khi, vì quen thuộc chúng ta không còn để ý đến hồng ân tuyệt diệu nầy của Chúa. Thói quen bào mòn mọi sự. Những gì quan trọng trở nên quen thuộc và không còn hấp dẫn.

Chúa Giêsu tuyên bố một cách rõ ràng không tránh né: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Đây không phải là bánh của trần gian mà là bánh từ trời xuống. Bánh đó là bánh gì? Ngài nói rõ: “Và bánh tôi ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Và Ngài lại thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Những lời nói không ai có thể hiểu, Vì thế, những người Do thái nghe vậy đã sừng sộ và phản đối kịch liệt. Ăn thịt và uống máu người ta là một điều không thể chấp nhận được đối với người Do thái. Chúng ta cũng không thể chấp nhận. Những kitô hữu đầu tiên đã bị những người chung quanh gọi họ là những kẻ ăn thịt người. Thế nhưng Chúa Giêsu không đính chính.

Trong bữa Tiệc Ly, Ngài mới thực hiện những gì đã nói. Trong bầu không khí trang trọng và thâm trầm đó, Chúa Giêsu cầm bánh lên và nói những lời không thể tưởng tượng được: “Nầy là Mình Thầy…Hãy cầm lấy mà ăn.” Lời trao gởi ấy, lệnh truyền ấy là của Thiên Chúa. Tấm bánh ấy đã trở thành thịt của Thiên Chúa làm người.

Con người chúng ta nhỏ hèn, Thiên Chúa đã tìm một phương thế để tiếp cận chúng ta. Ngài đã dùng một phương tiện rất đơn thường hợp với con người xác thịt của chúng ta và đi thật sâu vào chúng ta. Thịt Máu Ngài hôm nay là Thịt của một Thiên Chúa nhập thể, nhưng đã sống lại vinh quang, là Bánh ban sự sống.Ngài là Thiên Chúa hằng sống. Ngài muốn và đòi buộc chúng ta phải ăn lấy Ngài để có sự sống: “Ai không ăn Ta người ấy không có sự sống”. Ngài mượn lấy một hình thức hết sức khiêm tốn, một tấm bánh nhỏ, nhưng Ngài vẫn là Thiên Chúa quyền năng và vì Ngài là Đấng quyền năng tuyệt đối, Ngài có thể sử dụng mọi hình thức để thực thi ý muốn yêu thương của Ngài.

Hạnh phúc cho chúng ta biết bao vì chúng ta được yêu thương đến mức độ tuyệt đối như thế! Thiên Chúa trở thành thân cận đến mức tối đa. Thiên Chúa trở thành một của ăn. Thánh Gioan nói: “Điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”, chúng ta còn đi xa hơn. Chúng ta đã được nếm, được ăn, được nuốt vào người, đó là Thịt Máu Con Thiên Chúa hằng sống.

Đó chính là mầu nhiệm nhập thể được tái diễn trong chúng ta. Trèo cây nào có thể đến với Thiên Chúa? Con người không thể vươn tới Thiên Chúa, Thiên Chúa đã xuống thấp, thật thấp để gần với con người. Không những gần mà ở trong, thành một xương một thịt. Điều mà tình yêu nhân loại mơ ước mà không thể thực hiện, Thiên Chúa đã thực hiện bằng cách nhập thể, bằng cách trở thành của ăn. Thiên Chúa đã sử dụng một phương tiện thông thường nhất để thực hiện một điều cao cả nhất.

Trong Thánh Thể, chúng ta nhìn thấy sự nhỏ hèn của Thiên Chúa vừa nhìn thấy quyền năng tuyệt đối của Ngài. Thật đáng tôn thờ, Đấng cao cả tuyệt vời đã trở thành nhỏ bé nhất! Chúng ta có nhìn thấy tình yêu Chúa trong tấm bánh nhỏ đó không? Con mắt phàm trần của chúng ta vẫn không thể thấy được nếu không được Thánh Thần soi sáng. Đứng trước tình yêu lạ lùng của Chúa, tình yêu loài người chỉ là hình bóng nghèo nàn mờ nhạt. Có ai đã trở thành một với người mình yêu? Có ai một xương một thịt với người mình yêu? Trong tình yêu nhân loại, trong lúc người ta tưởng đã đạt đến sự hiệp nhất thì chỉ trong một khoảnh khắc, người ta rơi lại trong sự bất lực của mình. Con người mãi mãi là tuyệt vọng vì sự nhỏ hèn của mình. Điều gì con người không làm được Thiên Chúa vẫn làm được. Ngài trở nên một với chúng ta nhờ một cách nhập thể mới là trở thành của ăn. Ăn lấy Ngài, nuốt lấy Ngài, chiếm đoạt lấy Ngài. Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời, chúng ta có biết không? Chúng ta ăn, không phải một ấm bánh mà là Chúa chúng ta, một Thiên Chúa trở thành nhỏ bé, một Thiên Chúa hoàn toàn dưới quyền sử dụng của chúng ta, một Thiên Chúa nhập thể để trở thành xương thịt chúng ta. Mầu nhiệm thật lạ lùng, thật cao cả! Thiên Chúa thật đáng tôn thờ nhưng thật đáng yêu! Chúng ta có thể đến với Chúa mà không ngại ngùng. Không gì ngăn cản chúng ta khi Chúa tự mình đến với chúng ta trong sự nhỏ hèn khiêm tốn. Bà Marie Noel nói về Chúa Giêsu Thánh Thể: “Tôi sợ con người chứ tôi không sợ một tấm bánh”.

Chúng ta có yêu mến Chúa không? Nếu yêu mến Chúa thì hãy đến ăn lấy Ngài, Ngài đã muốn và đã buộc như thế: “Ai không ăn thịt và uống Máu Con Người người đó không có sự sống nơi người đó”. Ăn lấy Thiên Chúa của mình không là một việc cao cả lắm sao, nhưng lại là một việc dễ nhất, vừa tầm chúng ta, đơn thường nhất. Chiếm hữu Thiên Chúa để Ngài thuộc về chúng ta là một điều không ai có thể nghĩ tới, nhưng lại là một điều thông thường như ăn cơm. Và điều đó mang lại cho chúng ta sự sống, không chỉ là sự sống vật chất mà sự sống vĩnh cửu, sự sống trong Chúa.

Chúa nói: “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, người ấy sống trong Ta và Ta sống trong người ấy”. Chúng ta đi từ niềm vui đến hạnh phúc. Chúa Giêsu đến trong chúng ta, sống cuộc sống của chúng ta trong chúng ta. Còn hạnh phúc nào bằng? Một bà đạo đức đến gặp một linh mục và nói: “Thưa Cha, con khổ quá, con không thể chịu nổi nữa”. Linh mục đáp: “Bà vừa rước Chúa phải không? Chúa đang đau khổ với bà đấy. Đừng sợ, hãy cùng với Ngài chấp nhận đi, Chúa sẽ thay bà gánh chịu mọi đau khổ của bà”. Bà ấy đã bình an trở về và đã tìm được can đảm. Đa số chúng ta không hiểu được hạnh phúc được sống với Chúa. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không phải tôi mà Chúa Giêsu sống trong tôi”. Ngài đã sống với Chúa, đã để cho Chúa sống trong Ngài và đã chấp nhận bao nhiêu khổ cực và cả sự chết vì Chúa trong niềm vui. Ăn lấy Chúa, chúng ta trở thành một Giêsu mới, một Giêsu đang sống hôm nay, đang nhận lãnh bao nhiêu khổ cực của cuộc sống hôm nay. Chúa Giêsu đang lầm than nuôi sống gia đình... Chúa Giêsu đang lao động để làm cho cuộc đời đẹp hơn... Ngài mượn con người chúng ta để tiếp tục cuộc nhập thể của Ngài cho đến tận thế. Nhưng chúng ta không sống thực sự huyền nhiệm nhập thể đó. Chúng ta không dám cho Ngài cuộc đời chúng ta, thân xác chúng ta, trí khôn chúng ta để Ngài tiếp tục công trình cứu chuộc của Ngài. Chúng ta sợ mất mát. “Ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm được”. Nhưng chúng ta không dám liều. Chúng ta chưa dám nhìn nhận tình yêu và quyền năng của Ngài. Chúng ta không dám như thánh Phaolô, đành mất mát tất cả để chiếm được Chúa Giêsu. Chúng ta không dám yêu Ngài. Yêu là sống chết với người yêu và cho người yêu. Chúa đã dám còn chúng ta thì ngại ngùng. Chúng ta nặng nề trong thân xác chúng ta. Ngài biết như thế và chính Ngài mời gọi: “Hãy đến với Ta những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Thịt Máu Chúa là một của ăn bồi dưỡng, tăng sức cho những tâm hồn yếu đuối như chúng ta. Chúng ta cần ăn lấy Chúa để chính Chúa trở nên sức mạnh cần thiết để chúng ta sống như Ngài và yêu mến Ngài trọn vẹn hơn.

Hôm nay, chúng ta có dịp để tôn thờ, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể đặc biệt hơn. Hãy đến ăn lấy Chúa với một tâm hồn thật tình hơn và sống với Chúa tha thiết hơn. Không những hôm nay mà tiếp tục để “hôm nay hơn hôm qua và ngày mai hơn ngày hôm nay”.

 

28.Suy niệm của Lm Trầm Phúc

Không ai có thể tuyên bố một cách thẳng thừng như Chúa Giêsu: “Tôi là bánh bởi trời xuống. Ai ăn bánh nầy sẽ được sống muôn đời. Và bành tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Một lời tuyên bố thẳng thừng không úp mở. Nếu chúng ta có mặt lúc bấy giờ, chúng ta có ngạc nhiên không? Người Do thái ngạc nhiên và tranh luận với nhau: “Làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông được?” Họ ngạc nhiên là phải, vì lời tuyên bố đó quá lạ lùng! Vượt xa tất cả những gì người ta có thể tưởng tượng. Trước sự ngạc nhiên của đám đông, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”. Khi nói tôi bảo thật các ông, là một cách xác quyết mạnh mẽ nhất của người Do thái, Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng những gì Ngài nói là sự thật. Chúa muốn dẫn họ đến đâu? Ngài muốn đưa họ đi từ ngạc nhiên đến niềm tin. Tin vào một mình Ngài vì chỉ có Ngài mới là sự sống thật, vì chỉ có Ngài là Thiên Chúa, là Đấng được sai đến để mang lại sự sống cho con người.

Trước khi tuyên bố những lời lạ lùng đó, Chúa Giêsu đã làm những phép lạ cả thể trước đám dân chứng tỏ Ngài là Đấng phải đến, Đấng mọi người đang trông đợi: Ngài chữa lành người bất toại ở hồ Bêdatha, và đứa con của viên sĩ quan cận vệ nhà vua. Hơn nữa, Ngài đã nuôi hơn năm ngàn người với năm chiếc bánh và hai con cá và họ vừa muốn tôn Ngài làm vua đó sao? Những phép lạ đó vẫn còn rành rạnh trong trí của đoàn dân nầy. Bao nhiêu đó không đủ dể chứng minh cho Ngài sao? Nhưng họ vẫn không thể nào tin được. Họ chỉ tìm Ngài để được ăn no thôi. Con người vật chất vẫn che khuất con người linh thiêng! Còn chúng ta, chúng ta có tin không? Những lời đó hôm nay vẫn được lặp lại nơi bàn thờ, và chúng ta được mời dự vào bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa, và chúng ta có tin thật không? Đức tin của chúng ta mong manh quá! Biết bao nhiêu lần, chúng ta đã ăn lấy Bánh Hằng Sống, là Thịt và Máu Thánh Chúa, đức tin của chúng ta không tiến triển được bao nhiêu. Có lẽ con mắt phàm trần chúng ta thấy được dấu chỉ bánh rượu, nhưng con mắt tâm hồn chúng ta vẫn chưa sáng được để nhận ra Chúa thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Chúng ta chưa thật lòng tìm Chúa.

Chúa Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta tin vào Chúa trong Bí Tích Thánh Thể. Chính Chúa Thánh Thần mới mở được con mắt tâm hồn chúng ta để chúng ta tin thật. Ai cũng dám nói rằng, con tin thật Chúa ngự trong bí tích Thánh Thể, nhưng trong thực tế chúng ta vẫn còn rất mù mờ. Thánh Gioan Maria Vianey đã từng nói: “Nếu ai biết Thánh Thể là gì, người đó sẽ chết ngay, vì quá vui mừng”. Đúng thế, vì đó là dấu hiệu của một tình yêu không thể nào có trong thế gian. Thiên Chúa đã đến với chúng ta, mang lấy hình thức một tấm bánh để chúng ta ăn lấy Ngài, sống làm một với Ngài. Ngài sống thực sự trong xương thịt chúng ta, trở nên một xương một thịt với chúng ta. Có cái gì trên trần gian nầy có thể so sánh được không? Có mối tình nào làm cho chúng ta tan biến trong người yêu như Chúa tan biến trong chúng ta không? Tình yêu chân thật là như thế đó. Yêu là muốn nên một với người mình yêu. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài là chủ muôn loài. Ngài sử dụng quyền năng của Ngài để thực hiện ý muốn tình yêu của Ngài. Chỉ có việc ăn uống mới có thể làm cho chúng ta hoàn toàn ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Chỉ có Ngài mới đạt tới đỉnh tình yêu đó.

Đây là “mầu nhiệm đức tin”. Là một mầu nhiệm thì làm sao chúng ta có thể hiểu được một cách đầy dủ được? Chúng ta chỉ tin thôi, tin vào chính lời Chúa chứ không chỉ là lời của một con người. Biết bao nhiêu nhà thần học đã tìm cách giải thích về sự hiện diện của Chúa trong bí tích thánh nầy, và đã giúp cho chúng ta tin và yêu mến Chúa Giêsu trong bí tích nầy, nhưng vẫn chưa đủ, nếu chúng ta không cố gắng tìm mãi và cầu xin liên lỉ để được niềm tin cần thiết.

Tin vào Thánh Thể là tin vào tình yêu tuyệt đối của Thiên Chúa, một tình yêu không phai tàn, không giảm sút và luôn tràn đầy đến kinh ngạc, một tình yêu hi sinh đến tận cùng. Chúng ta được yêu đến như thế, chúng ta đáp trả thế nào? Với tất cả niềm tin, với tất cà sức lực? Phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự… Tình yêu của chúng ta đã đến mức độ nào? Hãy vui mừng vì chúng ta được yêu, hãy yêu mến trước hết bằng cách cố gắng đến ăn lấy Chúa càng nhiều càng tốt để Ngài dẫn chúng ta vào tình yêu của Ngài. Hãy để Ngài dìu chúng ta đi, đừng cản trở những hoạt động của Ngài bằng những ước muốn riêng tư, nhưng luôn nhìn vào Ngài và tuân theo những chỉ dẫn của Ngài. Chúng ta sẽ được biến đổi trong Ngài và sẽ được sống trong Ngài không ngơi. “Ai ăn Ta sẽ được sống trong Ta và Ta sẽ sống trong người ấy”.

 

29.Hồng ân Thánh Thể--Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Từ ngày tổ tông loài người sa ngã phạm tội, tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt hoàn toàn, loài người phải xa lìa Thiên Chúa và phải mang án phạt đời đời.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không đành để cho loài người phải đắm chìm trong đau khổ và sự chết do tội lỗi gây ra, nên đã tìm cách cứu vớt loài người khỏi vòng oan nghiệt đó.

Thế là Thiên Chúa lập nên một phương thế thần diệu để cứu độ con người. Phương thế này là Bí tích Thánh thể. Qua Bí tích cực trọng này, Thiên Chúa nhắm đến ba mục tiêu quan trọng sau đây:

1. Xóa bỏ tội lỗi con người.

2. Kết hợp nên một với con người và ở với họ mọi ngày cho đến tận thế.

3. Thông ban Sự Sống viên mãn của Thiên Chúa cho loài người.

Đây là ba hồng ân vô cùng cao quý, trỗi vượt trên mọi hồng ân khác.

Vậy thì Bí Tích Thánh Thể là gì mà có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời đến thế?

Có thể trả lời vắn gọn như sau: Bí Tích Thánh Thể, thường được gọi là Thánh Lễ, là việc Chúa Giê-su hiến dâng thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê cách đây 2.000 năm và còn đang tiếp diễn qua các thời đại cho đến ngày tận thế (GLHTCG 1323,1366).

Nói khác đi, việc Chúa Giê-su dâng mình trên thập giá trên đồi Can-vê năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một (GLHTCG 1367).

1. Nhờ Thánh Lễ, Chúa Giê-su xóa bỏ tội lỗi và án phạt do tội gây ra.

Luật Chúa đã truyền: “Hậu quả của tội là sự chết” (Rm 6,23) [Ê-dê-ki-ên 18,20. Rm 5,12. Rm 6,23. Giacôbê 1,15]. Chiếu theo luật nầy, kẻ nào phạm tội thì người đó phải chết, trừ phi có ai chết thay cho họ. Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện làm Đấng chết thay.

Khi dâng mình làm lễ tế trên đồi Can-vê hôm xưa, cũng là khi dâng mình trong Thánh lễ hôm nay, Chúa Giê-su chịu đền tội và chịu chết thay cho người tội lỗi để họ được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời (GLHTCG 1365, 1366, 1367).

2. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su cho ta được kết hợp nên một với Ngài và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

Làm thế nào để cho con người được nên một với Chúa Giê-su?

Chúa Giê-su có một sáng kiến tuyệt vời: Ngài hiện diện dưới hình tấm bánh, dưới hình rượu để cho chúng ta được ăn Ngài, được uống Ngài. Và một khi đã ăn Chúa Giê-su, chúng ta được nên cùng máu thịt, cùng một thân mình với Chúa như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Thiên Chúa như đại dương bao la. Còn chúng ta như vũng nước nhỏ bên bờ đại dương. Khi ta rước Chúa vào lòng, ngăn cách giữa ta với Chúa không còn nữa: Ta được tan hòa vào Chúa như ao nước nhỏ tan hòa vào đại dương, nên một với đại dương, được nước đại dương làm cho trong lành.

3. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su ban sự sống của Ngài cho ta.

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.

Khi rước Mình Máu Chúa Giê-su, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, như bàn tay nối liền cơ thể. Nhờ đó, Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho ta, tựa như sự sống của thân mình chuyển thông cho bàn tay. Nhờ đó, chúng ta được mang lấy Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi thân mình chúng ta, như lời Chúa Giê-su xác nhận: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54)

Như thế, khi hiệp dâng Thánh lễ sốt sắng và trọn vẹn, chúng ta được hưởng cùng một lúc ba hồng ân vô giá:

- Được xóa bỏ tội lỗi;

- Được kết hợp nên một với Chúa Giê-su

- Và được tiếp nhận Sự Sống đời đời do Chúa thông ban.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa phải trả giá rất đắt, trả giá bằng cả cuộc đời và sinh mạng của Chúa để đem lại cho chúng con những ân huệ quá đỗi tuyệt vời này. Lẽ nào chúng con lại ngoảnh mặt quay lưng hay tỏ ra thờ ơ hững hờ với những hồng ân cao vời như thế?

Xin cho chúng con sớm nhận ra hồng ân vô giá nầy để ngày ngày siêng năng tham dự Thánh lễ để tận hưởng những ân huệ lớn lao.

 

30.Hồng ân Thánh Thể--Lm. Ignatiô Trần Ngà

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà

Không gì trên đời quý bằng sự sống. Dù có bị thiên tai mất hết ruộng vườn, tài sản, nhà cửa, tiền bạc, nhưng chưa phải chết thì vẫn còn may.

Được sống là một hồng phúc lớn nhất, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Theo nhà văn Jack London thì "thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết". Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Thế nên người ta thường nói: "Mạng sống quý hơn đống vàng".

Vì yêu thương con người trên hết mọi sự, nên Thiên Chúa muốn dành cho họ quà tặng cao quý hơn tất cả mọi quà tặng, đó là sự sống; nhưng Thiên Chúa không chỉ ban sự sống sinh vật mà còn thông ban cả Sự Sống của chính Thiên Chúa cho con người nữa.

Thông ban sự sống thần linh

Thiên Chúa Cha là Cội Nguồn của Sự Sống. Sự Sống bắt nguồn từ Chúa Cha. Người thông ban Sự Sống của Người cho Chúa Con (Chúa Cha nhiệm sinh Chúa Con). Chúa Giêsu xác nhận sự sống của Người từ Chúa Cha mà đến: “Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha” (Ga 6, 57)

Một khi nhận được sự sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu không giữ lại cho riêng mình, nhưng tìm cách thông truyền Sự Sống cao quý ấy cho nhân loại.

Bằng cách nào?

Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối để nên một với cây nho vườn.

Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.

Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giêsu thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giêsu.

Thế nên, Chúa Giêsu lập nên bí tích Thánh Thể, hiến ban Thịt và Máu Người, dưới hình bánh rượu, làm của ăn cho nhân loại, để cho những ai lãnh nhận Mình Máu thánh Người thì được nên một với Người, được ở lại trong Người: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy.”

Những ai “ở lại trong Chúa Giêsu và có Chúa Giêsu ở lại trong người ấy”, thì tất nhiên Sự Sống của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho người ấy.

Điều tuyệt vời là Sự Sống mà Chúa Giêsu thông ban, qua việc tiếp nhận Mình Máu Người, không phải là sự sống sinh vật có thể bị lụi tàn theo năm tháng mà là Sự Sống vĩnh cửu không bao giờ tàn phai.

“Đức Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 51)

“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6, 54)

Thế là thông qua việc ăn Mình và Máu Chúa Giêsu, con người được nên “cùng một thân mình, cùng một dòng máu” với Chúa Giêsu và do đó, Sự Sống thần linh của Chúa Giêsu sẽ được thông ban cho họ.

Khi thông ban Sự Sống của chính mình cho nhân loại, Thiên Chúa ban cho họ một hồng ân cao quý hơn hết mọi hồng ân, một quà tặng tuyệt vời trên tất cả mọi món quà.

Biến đổi con người thành Chúa Giêsu

Ngoài ra, khi tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu trong Bí Tích thánh thể, chúng ta còn được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lê-ô Cả khẳng định:

“Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy” (trích bài giảng của thánh Lê-ô cả giáo hoàng, trong bài đọc kinh sách ngày thứ tư, tuần 2 phục sinh)

Giáo huấn của Hội Thánh còn dạy cho biết nhờ tiếp nhận Mình Máu thánh Chúa Giêsu, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa:

“Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phê-rô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.” (trích bài giáo huấn cho các tân tòng tại Giê-ru-sa-lem trong bài đọc kinh sách ngày thứ bảy, tuần bát nhật phục sinh)

Lạy Chúa Giêsu,

Hồng ân Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu nhưng tiếc thay, nhiều người không nhận biết nên tỏ ra hững hờ.

Xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận hồng ân nầy với hết lòng cảm tạ tri ân.

 

31.Xin cho dài lâu--Lm. Đỗ Lực

Vào một ngày đẹp trời, một chiếc xe Limousine bóng loáng tự nhiên chạy đến và đậu ngay trước cửa nhà tôi. Một chàng trai trong mộng, một người dưng khác họ, bước xuống. Anh đi thẳng vào nhà và dìu tôi ra xe. Chúng tôi trực chỉ nhà thờ. Trước mặt cộng đoàn và linh mục, anh cầm lấy tay tôi và đọc: "Anh nhận em làm vợ và hứa giữ lòng chung thủy với em... để yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh." Lời gì mà êm ngọt quá! Lời hôn ước đó chỉ kéo dài mười lăm giây, nhưng dư âm còn vang vọng cả cuộc đời. Hôn ước như thấm vào từng thớ thịt đường gân. Tôi như run lên. Niềm vui truyền khắp thân thể. Tôi cảm thấy tê tê nơi đầu ngón tay và nơi tận con tim. Nỗi sung sướng chỉ nổi lên ít phút. Nhưng tôi đã phải trả giá bằng bao nhiêu mồ hôi, nước mắt.

Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hôn ước của chúng tôi giống giao ước của Chúa quá. Thiên Chúa đã cưới dân Do Thái. Chúa Giêsu đã chọn Giáo hội làm hiền thê. Chúa đã phải trả một giá quá mắc để hoàn thành một giao ước tuyệt vời. Chúa đã chết để giao ước thành sự thật. Chết đi để đem lại sự sống cho nhân loại. Cũng thế, tôi cũng phải "chết" đi mỗi ngày để cho tình yêu triển nở và gia đình vươn lên. Sự sống thăng hoa...

Sự sống vô cùng huyền nhiệm. Nhưng những gì đang xảy ra trong cuộc sống thường phủ che phần huyền nhiệm đó, đến nỗi con người dễ lãng quên hay đánh mất khả năng khám phá độ sâu của sự sống.

Hôm nay Chúa Giêsu muốn mạc khải một huyền nhiệm còn sâu hơn huyền nhiệm của sự sống tự nhiên. Đó là sự sống Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động mãnh liệt trong trần gian. Không dễ gì nhìn được sự huyền nhiệm siêu việt đó.

Làm sao có thể moi lên tự cõi thẳm sâu của cuộc sống một giá trị và ý nghĩa lớn lao như những thực tại Chúa mạc khải hôm nay? Thực tại đó hoàn toàn bị che dấu và đã gây kinh ngạc cho mọi người. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chúa Giêsu trở thành thịt và máu nuôi sống muôn dân trong hiện tại và tương lai vĩnh hằng (x. Ga 6:53-54).

Trước hết, có thực trong Thánh Thể, Chúa thực sự hiện diện bằng xương thịt như khi Chúa còn sống nơi trần gian không? Không! Vì sự hiện diện ấy luôn mang tính bí tích. Nói khác, sự hiện diện nóng bỏng đó vẫn bị một lớp vỏ bất động là bánh rượu che phủ bên ngoài. Tuy thế, cũng không thể nói sự hiện diện đó chỉ có ý nghĩa biểu tượng.

Vậy Chúa Giêsu có ý gì khi quả quyết: "Đây là mình Thầy. Đây là máu Thầy"(Mt 26,26-28)? Phân tích cú pháp công thức truyền phép, người ta thường khẳng định có Chúa hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Thực tế, trong công thức truyền phép đó, động từ "là" không loại trừ ý nghĩa biểu tượng (x. Ed 5,5). Không thể thuyết phục người ta tin nhận thực tại Thánh Thể, qua những cấu trúc ngữ pháp.

Vậy căn cứ vào đâu để có thể quả quyết Chúa Giêsu hiện diện đích thực bằng Huyết Nhục trong Thánh Thể? Nên nhớ, chính Chúa đã quả quyết Thánh Thể là một giao ước mới (x. Lc 22,19-20). Theo văn hóa Sêmít, muốn lập giao ước, đòi phải có lễ vật thực sự. Nếu chỉ có những dấu chỉ hay biểu tượng của những lễ vật đó, không thể lập giao ước (x. St 15,9-18; Xh 24,5; New Catholic Encyclopedia 2003:5, 411). Theo kinh nghiệm bản thân, tôi cũng thấy cả hai đứa chúng tôi phải là những con người thật, hôn ước mới thành sự. Tôi không thể cầm lấy tay của một tượng đồng hay gỗ để nói lời hôn ước. Dù tượng đó bằng vàng hay kim cương cũng chẳng giá trị gì đối với lời hôn ước của tôi. Tương tự, nếu Chúa Giêsu không hiện diện thực sự, Thánh Thể không thể trở thành giao ước nối kết Thiên Chúa với nhân loại.

Giao ước này chắc chắn phải vượt xa giao ước trong Cựu ước và đưa tất cả những lễ xóa tội thời Cựu ước tới mức viên mãn (x. Nhóm Phiên Dịch Các giờ Kinh Phụng Vụ: Lời Chúa Cho Mọi Người, tr. 446). Vì là giao ước, Thánh Thể trở thành nơi Chúa Giêsu dâng hiến chính mình để vinh danh Chúa Cha và cứu độ toàn thể nhân loại. Sở dĩ Thánh Thể có một năng lực vô cùng lớn lao vì Thần Khí đã biến đổi Mình Máu con người phục sinh của Chúa Giêsu thành của ăn nuôi sống dân Chúa. Như thế, khi rước Mình Máu Chúa, con người đón nhận vào huyết mạch sự sống Thiên Chúa và trở nên một với Người. Như thế, Chúa không chỉ hiện diện trong Thánh thể, nhưng trong chính con người đã ăn thịt và uống máu Người. Sự sống con người được hòa nhập và trở thành một với Chúa (x. Ga 6,56-57). Không còn phân biệt đâu là Chúa, đâu là dân Chúa nữa (x. Ga 6,57).

Sự sống đó thấm sâu vào tận xương tủy và kéo dài đến đời đời. Chỉ có sự hiệp nhất viên mãn với Chúa mới có thể giúp tín hữu vượt qua những giới hạn cuộc sống và bảo đảm cho họ sống mãi trong cõi vĩnh hằng. Nếu lương thực bình thường còn đem lại sức mạnh, niềm vui và hạnh phúc, thì làm sao lương thực thiên thần lại không nhân lên ngàn lần những hiệu quả tốt đẹp tương tự?! (Our Sunday Visitor's Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. by Russell Shaw, p. 207: "Thánh Thể duy trì và tăng cường ân sủng trong người rước lễ; Thánh Thể có quyền tha tội nhẹ và làm cho con người vững mạnh để chống lại tội lỗi; Thánh Thể là niềm vui thiêng liêng cho những tâm hồn sốt sắng.") Bởi đó, Thánh Thể góp phần, nếu không nói là nguyên nhân, làm cho cuộc đời thêm tươi sáng.

Đó là những hiệu quả vô cùng lớn lao Thánh Thể có thể làm cho cá nhân. Nhưng không phải chỉ dừng lại ở đó. Thánh Thể còn có khả năng quy tụ tất cả tín hữu và làm cho họ trở thành một thực tại lớn lao trên thế giới hôm nay và tương lai (Our Sunday Visitor's Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. by Russell Shaw, p. 207: "Thánh Thể làm cho Giáo hội trở thành một cộng đoàn tín hữu, Dân Thiên Chúa, khiến Giáo hội thành toàn như thành đô Thiên Chúa, Giêrusalem mới."). Con mắt đức tin nhìn thấy những nét cực kỳ huyền diệu và sức mạnh vô song của Thánh Thể đang hoạt động trong cộng đoàn Dân Chúa và biến Giáo hội thành một chứng nhân và trung gian hòa giải giữa nhân loại.

Tất cả mọi năng lực Giáo hội đều nằm trong Thánh Thể. Nhưng không thể quên Thánh Thể là một giao ước. Đó là một sáng kiến của Chúa Giêsu, kết quả của một tình yêu nhưng không và vĩ đại. Nếu Chúa không quan tâm tới phần rỗi đời đời của chúng ta, nhất định Người đã không lập bí tích Thánh Thể. Nếu không có "bánh hằng sống," thế gian vẫn phủ màu tang tóc của thần chết và đầy những địch thù Thiên Chúa. Rất may Thánh Thể đã hiện diện để đem lại sự sống và phục sinh những gì đã tiêu vong trong biển trần gian.

Khi rước lấy Thánh Thể, Kitô hữu trở thành Thánh Thể giữa trần gian. Họ có mặt ở đâu, Thánh Thể hiện diện ở đó. Thật vậy, "tất cả bản tính nội tại của Giáo hội đều được mạc khải trong Thánh Thể. Khi tham dự các Mầu Nhiệm Thánh, các tín hữu trở thành ‘các người thân thuộc' của Chúa Kitô. Đồng thời, ngay từ bây giờ họ cảm nghiệm trước công cuộc thần linh hóa trong giao ước đang nối kết bền chặt thiên tính với nhân tính" (Gioan Phaolô II: Tông thư Orientale Lumen, 02/05/1995) Thật là tuyệt vời!

Không phải đợi tới đời sau mới thấy được công cuộc thần linh hóa kỳ diệu trong giao ước đó. Ngay từ bây giờ, giao ước đó đang tìm thấy bóng dáng của mình trong giao ước hôn nhân. Nói khác, giao ước đó củng cố và là mẫu mực cho giao ước hôn nhân. Nhưng để lập giao ước mới trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu phải đổ đến giọt máu cuối cùng (x. Mt 26,28). Chính vì thế, muốn giao ước hôn nhân tồn tại và sinh hoa kết quả, Kitô hữu cũng phải trả giá bằng chính cuộc sống đầy hy sinh. Làm sao có đủ đức tin để thấy được tất cả bản chất và vẻ đẹp của giao ước Thánh Thể trong giao ước hôn nhân hôm nay? Làm sao có thể xác định vị thế và vai trò của mình để biến giao ước đó thành hiện thực trong gia đình cũng như ngoài xã hội? Khi rước lễ, họ làm mới lại giao ước giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Khi sống đời gia đình, họ làm cho giao ước mới ngày càng mới hơn.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tin tưởng vào giao ước Chúa đã ký kết bằng Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, để mỗi ngày con càng trở nên giống Thánh Thể hơn. Amen.

 

32.Sức sống dâng trào --“Như Thầy Đã Yêu”--Thiên Phúc

Tại Tây Ban Nha có một cậu bé tên là Macxilano. Mới sinh ra cậu bị người ta quăng trước cửa tu viện, và đã được các tu sĩ đem về nuôi.

Vốn tính hay nghịch ngợm, nên thầy đầu bếp không cho cậu leo lên gác. Nhưng vì tò mò, một ngày kia Macxilano lén leo lên, cậu ngạc nhiên thấy một người khổng lồ bị treo trên thập giá. Nghĩ rằng người ấy chắc là đói lắm, nên đêm hôm ấy Macxilano vào bếp ăn cắp bánh mang lên cho ông Người khổng lồ đưa tay nhận bánh và mỉm cười với cậu.

Từ đó, ngày nào cậu cũng đem bánh cho người ấy. Ngày kia, ông âu yếm ôm lấy cậu bé và hỏi:

- Con thích nhất điều gì trên trần gian nầy?

Cậu mau mắn thưa:

- Con muốn được gặp mẹ con.

Người ấy liền nói với cậu bé:

- Con sẽ được gặp mẹ con ngay tức khắc nếu con chấp nhận phải chết đi.

Hôm sau các thầy tìm thấy cậu nằm chết như đang ngủ say trong vòng tay thương mến của Chúa Giêsu.

***

Vì yêu thương mẹ, muốn được ở bên mẹ, mà Macxilano đã bằng lòng chịu chết. Vì yêu thương con người, Đức Giêsu cũng đã sẵn lòng chịu chết để cho con người được sống. Hơn nữa, Người còn có sáng kiến là hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, để được ở lại mãi với con ngưồi, để làm của ăn của uống, như lương thực nuôi dưỡng con người trên cuộc hành trình về quê trời. Người đã hứa: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58).

Thánh thể là Bí tích tình yêu.

Khi mời gọi: “Con con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Đức Giêsu muốn các Kitô hữu hãy lập lại cái chết tự hiến vì yêu thương của Người, bằng cả cuộc sống dấn thân và trao ban.

Khi lãnh nhận bánh Thánh Thể, người tín hữu ý thức mình đang lãnh nhận tình yêu Chúa. Và như dòng suối ân tình, họ lại tuôn trào tình yêu Chúa sang cho anh em đồng loại.

Khi chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu cũng muốn chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, chia sẻ hồng ân của Đức Kitô cho những kẻ đói nghèo, túng thiếu, không nơi nương tựa.

Chính khi nhận lãnh Thánh Thể để rồi chia sẻ trao ban, người tín hữu lại nhận được sự sống trường sinh và niềm vui lại tràn ngập tâm hồn.

Vì thế, sống bí tích Thánh Thể chính là sống yêu thương, sống bí tích Thánh Thể là sống cho và vì Đức Kitô, sống bí tích Thánh Thể là sống như Đức Kitô đã sống và đã hiến trao cách quảng đại cho tha nhân.

Người tín hữu không lãnh nhận bánh Thánh Thể để cất giữ cho riêng mình, nhưng là để biến con người mình thành lương thực nuôi dưỡng anh em.

Việc chia nhau một tấm bánh nhắc nhở chúng ta sống là phải chia sẻ và trao ban, sống là yêu thương và hy sinh cho nhau.

Trong thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 45, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta không thể rước Mình Thánh Chúa Kitô mà đồng thời lại sống xa lạ với những người đang đói khát, kẻ bị bóc lột, tù đầy hay đau yếu”.

*

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, khi chúng con sống yêu thương là chúng con đang làm chứng rằng: Chúa chính là sức sống mãnh liệt của chúng con.

Xin cho chúng con khi lãnh nhận bánh Thánh Thể cũng đón nhận được sức sống mới của Chúa, để chúng con ra đi làm chứng cho tình yêu Chúa trong cuộc sống chúng con. Amen.

 

33.Cậu bé Marcellino--‘Niềm Vui Chia Sẻ’

Một cuốn phim mang tựa đề: “Cậu bé Marcellino” kể lại câu chuyện sau đây:

Ở cổng nhà dòng nọ có cậu bé bị bỏ rơi, một thầy dòng đã đem về nhà dòng nuôi. Với thời gian, cậu bé lớn lên, khôn ngoan và tinh nghịch. Vốn tính nghịch ngợm, cậu bé bị cấm không được leo lên kho trên gác. Nhưng vì tò mò, ngày nọ Marcellino đã leo lên kho trên gác. Cậu sửng sốt khi thấy có một người khổng lồ bị treo trên Thánh giá. Nghĩ rằng người này đang đói, nên ngay đêm đó, Marcellino đã lẻn vào bếp ăn cắp bánh và rượu đem lên cho người bị treo trên Thánh giá. Từ đó, ngày ngày cậu bé cứ âm thầm tiếp tế lương thực cho con người khốn khổ ấy. Thế rồi, một ngày nọ người khổng lồ ấy xuống khỏi Thánh giá, đến bên cạnh cậu bé và hỏi:

- “Con thích điều gì nhất”.

Cậu bé đáp:

- “Con muốn được thấy mẹ con”.

Người khổng lồ liền nói:

- “Con hãy nhắm mắt lại và ngủ say”.

Ngày hôm sau, các tu sĩ trong nhà không thấy Marcellino nữa, họ đi tìm khắp nơi và cuối cùng thấy cậu bé đã chết trong vòng tay của Chúa Giêsu trên Thánh giá.

Anh chị em thân mến, đối với Marcellino trong câu chuyện trên, bánh và rượu là ngôn ngữ cậu bé dùng để nói với Chúa Giêsu: “Con yêu mến Chúa”, “Con muốn được săn sóc Chúa, nuôi dưỡng Chúa”. Còn đối với Chúa Giêsu, bánh và rượu Ngài ban qua Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của tình yêu hiến thân để trở thành lương thực nuôi sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận.

Mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài trong Thánh Thể, con người mới có thể mở rộng trái tim và đôi bàn tay để đón nhận Ngài nơi tha nhân. Chúa Giêsu là Bánh từ trời xuống để lôi kéo họ về với Thiên Chúa. Chia sẻ sự sống thần linh nơi bàn tiệc Thánh Thể, người tín hữu được mời gọi chia sẻ cơm bánh hằng ngày với tha nhân. Và kỳ diệu thay, chính khi chia sẻ với tha nhân, người tín hữu cảm nhận được sự sống trường sinh và hạnh phúc đích thức tràn ngập tâm hồn.

Thưa anh chị em, Bí tích Thánh Thể là Bí tích của Tình Yêu. Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã có một sáng kiến lạ lùng là lấy chính Thịt Máu của Ngài làm của ăn của uống để nuôi sống chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Chính Ngài là của ăn và của uống Chúa Giêsu ban hoàn toàn khác với manna và mạch nước trong sa mạc: “Ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Chúa Giêsu không nhằm thoả mãn cái đói cái khát thể xác. Thế nên, Ngài xác quyết: “Thịt Tôi thật là của ăn, Máu Tôi thật là của uống”. Vậy Bánh Ngài ban chính là Thịt Máu Ngài. Cụm từ “Thịt Máu” ở đây không những bao gồm tất cả những gì nuôi sống linh hồn con người để đưa đến sự sống vĩnh cửu, mà còn ám chỉ đến Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã nhập thể mang lấy xác phàm trong thân phận con người và đã đổ máu ra trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Ngài đã chấp nhận trở thành của ăn của uống là những cái thường tình nhất của cuộc sống chúng ta để đưa chúng ta đến sự sống vĩnh hằng.

Vì lý do đó, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh đến việc hiệp thông với Chúa Giêsu Thánh Thể là kết hiệp mật thiết với chính Chúa Kitô, nghĩa là đồng hoá với Ngài, nên giống Ngài trong tư tưởng, ngôn ngữ và cuộc sống: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu tôi, người ấy sẽ ở trong Tôi và Tôi ở trong người ấy”. Không bí tích nào giúp chúng ta sống “với Chúa, nhờ Chúa và trong Chúa” bằng bí tích Thánh Thể. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Từ việc kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ đưa chúng ta đến việc hiệp nhất với các anh chị em tín hữu. Vì liên kết với Chúa Kitô, nên chúng ta cũng liên kết với nhau để làm thành một thân thể duy nhất trong Chúa Kitô, điều mà Thánh Phaolô gọi là “Nhiệm thể Chúa Kitô”. Ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những mối bất đồng, những mâu thuẫn sâu xa nhất để chỉ còn trở nên với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn. Sự hiệp nhất của cộng đoàn Kitô hữu trong Bí tích Thánh Thể có sức mạnh thu phục những khách bàng quan, những người xa lạ đến với Giáo Hội, như các tín hữu thời sơ khai đã từng chinh phục và đem lại ảnh hưởng lớn lao cho thế giới ngoại giáo: Họ nói với nhau: “Kìa xem coi họ (các tín hữu Kitô) yêu thương đoàn kết với nhau biết chừng nào!” (x.Cv 2,42-47).

Anh chị em thân mến, “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Tất cả chúng ta đều được mời đến dự tiệc Thánh Thể. Thế nhưng có khá đông người tham dự Thánh lễ mà không tiếp rước Mình Máu Thánh Chúa. Phải chăng Thánh lễ đối với họ chỉ còn là một nghi thức và bổn phận phải làm, chứ không còn là sự sống được trao ban và lãnh nhận? Hoặc phải chăng vì thấy việc rước lễ xem ra không có hiệu quả trong đời sống, nên họ thất vọng và không muốn rước lễ nữa? “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Chẳng lẽ được mời đến dự tiệc mà chẳng ăn uống gì, chỉ ngồi đó “nhìn miệng” các thực khách, rồi ra về mà lòng vẫn u sầu và bụng vẫn đói meo? Thiết tưởng không phải vô ích khi khẳng định lại điều này: Chẳng bao giờ chúng ta đến với người khác thực sự, nếu không kết hợp thâm sâu với Chúa Kitô.

Đức Cha Helder Camera, Tông Giám Mục Giáo phận Récite ở Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm thống nhất đời sống hoạt động và chiêm niệm của ngài thế này: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Có lẽ chúng ta dễ quên chân lý này: Hiệp nhất với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp nhất với anh em. Nói cách khác, hiệp nhất với Chúa Kitô đang hiện diện ẩn dấu nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo đói và bất hạnh (x.Mt 25). Và chúng ta cũng hay quên rằng: Hiệp nhất sự sống phải được thể hiện trong sự hiệp nhất lối sống. Lối sống của Chúa Giêsu Thánh Thể là lối sống của tình yêu tự hiến để cho nhân loại được sống, là phục vụ đến hy sinh mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người.

Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh –là Thịt Máu Chúa Giêsu- chúng ta được mời gọi chia sẻ chén cơm hằng ngày cho anh em và dấn thân hoạt động cho một trật tự công bằng, huynh đệ, cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của mọi người trên thế giới hôm nay.

 

home Mục lục Lưu trữ