Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 88
Tổng truy cập: 1364205
TẤM LÒNG CỦA CHA
TẤM LÒNG CỦA CHA
Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn An Khang)
Hai dụ ngôn: con chiên lạc và đồng bạc bị mất giống nhau về hình thức, lời văn cũng như nội dung tư tưởng và giáo huấn, đến nỗi có thể gọi chúng là hai dụ ngôn sinh đôi. Thực vậy, hai dụ ngôn đó, Đức Giêsu lần lượt đưa ra một người đàn ông và một người đàn bà, một mục tử mất chiên và một nội trợ mất tiền. Có khác về con số nhưng cùng một giáo huấn:
Dụ ngôn chiên lạc
Một người chăn chiên có một trăm con, lạc mất một, người đó để chín mươi chín con nơi hoang vắng để đi tìm con lạc, việc đi tìm không phải dễ, giữa cảnh bao la rừng núi. Vả lại, một sánh với chín mươi chín có là gì. Thế mà với đôi chân trần đạp trên đá sỏ, ông đã chạy lang thang khắp nơi để tìm.
Tại sao? Vì yêu thương. Đối với tình yêu, số học không còn như cũ. Lúc đó có thể đặt dấu bằng ở giữa số một và số chín mươi chín (1=99). Như thế, bất cứ giá nào, ông cũng không để mất, dù một con. Một con được ông coi giá trị như chín mươi chín. Giống như đại tướng yêu binh lính, bất cứ giá nào cũng không để chết đi một người, dù là lính quèn. Một người lính được coi như cả một đoàn quân, chết một có thể chết cả đoàn.
Bởi thế, khi tìm thấy con chiên lạc, ông đã vui mừng chạy lại ôm lấy, vác trên đôi vai, cho dù con chiên có nặng, ông rất mệt, đã chạy nhiều giờ trên những ngọn đồi sỏi đá, dưới ánh nắng chói chang của mặt trời. Nhưng theo ông, một con chiên xa đàn, lang thang nhiều giờ, nó kiệt sức, cần ông vác. Khi về đến nhà, niềm vui như vỡ bờ, ông đã kêu bạn bè hàng xóm đến chia vui, niềm vui của ông tỏa rộng và lây sang người khác.
Đồng bạc bị đánh mất.
Đây là cảnh xảy ra bên trong nhà người dân xứ Palestin: Một căn phòng bằng đất nện, với vài chiếc chiếu, hay ít đồ đạc lỉnh kỉnh, ánh sáng không bao nhiêu và chỉ lọt qua cửa chính, giữa ban ngày cũng cần một ngọn đèn nhỏ để soi các góc xó. Một phụ nữ có mười đồng bạc, bị mất một, bà đã gia công tìm kiếm, soi đèn quét nhà, moi móc khắp nơi, tìm cho kỳ được, tìm được, lòng tràn ngập vui mừng, đồng tiền thế nào cũng được cất vào một nơi chắc chắn, bà cũng mời bạn bè hàng xóm đến chia vui.
Tại sao? Đối với bà một đồng trị giá bằng một ngày công, nhưng nó quá lớn. Mất đi một đồng, bà mất đi một ngày sống. Dụ ngôn con chiên lạc, một so với chín mươi chín là quá nhỏ. Ở đây một so với chín quá quan trọng. Vì thế người đàn bà này có lý vui mừng.
Giáo huấn của hai dụ ngôn
Qua hai dụ ngôn, Đức Giêsu dạy: Tội nhân muốn trở lại cần có sự hối cải, nhưng sự hối cải của họ không phải là điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa ân cần đón tiếp, như những người Pharisiêu và các Kinh sư chủ trương. Trái lại, sự hoán cải này trước tiên được Thiên Chúa thực hiện.
Các triết gia đã biến Thiên Chúa thành một hữu thể bất động, không thay đổi. Đức Giêsu cho chúng ta thấy một Thiên Chúa chuyển động, đang mở chiến dịch tìm kiếm cái Người đã mất. Đức Giêsu đặt trước mặt chúng ta: Người mục tử vùng đồi núi Galilê, chân trần trên đá sỏi đang chạy hết tốc độ, để tìm con chiên lạc; người đàn bà đang soi đèn quét tước tìm đồng bạc đã mất. Đức Giêsu bảo: Thiên Chúa là như thế. Không có người nào bị Thiên Chúa bỏ rơi, không có người nào bị mất hẳn, bởi vì có Đấng yêu thương không ngừng đi tìm người ấy. Thiên Chúa không chịu ngồi chờ kẻ tội lỗi trở về, Người ra đi tìm họ.
Đối với người chăn chiên, một con bằng chín mươi chín, với người đàn bà, một đồng bằng chín. Đối với Thiên Chúa, mỗi người đàn ông, mỗi người đàn bà, có một giá trị độc nhất vô giá. Một con chiên lạc mất đã chiếm hết ý nghĩ của người mục tử, một đồng bạc bị mất đã chiếm hết ý nghĩ của người đàn bà. Xem ra chỉ con chiên lạc, đồng bạc mất mới là đáng kể. Chúng ta có một Thiên Chúa như thế. Một Thiên Chúa tiếp tục nghĩ đến những ai đã bỏ rơi Ngài, một Thiên Chúa đau khổ vì một linh hồn hư mất, bởi mỗi người đều quý giá, đều chiếm chỗ quan trọng trong con tim Ngài.
Tuy giáo lý dạy, con người không thêm gì cho vinh quang và hạnh phúc nội tại của Thiên Chúa. Nhưng theo những dụ ngôn này, mỗi người chiếm địa vị thiết yếu trong tình yêu Ngài đến chừng nào. Nếu không có bệnh nhân, đâu có thầy thuốc. Nếu không có tội nhân, đâu có tình thương cứu độ. Nói thế, không có nghĩa đề cao tội lỗi. Đức Giêsu không bao giờ nói, tội lỗi không quan trọng. Trái lại, sự lên án của Người đối với tội lỗi thì mãnh liệt và không chút mơ hồ: "Nếu tay ngươi hoặc chân ngươi làm dịp tội cho ngươi, hãy chặt nó đi..." Như mọi ngôn sứ, Đức Giêsu đòi hỏi sự hoán cải và sám hối (Mc 1,15). Nếu các dụ ngôn này là một lời rao giảng về tình yêu Thiên Chúa, chúng cũng là một lời rao giảng về sự hoán cải cần thiết của kẻ tội lỗi.
Câu chuyện minh họa
Ngày 13-5-1981, giữa lúc hàng chục ngàn ngời chen chúc nhau tại quảng trường thánh Phêrô để đón đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát vang lên làm mọi ngời đứng tim. đức thánh cha đã ngã gục trên chiếc xe mui trần, máu vọt lên tung tóe. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị giáo hoàng bị mu sát. Ali Agaca, hung thủ tội ác, bị bắt ngay tại chỗ. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này bị giam tại nhà tù Rebiblia ở Rôma, cả thế giới kinh hoàng về tội ác tày trời này. Năm 1984, thế giới còn kinh ngạc hơn nữa. Đấng bị thảm sát đã đến nói chuyện với kẻ sát hại mình. Không ai biết hai bên nói gì. Nhưng người ta rất cảm động, thấy đức thánh cha bắt tay Ali Agaca, với nụ cười rất trìu mến. Phải chăng đây là hình ảnh sống động nhất về tình yêu Đức Giêsu niềm nở đón tiếp các tội nhân. Đức thánh cha, vị đại diện Đức Giêsu, bị bắn gục, vẫn tỏ lòng rất nhân từ đối với kẻ tội ác. Ali Agaca đã nhập vào đoàn hành hương của đoàn chiên lành đang vui mừng chào đón chủ chiên đến thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng tinh thần bằng lời hằng sống. Ali Agaca như con chiên ghẻ, như đứa con phung phá xô đến giết chủ chăn, giết cha mình. Nhưng người cha hiền, người mục tử nhân hậu đã sẵn sàng liều chết đến cứu đứa con hư, sẵn sàng tha thứ hòa giải và vui mừng ôm lấy đứa con trở về.
40.Tuyệt đỉnh của yêu thương – Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã Yêu’)
Một lần kia, các tu sĩ trong miền dẫn tới Đức Giám Mục Anmôna một thiếu nữ mang bầu xin ngài ra hình phạt. Nhưng Đức cha đã ban phép lành cho thai nhi, rồi ra lệnh ban cho cô sáu tấm vải bằng lanh mịn. Những kẻ tố cáo lại nói:
- Tại sao Đức Cha làm như thế? Xin ra cho nó một hình phạt.
Ngài ôn tồn bảo:
- Anh em thử nghĩ xem, cô ta đã đau khổ muốn chết được; tôi phải làm gì hơn nữa?
Nói thế rồi ngài cho cô ta về. Từ đấy không tu sĩ nào còn dám tố cáo ai nữa.
Cũng như các tu sĩ trong câu chuyện trên đây, nhóm Pharisêu và các kinh sư thường lên án những người tội lỗi, nên khi Đức Giêsu tiếp đón những hạng người này thì họ lẩm bẩm kêu trách Người. Thấy vậy, Đức Giêsu đã trả lời bằng ba dụ ngôn: Con Chiên Lạc Mất, Đồng Bạc Đánh Rơi, và Đức Con Hoang Đàng, để bày tỏ lòng nhân hậu và niềm vui của Thiên Chúa dành cho người tội lỗi hối cải ăn năn.
Còn gì vui bằng khi cái đã mất lại tìm thấy được; còn gì sướng hơn khi cái tìm thấy lại là vật quí. Tìm kiếm chính là mục đích của Con Thiên Chúa khi xuống trần gian: “Con Người đến tìm kiếm những gì đã mất”. Con người là đối tượng duy nhất mà Thiên Chúa mướn kiếm tìm. Con người thật vô cùng quí giá trước mặt Người. Thiên Chúa lao đao vất vả đi tìm kiếm con người. Người không muốn để mất một ai trên trái đất này.
Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi, như người mục tử tốt lành sẵn sàng để chín mươi chín con chiên lạc, đi tìm cho bằng được con chiên lạc mất. Khi tìm thấy rồi mừng rỡ khoác chiên trên vai.
Thiên Chúa yêu thương kẻ lầm lỡ, như người đàn bà cần mẫn, đốt đèn kiếm cho được đồng bạc đánh rơi. Khi thấy rồi tíu tít chia vui với mọi người.
Thiên Chúa yêu thương tội nhân, như người cha già nhân hậu, ngày ngày ra ngõ tìm con. Khi thấy con rồi ông vui mừng chạy lại ôm choàng lấy nó.
Thật vậy, “lỗi lầm là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A.Pope). Thiên Chúa yêu thương con người và yêu thương đến cùng. Tuyệt đỉnh của yêu thương chính là tha thứ, vì thế dù phải chịu hấp hối lâu dài và đớn đau khôn tả, phải chịu kinh miệt và chối bỏ, nhưng Người vẫn cầu nguyện tha thiết: “Lạy Cha, xin tha cho họ”. Đây chính là lời rõ ràng và trang trọng nhất nói lên tâm hồn cao thượng và tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.
Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, những con người lầm lỗi; nhưng Người chỉ có thể thứ tha khi chúng ta thật lòng sám hối. Người trộm lành suốt một đời lầm lỡ, thế mà chỉ trong giây phút cuối cùng, tỏ lòng sám hối ăn năn đủ trở nên một vị thánh. Ông trở nên thánh không phải vì ông là người tội lỗi, nhưng vì ông nhận biết mình là người tội lỗi. Đứa con hoang đàng được người cha tha thứ cũng vì anh đã biết nhận ra lỗi lầm, trở về sám hối ăn năn. Người cha không chỉ tha thứ mà còn phục hồi chức vị làm con. Một chiếc nhẫn mới, một đôi giầy mới, một bữa tiệc linh đình, vinh dự còn lớn hơn cả trước khi ra đi.
Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng nhân hậu và tha thứ cho chúng ta, thì Người muốn chúng ta cũng hãy tha thứ cho nhau như người cha nhân hậu xin ông anh cả tha thứ cho đứa em lầm lỗi.
Người ta chỉ có thể dễ dàng tha thứ cho kẻ khác khi ý thức thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình. Có nhận ra mình hay lầm lỗi, con người mới dễ cảm thông tha thứ cho những lỗi lầm của anh em. Đừng bắt người có tội phải bị trừng phạt mới hả dạ, đừng đòi hỏi cho được sự công bằng mới thôi, vì Martin Luther King có viết: “Nếu cứ áp dụng luật “mắt đền mắt” thì mọi người đều trở nên mù loà”.
Lạy Chúa, nếu Chúa không tha thứ cho các tội nhân thì thiên đàng sẽ trống rỗng, và thế giới này chẳng có thánh nhân.
Xin cho chúng con mỗi lần được Chúa thứ tha lại thấy mình nên giống Chúa hơn, vì đã biết tha thứ cho anh em. Amen.
41.Vui mừng trên trời
Chúa Giêsu làm thân với những người thu thuế và tội lỗi làm ngứa mắt mấy ông Pharisêu và kinh sư. Các ông xầm xì phản đối. Họ xem những người tội lỗi là những thành phần xấu phải xa lánh, loại trừ, vì Thiên Chúa không thể chấp nhận họ.
Các ông Pharisêu là những người rất thiện chí, giữ luật Chúa rất nghiêm chỉnh và đòi buộc người khác phải như họ. Một số người trong họ kiêu căng và hãnh diện, vì họ giữ đúng luật và khinh khi những người tội lỗi.
Chúa Giêsu thì trái lại, Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và tìm hết cách để giúp họ hoán cải. Con tim của Chúa Giêsu tràn đầy tình thương và tế nhị. Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài yêu thương mọi người, Ngài hiểu và cảm thông với mọi người, nhất là với người tội lỗi, vì “Ngài biết tất cả những gì nơi con người”.
Ngài muốn cho các ông Pharisêu “công chính” kia biết tại sao Ngài làm như thế, Ngài cho họ một vài dụ ngôn.
Ba dụ ngôn mà Giáo hội muốn cho chúng ta suy gẫm hôm nay được gọi là dụ ngôn của lòng thương xót.
Dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền bị mất nói về những đồ vật. Con chiên là một tài sản. Người chăn chiên tiếc con chiên bị lạc mất và cố công tìm nó. Đó chỉ là một vật có một giá trị tương đối nhỏ, nhưng người ta không dễ bỏ qua. Phải tìm cho bằng được.
Đồng tiền bị mất cũng thế. Đồ vật mà còn quý như thế, thì con người càng quí hơn biết bao!
Dụ ngôn thứ ba về người con hoang đàng diễn tả rõ nét hơn thái độ của Chúa Giêsu đối với người tội lỗi. Chúa là Tình Yêu tuyệt đối, Ngài không thể không yêu, dù chúng ta có chối từ cự tuyệt, Ngài vẫn yêu. Đó là điều mà chúng ta không thể hiểu vì chúng ta chưa biết yêu hay chưa yêu thực sự.
Chúng ta ngạc nhiên tại sao người cha có thể thương con đến như thế, vì chúng ta thường hạn chế tình yêu, đặt điều kiện cho tình yêu. Thiên Chúa yêu vô điều kiện và nếu có thì chỉ một điều kiện duy nhất là trở về.
Đứa con út trong gia đình được yêu thương tràn đầy, đã tự ý xin phần gia tài để sống theo ý mình. Theo luật Môsê, khi trưởng thành con cái có quyền xin phần gia tài và cha mẹ không có quyền từ chối.
Trong dụ ngôn, gia đình chỉ có ba cha con, vì thế, đứa con út luôn được yêu thương hơn. Chắc chắn người cha, khi nghe đứa con út của mình xin phần gia tài để đi phương xa, thì không vui chút nào, đã cản ngăn con, cho nó biết những hiểm nguy có thể xảy đến cho nó khi rời bỏ gia đình, sống một mình khi còn quá trẻ, ham vui. Nhưng chàng thanh niên vẫn quyết định rời bỏ gia đình để sống tự do hơn. Như thế chứng tỏ chàng không nghĩ gì đến tình thương của cha mà chỉ muốn theo ý mình.
Cậu út ra đi với một mớ tài sản khá dồi dào. Tất nhiên, tuổi trẻ ham vui, đâu cần nghĩ đến ngày mai. Mặc sức ăn chơi phung phí. Chẳng mấy chốc, tất cả gia tài tan ra mây khói. Lúc này cậu mới biết cuộc sống không chỉ là vui chơi. Vùng cậu ở mùa màng thất thu, dân chúng đói kém, vật giá tăng vọt. Lấy gì mà ăn? Cậu phải đi chăn heo cho một người dân địa phương, không phải là Do Thái.
Đây là một sỉ nhục cho một người Do Thái, vì luật Môsê không cho phép giao du với người ngoại và nếu cần làm mướn thì chỉ làm cho người Do Thái mà thôi. Làm tôi mọi cho một người ngoại là một sỉ nhục. Hơn nữa, đối với người Do Thái, con heo là một con thú ô uế nhất trong các con vật. Chăn heo là mắc uế. Cậu đành phải chăn heo. Trong thời đói kém, chủ nhà cho cậu ăn không đủ no, cậu phải thèm thuồng muốn lấy đồ ăn của heo để ăn cho đỡ đói. Nhục nhã biết bao!
Không còn gì là sĩ diện. Từ đứa con nhà giàu, cậu trở thành một tên nô lệ bần cùng, hèn mạt. Trong vực sâu sa đọa, cậu nhìn lại bản thân. Cậu quyết tâm trở về với cha cậu.
Cuộc trở về này chỉ là một cuộc trở về có tính cách lợi dụng, vì đói chứ không vì tình yêu, chỉ vì đói chứ không vì nhìn thấy mình lỗi phạm với cha. Nhưng khi gặp lại cha, thấy thái độ của cha, cậu mới thấy xót xa và xấu hổ.
Người cha, ngày đêm nhớ đến đứa con bạc tình, trông chờ con trở về. Có lẽ ông cũng có trực giác là nó sẽ vỡ mộng và trở về.
Khi thấy con trở về, ông đã chạy đến ôm chầm lấy con, vui mừng khôn tả vì đã tìm được con. Không một lời trách móc, ông đã trả lại cho con những gì con đã đánh mất: “Mau đem nhẫn mới cho con ta, giày mới, áo mới cho con ta”.
Nhẫn mới vì nó đã biến mất rồi. Mất chiếc nhẫn là mất quyền làm con, không được bước chân vô nhà. Vì thế mà cậu đã nói: “Con không xứng đáng làm con cha nữa”.
Cậu không ngờ được phục hồi dễ dàng như thế. Lúc ấy cậu mới đo được tình thương của cha. Và cuối cùng là tiệc mừng. Người cha bảo: “Phải ăn mừng.”
Niềm vui của người cha vì đã tìm được đứa con yêu và niềm vui đó đã trở thành hạnh phúc cho đứa con hư hỏng. Tình thương đã xóa bỏ tất cả mọi chướng ngại, mọi mặc cảm.
Bữa tiệc đang tưng bừng với đàn ca thịt rượu. Người anh cả trở về, thấy cảnh nhà tưng bừng nhộn nhịp. Ngạc nhiên, cậu gọi một đầy tớ và hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Tên đầy tớ hóm hỉnh cho cậu hay: “Cậu út đã về. Cậu ơi, nếu cậu thấy cậu út cậu sẽ hỡi ôi thôi: te tua!”
Thấy cậu cả trở về, người cha đoán chắc sẽ có chuyện, chạy ra đón con. Nhưng cậu cả cự tuyệt không chịu vào nhà. Cậu cho rằng cha đã bất công đối với cậu và cưng “thằng con khốn nạn của cha”. Cậu tính toán: “con đã phục vụ cha bao năm, cha không cho con một con bê nhỏ để chơi với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, cha lại tiếp đón nó tưng bừng như vậy”.
Cậu tỏ ra bất bao dung. Trước mặt cậu, thằng em kia là một con người khốn nạn, tội lỗi, không đáng tha thứ. Đó là thái độ Pharisêu, loại trừ và cố chấp, thái độ mà Chúa Giêsu đã từng lên án. Cậu cả không sống trong tình yêu, làm sao cậu có thể hiểu được tâm hồn của cha cậu? Làm sao hiểu được niềm vui của tha thứ?
Có lẽ trong chúng ta có nhiều người mang tâm trạng của người anh cả, vì thế trong các cộng đồng giáo xứ thường xảy ra những tranh chấp, ganh tị, làm cho bầu không khí giáo xứ bị nhiễm độc và mất vui.
Ai tha thứ sẽ được thứ tha. Hằng ngày chúng ta vẫn cầu xin: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha…”
Sống trong tình yêu, chúng ta mới cảm nghiệm được niềm vui trong sáng và êm đềm. Hãy như Cha trên trời, Ngài luôn tha thứ và yêu thương.
Trên thập giá, trong giây phút đau đớn tột cùng, Chúa Giêsu vẫn nói lời tha thứ: “Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.
Vui cho Chúa biết bao khi thấy một người tội lỗi trở về! Chúng ta hãy làm trọn niềm vui của Chúa khi chính chúng ta trở về, lột bỏ tất cả những tính toán nhỏ nhen, những cố chấp và kiêu căng hẹp hòi để biết yêu thương thực sự.
Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học yêu thương bằng lời dạy thiết thực, Ngài con cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Ngài nơi Bí tích Thánh Thể mà chúng ta chia sẻ mỗi ngày. Ăn lấy Tấm Bánh Tình Yêu, chúng ta dám yêu thương thực sự, dám “tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả” để tạo nên một làn sóng yêu thương quanh ta, để tình yêu của Chúa Giêsu càng lan rộng trong cuộc sống hôm nay, trong xã hội đầy phản trắc chúng ta đang sống.
42.Cây táo và miếng vải trắng
(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Richard Pidell có viết một câu chuyện ngắn nhan đề: “Đứa con trai của một ai đó” (Somebody’s son). Câu chuyện mở đầu với một cậu bé tên là David bỏ nhà ra đi sống bụi đời. Vì khổ quá, không chịu nổi, cậu bèn viết một lá thư gửi về nhà cho mẹ bày tỏ niềm hy vọng được ông bố cổ hủ tha thứ cho cậu và chấp nhận cậu làm con trở lại. Lá thư như sau: “Mẹ kính mến, trong một vài ngày nữa con sẽ đi ngang qua nhà. Nếu bố bằng lòng nhận con trở lại, thì mẹ yêu cầu bố cột một miếng vải trắng lên cây táo hồng ở miếng đất cạnh nhà chúng ta”. Vài ngày sau, David lên tàu hỏa đi về. Trong lúc tàu hỏa lao nhanh đến nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong trí cậu ta: khi thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, khi thì trên cây chẳng cột một miếng vải trắng nào. Tàu hỏa càng tiến gần nhà, trái tim David càng đập nhanh hơn. Không bao lâu nữa cây táo sẽ hiện ra ở khúc quẹo, nhưng David không dám tự mình nhìn tới vì sợ nhỡ không có miếng vải trắng cột ở đó. Thế là cậu quay sang người đàn ông bên cạnh ấp úng nói: “Thưa ông, ông có thể làm ơn giúp cháu một việc không? Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Ông làm ơn cho cháu biết trên cành cây táo đó có một miếng vải trắng không nhé”.
Khi tàu hỏa rầm rập lướt qua cây táo, David nhìn chăm chăm về phía trước. Đoạn run run giọng, cậu hỏi người đàn ông: “Thưa ông, có một miếng vải trắng nào treo ở cành cây táo đó không?” Ông ta sửng sốt trả lời: “Ồ, nầy cậu bé, cành cây nào ta cũng thấy có một miếng vải trắng cả!”
Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Người con hoang đàng trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh và sai mở tiệc ăn mừng.
Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta. Đối với Chúa, mỗi người chúng ta đều đáng kể, không thể có gì khác thay thế được. Mỗi con người là như một con chiên trong đàn, phải được chăm sóc như nhau, không được để thất lạc. Chính mươi chín con chiên yên lành không làm nguôi lòng thương đối với một con chiên lạc. Thiên Chúa cũng cuống quýt như một bà già nghèo đánh mất một đồng bạc quý. Phày hì hục moi móc mọi ngóc ngách trong nhà để tìm cho bằng được. Như người cha già, con mình đã hư quá thể mà trong lòng vẫn lo lắng không nguôi, vẫn không thôi chờ đợi đến mỏi mòn, cho đến lúc ôm lại đứa con vào lòng và rạo rực vui sướng không gì kìm hãm được và cả Thiên đàng cũng vui lây, vui sướng vì một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn cả vui sướng vì chính mươi chín người lành thánh không cần sám hối ăn năn.
Thiên Chúa rất khác chúng ta. Đối với Ngài, mỗi con người là như một khúc ruột của mình. Ngài thương mỗi người, để ý chăm sóc mỗi người như chỉ có một không hai trên đời. Nếu chúng ta lỡ lạc đường, Ngài tạo mọi điều kiện để ta có thể trở về. Và điều kiện duy nhất Ngài đòi hỏi là tin vào tình thương tha thứ của Cha để mà dám trở về. Sự trở về của con chiên lạc đem lại niềm vui cho người mục tử nhiều hơn niềm vui có chín mươi chính con ở lại trong đàn.
Thưa anh chị em,
Đến đây, đáng lẽ dụ ngôn về người cha nhân hậu đã có thể kết thúc rất đẹp với nỗi vui mừng của người cha. Nhưng Chúa Giêsu lại nối thêm cái đoạn cuối về người con cả. Chúng ta cũng nên dừng lại một chút với thái độ của người con cả để hiểu hết ý Chúa muốn dạy chúng ta qua dụ ngôn nầy.
Người con cả là một người con chí thú làm ăn ở nhà với cha, nhưng xem ra quan hệ với cha không được thân mật, thẳng thắn. Tuy ở nhà với cha nhưng lòng vẫn xa cách. Và kết quả là người con cả đã không hiểu và không chấp nhận nổi cách xử sự của cha đối với đứa em của anh vừa trở về. Do đó, thay vì nhập tiệc chia vui với cha và với em, người con cả đã dừng lại ở cửa, tự mình đứng ở thể tách biệt với gia đình sum họp.
Người con cả ở đây tiêu biểu cho nhóm người Biệt phái Pharisêu trong dân Do Thái. Họ tưởng rằng họ trung thành với Thiên Chúa và đáng được Chúa thương, có quyền hưởng gia tài, rồi khinh bỉ các dân ngoại và những hạng người mà họ cho là tội lỗi. Thì ra, Tin Mừng hôm nay là một Tin Mừng đối với người tội lỗi sám hối trở về, nhưng đồng thời lại cũng là một lời cảnh cáo đối với những người “ở trong nhà”, những người tưởng mình đạo đức, tốt lành. Người con cả, bao nhiêu nămm ai cũng tưởng là ngoan ngoãn tốt lành lắm. Đến ngày em của anh hồi sinh và trước niềm vui vô bở của người cha, anh đâm ra hậm hực, bực tức… thì ra bề ngoài anh ngoan, nhưng nội tâm của anh thì cay nghiệt, tù túng, đầy những ghen tị, sát phạt. Cả anh nữa, anh cũng chẳng hiểu thế nào là lòng thương xót. Cuối cùng anh không muốn bước vào lòng thương xót đó. Anh chưa gặp được Thiên Chúa. Anh vẫn ở ngoài ơn cứu độ.
Dụ ngôn cho thấy, người cần trở lại hơn hết chính lạ người con cả, người con vẫn ở nhà với cha nhưng lòng thì không ở cùng với cha.
Anh chị em thân mến,
Hãy tin vào tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa mà trở về với Ngài, nếu chúng ta lỡ lạc đàng, sa ngã. Và hãy khoan dung tha thứ cho những người anh chị em, nếu chẳng may có ai trượt chân vấp ngã. Phải tìm đến với người anh chị em đó để giúp họ trở lại với Chúa là Cha yêu thương. Đừng có thái độ lên án, loại trừ như thái độ của người con cả trong dụ ngôn. Trái lại, hãy vui mừng vì đã giúp được một người anh em gặp lại niềm vui cứu độ. Hãy coi thái độ khoan dung, quảng đại yêu thương tha thứ của người cha trong dụ ngôn là hình ảnh của lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa, để chúng ta biết đối xử với những người anh em như Chúa đã đối xử với chính chúng ta.
“Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót con, và lấp đầy trái tim con tình yêu tha thứ của Chúa.
Con là đứa con thứ đã bỏ nhà ra đi rồi lại trở về. Con cảm ơn Chúa đã đón nhận lại con.
Và con cũng là người con cả đã từng khư khư không chịu tha thứ cho anh chị em con như Ngài đã tha thứ cho con. Vậy xin Chúa hãy chạm vào trái tim con với tình yêu tha thứ của Ngài.
Để rồi sau khi an nghỉ trong cõi chết, con sẽ thức dậy trước thánh nhan Ngài mãi mãi cùng với anh chị em từng được con tha thứ lỗi lầm”. Amen.
43.Thương xót – Veritas
(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)
Có câu chuyện kể rằng, một ngày nọ Abraham mời một lữ hành vào lều của ông dùng một bữa cơm, sau khi đọc kinh chúc tụng trước khi ăn, người khách này bắt đầu chửi rủa Thiên Chúa, ông nói rằng, ông không thể chịu nổi khi nghe gọi tên Thiên Chúa. Phẫn nộ trước thái độ đó Abraham đuổi ngay kẻ phạm thượng ra khỏi lều. Tối đến, khi Abraham cầu nguyện Chúa nói với ông: “Abraham, người kia đã chửi rủa Ta từ 50 năm nay và Ta vẫn cứ ban cho ông ta lương thực hằng ngày. Còn ngươi, ngươi không thể nào cho ông ta chỉ một bữa cơm sao?”.
Tin Mừng theo thánh Luca của Chúa nhật hôm nay vốn được mệnh danh là Tin Mừng về “Lòng thương xót của Thiên Chúa”. Và quả thực như vậy, bài Tin Mừng khá dài nhưng thật cảm động, Chúa Giêsu không chỉ đưa ra một mà tới ba dụ ngôn để phá đổ thái độ hống hách đạo đức giả của những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư. Nhưng quan trọng hơn hết là Ngài bày tỏ lòng nhân hậu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.
Dụ ngôn đầu tiên, Thiên Chúa như người mục tử nhân lành quyết tâm đi tìm cho bằng được con chiên bị lạc, dù chỉ là một trong số một trăm. Khi tìm được rồi, ông vui mừng vác chiên trên vai, về đến nhà ông mời bà con hàng xóm đến chung vui.
Dụ ngôn thứ hai, Thiên Chúa như người phụ nữ mất một đồng bạc, có lẽ giá trị của nó chỉ bằng tiền lương của một ngày công lúc bấy giờ. Nó không lớn đối với nhiều người trong chúng ta, nhưng nó quan trọng đối với người phụ nữ. Bà đã thắp đèn quét nhà moi móc tìm kiếm cho bằng được, khi tìm được rồi bà mời bạn bè hàng xóm đến chung vui.
Trong cả hai dụ ngôn này, thái độ vui mừng của người mục tử và của người phụ nữ có lẽ trong thời buổi thị trường kinh tế chúng ta thấy thật phi lý, nhưng nó lại là lôgích của tình yêu trong cuộc sống và là bản chất yêu thương của Thiên Chúa. Rõ ràng giá trị của con chiên bị lạc hay đồng bạc bị mất không đặt trong sự so sánh cái này với cái khác, cũng không đặt trong tỉ lệ phần trăm hay phần mười, nhưng giá trị của chính nó trong tương quan của người tìm kiếm, trong lòng thương xót và trong ơn cứu độ của Thiên Chúa. Đó là sự vui mừng của Nước Trời khi có một tội nhân ăn năn sám hối.
Điều này càng nổi bật hơn trong dụ ngôn thứ ba người cha nhân hậu. Người cha không những đã bày tỏ lòng thương yêu đối với người con thứ, đứa con đã đòi chia gia tài, rồi sau khi ra đi đã ăn tiêu hoang phí, khi trở về lúc nó còn đàng xa người cha đã nhận ra và lập tức chạy đến ôm chầm lấy, hôn lấy hôn để. Ông còn cho mở tiệc ăn mừng, vì điều quan trọng đối với ông là đứa con đã trở về. Đứa con của ông đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Người cha còn bày tỏ lòng nhân hậu với người con cả, đứa con hằng ngày vẫn ở bên cha mà hình như tâm hồn của nó đã đi hoang từ lâu. Nó kể công, nó phân bì, nó ghen tị rồi tức tối giận dỗi, nó muốn cắt đứt tình nghĩa huynh đệ không chấp nhận cho đứa em trở về và nó cũng đang cắt đứt luôn tình nghĩa phụ tử không chịu vào nhà, vì trong lòng của nó chưa bao giờ có tình thương. Sự chuyên cần trong công việc hằng ngày của nó xem ra vì thói quen hoặc vì bổn phận hơn là vì một mối tình. Nhưng người cha vẫn nhân hậu đầy yêu thương năn nỉ: “Này con, hằng ngày con vẫn ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con”.
Thiên Chúa, Ngài đã kiếm tìm chúng ta trước khi chúng ta tìm kiếm Ngài. Ngài chờ đón chúng ta trước khi chúng ta trở về, và Ngài đã yêu thương chúng ta khi chúng ta vẫn còn là tội nhân. Trong lòng thương xót của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta đã trở nên viên ngọc quí mà Ngài là thương gia bán tất cả gia tài đang có để chuộc lấy viên ngọc quí là chúng ta. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người thế. Người còn tự hạ sống vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.
Thiên Chúa vẫn luôn luôn là Thiên Chúa nhân hậu và hay thương xót. Ngài không nỡ bẻ gãy cây lau bị dập, không đánh dập tắt tim đèn còn khói. Ngài vẫn kiên trì, vẫn chờ đợi chúng ta những người con yếu đuối, tội lỗi ăn năn sám hối trở về với Ngài. Thiên Chúa là mục tử nhân lành như thế đó; Thiên Chúa là người cha nhân hậu như thế đó, và Thiên Chúa đã tìm kiếm chúng ta như thế đó. Xin cho mỗi người chúng ta biết ăn năn sám hối để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
44.Quan trọng - McCarthy
Người ta có thể nói: Tại sao người mục tử lại quan trọng hóa như thế với một con chiên đi lạc trong lúc người ấy vẫn còn 99 con khác? Và tại sao người phụ nữ lại quan trọng hóa như thế với một đồng tiền đánh mất? Bất cứ cái gì mà chúng ta đánh mất đều có một giá trị thái quá. Ví dụ như bạn đánh mất một cái chìa khóa. Ngay khi bạn làm mất, cái chìa khóa ấy trở nên quan trọng hơn tổng số mọi vật mà chúng ta vẫn có. Không bao giờ chúng ta biết giá trị của một vật chúng ta có cho đến khi chúng ta mất nó.
Một lần kia, có một thanh niên mong ước mình sẽ trở thành một nhà nhiếp ảnh. Mỗi năm, anh đem một gói các bức ảnh đẹp nhất của mình đến nhà một nhiếp ảnh gia lão thành và danh tiếng để xin ông này chỉ dẫn và đánh giá. Nhiếp ảnh gia lão thành nghiên cứu các bức ảnh và chia ra làm hai gói nhỏ, một gói gồm các bức ảnh đẹp và một gói gồm các bức ảnh xấu, chưa đạt. Năm nào ông cũng nhận thấy rằng người thanh niên luôn đem đến một bức ảnh chụp phong cảnh và lần nào cũng bị xếp vào các bức ảnh xấu bị loại. Vì thế, ông mới quay lại người thanh niên và nói: “Rõ ràng là cậu đánh giá cao bức ảnh này. Tại sao cậu lại thích nó như thế?”
Người thanh niên đáp: “Bởi vì cháu phải leo lên núi để chụp nó”.
Một vật trở nên quí giá đối với chúng ta bởi vì chúng ta mất nó. Nhưng nó cũng có thể trở nên quí giá vì công sức mà chúng ta đã bỏ ra cho nó. Những hy sinh mà chúng ta đã thực hiện có được hoặc giữ được nó làm tăng thêm giá trị của nó trong mắt chúng ta.
Có một câu chuyện tuyệt vời kể lại rằng một ngày nọ Đức Giêsu hiện ra với một người mục tử đang gặp chuyện đau buồn. “Tại sao con buồn bã thế?” Người hỏi “Bởi vì con đã để mất một trong các con chiên của con”, người mục tử đáp “và dù con đã tìm kiếm khắp nơi, con đã không tìm thấy nó. Có lẽ chó sói đã xé xác nó”. Nghe đến đây Đức Giêsu nói: “Con hãy chờ ở đây. Chính Thầy sẽ đi tìm nó”.
Nói xong, Người biến mất vào trong các đồi. Ít giờ sau, Người trở lại với con chiên lạc. Đặt con chiên dưới chân người mục tử, Người nói: “Kể từ ngày hôm nay, con phải yêu thương con chiên này hơn những con chiên khác trong bầy chiên của con, vì nó đã mất mà nay đã tìm lại được”.
Trong các câu chuyện con chiên lạc và đồng tiền đánh mất Đức Giêsu nhấn mạnh một điều, đó là: Đối với Thiên Chúa, mỗi người đều quan trọng và quí giá. Nhất là khi người ấy đã hư mất. Thiên Chúa sẽ yêu thương người ấy nhiều hơn chứ không ít đi.
Những người Pharisêu tự coi mình là những mẫu mực về đạo đức nên không liên can gì đến những người tội lỗi. Họ cho rằng Thiên Chúa cũng không quan tâm đến những người tội lỗi. Tín điều chính yếu trong tôn giáo của họ là: “Thiên Chúa yêu thương người đạo đức và ghét bỏ kẻ tội lỗi”. Nhưng Đức Giêsu cho họ thấy có một loại Thiên Chúa hoàn toàn khác hẳn.
Đức Giêsu nhân hậu và yêu thương khi Người tiếp cận với những người tội lỗi. Người biết rằng sự loại trừ và phán xét không bao giờ giúp cho một người thay đổi. Vì thế Người dùng sự hiện diện của Người như một cách để người ta cảm thấy được chấp nhận và yêu thương và trong bầu không khí ấy họ có thể đáp lại và thay đổi.
Dù từ một quan điểm nhân bản, sự tiếp cận của Người cũng mang nhiều ý nghĩa. Nếu một đứa bé bị lạnh và đói lả, nó không cần một bài giảng thuyết; nó cần hơi ấm và lương thực. Jean Vanier cũng nói rất hay: “Con người ở trong cảnh khốn cùng không cần một cái nhìn xét đoán và chỉ trích, nhưng cần một sự hiện diện đầy an ủi đem lại bình an, hy vọng và sự sống”.
“Khi một người cha than khóc đứa con của mình đã đi vào những con đường xấu xa, ông sẽ làm gì? Ông sẽ yêu thương nó nhiều hơn bao giờ hết” (Beal Shem Tov).
45.Tấm lòng người cha
Dụ ngôn về đứa con hoang đàng, về chàng trai phung phá, hay nói đúng hơn, câu chuyện về tấm lòng của một người cha là một hình ảnh cảm động thật nói lên tình thương vô biên của Thiên Chúa. Ngài luôn chờ đời và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, ngay cả những tội lỗi xấu xa và nặng nề nhất.
Chàng thanh niên, tuổi đời còn ít và kinh nghiệm chẳng được bao nhiêu, đã đòi người cha phải chia gia tài cho mình, để rồi lên đường đi bụi đời.
Chàng hăm hở lao mình vào những cuộc ăn chơi đàn đúm, tiêu xài hoang phí cho đến khi không còn một đồng xu dính túi.
Chính trong giây phút đau khổ và đói khát, chàng mới nhận ra rằng mình đã hành động sai quấy đối với người cha. Và cũng chính những đau khổ và đói khát ấy đã làm cho chàng suy nghĩ và quyết tâm làm lại cuộc đời.
Biết bao nhiêu người ngày hôm cũng thế. Sau những hành động tội lỗi, thì trong cảnh tĩnh mịch của nhà tù họ mới tìm lại khuôn mặt của Thiên Chúa mà họ đã quên lãng từ lâu.
Hiểu được sự sai trái của mình, chàng thanh niên đã dứt khoát trở về nhà cha. Cõi lòng chàng tan nát khiêm cung, cho dù cái lý do thúc đãy chàng trở về chưa thực sự tốt lành và tinh ròng cho lắm. Chàng sẽ quì xuống để xin cha tha thứ. Chàng nói:
- Thưa cha, con đã phạm tội nghịch với trời và lỗi với cha, con không xứng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha hãy đối xử với con như một người làm công.
Và thế là chàng lên đường. Khi chàng còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy, bởi vì biết bao nhiêu ngày ông đã mòn mỏi đợi chờ.
Nếu là chúng ta, có lẽ chúng ta đã quát tháo:
- Cái thằng trời đánh thánh vật kia ơi. Mày đã làm cho tao đau khổ biết bao nhiêu. Mày không còn là con tao nữa. Hãy cút xéo khỏi nhà tao.
Nhưng không. Người cha trong câu chuyện đã không nói và làm như thế. Trái lại, ông đã tha thứ hết. Ông chạy tới, ôm choàng lấy chàng và hôn chàng hồi lâu.
Không một lời khiển trách, trái lại với tất cả tình yêu thương, ông đã truyền lấy áo mới cho chàng mặc, lấy nhẫn cho chàng đeo, lấy giày cho chàng đi, rồi lại còn chuẩn bị tiệc mừng. Ông nói:
- Hãy giết con bê béo làm tiệc ăn mừng vì con ta đã chết nay được sống, đã mất nay lại tìm thấy.
Câu chuyện trên đây quả thực đã đem lại cho chúng ta, những kẻ tội lỗi, một niềm an ủi lớn lao. Bởi vì qua câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn tỏ cho chúng ta thấy lòng nhân từ, khoan dung và thương xót của Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng xóa bỏ tất cả mọi tội lỗi của chúng ta, miền là chúng ta biết sám hồn ăn năn và lên đường trở về với Ngài.
Cha Piô là một vị linh mục nổi tiếng thánh thiện. Ngày kia, ngài tới Rotondo và tình cờ gạp Cesare Festa, một kẻ đứng đầu phái Tam Điểm tại đây. Khi gặp ngài, ông ta ngạc nhiên và nói:
- Ngài cũng ở đây với chúng tôi, những người theo phái Tam Điểm hay sao?
Cha Piô đáp lại:
- Phải, thế các anh đã làm gì?
Ông ta trả lời:
- Chúng tôi chống lại Giáo hội.
Cha Piô cầm tay ông ta, nhìn ông ta bằng cặp mắt trìu mến, rồi kể lại cho ông ta nghe câu chuyện đứa con hoang đàng, hay câu chuyện tấm lòng của một người cha.
Một giờ sau, ông ta đã quì gối xưng tội. Rồi sau đó, ở mọi nơi và trong mọi lúc, ông ta sẵn sàng tuyên xưng lòng khoan dung và thương xót bao la của Thiên Chúa.
Riêng mỗi người chúng ta, hãy sám hối ăn năn trở về cùng Chúa để được hưởng nhờ ơn tha thứ, bởi vì tâm tình sám hối ăn năn chính là một thứ tiền để mua lấy ơn tha thứ.
46.Niềm vui san sẻ – Achille Degeest
(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Suy niệm của chúng ta về dụ ngôn đồng bạc đánh mất rồi tìm thấy, bắt đầu từ ý niệm việc tông đồ của người Kitô hữu phải tỏa rộng niềm vui đã tìm thấy ơn cứu độ.
Người đàn bà nói trong dụ ngôn rất bực vì đánh mất đồng bạc, món tiền nhỏ nhưng rất quý đối với mình. Moi móc các nơi trong nhà, tìm được rồi, bà ấy vui mừng phân phô với hàng xóm. Chúng ta chuyển dụ ngôn sang bình diện đời sống nhân loại. Kitô hữu là một người đau xót vì thiết mất một vật gì, biết rõ nó là của mình trước đây, mình đã vô ý đánh mất; mơ hồ cảm thấy tất cả con người mình khao khát tình thân thiết của Thiên Chúa, nhận thức rằng tai họa do sự tội đã khiến mình đánh mất tình thân thiết quý báu ấy. Nhưng không cam chịu mất mát, người ấy tìm tòi trong mình và quanh mình, tự hỏi lòng mình, hỏi cả người xung quanh. Một ngày kia, gặp thấy ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, lại tìm thấy ý nghĩa cuộc đời, người ấy vui mừng. Của bị mất nay lại tìm thấy, nó quý vô cùng, đến nỗi không thể vui riêng một mình, người ấy phải san sẻ với người xung quanh. Người ấy có giống người đàn bà mất tiền không? Có gọi bạn bè hàng xóm đến chung vui không? Vấn đề ấy không đặt ra ở đây. Vấn đề khác sâu sắc hơn là niềm vui phải làm rạng ngời vẻ mặt một kẻ được cứu vớt, vui từ thâm tâm tỏa ra trên nét mặt, lúc nào cũng sẵn sàng chia sẻ niềm vui giữa anh em mình. Hai câu hỏi đặt ra cho chúng ta:
1) Chúng ta có cảm biết sâu sắc không, thế nào là đánh mất rồi tìm lại được?
Có thể rằng chúng ta tự tại trong niềm tin, trong sự giữ đạo đầy đủ, cho nên không hiểu được thấm thía tai họa to lớn xảy đến cho kẻ không có đời sống siêu nhiên. Người Kitô hữu rất có thể -nói theo ngôn từ Phúc Âm- lâm vào tình huống mất tiền mà không biết; vì không biết nên không tìm kiếm; không tìm kiếm nên không tìm được đồng bạc, không có được niềm vui. Chúng ta thử nghĩ về bi kịch đời sống kẻ đã mất Thiên Chúa; chúng ta hãy vui lên vì đã tìm lại được tình thân thiết của Thiên Chúa (hoặc nói đúng hơn, vì tình thân thiết của Thiên Chúa đã tìm lại được chúng ta- đàng nào kết quả cũng vậy).
2) Chúng ta có san sẻ niềm vui với anh em không?
Ở đây đặt ra vấn đề hoạt động tông đồ theo một đường lối nào đó. Một số đường lối truyền giáo (nhất là một số buổi họp đoàn thể) ít lan tỏa niềm vui… Niềm phấn khởi, sức năng động của công việc truyền giáo phải bắt nguồn từ niềm xác tín sâu sắc và kinh nghiệm sống rằng ‘chúng ta đã tìm thấy’. Bình thường thì phát hiện ấy phải khiến chúng ta vui mừng, niềm vui của chúng ta phải tỏa rộng. Chúng ta biết rằng niềm vui thu hút, niềm vui đa dạng. Chúng ta cũng biết, nụ cười tươi của chiến sĩ truyền giáo thu được nhiều thành quả hơn mọi kỹ thuật hành động.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam