Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 92

Tổng truy cập: 1364201

THIÊN CHÚA CỦA MỌI DÂN TỘC

Thiên Chúa của mọi dân tộc

Con người vốn có tính ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, đến gia đình, làng xóm, dân tộc hay quốc gia mình, nên cũng hình dung ra những vị thần thánh ích kỷ không kém.

Mỗi làng có vị thần làng riêng, mỗi quốc gia cũng có thần riêng. Thần của làng nào, của quốc gia nào thì chỉ bênh vực che chở làng ấy, quốc gia ấy mà thôi. Mỗi khi tranh chấp đất đai hay quyền lợi nào khác, người ta kêu cầu vị thần của làng mình hay quốc gia mình ra tay đánh bại kẻ thù và thần linh của chúng. Loài người đánh nhau thì thần thánh cũng phải đánh nhau.

Dân Do Thái cũng không thoát khỏi quan niệm hẹp hòi và sai lầm ấy. Khởi đầu Giavê đối với họ cũng chỉ là thần riêng của họ, cũng như Baal là thần của người Canaan. Phải qua nhiều thời đại, nhiều kinh nghiệm họ mới học cho biết được rằng: Giavê Thiên Chúa không phải là một vị thần trong số các vị thần khác, không phải là một chúa giữa các chúa khác. Trái lại, Ngài là Thiên Chúa độc nhất, ngoài Ngài ra, không có một thần hay một chúa nào khác.

Tất cả các thần các chúa đó chỉ là ngẫu tượng, chỉ là những đồ vật do tay con người làm ra: có mắt có miệng mà không nhìn không nói, có mũi có tai mà không ngửi, không nghe, có tay mà không sờ không mó, có chân mà không bước không đi. Từ cổ họng không thốt lên được một tiếng.

Những ý thức về một Thiên Chúa độc nhất ấy lại khiến người Do Thái đi tới một sai lầm khác vô cùng tai hại: họ nghĩ rằng Thiên Chúa độc nhất ấy là Thiên Chúa của họ, hay nói cách khác, họ độc quyền chiếm giữ Thiên Chúa, bắt Ngài phải về phe với họ, có bổn phận phải che chở và giáng phúc cho họ, và do đó luôn chống lại các dân ngoại.

Để chuẩn bị mạc khải cho dân Do Thái biết Ngài là Thiên Chúa của muôn nước, là Cha của mọi dân và nhất là chuẩn bị cho họ đón nhận Đức Kitô, Đấng cứu độ nhân loại, Thiên Chúa đã phải dùng đến những bài học đôi khi cay đắng, đó là họ đã phải mất nước, đã phải chịu cảnh lưu đày, sống thân phận tôi đòi giữa những kẻ mà họ nghĩ rằng không bao giờ là dân của Chúa. Nhưng cũng chính nhờ đó mà họ mới có được một quan niệm về một Thiên Chúa phổ quát, nghĩa là Thiên Chúa của mọi dân mọi nước.

Tất cả những điều vừa trình bày đã được Đức Kitô thực hiện một cách trọn vẹn. Thực vậy, với cái chết trên thập giá, Ngài đã ký kết một giao ước mới và tụ tập mọi dân mọi nước về cùng Thiên Chúa. Ý tưởng này đã được Ngài diễn tả bằng hình ảnh một tiệc cưới, trong đó những người tham dự không phải chỉ là người Do Thái, mà còn là tất cả những người từ mọi ngả đường trần gian. Tuy nhiên, không phải cứ lãnh nhận bí tích Rửa tội, cứ có tên trong sổ sách của giáo xứ, là chúng ta nghiễm nhiên trở nên thành phần của dân Chúa, điều quan trọng là mỗi người chúng ta phải có một tấm áo cưới, tức là tâm hồn trong sạch, đã tẩy trừ khỏi những vết nhơ tội lỗi, đã ra sức uốn nắn lại những khuyết điểm của mình.

Với một con người mới như thế, chúng ta thực sự là người Kitô hữu thứ thiệt, chứ không phải chỉ là người Kitô hữu thứ dổm, hữu danh vô thực mà thôi.

61. Chông chênh – Như Hạ, OP

Nước Trời mang tính phổ quát hay giới hạn? Chúa luôn mời gọi mọi người. Nhưng nhiều người đã từ chối vì Kitô giáo khắt khe. Nhưng những ai chấp nhận, sẽ nhận được nguồn an ủi lớn lao. Cả một bầu trời thênh thang trước mắt.

CON ÐƯỜNG HẸP

Nước Trời luôn rộng mở đón nhận muôn dân. Chính Ðức Giêsu quả quyết: “Trên nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở.” (Ga 14:2) Ngôn sứ Isaia cũng nhắc tới tiếng gọi phổ quát của Giavê (Is 66:20). Nhưng hôm nay, tại sao Ðức Giêsu lại nói phải chui qua “cửa hẹp” mới vào được Nước Trời. Người không ngần ngại nói sự thật: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13:24)? Tại sao không vào được? Phải chăng vì họ thiếu đức tin hay những việc lành? Hay phải chăng họ đã vô lầm cửa? Phải chăng vì định mệnh khắt khe? Hay tại họ thiếu ân sủng nên không được Thiên Chúa tuyển chọn? Nếu thế tự do con người ở đâu?

Quả thực, lời Chúa chưa vén màn bí mật về số phận con người. Nhưng Ðức Giêsu muốn cho thấy hai mặt của một thực tại. Một đàng Nước Trời phổ quát, vì “thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 13:29) Ðàng khác, Nước Trời thênh thang đó chỉ có một “cửa hẹp”. Chẳng mấy ai thích cửa hẹp. Nhưng thực tế, “cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong.” (Mt 7:13) Bởi vậy, cần chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13:24) Nước Trời. Sức chiến đấu đó vừa cho thấy con người tự do vừa mạc khải Thiên Chúa tình yêu. Chính vì tự do nên con người có thể chọn chiến đấu cho những giá trị Nước Trời. Chính vì bản chất là tình yêu, Thiên Chúa mới mời con người đáp trả tình yêu.

Tình yêu sẽ hướng dẫn qua những nẻo đường chông gai. Nhiều khi có những vấp ngã đau điếng trên đường về nhà Cha. Thế nhưng Thiên Chúa đầy lòng yêu thương luôn vực dậy những ai sa ngã. Ðôi khi cần những biện pháp hơi mạnh. “Thuốc đắng giã tật”. Xin “đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chờ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy.” (Dt 12:5-6) Không phải lúc nào cũng dễ dàng chấp nhận những lời cảnh giác. Nhưng càng được sửa dạy, càng thấy mình thuộc về Thiên Chúa. Muốn làm con Thiên Chúa, “anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy.” (Dt 12:7) Thiên Chúa không bao giờ sửa phạt cho thỏa cơn giận hay có ý báo thù. Nhưng Người sửa dạy để như gọt đẽo chúng ta cho vừa khung cửa hẹp của Nước Trời. Người sửa dạy khác hẳn với người đời. Quả thế, “những người chịu (Thiên Chúa) rèn luyện như thế sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính.” (Dt 12:11) Bình an và công chính là đặc tính của Nước Trời. Bởi thế, ngay từ đời này, ta đã cảm thấy tất cả kích thước chật hẹp của cửa trời và cả bầu trời thênh thang trong Nước Chúa.

Nhưng nếu không chịu đi qua cửa hẹp, người ta sẽ cảm thấy nhục nhã của kiếp lưu đầy khỏi Nước Chúa. Thái độ lạnh lùng của Chúa càng gây kinh ngạc cho những ai quan tâm tới những đòi hỏi của Tin Mừng: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13:27) Thật là kinh hoàng khi phải nghe những lời cứng cỏi đó! Thái độ lạnh lùng đó nhằm xua đuổi và loại trừ những người đã không sống công chính theo lượng ân sủng Chúa. Họ tự hào vì đã dành rất nhiều thời giờ đồng bàn với Chúa và lắng nghe lời Chúa (x. Lc 13:26). Còn ai có thể hiểu biết Chúa hơn họ? Vậy mà Chúa vẫn lạnh lùng đáp: “Ta không biết các anh từ đâu đến!” (Lc 13:25.27) Người ta đã phí phạm biết bao thời giờ hay cả cuộc đời vì đã quên mất một yếu tố chính tức là mở rộng cõi lòng đón nhận Nước Chúa. Người ta đã quá khép kín tâm hồn và không thi hành tất cả những đòi hỏi của Tin Mừng là sống “công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” Không bao giờ Ðức Giêsu lại trình bày Nước Chúa như một bánh vẽ. Trái lại, Nước Chúa là một thực tại sống động và là một đòi hỏi gắt gao.

Ðòi hỏi gắt gao nhất là phải mở rộng cõi lòng theo chiều kích Nước Chúa. Nếu trong cuộc sống còn một chút gì kỳ thị đông tây nam bắc, chắc chắn không thể vào được Nước Trời. Vì “thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.” (Lc 13:29) Như vậy, những kẻ “còn đứng ở ngoài” sẽ không bao giờ có thể nếm đượchương vị ngọt ngào và thơm tho của bàn tiệc Nước Chúa. Tất cả những người công chính, bất kể phát xuất từ đâu, đều được nhập tiệc với “các ông Abraham, Isaac và Jacob cùng tất cả các ngôn sứ.” (Lc 13:28) Nói khác, họ là những người vất vả phấn đấu để được cứu thoát. Họ phải trả giá bằng chính con người và cuộc đời. Nếu còn lấn cấn với những giới hạn về văn hóa, chủng tộc, màu da, chính kiến, tôn giáo của mình, họ không bao giờ có thể hiểu nổi những chiều kích lớn lao của Nước Thiên Chúa. Vì ơn cứu thoát chỉ dành cho những người biết hòa nhập với sứ mệnh của Ðấng đã phán: “Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ.” (Is 66:18)

Nước Trời quả thực là một hồng ân dành cho hết mọi người. Nhưng hồng ân đó cũng là tặng phẩm dành riêng cho từng người. Bởi vậy, Nước Trời vừa có chiều kích phổ quát vừa thuộc về từng cá nhân. Phải nhận ra hai chiều kích đó mới thấy niềm hi vọng của mình tươi sáng chừng nào và nỗ lực theo đuổi hi vọng đó lớn lao tới đâu.

NƯỚC CHÚA GIỮA TRẦN GIAN

Nhưng Nước Chúa không ai có thể độc chiếm. Chỉ có Ðức Giêsu mới là cửa độc nhất dẫn vào Nước Chúa. Chính Người đã quả quyết: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu.” (Ga 10:9) Nhưng Người là cửa hẹp hay rộng? Quả thực, không một nền luân lý thông thường nào có đòi hỏi gắt gao như giáo lý của Ðức Giêsu. Thế nhưng, cũng không ai có một sức mạnh giải thoát bằng Người. Bởi vậy, thánh Phaolô đã xác định sứ mạng lớn lao của Ðức Giêsu: “Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta.” (Gl 5:1) Chính Người đã tìm được phương giải thoát cho thân phận làm người. Con người không thể thoát ra khỏi luật lệ. Nhưng có nhiều thứ luật trói buộc con người trong vòng nô lệ. Có những luật dẫn tới tự do hạnh phúc. Ðức Giêsu đã xác định rõ về bản chất lề luật: “Ngày sabbat được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabbat.” (Mc 2:27) Bởi vậy, luật lệ Nước Trời cũng nhằm phục vụ con người. Ðức Giêsu là cửa hẹp nhưng mở ra vô biên. Ðó là sự thật.

Sự thật ấy đã được chứng minh qua hai ngàn năm lịch sử. Giáo hội làm chứng Ðức Giêsu là “con đường, sự thật và sự sống.” (Ga 14:6) Thế nhưng, vẫn có những người xuyên tạc sự thật và không chịu nhìn nhận sứ mạng đó của Giáo hội. Chẳng hạn, thứ bảy 18/8/2001 vừa qua, Thủ tướng Ấn Ðộ Atal Behari Vajpayee tuyên bố “động cơ” đằng sau các hoạt động bác ái của người Kitô hữu là “chiêu dụ tín đồ” (CWNews 20/08/2001) Rõ ràng, Thủ tướng đã cố tình không muốn đọc thấy sứ điệp Kitô giáo ngang qua những hoạt động vô cùng cần thiết cho những người nghèo khổ và những thành phần bị gạt ra ngoài lề xã hội. Mặc nhiên ông biện minh cho những thái độ thù nghịch tôn giáo đang lan rộng khắp nước Ấn độ. Ông đã khoán trắng việc trợ giúp các nạn nhận lũ lụt đầu năm nay cho Rashtriya Swayamsevak Sangh, một tổ chức Ấn giáo cực đoan, thủ phạm đã giết nhiều linh mục, giáo dân và tấn công nhiều giáo xứ Công giáo trong vòng hai năm nay. Tổ chức đã thúc giục các cộng đồng Ấn giáo từ chối các phẩm vật cứu trợ từ các tổ chức Kitô giáo (x. VietCatholic 22/8/2001) Trên đất nước đầy những thù nghịch đó, Kitô hữu đang phải chui qua cửa hẹp. Lời chứng càng mạnh mẽ hơn khi nào. Lực lượng thù nghịch càng cố gắng giới hạn sức mạnh Giáo hội, Thánh Linh càng có cơ hội làm cho nhiệm thể Chúa Kitô phát triển. Những nỗ lực thù nghịch chỉ để lộ ra sự sợ hãi trước những ảnh hưởng của Giáo hội. Chẳng hạn, nữ tu Têrêsa Calcutta đã nhá lên cho thế giới thấy tình yêu như ánh sáng đang soi chiếu vào tận những nơi tăm tối nhất trong thân phận làm người và sởi ấm những ẩm thấp nhất nơi những hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

62. Cửa hẹp – Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Thoạt nghe đến từ cửa hẹp người ta nghĩ ngay đến những gian truân, khó khăn, vất vả. Sự liên tưởng này không sai, nhưng nguời ta có thể lầm khi chỉ dán mắt vào độ hẹp của cánh cửa mà quên nhìn thực tại đằng sau nó. Đó là Nước Trời, là Vương quốc của tình yêu, là hạnh phúc vĩnh cửu. Các biến cố lịch sử thường được nhìn nhận cách khách quan và trung thực hơn sau một thời gian cần thiết nào đó. Tương tự như thế, có nhiều sự thật chỉ được biểu lộ hay được nhận biết cách khá chính xác hơn với cái nhìn từ phía sau. Chúng ta cần phải tự hỏi rằng Thiên Chúa ban hạnh phúc vĩnh cửu, vương quốc Nước trời cho những ai? Thật dễ dàng trả lời đó là cho tất cả những tạo vật mà Người dựng nên, các loài hữu hình và vô hình mà trong đó có loài người chúng ta, loài thụ tạo cao cả nhẩt trong các loài hữu hình được tạo dựng.

“You get what you pay” (tiền nào của nấy). Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Và chắc chắn để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực gắng công càng nhiều hơn gấp bội. Có nhiều cách thế cũng như lãnh vực phải gắng công để đạt hạnh phúc vĩnh cửu, nhưng trong tất cả những sự gắng công ấy thì việc nỗ lực trở nên “con người” là một nỗ lực nền tảng, không thể thiếu. Thiên Chúa ban hạnh phúc Nước Trời cho con người thì có thể nói cách không thể sai lầm rằng những ai đích thực là con người thì sẽ được hưởng nhận hạnh phúc ấy.

Theo nhãn quan này thì việc bước qua cửa hẹp chính là những cố gắng để trở nên con người như thuở ban đầu được tạo dựng. Trước khi Ngôi Lời nhập thể, dù được ánh sáng Thiên Chúa soi dẫn qua vũ trụ thiên nhiên và đặc biệt qua tiếng lương tâm, nhưng con người khi tìm cách trở nên chính mình, trở nên con người, thì vẫn một cách nào đó còn mò mẩm như đi trong đêm tối. Các hiền triết cổ đại thường mời gọi đồng loại ưu tiên cho việc “biết mình”. Biết mình là cái biết nền tảng để thành nhân. Đến thời viên mãn với mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa thì chân dung và căn tính “con người” đã được mạc khải cách toàn hảo nơi chính Đức Giêsu Kitô. “Người chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” là “Trưởng tử giữa các loài thọ tạo”(x.Col 1,1). Lần giở các trang Tin Mừng, chúng ta cùng xem Chúa Kitô đã trình bày chân dung “Con Người” như thế nào.

Con người được tạo dựng có nam có nữ (x.Mc 10,6): Con người là loài được dựng nên chứ không phải tự mình mà có hay hiện hữu cách ngẫu nhiên. Dữ kiện phái tính cách nào đó khẳng định tính hữu hạn và tính hướng tha của con người. “Người đi một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Nhiều thi nhân ví von cuộc đời như là quá trình tìm kiếm cái phần nửa của bản thân mình. Hội Thánh dạy rằng con người là hữu thể hướng đến tha nhân và hướng về Tuyệt đối. Như thế bước qua cửa hẹp là nỗ lực làm chủ khuynh hướng tìm mình cách vị kỷ cũng như làm chủ sự tự mãn, tự cao cho mình hoàn hảo hay toàn năng.

Con người là loài có thể xác nên có các nhu cầu ăn uống nghỉ ngơi…(x.Mt 11,19). Tuy nhiên con người còn có linh hồn thiêng liêng làm linh động thân xác. Mặc dù có sự góp phần không thể thiếu của thân xác, nhưng chính linh hồn qua các cơ năng luận suy, phán đoán, chọn lựa mới làm nên giá trị tốt, xấu, đúng sai của các hành vi. Vì không phải những gì bên ngoài vào trong con người làm cho con người ra ô uế mà chính những gì bên trong phát xuất ra… (x. Mt 15,11). Bước qua cửa hẹp là nỗ lực thanh luyện linh hồn đồng thời dùng linh hồn để hướng dẫn và làm chủ thân xác.

Lề luật hay ngày Sabbat được lập ra vì con người chứ không phải con người có ra vì ngày Sabbat hay vì lề luật (Mt 12,8; Mc 2,28). Khi sống thành bầy đoàn, loài vật giành giật và duy trì địa vị thống trị của chúng chủ yếu bằng sức mạnh của cơ bắp. Dĩ nhiên khi đã già yếu thì vị trí thống trị của chúng bị đe dọa và đến lúc nào đó bị tước đoạt bởi cá thể khác mạnh hơn. Con người thì nhờ có lý trí đã biết vận dụng lề luật để duy trì quyền uy và sự thống trị của mình. Là sản phẩm do tay con người lập nên, lề luật đã được khách quan hóa thành ý của thần minh, thành ý trời, để một cách có chủ ý phục vụ quyền lợi cho những người làm nên lề luật ấy. Như thế, một cách nào đó con người đã tự phong thần phong thánh cho bản thân. Khi bắt người khác tuyệt đối quy phục lề luật mình làm ra thì mình đã nô lệ hóa tha nhân bằng chính ý chí chủ quan của mình. Bước qua cửa hẹp chính là nỗ lực cởi bỏ những ràng buộc khiến ta và tha nhân trở thành nô lệ cho sản phẩm của con người, để đưa chính mình và tha nhân trở thành những chủ nhân thực sự đối với các thực tại trần thế theo thánh ý Thiên Chúa truyền ngay tự buổi đầu thưở tạo dựng (x.St 1,26; 2,20)

Con Người đến thế gian không phải để được người ta hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (x. Mc 10,45). Đến thế gian này, một trong những sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa đó là mạc khải cách đủ đầy và hoàn hảo căn tính của con người, vốn là loài được dựng nên, là hình ảnh của Thiên Chúa. Nét khác biệt và sự trỗi vượt của loài người trên các loài thọ tạo hữu hình không chỉ được thể hiện bằng trí khôn, một khả năng giúp con người ngày càng phát triển mọi mặt, mà còn được thể hiện qua ý chí tự do. Các loài vật bậc thấp khi yêu thích sự gì thì bị thôi thúc chiếm hữu nó bằng mọi giá. Trái lại tình yêu nơi con người lên đến đỉnh cao nơi động thái dâng hiến. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu tự hiến thân vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Bước qua cửa hẹp là gột bỏ những rào cản khiến chúng ta không thể yêu thương tha nhân bằng sự tự hạ mà dâng hiến, bằng sự quên mình để phục vụ như Chúa Kitô đã yêu thương (x. Ga 13,34).

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”(Lc 12,32). Thiên Chúa yêu thương trao ban Hạnh Phúc Nước Trời cho con người. Như thế chúng ta có thể nói rằng để được vào Nước Trời, tức là để có được hạnh phúc đích thật thì chúng ta phải là con người. Vào qua cửa hẹp chính là sự nỗ lực gắng công từng ngày gột bỏ những gì khiến chúng ta không còn là con người hoặc làm chân dung con người nơi chúng ta bị biến dạng. Một vài điều cần gột bỏ đó là sự tự cao, tự đại cho mình toàn năng, toàn hảo hay toàn tri; đó là sự vụ lợi ích kỷ; đó cũng là những ý đồ thống trị tha nhân bằng sức mạnh của quyền lực, thế quyền và lẫn thần quyền, bằng các thể chế luật lệ phi nhân, bất hợp lý do chính mình dựng nên để phục vụ cho quyền lợi của bản thân mình, tập thể của mình…

63. Cửa hẹp – Lm. Anphong Trần Đức Phương

Chúa Nhật hôm nay chỉ dẫn cho chúng ta con đường sống đạo là con đường khó khăn, phải leo dốc, phải qua “Cửa Hẹp.” Nhưng chúng ta cứ cố gắng và cầu nguyện rồi Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả để tới đích điểm là quê hương thật Nước Trời.

Bài đọc I (Tiên tri Isaia 66:18-21): Qua tiên tri Isaia, Thiên Chúa hứa sẽ hướng dẫn Dân Chúa đi theo đường lối Chúa và quy tụ thành một Dân của Chúa được sống trong một “Trời Mới và Đất Mới.” (Hình ảnh cuộc sống mới, cuộc sống hạnh phúc trên Nước Chúa). Bài Đọc II (Thơ Do Thái 12: 5-7,11-13): Chúa sửa dậy chúng ta qua những đau khổ chúng ta gặp trong suốt cuộc đời; chúng ta hãy vui vẽ chấp nhận mọi khổ đau hằng ngày để được đi theo Chúa; đồng thời cũng nâng đỡ lẫn nhau, cùng vác đỡ gánh nặng cho nhau để cùng bước đi trong cuộc Hành Trình Đức Tin hướng về quê hương thật Nước Trời. Bài Phúc Âm (Luca 13:22-30): Mọi người chúng ta “từ Đông sang Tây” đều được mời dự tiệc “Nước Chúa” nhưng chúng ta phải đi qua “Cửa Hẹp,” đó là sự cố gắng sống đức tin hằng ngày và chấp nhận những Thánh Giá trong cuộc sống.

Ai trong chúng ta cũng thích đi qua cửa rộng thênh thang; ai trong chúng ta cũng thích đi con đường bằng phẳng, chứ không ai thích đi con đường lên dốc. Nhưng Chúa bảo chúng ta muốn vào Nước Chúa ” Hãy qua Cửa Hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn Cửa Hẹp và đường chật thì đưa đến Sự Sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Matthêu 7:13-14).

“Cửa hẹp” để chỉ những khó khăn mà chúng ta phải trải qua, nếu chúng ta muốn theo Chúa đi về cuộc Sống Mới, cuộc sống vĩnh cữu. Có rất nhiều khó khăn mà chúng ta phải chấp nhận để theo Chúa là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống; vì thế Chúa bảo chúng ta “Nước Trời dành cho những ai biết nổ lực!” (Matthêu 11:12) và “Ai muốn theo tôi, hãy bỏ mình đi, vác thánh giá hằng ngày mà theo tôi.” (Matthêu 16:24).

Thánh giá đầu tiên chúng ta phải vác là chính thân xác yếu hèn của chúng ta. Thân xác chúng ta luôn đòi hỏi những thỏa mãn nghịch với giới răn Chúa do tính ham danh, ham lợi, ham thú gây ra. Lòng ham hư danh đưa đến những tranh chấp địa vị và gây ra tị hiềm, thù hận. Tính ham mê tiền của sinh ra tham lam, gian lận. Ham mê thỏa mãn các dục vọng thể xác sinh ra những sa ngã đắm đuối. Muốn theo Chúa, chúng ta luôn phải vượt thắng những đòi hỏi đó của xác thịt để chu toàn các giới răn Chúa và sống xứng đáng các tín hữu, những người con tốt lành, thánh thiện của Chúa, như Chúa bảo “Hãy nên Thánh vì Ta là Đấng Thánh.”

Ngày nay trong “thời buổi văn hóa sự chết,” người ta coi thường lề luật sống của Chúa; nhưng chúng ta, các tín hữu của Chúa, chúng ta phải can đảm đi ngược lại: nhất định không phá thai, không chủ trương tự do luyến ái, không chủ trương ly dị, không chấp nhận đồng tình luyến ái, không chấp nhận “nam lấy nam, nữ lấy nữ mà thành vợ chồng.”

Hơn nữa, nhiều khi vì quyết tâm sống theo lề luật Chúa qua sự giảng dạy của Giáo Hội mà chúng ta phải chấp nhận hy sinh: phải mất việc, mất địa vị trong xã hội. Mới đây (Trong tháng 7/2010), Giáo Sư Kenneth Howell tại Đại Học Illinois đã bị đe dọa sa thải vì giảng dạy theo đúng đường lối của Giáo Hội. Đã có những bác sĩ, y tá mất việc vì nhất định không chịu cộng tác vào việc phá thai tại bệnh viện. Nhiều chính trị gia thất cử vì chủ trương bảo vệ giáo huấn của Giáo Hội. Đó là những hy sinh thật lớn lao, những “Cửa Hẹp” mà chúng ta phải đi qua, nếu chúng ta muốn là những tín hữu thật của Chúa.

Chấp nhận những hy sinh đó là chúng ta chấp nhận đi theo “Cửa Hẹp,” là chúng ta muốn sống như những tín hữu của Chúa, những con người luôn tôn trọng sự sống, tôn trọng hạnh phúc gia đình, tôn trọng bản thân và giá trị thật của con người biết sống theo lý trí, chứ không chạy theo những trào lưu hỗn loạn của thời đại (2 Phêrô 3:3-10).

Cả cuộc đời, Mẹ Maria và các Thánh đều đã đi qua “Cửa Hẹp,” đã luôn sống theo thánh ý Chúa, chứ không sống theo thế gian, xác thịt, và ngày nay Mẹ và các Thánh đã được vinh hiễn trên Nước Trời.

Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, giúp chúng ta luôn can đảm sống Đức Tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, dù vì thế mà phải hy sinh, nhiều khi phải hy sinh cả mạng sống của mình, như các Thánh tử đạo xưa nay. Xin cùng hiệp lời cầu nguyện chung cho nhau.

64. Phải chăng ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ?

(Suy niệm của Lm. Phêrô Nguyễn Hương)

Ai sẽ được cứu độ và bao nhiêu người được cứu? Đó là câu rất hỏi nóng bỏng thường được đặt ra vào thời Chúa Giêsu và ngay cả ngày hôm nay.

Extra ecclesiam nulla salus?

Đối với những người Do thái, họ quan niệm rằng: Để được cứu độ, phải thuộc về đạo Do thái, nói tiếng Do thái và sống trên đất Do thái.

Ngày xưa, Giáo Hội Công giáo chúng ta cũng có quan niệm rằng: “Extra ecclesiam nulla salus: ngoài giáo hội thì không có ơn cứu độ”(san Cipriano). Quan niệm này đã bị hiểu cách méo mó và cũng đã tồn tại trong Giáo hội rất lâu hàng thế kỷ. Phải chờ đến Công Đồng Vatican II mới cho ta một cái nhìn quân bình và mới mẽ về ơn cứu độ của những người ngoài Giáo hội.

Trong hiến chế Lumen Gentium, Ánh Sáng Muôn Dân, số 16 nói đến những người sau đây dù không thuộc về Giáo hội một cách hữu hình nhưng vẫn hy vọng được cứu độ: trước hết phải kể đến những người tin nhận Thượng Đế và tôn thờ Người như là đấng Tạo Hóa của đời mình, họ là những người Do thái và Hồi giáo. Kế đến là những người vô tình không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo hội, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo tiếng lương tâm ngay thẳng, thì có thể được cứu độ. Một cách vô hình họ cũng thuộc về Giáo hội.

Cái nhìn này có nền tảng Kinh thánh và thần học rất vững chắc: Thiên Chúa muốn tất cả mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ (x 1 Tm 2,4). Thiên Chúa có những cách thế riêng để cứu độ họ. Ơn cứu độ của Đức Kitô mang đến không giới hạn bởi khu vực, chủng tộc, quốc gia, nhưng mang tính phổ quát, cho hết mọi người. Đức Kitô chết cho hết mọi người không loại trừ ai.

Và tôi thấy đây cũng là cái nhìn của Lời Chúa hôm nay: ở bài đọc I, tiên tri Isaia loan báo về viễn tượng cánh chung trời mới đất mới của nhân loại, trong ngày đó Thiên Chúa quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ về với Người (x. Is 66,18-21). Và bài Tin mừng cũng xác nhận: “Người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Vâng, ý định của Thiên Chúa là cứu độ hết mọi người, đó là niềm hy vọng lớn lao cho tất cả chúng ta và cho những ai không thuộc về Giáo hội.

Không phải “bao nhiêu”, nhưng “làm sao” để được cứu rỗi.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là ơn cứu độ chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa thôi, nhưng để được cứu độ Thiên Chúa đòi sự cộng tác của con người. Thánh Augustino có một câu nói rất nỗi tiếng: “Để dựng nên con, thì Thiên Chúa không cần đến con, nhưng để cứu độ con, thì Thiên Chúa cần đến con”.

Đức Kitô hôm nay không trả lời bao nhiêu người được cứu, nhưng Người chỉ cho chúng ta làm sao để được cứu độ: “Các ngươi hãy cố gắng vào qua hẹp”. Người đang nói tới sự cộng tác của con người. Đó là nét dễ thương của Thiên Chúa chúng ta, Người không làm hết, không “bao sân” mà Người mời gọi chúng ta cộng tác với Người để cứu độ mình. Nếu Người làm hết thì không còn công trạng của chúng ta nữa.

Muốn thi đậu thì phải ôn luyện kỹ càng. Muốn chơi bóng rổ giỏi thì phải tập luyện mỗi ngày. Muốn tránh cao mỡ và cao máu thì phải kiêng dầu mỡ và muối. Muốn có thân hình đẹp, gầy như sương mai thì phải “diet”. Cũng vậy, muốn vào thiên đàng thì phải làm gì? Phải “diet”, vì phải “qua của hẹp”! Mập thù lù làm sao mà vào được! (just kidding)

“Vào của hẹp” là nói NO với những cám dỗ của những phim ảnh đồi trụy, những cuộc tình trộm vụng, nói NO với những cách kiếm tiền phi đạo đức và nhân bản. Nói NO với những thái độ tự cao tự đại, gây chia sẽ bè phái…

“Vào của hẹp” là nói YES với những giá trị của Tim mừng, sống thật thà và trong sạch, sống bác ái, giúp đỡ tha nhân nhất những người nghèo khổ. Mẹ Terêxa Calcuta nói rằng: “Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên lòng bác ái. Bác ái là thẻ căn cước đích thực cho phép chúng ta bước qua cửa hẹp vào Thiên Đàng”.

“Vào cửa hẹp” là để cho Chúa “quở trách… sửa dạy…và đánh đòn” (Dt 12:5-6) mình khi chúng ta sai lỗi. Chúa thương mới cho “cho roi cho vọt” đó.

Và khi chúng ta nói Yes như thế với Chúa là chúng ta đang đi vào cửa hẹp, cửa dẫn chúng ta tới hạnh phúc, tới ơn cứu độ, tới Thiên Chúa là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta. Hạnh phúc đó, thiên đàng đó đã bắt đầu từ ngày hôm nay rồi. Amen.

65. Cửa hẹp – Lm. Vũ Đình Tường

Rộng lớn có cửa biển. Nhỏ hơn nhắc đến cửa sông. Nhỏ hơn nữa là cửa giao thông hào. Cửa gắn liền với cuộc sống con người. Sống nhờ cửa miệng, thác kí cửa mồ. Đi lại, di chuyển có cửa xe. Mạnh khoẻ ra vào cửa nhà; đau ốm đến cửa bệnh viện. Việc đạo thăm cửa thánh đường, ăn chơi viếng cửa phòng trà. Các cửa lớn nhỏ trên chưa phải là cửa hẹp vì trừ cửa mồ ra thì các cửa đều dễ ra vào. Khi người mời ta. Khi ta mời người. Khi mình tự đến, khi được chở đến. Hôm nay Chúa nói đến cửa hẹp. Muốn vào cửa hẹp phải chiến đấu. Cửa hẹp không người canh giữ nhưng muốn vào phải chiến đấu. Chiến đấu có kẻ thắng, người thua. Không phải lúc nào cũng thắng nhưng nếu ngưng chiến đấu sẽ thua suốt đời. Vào qua cửa hẹp là có tất cả, bị loại ra là mất tất cả. Cửa hẹp ban sự sống vì thế ‘có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được’.

CANH CỬA

Cửa có lính canh ngày đêm như cửa nhà tù, cửa trại lính, cửa ngân hàng, cửa khách sạn sang trọng. Cửa có những giờ mời đón mọi người không phân biệt tuổi tác. Hoàn toàn tự do thích thì đến buồn thì đi như cửa nhà chùa, nhà thờ. Cửa có giờ giấc nhất định thông báo giờ mở, giờ đóng như cửa tiệm, văn phòng. Cửa lúc nào cũng then gài, khoá kĩ là cửa nhà, cửa di trú. Những cửa này chưa phải là cửa hẹp, đủ điều kiện là qua lọt. Vào cửa hẹp phải tranh đấu để vào.

LUẬT CỬA

Cửa nào cũng có những luật lệ phải giữ, hướng dẫn phải tuân theo và điều kiện phải hoàn hành. Luật trước khi vào cửa phải gọi điện thoại giữ chỗ như nhà hàng, khách sạn; luật phải theo sau khi vào cửa như đi coi văn nghệ, xem thể thao, đôi khi phải giữ luật ngay cả khi đã về nhà chẳng hạn như làm điều bác sĩ dặn phải thực hành khi xuất viện. Vào cửa tiệm có luật trong tiệm; vào xe có luật trong xe. Nhà hàng có luật nhà hàng; tư gia có luật gia đình. Nói đến cửa là nói đến những điều kiện dán trên cánh cửa hay luật lệ sau cánh cửa đó.

LUẬT CỬA HẸP

Cửa hẹp có những luật buộc phải theo. Tuy là cửa hẹp nhưng luật của cửa này lại không hẹp. Ảnh hưởng của nó lớn lao, bao trùm nhiều lãnh vực trong cuộc sống cá nhân và tha nhân.

Luật cửa hẹp đơn giản, ngắn gọn và thực tế. Vì luật đơn giản nên người ta coi thường. Vì coi thường nên dễ phạm luật. Vì dễ phạm nên luật đơn giản lại khó hoàn thành càng đơn giản càng khó giữ.

Luật ngắn gọn giữ cả đời cũng không xong. Luật ngắn gọn nên dễ nhớ. Nhờ dễ nhớ nên khi phạm luật là nhận ra ngay, biết sai lầm, phạm luật.

Luật cửa hẹp thực tế đến độ nó gắn liền với cuộc sống, khi thức làm việc cũng như khi nghỉ xả hơi và ngay cả khi ngủ. Ở đâu, nói gì làm gì cũng thấy luật thật gần, hữu dụng.

Cửa hẹp rất hẹp nhưng kiểm soát thế nào cũng có sơ sót, lầm lỗi vẫn nhiều, sơ sẩy vẫn lắm. Cửa rất gần nhưng rất khó kiểm soát, canh chừng. Cửa rất gần nhưng tiếng vang lại xa. Cửa hẹp nhưng ảnh hưởng của cửa rộng lớn.

CHIẾN ĐẤU

Muốn vào cửa hẹp phải chiến đấu mà vào, phải cố gắng vận dụng khả năng riêng để vào. Không thể vào cửa hẹp bằng tìm cách luồn lọt, hối lộ, nịnh bợ hay bằng mánh khoé giảo hoạt, tính toán. Phúc Âm nói rõ

‘hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào’.

Phúc Âm không nói rõ chiến đấu với ai, hay chiến đấu với thứ gì để vào được cửa hẹp.

CỬA MIỆNG

Cửa hẹp đây không gì khác hơn chính là cửa miệng con người. Muốn vào cửa hẹp việc đầu tiên cần phải làm là kiểm soát cửa miệng. Rõ ràng cửa miệng không có người canh giữ thì không thể chiến đấu với người khác mà là chiến đấu với chính mình. Thất bại kiểm soát cửa này sẽ đóng các cửa ta muốn vào và bắt ta vào cửa ta không muốn đến.

Như đã phân tích ở trên cửa này hẹp, rất gần với ta nhưng lại cũng rất khó kiểm soát. Không kiểm soát, ăn bậy dẫn đến cửa bệnh viện; hút bậy dẫn đến tàn gia bại sản; uống bậy dẫn đến rượu vào lời ra; nói bậy dẫn đến gây gỗ, cãi vã: nhẹ thì tức giận, nặng thì bè phái, hằn thù. Người ta không thể mánh lới, gian dối, luồn cúi với chính mình. Điều có thể làm được, cần làm là phấn đấu với chính mình. Phúc Âm ghi rõ

‘hãy chiến đấu để qua cửa hẹp’.

Để điều khiển được cuộc sống trước hết phải phấn đấu với chính cửa miệng, kiểm soát cửa miệng, miếng ăn, lời nói. Động lực bên trong thúc đẩy không ai rõ nhưng lời nói ra từ cửa miệng ảnh hưởng đến cuộc sống. Lời nói khôn mang phước lộc, lời nói khờ nhận tiếng cười chê, lời nói dại giết tình bạn, gây tình thù, hiềm khích.

Phương thể duy nhất lọt qua cửa hẹp là phấn đấu, điều khiển cửa khẩu. Chiến đấu với cửa này chính là chiến đấu với chính mình, với cá nhân, bản thân, cá tính, phương cách sống, lề lối suy nghĩ và ngay cả đức tin. Thắng được cửa miệng là thắng được chính mình. Làm chủ được mình đáng hưởng sự sống đời đời.

home Mục lục Lưu trữ