Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 62
Tổng truy cập: 1363565
SỨC MẠNH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NƯỚC TRỜI
SỨC MẠNH ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NƯỚC TRỜI
Ai trong chúng ta cũng hơn một lần cảm được cái nóng của thời tiết. Khi ấy, chỉ mong có một cơn mưa làm dịu đi khí trời nóng bức. Khi nóng bức như vậy, ai cũng mong và thậm chí cầu khẩn “ơn trên” để cho có mưa móc. Và, khi có mưa rồi thì niềm vui khôn tả được bày tỏ.
Trong tâm tình chờ đợi mưa móc đó, Isaia cho ta thấy niềm vui của những đồng cỏ cháy gặp được mưa: Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy, vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông, hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ, và hân hoan múa nhảy reo hò. Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron.
Niềm vui mà Isaia nói đây không chỉ dừng lại ở ơn mưa móc mà còn hơn thế nữa, đó là Đấng Công Chính – Đấng Cứu Độ trần gian đến. Khi Đấng Cứu Độ trần gian đến thì muôn dân sẽ thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa.
Isaia nói tiếp: Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Đức Chúa, và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta. Hãy làm cho những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, cho những đầu gối bủn rủn được vững vàng. Hãy nói với những kẻ nhát gan: “Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em.” Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò. Vì có nước vọt lên trong sa mạc, khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu. Những người được Đức Chúa giải thoát sẽ trở về, tiến đến Xi-on giữa tiếng hò reo, mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu. Họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất.
Cũng dễ hiểu niềm vui mà Isaia nói vì không phải là mưa móc tự nhiên mà là Đấng Cứu Độ. Và vì thế, niềm vui này là niềm vui khôn tả bởi lẽ khi Đấng Cứu Độ trần gian đến rồi thì sẽ cứu muôn dân thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và, khi đó, họ vui cười hớn hở vì đau khổ và khóc lóc không còn nữa.
Và, như Gioan đã loan báo, Đấng Cứu Độ trần gian đã đến trần gian.
Đấng Cứu Độ trần gian đã đến không chỉ dọn lòng mà còn phải đương đầu với những thế lực đen tối mới có thể gặp và đoạt được. Chúa Giêsu nói rõ trong Tin Mừng hôm nay: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.
Trong chờ đợi, có những người đã mất kiên nhẫn để rồi nản chí và khi nản chí rồi không đủ sức mạnh để chiếm lấy Nước Trời. Thánh Giacôbê mời gọi ta sống tâm tình kiên nhẫn trong thư của Ngài: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa”.
Phận con người mỏng dòn non yếu nên đôi khi đánh mất kiên nhẫn, đánh mất sự chờ đợi.
Thật sự thì Chúa đã đến giữa cuộc đời ta rồi nhưng lòng ta không hân hoan để đón Chúa bởi lẽ đón Chúa vào lòng ta thì làm sao ta sống như Chúa muốn được. Ta đã buông lòng ta theo những cám dỗ của trần gian, của xác thịt để rồi chúng ta không đủ “công lực” để đón Chúa nữa.
Cuộc sống, nhất là ngày hôm nay giữa sóng xô của cuộc đời và ngày mỗi ngày con người tăng thêm lòng ích kỷ, hờn ghen, chụp giật thì lại càng căng thẳng cho sự chiến thắng của ta với những cám dỗ cứ bày ra trước mặt của ta. Phần con người, chúng ta dễ ngã để đi tìm nhưng giá trị trần gian mau qua chóng tàn mà quên đi rằng quê hương chúng ta ở trên Trời và chúng ta ngày mỗi ngày vẫn trông mong và chờ đợi.
Gioan Tẩy Giả cũng là người mỏng dòn xác thịt và như Chúa Giêsu nói Gioan là người nhỏ nhất nhưng vì Gioan biết tìm ai và chọn ai. Dĩ nhiên Gioan cũng phải đấu tranh với lòng mình để khỏi phải thiệt thân, thiệt mạng của mình. Cũng chỉ vì sự thật, chân lý mà Gioan đã bị chém đầu. Không giản đơn để chấp nhận cuộc xử trảm như Gioan. Chỉ vì niềm tin vào Thiên Chúa đặc biệt qua Chúa Giêsu mà Gioan đã chấp nhận chém đầu.
Cuộc chiến đấu mà Gioan chiến đấu không phải là cuộc chiến đấu đơn giản nhưng là cuộc giằng co kinh khủng trong cuộc đời. Gioan chiến thắng bởi vì Gioan từ ngày lọt lòng mẹ cho đến ngày chết luôn luôn gắn kết với Chúa, kết hiệp với Chúa và đặc biệt sống tâm tình khiêm hạ nhỏ bé.
Ngày mỗi ngày, chúng ta đã vẫn phải chiến đấu giữa những phong ba bão táp của cuộc đời với Nước Thiên Chúa. Tự sức người của ta chắc chắn ta sẽ không làm được nhưng nhờ ơn Chúa giúp ta sẽ chiến thắng để đạt được Nước Trời như lòng Chúa mong muốn và lời Chúa mời gọi.
(Trích từ ‘Manna’)
Suy Niệm
“Anh em ra xem gì trong hoang địa?” Đức Giêsu đã ba lần đặt câu hỏi như thế. Hẳn không phải để xem một cây sậy bị gió lay, vì Gioan chẳng phải là người dễ lung lay, khuất phục. Cũng không phải để xem người mặc lụa là gấm vóc, vì Gioan chỉ có áo lông lạc đà và dây lưng da. Nhưng để gặp một vị ngôn sứ cao trọng hơn cả, vì ông ở đỉnh cao kết thúc Cựu Ước, đồng thời ông là người giới thiệu Đức Kitô cho dân Israel.
Đối với ông, Đức Kitô là Đấng mạnh mẽ. Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11). Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái và quăng vào lửa (x. Mt 3,10). Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12), thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho. Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11).
Quả thực Ngài là vị thẩm phán đáng sợ. Ngài trừng phạt tội nhân bằng ngọn lửa không hề tắt.
Khi ở tù, Gioan vẫn nghe biết các việc Đức Giêsu làm. Thật chẳng có gì giống với những điều ông đã loan báo. Ngỡ ngàng, hoang mang, ông sai môn đệ đến gặp Ngài.
Đức Giêsu kín đáo cho thấy Ngài thật là Đức Kitô, vì Ngài làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ Isaia loan báo. Ngài không phải là một Mêsia đoán phạt, báo thù, nhưng là một Mêsia xót thương cúi xuống người đau khổ.
Gioan đứng trước một thách đố. Ông có chịu đổi quan niệm của mình về Đấng Mêsia không? Nếu không đổi, ông chẳng thể nào đón nhận Đức Giêsu, Đấng mà ông đã giới thiệu là Kitô, là Mêsia. “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Phêrô cũng đã vấp ngã sau khi tuyên xưng đức tin. Ông không thể nào chấp nhận một Đấng Mêsia chịu đau khổ. Giona cũng nổi giận, vì Thiên Chúa không phạt dân Ninivê như lời ông loan báo (x. Ga 3,4; 4,1). Như thế cả Giona, Gioan hay Phêrô đều phải mở ra để đón lấy Thiên Chúa bất ngờ.
Ngài không như điều ta tưởng, thậm chí có khi Ngài ngược với điều ta rao giảng.
Gioan đã vượt qua chính mình khi nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30). Ông đã giới thiệu môn đệ và dân chúng đến với Đức Giêsu. Nhưng ông còn phải vượt qua chính mình một lần nữa, khi chấp nhận thanh lọc cái nhìn của mình về Đấng Mêsia.
Mùa vọng là thời gian chờ đợi Chúa đến.
Ta nghĩ Chúa đến một cách ồn ào, oai phong lẫm liệt, thì Ngài lại đến cách âm thầm lặng lẽ.
Ta tưởng Chúa đến qua những đại lộ thênh thang, thì Ngài lại đến qua ngõ hẹp tăm tối.
Ta chờ Ngài những câu trả lời, còn Ngài lại đặt câu hỏi!
Xin cho chúng ta đừng đi tìm Ngài, khi Ngài đang ở kề bên.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thiên Chúa thích chơi ú tim với con người. Ta tưởng Ngài ở đây, thì Ngài lại ở kia. Ngài luôn vượt quá điều ta nghĩ về Ngài. Vậy theo ý bạn, làm sao gặp được Ngài?
Đức Giêsu đã kể ra những việc Ngài làm để cho thấy Ngài thật là Đức Kitô (x. Mt 11,5). Theo ý bạn, đâu là những việc bạn phải làm để cho thấy bạn là Kitô hữu thật sự?
Cầu Nguyện
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Nguời là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi, đến với Người trong mọi sự, và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
8. Lộ tẩy – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Trong lễ kỷ niệm tròn 30 năm ngày cha xứ nọ về với xứ đạo, một chính khách hàng đầu của địa phương được mời tới để đọc diễn văn.
Thế nhưng, vì ông ta đến muộn nên linh mục quyết định nói đôi lời với các giáo dân để kéo dài thời gian.
– Các con sẽ hiểu – cha nói – ta có ấn tượng đầu tiên về xứ đạo này kể từ khi ta nghe lần thú tội đầu tiên ở đây. Khi ta tới đây vào 30 năm trước, ta đã nghĩ rằng mình được bổ nhiệm đến một nơi cực kỳ tệ hại. Người đầu tiên tới phòng xưng tội kể cho ta nghe anh ta đã lấy cắp một cái tivi và khi cảnh sát tới anh ta đã giết người cảnh sát. Hơn thế nữa, anh ta thụt két từ nơi làm của mình và chim chuột với vợ của ông chủ. Các con có thể tưởng tượng là ta cảm thấy thế nào. Nhưng ngày tháng trôi qua, ta dần hiểu rằng không phải tất cả mọi người đều như vậy, và ta có một giáo xứ tốt với toàn những người đáng yêu và dễ thông cảm.
Ngay khi linh mục vừa dứt lời thì chính trị gia tới, xin lỗi vì đã đến muộn. Ông ta ngay lập tức thực hiện bài nói chuyện của mình.
– Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đầu tiên vị linh mục đã tới giáo xứ này. – Chính trị gia nói. – Bởi vì, tôi có vinh dự là người đầu tiên đến xưng tội với ngài…
Thật xấu hổ khi tội của mình bị phanh phui trước toàn dân thiên hạ. Thế nhưng, xét cho cùng ai mà không có những lầm lỗi. Ai cũng có những yếu đuối. Ai cũng có những lầm lỡ. Ai cũng từng sống trong tâm trạng hối tiếc về những việc mình đã làm. Có điều chúng ta ít xấu hổ vì người ngoài không biết. Chúng ta thường rất khôn khéo trong việc che đậy tội lỗi mình. Chúng ta tự an tâm trong vẻ giả tạo bề ngoài của mình. Nhưng, dù sao nếu không sống thật với bản thân, con người cũng không bao giờ bình an hạnh phúc, chỉ có sám hối chân thành mới mang lại niềm vui tâm hồn.
Chúa nhật III mùa vọng được gọi là Chúa nhật hồng. Đây là Chúa nhật của niềm vui vì giờ cứu độ đã gần tới. Giờ của hân hoan, của hy vọng vì đã tới ngày Thiên Chúa viếng thăm dân Người. Ngài đến không phải để kết án. Ngài không bẻ gãy cây lau bị dập. Ngài là Thiên Chúa của yêu thương vì khi Người đến mắt người mù sẽ nhìn thấy, tai người điếc được nghe, người câm nói được và người què nhảy nhót như nai. Ngài là hoàng tử của bình an và hoan lạc. Ngài đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi. Ngài giúp con người khống chế những thói hư tật xấu để sống tràn đầy niềm vui và bình an.
Gioan đã làm chứng về Ngài khi mời gọi dân Người sửa lại lối sống cho phù hợp với tin mừng. Gioan mời gọi dân người sám hối và canh tân đời sống. Chính Gioan đã sống một đời chứng nhân khi ông rời xa chốn đô hội thị thành để sống trong hoang địa ăn chay nhiệm nhặt. Gioan trở thành mẫu gương cho những người công dân Nước trời khi ông để Chúa lớn lên còn mình thì nhỏ bé lại.
Xin Chúa cho chúng ta luôn hưởng trọn niềm vui khi dám nói không với tội lỗi. Xin giúp chúng ta biết sám hối ăn năn về những lầm lỗi của mình và quyết tâm canh tân đời sống cho phù hợp với tin mừng. Chớ gì chúng ta luôn tràn ngập niềm vui khi để Chúa lớn lên trong ta và loại bỏ những thói hư tật xấu ra khỏi cuộc đời chúng ta. Amen.
(Suy niệm của Lm. JB. Hoàng Văn Khanh)
-
Gioan dọn đường
Bên bờ sông Giođan, Gioan Tẩy Giả xuất hiện, rao giảng và làm phép rửa sám hối để dọn đường cho Đấng Thiên Sai sắp đến, như lời ông tự giới thiệu :“Tôi làm phép rửa trong nước để giục lòng sám hối; Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”(Mt 3,11). Sứ điệp của ông về sự hoán cải thật đanh thép và minh bạch: “Lưỡi rìu đặt sẵn gốc cây; cây nào không sinh quả tốt sẽ bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3,10); “Người sẽ cam nia rê lúa, thóc tốt sẽ thu vào kho và lúa lép sẽ quăng vào lửa” (Mt 3,12). Theo ông, Đấng Thiên Sai mà ông có sứ mệnh dọn đường sẽ xuất hiện như vị thẩm phán chí công: tiêu diệt sự dữ, trả lại công bình cho những kẻ bị ức hiếp, cứu thoát những ai khốn khổ và khai mở thời cánh chung tràn trề hoan lạc, như Isaia đã từng loan báo (Is 35, 1-6.10). Ông nhiệt thành rao giảng và sung sướng chờ đón ngày ấy chóng đến ! Và này, Chúa Giêsu xuất hiện. Ông đã làm chứng về Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn (Ga 1,34), là Chiên Thiên Chúa (Ga 1,36) và chỉ cho mọi người biết đó chính là Đấng mà ông đã loan báo (Ga 1,29). Sau đó, ông bị bỏ tù (Mt 11,2) vì đã can đảm làm chứng cho sự thật khi can ngăn nhà vua Hêrôđê Agrippa không được lấy vợ của anh mình là Philippê (Mt 14,3-12). Sứ vụ dọn đường của Gioan chấm dứt với việc ông vào tù, để bắt đầu sứ vụ của Chúa Giêsu với việc Người chịu phép rửa và được tấn phong Mêsia ngôn sứ và vương đế (x. Lc 3,19.21). Giai đoạn chuẩn bị kết thúc với Gioan Tẩy Giả, mở ra giai đoạn mới: Chúa Giêsu đến loan báo Tin Mừng và rao giảng Nước Thiên Chúa.
-
Chúa đã đến
Thật khác xa với những gì mà Gioan đã quan niệm vì Chúa Giêsu đến không phải để đoán phạt nhưng để cứu chữa những gì hư mất; Người không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi (Mt 9,13). Người chính thật là Đấng Thiên Sai mà các ngôn sứ đã từng loan báo, như chính Người, trong buổi khai mạc sứ vụ tại Hội đường Nadarét, đã áp dụng cho mình sấm ngôn Isaia chỉ về Đấng Thiên Sai(Lc 4,16-21). Người quan tâm và yêu thương hết mọi người, đặc biệt những người khó nghèo và tội lỗi là những hạng người bị xã hội ruồng rẫy và bỏ rơi. Người chữa lành các bệnh nhân; và mỗi khi chữa lành bệnh phần xác, Người quan tâm hơn đến việc chữa trị tâm hồn, nghĩa là giải thoát họ khỏi sự thống trị tội lỗi và đưa vào đời sống ân tình với Thiên Chúa và tha nhân. Người hiền lành, khiêm tốn và hết tình phục vụ: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình”. Mọi người từ khắp nơi tuôn đến để nghe Người giảng dạy và để được Người chữa lành các thứ bệnh tật.
-
“Ông có phải là Đấng phải đến…?”
Ngồi trong tù, Gioan vẫn hướng lòng về Đấng Thiên Sai và chờ đợi thời mới. Khi được nghe biết về những hoạt động của Chúa Giêsu, ông cảm thấy băn khoăn và hoang mang. Đấng Thiên Sai mà ông có sứ mệnh dọn đường phải là Đấng đến để tiêu diệt sự dữ, tái lập trật tự công lý và khai mở thời cánh chung. Đàng này Chúa Giêsu mà ông đã từng làm chứng và chỉ cho mọi người biết lại cư xử hiền hoà, khiêm tốn, yêu thương và tha thứ. Ông sai các đồ đệ đến hỏi Chúa Giêsu là Đấng phải đến, hay còn phải đợi một Đấng khác.
Gioan nóng lòng chờ đợi Đấng Mêsia, nhưng lại là một Mêsia theo quan niệm của các ngôn sứ thời chuẩn bị, đồng thời cũng là quan niệm của người đương thời về một Mêsia chính trị, đến để phục hưng dân tộc. Còn Chúa Giêsu, Người xác nhận mình là một Mêsia mà các ngôn sứ đã từng loan báo: rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành các bệnh tật, xua trừ ma quỷ …., nhưng không phải là một Mêsia theo quan niệm chính trị, mà là một Mêsia đến thiết lập vương quốc sự thật và yêu thương bằng năng lực tình yêu và phục vụ, một Mêsia cứu độ nhân loại bằng con đường đau khổ của người Tôi trung. Và đó chính là điều gây cớ vấp phạm cho nhiều người như ông Simêon đã từng loan báo ngày Đức Maria dâng trẻ Giêsu vào Đền Thờ (Lc 2,34). Cách trả lời gián tiếp của Chúa Giêsu vừa là một trấn an Gioan, đồng thời xác định cho ông biết Chúa Giêsu thực hiện công cuộc cứu độ nhân loại không phải bằng con đường vinh quang, nhưng bằng con đường thương khó và tử nạn như Isaia đã loan báo về người Tôi trung (Is 52,13-53,12). Cần nhìn vào các việc Người đang làm mà coi đó như là những dấu chỉ để có thể nhận ra Người là Đấng Mêsia.
-
Nhẫn nại đón chờ Chúa đến
Trong một thời đại mà xem ra sự dữ đang lấn lướt, công lý không được tôn trọng, người công chính thường bị ghét bỏ và thua thiệt. Người tín hữu mong chờ Chúa đến để tiêu diệt sự xấu và kẻ gian ác, thiết lập lại trật tự công bình, và khai trương thời đại mới. Đó cũng chính là điều mà Gioan hằng nóng lòng chờ đợi. Thế nhưng, Thiên Chúa đã mạc khải Ngai là Thiên Chúa hay thương xót, chậm giận và không chấp tội (Xh 34,6-7). Chúa Giêsu đến loan báo Tin Mừng yêu thương và tha thứ. Người thiết lập vương quốc tình yêu bằng sự phục vụ và tình yêu tự hiến. Vì thế, Người nhẫn nại chờ mong con người hoán cải để ban ơn tha thứ (Lc 13,6-9). Thánh Phaolô coi sự nhẫn nại là hoa trái của Thần Khí (Gl 5,20). Thánh Giacôbê khuyên dạy tín hữu hãy kiên nhẫn đón chờ ngày Chúa đến, như người nông dân mong chờ mùa gặt (Gc 5,7-10). Sự kiên nhẫn giúp thanh luyện và biểu lộ lòng trung thành, đồng thời tạo điều kiện và thời gian cho kẻ tội lỗi biết hồi tâm sám hối.
-
Người nhỏ nhất trong Nước Trời
Chúa Giêsu khen ngợi Gioan: “Trong số những người nam đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”(Mt 11,11). Gioan cao trọng vì ông là vị ngôn sứ cuối cùng của thời chuẩn bị cho Đấng Cứu thế, như sấm ngôn Malaki đã loan báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3,1). Không những dọn đường, Gioan còn nhìn thấy, làm chứng và chỉ cho người khác khi Đấng Cứu thế xuất hiện. Gioan đã sẵn sàng từ bỏ tất cả, chấp nhận cuộc sống khắc khổ trong hoang địa, để chuẩn bị cho sứ vụ và để có thể toàn tâm toàn ý thực hiện sứ mệnh. Gioan đã can đảm làm chứng và sẵn sàng chết để bảo vệ sự thật.
Gioan cao trọng thế đó, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Dù cao trọng, Gioan vẫn còn là người đang đứng bên ngưỡng cửa Nước Trời, như Môsê xưa đứng ở ngưỡng cửa Đất Hứa. Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời cao trọng hơn ông vì được diễm phúc tham dự vào vương quốc do Chúa Giêsu thiết lập. Chỉ nhờ lòng tin mà người ta mới có thể gia nhập Nước Trời và cũng chính đức tin mới làm nên sự cao trọng đó, như bà Elisabeth đã từng khen ngợi Đức Maria: “Bà thật có phúc vì đã tin… ” (Lc 1,45).
(Trích từ ‘Bước Theo’ – Phêrô Trần Đình Phan Tiến)
Vâng! Kính thưa quý vị, Mùa Vọng đã đi hơn nửa chặng đường, tâm tình Mùa Vọng cũng làm cho conngười trĩu nặng, bởi đặc tính của nó. Chúng ta thấy ngay tâm tình đó của Gioan Tiền Hô, người mang trọng trách loan báo Đấng Cứu Thế. Ông Gioan đang ngồi tù, chúng ta biết: “nhất nhật tù….”, chúng ta hãy đặt mình vào hoàn cảnh hiện tại của Gioan. Vâng, chính ông cũng nghĩ rằng: Đấng Cứu Thế sẽ đến trong uy quyền mạnh mẽ, một dũng lực siêu phàm, đánh tan những thế lực chống đối. Nhưng, ông thấy Đấng Cứu Thế, sao mà có vẻ yếu đuối thế, như vậy sứ mạng Tiền Hô của ông có lẽ sẽ mai một chăng? Thật vậy, Gioan đang mang tâm trạng của những ai chưa biết về Chúa Giêsu mà làm chứng về Người. Thật vậy, không ai có thể nói về Thiên Chúa, mà không do Thánh Thần của Người. Thật vậy, đoạn Tin Mừng (Mt 11,2-11) hôm nay có thể chia làm 3 phần:
– Ông Gioan Tiền Hô muốn biết về Đấng Cứu thế (c 3)
– Chúa Giêsu khen Gioan (c 9- 11a)
– Chúa Giêsu mặc khải vể Nước Trời (11b -12).
Vâng, nhưng thật ra,điểm chính của đoạn Tin Mừng hôm nay là sự so sánh giữa hai nhân vật, chính là Gioan Tiền Hô và Đấng Cứu Thế.
Dù là rất thành công trong sứ mạng Tiền Hô của mình, nhưng Gioan là một phàm nhân do lòng mẹ sinh ra. Tuy nhiên, nhân vật Gioan hết sức khiêm tốn, ông luôn giữ đúng vị trí của mình, không mạo nhận là Đấng Cứu Thế. Bản thân ông không làm được những điều kỳ diệu. Vì vậy, khi nghe Chúa Giêsu làm những việc lạ thường, thì ông muốn xác định cho rõ ràng, để khỏi nhầm lẫn.Chính ông cũng như bao nhiều người khác, nghĩ rằng Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi Vua Đavit, nghĩa là phải có binh hùng, tướng mạnh. Chứ không lặng lẽ, âm thầm đến độ “tầm thường” như vậy. Nên cho người đến hỏi thẳng Chúa Giêsu.Nhưng Chúa Giêsu không vỗ ngực xưng tên, mà là trả lời một cách: “cứ nhìn quả thì biết cây”. Vâng, và Chuá Giêsu đã trả lời cho môn đệ của Gioan bằng cánh nhắc lại lời của Isaia xưa: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (c5).
Vâng! Đây chính là sự khác nhau giữa Đấng Cứu Thế và Gioan Tiền Hô. Và cũng chính vì vậy, mà Chúa Giêu đã khen Gioan, vì ông là người công chính, sự công chính của ông vượt trên mọi sự công chính của phàm nhân. Điều nầy không phải do công trạng của Gioan, mà là do chân lý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu khen Gioan không phải vì Gioan,mà là do bởi chương trình Cứu Chuộc của Thiên Chúa. Vì chính Gioan muốn xác định Đấng Cứu Thế do chính bởi Đấng Cứu Thế.
Lại thêm một lần nữa, Chúa Giêsu mặc khải về Nước Trời, theo đó, Chúa nói: “kẻ nhỏ bé trên Nước Trời, thì còn cao trọng hơn Gioan…” (c 11b). Câu nầy không phải Chúa Giêsu muốn hạ bệ Gioan, mà là Chúa muốn xác định sự thật. Câu nầy có hai ý quan trọng:
1/ Cho muôn thế hệ hiểu về Nước Trời. Nước Trời là một điều gì đó mạnh mẽ hơn, cố gắng hơn và cam go hơn. Có nghĩa là Nước Trời là một sự phấn đấu không dừng. Vì thực sự Gioan không phải là siêu phàm, mà cũng chỉ là một phàm nhân. Nhưng “phàm nhân ấy” trổi vược trên thảy phàm nhân, phàm nhân trên hết phàm nhân. Những kẻ nhỏ bé trên Nước Trời là sự siêu phàm. Mặc nhiên siêu phàm thì hơn phàm nhân.
2/ Theo đó, Nước Trời dành cho những ai “mạnh sức”, vì phải chiến đấu cam go. Nhưng như thế, liệu có mâu thuẫn với sự nhỏ bé không? Thưa không, vì sao? Thưa vì, sự nhỏ bé về hình thể cũng như kích thước trên Nước Trời không giống như trần thế. Như gương Thánh nữ Teresa Hài Đồng chẳng hạn.
Và như vậy, vấn đề mà Gioan thắc mắc về Đấng Cứu Thế, đã được giải đáp qua câu Lời Chúa nầy.
Như vậy, ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay trình bày ý nghĩa của tâm tình Mùa Vọng tuần thứ III đó là:
Mong đợi Thiên Chúa, hay là mong đợi ơn Cứu Chuộc là một hành trình tiệm tiến. Tiến một cách dần dần theo Thiên định chứ không theo ý muốn của loài người.
Thiên Chúa đã hiện diện trong thế gian bằng mầu nhiệm Nhập Thể Hữu Hình, để thu về những linh hồn nhỏ bé trong Nước Trời. Theo đó, ngày quang lâm chung cũng như riêng của từng cá nhân sẽ đến, hoặc ngay hôm nay, hoặc ngày mai. Ngày mà Đấng Cứu Độ sẽ không đến như lần thứ I, mà là sẽ đến trong vinh quang của Thiên Chúa. Sự đợi chờ kiên nhẫn, là sự bình an của Thiên Chúa.
Tâm trạng của Gioan cũng là tâm trạng của người Dothai mang đợi ĐẤNG Cứu Chuộc đến. Lời giáo huấn của thánh Giacobe Tông Đồ (Gc 5, 7 -10) hôm nay, nhắc nhở cho chúng ta về sự kiên nhẫn đó. Sự kiên nhẫn đón chờ Chúa đến lần thứ II trong cuộc đời mỗi người, là một sự mong chờ đích thực vậy. Đây là một Mùa Vọng duy nhất.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến lần thứ I, mang lấy sự yếu hèn của nhân loại, đó là mặc lấy kiếp phàm nhân, để cứu chuộc phàm nhân. Từ hang đá Bethlehem, đến hành trình Nhập Thế ba mươi ba năm, và sau cùng chịu tử nạn trên Thập Gía. Ôi! Tất cả Hành Trình đó là để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Xin Chúa thương ban cho con người biết nhận ra tình Chúa cao vời, mà đáp đền muôn một, bằng cách nhận ra tình Chúa đối với nhân loiại, để họ được sống và sống dồi dào. Amen
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam