Hình thành - Phát triển
Sinh hoạt giáo xứ
Tìm hiểu giáo lý
Xã hội
Đang online: 73
Tổng truy cập: 1355445
TẤT CẢ NHỮNG GÌ BÀ CÓ
TẤT CẢ NHỮNG GÌ BÀ CÓ
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu)
Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược. Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa. Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ, từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.
Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo. Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê, thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng. Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân. Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã. Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh. Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ. Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc, họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao. Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác. Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa. Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài. Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.
Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng. Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền. Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác, mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ. Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân. Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy, cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa. Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật. Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả. Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất. Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.
Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo, ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình. Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa, với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh. Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm. Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền, nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình, nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con.
2.Bỏ vào tất cả
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Khó lòng nhận ra đồ giả trong các món hàng.
Ta thường đánh giá một sản phẩm dựa trên mẫu mã, nên dễ bị đánh lừa về chất lượng.
Thật ra đồ giả cũng có ở nơi con người.
Làm cho mình trẻ hơn nhờ trang điểm, tốt hơn nhờ ăn nói. Làm cho mình có dáng trí thức hơn, quý phái hơn để chiếm được lòng tin, lòng quý mến của người khác.
Có loại người giả hình dạy một đàng, làm một nẻo, bắt người khác làm những điều mình chẳng bao giờ làm, mạt sát người khác về những tội mình không tránh khỏi.
Có loại người giả hình rất tử tế với người ngoài, còn sống với người trong nhà thì không ai chịu nổi.
Nói chung mọi thứ giả hình đều không thật.
Đức Giêsu cảnh giác chúng ta về thứ giả hình đạo đức: "Anh em hãy coi chừng...", kẻo lại giống một số kinh sư.
Đức Giêsu cố ý ngồi đối diện với thùng tiền ở Đền Thờ. Ngài tò mò muốn xem đám đông bỏ tiền ra sao. Những người giàu bỏ nhiều hơn cả. Nhưng Ngài lại xúc động khi thấy một bà goá nghèo rón rén bỏ vào thùng hai đồng xu nhỏ. Ngài quả quyết trước mặt các môn đệ: "Bà goá này đã bỏ nhiều tiền hơn người khác, vì mọi người lấy từ cái dư thừa mà bỏ vào, còn bà, bà lấy từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân."
Các môn đệ ngỡ ngàng trước cách đánh giá của Đức Giêsu, cách nhìn con người dựa trên tấm lòng của họ.
Bà goá bỏ tiền ít hơn mọi người, nhưng dưới mắt Đức Giêsu, bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì bà đã bỏ tất cả.
Lối đánh giá của Đức Giêsu đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về người khác.
Có khi chúng ta ca ngợi một người chỉ vì người ấy đã có những đóng góp lớn lao, đã đem lại những kết quả cụ thể, rõ ràng.
Có khi chúng ta chê một người vì người đó kém cỏi, thiếu năng lực. Tiếng khen chê của ta thường dựa trên hiệu quả bề ngoài, và ít đụng đến phần nội tâm sâu thẳm.
Lối đánh giá của Đức Giêsu cũng đòi ta xét lại lối đánh giá của mình về chính mình.
Tôi xao xuyến khi bị chê, tự mãn khi được khen. Tôi quá trọng dư luận đến nỗi trở nên nô lệ cho dư luận. Thật ra tôi cần đánh giá mình dựa trên cái nhìn của Chúa. Chúa thấy tôi thế nào thì tôi là thế ấy.
Điều quan trọng khiến tôi bận tâm đó là tôi có dâng tất cả bản thân cho Chúa không, chẳng giữ lại gì cho mình, dù chỉ một xu nhỏ. Cần rất nhiều liều lĩnh khi bỏ nốt đồng xu cuối cùng để thực sự trở nên người tín thác trọn vẹn vào Chúa.
Gợi Ý Chia Sẻ
Có khi nào bạn đánh giá sai người khác không? Có khi nào bạn bị lừa vì cái bề ngoài của người khác không?
Mỗi người đều ít nhiều có tính giả hình. Làm sao có thể sống thành thật với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, khi đến với nhau, chúng con thường mang những mặt nạ. Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình. Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.
Khi đến với Chúa, chúng con cũng thường mang mặt nạ. Có những hành vi đạo đức bên ngoài để che giấu cái trống rỗng bên trong. Có những lời kinh đọc trên môi, nhưng không có chỗ trong tâm hồn, và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cũng thường ngắm mình trong gương, tự ru ngủ và đánh lừa mình, mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn. Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ, đã ăn sâu vào da thịt chúng con, để chúng con thôi đánh lừa nhau, đánh lừa Chúa và chính mình.
Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành, để chúng con được lớn lên trong bình an.
3.Chúa Nhật 32 Thường Niên
(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
ÁNH MẮT THIÊN CHÚA
Người làm sao chiêm bao làm vậy. Tâm hồn thế nào sẽ bộc lộ ra trong ánh mắt thế ấy. Hôm nay, Chúa Giêsu ngồi trước cửa đền thờ Giêrusalem quan sát những người bỏ tiền vào hòm dâng cúng trong đền thờ. Người đã thấy. Và đã phán đoán. Qua cách quan sát và phán đoán ta có thể thấy được tâm hồn của Người.
Chúa quan tâm tới những người bé nhỏ. Hàng hàng lớp lớp người tiến đến dâng cúng. Tin Mừng thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất. Chúa chỉ quan tâm tới một người nghèo nhất. Một bà góa. Bà góa này chắc chắn phải gầy gò bé nhỏ, ăn mặc rất đơn sơ. Nhưng Chúa đã chú ý đến bà. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.
Chúa nhìn bên trong tâm hồn. Biết bao người giàu sang béo tốt quần là áo lụa, nhưng Chúa không nhìn. Chúa chỉ nhìn người phụ nữ nghèo nàn, gầy gò, rách rưới. Biết bao người dâng cúng tiền rừng bạc biển mà Chúa chẳng khen. Chúa chỉ khen người phụ nữ bỏ vào thùng tiền hai đồng xu nhỏ. Không những khen mà Chúa còn cho rằng bà này bỏ nhiều hơn những người khác. Thì ra Chúa đánh giá không dựa theo khối lượng nhưng dựa theo chất lượng. Chúa không nhìn bề ngoài nhưng nhìn vào tấm lòng. Chúa cho biết tại sao Chúa khen bà: “Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”. Chúa đã nhìn thấu tâm hồn của bà. Một tâm hồn thiết tha yêu mến Chúa và với công việc nhà Chúa. Chúa đã thấy tấm lòng của bà. Một tấm lòng quảng đại dám cho đi tất cả những gì cần thiết cho đời sống của mình.
Lời Chúa hôm nay vừa cảnh tỉnh tôi vừa dạy dỗ tôi về cách sống đạo và về cách nhìn người.
Về cách nhìn người, Chúa dạy tôi đừng chạy theo những người giàu sang phú quý quyền cao chức trọng, nhưng hãy biết chú ý tới những người bé nhỏ nghèo hèn trong xã hội. Đừng xét đoán người theo hình dáng bề ngoài, theo y phục hay theo tiền của. Hãy biết nhìn bên trong tâm hồn con người. Có những người có địa vị cao nhưng tâm hồn lại thấp hèn. Có những người nghèo hèn nhưng tâm hồn rất cao thượng. Có những người giàu có nhưng rất bủn xỉn. Có những người nghèo khó nhưng rất quảng đại.
Vì thế trong đời sống đạo, Chúa dạy tôi đừng giả hình vì Chúa nhìn thấu rõ tâm hồn. Tôi có thể lừa dối người khác, nhưng không thể lừa dối Chúa. Đừng khoe khoang kiêu ngạo vì Chúa chỉ yêu thích tâm hồn bé nhỏ khiêm nhường. Đừng tìm chỗ đứng trong xã hội, trước mặt người đời, nhưng hãy tìm chỗ đứng trong lòng Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin dạy con biết noi gương bà góa nghèo, biết sống đơn sơ chân thật, nhưng luôn quảng đại với Chúa và với anh em. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Trong Phúc Âm ta thấy Chúa quan tâm tới những người nào?
2- Chúa đánh giá người ta theo hình dáng bên ngoài hay tâm tình bên trong?
3- Vì sao Chúa khen bà goá dù bà bỏ rất ít tiền vào nhà thờ?
4- Bản thân tôi rút được bài học gì qua bài Tin Mừng hôm nay?
4.Câu chuyện về người góa phụ
(Suy niệm của Đức cố Giám mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Suy Niệm
Nhiều khi chúng ta muốn giữ đạo một cách thoải mái. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh giác chúng ta về quan niệm này. Tiên tri Êlia ngày trước đã giữ đạo rất vất vả. Đức Yêsu trong bài Tin Mừng cũng bảo chúng ta đừng bắt chước các ký lục Dothái, nhưng hãy xem gương người góa phụ dám dâng cúng cả đồng trinh cuối cùng. Và tác giả Hipri cho chúng ta thấy Đức Yêsu đã trở thành Thượng tế một cách khổ đau như thế nào. Chúng ta cần suy niệm các bài Kinh Thánh hôm nay để đón nhận ơn cứu độ của Chúa muốn đến với chúng ta hằng ngày trong đời sống.
1. Câu Chuyện Về Êlia
Chúng ta đã nói nhiều về Êlia. Ông là tiên tri của Chúa, sống ở thời đất nước Dothái phân đôi. Ông được lệnh nói tiên tri ở miền Bắc, tạm gọi là Israel. Các vua ở đây đi xa đường lối của Thiên Chúa mau lẹ hơn các vua ở Yuđa. Đặc biệt, vua Omri, nước Israel đã cưới Izabel, công chúa nước Tyr, cho Akhab hoàng tử kế vị ông. Bà này đưa tà giáo vào cung điện, quảng cáo cho thần Baal, một thần được coi như nắm giữ mưa nắng ở trên trời và do đó cả mùa màng dưới mặt đất. Êlia chống đối hoạt động của bà. Có lần ông thách thức phe tà giáo ở núi Camêlô. Câu chuyện thời danh ấy ai ai cũng biết (I Các Vua 18,20-40). Nhưng rồi Izabel đã trả thù, bắn tin sai người bắt Êlia... Nhà tiên tri phải đi ẩn ở trên núi Horeb. Nhưng được thần lương bổ sức, ông lại tiếp tục. Cuộc đời của ông là cuộc đời chiến đấu với tà giáo để bảo vệ độc thần. Và các câu chuyện kể về ông đều ít nhiều nói lên sự phấn đấu này.
Trong đoạn trích sách Các Vua hôm nay cũng vậy. Có rất nhiều yếu tố chiến đấu mà không ý tứ người ta sẽ không dễ nhận ra. Tác giả kể có một góa phụ ở Serepta hôm ấy đi kiếm củi. Êlia thấy bà ta đội một cái bình trên đầu thì tưởng bà ta đi múc nước. Nhưng không, đó là một cái vò đựng một chút bột còn sót lại. Bà ta đi kiếm củi để về nướng chút bột đó lên nuôi sống mình và đứa con đang ở nhà.
Đó là hình thức văn chương tác giả dùng để nói lên thời kỳ hạn hán và đói kém ở trong dân. Không phải vì Baal không làm mưa cho mùa màng tốt tươi nhưng vì Êlia đã tuyên sấm với Akhab rằng: "Yavê hằng sống! Thiên Chúa của Israel, Đấng tôi chầu hầu, những năm tới đây sẽ không có sương, cũng không có mưa, trừ phi là thừa lệnh của tôi" (17,1). Tiếp theo đó, tác giả đã mô tả cảnh hạn hán để làm chứng hiệu lực của lời sấm, tức là uy quyền của Yavê và tiên tri của Người. Hơn nữa sự kiện lại xảy ra ở Serepta thuộc dân ngoại. Và điều này làm chứng Yavê cai trị toàn thế giới chứ không riêng gì ở đất Israel. Người thống trị cả những nơi mà người ta bảo là giang sơn của Baal hay của thần nào khác vì tất cả chỉ là ngẫu tượng và duy một mình Yavê là Chúa.
Tác giả lại chọn câu chuyện một góa phụ. Phải chăng ông không có ý chống đối và mỉa mai bà Izabel? Góa phụ kia dễ thương biết bao và bà sẽ được phúc. Còn Izabel? Tác giả để cho độc giả từ đó mà suy.
Ông cho ta thấy Êlia phải xin nước, rồi xin bánh của một góa phụ. Ngày xưa các góa phụ là hình ảnh của những thành phần lam lũ, khổ sở, túng cực trong dân. Thế mà Êlia phải đến xin nước và bánh của một người như thế. Đời ông không khổ cực và bị dồn vào túng cực sao? Điều này muốn nói lên thân phận Người Tôi Tớ Chúa. Họ bị "rạc gáo". Đời họ còn hơn phong sương vì họ còn bị tầm nã, bắt bớ và giết đi. Dù sao bề ngoài họ cũng chỉ như những chiếc bình sành, tuy bên trong họ mang những kho tàng quý giá. Chính câu chuyện Êlia làm chứng. Ông đang đói khát cho bản thân mình. Nhưng Lời Chúa ông đang mang trong mình có thể làm cho bình bột không hết và bình dầu không cạn. Những ơn này dành để cho người khác. Và ở đây, cho người góa phụ thành Serepta.
Bà được ơn như vậy, mặc dầu bà là dân ngoại và đang sống trên đất của lương dân. Điều này làm chứng ơn Chúa không kỳ thị ai. Nhưng mọi kẻ có điều kiện đều có khả năng nhận được. Người là Thiên Chúa của mọi người và muốn thi ân cho hết thảy những ai biết đón nhận.
Người góa phụ thành Serepta không những tỏ ra rất nhân đạo, nhưng nhất là còn tin ở lời vị tiên tri và tin vào Lời Chúa. Chính niềm tin ấy khiến bà dám làm bánh cho nhà tiên tri ăn trước. Bà như quên và như bỏ mạng sống của mẹ con bà vì tin vào lời nhà tiên tri. Và Chúa đã thưởng công lòng tin này, khiến câu chuyện về bà hôm nay đáng được dùng để dẫn nhập vào bài Tin Mừng. Nhưng chúng ta đừng vội đi qua mà không ghi kỹ lấy nhiều bài học thâm thúy của đoạn sách Các Vua.
Không kể những tư tưởng về đạo độc thần và phổ quát, chúng ta hãy nhớ gương Êlia và người góa phụ này. Cả hai đã giữ đạo và sống đạo không dễ dàng. Êlia suốt đời phải chiến đấu; lắm lúc thật rã rời và nhục nhã. Người góa phụ trông cũng tội nghiệp: chỉ còn một chút bột mà cũng phải hy sinh. Nhưng đó là những con người thánh, dám vì lòng tin Chúa mà chịu đựng gian khổ thử thách. Hậu thế không quên được những con người như vậy. Cũng như câu chuyện về người góa phụ trong bài Tin Mừng hôm nay sẽ luôn luôn còn sống động.
2. Câu Chuyện Về Người Góa Phụ
Thoạt đầu chúng ta ít thấy có liên lạc giữa các đoạn Đức Yêsu nói về các ký lục và câu chuyện về bà góa. Thánh Marcô đặt cả hai việc xảy ra trong Đền thờ. Và có lẽ người đã dùng chữ bà góa trong câu nói về các ký lục: "ngốn cả nhà cửa các bà góa" để chuyển sang câu chuyện bà góa nọ bỏ hai trinh vào hòm tiền cúng. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể nhìn ra một liên lạc về ý tưởng. Phần đầu Đức Yêsu sẽ công kích thái độ đạo đức giả dối của bọn ký lục; và phần sau Người trỏ cho chúng ta thấy thái độ đạo đức đích thực nơi người góa phụ, để dạy dỗ chúng ta.
Trước hết, Người tỏ ra không ưa lối sống đạo của các ký lục. Họ khoe khoang, tham danh vọng, vì họ hay qua lại những nơi đông người, y phục xúng xính cho người ta dãn ra dành lối cho họ và chào cả trong hội đường lẫn nơi các bàn tiệc. Trong khi đó, Đức Yêsu vẫn bảo người ta khi cầu nguyện phải khiêm tốn và cúi đầu, đấm ngực ăn năn thống hối. Và khi đi dự tiệc hãy ngồi những hàng ghế dưới. Có lần Người còn bảo môn đệ "chớ cho gọi mình là Thầy vì Thầy của các ngươi chỉ có một, còn các ngươi hết thảy đều là anh em" (Mt 23,8). Tệ hơn nữa, các ký lục còn làm nhiều bất công xã hội. Đối với cả những phần tử đáng thương nhất, vì khổ sở nhất và cần được nâng đỡ nhất. Đó là các bà góa. Họ có gì đâu? Của cải chồng họ để lại thuộc về trưởng nam. Có thể trước đó họ đã gửi gắm ở đâu được một chút của nào đó. Hay tài sản riêng họ có trước khi về nhà chồng, họ đã đem gửi nơi các ký lục mà họ tưởng sẽ là những người đạo đức nâng đỡ họ. Ai ngờ bọn này lại lợi dụng và dã tâm ngốn cả nhà cửa của họ! Trong khi đó, bọn ký lục còn làm bộ cầu nguyện lâu dài để mặc hình thức đạo đức. Nhưng Đức Yêsu lên án thứ đạo đức giả hình này. Và Người muốn cho các môn đồ thấy sự đạo đức chân thật.
Cơ hội đến khi có nhiều người đến bỏ tiền vào hòm cúng. Lắm người giàu có bỏ nhiều. Bà góa khó nghèo nọ cũng đến và bỏ vào hai trinh, tức là không đáng kể gì. Nhưng Đức Yêsu nói: bà đã bỏ nhiều hơn cả, vì mọi người lấy của dư bỏ vào, còn bà lấy tất cả của độ thân mà dâng cúng.
Dĩ nhiên có thể có nhiều bài học ở đây. Người ta không xem mặt mà bắt hình dong. Không phải vì bà góa nọ nghèo mà không đáng trọng bằng kẻ giàu có; và không phải vì bà bỏ ít mà lòng đạo đức của bà thua kém ai. Cũng như tác giả sách Các Vua đã lấy hình ảnh một góa phụ ở Serepta để đối chọi với con người lộng quyền ở thời bấy giờ là Izabel, thì ở đây thánh Marcô cũng đặt người góa phụ nghèo khó đối lập với bọn giàu có và các ký lục xúng xính trong y phục. Thân góa phụ đã đáng thương rồi. Thế mà Marcô còn thêm tính từ nghèo khó. Cũng như Êlia xưa đã đáng thương khi bị tầm nã, thế mà tác giả sách Các Vua còn bắt ông phải ngửa tay ra xin nước uống và bánh ăn của một góa phụ. Đó là những con người nghèo của Chúa. Người mến họ vì họ dám phục vụ Người với hết cả linh hồn và sức lực. Kìa bà góa nghèo nọ đang đến bỏ vào hòm tiền, tất cả của độ thân của bà, tức là tất cả mạng sống của bà. Bà làm một cử chỉ mà Đức Yêsu không thể không nhìn thấy như muốn báo trước chính công việc Người sẽ làm, là thí mạng sống mình cho chúng ta. Chúng ta hãy nghe tác giả thư Hipri bàn về vấn đề này.
3. Câu Truyện Về Đức Kitô
Hôm nay tác giả nhắc cho chúng ta nhớ, Đức Kitô cũng đã tiến vào thánh điện. Không phải thánh điện nhân tạo, do tay loài người dựng nên. Nói rõ hơn, không phải thánh điện trong đền thờ Yêrusalem ngày trước. Bởi vì ở đây không phải là nơi Thiên Chúa ngự thật sự. Yêrusalem chỉ là hình bóng hay bản sao của thánh điện trên trời. Đây mới thật là thánh điện Đức Kitô đã vào nhờ mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Thánh điện trên trời này chính là bản tính Thiên Chúa và cung lòng của Người.
Như vậy, Đức Yêsu vượt xa các ký lục và những người đến đền thờ dâng tiền hôm nay, kể cả bà góa nọ. Ngay các vị Thượng tế trong đạo cũ cũng thua kém hẳn Người. Vì họ cũng chỉ vào trong một thánh điện nhân tạo, cho dù nơi ấy có được gọi là nơi Cực Thánh, và chỉ có vị Thượng tế mỗi năm được vào một lần.
Đức Kitô còn hơn hẳn họ vì Người vào thánh điện không phải là để thi hành một lễ tế vô giá trị như họ. Lễ dâng của Người có giá trị vô song. Họ thì chỉ dâng tế vật. Trường hợp vị Thượng tế thì dâng máu thay vật. Đó là những của lễ "ở ngoài họ", cho dù có được gọi là thế vật cho họ đi nữa. Chính họ đã ý thức giá trị kém cỏi của những lễ dâng này, nên họ cứ phải dâng đi dâng lại. Và hằng năm vị Thượng tế lại phải vào nơi cung thánh. Nhưng nhân hoặc cộng các sự không hoàn toàn vần chỉ đem lại một cộng số hay tổng số không hoàn toàn.
Trong khi đó, lễ dâng của Đức Kitô là chính Máu của Người, sự sống của Người. Và máu này, sự sống này lại tinh sạch tội lỗi, lại thánh thiện công chính hoàn toàn. Đó là hy lễ dứt khoát, vẹn tuyền, tẩy xóa tội lỗi. Thế nên không thể lập đi lập lại, và chỉ cần thực hiện một lần vào chính lúc sung mãn của thời gian. Thành ra cũng một sự chết mà ở nơi mọi người chỉ mở sang sự phán xét, còn nơi Đức Kitô lại đem đến ơn tha thứ cho mọi người.
Chúng ta hãy sung sướng cảm tạ lễ Vượt qua của Đức Kitô. Nó mưu phần rỗi cho chúng ta. Chúng ta hãy thành tâm cử hành mầu nhiệm Vượt qua ấy trong thánh lễ này. Không phải chỉ để chiêm ngưỡng một hy tế của Đức Kitô; nhưng còn để tham dự vào hành vi tiến lên thánh điện của Người. Êlia và bà góa phụ ở Serepta đã muốn tham dự vào lễ tế này khi Êlia chấp nhận cuộc đời phấn đấu và bà góa kia bằng lòng làm theo lời Thiên Chúa. Người đàn bà góa khó nghèo trong bài Tin Mừng quả thật cũng đã báo trước việc Đức Kitô thí mạng sống mình để xóa tội trần gian. Tất cả những con người ấy đều có lòng đạo đức chân thật, khác hẳn những người ký lục mà Marcô nói tới hôm nay. Chúng ta sẽ giống hạng người nào? Chỉ có đời sống xả kỷ mới là tiêu chuẩn để giúp trả lời. Chúng ta cầu xin và quyết tâm bắt chước các gương tốt lành đã xem trong các bài Kinh Thánh hôm nay, và đặc biệt gương của Đức Kitô sắp được tái hiện trên bàn thờ.
Các tin khác
.: GIẢNG CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH (03/05/2025) .: Làm theo Lời Chúa (03/05/2025) .: Có Chúa nâng đỡ (03/05/2025) .: Thiên Chúa không bỏ con người (03/05/2025) .: Bữa ăn trên bờ biển (03/05/2025) .: Con có yêu mến Thầy không? (03/05/2025) .: Yêu mến Chúa (03/05/2025) .: Cơ hội chuộc lỗi cho Phêrô (03/05/2025) .: Vận mệnh tương lai của Giáo Hội (03/05/2025) .: in và Yêu là điều kiện nhận ra Chúa (03/05/2025) .: Mầu nhiệm Giáo Hội. (03/05/2025) .: Thủ lãnh Giáo Hội (03/05/2025) .: Sứ mạng phục vụ (03/05/2025) .: Cùng Ngư Phủ Phêrô ra khơi (03/05/2025) .: Mẻ lưới. (03/05/2025)
Mục lục Lưu trữ
- Văn Kiện Giáo Hội
- Giáo Hội Công Giáo VN
- Tin Ngắn Giáo Hội
- Tài Liệu Nghiên Cứu
- Tủ Sách Giáo Lý
- Phụng Vụ
- Mục Vụ
- Truyền Giáo
- Suy Niệm Lời Chúa
- Lời Sống
- Gợi Ý Giảng Lễ
- Hạnh Các Thánh
- Sống Đạo Giữa Đời
-
Cầu Nguyện & Suy Niệm
- Cầu Nguyện
- Suy Niệm
- Cầu Nguyện Là Gì?
- Cầu Nguyện Từ Mọi Sự Vật
- Suy Niệm Đời Chúa
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm, (Mùa Vọng -> CNTN) - Năm A
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Chay
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A - Mùa Phục Sinh
- Mỗi Ngày Năm Phút Suy Niệm - Mùa Chay, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa - Tuần Thánh - Phục Sinh, C
- Năm Phút Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Tuần Thường Niên C
- Năm Phút Suy Niệm, Năm B (2011-12)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm C (2012-13)
- Năm Phút Suy Niệm, Năm A (2013-14)
- Cầu Nguyện Chung
- Suy Tư Và Thư Giãn
- Thánh Ca Việt Nam
- Phúc Âm Nhật Ký
- Thơ
- Electronic Books (Ebooks)
- Vatican
- Liên HĐGM Á châu
- Đài Phát thanh Chân lý Á châu - Chương trình Việt ngữ
- Giáo phận Bà Rịa
- Giáo phận Ban Mê Thuột
- Giáo phận Bắc Ninh
- Giáo phận Bùi Chu
- Giáo phận Cần Thơ
- Giáo phận Đà Lạt
- Giáo phận Đà Nẵng
- Tổng Giáo phận Hà Nội
- Giáo phận Hải Phòng
- Tổng Giáo phận Huế
- Giáo phận Hưng Hóa
- Giáo phận Kon Tum
- Giáo phận Lạng Sơn
- Giáo phận Long Xuyên
- Giáo phận Mỹ Tho
- Giáo phận Nha Trang
- Giáo phận Phan Thiết
- Giáo phận Phát Diệm
- Giáo phận Phú Cường
- Giáo phận Qui Nhơn
- Giáo phận Thái Bình
- Giáo phận Thanh Hóa
- Tổng Giáo phận TP HCM
- Giáo phận Vinh
- Giáo phận Vĩnh Long
- Giáo phận Xuân Lộc
- Ủy ban BAXH-Caritas Việt Nam
- Ủy ban Công lý và Hòa bình
- Ủy ban Giáo dục Công giáo
- Ủy ban Giáo lý Đức tin
- Ủy ban Kinh Thánh
- Ủy ban Mục vụ Di dân
- Ủy ban Mục vụ Gia đình
- Ủy ban Nghệ Thuật Thánh
- Liên hiệp Bề trên Thượng cấp Việt Nam