Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 58

Tổng truy cập: 1351248

Thánh giá là gì?

THÁNH GIÁ LÀ GÌ?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bảo chúng ta vác Thánh Giá mình mà theo Chúa, nhưng Thánh Giá là gì?

Nhiều người xem Thánh Giá như một đơn vị kinh tế để xác định giầu nghèo. Thánh Giá bằng vàng thì quí hơn Thánh Giá bằng gỗ. Và Thánh Giá bằng vàng cũng còn tuỳ to nhỏ mà có giá trị khác nhau. Người giầu có Thánh Giá bằng vàng đã đành, kẻ nghèo túng cũng tìm mọi cách để sắm cho được Thánh Giá vàng để khoe với mọi người rằng mình “chẳng thua kém gì ai”. Dĩ nhiên người môn đệ đích thực của Đức Kitô không nhìn Thánh Giá như đơn vị kinh tế để khoe khoang như thế.

Người khác lại dùng Thánh Giá để xuống đường. Họ vác Thập Giá không phải để chịu đóng đinh như Chúa Giêsu, nhưng đòi biểu tình, để đòi đóng đinh kẻ khác. Thánh Giá bị lợi dụng để tranh giành ảnh hưởng, để tiêu diệt kẻ thù, thay vì đem sự sống, đem bình an hạnh phúc đến cho mọi người, kể cả kẻ thù của mình.

Ý nghĩa đích thực của Thánh Giá cần tìm thấy ở giáo huấn của Chúa Giêsu, hoặc nhìn thấy chính Đức Giêsu chịu treo trên Thập Giá để thực hiện ơn Cứu Chuộc cho con người. Người Kitô hữu đích thực vác Thập Giá đi theo Đức Kitô vì yêu mến Ngài, chứ không phải lợi lộc trần thế. Trước khi đi sâu vào mầu nhiệm Thập Giá chúng ta tìm hiểu ý nghĩa bài Tin Mừng hôm nay:

Khi ấy Chúa Giêsu và các môn đệ của Người đang trên đường đi tới các làng, xã vùng Cêsarê, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông thưa: “Họ bảo thầy là Gioan Tẩy giả, người thì nói là Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Rõ ràng là dân chúng đã thấy Chúa Giêsu là nhân vật của Thiên sứ, nhưng họ vẫn chưa tỏ tường hẳn về Ngài. Mà “vô tri thì bất mộ”, họ chưa nhận ra được dung nhan cứu thế của Đức Kitô thì làm sao họ có thể thấu đáo được mầu nhiệm Thập Giá của Ngài. Riêng ông Phêrô thấy được Con Thiên Chúa xuất thân từ gia đình thợ mộc nghèo nàn là một ơn rất đặc biệt…. Lúc đó Chúa Giêsu thấy niềm tin của Phêrô, Ngài liền bắt đầu mở chìa khóa cửa trời và tỏ cho các môn đệ biết mầu nhiệm sinh ơn cứu độ, Ngài cho các ông biết: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết và sau ba ngày Ngài sống lại. Rồi Chúa Giêsu kết hợp chức vụ Đấng Mêsia với sự đau khổ và sự chết mà Ngài đang khẳng định với các môn đệ. Đó là những điều khó tin khó hiểu, vì suốt đời họ vẫn quan niệm về một Đấng Mêsia bách chiến bách thắng, thế mà giờ đây họ lại được nghe những điều trái ngược:

Suốt quá trình cuộc sống, người Do Thái chẳng khi nào quên được họ là tuyển dân của Chúa theo ý nghĩa hết sức đặc biệt, họ trông mong được một địa vị cao cả trong thế gian. Họ luôn xem những ngày trọng đại nhất trong lịch sử của họ như các ngày của Đavit. Họ mơ ước một ngày kia có một vua khác thuộc dòng dõi Đavit sẽ khiến họ trở thành vĩ đại trong lịch sử công chính và thế lực. Thế nhưng thời gian trôi qua, mơ ước của họ thật đáng thương hại. Họ bị lưu đầy sang A-sy-ry, người Babilon chinh phục Giêrusalem, bắt dân Do Thái đem về nước làm tù binh. Rồi họ còn bị làm tôi cho người Ba Tư, Hy Lạp, sau đó là người La Mã. Thế là họ chẳng chinh phục được ai, cho nên có một giòng tư tưởng khác nảy sinh, họ càng ngay càng mơ ước về một tương lai khi Thiên Chúa can thiệp lịch sử bằng những phương tiện siêu nhiên, họ mong quyền năng Thiên Chúa sẽ làm những gì mà khả năng con người đành bó tay, người ta nghĩ về một nhân vật vĩ đại, một thần dân, một siêu nhân xuất hiện trong lịch sử để tái tao thế giới và cuối cùng báo thù cho tuyển dân của Thiên Chúa… Lúc đó các dân nước khác sẽ liên minh với nhau để chống lại nhà vô địch của Thiên Chúa. Kết quả là các thế lực chống đối sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt. Hiền giả Phi-lô bảo rằng “Đấng Mêsia sẽ là nhà chinh phục gây nhiều tai hại nhất trong lịch sử, đàn áp các kẻ thù Ngài cho đến khi chúng hoàn toàn bị tiêu diệt.

Trên đây là các ý niệm về Đấng Mêsia vốn ngự trị trong tâm trí người Do Thái, họ cũng đang chờ đợi thành Giêrusalem mới sẽ được làm lại, dân Do Thái đã bị tản mát khắp thế giới sẽ được gom về thành phố Giêrusalem mới, lời cầu nguyện hằng ngày của người Do Thái là: “Xin hãy giương lên một ngọn cờ để thu góp những kẻ tản mát của chúng tôi khắp bốn phương trời lại”. Còn cao vọng hơn thế nữa, dân Do Thái tin là xứ Palestine sẽ là trung tâm thế giới và cả thế gian sẽ qui phục nó…. Chính vì những lý do đó, nên Phêrô đã mạnh mẽ phản đối, ngăn cản Chúa Giêsu. Nhưng Chúa lại quở trách đuổi Phêrô như xưa Chúa đã đuổi Satan cám dỗ Chúa trong thời kỳ chay tịnh 40 ngày ở sa mạc (Mt.4,10). Ngày trước Chúa nói với Satan là “phải thờ phượng Chúa”, còn bây giờ Chúa nói với các môn đệ và quần chúng rằng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập Giá mình mà theo Ta”. Đây là điều ngược hẳn với mơ ước trần gian.

Thập Giá khi mà Chúa báo trước thì Phêrô đã can gián Ngài. Thập Giá khi mà Phêrô theo Chúa vào sân tiền đình của thượng tế Caipha, Phêrô đã chối Chúa, còn các môn đệ khác đã bỏ chạy đi nơi khác hết. Thế mà Chúa lại mời gọi mọi người vác lấy. Ngài mời gọi con người lựa chọn chứ không bắt buộc. Nếu biết Đức Kitô là ai, hẳn chúng ta cũng biết Thập Giá là gì. Nếu vui lòng vác Thập Giá, Thập Giá sẽ đưa dẫn chúng ta vào Nước Trời. Thập Giá đắng cay sẽ cho chúng ta hương vị ngọt bùi của Thiên Đàng.

Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta xác tín hơn về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu treo trên Thập Giá; để biết bỏ mình, biết chia sẻ với tha nhân hơn là hưởng thụ; biết phục vụ mọi người hơn là thích thống trị; biết phân phát hơn là lãnh nhận. Càng theo theo sát bước chân Chúa chúng ta càng phải chịu hao mòn, chịu mất mát và thậm chí phải chịu chết để được sống vinh hiển đời đời với Đức Kitô. Chúa đã say mê vác Thập Giá, chúng ta là môn sinh của Ngài cũng phải hân hoan bước theo Ngài lên đồi Canvê. Vì nếu cùng chết với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài. Và nếu chia sẻ đau khổ của Chúa, chúng ta cũng được chung phần vinh quang của Người.

Br.Thiện Mỹ, CMC

home Mục lục Lưu trữ