Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 66

Tổng truy cập: 1363396

THÁNH GIUSE CON NGƯỜI MÙA VỌNG

THÁNH GIUSE CON NGƯỜI MÙA VỌNG

 

(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tin Mừng Luca kể chuyện truyền tin cho Đức Mẹ.Tin Mừng Matthêu tường thuật câu chuyện truyền tin cho Thánh Giuse. Thánh nhân được mạc khải cho biết mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng Đồng Trinh của Mẹ Maria, do quyền phép của Chúa Thánh Thần. Ngài được mời gọi tích cực tham dự vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Giuse đã sống lời "Xin Vâng" trọn cuộc đời.

Ngày Sứ thần Gabriel truyền tin, sau khi Đức Maria nói lời "Xin Vâng", Con Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng của Mẹ. Biết tin chị họ Êlisabeth có thai, Mẹ đã mau mắn lên đường đến viếng thăm và giúp đỡ suốt 3 tháng.

Trong thời gian này, Giuse ở nhà lo lắng chuẩn bị cho ngày thành hôn sắp tới. Thật bất ngờ, khi trở về Maria có dấu hiệu mang thai. Tâm hồn Giuse hoang mang bối rối khi bà con lối xóm xầm xì to nhỏ: Maria có thai. Làm sao tin nổi đó là sự thật? Maria một thiếu nữ nết na đức hạnh kia mà! Dù cố biện minh cho Maria, nhưng Giuse không khỏi xao xuyến. Làm sao đây, khi mà Maria cũng không thể tự biện hộ cho mình là bào thai này do quyền phép của Thiên Chúa chứ không phải người phàm! Giuse có thể tin được không? Phần Maria vẫn thinh lặng suy niệm trong lòng.

Về phần Giuse, chiếu theo luật có thể truy tố Maria trước pháp luật.Là người công chính, dù ghi nhận ít nhiều dấu hiệu chuyển biến nơi Đức Maria, Giuse cũng chẳng dám nghi ngờ mà chỉ một thoáng băn khoăn, để rồi định chọn cho mình giải pháp âm thầm rút lui. "Đào vi thượng sách" là giải pháp an toàn nhất. "Trong lúc định tâm như thế, thì Thiên Thần hiện đến với ông trong giấc mơ" và nói rõ về ý định của Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thiên Thần trấn an Giuse: " Chớ ngại nhận Maria làm bạn, vì Con bà đang cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ gọi tên con trẻ là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội" (Mt 1,20-21). Sứ thần nhắc cho Giuse lời tiên tri Isaia (bài đọc 1). Là người Công Chính, Giuse đã đọc Kinh Thánh Cựu Ước và biết về sấm ngôn này. Lời Thiên Thần khai mở đã trút được gánh nặng đang đè trên tâm hồn Giuse bấy lâu. Chính lúc này, được tỏ nguồn cơn, Giuse đã tiếp nhận ý Chúa và tiếp đón Đức Maria về nhà mình bằng một tình yêu trong sáng, mà người trần mắt thịt dẫu có bản lĩnh cách mấy cũng khó mà dám xâm mình mạo hiểm (Mt 1,24).

Thánh Giuse luôn lắng nghe và mau mắn thi hành thánh ý Chúa. Ngài trở nên Thánh Cả và là mẫu gương cho mọi tín hữu.

1. Mẫu gương công chính

Tổ phụ Abraham nài xin với Thiên Chúa: "Thưa Chúa, nếu tìm thấy trong thành có 50 người công chính thì với 50 người chính chính ấy Chúa có tha cho cả thành không?". Giavê Thiên Chúa đã chấp thuận điều kiện Abraham đặt ra. Abraham đã kỳ kèo bớt dần bớt dần xuống con số 10 người công chính, Giavê cũng chấp nhận (x.St 18,16-33). Chờ đợi đến giai đoạn sau này, Abraham mới vui mừng vì hiểu được rằng chỉ với một người công chính duy nhất chính hiệu thì Thiên Chúa cũng ban ơn tha thứ cho cả nhân loại (x.Ga 8,56). Người công chính là người lôi kéo ân lộc trời cao cho nhân trần, là người trung gian hòa giải đất với trời, là người thể hiện tình yêu nhưng không của Thiên Chúa và là người nối kết mối dây giao hòa giữa nhân loại với Đấng tác thành mọi sự mọi loài.

"Giuse là người công chính". Nơi Thánh Giuse, "sự công chính nội tâm" trùng với "tình yêu". Tình yêu dâng hiến luôn hướng về người khác, sẵn sàng hy sinh để làm người mình yêu có giá trị hơn và được hạnh phúc hơn. Chấp nhận chịu thiệt thòi để người yêu được hưởng lợi, chấp nhận đau khổ để người mình yêu hạnh phúc. Sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho người mình yêu khi có lầm lỗi. Giuse đã yêu Maria bằng tình yêu dâng hiến như thế.

Giuse luôn mở lòng lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Thiên thần giải thích cho Giuse biết: "Người sinh bởi Đức Maria là do Chúa Thánh Thần", theo lời ngôn sứ phán xưa: "Này đây: Trinh nữ sẽ thụ thai", và Giuse sẵn sàng tiếp nhận những ý định của Chúa, những ý định vượt quá những giới hạn của loài người.

Giuse như là một con người đích thực sống đức tin. Đức tin liên kết với sự công chính và cầu nguyện, đó là thái độ phù hợp để gặp Đấng Emmanuel. Tin có nghĩa là sống trong lịch sử mở lòng đón nhận sáng kiến của Thiên Chúa, đón nhận sức mạnh sáng tạo của lời Người.

2. Mẫu gương luôn vâng theo thánh ý Chúa.

Thánh Giuse là người công chính như Kinh Thánh đã khen tặng. Trong suốt cuộc đời, Giuse hằng luôn vâng theo Thánh Ý Thiên Chúa (x. Mt 1,18-25; 2,13-23; Lc 2,1-7.22).

Thánh ý Chúa được Sứ thần truyền đạt đến cho thánh Giuse, vừa xoá tan mọi nghi ngờ đang dằn vặt ngài vừa mạc khải cho ngài về lai lịch và sứ mạng của thai nhi đang được cưu mang. Đó là Đấng Thánh vì được thụ thai do quyền năng của Thiên Chúa. Đó cũng là Đấng sẽ giải phóng dân tộc của ngài khỏi ách đô hộ của ngoại bang. Sứ thần xác nhận "Maria mang thai do Chúa Thánh Thần" và bảo ông đừng rút lui mà hãy đưa Maria về với mình, bởi Chúa đã giao cho ông một sứ mạng. Giuse sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người. Dự tính muốn ra đi âm thầm không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự Maria thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến gần bụi gai đang cháy rực (St 3,5), tựa như Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh(Is 6,5), tựa như Simon sau khi chứng kiến mẻ cá lạ lùng (Lc 5,8). Giuse đựoc biết là Maria "có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần", vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui. Để cũng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì "ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà", cần phải dịch là "ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ 'mầu nhiệm', quyết định rời bỏ bà cách kín đáo". Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy lạp) tự nó chỉ có nghĩa là thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là "tố cáo, tố giác" (điều xấu), "bày tỏ, tiết lộ" (điều tốt). Ông Giuse đựơc bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này. (x. Lm Phan tấn Thành, Thánh Giuse trong cuộc đời Chúa Kitô và Hội thánh).

Như một khí cụ ngoan ngoãn trong tay người sử dụng, thánh Giuse đã được Thiên Chúa "chọn mặt gởi vàng", chọn làm người bảo trợ Đấng Thiên Sai. Ngài cùng với Đức Maria thực hiện mọi quyết định của Thiên Chúa, dầu có phải trải qua biết bao thử thách gian nan cả vật chất lẫn tinh thần.

Người Công Chính Giuse suốt cuộc đời luôn luôn thức tỉnh trước thánh ý Thiên Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ.

- Ở Bêlem: "Sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi!' Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập." (Mt 2,13-14) .

- Ở Aicập: "Sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi. "Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen" (Mt 2,19-21).

- Ở Giuđê: "Vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông Giuse sợ, không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét" (Mt 2, 22-23) .

Giuse luôn thao thức lắng nghe tiếng Thiên Chúa, và khi nghe được rồi thì đáp lại không chần chừ, dù cho phải trả giá.

Một câu ngạn ngữ của người Nigêria nói rằng: Hãy lắng nghe và bạn sẽ nghe đựoc những bước chân của các con kiến. Chúng ta được mời gọi để lắng nghe những bước chân âm thầm của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Thánh Giuse là mẫu gương sống tâm tình đạo đức Mùa Vọng. Học với Thánh Giuse, bài học lắng nghe và thi hành Lời Chúa, trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục, tin tưởng và phó thác, chúng ta sẽ trở nên người công chính Tân Ước như thánh nhân.

 

28.Họ sẽ thấy Đấng Emmanuel trong con

(Suy niệm của Trương Đình Hiền)

Hôm nay, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm vĩ đại của ơn cứu độ, mầu nhiệm “Con Chúa Giáng Trần”, mầu nhiệm “Emmanuel”, Lời Chúa lại một lần nữa trình bày với chúng ta những con người giản đơn, nhỏ bé, khiêm hạ, thuộc “nhóm nhỏ còn lại của Gia-vê” (Anawim), được gọi mời để cọng tác với Thiên Chúa trong chương trình tình yêu vĩ đại của Ngài, chương trình cứu độ.

Nói cách khác: để có “Thiên chúa ở cùng chúng ta”, thì cần phải có những con người “ở cùng Thiên Chúa”, nghĩa là những con người sẵn sàng trải rộng cõi lòng để đón nhận ý định nhiệm mầu và yêu thương của Thiên Chúa.

- I-sa-ia, vị ngôn sứ xuất hiện khoảng 600 năm trước Chúa Kitô đã mạnh dạn loan báo “ngày xuất hiện của một Đấng Em-ma-nu-en và người cọng tác đó lại là một trinh nữ: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Nầy đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en”

- Trong khi đó, trích đoạn Tin mừng Matthêô tường thuật cho chúng ta “cuộc mặc khải cho Thánh Giuse để Ngài đón nhận Đức Đức Maria làm vợ”: Phải chăng Maria, Giuse, những người công chính, đó là những “đại diện cho giai đoạn của “thời gian viên mãn”, “thời của thực hiện dứt khoát, thời của Giao Uớc Mới, thời của Đấng Em-ma-nu-en: Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Như vậy chúng ta có thể nói được rằng: trọng tâm của sứ điệp phụng vụ hôm nay đó là nhắc lại cho chúng ta chân lý nền tảng nầy: Thiên Chúa đang hiện diện, đang hoạt động trong trần gian nầy, đang thực hiện “giao ước mà Ngài đã ký kết vì yêu thương” ; và Ngài thực hiện qua những biến cố, con người, dụng cụ bé nhỏ khiêm hạ. Và chúng ta chỉ có thể cảm nhận, đón lấy hoạt động đó, hồng ân đó, giao ước đó khi hoán cải trở nên bé nhỏ khiêm hạ, hoán cải nên giống Đức Maria, nên giống Thánh Giuse như những mô hình gương mẫu.

Nhưng, để đi sâu vào những giáo huấn nầy, chúng ta thử tìm hiểu các chỉ dẫn của Lời Chúa được công bố hôm nay.

Từ ngay những trang đầu của Thánh Kinh, mặc khải của Thiên Chúa đã chỉ cho thấy rằng: cái thảm trạng to lớn nhất, kinh khủng nhất của vũ trụ, của thế giới, của loài người là “vắng bóng Thiên Chúa”. Sách Sáng thế đã ngụ ngôn rằng: Sau khi Tổ Tông con người chối từ Thiên Chúa, thì từ độ ấy, không còn nữa những buổi chiều nắng nhạt, Chúa và Người thả bộ hàn huyên nhau trong thân mật ngọt ngào; cánh cửa địa đàng khép lại, con người lủi thủi cô độc dắt nhau “cày sâu cuốc bẫm” trên những luống đất góc gai. Rồi sau đó là anh Cain giết em ruột Abel, là sa đọa và lụt đại hồng thủy, là tháp Baben chia rẽ và kiêu ngạo…

Tiếp theo những trang Thánh Kinh “mang dáng đứng huyền thoại và cổ tích đó”, Cựu ước lại tiếp nối những trang dài kinh nghiệm lịch sử của dân được chọn, Ít-ra-en: khi nào dân chọn Chúa, tin Chúa, có Chúa ở giữa dân, thì lập tức còn an vui sung túc; trái lại khi dân khước từ, chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa để chạy theo những thần tượng ngoại lai ảo ảnh, thì rơi vào những nỗi khốn cùng: nô lệ, lưu đầy, tai ương, hoạn nạn. Nhưng điều mà Lời Chúa khẳng định cách rõ nét nhất đó là: mỗi khi con người sám hối ăn năn, quay đầu trở lại, tìm đến với Thiên Chúa…lập tức Chúa lại xuất hiện, lại trở về cư ngụ giữa dân để gia ân giáng phúc. Đúng như lời Chúa nói với Mai-sen trong hoang mạc Ma-di-an: “Ta đã thấy nỗi khổ của Dân Ta” (Xh 3,5). Kinh nghiệm của 40 năm hành trình về đất hứa là “kinh nghiệm xương máu” của chọn lựa nầy, của đức tin vào sự hiện diện nầy.

Quả thật, Thiên Chúa của Ít-ra-en là Thiên Chúa sẵn sàng đồng hành hôm sớm như áng mây, như cột lửa dẫn đường, là Thiên Chúa chịu thương chịu khó cư ngụ trong lều tạm, là Thiên Chúa hiện diện nơi “hòm bia giao ước” luôn đi sát và hiện diện cùng dân. Cũng chính với niềm tin vào sự hiện diện oai hùng và thân thương đó mà, khi Đa-Vít, Vị Vua anh minh của thời định cư Đất Hứa, sau khi an định cõi bờ, đã long trọng cung nghinh Hòm Bia Giao ước về đặt tai trung tâm thủ đô Giê-ru-sa-lem để dân sớm hôm phụng thờ và lễ bái.

Tuy nhiên, những gì đã được loan báo trong Cựu ước chỉ là bóng hình và chuẩn bị. Sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa phải đợi cho đến biến cố mà chúng ta sắp sửa cử hành và hôm nay được nhắc tới: Biến cố Ngôi Lời Nhập Thể. Vâng, Thiên Chúa không còn hiện hữu một cách tượng trưng qua áng mây cột lửa, qua hai Bia đá ghi Mười điều Răn, hay là qua “ngọn gió hiu hiu trên đĩnh Ho-reb …Đã đến thời viên mãn. “Một trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Đức Mẹ Maria chính là “Hòm Bia Giao ước mới” cưu mang Con Thiên Chúa làm người.

Quả thật, bài Tin mừng Matthêô hôm nay, mô tả “cuộc thị kiến của Giuse về sự mang thai lạ lùng của Đức Maria là một bản tuyên cáo hùng hồn của Thiên Chúa về lòng yêu thương miên viễn của Ngài ; đồng thời cũng nói lên thái độ ngoan ngùy của những tâm hồn công chính khát mong ơn cứu độ. Từ đây Giao ước đã trở thành hiện thực. Tất cả mọi sự đời nầy cho dù quan trọng đến mấy, cũng phải nhường bước cho ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, cho Tin Mừng vĩ đại Con Chúa Giáng Trần. Giuse không còn phải trốn chạy, trăn trở trước một Maria đồng trinh mà bụng mang dạ chữa ; nhưng kể từ đây hân hoan đón nhận Tin Mừng để cùng nhau sát cánh cọng tác để Tin Mừng sớm được vang xa và trở thành hiện thực.

Quả thật Đấng Emmanuel trong cung lòng Trinh Nữ Maria đã làm cho tất cả những ước mơ, hy vọng của con người từ đây được đáp ứng: sự hiện diện của Ngôi Lời Thiên Chúa đã chuyển từ không tới có, từ mất lại được: có ơn cứu độ, có sự tha thứ, có hồng ân tái tạo, có ánh sáng và chân lý dẫn đưa ta vào hạnh phúc vĩnh hằng. Cố linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã diễn tả tư tưởng của Thánh Gioan về sự hiện diện của Ngôi Lời bằng những câu thơ đẹp:

Lời hằng sống từ muôn ngàn thế kỷ

Đã vang lên khắp trời đất núi sông

Không có Lời, muôn vật chỉ là không

Không chi hết, toàn mênh mông trống rỗng…

Lời ban xuống trần gian như ngọn lửa

Quét sương mù cho rạng nước non xanh,

Thiêu cây hoang cỏ dại cho đất lành

Tỏa ánh sáng soi đường người muôn thuở…

Vâng, mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể chính là bài thuyết minh rõ nhất về sự hiện diện của Chúa Trời trên dương thế, một sự hiện diện cần thiết, thẳm sâu mà chính Chúa Trời đã khắc ghi trong sâu thẳm cõi lòng mỗi nhân loại, đến nỗi, trước những hoàn cảnh bi đát nhất, tối tăm nhất, thất vọng nhất, đau thương nhất, con người đều thốt lên “Trời ơi”, như một lời kêu cứu, một điểm tựa cuối cùng (như tiếng kêu não nùng của đôi vợ chồng Thức Lạc khi bị chìm ghe trong đêm vớt củi trên sông Hồng mùa nước lũ qua truyện ngắn “ANH PHẢI SỐNG” của Nhất Linh-Khái Hưng).

Đã biết bao nhiêu lần lịch sử của nhân loại đã rơi vào thảm kịch kinh hoàng khi cả gan chối từ Thiên Chúa, muốn gạt phét Ngài ra khỏi cuộc đời, khỏi thế giới. Thừa hưởng chủ trương “giết chết thượng đế” của Nietzsche (1844-1900), chủ nghĩa phát-xít Đức đã tiêu diệt bao nhiêu triệu con người trong thế chiến thứ II. Cũng thế, chính chủ nghĩa vô thần, phủ nhận Thượng Đế của Karl Marx-Engel và các “môn đồ kế tục” như Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt… đã xô đẩy bao nhiêu sinh linh vào nỗi oan khiên chết chóc !

Mùa Giáng Sinh Kitô giáo chính là một nhắc nhở sống động cho toàn nhân loại về sự hiện diện của Thiên Chúa; và đặc biệt nhắc cho mỗi người tìm lại sự hiện diện của Thiên Chúa cho chính cuộc đời mình, dành một góc cho Thiên Chúa đến viếng thăm mình.

Thế nhưng, chắc cũng không ít người đưa ra vấn nạn: Thiên Chúa hiện diện nơi đâu để tôi tìm thấy?

Tạm bỏ qua những lần “hiển linh” của Thiên Chúa trong thời Cựu ước, chúng ta thử tìm gặp những cách thế hiện diện của Thiên Chúa qua Con Một Ngài nơi Tin Mừng.

Vâng, qua các trình thuật Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm gặp một sự hiện diện lạ lùng của Thiên Chúa mà ngay giây phút bước vào đời Ngôi Hai đã cương quyết chọn lựa: không phải hiện diện oai nghiêm rườm rà của nnững cuộc tế lễ toàn thiêu, tạ tội nơi cung thánh, mà là hiện diện bằng chính một cuộc đời, một thân xác như khẳng định của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi dòng dõi Đa-vít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần…” (Bđ 2). Thân xác đó, cuộc đời đó đã chấp nhận có mặt, hiện diện trong vũ trụ này, trên trái đất nầy; đó là sự hiện diện thật sự

- Của một bào thai trong cung lòng của một thôn nữ nơi ngôi làng bé nhỏ ở Bê-lem,

- Của một em bé vô gia cư sinh ra trong hang súc vật giá lanh ban đêm,

- Của một chàng thợ mộc nghèo lao công vất vả nơi xưởng thợ Na-da-rét,

- Của một phó thường dân sắp hàng với những người tội lỗi để ông Gioan làm phép rửa.

- Cả một người dạt dào nước mắt trước huyệt mộ của một người bạn mới qua đời,

- Của một thánh nhân sẵn sàng nhận những nụ hôn sám hối của một gái làng chơi,

- Của một khách mời tiệc cưới, hay sẵn sàng với nhóm phần thu chén thù chén tạc,

- Của một tôn sư khố rách áo ôm ở Ga-li-lê, ngủ mê mệt trên chiếc thuyền giữa cơn bão táp,

- Của một tên tội phạm trong nỗi khổ nhục ê chề trước tòa án Phi-la-tô,

- Của một tử tội trần trụi, máu me chết nhục nhã giữa hai tên tội đồ…

Và ngày nay, Đấng là Emmanuel đó đang tiếp tục hiện diện trong tấm bánh đơn trên bàn thờ, trong nhà tạm, trong muôn cõi lòng khi chia sẻ chút máu thịt để làm của ăn cho dương thế…!

Bài học về những “hiện diện của Đấng là Đường, Sự Thật Sự Sống”, bài học của mái trường “Emmanuel” mãi mãi không bao giờ “quá đát” hay vô giá trị đối với những ai đã chọn bước theo Ngài. Và cách riêng, với chúng ta những người Kitô hữu, những người mang tước phẩm cao cả là “con cái Thiên Chúa”, thì liệu trong những ngày đặc biệt nầy, những ngày cuối cùng của Mùa Đợi chờ Chúa đến, Chúa có thật là một “Emmanuel” không, hay như những câu hỏi của một bài thơ mang tên “Có lẽ nào”, xin trích:

Có lẽ nào ta đang vắng Chúa?

Nên thấy hồn hiu quạnh hoang liêu.

Thấy chung quanh trống vắng tiêu điều,

Và trong lòng “bỗng dưng muốn khóc”…!

Chúa không về hay ta bội bạc?

Khép kín lòng trong góc tối riêng.

Ta xuyến xao trăn trở triền miên,

Và buông mất bàn tay của Chúa…!

Có lẽ nào lòng ta tắt lửa?

Chút tro tàn lạnh ngắt tình thân.

Còn đâu tình Chúa lẫn tha nhân,

Hồn câm nín và trái tim cô độc…!

Chúa không còn hay ta khô khốc?

Mảnh đất hồn gai góc rong rêu.

Sợi chỉ đời ngang dọc sân si,

Che phủ hết mọi đường ánh sáng…!

Như thế, sống mầu nhiệm “Emmanuel” để chuẩn bị cho ngày Đại lễ sắp tới chính là sống “sự hiện diện đích thực của Thiên Chúa”, đón nhận sự hiện diện của Đấng Emmanuel vào tâm hồn và cuộc sống, và từ đó biểu lộ sự “có mặt của Thiên Chúa” nơi chính cuộc sống và cách ứng xử của đời mình:

- như người vợ sẽ nhìn thấy Đấng Emmanuel trong những vất vả, khổ cực của chồng để sắt son chung thủy, và chồng thấy Đấng Emmanuel trong bao nhiêu hy sinh, tần tảo sớm hôm của vợ để yêu thương chăm sóc, đỡ nâng.

- như con cái nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cha mẹ để hiếu thảo kính yêu, vâng lời lễ độ.

- như bạn bè nhìn thấy Đấng Emmanuel trong cuộc đời của nhau để mà sống tử tế, phục vụ và chia sẻ...

- như mọi người nhìn thấy Đấng Emmanuel trong mỗi giờ kinh nguyện, trong Thánh lễ mỗi ngày, trong nhà tạm với chiếc đèn hiu hắt, trong tòa giải tội để đợi chờ thứ tha…hầu biến Lễ Giáng Sinh không trở thành một lễ hội ăn chơi đua đòi mà là một gặp gỡ đổi đời nên thánh…

Sông được như thế, phải chăng đó cũng chính là con đường đúng và ngắn nhất để “quy phục muôn dân tộc về đức tin”, như Thánh Phaolô đã đoan quyết với cộng đoàn Rôma từ 2000 năm trước (BBĐ 2).

Và để sống trọn vẹn mầu nhiệm Emmanuel trong cuộc đời hôm nay, có lẽ lời cầu nguyện sau đây của Mẹ thánh Têrêsa Calcutta là thích hợp nhất:

Lạy Chúa Giê-su của con,

xin hãy giúp con biểu lộ được

sự hiện diện của Chúa khắp nơi con đi qua…

Xuyên qua con xin hãy làm cho

Ánh sáng của Chúa được lan tỏa

và hãy hết sức ở trong con

đến nổi mọi người con gặp gỡ

đều có thể cảm thấy

sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.

Họ cứ ngước mắt lên đi

họ chẳng còn thấy con đâu,

mà thấy Chúa, chính Chúa, Chúa Giê-su của con….

 

29.Chúa ở trong tôi.

Lễ Giáng sinh đã gần đến, hẳn là chúng ta đã bắt đầu những trang trí bên ngoài như làm hang đá, làm máng cò, làm đèn ngôi sao. Thế nhưng chúng ta đã thực sự chuẩn bị tâm hồn hay chưa? Chúng ta đã lo liệu để lễ Giáng sinh không còn là một lễ trần tục, nhưng là một dịp để chúng ta và những người thân yêu tìm gặp Chúa, lớn lên về phương diện đạo đức để nhờ đó phục vụ Chúa một cách quảng đại hơn, như chính Chúa đã trở nên một hài nhi bé nhỏ để cứu độ chúng ta và lôi kéo chúng ta đến với Ngài. Thiên Chúa bước xuống phận con người, để con người tiến lên ngôi Thiên Chúa.

Chúa Giêsu luôn muốn chúng ta được hưởng một niềm hạnh phúc chân thật ngay từ cuộc sống trần gian này. Niềm hạnh phúc ấy lệ thuộc nơi mỗi người chúng ta. Do đó, chúng ta cần phải sống trong tình thương của Chúa. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu Ta thì giữ lời ta. Cha ta sẽ yêu thương nó và Chúng Ta sẽ đến và ở trong nó. Hai chữ “Chúng Ta” ở đây có ý muốn nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ biến tâm hồn những người sống trong tình thương và ơn sủng của Chúa trở nên như một đền thờ sống động.

Dostoievsky, một văn hào người Nga, đã viết: Cuộc sống là một thiên đàng, bởi vì tôi có thiên đàng ngay trong chính tâm hồn tôi. Cùng một chiều hướng ấy, thánh nữ Elisabeth đã quả quyết: Tôi tìm thấy nước trời ngay trên mặt đất này. Bởi vì nước trời là gì nếu không phải là chính Thiên Chúa. Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó có nước trời . Mà Thiên Chúa thì đang ngự trong tâm hồn tôi, cho nên chính tâm hồn tôi cũng là thiên đàng, cũng là nước trời. Ý tưởng Thiên Chúa ngự trong tâm hồn chúng ta là một ý tưởng vừa đơn sơ, nhưng lại vừa thâm sâu mà đôi khi cả những người ngoại đạo cũng cảm nghiệm được. Tôi xin đưa ra trường hợp của Gandhi, một vị thánh sống, một đấng anh hùng của dân tộc Ấn độ. Ông nói: Một người chỉ là người, không phải vì đã có hai tay và hai chânm nhưng vì đã trở nên một nhà tạm cho Thiên Chúa.

Thế nhưng Chúa Giêsu, con Thiên Chúa đã xuống thế làm người để đem lại cho chúng ta sự vui mừng và bình an nếu như chúng ta là những người thiện chí. Hàng trăm năm về trước, các tiên tri đã loan báo điều đó. Isaia đã long trọng công bố cho vua Achaz để củng cố niềm tin vào Chúa nơi ông như sau: Này đây, một trinh nữ sẹ thụ thai, sinh hạmột con trai và tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Trong cơn bối rối, Thánh Giuse có ý định lìa bỏ Mẹ Maria một cách kín đáo, nhưng thiên thần đã hiện ra cùng ông trong giấc mơ và bảo: Maria mang thai là bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, bà sẽ sinh hạ một contrai và ông sẽ đặt tên cho là Giêsu, vì chính Ngài sẽ cứu dân mình khỏi tội. Rồi thánh Matthêu đã kết luận: Tất cả những sự kiện này được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng tiên tri mà phán, như chúng ta đã thấy ở trên.

Thánh Gioan cũng xác quyết: Không phải chúng ta đã yêu thương Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta và đã phái Con Một Ngài đến với chúng ta. Màu nhiệm tình yêu này có thể chúng ta đã được nghe nói đến qúa nhiều, nên chúng ta tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt.

Bởi đó, chúng ta hãyxin Chúa hâm nóng lại tình yêu của chúng ta, để chúng ta không còn là những kẻ vô ơn tệ bạc. Tình yêu của Thiên Chúa đòi chúng ta phải đáp trả băng chính tình yêu. Một tình yêu chân thanh và mạnh mẽ. Một tình yêu biết khử trừ tội lỗi, để biến tâm hồn minh trở thành một hang đá máng cỏ sống động cho Chúa ngự trị.

Vậy chúng ta đã lam được những gì để đón mừng Chúa đến? Chúng ta đã làm được những gì để thực sự trở nên những Kitô hữu, nghĩa là những người thực sự có Đức Kitô trong tâm hồn và mang Đức Kitô đến cho những người chung quanh.

Lạy Chúa, lễ Giáng sinh một lần nữa sắp trở lai, xin cho mỗi người chúng con biết khử trừ tội lỗi để biến tâm hồn trở thành một máng cỏ cho Chúa, cũng như biết chấp nhận những vất vả, khổ đau, buồn phiền vì lòng yêu mến Chúa vì mỗi hy sinh sẽ là một cọng cỏ khô để sưởi ấm cho Chúa.

 

30.Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Bản văn này khơi lên nhiều câu hỏi. Chẳng hạn, chúng ta có thể thắc mắc tại sao Matthêu, ngược lại với Luca, đã trình bày khuôn mặt của Giuse chứ không phải của Maria như là người đón nhận tin báo của Thiên Chúa về cuộc sinh hạ Đấng Cứu Độ Israel. Chúng ta có thể tự hỏi đâu là những động lực thúc đẩy Giuse muốn lìa bỏ hôn thê của mình (vì bản văn không nêu rõ những động lực này). Chúng ta một lần nữa có thể đặt vấn đề (rất phổ biến gần đây) về sự trình bày các chi tiết lịch sử ở đây nhằm mô tả cuộc sinh hạ đồng trinh và về ý nghĩa của cuộc sinh hạ đó đối với niềm tin của chúng ta. Chúng ta có thể xem xét ý nghĩa của việc đặt tên và ý nghĩa của cái tên Giêsu -”Chúa Cứu Thế”- chúng ta cũng có thể đặt vấn đề đâu là ý định ban đầu của vị ngôn sứ qua trích dẫn Isaia 7,14 -một câu trích dẫn mang ý nghĩa rất gây tranh luận ở đây.

Song đó là những vấn đề không thuộc phạm vi mà bài suy niệm ngắn này muốn đề cập đến.

Ở đây chúng ta dành quan tâm đến cái tên “Emmanuel” -cái tên công bố rằng “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nơi con người Giêsu này.

Rất đáng đề cập một hàm nghĩa khác nữa của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, một hàm nghĩa không hề vu vơ hay vô căn cứ. Khi chúng ta nói rằng con người –trong tư cách là một tạo vật- chắc chắn có mối quan hệ với Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa là Chúa và là cùng đích của con người -và nếu gạt Ngài ra thì cuộc sống của chúng ta sẽ mất hết ý nghĩa, rằng Ngài là Đấng phù trợ và là Đấng Cứu Độ của chúng ta- chúng ta ở trong sự quan phòng hồng phúc của Ngài, rằng Ngài với lòng nhân hậu sẽ thứ tha tội lụy chúng ta, rằng chúng ta phải trả lời về trách nhiệm của mình trước toà phán xét của Ngài, rằng đối với những ai tin vào Ngài, trông cậy vào Ngài và yêu mến Ngài, Ngài dọn sẵn cho họ cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu… Khi nói như thế là chúng ta đã giải thích “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” theo đúng chiều hướng và đã vận dụng sự thực ấy vào các chiều kích khác nhau. Thật hồng phúc tuyệt vời biết bao nếu tất cả mọi người có thể nhận ra ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” ấy trong cuộc sống của họ. Tất cả những giải thích ấy cuối cùng đều được quy hướng –trong niềm hy vọng- về một mầu nhiệm thâm sâu hơn nữa của “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Nhưng không một giải thích nào trong những giải thích nói trên lột tả được cảm thức tuyệt đối Kitô giáo về ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Nếu cho rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta chỉ trong những ân huệ hữu hạn của Ngài, chỉ trong việc Ngài đặt chúng ta –là những hữu thể có năng lực sáng tạo- vào trong thực tại riêng của mình và trong việc Ngài hướng dẫn thực tại ấy tới sự hoàn thành định mệnh của nó xuyên qua sự thứ tha tội lụy chúng ta và sự chuẩn nhận chung cuộc tình trạng hiện hữu trưởng thành của chúng ta; nếu cho rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta chỉ trong mức độ bởi vì tất cả những thực tại thụ tạo của con người đều xuất phát từ Ngài và quy chiếu về Ngài đồng thời nhắc nhở chúng ta quy hướng về Ngài trong thái độ nhận hiểu và biết ơn, trong thái độ cầu nguyện chan hoà cảm mến… nếu chỉ thế thì quả chúng ta đã sai lầm về bản chất nền tảng của nhận thức Kitô giáo về “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Chính Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ở cùng chúng ta bằng chính bản thân Ngài chứ không chỉ bằng trung gian của những ân sủng hữu hạn ban cho một tạo vật hữu hạn. Thánh Kinh và Truyền Thống làm chứng cho bản chất rất độc đáo của huyền nhiệm chung cục của cuộc hiện sinh chúng ta, đó là, Thiên Chúa thông ban chính bản thân Ngài cho chúng ta trong chính thực tại vô hạn và bất khả thấu hiểu của Ngài. Ngài trao ban cho ta Thánh Thần của Ngài, Đấng thể hiện tư tưởng của Thiên Chúa, Đấng chính là sự sống nội tại của Thiên Chúa. Vì thế Chúa Cha và Chúa Con đến cư ngụ trong chúng ta, như Chúa Con là một với Chúa Cha từ đời đời. Chúng ta tham dự vào thiên tính, chúng ta không còn chỉ là tôi tớ nhưng đích thực là con ruột của Thiên Chúa, chúng ta sẽ nhìn thấy và yêu mến Thiên Chúa –không phải lờ mờ trong gương kiểu như một trung gian tạo vật- nhưng là một cách trực tiếp diện đối diện. Vì thế, thần học truyền thống –nhằm bảo vệ cho bản chất nền tảng của giáo huấn Thánh Kinh này khỏi bị giảm trừ dần về sau- đã nói về “ơn phi tạo” của việc cảm nhận trực tiếp Thiên Chúa không thông qua trung gian một thực tại thụ tạo. Thần học cổ điển nói về sự cư ngụ trực tiếp của Thiên Chúa Ba Ngôi trong con người nhân loại và về sự tự thông truyền của Ngài.

Tất cả những điều này thoạt nghe có vẻ trừu tượng. Song đó là sự thật cuối cùng về con người chúng ta, dù chúng ta đã đạt đến nó và nhận ra nó trong cuộc hiện sinh bình dị hằng ngày của mình hay chưa. Là những hữu thể hữu hạn, khi chúng ta sống đóng kín nơi mình mà thôi, chúng ta dễ hàng phục một xu hướng bất khả kháng để suy nghĩ một cách thuần tuý hữu hạn về chính mình và về sự hoàn thành của mình. Chúng ta có khuynh hướng đánh giá sai lầm về tiềm năng nơi mình và từ đó thoả mãn với những gì mà mình trông thấy và sờ thấy được. Nếu đây chỉ là vấn đề quan điểm riêng của mình mà thôi thì hẳn chúng ta không có gì sai trái khi cảm thấy hài lòng với một hạnh phúc hữu hạn. Nhưng mọi tội lỗi trên trần gian đều có chung một đặc tính là tuyệt đối hoá cái tương đối –do đó cho thấy sự hài lòng nói trên của chúng ta là một thái độ sai lầm, một sai lầm ta không dễ gì bứt ra.

Chúng ta không được phép dễ dãi hài lòng như thế, đây không chỉ bởi một quy luật ngoại giới nào đó không cho phép ta (luật này còn khá xa lạ với chúng ta), mà còn bởi sự kiện rằng Thiên Chúa –trong bản tính vô hạn của Ngài và với lòng khoan dung nhân hậu siêu việt của Ngài, đã tự làm cho chính Ngài trở thành luật nội tại khắc ghi trong bản tính chúng ta, trước khi ta ý thức về chính mình và sợ hãi không dám gieo mình vào cõi vô hạn bất khả thấu hiểu ấy- cái vô hạn vốn lấp đầy chúng ta tận trong cốt lõi thâm sâu của hữu thể mình, rồi chúng ta đi tìm náu ẩn trong những vành đai hữu hạn của cuộc hiện sinh và cố tìm kiếm hạnh phúc của mình ở đó. Tuyên bố rằng Thiên Chúa ở cùng chúng ta (như các Kitô hữu nhận thức một cách đầy đủ) là nói rằng chúng ta khao khát mấy cũng không vừa trong nỗi khát khao mà chính Thiên Chúa đã ban tặng cho ta, trong khát vọng tự do, hạnh phúc, trong khát vọng gần gũi thân tình, khát vọng hiểu biết, an bình và khát vọng thành toàn ở chung cuộc. Ngẫm cho kỹ, mọi sự thái quá mang dấu ấn tội luỵ trong đời ta chung quy chỉ là một tình trạng thiếu kiểm soát dẫn ta đến chỗ coi một thực tại hữu hạn nào đó là cái không thể thiếu cho hạnh phúc của mình. Một người như vậy là một người ở trong tội, bởi vì người ấy không dám thực hiện bước nhảy –bước nhảy của niềm tin, của lòng trông cậy và của tình yêu- vào trong cõi hạnh phúc đích thực khôn cùng và bất khả thấu hiểu, là chính Thiên Chúa và chỉ là Ngài mà thôi.

Sự diễn giải có tính trừu tượng như thế về ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” của bản văn Tin Mừng hôm nay thật ra không xa xăm như ấn tượng có thể có lúc ban đầu. Sở dĩ ta cảm thấy xa xăm bởi vì ta vốn xa xăm với “siêu nhiên tính” của chính mình, tức xa xăm với chính Thiên Chúa. Bất cứ khi nào chúng ta nghe trong chính mình tiếng gào réo bất tận đòi tồn sinh, ta cảm thấy không chấp nhận điều kiện hay giới hạn nào nữa ngoài một điều rằng ta là cái vô hạn đang ở chặng khởi đầu chứ chưa phải ở mức hoàn thành; bất cứ khi nào ta khắc khoải muốn yêu thương vô điều kiện bằng một tình yêu rộng mở hướng về người khác đến độ dám liều bỏ mình; bất cứ khi nào đứng trước thật gần bóng tối mịt mù của sự chết và ta vẫn tin rằng chính cái chết cũng chỉ là một cái gì hữu hạn –còn niềm hy vọng sống vĩnh cửu mới là vô cùng… Trong những cảm nghiệm như thế về cuộc nhân sinh, ta cảm nghiệm niềm hy vọng và niềm tin rằng chỉ có Thiên Chúa –chứ không phải bất cứ một thực tại hữu hạn nào- mới là sự lấp đầy cho một kiếp người hữu hạn.

Đó là ý nghĩa của “ơn phi tạo”. Ân sủng này được thông ban nơi Đức Giêsu Kitô, tuy nhiên nó vẫn hoạt động xuyên suốt giòng lịch sử thế giới và lịch sử nhân loại –biểu hiện nơi tiềm năng hiện thực hoá thâm sâu nhất của chính ân sủng này. Vì thế, nó là cốt lõi nền tảng của mọi cuộc hiện sinh.

Nhưng giáo thuyết về “ơn phi tạo” không đóng khung ở chỗ chỉ nói lên một niềm phấn khích khôn tả về tương lai loài người. Với ơn sủng này, chúng ta đạt đến chiều sâu nhất của nhận thức Kitô giáo về con người. Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” không còn chỉ là một mầu nhiệm mông lung, một mầu nhiệm cứ mãi còn là mầu nhiệm tuyệt đối ngay cả trong nỗ lực trực tiếp nắm bắt Ngài; và con người chỉ có thể cảm nhận được điều ấy khi chính nhận thức của họ được đổ tràn tình yêu. Vâng, chỉ tình yêu mới có thể làm cho chúng ta hiểu ra rằng Thiên Chúa (Đấng là tình yêu) vĩ đại hơn cả cõi lòng mình, một cõi lòng luôn luôn bỏng cháy niềm khát khao giác ngộ.

Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” này không phải chỉ là Thiên Chúa của sự tự do tuyệt đối (của những quyết định không còn có thể bị phủ định, và của những sự sắp đặt tất yếu phải được nhận chịu trong sự hàng phục vô điều kiện của tình yêu –một tình yêu biết cảm mến sự tự do thần linh này đến mức đó). Đúng hơn, chính sự gần gũi kỳ diệu của Thiên Chúa là nhân tố đặt nền tảng căn bản cho nền “luân lý” Kitô giáo. Với số cuộc đổi thay diễn ra trong lịch sử loài người và trong cuộc đời riêng mỗi người được thấy như là không thích đáng nếu lấy bản tính của con người và của thế giới hữu hạn này làm thước đo –vì thế, những đổi thay ấy bị tẩy chay một cách khách quan bởi những nguyên tắc đạo đức của con người, nhưng chúng không thực sự phá đổ mối tương quan tích cực cuối cùng với Thiên Chúa là Đấng tự trao ban chính Ngài và –do đó, gần gũi chúng ta đến mức không ngờ. (Có nhiều tội “khách quan” không bao hàm chút “sai quấy chủ quan” nào và do đó không gây cản ngại cho ơn cứu độ –thần học kinh viện đã khẳng định như thế).

Tuy nhiên, sự tự do của con người (là cái tác động đến cơ cấu những nguyên tắc đạo đức thế trần) không ngừng chống cưỡng lại Thiên Chúa là Đấng vô cùng gần gũi, cho dù nó không tự đặc tả nó như vậy. Thế là chúng ta có tội (“tội trọng”) theo nghĩa Kitô giáo. Tội không chỉ là đi ngược lại cơ cấu khách quan của con người và thế giới và qua đó đi ngược lại các lệnh truyền của Thiên Chúa là Đấng muốn có những cơ cấu ấy (dĩ nhiên ý muốn của Thiên Chúa không mâu thuẫn với bản tính hữu hạn và có điều kiện của những cơ cấu này); tội còn là nói “không” với chính Thiên Chúa, Đấng vô cùng gần gũi chúng ta. Đó là lời nói “không” của sự tự do của con người, qua đó nó chối từ cuộc phiêu lưu liều lĩnh của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu của chính mình.

Sống trong sự gần gũi kỳ diệu của Thiên Chúa là một cái gì vừa rất khủng khiếp vừa đầy sức ủi an. Được chính Thiên Chúa yêu thương cũng thế –đến nỗi quà tặng đầu tiên và cuối cùng mà ta nhận được chính là cái vô cùng vượt ngoài khả năng thấu hiểu của ta. Nhưng ta đâu còn có sự chọn lựa nào khác. Vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta đây rồi!.

 

31.Emmanuel: Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Ngày xưa, có một chú bé Phi Châu tên là Emmanuel. Chú ta luôn tò mò thắc mắc. Ngày nọ, chú hỏi thầy giáo: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Thầy giáo chỉ biết gãi đầu và nói: “Nói thực là thầy không biết”. Sau đó Emmanuel đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào?”. Nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Emmanuel vẫn tin chắc có người biết được điều ấy. Vì thế chú lên đường đến các quốc gia và cả những lục địa khác để tìm hỏi, nhưng ở đâu chú cũng chẳng nhận được câu trả lời. Một đêm nọ sau khi bị kiệt sức vì đi quá nhiều nơi. Chú cố tìm một chỗ nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả các nơi đều không còn chỗ. Vì thế chú quyết định tìm một cái hang ngoài trời để trú đêm. Cuối cùng quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào hang, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, bà mẹ trẻ liền nói: “Hân hạnh đón chào Emmanuel, chúng tôi đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt: Làm sao bà này biết tên mình? Và chú càng ngạc nhiên hơn khi nghe bà ấy nói: “Đã từ lâu, con đi tìm kiếm khắp thế giới để hỏi xem Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con kể như đã đến đích. Đêm nay chính mắt con đã thấy được Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Ngài nói bằng “ngôn ngữ của tình yêu” – “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài” (Ga 3,16).

Trái tim Emmanuel trào dâng niềm xúc động, chú vội quỳ gối xuống trước Hài nhi và mừng rỡ khóc lên. Giờ đây chú đã biết rằng Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu, thứ tiếng mà mọi người thuộc bất cứ dân tộc hay thời đại nào cũng đều có thể hiểu được. Và thế là Emmanuel ở lại đó vài ngày để giúp đỡ Đức Maria và Thánh Giuse. Sau đó đến lúc chú phải chia tay để đi loan báo cho mọi người Tin Mừng về ngôn ngữ Chúa dùng: “Thiên Chúa nói bằng thứ tiếng của tình yêu”.

Lủi thủi một mình, Emmanuel vừa rảo bước vừa suy nghĩ: “Nếu tôi muốn kẻ cho mọi người biết Thiên Chúa dùng thứ tiếng nào để nói, thì chính tôi cũng phải nói bằng thứ tiếng Chúa nói, tức là ngôn ngữ của tình yêu. Bởi vì đó chính là thứ tiếng nói duy nhất mà mọi người trên thế giới đều hiểu được”.

Thưa anh chị em,

Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). Khi trao ban cho thế gian Con Một của Ngài, Thiên Chúa đã muốn dạy cho mọi người nói chung một thứ ngôn ngữ tức là ngôn ngữ của tình yêu. Chính vì thế mà Ngài đã mang tên gọi là EMMNUEL, nghĩa là “Thiên -Chúa - ở –cùng – chúng - ta”, tên gọi được báo trước qua lời Ngôn sứ Isaia cũng như qua lời Thiên Sứ báo tin cho ông Giuse: “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên- Chúa – ở – cùng – chúng - ta”. Ngài đến ở cùng chúng ta để làm gì, nếu không phải là để nói cho chúng ta về tình yêu vô biên của Thiên Chúa bằng cả cuộc sống yêu thương đến tột cùng của Ngài, từ lúc sinh ra trong hang đá Bêlem đến cái chết treo trên thập giá. Đó là tất cả tiếng nói của tình yêu Thiên Chúa.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta, nên đã làm người như chúng ta. Ngài đã đến tận nơi chúng ta sinh sống, trong nhà, trong làng mạc, trong xứ sở, trên trái đất của chúng ta, để chung sống, đồng hành, chia sẻ cuộc đời với chúng ta. Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trở thành anh em với nhân loại. Ngài đã nhập cuộc liên đới với toàn thể nhân loại để đưa cả loài người chúng ta lên với Thiên Chúa.

Hơn nữa, Ngài còn muốn làm người nghèo giữa những người nghèo khổ, bị áp bức và bỏ rơi. Ngài muốn cho ngày Giáng Sinh trở thành ngày trời đất giao hoà, để cho Thiên Chúa và loài người gặp gỡ yêu thương, cho hoà bình chớm nở trên trái đất. Ngài muốn cho ngày Giáng Sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu của loài người, để kêu gọi loài người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu. Ngài muốn cho ngày Giáng Sinh trở thành ngày Đấng giàu sang khôn sánh trở thành người nghèo khó, để cho người nghèo khó nhất cũng được trở nên ngang hàng với Con Thiên Chúa. Và như vậy để loài người biết yêu thương và tôn trọng người nghèo, như yêu thương và kính trọng chính Thiên Chúa.

Vì vậy, thưa anh chị em, vấn đề quan trọng không phải là ăn lễ Giáng Sinh hay là mừng lễ Giáng Sinh, cho dù là sốt sắng đến đâu đi nữa, mà là hiểu sống và thực hiện bài học Giáng Sinh: đó là cùng với Chúa nhập cuộc liên đới với những anh em nghèo hèn trong nhân loại. Và một khi chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón tiếp và yêu thương những ai bé nhỏ, khó hèn, coi họ ngang hàng với Con Một Thiên Chúa, thì khi ấy, chính tâm hồn chúng ta sẽ trở thành hang đá Bêlem, và ánh sao Noel sẽ bừng lên trong ánh mắt chúng ta.

Anh chị em thân mến, EMMNUEL, Thiên Chúa đã làm người và ở cùng chúng ta. Ngài đã nói với loài người chúng ta bằng ngôn ngữ của tình yêu và Ngài muốn dạy cho mọi người nói chung một ngôn ngữ của tình yêu này. Ngài còn biết rằng một khi người ta bắt đầu nói bằng ngôn ngữ của tình yêu thì những điều kỳ diệu sẽ lập tức xuất hiện khắp nơi: các quốc gia sẽ chia sẻ nguồn lợi và tài nguyên cho nhau, mọi chủng tộc sẽ tôn trọng nhau, mọi gia đình sẽ hoà thuận thương yêu nhau, khắp nơi mọi người sẽ xiết chặt tay nhau trong tình thân hữu. Và như thế, “vinh quang Thiên Chúa trên trời, hoà bình dưới thế cho loài người Chúa yêu”.

home Mục lục Lưu trữ