Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1362192

SUY NIỆM CỦA LINH MỤC GIOAN NGUYỄN VĂN TY

SUY NIỆM CỦA LINH MỤC GIOAN NGUYỄN VĂN TY

 

(Suy niệm của Lm Gioan Nguyễn Văn Ty)

Đứng trước thân phận đáng thương của một người bị mù lòa từ thuở mới lọt lòng mẹ, hay trước bất cứ một số kiếp hẩm hưu nào khác, người ta dễ dàng đặt câu hỏi: ‘tại sao?’. Tìm hiểu nguyên nhân sự việc là một đòi hỏi hợp lý của bất cứ đầu óc suy luận nào; và trong công việc đó, định luật ‘nhân - quả’ thường được áp dụng cách triệt để. “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” Càng suy nghĩ theo lối thông thường đó thì câu trả lời của Đức Giêsu càng gây cho chúng ta kinh ngạc đến sửng sốt: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Đó quả là một lối nhìn, một suy luận thật khác lạ, đi ra ngoài (đúng hơn: vượt lên trên) qui luật luận lý nhân quả, một điều mà lý trí tự nhiên khó ai chấp nhận nổi. Tuy nhiên chính lối nhìn và hiểu biết này mới là triết thuyết của Tin Mừng, vì nó chứa đựng bên trong một sức mạnh giải phóng đến kỳ lạ. Phải chăng đây chính là lô-gích mới mẻ đã được giới thiệu cho nhân loại? Không may, mỗi khi có một tia sáng mới lóe lên thì ánh sáng chói lọi của nó thoạt đầu dễ làm cho con mắt chúng ta bị xốn xang. Ánh sáng Tin Mừng cũng là như thế, thoạt nghe nó có vẻ điên rồ và phi lý siết bao!

Theo khẳng định của Đức Giêsu thì ‘nhận ra công trình của Thiên Chúa’ mới chính là nguyên nhân (hay mục đích) của biết bao sự kiện tang thương, tiêu cực đang xảy ra trên trần gian (động đất, sóng thần tàn phá Nhật Bản hay siêu bão hayan chỉ là nhưng ví dụ điển hình). Câu khảng định trên mới nghe ta tưởng như hoàn toàn phi lý, không thể chấp nhận được. Ta vẫn quen chia sẻ lối suy nghĩ phổ biến: ‘công trình của Thiên Chúa’ phải là điều gì hùng vĩ, hoàn hảo và tốt lành lắm; còn những bất toàn, tang thương không thể là công trình của Ngài. Nguyên nhân của các sự kiện đó nằm ở nơi khác… tội lỗi chẳng hạn; cùng lắm Thiên Chúa cũng chỉ ‘cho phép’ xảy ra vì một lý do nào đó, để thử thách, răn đe... Cách duy nhất để giải thích câu nói của Đức Giêsu là hiểu: ‘công trình của Thiên Chúa’ chính là lòng nhân ái xót thương mà Thiên Chúa đang ra công thực mạc khải và thực hiện, nhất là qua cuộc sống và cái chết thập giá của Giêsu Na-da-rét. Trong trường hợp cụ thể của người mù từ lúc mới sinh, thì chính nhờ việc anh được chữa lành mà anh, và nhiều người khác nữa, nhận biết Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa nhân lành. “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Anh mù đã nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa đối với mình qua con người được sai đến là Đức Giêsu; và một khi đã nhận biết “chính đấng đang nói với anh đây” là vị đó, anh tin vào Người: “Thưa Ngài, tôi tin” và bái lạy Người. Đối với anh, vấn nạn tại sao mình bị mù, cũng như tại sao mình được chữa khỏi có lẽ không quan trọng lắm, điều quan trọng đối với anh là biết rằng mình được Thiên Chúa xót thương. Anh tin vào tình thương đó qua việc ông Giêsu đã chữa anh lành, cho dầu lúc đầu anh chưa biết Người là ai. Niềm tin này đã giúp anh vượt qua lý luận ‘nhân – quả’ để nhìn ra ‘công trình của Thiên Chúa’ là lòng nhân ái Ngài. Trong khi đó những người Pha-ri-sêu thông thái lại đã không vượt qua nổi cái lô-gich hẹp hòi: “mày sinh ra trong tội lỗi ngập đầu… chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến”. Họ luẩn quẩn trong lối suy nghĩ nhân quả đó nên không thể tìm ra giải đáp thỏa đáng, và như thế sẽ tiếp tục mãi tình trạng đui mù là không thể nhận ra ‘công trình của lòng Chúa xót thương’. “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!”

Như vậy niềm tin Kitô hữu phải giúp tôi vượt lên trên lối suy nghĩ ‘nhân-quả’ bình thường, để nhận ra công trình yêu thương Thiên Chúa từ nhân đang thực hiện qua mọi biến cố buồn vui đang xảy đến cho tôi và cho nhân loại. Nhìn lên Đức Giêsu chết treo trên thập giá, tôi không được luẩn quẩn mãi trong cái suy luận phức tạp ‘tại sao?’, nhưng với con mắt đức tin phải nhận ra ngay ‘công trình yêu thương’ Thiên Chúa đang liên tục thực hiện. Cũng với niềm tin này, tôi nhìn vào mọi biến cố hàng ngày đang xảy ra cho chính tôi và quanh tôi, nhất là khi chúng tiêu cực và vô lý tới độ không thể nào giải thích nổi, để nhận ra bằng chứng không thể chối cãi về sự hiện diện đầy nhân ái của Thiên Chúa là Cha.

Là Kitô hữu như Phaolô, giữa muôn sóng gió và đổ vỡ của cuộc sống, tôi sẽ luôn sống trong hy vọng và tín thác. Hãy “không để bất cứ điều gì làm bạn xao xuyến!” (‘nada te turbe’ Tê-rê-xa Avila) vì “không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 8,39).

Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn để được nhìn thấy trong mọi biến cố cuộc đời, nhất là khi đau khổ và tội lỗi ngập tràn,‘công trình cứu độ của Thiên Chúa đang được tỏ hiện’ nơi con. Xin cho con cặp mắt sáng như thánh Âu-tinh, để nhận ra ngay cả các tội mình đã từng phạm trong quá khứ đều là những ‘tội hồng phúc!’, vì qua đó, con càng có thể vững vàng hơn đặt trọn niềm tin vào Giêsu Thập Giá, biểu hiện trọn vẹn nhất của tình yêu nhân ái Chúa Cha không bao giờ xua đuổi ruồng bỏ con. Amen

 

18.Suy niệm của ĐHY. Phaolô Phạm Đình Tụng

BÀI 1

Mù là một chứng bệnh gây nhiều đau khổ thiệt thòi, buồn tủi và nguy hiểm cho bệnh nhân. Người mù suốt đời, ngày cũng như đêm ở trong tối tăm, không xem thấy ánh sáng, không thể nhìn ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, màu sắc của vạn vật cũng như nét mặt xinh tươi của người thân yêu. Đó là những thiệt thòi rất lớn làm giảm thiểu sinh lực và hạnh phúc của cuộc đời.

Hơn nữa, người mù còn mặc cảm, coi mình là vô dụng, ăn bám và phải cậy nhờ người khác trong mọi sự, đi phải có người dắt, ăn phải có người đem đến tận tay, có khi liều mình gặp nguy hiểm sa lửa, sa nước, va chạm, vấp ngã thiệt đến tính mạng.

Mù là chứng bệnh gây đau khổ thiệt thòi cho bệnh nhân như vậy. Đàng khác, mù cũng là chứng bệnh nan y bất trị, ngày nay khoa học đã tiến bộ rất nhiều, người ta chữa được nhiều bệnh trước kia không thể điều trị, dù vậy, người ta chưa tìm được phương thuốc nào làm cho người mù sáng mắt.

Một việc mà con người sau bao cố gắng tìm tòi, cho đến nay vẫn chưa làm được thì Đức Kitô đã thực hiện một cách dễ dàng mau chóng như một trò chơi thích thú. Bài Phúc âm hôm nay thuật lại rằng: “Khi ấy, Chúa Giêsu gặp một người mù bẩm sinh đang ngồi ăn xin, Chúa nhổ xuống đất, lấy nước miếng(nước dãi) trộn thành bùn xoa lên mát người đó, rồi bảo đi tới hồ Si-lô-ê mà rửa. Anh đi ra và rửa, đoạn trở lại thì trông thấy mọi sự rõ ràng”. Đây là một phép lạ hiển nhiên, gây chấn động mạnh mẽ trong dân chúng. Theo công lệ tự nhiên, bùn chỉ có thể làm cho người ta đau mắt, nhưng trường hợp này bùn xoa vào mắt lại làm cho người mù được sáng. Như vậy, không phải do tính chất của nó mà do quyền năng của Đức Giêsu đã phú bẩm cho nó và dùng nó như chất liệu chữa bệnh phần xác.

Ta có thể nói, đây là hình ảnh các nhiệm tích mà Chúa sẽ lập, trong đó Chúa dùng những chất liệu bề ngoài để chữa tật bệnh linh hồn, thí dụ: nước trong phép Rửa tội, dầu thánh trong phép Xức dầu bệnh nhân. Sau nữa, phép lạ chữa người mù trong bài Phúc âm hôm nay cũng tượng trưng một việc vĩ đại hơn Chúa sẽ thực hiện, đó là làm cho người ta khỏi mù phần linh hồn, biết mở mắt trí khôn nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và là Cha nhân lành, nhìn nhân Đức Ki ô là Đấng Thiên Chúa sai xuống cứu độ loài người. Vì thế, sau khi người mù bẩm sinh, được Chúa cho sáng mắt, anh đã can đảm làm chứng về Chúa và bị người Do thái đuổi ra khỏi Đền thờ, Chúa đã đến gặp anh và hỏi: “Ngươi có tin Con Thiên Chúa không?” – Anh nói: “Thưa Ngài, Con Thiên Chúa là ai để tôi tin”. – Chúa trả lời: “Ngươi đang nhìn thấy Ngài và Ngài đang nói với ngươi”.- Anh liền thưa: “Lạy Thày, con tin và anh sấp mình thờ lậy Chúa”. Từ đây, anh trở nên một tìn hữu nhiệt thành và một tông dồ can đảm. Đối với anh được khỏi mù phần xác là một sung sướng lớn lao, nhưng được khỏi mù phần linh hồn là một hạnh phúc lớn lao hơn nhiều, vì bệnh mù phần xác chỉ là một bất hạnh tương đối và tạm thời ở đời này, còn bệnh mù phần linh hồn làm mất hạnh phúc vĩnh cửu đời sau, không thể lấy gì bù lại được. Do đó, những năm ở trần gian, Chúa gặp rất nhiều người mù, nhưng chỉ một số ít được Chúa chữa khỏi, khi về trời Chúa cũng không để lại phương thuốc gì để chữa người mù sáng mắt. Nhưng phần linh hồn, Chúa còn dùng những phương thế hữu hình để soi sáng cho người ta biết Chúa và những chân lý trong Đạo. Những phương thế hữu hình đó thể hiện nhiều cách khác nhau: có khi là một lời khuyên với dòng nước mắt của người mẹ gia đình như bà thánh Mônica đã làm cho thánh Auguttinô là con mình trở lại Đạo chính; có khi là một hiện tượng gây xúc động xẩy đến như đám tang và thi hài tàn rữa của bà hoàng xinh đẹp nhất nước đã làm cho thánh Phanxicô bỏ địa vị chức quyền để tận hiến cuộc đời cho Chúa; có khi là một thất bại trong ước mơ, như việc thua kiện bất ngờ đã làm thánh Anphongsô bỏ đường danh vọng để dâng mình phục vụ Giáo Hội; có khi là gương sáng của người chung quanh như cử chỉ tôn sùng thành kính của người Ả rập đã làm cho cha Sac-lơ Phu-cô lấy lại được Đức tin đã mất từ thời niên thiếu…Tất cả những sự kiện hữu hình trên đây, ta có thể nói là như chất liệu Chúa đã dùng để làm cho người ta sáng mắt linh hồn, nhìn nhân được Chúa và trở lại với Ngài, cũng như Chúa đã dùng chất bùn làm cho anh mù bẩm sinh được sáng mắt rồi sau đó được sáng trí khôn để tuyên xưng Chúa và tôn thờ Ngài.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng: ánh sáng làm cho người có mắt lành mạnh được dễ chịu và xem thấy sự vật, nhưng cũng làm cho người đau mắt khó chịu và chói lòa. Đức Giêsu là ánh sáng soi trần gian, những ai có thiện chí và tâm hồn ngay lành mới nhận được Ngài, còn những ai thiếu thiện chí và có thành kiến sẽ không nhìn nhận Chúa mà còn phản đối Ngài. Bài Phúc âm hôm nay chứng minh điều đó, đứng trước phép lạ hiển nhiên Chúa làm, người mù đã nhận Chúa và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa, song những người biệt phái thì tìm mọi cách để chối bỏ phép lạ của Chúa và còn trục xuất những ai tuyên xưng Ngài là Đấng Kitô. Trước sự ngoan cố của họ, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Chính vì để xét xử mà Ta đã xuống trần gian để những ai không xem thấy thì được xem thấy và những kẻ xem thấy sẽ hóa nên mù”.

Để kết luận, chúng ta hãy xin Chúa cho ta một thiện chí và một tấm lòng ngay lành để chúng ta đón nhận được Chúa khi Ngài dùng các dấu chỉ bề ngoài mà đến gặp ta và tỏ cho ta nhận biết Người. Amen

 

19.Suy niệm của ĐHY. Phaolô Phạm Đình Tụng

BÀI 2

Bài Phúc âm hôm nay thuật lại một phép lạ Đức Giêsu làm cho một người mù bẩm sinh được sáng mắt.

Trước phép lạ hiển nhiên đó, ta thấy có bốn thái độ của những hạn người khác nhau:

- Trước hết là thái độ bàng quan của dân chúng. Họ đứng ngoài cuộc mà nhìn, không tham gia, coi như không liên hệ gì đến mình, do đó, họ phát biểu những ý kiến vu vơ trái ngược nhau. Kẻ thì đặt vấn đề “Phải chăng đây anh mù vẫn ngồi ăn xin?”, người thì nói: “Chính là hắn ta”; kẻ khác lại bảo: “Không phải, nhưng là một tên khác giống như hắn”.

- Sau là thái độ hèn nhát, trốn trách nhiệm của cha mẹ anh mù, ông bà ta biết rõ anh mù là con mình, và anh ta đã được Chúa Giêsu chữa khỏi, nhưng ông bà không dám nói lên sự thật, không dám làm chứng cho Chúa, ông bà sợ liên can, bị phiền hà vì người Do thái đã bàn tính trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai công khai nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô. Bởi đó, ông bà đẩy trách nhiệm cho con mình và nói: “Chúng tôi nhận nó là con chúng tôi và bị mù từ mới sinh… nhưng ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự trả lời các ông”.

- Thứ ba là thía độ ngoan cố và ác cảm của người biệt phái, vì các cảm với Chúa Giêsu, họ không muốn nhận Ngài là Đức Kitô. Lại còn ngăn cấm những ai nhìn nhận và làm chứng cho Ngài. Vì ngoan cố họ nhắm mắt trước một sự thật quá hiển nhiên và tìm mọi cách cho người khác phủ nhận sự thật đó. Nhưng không may cho họ, những lập luận ngụy biện của họ không thuyết phục được anh mù mà còn bị anh phỉ báng những lời lẽ đanh thép khiến họ phát khùng đến nỗi dùng quyền lực đàn áp công lý truc xuất anh ra khỏi hội đường. Thái độ ác cảm và ngoan cố của họ bị Chúa lên án khi Ngài tuyên bố: “Ta đến trần gian để cho những kẻ không xem thấy được xem thấy, còn những kẻ xem thấy trở nên mù”.

- Sau cùng, thái độ của anh mù là phục thiện, thẳng thắn và kiên cường. Người phục thiện luôn sẵn sàng từ bỏ quan điểm riêng mình để lằng nghe lẽ phải, nhìn nhận sự thật. Người luôn sẵn sàng bệnh vực lẽ phải, làm chứng cho sự thật theo tiếng lương tâm. Không quanh co dấu diếm, không chiều đời cho yên phận. Thánh Phaolô một lần đã phản đối thánh Phêrô vì không thẳng thắn. Đó là, trước khi những người Do thái đến thì thánh Phêrô ăn uông với người dân ngoại tân tòng, nhưng khi người Do thái đến thì Phêrô lẩn tránh vì sợ họ phê bình, Trước thái độ mập mờ không hợp tinh thần Phúc âm như vậy, ông Phaolô đã nói với ông Phêrô: “Ông là người Do thái mà muốn sống theo kiểu dân ngoại, có lẽ gì ông bắt người dân ngoại sống theo kiểu Do thái?”(Gal 2, 12-13)

Trở lại người mù trong Phúc âm, chúng ta thấy anh ta rất phục thiện và thẳng thắn. Anh dám nhìn thẳng vào sự thật, mặc dù người khác cố tình phủ nhận. Khi người ta hỏi làm thế nào mà anh được sáng mắt, anh trả lời ngay: Ông mà thiên hạ gọi là Giêsu làm bùn xức mắt tôi, bảo tôi đến hồ Si-lô-ê mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi trông thấy. Vì không che dấu được phép lạ Chúa Giêsu đã làm, những người Do thái đổi chiến lược vào uy tín của Ngài. Họ nói với anh mù: “Chúng tôi biết Thiên Chúa đã phán với ông Maisen, còn người đó, chúng ta không biết bởi đâu mà đến. Anh mù thẳng thắn trả lời cái đó mới lạ chứ! Ông ấy đã mở mắt cho tôi mà các ngài không biết bởi đâu mà đến…” “Xưa nay chưa từng nghe nói có ai mở mắt cho người mù bẩm sinh, nếu người ấy không bởi Thiên Chúa. Qua cuộc rtanh luận đó, ta thấy anh mù rất phục thiện và thẳng thắn, hơn nữa anh còn tỏ ra kiên cường nghĩa là trung thành giữ vững lập trường không ngại khó khăn, không sợ đe dọa, sẵn sàng đón nhận hậu quả là bị trục xuất ra khỏi hội đường và bị coi như người ngoại giáo.

Ngày nay, Chúa đã về trời, Đạo Chúa đã được rao giảng khắp nơi và từ hai nghìn năm nay, thái độ của nhân loại đối với Đạo Chúa cũng như những người đồng thời với Chúa.

Trước hết, là những người bàng quan, không xét đến vấn đề tôn giáo, vì họ còn bận tâm làm những việc khác mà họ cho là thiết thực hơn.

Sau là những người tin Đạo, nhưng chỉ giữ Đạo tại tâm, không dám tuyên xưng Đạo ra trước mặt thiên hạ, không dám lên tiếng bệnh vực sự Đạo khi cần thiết, giống như bố mẹ anh mù trong bài Phúc âm hôm nay.

Thứ ba là những người ác cảm với Đạo và bách hại những ai tin Đạo, như những người biệt phái ác cảm với Chúa, cố tình phủ nhận phép lạ Chúa làm, và trục xuất những ai tuyên xưng Chúa là Đức Kitô.

Sau cùng là những người có tâm hồn trong sạch, ý chí ngay lành, đã tin theo Chúa và sẵn sàng chịu mọi khó khăn để trung thành với Chúa như các Thánh Tử Đạo mà lịch sử Giáo Hội đã ghi lại những tấm gương anh hùng.

Xưa, khi Đức Mẹ dâng Chúa trong Đền thờ, có cụ già Simêon ẵm Chúa trên tay, tuyên xưng Chúa là ánh sáng soi các dân tộc, cụ cũng nói tiên tri về tương lai của Chúa và thái độ người đời đối với Ngài. Cụ nói: “Trẻ này sẽ nên duyên cớ cho nhiều người vấp phạm và nhiều người chỗi dậy”(Lc 2, 34). Lời tiên tri đó đã ứng nghiệm. Cũng một cái đèn sáng nhưng sinh hiệu quả khác nhau tùy thái độ mỗi người trước cái đèn đó, ai quay mặt về hướng đèn sẽ nhìn thấy ánh sáng và biết đường đi, ai quay lưng lại, thì bản thân họ sẽ tạo nên bóng tối, làm họ vấp ngã.

Trong Phúc âm, Chúa cũng xưng mình là ánh sáng thế gian, ai theo Ngài sẽ không bước đi trong tối tăm.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta có một tâm hồn trong sạch, một ý chí ngay lành, một niềm tin vững mạnh để bước theo Chúa cho đến cùng. Chúa là đường, là sự thật, là sự sống, bước theo Chúa chúng ta sẽ không lầm lạc, ở trung thành với Chúa ta sẽ được sống đời đời.

 

20.Ánh sáng từ trái tim

(Suy niệm của ĐGM. Cosma Hoàng Văn Đạt)

Chúa Giêsu chữa một người mù từ khi mới sinh và cho biết Chúa là ánh sáng chiếu soi trần gian.

1. Một cụ già trong một làng quê một hôm đặt câu hỏi cho các thanh niên: “Làm sao biết được trời còn tối hay đã sáng?” Một người trả lời:

- Khi ở tận chân trời có con trâu với con bò mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.

- Chưa đúng hẳn!

Một người khác:

- Khi ở mãi chân trời có cây dừa với cây chuối mà phân biệt được thì trời đã sáng; nếu không phân biệt được thì trời còn tối.

- Chưa đúng hẳn!

- Vậy cụ dạy thế nào ạ?

- Khi có một người đến với chúng ta, bất kể tuổi tác, màu da, tiếng nói, tôn giáo, học vấn, tính tình, quá khứ... mà chúng ta nhận ra đó là một người anh em, thì trời đã sáng; nếu không thì trời còn tối.

2. Một vị Nhật hoàng sau khi làm việc căng thẳng muốn thư giãn, nên xin các quan tìm cho một người biết nói đùa. Người ta dẫn đến cho ông một thiền sư.

Nhật hoàng:

- Ta muốn nhà ngươi nói đùa cho ta nghe.

- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ nói trước để hạ thần nói đùa theo.

- Ta thấy nhà ngươi giống y hệt một con lợn!

- Tâu bệ hạ, còn hạ thần thì thấy bệ hạ giống y hệt Đức Phật!

- Tại sao ta bảo nhà ngươi là con lợn mà nhà ngươi lại bảo ta là Đức Phật?

- Tâu bệ hạ, dễ hiểu lắm ạ: ai có tâm của Phật thì nhìn vào đâu cũng thấy Đức Phật; còn ai có tâm của lợn thì nhìn vào đâu cũng thấy lợn!

3. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trái tim của Chúa, để con nhận thấy mọi người đều là anh em, và nhận thấy mọi anh em đều là hiện thân của Chúa.

 

21.Ánh sáng chiếu soi

Các nhà thơ thường thi vị hóa cặp mắt "như cửa sổ tâm hồn", chính nhờ cặp mắt mà con người mới có thể nhìn thấy ánh sáng để biểu lộ tình yêu, biểu lộ với các tương quan, ánh sáng tự nhiên để dẫn ta đến với các cảnh vật xung quanh. Còn ánh sáng tâm hồn để nối kết những mảnh đời, những con tim lạc điệu đến gần nhau hơn. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là ánh sáng đức tin cho con người "thấy" được Thiên Chúa và đến gần với Ngài hơn.

Trong công việc mục vụ thăm viếng, tôi có dịp đến thăm một bà già bị mù từ lúc bẩm sinh. Qua tâm sự tôi biết được sự khao khát lớn nhất của bà là được nhìn thấy ánh sáng để đi đọc kinh, xem lễ và làm việc dễ dàng hơn. Nhưng điều làm tôi nể phục là bà không bao giờ bỏ một lễ Missa nào, cho dù là trời mưa gió đường khó đi , hay lễ sớm trời tối. Bà vẫn đi dự lễ với cây gậy tre, bà mò mẫm từng bước một thật cực khổ. Bà cũng thuộc được rất nhiều câu Kinh Thánh và các kinh đọc hàng ngày.... Nhưng ngược lại, có rất nhiều người sáng mắt gần đó tôi không bao giờ thấy đi dự lễ Missa hàng ngày, mà chỉ thấy có mỗi ngày Chúa Nhật, khi được hỏi nguyên do tại sao, thì họ trả lời là do trời tối đi không được. Do đó tôi mới đi đến kết luận là nếu nhìn thấy ánh sáng thì mỗi người phải tự mình biết "mở mắt" ra để đón nhận ánh sáng.

Bà già mù tôi viếng thăm, tuy không thấy gì bên ngoài, cặp mắt bà đã bị hư từ lúc mới sinh, cũng giống như anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay. Hay nói đúng hơn cả hai chỉ bị mù con mắt thân xác, nhưng con mắt tâm hồn họ không mù. Họ đang chờ đợi một ánh sáng xuất hiện, chỉ cần một cơ hội là họ nhận ra, họ bước theo ngay. Trong suốt bài Tin Mừng là một hành trình của người mù, anh tiến vào ánh sáng đức tin một cách tiệm tiến. Tuy anh chỉ là người thụ ơn và đến lúc sáng mắt vẫn chưa biết người chữa mình là Ánh Sáng Thế Gian. Việc lành bệnh đối anh chỉ là điều không tưởng, nhưng đó lại là sự thật anh đã sáng mắt, mà anh chỉ biết mình được sáng mắt là nhờ ông Giêsu nào đó đã lấy bùn thoa vào mắt và anh vâng lời đi rửa và đã nhìn thấy.

Hành trình đức tin của anh mù không phải là một con đường dễ dàng, anh phải đi từ những nghịch cảnh đơn giản đến những tình huống phức tạp. Chính thái độ chấp nhận và hành trình dấn thân theo lời Chúa dạy mà mắt anh lập tức đã được mở ra, anh đã "Thấy" Chúa Giêsu không phải bằng cặp mắt xác thịt, mà còn cảm nhận thấy Ngài bằng cặp mắt đức tin. Người hành khất mù loà bẩm sinh, kẻ bị coi là tội lỗi bị xã hội từ chối, một hình phạt mà người Do Thái cho là nặng nề, nhục nhã nhất đã trở nên "dấu chỉ" sống động của những người được Đức Giêsu soi sáng và tái sinh.

Trong cuộc sống đạo, chúng ta không bị mù về con mắt thể xác, cũng không bị mù về con mắt tinh thần. Nhưng thực tế thì sao? Chúng ta vẫn chưa biết mở con mắt ra để sống trong ánh sáng đức tin. Rất nhiều lần ta sống như một kẻ mù loà. Mù vì không bao giờ thấy được những hồng ân Chúa ban để tạ ơn Người. Ta mù vì không thấy được những kỳ công quyền năng Chúa làm để mà ca tụng ngợi khen, mù loà vì đã không thấy được biết bao nhiêu điều thiện hảo mà những anh em đồng loại khác đã làm cho chúng ta để mà tạ ơn... Có những lúc chúng ta không bị mù loà nhưng lại cố ý đóng kín mắt để không nhìn thấy, cố ý bịt tai như bị tê liệt để không còn nghe thấy những điều khốn cực, nghèo khổ mà đáng ra tôi phải có bổn phận giúp đỡ, tê liệt trước những thiếu thốn của anh em xung quanh trong khi hiện tại tôi đang dư thừa.

Ngược lại với bà già mù mà tôi viếng thăm, là những người sáng mắt xung quanh. Cũng giống như những đầu mục Do Thái và những người Pharisêu hôm nay, tự kiêu tự mãn là minh "sáng mắt" chối bỏ những "dấu chỉ". Hậu quả là phải chịu đắm mình trong đêm tồi triền miên. Trong khi những người mù nhờ Đức Giêsu đã trở nên sáng mắt, thì những người tự cho mình là sáng mắt lại trở nên mù loà. Như Đức Giêsu đã cảnh cáo "Tôi đến thế gian này để xét xử cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại trở nên đui mù" (Ga 9, 39). Những người Phariseu tự cho mình là người sáng mắt lại trở nên mù loà. Chính sự cứng đầu kiêu căng đó đã tố cáo rằng không phải mắt họ bị mù loà. Nhưng là tâm hồn họ bị mù loà, lòng trí họ bị bóng đêm phủ lấp, đến nỗi họ không thể nhìn thấy được các dấu chỉ của Thiên Chúa. Và khi Ánh Sáng đến họ không chịu chấp nhận mà lại lao mình vào trong bóng tối u mê.

Lạy Chúa , xin Chúa biến đổi tâm hồn con trong Mùa Chay này, xin chữa lành bệnh mù tinh thần của chúng con, xin Chúa làm cho đôi mắt đức tin của chúng con được nhìn thấy. Xin Chúa làm cho chúng con thành những người biết nhận ra Chúa trong mọi sự và cảm nhận được rằng: Chúa là Ánh Sáng, là Sự Sống và là sự cứu rỗi. Amen.

 

22.Lạy Chúa, xin cho con được thấy!

(Suy niệm của Lm. Phaolô Trương Hoàng Phong)

Ngày xưa, mỗi khi ra khỏi nhà vào ban đêm, người Nhật Bản thường có thói quen tay cầm theo một chiếc lồng đèn. Chuyện kể rằng: Vào một đêm nọ, có một người mù đến thăm một người bạn cùng xóm. Lúc từ giã ra về, thấy anh bạn mù không cầm chiếc lồng đèn trên tay nên anh chủ nhà mới lấy chiếc lồng đèn của mình để đưa cho anh mù.

Nhưng anh mù từ chối và nói:

- Đối với một người mù như tôi thì ngày cũng như đêm, bóng tối cũng như ánh sáng. Cho nên chiếc lồng đèn này chẳng có ý nghĩa gì hết. Cầm nó theo cũng vô ích!

Người bạn mới giải thích:

- Tôi biết anh không cần chiếc lồng đèn để soi đường. Nhưng nếu anh không cầm nó trên tay thì người khác sẽ không thấy anh và có thể họ sẽ đụng vào người anh đấy!

Anh mù nghe anh bạn lý luận có lý nên đành nhận lấy chiếc lồng đèn và ra về. Đi được một đoạn đường, bất ngờ anh mù bị một người đi ngược chiều tông vào, đụng vào. Anh ta tức tối và la to lên:

- Bộ mày đui hả? Không thấy tao cầm chiếc lồng đèn trên tay sao?

Người kia trả lời như sau:

- Đúng là anh đang cầm một chiếc lồng đèn đấy. Nhưng ngọn đèn bên trong nó đã tắt rồi. Cho nên tôi không thấy anh. Xin lỗi anh bạn nhé!

Câu chuyện trên giúp cho chúng ta hiểu được: đi trong bóng đêm ai cũng cần có ánh sáng. Trong đêm tối, tưởng chừng như không cần thiết nhưng người mù cũng cần cầm đèn sáng trên tay. Anh cầm đèn không phải để cho mình nhưng để người khác thấy anh mà tránh hoặc có thể họ sẽ giúp đỡ anh. Trong đêm tối, người sáng mắt cũng cần ánh sáng. Ánh sáng giúp anh thấy đường đi, thấy người khác và biết được những chướng ngại vật trên đường. Ánh sáng giúp anh đi đúng đường, đúng hướng, không bị lầm đường lạc lối. Ai cũng cần có ánh sáng tự nhiên để nhận biết mình và thấy tha nhân.

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay, Thánh Gioan cũng kể cho chúng ta nghe câu chuyện về anh mù. Anh này bị mù từ nhỏ, bị mù bẩm sinh. Vì mù nên anh không biết khuôn mặt của mình, không biết cha mẹ mình là ai và những người thân của mình như thế nào. Anh cũng không thấy được vẻ đẹp của vũ trụ và thiên nhiên. Cuộc sống của anh toàn là một màu đen. Ngày cũng như đêm. Đêm cũng như ngày. Ai cũng như nhau. Anh phải sống trong một tâm trạng buồn thảm và thất vọng hoàn toàn. Nhiều người cho rằng vì có tội nên anh mới bị trừng phạt như thế. Nhưng thật may, Chúa Giêsu đã thấy anh và chữa anh sáng mắt. Chúa không chỉ chữa cho anh được sáng đôi mắt thể xác, giúp anh thấy mình, thấy tha nhân, thấy cảnh vật xung quanh; nhưng quan trọng hơn, Ngài còn chữa lành đôi mắt đức tin của anh nữa. Chúa đã hỏi anh: “Anh có tin vào con người không? Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”. Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,35-38). Chúa cho anh được thấy Ngài, được gặp Ngài, được tin Ngài và thờ phượng Ngài.

Chúng ta là những người rất diễm phúc. Diễm phúc vì được Chúa ban cho đôi mắt lành lặn, một đôi mắt sáng. Ta hãy cám ơn Chúa về ân huệ đó. Tuy nhiên, đôi mắt thể xác của chúng ta sáng nhưng có thể đôi mắt tinh thần, đôi mắt tâm hồn, đôi mắt đức tin của ta bị mù loà; như Chúa Giêsu nói với những người Pharisêu: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39). Đúng là có những người nhìn thấy, có những người sáng mắt nhưng tâm hồn của họ lại mù loà. Ta thường thấy có 3 loại mù loà tinh thần như sau:

1. Mù loà về bản thân

Mù vì không biết rõ mình; không biết những tài năng, những khả năng mà Thiên Chúa đã ban cho. Mù vì không thấy rõ những giới hạn, những khuyết điểm, những lỗi lầm, những sai trái của bản thân. Ta thường sáng chuyện của người nhưng lại mù tối, mù mờ chuyện của mình. Có khi ta cũng giống như những anh mù xem voi. Ta chỉ thấy một khía cạnh nhỏ của vấn đề mà vội vàng kết luận cho đó là đúng, là sự thật, là chân lý. Ta thường có những phán đoán sai lầm, chủ quan. Tệ hơn nữa là lương tâm của ta bị mù tối; không phân biệt được điều tốt và điều xấu; mất ý thức đối với tội.

2. Mù loà về tha nhân

Ta không muốn thấy những tài năng, những điểm tốt, điểm tích cực của anh chị em để mà học hỏi, khen ngợi; nhưng ngược lại, ta chỉ thích thấy những điểm tiêu cực, điểm xấu, khuyết điểm để chỉ trích, chê bai, coi thường và có khi hạ bệ người khác. Ta cũng thấy nhưng thấy một cách phiến diện, tiêu cực; ta cũng có thể bị mù về lòng nhân: thấy người khác đau khổ mà không chạnh lòng thương, biết người ta nghèo mà không ra tay giúp đỡ, ta làm ngơ vì không dám dấn thân nhập cuộc.

3. Mù loà về Thiên Chúa

Ta không nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong vũ trụ này. Không thấy Thiên Chúa hiện diện trong Giáo Hội, nơi tha nhân, trong Lời Chúa và trong Thánh Thể. Ta không thấy Thiên Chúa đang đồng hành với mình; không cảm nghiệm được những kỳ công mà Thiên Chúa đã làm; và không tin có Thiên Chúa đang hiện hữu trong thế giới này.

Lạy Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian, xin Chúa hãy mở đôi mắt tinh thần của con để con thấy được những bất toàn, những giới hạn, những khuyết điểm của con. Xin Chúa hãy mở đôi mắt tâm hồn của con để con thấy được những điều hay, những điều tốt nơi anh chị em con. Xin Chúa hãy mở đôi mắt đức tin của con để con thấy Chúa, nhận ra Chúa và cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho con. Lạy Chúa, xin cho con được thấy. Amen.

 

23.Cửa sổ tâm hồn – Thiên Phúc

Chuyện kể rằng, có một người mù lúc nào cũng kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng câu: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Một hôm, người ta dẫn ông đến trước mộ thánh Thomas thành Cantorbery để xin Người chữa cho ông sáng mắt. Ông được nhận lời. Mắt ông liền mở ra. Cảnh vật tưng bừng reo vui trước mắt ông. Khi nỗi vui mừng đầu tiên trôi qua, ông mới chợt nhớ là mình đã quên thêm vào lời cầu nguyện kết thúc: "Nếu điều đó có ích cho phần rỗi con."

Ông liền trở lại viếng mộ thánh, và xin được mù trở lại nếu điều đó đem lại lợi ích cho linh hồn ông. Thế là ông lại mù như trước.

***

Người đàn ông trong câu chuyện trên đây tuy bị mù về đôi mắt thể xác, nhưng lại ngời sáng về đôi mắt đức tin. Đôi mắt đức tin của ông bừng sáng khi ông bằng lòng hy sinh đôi mắt tinh anh của thể xác để đổi lấy đôi mắt trong vắt của linh hồn.

Người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng thánh Gioan 9:1-41 quả là một tấm gương sáng chói cho mỗi người tín hữu: Được chữa lành đôi mắt thể xác là một hồng ân cao cả. Nhưng còn tuyệt vời hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khai mở đôi mắt Đức tin cho anh, để anh nhận ra Người là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến, là Ánh sáng của trần gian.

Nhưng đâu phải một sớm một chiều mà anh có được đức tin ngời sáng. Sau khi được sáng đôi mắt thể xác, anh đã phải mò mẫm đi trong đêm tối của Đức tin. Anh đã phải vượt qua một chặng đường dài đầy cam go thử thách của tôn giáo, của lề luật, của những người Pharisêu sáng mắt mà như mù lòa. Con đường đi tới Đức tin của anh là con đường đầy chông gai, nguy hiểm. Hành trình Đức tin của anh cứ bị khựng lại bởi những hạch sách, ngăn đe, dọa nạt của giới lãnh đạo tôn giáo.

Cuối cùng, thì anh đã vượt qua cuộc hành trình đầy cam go để đến với Đức tin ngời sáng, như đôi mắt của anh vừa được chữa lành. Trong khi người ta phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, thậm chí còn kết án Người chữa bệnh vào ngày Sabát, thì chính anh, người mù từ lúc mới sinh, lại can đảm bênh vực cho Đức Giêsu và dõng dạc tuyên xưng niềm tin của mình: "Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhận lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì" (Ga 9,31-33).

Lý luận của anh mù đã làm xôn xao giới lãnh đạo Do thái giáo, vì nếu Đức Giêsu là người tội lỗi như họ kết án thì làm sao có thể mở mắt cho người mù được? Hoá ra, người mù thì lại sáng mà người tưởng mình sáng lại hoá ra mù.

Họ mù quáng vì luôn cố chấp trong ý nghĩ lỗi thời, họ cho mình quyền nắm giữ đạo đức truyền thống, nên những gì đi ngược với truyền thống đều là sai lạc, phải loại trừ. Họ mù quáng vì họ tự cao tự đại, luôn cho mình là người tinh thông luật đạo, lại thánh thiện đức độ hơn người, nên họ không bao giờ nhận mình sai sót lỗi lầm. Họ mù quáng vì lòng họ chai đá, không cảm thông được nỗi bất hạnh của kẻ mù lòa, cũng chẳng chia sẻ được niềm vui của người được sáng mắt. Và nhất là họ mù vì họ đã không nhận ra người đã làm cho anh mù được sáng mắt, chính là Đức Giêsu Kitô: "Đấng là ánh sáng thế gian".

Nguy hiểm biết bao khi luôn cho mình đã nhìn rõ. Trong bao cái chai lì của đời sống làm sao chúng ta nhìn thấy hết mọi vấn đề. Cái nhìn vừa mênh mông vừa thiếu sót làm sao! Cái nhìn sai nào cũng gây bất công và đau khổ cho người khác. Tiêu chuẩn để khỏi phải hối hận vì gây đau khổ cho người khác là hãy nhìn bằng đôi mắt xót thương.

Mù loà thể xác đã là một bất hạnh không ai mong đợi, nhưng mù loà tâm hồn còn là một tai hoạ khủng khiếp nhất. Người ta có thể trở nên mù loà khi cố chấp không đón nhận sự thật: Sự thật về cái yếu đuối bất toàn của mình, sự thật về một Đức Kitô bởi Thiên Chúa mà đến, Đấng là Ánh sáng thế gian. Chính Người đã tuyên bố: "Sự thật sẽ giải thoát chúng con" (Ga 8,32). Sự thật chính là Đức Kitô và những gì Người đã loan báo. Tin vào sự thật là tin rằng Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi mù lòa thiêng liêng. Tin vào sự thật là tin rằng Người là Ánh sáng thế gian. Tin vào sự thật là sẵn sàng bước theo Ánh sáng của Người.

***

Lạy Chúa, chỉ những ai khiêm tốn nhận mình mù lòa mới được Chúa cho sáng mắt, còn những ai cho mình sáng mắt sẽ mãi mãi sống trong bóng tối tự mãn của mình. Xin đừng để chúng con ở lì trong bóng tối tội lỗi của mình, nhưng xin dẫn dắt chúng con bước đi trong ánh sáng của Chúa. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ