Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 81

Tổng truy cập: 1352953

Sứ Vụ Ngôn Sứ

TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV, MÙA THƯỜNG NIÊN – NĂM C
28.01.2010 22:30
 
 
Gr 1:4-5, 17-19 Tv 71:1-2, 3-4, 5-6, 15+17 1 Cr 12:3113:13 hay 13:4-13 Lc 4:21-3
Người bắt đầu nói với họ : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe." Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Người nói với họ : "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp : "Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
...

 

"Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na–a-man, người xứ Xy-ri thôi."

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

 

SUY NIỆM

Kể từ khi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng rao giảng công khai tại Nazareth, quê hương của Ngài, một cách chung chung thì đại đa số mọi người đều chấp nhận và ủng hộ giáo huấn của Ngài. Cách giảng thuyết của Ngài thật xuôi chảy và giản dị nhưng đầy quyền năng khiến mọi người phải hâm mộ: “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.” (Lc 4,22) Họ đã chăm chú theo dõi và yêu mến Lời Ngài… Nhưng rồi sự hấp dẫn của buổi ban đầu đã từ từ suy giảm – vì ngày qua ngày, lời giảng dạy của Ngài đã làm cho thính giả e ngại – vì họ bắt đầu nghiệm thấy Lời của Ngài đã gây một ảnh hưởng rất lớn, có sức mạnh lôi kéo họ ra khỏi sự bình thường của cuộc sống và dần dà trở thành một sự thách đố lớn lao – buộc họ phải lột xác để đổi thay. Với họ, Giáo lý Ngài dạy thật chói tai – chói tai đến độ nhức nhối… khiến họ không thể chấp nhận nổi.

Kể từ đó, đám đông dân chúng đã thay đổi thái độ, họ trở nên điên cuồng - cùng nhau tìm mọi cách để chống lại giáo lý của Ngài, và thậm chí họ còn có ý định ám hại Ngài. Nhìn thấy sự việc đáng buồn đó, Chúa Giêsu đã tỏ bày nhận định của mình rằng “không có một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương của mình” (Lc 4,24). Ngài cố tình nhấn mạnh đến thân phận của mình là một tiên tri như những tiên tri trong quá khứ, tất cả đều phải trải qua đau khổ, bị chống đối và cuối cùng bị giết chết. Đến lúc này, sứ mạng rao giảng của Chúa Giêsu không còn là ‘mật ngọt’ nhưng là một thứ ‘mật đắng’ mà Ngài phải uống và mọi người phải đối đầu. Ngài đến trần gian để rao giảng Tin Mừng cho nhân thế - cho dù Lời của Ngài được đón nhận hoặc hoàn toàn bị từ chối: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”. Sự cố của ngày hôm ấy tại Nazareth bắt đầu tiếp diễn hết chỗ nầy đến chỗ nọ, ngày này qua tháng khác trong suốt cuộc đời công khai của Ngài và cuối cùng Thập tự giá sẽ là sự kết thúc mà đôi vai của Ngài phải gánh chịu (Lc 4,28-30).

Cho dù chuyện kể trong bài Phúc Âm hôm nay nói về việc Chúa Giêsu - vị Tiên tri vĩ đại nhất - bị những người đồng hương chối bỏ, thì công việc rao giảng Tin Mừng vẫn được tiếp tục từ thế hệ nầy qua thế hệ khác và sẽ được loan truyền cho đến ngày tận thế. Tất cả mọi người đều được kều mời để làm chứng cho Đức Kitô, không chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cả một đời dấn thân phục vụ của họ. Sứ mạng cứu độ của Đức Kitô được trao lại cho mỗi người chúng ta qua bí tích rửa tội để trở thành chứng nhân cho Ngài. Mỗi Kitô hữu là một người tông đồ được Đức Kitô trao phó nhiệm vụ chăm sóc anh em đồng loại của mình. Cuộc sống của họ phải thực hành cho được ba nhân đức Đối Thần: “Hiện nay, Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là Đức Mến” (1Cor 13:13). Thánh Phaolô muốn nhắc nhở mọi Kitô hữu hãy học cho tường tận và nhìn thấy được đâu là mục đích của cuộc sống làm người và khích lệ họ phải trưởng thành trong Đức Tin, để sống hạnh phúc và sống chứng nhân. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải cùng với Ngài cương quyết chống lại những kẻ thù của Đức Tin và đặc biết chống lại sự yếu đuối và tội lỗi của chính chúng ta. Ngay chính trong gia đình, mỗi người được mời gọi để yêu thương nhau nhiều hơn và sống chân thật với nhau hơn; với bạn bè và những người chung quanh lối xóm, mọi người phải sống kiên nhẫn và chấp nhận sự khác biệt của nhau, sẵn sàng nhận lỗi và sai sót của mình, cũng như cẩn thận trong lời ăn tiếng nói khi đối thoại; nơi công sở hoặc chỗ làm ăn buôn bán, phải làm việc với lương tâm thẳng thắn và cương quyết chối từ những việc làm bất chính và cách làm việc giả dối.

Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham dự vào sứ mạng cao quý và đặc biệt này, nhưng Ngài không hứa hẹn ‘mật ngọt’ để thành công và được mọi người ủng hộ. Chúng ta phải làm chứng cho sự thật, đấu tranh cho công lý và sẵn sàng chấp nhận hậu quả của việc mình làm… “Vì Danh Thầy, người ta sẽ ghét bỏ các con”. Chắc chắn với thân phận làm người yếu đuối, chúng ta sẽ phải đối đầu với nhiều thử thách gian nan. Sự quyết tâm chống lại những xu hướng xấu xa và lôi kéo mọi người ra khỏi thái độ kiêu căng tự mãn chắc chắn sẽ không được họ chấp nhận, nhưng đó chính là ơn gọi làm tiên tri cho Thiên Chúa: “Trước khi cho ngươi thành hình trong bụng mẹ, Ta đã biết ngươi. Trước khi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân, trước mặt họ, ngươi đừng run sợ” (Giêrêmia 1,5,17). Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu luôn luôn hiện diện trong Giáo hội và trong tâm hồn của tất cả mọi người. Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải nhận ra Ngài và đón nhận Ngài… Hãy nhớ rằng, những gì chúng ta làm cho Đức Kitô sẽ không bao giờ bị quên lãng: “Hỡi những đầy tớ tín trung, hãy đến để lãnh phần gia nghiệp đã dành sẵn cho các con”.

Lm. Francis Trần Phương

home Mục lục Lưu trữ