Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 56

Tổng truy cập: 1355799

Thầy Nói Cho Các Con Biết

“Thầy nói cho các con biết!”

Chúa Giêsu không đưa ra một luật mới nhưng là một cách mới để hiểu luật cũ và mọi luật lệ khác. Chúng ta không phải là những người không có luật lệ. Nói “chỉ cần yêu là đủ” là đúng nếu chúng ta thêm rằng đây là một điều luật và phải áp dụng luật đó với những chi tiết luật rõ ràng: đừng giận hờn, đừng có ý xấu, đừng ly dị, có thì nói có không thì nói không, đừng trả thù, yêu thương chính kẻ thù của chúng ta.

Có những điều rất khó thực hành đến nỗi chúng ta cảm thấy ở trong một bầu không khí rất đặc biệt: sự bó buộc vô cùng của Tin Mừng. Bao lâu chúng ta không lượng định sự bó buộc này thì chúng ta vẫn ở trong môi trường lề luật mà Chúa Giêsu mạnh mẽ chống lại. Đó là dấu hiệu cho thấy sự cám dỗ rất mạnh và rình rập tất cả chúng ta.

Kiểu nói trịnh trọng (“Thầy nói cho các con biết!”) là một sự khiêu khích. Ngài nói với ai câu này: “Nếu các ngươi không ăn ở chính trực hơn các luật sĩ và Pharisêu, các ngươi chẳng được vào Nước Trời?” Ngài nói với những người khâm phục sự thông tuệ thực sự của các luật sĩ và nỗ lực nên thánh của các Pharisêu.

Vậy đâu là điều xấu? Hay đúng hơn đâu là sự thiếu sót bởi vì phải vượt qua sự thiếu sót đó? tôi không thể nói chi tiết sáu điều đối kháng nhau “Người ta nói với các con, phần Ta, Ta bảo các con”. Tôi chỉ mời gọi các bạn suy niệm về động thái sâu xa phát xuất từ công lý của Pharisêu để dẫn dắt chúng ta đi xa hơn bằng một cách khác!

Dầu sao thì tôi cũng lầm khi nói về “những điều đối kháng”, mà là có sự liên tục. Chúa Giêsu nói rõ điều đó với chúng ta. Đây không phải là vấn đề bỏ rơi luật cũ để xây dựng luật hoàn toàn mới: “Các con đừng nghĩ rằng TA đến để phá luật lệ hoặc lời các tiên tri. Ta đến không phải để phá mà để làm cho hoàn hảo”. Đây không phải là vấn đề tôn trọng quá khứ, lại càng không phải là lòng luyến tiếc quá khứ. Chúa Giêsu tự do đối với tất cả đến nỗi sự tự do tuyệt đối duy nhất này là một trong những dấu hiệu của thần tính của Ngài. Ngài nói một cách ung dung: “Ta đến để...” Môisê nào, sứ ngôn nào có thể nói lên một điều như thế? Trước Ngài người làm luật và vị sứ ngôn nói nhân danh Chúa, phát xuất từ cuộc sống của mình và từ các biến cố. Chúa Giêsu nói với tư cách là Chúa, phát xuất từ một nguồn gốc huyền bí và một sự hiểu biết rõ ràng về các khả năng của con người cũng như về những bó buộc của Chúa. Ngài là người làm luật tối cao và quyết định. Sau Ngài, không ai quả quyết rằng: “Chúa Giêsu đã nói thế này, nhưng tôi bảo cho các bạn biết...”

Và dầu vậy, Ngài nhắc lại điều “đã được phán dạy” (cách nói kín đáo và tôn trọng có nghĩa là”Thiên Chúa đã nói”). Rõ ràng đó là lời của Thiên Chúa. Lời đó có bất toàn hay không? Ở đây chúng ta đứng trước điều mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho chúng ta: sự vượt lên trên. Qua nhiều tiếng nói Thiên Chúa đã đề ra những điều luật chính yếu: chớ giết người, đừng ly dị, sống chân thật, giới hạn sự trả thù. Điều đó đã được thích nghi với những thời kỳ khó khăn và nay vẫn còn giá trị. Nhưng chỉ có điều là hành động mà thôi! Điều này đòi hỏi đừng làm bất động cái gì cả, đừng giam hãm công bằng và sự thánh thiện trong một danh sách những điều phải làm hay không được làm: phải có khả năng phản ứng tốt trước điều mới lạ.

Chúa Giêsu không phải đến để thêm vào một vài qui định tinh tế hơn mà là để mạc khải bí mật làm cho luật lệ tinh tế hơn. Chữ nghĩa trong luật là rất cần thiết (“Dầu một nét trong luật cũng không bỏ qua được”) nhưng chi tiết luật đó chỉ có giá trị nhờ tinh thần mà chúng ta chu toàn. Chúa Giêsu cho chúng ta biết chỉ có một tinh thần mà thôi, đó là tình yêu thương. Chúng ta có thể gọi đó là luật mới, nhưng tốt hơn nên xem đó như là nguyên nhân và thước đo của mọi luật lệ.

Hoặc là sự quá mức! Đó là điều làm cho cuộc sống của người Kitô hữu rõ ràng vàkhó khăn biết bao! Không phải là tự hỏi chúng ta có thể tiến bước mà không phạm tội cho tới đâu, nhưng chúng ta có thể yêu thương đến cùng như thế nào:

“Chúa Giêsu đã yêu thương con người và yêu thương họ cho đến cùng”. Thánh Gioan nói như thế khi bắt đầu thuật lại cuộc khổ nạn. Đó là sự vượt lên trên được dạy ở đầu bài giảng trên núi. Từ việc “chớ giết người!” trong luật cũ đến “Hãy yêu thương kẻ thù của ngươi!”, sự vượt lên trên không phải là một sự đối kháng hoặcmột điều được thêm vào. Đó chính là sự điên rồ của Tin Mừng: “Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con trên Trời là Đấng trọn lành”.

Bạn hãy đi xa hơn tất cả những gì bị cấm đoán hoặc được qui định, bạn hãy đi xa hơn tình yêu thương. Chắc chắn, không được giết người, nhưng có biết bao nhiêu cách để làm hại kẻ khác. Bạn hãy hồi tâm thật sự, xua đuổi những ước muốn làm hại nhỏ nhặt nhất. Bạn hãy xem xét ý muốn yêu thương, chữa trị nó nếu nó bệnh hoạn, củng cố nó nếu nó yếu đuối. Khi bạn thật sự muốn yêu thương, thì bạn sẽ hoàn toàn gắn bó với Chúa Kitô. Thế là bạn có thể nghĩ ra cách sống giữa các luật lệ.


Kiện toàn lề luật.

(Trích trong ‘Xây Nhà Trên Đá’ của Lm. ViKiNi)

Chúa Giêsu khẳng định: “Thầy đến để kiện toàn lề luật”. Lời tuyên bố quả quyết dứt khoát đến nỗi: trời đất qua đi thì lời Ngài nói vẫn tồn tại, và tất cả những ai tuân giữ lời Ngài cũng được tồn tại muôn đời trong nước trời.

Lời tuyên bố như đinh đóng cột làm “thiên hạ sửng sốt vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mt. 7, 28; Mc. 1, 22; Lc. 4, 31).

Kiện toàn luật Môsê và các tiên tri là kiện toàn và thực hiện toàn bộ Kinh Thánh.

1- Thẩm quyền đó là thẩm quyền nào? “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy”. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đã hỏi Người như thế (Mc. 11, 28).

Để thấy rõ thẩm quyền của Đức Giêsu, ta cần xét đến lời tuyên bố và nội dung kiện toàn lề luật của Ngài.

Trước hết, lời tuyên bố. Xưa, chính Môisê không dám tự mình tuyên bố ban lề luật, dầu ông là vị lãnh đạo vĩ đại nhất lịch sử dân Do Thái. Ông luôn luôn nói: “Này điều Thiên Chúa truyền dạy...”, chỉ khi chính Giavê Thiên Chúa ban bố lề luật, Thánh Kinh mới viết: “Thiên Chúa phán với Môisê rằng:...”, như trường hợp tuyên bố Thập giới ở núi Sinai (Xh. 19, 9-10; 21, 2-22)

Kiểu nói đó bộc lộ chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền ban bố lề luật mà thôi. Cùng một kiểu nói như thế, Đức Giêsu đã tuyên bố với các môn đệ và dân chúng rằng: “Thầy bảo anh em biết...”. Mỗi lần kiện toàn một điều luật, Ngài lại nói: “Thầy bảo anh em biết...”, chứng tỏ thẩm quyền của Ngài là thẩm quyền Thiên Chúa.

Thứ đến, xét về nội dung đoạn Tin Mừng hôm nay:

Người Do Thái cũng như chư dân chỉ nhằm cấm những hành vi phạm pháp cụ thể bên ngoài như giết người, ngoại tình, bội thề, mắt đền mắt, răng đền răng. Người ta không thể biết được những tội phạm thầm kín trong lòng người, cho nên không có quyền xét xử tội về tư tưởng con người, chỉ có Thiên Chúa thấu suốt những gì kín đáo bí ẩn mới đủ thẩm quyền xét xử.

Đức Giêsu cũng cho ta thấy Ngài có quyền xét xử các hành vi tội phạm bên ngoài cũng như bên trong, nên Ngài truyền dạy phải trừ khử những thèm muốn, giận hờn, ghen ghét ngay từ trong lòng người, là nguồn gốc phát sinh những hành vi tội ác bên trong. Ngài đã gọi đám đông đến mà bảo: “Xin mọi người nghe Tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì bên ngoài vào làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm ô uế con người. Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu...” (Mt. 7, 14-15. 21). Cho nên, muốn kiện toàn lề luật, muốn con người sống hoàn hảo, phải thanh tẩy nội tâm con người. Cái tâm chân chính sẽ hướng dẫn con người sống chân chính. Nguyễn Du, một thi sĩ bậc nhất Việt Nam, đã thấy rõ điều đó: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Khổng Tử đã huấn luyện các môn đệ trở thành người quân tử đã lấy chính tâm, thành ý làm nền tảng, vì “tâm quảng, thể bàn”, tâm quảng đại làm cho thể xác vững mạnh như bàn thạch (Đại học, chương IV).

Phương ngôn Tây Âu cũng nói: Tâm trí lành mạnh làm cho thân thể cường tráng - “mens sana in corpore sano”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết mà Thiên Chúa muốn là lề luật, không phải để ngăn cấm, răn đe những điều tiêu cực, những diều xấu như luật loài người; luật Thiên Chúa chính là thực thi những điều tích cực, những điều tốt, tạo niềm tin vào Thiên Chúa tốt lành vô cùng để dẫn đưa con người trở về với Thiên Chúa. Đó là mục đích kiện toàn giới luật: Đấng ban bố lề luật thiện hảo.

2- Ngài kiện toàn giới luật thứ V bằng cổ võ lối sống hòa thuận, hòa bình, hòa hợp, yêu thương, hy sinh giúp đỡ nhau. Có hợp nhất với nhau mới xứng đáng được tham dự vào lễ hy sinh của Ngài, vì Thánh lễ là sự hiến mình, chết cho người Ngài yêu. Cho nên ai xây dựng hòa bình như Ngài mới được phúc làm con Thiên Chúa.

Ngài kiện toàn giới luật VI và IX để mọi người sống trong sạch với cái nhìn đơn sơ như chim bồ câu, sống vui tươi với nhau thật hồn nhiên như trẻ thơ, làm cho cuộc đời hạnh phúc biết bao!

Xưa Thầy Khổng Tử cũng dạy các môn đệ rằng: “Trước hết hãy có sẵn một nền trắng, rồi sau mới vẽ thành bức họa” (Luận ngữ II, 8).

Để vẽ một bức họa thật sắc nét, làm nổi bật những hình ảnh thật sống động và tươi thắm, họa sĩ phải bắt đầu từ nền trắng.

Để hình ảnh Thiên Chúa nổi rõ trên mỗi người, chúng ta phải có lòng trong trắng, vì ai có tâm hồn trong sạch mới được phúc chiêm ngắm dung nhan Thiên Chúa.

Ngài kiện toàn giới luật II và VIII: “Đừng thề chi cả”, “có nói có, không nói không”. Thề mà không có lòng chân thành thì cũng vô ích, còn giảm giá trị làm người, là kẻ không đáng tin. Nếu phải nhờ đến một thế lực thứ ba, một thế lực của những hạng thấp hèn hơn con người: trời, đất, quỷ thần, cô hồn, máu huyết làm chứng cho mình thì thật tồi tệ! Thành tín tin tưởng nhau chứng tỏ tôn trọng, mến phục nhau, tỏ ra có tình có nghĩa, có lòng bao dung, độ lượng. Tình yêu khoan dung sẽ sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi và phản bội. Đó chính là tình yêu của Đức Giêsu: yêu cả kẻ thù, kẻ phản bội. Sống chân chính như thế, mới mong “nên trọn hảo như Cha chúng ta ở trên trời”. Lý tưởng của Nho giáo không gì hơn là sống chí thành mới giống thần thánh: “Chí thành như thần” (Trung Dung 24 và 26).

Lạy Chúa toàn năng, toàn thiện, Chúa đã dựng nên muôn loài tốt đẹp, Chúa còn dựng nên con người tốt đẹp muôn vàn hơn nữa và luôn luôn chăm lo săn sóc cho nó trở nên kiện toàn để biểu lộ sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Xin cho chúng con biết khôn ngoan chọn con đường sống theo Đức Giêsu để thực hiện mầu nhiệm tình yêu vô cùng khôn ngoan của Ngài. Amen.

home Mục lục Lưu trữ