Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1356327

Thay Lòng Đổi Dạ

Thay lòng đổi dạ (Mt 26, 14-27.66)


Trong đám công thần của Tề hoàn Công thì có Dịch Nha và Thụ Điêu là hai người được vua tin yêu nhất vì Dịch Nha làm thịt con mình dâng cho vua, còn Thụ Điêu thì tự thiến mình để được gần vua.. Một hôm Tề hoàn Công đã nói với quân sư Quản Trọng :

-Dịch Nha làm thịt con đem dâng cho ta ăn, quí trọng như thế quả là trung liệt. Quản Trọng đáp:

-Trời sinh loài người không có gì quí hơn tình máu mủ, nếu tình máu mủ mà nỡ tình dứt bỏ thì không thể còn thương ai nữa. Tề hoàn Công lại nói :

-Thụ Điêu tự thiến mình để được gần gủi ta, ta tưởng lòng trung nghĩa ấy còn gì phải ngờ vực. Quản Trọng đáp :

-Không kẻ nào quí trọng một người khác hơn cơ thể mình. Cơ thể mà còn không quí thì kẻ ấy còn quí ai nữa.

Đúng như Quản Trọng phê phán, người đời sau đã không coi Dịch Nha và Thụ Điêu là những trung thần, trái lại còn cho họ là những nịnh thần đáng phải chê bai lên án. Bởi vì cùng là một việc hy sinh hay giúp đỡ, nó trở nên tốt hay xấu, đáng khen hay bị chê, không phải căn cứ trên hành động hy sinh mà là căn cứ vào ý hướng. Cho nên một khi tư tưởng hoặc lòng dạ con người không chuyên chính thì hành vi sẽ trở nên tồi bại xấu xa, trái lại khi lòng dạ ngay thẳng thì hành động mới chính nghĩa tốt lành.

Do đó đối với Chúa Giêsu thì việc Ngài hy sinh chịu khổ chịu chết trên cây thánh giá là một hành vi đại nhân đại nghĩa mà ai cũng phải công nhận, kể cả những kẻ ác tâm giết Ngài. Bởi vì sự tự hiến đời mình mà Ngài tình nguyện cam chịu như thế hoàn toàn vô vị lợi, đầy yêu thương, không hề mang chút tự tôn tự mãn hay cố ý bắt mọi người suy phục, dù rằng Ngài có quyền đòi hỏi như thế. Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định như thế?

Trước hết Ngài là một Ngôi vị Thiên Chúa toàn năng toàn thiện toàn mỹ, nghĩa là đầy đủ mọi bề tốt đẹp nhất, thế thì việc Ngài chịu nạn chịu chết có thêm gì vinh quang cho Ngài đâu mà Ngài phải cam tâm chịu hy sinh như thế.

Thứ đến việc nhân loại sa đọa mắc vòng kiềm tỏa của tội lỗi, nếu Ngài muốn cứu chỉ phán một lời hay làm một cử chỉ tha thứ đơn giản cũng đã đủ, cần chi Ngài phải xuống thế chịu làm kiếp con người lầm than như thế. Hơn nữa giữa Ngài và nhân loại, Ngài cũng chẳng có mắc nợ hay mang trách nhiệm bổn phận gì, trái lại con người mang ơn chịu trách nhiệm với Ngài là đàng khác, thế mà Ngài vui lòng chịu nạn nghĩa là làm sao? Tất nhiên chỉ có thể hiểu được một cách đúng đắn việc hy sinh chịu nạn chịu chết của Chúa là vì tình thương nhân loại, muốn con người được cứu thoát khỏi án phạt do tội lỗi gây ra.

Khi chúng ta suy ngắm và tôn vinh cuộc khổ nạn của Chúa hôm nay, mỗi người thử hỏi lòng mình có gì nơi đời sống của chúng ta đáng phải xét lại sửa sai không. Nếu đem những hy sinh chịu khó của ta so sánh với sự hy sinh chịu khổ của Chúa, chúng ta thấy mình đã sống ra sao : sai hay đúng, được gì mất gì ? Chắc chắn không ai dám tự hào về mình, nhưng can đảm nhận ra sự sai lầm của mình và quyết tâm thay đổi nên tốt hơn mới là anh hùng.

Nhưng nếu khi nghe đòi hỏi phải từ bỏ những đam mê tội lỗi, những tính hư nết xấu, những chểnh mảng lười biếng để ăn ngay ở lành, sống đúng lề luật, ý Chúa mà ta cảm thấy chán ngán là dấu hiệu ta chẳng quí trọng giá máu cứu chuộc của Chúa đã đổ ra vì thương chúng ta. Thật là phi lý khi ai cũng muốn được vào thiên đàng, muốn được hưởng vinh quang bất diệt, nhưng bảo phải hy sinh chịu khó để đền bù tội lỗi thì lại từ chối, lẩn tránh.

Rõ ràng Chúa dạy một đàng ta làm một nẻo, Chúa sống làm gương thế mà ta sống thế khác. Lầm lỗi đó không do Chúa gây khó khăn vì Chúa luôn thương và ban cho ta nhiều ơn trợ giúp, mà là do ta thiếu ý chí, không có lòng trung tín, hay thay lòng đổi dạ theo đam mê phù phiếm. Cho nên việc cầm lá tung hô Chúa hôm nay như dân Do thái ngày xưa, chúng ta đừng làm theo họ vì sau đó họ quay lưng phản bội Chúa, đả đảo Chúa, nhất là đòi giết chết Chúa thì thật đáng lên án.

(Trích Quê Ngọc, Đừng Chế Giễu Chúa, tập một.  Việtnam)

home Mục lục Lưu trữ