Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 113

Tổng truy cập: 1356789

THẦY LÀ CÂY NHO

THẦY LÀ CÂY NHO

 

Đoạn Tin Mừng về cây nho nầy nằm trong diễn từ Tiệc Ly, nhưng không ăn khớp gì với những đoạn trước, làm như là một đoạn do thánh Gioan thêm vào. Nhưng nó cũng là những lời cuối cùng Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi Ngài chịu khổ nạn.

Chúa Giêsu dùng nhiều hình ảnh nhất là những hình ảnh về đời sống nông dân để dạy các môn đệ biết những mầu nhiệm Nước Trời. Ở đây Ngài dùng hình ảnh cây nho để chúng ta thấy được mối liên hệ giữa Ngài với chúng ta.

Đối với chúng ta, việc trồng nho chỉ có ở một vài vùng và nhiều người không biết cây nho. Tuy nhiên ví dụ Chúa Giêsu dùng, ai cũng có thể hiểu được.

Ở xứ Do thái là xứ trồng nho, hình ảnh nầy thật quen thuộc. Cây nho là một thứ dây leo, cần có giàn như loại bầu mướp, nhưng cây nho sống rất lâu hàng mấy chục năm và mang nhiều hoa lợi cho người trồng. Trồng nho phải có kỹ thuật mới sinh nhiều trái. Tới mùa phải cắt tỉa những nhánh không thể sinh trái để cây nho có sức đâm chồi mới và sinh trái nhiều và phải có kỹ thuật mới biết tỉa nhánh. Ở xứ đó có rất nhiều thợ chuyên cắt nhánh nho.

Chúa Cha là người trồng nho và Chúa Giêsu tự sánh mình là cây nho thật, nghĩa là cây nho sinh trái tốt. Chúa Cha cũng là người biết cắt tỉa cây nho của mình. Những nhành nào không thể sinh trái. Ngài sẽ cắt đi. Những nhành không trái là những người nguội lạnh không thể sinh trái được, Ngài sẽ cắt đi. Đây phải chăng là một lời cảnh báo cho những người giữ đạo theo thói quen, theo hình thức, làm những việc đạo đức như dâng lễ hay lãnh các bí tích mà tâm hồn vắng mặt. Những người nầy không ích lợi gì cho chính mình mà cũng chẳng ích lợi gì cho Giáo Hội. Chúa sẽ cắt họ đi, nghĩa là loại trừ khỏi tình yêu của Ngài. Đây chỉ là một lời cảnh báo, Chúa không bao giờ muốn loại trừ ai, Ngài luôn kêu gọi trở về.

Chúng ta phải nhận thật rằng hạng người nầy không ít, vì thế Giáo Hội không thể phát triển. Những nhành nào sinh trái tức là những người đạo đức chân thật, Ngài sẽ tỉa sạch bằng nhiều cách, bằng thử thách, bằng đau khổ để gột rửa họ khỏi ích kỷ, khỏi đam mê trần thế… và họ sẽ sinh hoa trái nhiều hơn.

Nhưng trọng tâm của hình ảnh cây nho nầy là mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu với tín hữu. Hình ảnh rất dễ hiểu. Nhánh cây không thể lìa cây. Chúa Giêsu cho thấy, chúng ta không thể nào sống mà không có Ngài. Nhánh cây sống nhờ gốc cây thế nào thì chúng ta cũng nhờ Ngài như vậy. Chúa Giêsu đã lặp đi lặp lại nhóm từ “ở lại trong Thầy” sáu lần trong đoạn nầy. Ở lại trong Thầy, mới không bị vứt ra ngoài, ở lại trong Thầy thì anh em xin gì cũng sẽ được nhậm lời, ở lại trong Thầy sẽ sinh nhiều hoa trái. Nhưng ở lại trong Thầy phải hiểu như thế nào?

Đây là ngôn ngữ của tình yêu. Chỉ có những người yêu nhau thực sự mới ở lại trong nhau, nghĩa là luôn gắn bó với nhau trong một sự hiệp nhất toàn vẹn. Tình yêu luôn ở trong chứ không chỉ ở ngoài. Những lời nói yêu thương nồng cháy, những cử chỉ yêu thương say đắm mà không có tình yêu sẽ chẳng có giá trị gì, chỉ đưa đến nhàm chán và nhạt nhẽo. Tình yêu của Chúa Giêsu đã được chứng tỏ bằng nhiều dấu hiệu. Tất cả cuộc sống của Ngài là Tình Yêu. Ngài dám chết cho người mình yêu.

Ở lại trong Ngài chính là trung thành với Ngài, giữ lời của Ngài, sống như Ngài đã sống, yêu như Ngài đã yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa đã yêu chúng ta dù chúng ta không xứng đáng, và Ngài đã yêu đến tận cùng.

Đứng trước tình yêu tuyệt đối như thế, dửng dưng đã là đắc tội rồi. Hãy đáp trả bằng tất cả sức lực, tất cả tâm hồn. Chúng ta đã đáp trả như thế nào? Chắc chắn chúng ta không thể nào yêu như Ngài đã yêu, nhưng Ngài vẫn chấp nhận những cố gắng nhỏ hèn của chúng ta. Ngài biết chúng ta yếu đuối, Ngài không đòi chúng ta những gì chúng ta không thể làm được, Ngài chỉ muốn chúng ta đừng buông bỏ những gì chúng ta có thể làm, và cố gắng. Ngài sẽ bổ sức cho.

Ngài vẫn đến với chúng ta, Ngài không bỏ chúng ta mồ côi. Ngài vẫn nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt Máu chí thánh của Ngài. Đó là sinh lực cần thiết để chúng ta trung tín mỗi ngày. Điều Ngài mong muốn là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Với một điều kiện là ở lại trong Ngài. Ăn lấy Ngài, một lòng với Ngài, sống với Ngài, chúng ta mới mong mang lại hoa trái, và hoa trái chúng ta tồn tại. Vì không có Thầy, anh em sẽ không làm được gì.

Nhiều người đã nghĩ rằng không có Ngài họ đã làm được nhiều việc: phát minh ra nhiều công trình vĩ đại, xây dựng những lâu đài nguy nga. Không có Ngài người ta vẫn lên cung trăng, lên cả sao Hỏa, ghép tim, ghép thận…Nhưng những công trình vĩ đại đó không có Ngài sao? Ngài vẫn có mặt vì Ngài là Ngôi Lời sáng tạo. Nếu không có Ngài thì chẳng có vật gì được tạo thành. Không có Ngài con người chỉ là bọt bèo trên mặt nước, là tro bụi thôi.

Hơn nữa, những công trình vật chất kia, dù vĩ đại trước mặt con người, chỉ là hư vô. Chỉ cần một cơn bão, một cuộc động đất, mọi sự sẽ tiêu tan. Thực tế cho chúng ta thấy rõ ràng như thế.

Cái gì tồn tại? Tình yêu của Ngài. Ngài không cần chúng ta, nhưng Ngài thương chúng ta, Ngài muốn chúng ta hạnh phúc và hạnh phúc thực sự. Ngài chính là hạnh phúc duy nhất của chúng ta, vì thế Ngài làm như khẩn khoản van nài chúng ta ở lại trong Ngài. Chúng ta có nghe tiếng van nài của Ngài không? Tại sao Ngài lại hạ mình xuống đến mức độ đó? Phải chăng vì Ngài là Tình Yêu? Tình yêu chân thật luôn hạ mình trước người mình yêu. Chúa Giêsu đã hạ mình đến tột cùng vì Ngài là Tình Yêu.

Ngài chỉ mong ước một điều là chúng ta sinh nhiều hoa trái. Hoa trái là gì? Là vâng theo ý Chúa Cha, là yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu, là hiền lành và khiêm nhượng như Ngài. Đó là cách chúng ta tôn vinh Cha chúng ta trên trời. Và điều Chúa Giêsu mong ước chính là chúng ta trở nên môn đệ của Ngài.

Ngài đang cần nhiều môn đệ, những người như Gioan, Phêrô, Phaolô… những người dám liều mạng vì Nước Trời, những người dám sống cho tình yêu của Ngài mà không ngại một cản trở nào. Chúng ta là môn đệ của Ngài không? Chúng ta sống cho cái gì hôm nay? Nếu chúng ta không dám sống cho Ngài, cuộc đời chúng ta sẽ là gì? Nếu chúng ta chỉ lo miếng cơm manh áo mà không nghĩ gì đến vinh danh Chúa thì hoa trái của chúng ta sẽ là gì?

Chúa bảo chúng ta hãy để cho những người không có đức tin lo của cải vật chất, vì họ chỉ có một hạnh phúc đó thôi. Còn chúng ta, tiên vàn hãy lo cho Nước Chúa và mọi sự khác sẽ được ban cho chúng ta. Cha trên trời biết những nhu cầu của chúng ta. Điều quan trọng là gắn bó với Chúa trong suốt cuộc đời, vì không có Thầy, anh em chẳng làm được việc gì, vì nhánh phải liền với cây.

Hãy ăn lấy Chúa hôm nay, ngày mai… để được gắn liền với Ngài. Ngài đã dùng một tấm bánh nhỏ để trở thành một với chúng ta, hãy sống hiệp nhất với Ngài, ở lại trong Ngài để có thể sinh hoa trái như lòng Ngài mong ước. Kitô hữu là người luôn là một với Chúa của mình, dù ăn, dù ngủ, dù làm việc gì, cũng làm vì Chúa mà thôi. Điều nầy chúng ta ai cũng có thể làm được, chỉ cần chú ý. Chúng ta có nghĩ rằng cuộc đời đầy cam go của chúng ta có thể là yếu tố cần thiết để nhánh nho sinh hoa trái dồi dào không? Đừng bỏ quên điều đó. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.

 

53.Tinh thần khô

(Suy niệm của Lm Vũ Đình Tường)

Tinh thần héo hon, khô cằn xảy đến khi Kitô hữu tự hào nói tôi mặc dù không đến thánh đường, không tin đạo nhưng sống theo tâm linh. Tâm linh đó không thể đến từ Đức Kitô. Đó là loại tâm linh khô cằn, héo hon, gầy gò.

không có Thầy anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo, người ta nhặt lấy quăng vào lửa cho nó chay đi- Gioan 15,6.

Con người xã hội cần tình yêu để để yêu và được yêu. Có hai loại tình yêu: một là tình yêu từ trời cao hai là tình yêu từ xã hội. Tình yêu từ trời cao đến từ Đức Kitô và tình yêu xã hội đến từ thế giới.

Đón nhận tình yêu từ trời cao, từ Đức Kitô, người đó sẽ nhìn đời bằng con mắt của Thiên Chúa và suy nghĩ cũng như hành động dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Chúa. Đón nhận tình yêu từ xã hội người đó sẽ nhìn sự vật qua lăng kính xã hội. Người đó sẽ sống và hành động theo phong cách của xã hội. Tình yêu từ trời cao là tình yêu vô vị lợi và không có điều kiện kèm theo trong khi tình yêu xã hội bị giới hạn với những điều kiện đi kèm. Cả hai loại tình yêu đều xén tỉa cuộc sống người đón nhận nó bởi xén tỉa là cách làm cho mới và trong sáng để sinh hoa trái tốt hơn. Cuộc sống không sinh hoa trái không sinh ích cho ai. Kitô hữu tin tưởng bất cứ hình thức xén tỉa nào Thiên Chúa dùng đều có chung một mục đích là làm cho ta trở nên tốt lành hơn, thăng tiến trên đường lành thánh. Chúa chăn nuôi, chăm sóc để ta sinh hoa trái tốt hơn. Mục đích xén tỉa trong xã hội cũng có chung mục đích là làm thế nào có lợi cho công ti. Làm thế nào để cuối năm tính sổ thâu lợi nhuận nhiều hơn. Nếu lợi nhuận nhiều thì người đó sẽ được hưởng một phần của lợi nhuận như được thăng chức với bổng lộc kèm theo; trái lại nếu công ti thua lỗ việc xén tỉa gây lo lắng khôn nguôi vì không biết ai sẽ là nạn nhân của xén tỉa, sa thải. Đuổi việc, giảm công nhân, hoặc tăng sản phẩm, đòi lao động hết mức là cách công ti xén tỉa, đoi mới và mong cuối năm thu thêm lợi nhuận.

Thân nho cung cấp thực phẩm cho cành lớn nhỏ vì thế cành phải dính vào thân để được sống và sinh hoa trái. Đức Kitô trong dụ ngôn ví mình như thân nho và Chúa Cha là người trồng và tất cả Kitô hữu liên kết với Đức Kitô như hình ảnh cành liên kết với thân. Sự liên kết xảy ra khi Chúa Cha yêu thương Chúa Con, Ngài yêu thương luôn những ai liên kết với Chúa Con. Cuộc sống tâm linh bị cạn dần, kiệt quệ khi điều gì đó ngăn cản, nối kết tình yêu Thiên Chúa với con người. Liên kết mật thiết với Thiên Chúa để sự sống được dồi dào bởi cành cần thuộc vào thân để sống và sinh hoa trái.

Để tạo thân nho mới người ta cắt cành rồi trồng cành đó ở nơi khác. Thân nho mới không còn lệ thuộc vào gốc cũ nữa nhưng nó tự sống và cuộc sống của nó ảnh hưởng bởi điều kiện đất đai, nước, khí hậu và phân bón. Những điều kiện trên ảnh hưởng đen mùa thu hoạch và phẩm chất nho. Đối với thiên nhiên là như thế. Kitô hữu nếu chọn cắt đứt liên hệ với Đức Kitô sẽ không chết về mặt thân xác nhưng chết về mặt tâm linh. Tâm linh bị khô héo dần. Muốn được sống lành, mạnh thì cần liên kết mật thiết với Chúa. Liên kết mật thiết với Chúa không có nghĩa chúng ta tránh khỏi mọi khó khăn trên đời. Khó khăn vẫn xảy đến và đau khổ vẫn tồn tại. Đau khổ, khó khăn trong đời không phải Chúa dùng để phạt con người nhưng nhìn cách tiêu cực chúng ta học qua đau khổ để trở nên tốt hơn, dễ thương hơn, là cơ hội để ta sinh hoa trái tốt và nhiều hơn.

 

54.Gợi nhớ

(Suy niệm của Lm. Vũ Đình Tường)

Gọi lại trí nhớ là điều ai trong chúng ta cũng cần bởi vì trong cuộc sống, hứa hẹn đến từng giờ nên cần có cách giúp nhớ để thực hiện điều đã hứa. Thông thường cuốn sổ tay ghi lại công việc sẽ làm giúp nhớ lại điều đã hứa. Không phải ai cũng có sổ tay nên đôi khi cần người nhắc nhớ lại công việc sắp làm trong tương lai. Lại cũng có người có sổ tay nhưng công việc bề bộn cần có người nhắc chừng khi người kia quên điều ghi trong sổ tay. Nhắc nhau nhớ lại công việc cần thực hiện là điều cần thiết. Nhắc nhau đi hội họp là điều tốt. Nhắc nhau sống đạo là điều cần cho đức tin. Nhắc nhau siêng năng lãnh nhận các bí tích là bổn phận của các Kitô hữu. Bổn mạng của người làm công việc nhắc nhớ có nguồn gốc từ xa xưa. Thánh bổn mạng đó không xa lạ gì với người Thiên Chúa giáo, đó chính là Thánh Thần Thiên Chúa. Đấng làm công việc nhắc nhớ lại những điều Đức Kitô đã rao giảng về tình yêu Chúa, việc Đức Kitô đã thực hiện và tiếp nối công việc mặc khải, hướng dẫn, giảng dậy cho các Kitô hữu hiểu thấu đáo hơn, thâm sâu hơn điều đã nghe, đã biết. Đấng này Đức Kitô đã hứa với các môn đệ và những ai tin theo Ngài.

Thầy sẽ gởi Thánh Thần đến, Đấng sẽ hướng dẫn, giảng dạy, chỉ dẫn cho các con mọi điều.

Thánh Thần đến đóng vai trò hướng dẫn, giảng dậy, chỉ bảo, mặc khải và thánh hoá trong cuộc đời tín hữu vì thế Thánh Thần đóng vai trò người gia trưởng trong đời sống đức tin. Chúng ta làm công việc nhắc nhớ lại, gợi lại những gì có thể quên sót. Thánh Thần Chúa làm công việc gợi nhớ. Gợi nhớ vì tiếng nói và hướng dẫn của Thánh Thần thể hiện cho những ai thành tâm, hướng thượng và tìm kiếm sự thật, sự sống, sự bằng an trong tâm hồn. Khi tâm hồn bình thản, bình an nhất lúc đó ân sủng Thánh Thần đánh động tâm hồn giúp ta nhận biết tiếng nói của Thánh Thần.

Đức Kitô Phục Sinh đặt nặng trọng tâm trong vấn đề này vì thế chúng ta thấy mỗi lần hiện ra với các Tông Đồ Đức Kitô luôn hướng dẫn họ bằng cách nhắc giúp họ nhớ lại các điều họ đã nghe từ các bài giáo huấn của Ngài. Những bài giáo huấn và các lời tiên tri đều nhắc đến Đức Kitô Phục Sinh và món quà lớn lao nhất Ngài mang đến cho nhân loại chính là món quà Thánh Thần. Cái chết của Ngài là món quà tình yêu cao cả của người thí mạng mình vì bạn hữu trong cuộc đời tại thế của Ngài. Thánh Thần là món quà trọng đại nhất Đức Kitô Phục Sinh trao tặng cho những tín hữu tin theo làm môn đệ và nhân chứng cho Đức Kitô Phục Sinh sau khi Ngài về trời.

Lần gợi nhớ rõ ràng nhất là lần xuất hiện cùng đồng hành với các môn đệ trên đường về làng Emmaus. Trên đường đi Ngài đã giải thích cho các môn đệ về việc các tiên tri, khởi đầu là Môisen và các tiên tri sau đó nhắc đến các tiên đoán về việc Đấng Cứu Thế giáng trần sẽ chịu đau khổ, bị ruồng bỏ, bị bắt, kết án và đóng đinh trên thập giá nhưng sau ba ngày Ngài sẽ sống lại từ cõi chết. Các tông đồ lắng nghe và nhận ra Ngài khi cuối ngày Ngài cùng các ông bẻ bánh tạ ơn. Chính lúc đó các ông nhận ra Ngài cũng là lúc Ngài biến khỏi các ông. Các ông đã tự nói với nhau chúng ta không nhận ra Ngài vì lòng chúng ta chai đá khi Ngài nhắc nhớ chúng ta những tiên đoán về Đức Kitô Phục Sinh. Tấm lòng chai đá không nhận biết ơn gọi nhớ của Thánh Thần.

Người đầu tiên được hưởng ơn nhắc nhớ này chính là người môn đệ già kính yêu. Nhớ lại trong bữa Tiệc Li Đức Kitô tiên đoán cùng các môn đệ là các ông sẽ phản bội Ngài. Mọi người đồng thanh hứa là sẽ trung thành. Trong số những người xác tín trung thành thì Phêrô là người mạnh bạo, rõ ràng nhất. Ông tuyên bố dù tất cả các bạn hữu phản bội mình ông nhất quyết trung thành cùng Thầy. Không lâu sau đó trong khi nghe lén người ta xử Thầy, có người đầy tớ gái nhận ra ông là một trong nhóm mười hai liền hô hoán lên ông này cùng bọn với ông Kitô. Phêrô liền chối không biết. Lát sau có người nhận dạng Phêrô lại chối. Ba lần bị nhận diện, ba lần chối. Ngay lúc đó Đức Kitô ngước mắt nhìn ông, đồng thời tiếng gà gáy nhắc ông điều Đức Kitô tiên đoán chiều qua trong bữa Tiệc Li: trước khi gà gáy con chối Ta ba lần. Phêrô nhớ lại điều đó và ăn năn thống hối.

Nhắc nhớ lại trong Kinh Thánh có một mục đích rõ ràng, không phải để khỏi quên công việc mà để củng cố đức tin, để tăng thêm niềm tin của người Kitô hữu vào Đức Kitô Phục Sinh và để thành nhân chứng trung thành hơn cho Đức Kitô giữa đời.

Chúng ta cầu xin ơn khôn ngoan biết lắng nghe tiếng Thánh Thần Chúa hướng dẫn cuộc sống hành trình đức tin và xin ơn biết trung thành trong việc làm chứng nhân cho Chúa giữa đời.

 

home Mục lục Lưu trữ