Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1362366

TÁI NGỘ

TÁI NGỘ
Trầm Thiên Thu
Quá Khứ Đau Thương Không Còn Nữa
Hôm Nay Hạnh Phúc Mãi Vĩnh Tồn
Hẹn gặp lại, hẹn tái ngộ – See you again. Đó là ước muốn của chúng ta khi chia tay người khác, đặc biệt là người thân. Đối với Công giáo, tín nhân cũng hẹn gặp lại người quá cố trên Nước Trời. Chúa Giêsu cũng hẹn gặp lại chúng ta ở đó, Ngài đi trước để dọn chỗ cho chúng ta. (x. Ga 14:2-3) Rõ ràng nhất là Ngài đã gặp lại Maria Mácđala và các môn đệ sau khi Ngài phục sinh. Đó là sự thật minh nhiên, mặc dù có những kẻ xấu phao tin đồn nhảm nhí vì không muốn người khác biết Chúa Giêsu sống lại. Vô ích!
Ai cũng biết rằng mỗi người chỉ có một cuộc sống, tức là chỉ sống một lần và chết một lần, không ai có thể sống lại, cũng chưa có ai trải nghiệm như vậy. Chắc chắn có sự sống lại nhưng không ai thấy xảy ra. Chỉ có Thánh sử Luca kể lại trường hợp của Ladarô, (x. Ga 11:1-44) và con trai bà góa thành Nain. (Lc 7:11-17) Nhưng cả hai người đó cũng chỉ sống lại tạm thời mà thôi, rồi họ lại chết. Sự sống lại trong ngày cánh chung mới là sự sống vĩnh viễn.
Tuy nhiên, sự sống lại đã xảy ra thực sự đối với Đức Kitô. Ngài bị đóng đinh vào Thập Giá, đã chết và đã sống lại. Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ là hoang đường. Nhưng Đức Kitô đã thực sự sống lại, như vậy đức tin của chúng ta đã được “đóng ấn tín đời đời.” Điều đó đã được Thánh Phaolô minh chứng chi tiết. (x. 1 Cr 15:12-28)
Chúng ta chỉ là những con người bình thường, thế thì ai cũng có nỗi nhớ – nỗi nhớ vô tính. Nhưng người ta thường nói là nỗi nhớ đàn bà chứ không nói nỗi nhớ đàn ông. Có phải vì phụ nữ có “khoảng nhớ” lớn hơn nam giới chăng? Theo khoa học, chỉ có MỘT bộ óc nhưng có HAI bán cầu não. Phụ nữ “nói nhiều” hơn nam giới vì họ sử dụng cả hai bán cầu não một lượt, còn nam giới chỉ sử dụng một bán cầu não. Nếu xét như vậy thì cũng có phần đúng khi gọi là nỗi nhớ đàn bà, nghĩa là “khoảng nhớ” của phụ nữ lớn hơn nam giới. Trong tình trường bình thường, khi bị phụ tình, nỗi nhớ ở phụ nữ vẫn dai dẳng hơn ở nam giới. Khoa học cũng không có gì trái ngược với đức tin Công giáo. Và phụ nữ cũng được Thiên Chúa ưu đãi nhiều điều lắm – cả ngoại tại và nội tại.
Nếu xét chung về con người thì khác, bởi vì Thánh Phêrô xác nhận: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào.” (Cv 10:34) Điều này vừa đáng mừng vừa đáng lo. Thật “đáng mừng” vì chúng ta không sợ bị thua thiệt, bởi vì Thiên Chúa công bình, chính trực. Thế nhưng lại “đáng lo” nếu chúng ta ảo tưởng mà tự nhận mình “ngon” hơn người khác – về bất cứ lĩnh vực gì.
Đề cập biến cố đã xảy ra tại Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng, Thánh Phêrô nói lai lịch về Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Ngài. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Ngài. Phêrô hôm nay khác hẳn Phêrô hôm qua, ông đã “lột xác” thực sự.
Và tất cả các tông đồ cũng biến đổi, can đảm làm chứng về mọi việc Đức Giêsu đã làm trong vùng dân Do Thái và tại Giêrusalem: “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” (Cv 10:39-43) Ngày nay cũng vậy, những người thực sự tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, cũng hoàn toàn có cách sống mới.
Sự thật minh nhiên là Đức Kitô đã sống lại, và chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sống lại như Ngài, một ân huệ quá lớn, vì thế chúng ta phải “tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:1) Bởi vì chính “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” nên tử thần đã chiến bại ê chề, mất khả năng hoành hành như trước. Do đó, Thánh Vịnh gia hân hoan chia sẻ: “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm.” (Tv 118:17) Sự kỳ diệu không ngừng nối tiếp nhau: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118:22-23) Chỉ có Thiên Chúa mới khả thi những điều như vậy. Thật là hạnh phúc khi chúng ta có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô và xác tín Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất.
Như để nhắc nhở, Thánh Phaolô xác định: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cl 3:1-2) Thật vậy, Đức Kitô là nguồn sống của chúng ta, Ngài xuất hiện thì chúng ta cũng được xuất hiện với Ngài và cùng Ngài hưởng phúc vinh quang. (Cl 3:3-4) Đó là “đòn bẩy” và là động lực để chúng ta kiên trì vượt qua cuộc lữ hành trần gian này.
Rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ.” (1 Cr 5:7-8) Tất cả đều biến đổi hoàn toàn, điều đó có thể là được biến đổi hoặc tự cố gắng biến đổi, gọi là “tự cố gắng” nhưng tất cả đều nhờ hồng ân của Thiên Chúa.
Rất ngắn gọn với trình thuật Ga 20:1-9 của tông đồ trẻ Gioan: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ và thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp người “tổ trưởng” Phêrô và người môn đệ được Đức Giêsu thương mến – tức là chàng trai trẻ Gioan, cũng là người đã được tựa đầu vào ngực và nghe “nhịp tình thổn thức” của Thầy Giêsu tại buổi Dạ Tiệc Vượt Qua trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh.
Lo lắng và bối rối, bà Maria Mácđala nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Thật tội nghiệp, chắc hẳn bà buồn lắm, và bà thấy nhớ Thầy Giêsu da diết. Các môn đệ nghe nói vậy cũng cảm thấy hoang mang. Bởi vì lúc này, “vụ án Chúa Giêsu” vẫn còn gây chấn động mạnh, chưa thể nào lắng xuống, ai cũng sợ người Do Thái khủng bố và áp bức, thế nên chẳng ai dám đi lại nhiều, có ở nhà thì cũng đóng cửa kín mít, đi đâu thì phải mắt trước mắt sau, đi như chạy, vội vàng như bị ma đuổi. Ai cũng lo sợ!
Thấy cảnh đó, cảm giác của chúng ta trong lúc này cũng tương tự, ai cũng tự cách ly vì quan ngại “nàng” Vũ Hán lắm. Mắt không ngó trước ngó sau mà cứ lặng lẽ đi mau, về nhanh. Nỗi lo sợ của chúng ta ngày nay đối với “cô Vy li ti” kia còn dữ dội hơn nỗi lo sợ của các môn đệ ngày xưa đối với người Do Thái. Khổ thật!
Hôm đó, sau khi nghe bà Maria Mácđala nói, ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ xem sự thể ra sao. Cả hai người cùng chạy, nhưng Gioan còn trẻ nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông Gioan cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào, đợi cho Phêrô đến nơi và vào trước, vì “kính lão đắc thọ” theo đúng phép lịch sự.
Vừa chạy tới nơi, ông Phêrô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Rồi Gioan cũng đi vào, ông đã thấy và đã tin. Lúc này hai người tin thật rồi, chứ không bán tín bán nghi như trước đó. Và họ đã hiểu rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết theo như Kinh Thánh đã nói. Thế thì thật tuyệt!
Thế là hai năm rõ mười, mọi điều tỏ tường, ai cũng hân hoan vô cùng, và cũng không còn cảm giác sợ hãi nữa. Bất ngờ cả hai đều có sức mạnh. Chính Đức Kitô Phục Sinh đã biến đổi họ, từ con người nhút nhát thành can đảm, từ con người yếu đuối thành mạnh mẽ, ngay cả các phụ nữ cũng biến thành những chứng nhân sống động của Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Có thể là phụ nữ “vội vàng” một chút, mặc dù “sâu sắc như cơi đựng trầu,” nhưng họ vẫn có những điều khiến chúng ta phải học hỏi, nhất là đối với nam giới.
Có điều kỳ lạ: Hai hành động THẤY và TIN, một của thể lý và một của tinh thần, nhưng vẫn liên kết với nhau. Có người thấy mà không tin thì cũng vô ích. Ai thấy và tin thì mới quan trọng, đáng nói. Giữa hai hành động đó có sự biến đổi mau chóng, thực sự là điều kỳ diệu. Đức tin vẫn cần có lý trí để không ảo tưởng hoặc cuồng tín.
Trong cơn đại dịch hiện nay, người ta dễ hoang tưởng và cuồng tín. Mỗi tín nhân đừng lầm tưởng hoặc bắt buộc Thiên Chúa, Đức Mẹ, các thánh – như Thánh Rôcô và Thánh Corona – trở thành “bùa hộ mạng” cho mình. Kiểu đó là đức tin còn ấu trĩ hoặc không là đức tin, mà chỉ là cuồng tín – cuồng tín là phi tôn giáo.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin tỏa ánh sáng phục sinh trên thế giới để tất cả được biến đổi mau chóng khi thấy những điều kỳ diệu mà Ngài vẫn không ngừng thực hiện trong cuộc sống này, xin giúp chúng con biết làm chứng về Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch này. Xin cho chúng con được tái ngộ trên Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Về mục lục

PHỤC SINH VỚI CHÚA
 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Người ta nói “chết là một phần tất yếu của cuộc sống” . Cái chết không loại trừ bất cứ ai. Từ đông sang tây không một ai hiện hữu mà không một lần phải đối diện với cái chết, dù đó có là Tần Thủy Hoàng hay Alexsander Đại đế. Tài giỏi. Quyền uy. Tất cả cũng đi vào dĩ vãng của dòng đời, đôi khi chẳng để lại cho đời một chút luyến tiếc, nhớ thương.
Sinh lão bệnh tử là quy luật lẽ thường của đời người. Con người từ khi sinh ra đã tập chia tay. Chia tay từng tuổi đời để tiến đến tuổi trưởng thành hơn hay già đi và chết đi. Chia tay những con người đang sống với chúng ta trong thời gian ngắn, dài hay vĩnh viễn. Và trong số họ cũng có không ít người là thân nhân, là bạn bè của chúng ta.
Một điều mà nhân loại vẫn thao thức qua qua mọi thời đại là chết rồi đi đâu? Mặc dù cũng có rất nhiều câu chuyện được kể từ những người chết rồi bất thần sống lại. Mỗi người kể mỗi khác về những gì họ thấy được trong thời gian chết ấy. Cõi chết mà họ bước vào như thế nào? Phong cảnh, sự vật, màu sắc, âm thanh thế nào? Nơi ấy con người ra sao? Sinh vật nào hiện diện và sự sinh hoạt nơi ấy diễn ra có giống với thế giới mà ta gọi là dương thế hay dương gian hay không?
Tuy nhiên, cho đến nay, những tường thuật của những người đã chết sống lại kể ra thì chẳng mấy ai chịu tin nhất là trong thời đại văn minh này. Vì nó vẫn vượt lên trên sự suy nghĩ của con người. Có lẽ con người sẽ không bao giờ lý giải được về cái chết. Cái chết vẫn là ẩn số mà các nhà khoa học không bao giờ tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Người ky-tô hữu chúng ta chỉ biết được cái chết một cách trọn vẹn trong ánh sáng Phục Sinh của Chúa Ky-tô. Sự sống lại của Chúa là lời mạc khải về sự sống đời sau. Cái chết là hậu quả của tội lỗi con người như thánh Phao-lô đã quả quyết: “Vì một người mà tội lỗi đã vào thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết, như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì một người đã phạm tội” (Rm 5, 12). Thế nhưng, sự sống lại trường sinh lại là hồng phúc mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua cái chết của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa.
Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa không tạo dựng con người để chết mà là để sống, cho dù tội lỗi có phá hủy chương trình của Chúa thì Ngài cũng tìm mọi cách để khôi phục lại sự sống đời đời cho con người. Đức Ky-tô khi xuống thế làm người đã phục hồi lại những gì đã tan vỡ. Chính Ngài đã lãnh lấy sự chết loài người và đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh. Qua sự phục sinh của Ngài đã khai mở một mùa xuân hy vọng cho con người nếu cùng chịu chết với Người thì cũng sẽ được sống lại với Người.
Sự phục sinh của Chúa Giê-su được Phúc Âm ghi lại qua những lần Chúa hiện ra với các môn đệ, với những người thân tín của Chúa. Sự Phục sinh của Chúa còn được ghi dấu ấn qua ngôi mộ trống. Một nơi đã chôn cất xác Chúa nhưng ngày thứ ba dù quân lính canh gác, dù tảng đá nặng trĩu vẫn không còn xác Chúa. Nơi nấm mồ ấy không còn là dấu chỉ sự chết mà là dấu chỉ của sự sống. Vì Chúa đã sống lại và ra khỏi mồ.
Sự Phục sinh của Chúa cho chúng ta một niềm vui mừng và hy vọng cho kiếp người chúng ta. Kiếp người chúng ta không có tận cùng. Kiếp người chúng ta sẽ được sống mãi trong sự sung mãn của Chúa. Cái chết chỉ là một chuyển tiếp để được sống mãi bên Chúa nếu chúng ta cùng chết với Đức Ky-tô.
Cùng chết với Đức Ky-tô nghĩa là cùng chết đi con người cũ với những tính hư nết xấu để sống lại con người mới là con cái Thiên Chúa. Con người cũng phải chôn đi những tính xác thịt yếu đuối để từ khước những danh lợi thú mau qua. Nhất là con người cũng phải biết chết đi ý riêng của mình để ý Chúa được thục hiện trong cuộc đời chúng ta. Ý Chúa vẫn là tiếng mời gọi làm việc lành tránh điều dữ. Ý Chúa vẫn mời gọi chúng ta sống có ích cho tha nhân qua tinh thần bác ái, dấn thân phục vụ.
Ước gì đời sống ky-tô hữu chúng ta luôn biết chết đi con người cũ để được sống lại với Chúa trong vinh quang phục sinh. Xin cho chúng ta đừng vì những đam mê lầm lạc mà đánh mất Nước Trời mai sau. Amen
Về mục lục

ĐÓN NHẬN TIN VUI PHỤC SINH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP.Xuân Lộc
Chúng ta đang cùng với Giáo Hội long trọng cử hành mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, là một trong những mầu nhiệm cốt lõi của đức tin Kitô Giáo. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thì việc Chúa sống lại từ cõi chết vẫn là điều khó chấp nhận, dù trong cuộc sống họ cũng đã nghe có những người hồi sinh. Còn đối với người Kitô hữu, để đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này, cần phải có sự trợ giúp đặc biệt của ơn Chúa, và thái độ khiêm nhường đón nhận của mỗi người. Đó là điều mà tác giả Tin Mừng Gioan đã kinh nghiệm và đã kể lại cho chúng ta.
Mặc dù khi còn ở với các tông đồ, Chúa Giêsu đã nói trước nhiều lần về việc Người bị bắt, bị giết và sẽ chỗi dậy vào ngày thứ ba, nhưng khi sự kiện xảy ra thì hầu như các tông đồ không hề nhớ gì đến những điều Chúa đã nói, và bởi vì chứng kiến cái chết kinh hoàng của Chúa, và sự xôn xao của thành Giêrusalem về cái chết của thầy Giêsu, khiến các tông đồ vô cùng hoảng loạn, sợ hãi, bóng tối của sợ hãi bao trùm cuộc sống, khiến cho các tông đồ dường như tê liệt. Câu chuyện cho thấy hai nhóm người đầu tiên được chứng kiến ngôi mộ trống thì họ đã có những phản ứng khác nhau.
Trước hết là nhóm các phụ nữ – Thánh Gioan nhấn mạnh chi tiết : “Vào sáng sớm khi trời còn tối, bà Maria Madala đi đến mộ thì thấy tảng đá đã bị lăn ra khỏi mồ”. Lúc này trời còn tối. Trời tối, không chỉ tối về không gian, mà bầu trời trong tâm hồn của các phụ nữ này cũng đang bị màn tối che phủ, đó là sự tối tăm của sợ hãi, các bà không còn chút hy vọng, các bà chỉ tìm kiếm một Đức Giêsu đã chết và cần được tẩm liệm theo đúng tập tục. Chính vì thế, khi thấy ngôi mồ trống, các bà đã không thể nghĩ được gì khác hơn, không thể nhớ lời Chúa Giêsu đã nói về việc phục sinh của Người, các bà chạy về báo tin cho các môn đệ : “Người ta đã lấy mất xác Chúa khỏi mộ rồi và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu”.
Nhóm thứ hai chạy ra mộ, đó là Phêrô và Gioan. Tại sao trước một tin “động trời” như thế mà chỉ có hai ông này đứng dậy chạy ra mộ ? Chắc hẳn cũng không hơn gì các phụ nữ, các tông đồ khác đang bị cái chết của Chúa ám ảnh khiến các ông còn sống mà như đã chết, không thể di chuyển được nữa, nên chỉ có hai ông Phêrô – người môn đệ yêu Chúa nhất, và Gioan – người môn đệ được Chúa yêu nhất chạy ra mộ. Chính tình yêu đã thúc đẩy hai ông trỗi dậy, và cũng chính tình yêu đã đưa hai ông chạy đến ngôi mộ, và đã tin vào mầu nhiệm Phục sinh của Chúa khi thấy những dấu vết còn lại. Gioan đã đến trước, ông không chỉ đến trước tính theo thời gian, mà ông còn đến trước trong đức tin khi “ông cúi xuống để nhìn vào mộ, ông thấy những băng vải còn ở đó”. Ông đã cúi đầu trước mầu nhiệm tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, vì đức tin không thể được ban cho những người đứng thẳng trong cao ngạo, mà cần phải có một thái độ khiêm tốn đón nhận, và cúi đầu trước quyền năng của Thiên Chúa.
Gioan đã không bước vào mộ trước, ông đã chờ đợi Phêrô đến, và ông theo sau Phêrô để bước vào khám phá ngôi mộ trống. Thái độ này của Gioan cho thấy sự tôn trọng của ông dành cho Phêrô là anh cả của các tông đồ, và là thủ lãnh Giáo Hội, là người có tiếng nói chung cuộc. Vì thế, trong mầu nhiệm Phục Sinh, thái độ cần có đó là bước theo Phêrô, tức là bước theo sự hướng dẫn của Giáo Hội. Phêrô đã bước vào, đã thấy những băng vải được xếp gọn gàng, khăn che đầu được gấp lại và để riêng một chỗ. Cả hai ông thấy những dấu vết này thì các ông đã tin không chút nghi ngờ : Chúa đã sống lại thật rồi.
Tác giả Tin Mừng cho thấy, sở dĩ hai ông và các tông đồ khác rơi vào hoảng loạn sợ hãi trước cái chết của Chúa, là bởi vì các ông đã chưa tin vào lời Kinh Thánh, vì theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Như thế, để đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh thì điều hết sức quan trọng đó là phải tin vào Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đã nói về Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, và nói về cái chết cùng sự phục sinh của Người. Tin vào Kinh Thánh là tin vào Đức Giêsu và những lời giảng dạy của Người, cùng thực hành những huấn lệnh của Người, thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng đón nhận được tin vui phục sinh của Người.
Chính vì đã có một cảm nghiệm sâu xa về biến cố phục sinh và tin tưởng một cách mạnh mẽ, chắc chắn vào lời Kinh Thánh cùng những lời chứng của Giáo Hội, mà các tông đồ đã là những con người đầu tiên được biến đổi để trở thành những người làm chứng về Chúa Giêsu phục sinh. Sách Công Vụ Tông Đồ là cuốn sách thuật lại các hoạt động của các tông đồ, đặc biệt là của Phêrô, cho thấy chính niềm tin vào Chúa Phục Sinh đã là sức mạnh thúc đẩy các ông miệt mài rao giảng cho mọi người về Chúa Giêsu, và sự phục sinh của Người. Với các tông đồ lúc này, các ông đã đi đến một xác tín mạnh mẽ : Đức Giêsu, Đấng mà các ông đã cùng sống, cùng ăn, cùng ngủ, cùng đồng bàn, chính là Thiên Chúa, là Đấng mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa, đã chết nay đã sống lại và đang sống.
Trong bài giảng tại nhà ông Cornêliô, chúng ta có thể thấy một Phêrô hoàn toàn khác, không phải là một Phêrô nhát sợ chối Thầy ba lần như hôm trước nữa, mà là một Phêrô mạnh mẽ hiên ngang, mạnh dạn nói về Đức Giêsu “Đấng đã đến thế gian, đã rao giảng Tin Mừng, đã bị người Do Thái bắt và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại và hiện ra trước mặt những người mà Người đã tuyển chọn”, và hôm nay Phêrô đã làm chứng : “Chúng tôi đã được ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”, và chính Người đã truyền cho các ông phải ra đi để làm chứng cho mọi người biết điều này. Sở dĩ có sự thay đổi lạ lùng này nơi các tông đồ là nhờ chính Đấng Phục Sinh. Khi đã nhận biết và tin vào Người thì Người sẽ biến đổi những kẻ tin và lôi kéo họ về phía Thiên Chúa, để chúng ta không còn bị trói buộc bởi ma quỷ thế gian và xác thịt nữa, vì Chính Đức Giêsu Kitô đã thông truyền cho mọi người tin sức mạnh của Người.
Chúng ta là những thế hệ tín hữu sau các tông đồ, chúng ta không được diễm phúc chạy ra để nhìn xem ngôi mồ trống, nhưng chúng ta vần có thể thấy Đức Giêsu Phục sinh và tin vào Người nhờ tình yêu, nhờ ơn đức tin Người ban tặng cho chúng ta và nhờ lời chứng của Giáo Hội đã để lại cho chúng ta.
Nếu như ngày xưa Phêrô và Gioan đã tin vào Đức Giêsu và mầu nhiệm phục sinh, là vì các ông là những người yêu Chúa và là những người được Chúa yêu, thì ngày hôm nay, nhờ Chúa yêu và nhờ việc đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta cũng sẽ có thể đón nhận được mầu nhiệm lớn lao này vào trong cuộc đời của mình, Chúa phục sinh sẽ củng cố đức tin cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết khiêm tốn đón nhận sự chỉ dạy của Người.
Để đón nhận được mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta còn cần phải ngoan ngoãn vâng theo lời chỉ dạy của Giáo Hội, hãy có thái độ khiêm nhường như Gioan, hãy bước theo sau những lời dạy và lời chứng của Giáo Hội. Đừng bao giờ đi ra ngoài sự chỉ dạy của Giáo Hội, và cũng đừng kiêu căng cho mình khôn ngoan hơn Giáo Hội và đừng muốn đi trước Giáo Hội, nhưng hãy khiêm tốn để đón nhận sự dạy bảo của Giáo Hội, vì Giáo Hội là Mẹ, là Thầy của chúng ta trong đức tin, và Giáo Hội đang từng ngày trình bày đức tin cho chúng ta, nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng Lời Chúa và bằng các Bí tích mà Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội.
Sau cùng để đi đến xác tín sâu xa trong đức tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh, thì cần phải thường xuyên đọc và suy gẫm lời Kinh Thánh. Đừng bao giờ cho rằng Kinh Thánh là cuốn sách lỗi thời, và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng Kinh Thánh chỉ dành cho một số người nào đó, nhưng trái lại hãy siêng năng đọc và lắng nghe lời Kinh Thánh mỗi ngày trong Thánh Lễ, trong các giờ kinh gia đình, hãy để cho lời Kinh Thánh uốn nắn và sửa dạy đời sống chúng ta, hãy để cho lời Kinh Thánh trở thành người bạn đồng hành và dẫn đường trong hành trình đức tin và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Vì Kinh Thánh chính là Lời của Chúa, lời có sức cứu độ, thánh hóa và biến đổi chúng ta.
Mừng lễ Chúa Phục Sinh hôm nay, xin cho niềm tin này ngày càng trở nên vững mạnh trong cuộc đời mỗi tín hữu và biến đổi chúng ta nên những nhân chứng sống động cho mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa qua gương mặt, qua đời sống vui tươi và hy vọng của mỗi chúng ta, để mỗi người khi gặp gỡ tiếp xúc với chúng ta họ có thể cảm nhận được Đấng Phục sinh đang hiện diện và chi phối cuộc đời chúng ta. Amen.

home Mục lục Lưu trữ