Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 107

Tổng truy cập: 1350286

Sức mạnh của sự hợp tác truyền giáo

Sức Mạnh Của Sự Hợp Tác Truyền Giáo

Trong bài giảng một thánh lễ hôn phối, linh mục chủ tế đặt ra cho đôi bạn một câu hỏi về mục đích của hôn nhân: Đâu là nguyên nhân thúc đẩy họ tiến đến hôn ước vững bền với nhau? Chàng đã hăng hái trả lời vì người con yêu đẹp, dịu hiền và đảm đang; còn nàng thì nói rằng vì để bổ túc hỗ trợ nhau, vì cả hai đều cần đến nhau và không thể thiếu nhau. Câu trả lời thuyết phục ấy đã làm cho vị linh mục chứng hôn hài lòng.

Thật thế, mỗi người chúng ta không ai là một hòn đảo đơn độc. Trong mái ấm gia đình, chúng ta liên kết, tựa nương bên nhau và làm cho cuộc sống này thêm phong phú, ý nghĩa, giá trị hơn. Tiếc thay vì chung sống với nhau hằng ngày nên ít người hiểu hay nhận ra được sức mạnh và giá trị của sự nương tựa, bổ túc cho nhau. Một thuật ngữ trong văn hoá Việt Nam vẫn nói chung đụng, vì con người ta hễ ở chung là có sự đụng độ, va chạm, xích mích.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người suy nghĩ về bổn phận truyền giáo trong chiều hướng liên kết với nhau như thế. Bài Tin Mừng hôm nay kể lại kế hoạch truyền giáo của Đức Giêsu cũng có gì đó khác thường: Ngài không có nhiều quân số, vỏn vẹn chỉ có 12 người, thế mà lại sai đi từng hai người một, điều đó có nghĩa là chỉ có 6 nhóm; lại không cho mang theo hành trang, tiền bạc, không mặc hai áo, chỉ được mang gậy. Đức Giêsu sai các ông đi đến các thôn xóm để kêu gọi sự thống hối và hoán cải. Hai người cùng đi với nhau để lời chứng mạnh hơn, để bổ túc và hỗ trợ nhau trong công tác ấy. Lời người này nói sẽ được bổ túc thêm bằng sự giải thích, minh hoạ của người kia. Hành động của người này sẽ là chứng tá cho lời giảng dạy của người bạn đồng hành và ngược lại. Như thế, công việc truyền giáo tuy khởi sự từ một số ít các cộng tác viên nhưng vì được đặt trên sức mạnh của sự liên kết, của sự nâng đỡ và bổ túc cho nhau nên đã đạt được những hiệu quả tốt đẹp. Thế mới biết sự nhìn xa và sáng suốt của Đức Giêsu trong kế hoạch truyền giáo thật sâu sắc như thế nào.

Thực tế cuộc sống cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của sự hợp quần, liên kết. Đời sống hôn nhân gia đình có vợ chồng cùng nâng đỡ và bổ túc cho nhau; đời sống mục vụ có Cha xứ, Cha phó; đời sống cộng đoàn của các dòng tu có các nam nữ tu sĩ sống và làm việc cùng nhau. Sức mạnh ấy là sức mạnh của sự đoàn kết và liên đới. Sự đồng thuận, hợp tác sẽ làm cho công việc trở nên nhẹ nhàng và khả thi.

Biết Chúa là một hạnh phúc, giới thiệu về Chúa cho tha nhân còn là một hạnh phúc khác lớn hơn. Chúng ta khao khát và ao ước chia sẻ niềm vui làm con Chúa cho người khác, đó chính là truyền giáo. Truyền giáo phải được nhắc nhớ và là bổn phận phải thực thi mỗi ngày của mọi Kitô hữu. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng truyền giáo không phải là công việc của cá nhân, lại càng không phải là công việc của riêng các linh mục, tu sĩ nam nữ. Người Kitô hữu cần phải mạnh dạn nói và sống niềm tin của mình trong một thế giới duy vật và tục hoá, và cũng không được ngại ngùng khi phải mời gọi mọi người chung quanh sẻ chia trách nhiệm truyền giáo. Hãy bỏ đi lối suy nghĩ cá nhân, đầy toan tính, ích kỷ để chỉ nghĩ đến sự hợp tác, liên đới hỗ trợ, nâng đỡ và bổ túc cho nhau để công tác truyền giáo được hiệu quả.

Trong thế kỷ 21 này chúng ta sẽ không phải đi đến một nơi xa lạ để truyền giáo, chúng ta truyền giáo bằng chính cách sống của mình và ngay trong chính gia đình mình. Một gia đình hạnh phúc, đoàn kết và thương yêu nhau, một gia đình biết nương tựa và sẻ chia trách nhiệm với nhau, đó cũng là một trong những cách truyền giáo hữu hiệu, bởi: "Người ta cứ dấu này nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em hãy sống yêu thương nhau". Giới thiệu về Chúa cho tha nhân xung quanh bằng sức mạnh của sự hợp tác, liên kết với nhau là vậy.

Cs. Louis Kim

home Mục lục Lưu trữ