Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1355799

Suy Niệm Lễ tết Năm 2011

THÁNH LỄ GIAO THỪA 2011
Mt 5, 1-10

BÀN GIAO MỚI VÀ CŨ

Thánh lễ Giao Thứa, Cầu Bình An Cho Năm Mới là giây phút rất quan trọng của mọi người. Bởi vì trong thánh lễ này, Vị chủ tế và mọi người giáo dân hiện diện dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân vì muôn vàn hồng ân Ngài đã ban cho mọi người, mọi gia đình, giáo họ, giáo xứ trong suốt một năm qua. Giây phút mà linh mục Chủ tế dâng lên Chúa trong thánh lễ giao thừa là giây phút linh thiêng, huyền nhiệm. Giây phút năm cũ sắp sửa bàn giao cho năm mới. Những ngày cũ sắp sửa bị đẩy lui vào dĩ vãng để cho những ngày mới linh thiêng có mặt.

Quả thực, mọi người có mặt trong thánh lễ đêm giao thừa đều cảm nghiệm sâu xa lời Thánh vịnh:” Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion “ ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện của ca nhập lễ thúc giục mỗi người hãy hướng về Thiên Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, Đấng là Nguyên thủy và là Cùng đích :” Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh “. Ông Môsê đã nói với Aaron và các con ông Aaron rằng :” Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! “. Còn thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Thêxalônica thì viết :” Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh “. Thánh vịnh đáp ca lại nói :” Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời “. Những lời Kinh Thánh muốn nhắc nhớ chúng ta Thiên Chúa là Đấng ban ơn giáng phúc, không có Ngài không có ơn huệ và tình thương. Do đó, thánh lễ giao thừa là thánh lễ tạ ơn, thánh lễ đón chào những khoảnh khắc mới.Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta theo như Đức Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là khoảnh khắc đầu tiên, khoảnh khắc cuối cùng, khoảnh khắc duy nhất. Và Ngài dùng lời của Thánh nữ Faustina Kowalska để nói :” Nếu con nhìn tương lai, thì lo sợ sẽ xâm chiếm lòng con, Nhưng tại sao lại dấn bước vào tương lai ? Chỉ có hiện tại là thiết thân với con. Bởi vì tương lai có lẽ sẽ không ở lại trong linh hồn con. Thời gian quá khứ không nằm trong quyền lực của con. Để thay đổi, sửa chữa hay thêm điều gì vào. Vì điều này các nhà thông thái, các ngôn sứ cũng không thể làm được. Chúng ta hãy tín thác cho Thiên Chúa những gì thuộc về quá khứ. Ôi phút hiện tại, ngươi hoàn toàn tùy thuộc nơi ta. Ta ước muốn sử dụng ngươi trong quyền hạn của ta…Vì thế, con tín thác nơi Lòng Nhân Từ Chúa. Con tiến bước trong đời như một trẻ em.Và mỗi ngày con dâng cho Chúa trái tim con nồng cháy tình yêu để danh Chúa được cao cả hơn “. Đúng giây phút linh thiêng, huyền nhiệm là giây phút hiện tại của một năm mới, giây phút mới nhất của một năm mới tới.Bởi vậy, giây phút tạ ơn trong thánh lễ giao thừa là giây phút trời đất giao hòa, giây phút chứa chan ân lộc. Giây phút giao thừa là giây phút mở ra cho những ngày mới, giây phút giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác nơi Chúa vì tất cả đều là bởi Chúa, tất cả đều là hồng ân.

Thánh lễ giao thừa đưa chúng ta vào lời Kinh tiền tụng để muôn đời là lời cảm tạ tri ân :” Lạy Cha chí Thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Trong Cha chúng con được hiện hữu, được sống và hoạt động. Ngay trên cõi đời này, chẳng những chúng con hằng nghiệm thấy hiệu quả tình thương của Cha, mà còn nhận bảo chứng sự sống muôn đời. Quả vậy, chúng con được nhận lãnh ân huệ mở đầu là Chúa Thánh Thần, nhờ Người, Cha đã cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết ; do đó, chúng con hy vọng, muôn đời được sống lại từ cõi chết “. Giây phút giao thừa, đặc biệt trong giây phút con người được rước Mình Máu Chúa là giây phút thánh thiêng, giây phút Thiên Chúa gặp gỡ con người và ngược lại con người kết hợp với Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu, là Mùa Xuân vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, trong giây phút giao thừa linh thiêng đêm nay, xin củng cố đức tin cho chúng con, để chúng con luôn nhìn ra tình thương tuyệt vời của Chúa và để chúng con nhận ra những giây phút mở đầu của ngày mới là giây phút quý hóa nhất cho một năm mới tốt đẹp và trong lành. Amen .

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

THÁNH LỄ TẤT NIÊN 2011
Lc 1, 39 – 55

Cảm tạ tri ân
Ngồi tính sổ cuối năm, ai cũng có những cảm nghĩ, suy tư về cuộc đời mình. 365 ngày là mấy nhỉ, 3.600 cũng chẳng là bao ! Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng mình còn sống được ở trần gian này là do một sức mạnh thiêng liêng đã nâng đỡ, đã thúc đẩy mình sống và còn sống cho tới giây phút này. Sức mạnh linh thiêng ấy là Thiên Chúa, Đấng dựng nên đất trời, Đấng tác tạo con người. Do đó, ngày cuối năm là ngày mọi người chúng ta phải nói lên lời cảm tạ tri ân Thiên Chúa như thánh Phaolô đã viết :” Đàn hát lên ! Nhờ Thánh Thần linh hứng, trót tâm tình, dâng Thiên Chúa là Cha. Luôn cảm tạ Người nhân danh Thánh Tử, vì Người ban muôn phúc lộc chan hòa “.

Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu được thế nào là ca tụng, thế nào là cảm tạ, thế nào là cám ơn. Ngôn sứ Isaia đã không ngại cất lên :” Tôi xin dâng lời ca tụng, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người “. Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô 1,3-9 đã viết :” Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu “. Thánh vịnh đáp ca thánh lễ tất niên cũng nói lên những kỳ công, những hồng ân mà chỉ mình Chúa mới ban cho nhân loại, ban cho con người :” Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương “. Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô I, Đức Giáo Hoàng được mệnh danh là Đức Giáo Hoàng luôn nở nụ cười, đã kể một câu chuyện thật dí dỏm về sự vất vả, công lao và hy sinh của bà vợ trong gia đình nhưng không ai hiểu dù là chồng, là con và không ai biết động viên, cám ơn, khen ngợi. Thế là một bữa kia, chồng con đi chơi về họ chỉ nhận được một bàn được bầy biện toàn cỏ khô thay vì các món ăn…Và như thế, họ mới nhận ra lỗi tại mình đã không hiểu biết gì về lòng yêu thương bao la của người vợ hiền, từ lúc đó họ động viên nhau, giúp nhau, biết nói lời cám ơn và gia đình bỗng trở nên hạnh phúc…

Tin mừng của thánh Luca 1, 39-55 đã cho thấy lời kinh Magnificat chan hòa như thế nào. Trước hồng ân hết sức lớn lao, trước ơn huệ vô biên của Thiên Chúa, Mẹ Maria chỉ biết thốt lên lời ca tụng tri ân :” Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn “ ( Lc 1, 49 ). Mẹ Maria chỉ biết nói lên tâm tình của mình, nói lên cõi lòng của mình, nói lên tất cả con người và cuộc đời của mình trước tình thương cao cả, vô biên của Thiên Chúa :” Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi “. Lời tiền tụng chung IV nói lên một sự thực hiển nhiên :” Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho cha nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời nhờ Đức Kitô, Chúa chúng tôi “.

Cảm tạ Chúa bởi biết bao ơn lành Ngài đã đổ xuống trên chúng ta, trên gia đình, trên bản thân, trên Giáo Hội và trên cả thế giới này. Thánh vịnh 115, 12-13 đã viết :” Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho ? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa “.

Chính Chúa Giêsu trong cả cuộc đời tại thế của Ngài, dù làm việc gì, dù nói lời gì : công bố Lời Chúa, làm phép lạ,chữa bệnh, xua trừ ma quỷ, Chúa luôn luôn cảm tạ Chúa Cha. Lần làm cho cá và bánh hóa nên nhiều nuôi hơn 5.000 người ăn, không kể đàn bà con nít, Chúa đã ngước mắt lên trời tạ ơn thiên Chúa là Cha của Ngài, rồi truyền cho các môn đệ phân phát bánh và cá cho dân chúng đang đói được ăn no nê. Khi lập Phép Thánh Thể, Chúa cũng tạ ơn Thiên Chúa Cha và truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Ngài…

Ngay trong ca nhập lễ của thánh lễ tất niên, chúng ta cũng đọc thấy :” Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới “. Và trong lời nguyện hiệp lễ, Giáo Hội cũng giúp chúng ta hiểu :” Lạy Chúa, trong thánh lễ tất niên này, Chúa đã cho chúng con được no thỏa nhờ Lời Chúa và Bánh Thánh. Xin cho chúng con được đầy lòng tin yêu, để sang năm mới, chúng con thêm phấn khởi sẵn sàng phục vụ Chúa và tất cả mọi người”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ tri ân vì muôn hồng ân Chúa đã tuôn đổ trên chúng con, xin Chúa tiếp tục củng cố lòng tin của chúng con để chúng con sẵn sàng giới thiệu Chúa cho những người khác. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

MỒNG MỘT TẾT TÂN MÃO 2011
THÁNH LỄ MINH NIÊN : CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI
Mt 6, 25-34

Bình an năm mới
Bình an mà các Thiên thần hát vang trên không trung ngày Chúa Giáng sinh vẫn là sự bình an con người thành tâm thiên chí đang cầu mong, khẩn nguyện cho Quê hương, cho Gia đình, cho Giáo xứ, cho Giáo Hội, cho xã hội. Ngày đầu năm mới giây phút thiêng liêng của đêm giao thừa nhường cho những giây phút, những khoảnh khắc đầu tiên của ngày mồng một huyền diệu. linh thiêng. Những giây phút con người mừng tuổi Chúa, chúc tuổi nhau, những giờ phút đầu tiên của ngày mới mồng một con người gặp nhau chúc nhau an bình, thịnh vượng, sức khỏe và may mắn.

Ngày đầu xuân mới, ngày mồng một tết là ngày thiêng liêng của ngày đầu năm.Ngay trong ca nhập lễ chúng ta đã đọc thấy : “ Nguyện Chúa trời dủ thương và chúc phúc, xin tỏa ánh Tôn Nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài “. Đáp ca vạch cho chúng ta một hướng đi rõ rệt :” Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay “. Sự bình an mà mọi người, mọi nhà tin tưởng, cầu xin và cậy trông là sự an bình đích thực xưa các thiên thần đã công bố cho những người có lòng thành tâm. Sự bình an ấy, ngày hôm nay nhân loại và mọi người vẫn đang tìm kiếm. Vật chất cần thiết thật, nhưng tất cả đều do tay Chúa. Con chim sẻ, hoa huệ ngoài đồng, sợi tóc trên đầu cũng không nằm ngoài bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Thánh vịnh 36 vẫn vang lên :” Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ “ hoặc “ Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện, thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn. Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn, Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng “. Lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Matthêu 6, 25-34 dạy con người hãy luôn tín thác nơi Chúa. Tất cả đều là hồng ân. Tất cả đều do Chúa. Đừng bám chặt lấy của cải cách thái quá. Đừng coi của cải, vật chất là cùng đích đời mình. Điều căn bản và chính yếu là tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Thánh Phaolô viết cho Giáo đoàn Philipphê :” Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em ! “, đồng thời Ngài còn khuyên nhủ :” Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu “. Chúa vạch ra cho chúng ta con đường phải đi: Con đường phó thác. Tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa, mọi sự sẽ tốt đẹp, hanh thông. Bởi vì Kinh tiền tụng cho thấy :” Cha đã sáng tạo mọi loài trong vũ trụ và sắp đặt cho thời tiết bốn mùa thay đổi nối tiếp nhau. Riêng con người, Cha đã tác tạo nên giống hình ảnh Cha và cho điều khiển mọi công trình kỳ diệu trong hoàn cầu vũ trụ để họ thay quyền Cha làm chủ mọi loài, và khi chiêm ngưỡng những kỳ công Cha đã thực hiện, họ hát mừng ca tụng Cha luôn mãi, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con”. Đúng Chúa dặn dò và dạy bảo chúng ta hãy tin tưởng, tín thác nơi Ngài vì :” Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế “.

Tin vào Lời Chúa và tin sự hiện diện của Chúa ở với con người luôn mãi nên “ Chúa đã trao cho loài người chúng con trách nhiệm trông coi vũ trụ. Nay chúng con hoan hỷ dâng lên Chúa những lễ vật đầu xuân, chọn lựa trong tinh hoa của ruộng vườn. Xin cho chúng con không ngừng cảm tạ tri ân, và chu toàn làm chủ trái đất “. Người Pháp có câu rất ấn tượng :” Aide-toi et Dieu t’aidera “ ( hãy tự giúp ta rồi Thiên Chúa sẽ giúp ta ). L’ Homme propose et Dieu dispose ( con người ra kế hoạch nhưng Chúa mới là người định đoạt ).

Vâng, chúng ta hãy ký thác đường đời cho Chúa. Chúa, Chúa chính Chúa Ngài sẽ ra tay. Năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau luôn sống tin tưởng, tin yêu và phó thác. Chúng ta chúc cho nhau luôn được sống an bình, sự bình an đích thực Chúa đã hứa ban cho những ai thành tâm thiện chí.

Lạy Chúa Giêsu, ngày lại ngày, chúng con ca ngợi Chúa, mãi ngàn năm, xin chúc tụng danh Ngài. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

MỒNG HAI TẾT TÂN MÃO 2011
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN &ÔNG BÀ CHA MẸ
Mt 15, 1-6

Thảo kính Cha mẹ
Ngay trong thập giới, điều răn thứ 4 viết : “ Hãy thảo kính cha mẹ “. Thảo kính cha mẹ được đặt trong mười giới răn của Chúa, cho chúng ta thấy ý nghĩa cao vời và quan trọng của nó.Mỗi dân tộc cũng đều có đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về nguồn cội, nhớ tới tổ tiên, ông bà cha mẹ vv…Hôm nay, ngày mồng hai tết, Giáo Hội dành riêng ngày này để kính nhớ Tổ tiên và Ông bà Cha mẹ. Quả thực Giáo Hội đã luôn động viên, khuyến khích mọi người hãy luôn có tấm lòng nhớ tới và cầu nguyện cho những Bậc sinh thành đã sinh ra và dưỡng dục chúng ta…

Mười giới răn của Chúa là mười điều dạy dỗ, hướng dẫn con người đi theo con đường  tốt lành mà Thiên Chúa đã vạch ra cho moi người bước đi. Qua bàn tay của Môsê, bia đá và mười giới răn đã được tới tay mọi người. Bởi vì, từ núi Sinai, Thiên Chúa đã trao bia đá viết mười giới luật tận tay ông Môsê để rồi Môsê xuống núi truyền đạt cho Dân Chúa. Mười giới răn Chúa truyền là những nấc thang để giúp con người nên thánh. Và ngay từ thời tạo thiên lập địa việc hiếu thảo, tôn kính các bậc sinh thành luôn luôn được con người trân trọng, giữ gìn cách kính cẩn. Giáo Hội Chúa Kitô ở muôn thời luôn dạy dỗ con cái phải kính Chúa và yêu mến cha mẹ. Đoạn Tin mừng của thánh Matthêu 15, 1-6 cho chúng ta thấy rõ quan niệm trái ngược của các Kinh sư, Biệt phái và Chúa Giêsu. Chúa Giêsu dạy con người phải thảo kính cha mẹ không chỉ dừng ở của cải vật chất mau qua, nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đụng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. Sách Cách ngôn viết :” Con ơi giữ lấy lời Cha, chớ quên lời Mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền. Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân “ ( Cn 6,20.23abc ) và Sách Khải huyền 14, 13 cũng viết :” Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi “. Sách Đức Huấn ca 44,1.10-15 nhắc nhở các thế hệ :” Chúng ta hãy ca tụng các bậc cha ông của chúng ta đã sống qua các thời đại “.  Thánh vịnh 127 dùng làm đáp ca lễ hôm nay cho thấy :” Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người “. Tất cả những lời Kinh Thánh đều nhắm hướng dẫn chúng ta hãy tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ vì các Đấng đã có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi Giáo đoàn Êphêsô 6.1-4.18-23 nhắn nhủ :” Hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất “. Kinh tiền tụng lại viết những câu rất thấm thiết như sau :” Quả vậy, khi ngắm xem muôn loài trong vũ trụ, tự nhiên chúng con thấy vạn sự đều có cội rễ căn nguyên. Chim có tổ, nước có nguồn, con người sinh ra có cha có mẹ. Nhưng phải nhờ ơn Cha mạc khải, chúng con mới nhận biết Cha là nguyên lý sáng tạo muôn loài, là Cha chung của tất cả chúng con. Cha đã ban sự sống cho tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để các ngài truyền lại cho con cháu. Cha cũng đã ban cho các ngài ân huệ dư đầy để chúng con được thừa hưởng mà nhận biết, tôn thờ và phụng sự Cha “.

Tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những Đấng bậc đã sinh ra chúng ta. Các ngài đã tuân hành lệnh Chúa mà tạo dựng gia đình và noi gương gia đình Thánh Gia, các ngài đã luôn hết mực trung thành, yêu thương, nuôi dưỡng con cái, cháu chắt theo ý của Chúa để góp phần bảo vệ vũ trụ và làm sáng danh Chúa trong đời sống con người. Nay, tổ tiên, ông bà cha mẹ kẻ còn sống, người đã qua đời, bổn phận của con cái cháu chắt là nuôi dưỡng, thăm hỏi, giúp đỡ ông bà cha mẹ khi các ngài còn sống và lúc các ngài qua đời, con cái cháu chắt phải tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính bằng cách xin lễ, làm việc bác ái và cầu nguyện cho các ngài.

Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con ngày nay sống sao cho tròn chữ hiếu đối với tổ tiên và ông bà cha mẹ để mai sau được cùng các ngài vui hưởng phúc trường sinh. Amen.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

MỒNG BA TẾT TÂN MÃO 2011
THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
Mt 25, 14-30

Chúa cũng làm việc
Người ta cứ tưởng đã là Chúa thì chẳng cần phải làm việc, tự nhiên, hằng ngày Ngài cứ làm phép lạ là đã có của ăn. Không Chúa Giêsu khi xuống thế gian đã làm việc không ngừng, Ngài lao động để nâng cao giá trị của công ăn việc làm. Chúa Cha làm việc, Chúa Con cũng làm việc không ngừng. Ngày mồng ba tết mỗi năm, Giáo Hội dành riêng một ngày để mọi người nhớ tới Chúa, bởi vì làm bởi chúng ta mà ban cho lại do Thiên Chúa. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta hãy noi gương bắt chước Chúa, Ngài đã miệt mài tạo dựng vũ trụ, tạo nên con người suốt trong sáu ngày, và Ngài chỉ dành ngày thứ bảy để ca tụng Thiên Chúa Cha và nghỉ ngơi, dưỡng sức và cầu nguyện. Giáo Hội cũng khích lệ chúng ta hãy xem gương lao động của cả gia đình Nagiarét để noi gương bắt chước. Thánh Phaolô nói một câu chí lý, để đời, dạy chúng ta và mọi người phải lao động :” Không làm thì đừng có ăn “.

Thật là chí tình, chí lý khi ca nhập lễ viết :” Bao lâu trái đất này còn, còn gieo còn gặt, còn vun còn trồng ; bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên “ ( St 8, 22 ) và Thánh vịnh 64, 2 cũng viết :” Bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi “. Qui chiếu ba bài đọc Thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm, Giáo Hội cho thấy Lời Chúa xoay quanh việc lao động. Cả ba bài đọc đều nêu cao giá trị của công ăn việc làm, của sự lao động sản xuất. Bài đọc I, đoạn sách Sáng thế cho thấy Chúa dạy con người phải trồng trọt nghĩa là làm việc để tạo ra lương thực. Thiên Chúa luôn muốn con người góp tay cai quản vũ trụ và tô đẹp vũ trụ, công trình của Chúa theo ý của Thiên Chúa. Bài Tin Mừng Mt 25, 14-30 là một bài học lớn về sự lao động, con người sẽ không có lợi nhuận nếu làm biếng không chịu đầu tư kiếm lời như người nhận một nén bạc mà đem chôn cất…Lao động đòi hỏi sự cố gắng và óc sáng tạo, bởi không thể có thành công mà không phải đổ mồ hôi, không phải cố gắng vv…Mọi người, mọi dân tộc đều phải lao động, đều phải làm việc mới có của ăn của để. Việt Nam chúng ta cũng có câu ca dao tục ngữ chí lý:” Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa. Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày “. Lao động theo ngôn ngữ nhà đạo là góp tay xây dựng thế giới do Chúa tạo thành. Chính Chúa Giêsu đã từng tuyên bố :” Cha Ta hằng làm việc thì Ta cũng làm việc “. Lao động theo cái nhìn Kitô giáo là bài ca tình yêu, là lời cảm tạ tri ân không ngừng bởi Thiên Chúa không ngừng sáng tạo và Chúa Giêsu cũng đã lao động liên lỉ, làm việc không ngơi nghỉ như Thánh Kinh đã tường thuật.

Đức Kitô khi sống với Cha mẹ của Ngài 30 năm ở làng quê Nazarét, Ngài đã cùng Cha mẹ là thánh Giuse và mẹ Maria làm việc không ngừng. Ngài đã làm cho việc làm có giá trị cao cả như thánh Phaolô đã từng viết :” Anh em không làm việc thì đừng có ăn “. Con Thiên Chúa làm người cũng đã nêu gương lao động cho mọi người, do đó, con người thế hệ này qua thế hệ khác vẫn luôn phải làm việc, luôn phải lao động để góp phần xây dựng thế giới, tô đẹp thế giới do Chúa sáng tạo. Kinh tiền tụng thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm nói rất rõ :” Chính Cha đã tạo dựng con người giống hình ảnh Cha, và giao trách nhiệm trông coi trái đất. Cha còn sai Con Một giáng trần, để chia sẻ thân phận người lao động và thực hiện chương trình cứu độ muôn dân. Quả vậy, Người đã bắt chước Cha hoạt động không ngừng, nêu gương cho chúng con biết chuyên cần làm việc, không những để no cơm ấm áo, và góp phần xây dựng xã hội loài người mà còn để làm rạng Danh Cha, và mở rộng Nước Trời ngay tại trần thế “.

Ngày mồng ba tết, dâng thánh lễ xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm để mọi người rằng :” Không Thầy các con không thể làm gì được “ và để mọi Kitô hữu xác tín :” Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế “. Con người có nhiều dự phóng, có nhiều chương trình, có nhiều việc làm nhưng nếu Chúa không ban trí khôn, sức khỏe thì dù con người có cố gắng mấy cũng không thành công.  Con người theo kế hoạch của Chúa luôn phải làm việc để tạo ra của cải, nhưng làm ra của cải vật chất mà biết chia sẻ bố thí cho những người túng thiếu, nghèo nàn, bất hạnh, của cải sẽ mang ý nghĩa cao vời, ý nghĩa cứu rỗi.

Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho con người phải lao động để làm chủ thiên nhiên. Xin cho chúng con được thấm nhuần Kitô giáo , để công ăn việc làm của chúng con trong năm mới này nêu cao tình tương thân tương ái, và góp phần vào sự nghiệp chung là hoàn thành chương trình sáng tạo của Chúa. Amen. ( Lời nguyện nhập lễ thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi   DCCT

home Mục lục Lưu trữ