Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 61

Tổng truy cập: 1355249

THIÊN CHÚA GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI KHỎI SỰ DỮ CÁCH TRIỆT ĐỂ VÀ TOÀN DIỆN

THIÊN CHÚA GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI KHỎI SỰ DỮ CÁCH TRIỆT ĐỂ VÀ TOÀN DIỆN

(Suy niệm của Lm. Giuse Phạm Ngọc Khuê)

Kính thưa quý anh chị em,

Lịch sử thế giới ghi nhận hai cuộc giải phóng vĩ đại nhất: giải phóng người nô lệ và giải phóng phụ nữ. Hai cuộc giải phóng đã đem lại quyền bình đẳng, tôn trọng nhân phẩm con người trong mối tương quan xã hội.

Chế độ nộ lệ tạo ra sự phân cực giữa chủ và tớ. Người nô lệ bị coi như một thứ đồ vật, người chủ mua về để làm việc, mọi sự đều do chủ định đoạt, ngay cả đến mạng sống cũng thuộc về chủ.

Người phụ nữ trong các chế độ xưa kia cũng không khá hơn. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào người đàn ông, tệ hơn, còn bị coi như một thứ đồ vật, một thứ đồ chơi của người đàn ông.

Khổng Tử, trong Đạo Đức Kinh, dạy: người phụ nữ tốt phải giữ luật tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.

Tạ ơn Chúa vì lịch sử đã sang trang. Nhân loại biết ơn những vị anh hùng, đã làm cách mạng thành công, giải phóng nô lệ, giải phóng người phụ nữ.

Ngày nay, chế độ nô lệ chỉ còn được biết qua sử sách, nhân phẩm người phụ nữ được nâng cao, quyền bình đẳng nam/nữ đang được cải thiện cách triệt để và phổ quát.

Tuy nhiên, giải phóng về phương diện thể lý chưa phải là tất cả, nó mới chỉ đạt được một phần cho “hữu thể người” có linh hồn và thân xác.

Thiên Chúa, không chỉ được mạc khải là Đấng giải phóng Israel khỏi nhà tôi mọi Ai-cập, khỏi kiếp lưu đày bên Ba-bi-lon, nhưng còn giải phóng dân khỏi tội lỗi và sự chết. Đây mới thật là cuộc giải phóng triệt để, toàn diện muôn dân mong đợi, vì lẽ, hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội và phải chết.

Chỉ một mình Thiên Chúa giải phóng con người khỏi tội, ban ơn hòa giải, để họ được sống và sống dồi dào. Công trình giải phóng toàn diện này được thực hiện trong Chúa Giê-su, Đấng xóa bỏ tội lỗi trần gian, cho con người được hưởng tự do thần thiêng trong sự thông hiệp với Thiên Chúa.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày dung mạo Giê-su, Đấng cứu thế muôn dân mong đợi, thực hiện công trình giải phóng bằng cuộc trao đổi kỳ diệu, diễn ra nơi chính mình. Giê-su chấp nhận nghèo, để chúng ta được giầu có mọi sự, chấp nhận thương tích để chúng ta được chữa lành, chấp nhận tù tội để chúng ta được giải phóng, được tự do, chấp nhận mang thân tội để chúng ta nên công chính, chấp nhận chịu chết để chúng ta được sống muôn đời.

Bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a, loan báo niềm vui ngày Thiên Chúa viếng thăm, giải thoát dân khỏi ách nộ lệ bên Ba-bi-lon, đưa về miền đất hứa, miền đất sung túc và tự do.

Đức Chúa sẽ chủ động làm tất cả để dân được sống trong an bình, hạnh phúc. Trên đường trở về, Chúa đi giữa dân, dẫn dắt từng người và số đông, không bỏ sót người nào, cho dẫu họ yếu đuối đủ loại: ốm đau, mù lòa, què quặt, mang thai, già lão...

Ngôn sứ còn loan báo: Chúa các đạo binh sẽ thiết tiệc trọng thể trên núi Sion để thiết đãi muôn dân. Thịt béo, rượu nồng, khăn tang sẽ vĩnh viễn được tháo cởi, giọt lệ vắn dài sẽ được Chúa lau khô và dân Ta hưởng an bình thư thái.

Đó là những lời an ủi, dẫy tràn yêu thương, Chúa dành cho dân ngay trong cảnh lưu đày và vẫn cứ tiếp tục đeo đuổi họ trong suốt hành trình tới tận phần đất Chúa hứa cho Abraham.

Chúa giải phóng Israel khỏi cảnh lưu đày là có thật, là sự kiện lịch sử, nhưng còn nhắm tới một cuộc giải phóng thiêng liêng trổi vượt, hoàn hảo gấp bội: giải phóng dân khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết.

Công cuộc giải phóng thứ hai cho phép con người hòa giải với Thiên Chúa, trở nên con rất yêu dấu của Người, nhất là được hưởng trọn vẹn tình yêu và sự sống muôn đời.

Tác giả thực hiện cuộc giải phóng thiêng liêng là Đức Kitô, được Cha sai đến làm Đấng cứu thế và chuộc tội.

Thánh Marco, trong bài Tin Mừng, tường thuật phép lạ Chúa chữa người mù thành Giê-ri-cô. Cuộc đối thoại cho thấy Giê-su lắng nghe lời kêu cứu của con người trong cơn hoạn nạn, nhất là những kẻ bé mọn kêu xin. Nghe tiếng Chúa, anh vùng dậy, vứt tấm áo choàng, chạy đến gặp Chúa. Anh có những hành động dứt khoát và quyết liệt, bất chấp sự cản ngăn của người khác. Anh đã gặp Chúa và lời thỉnh cầu đã được Chúa chấp nhận. Anh được chữa lành con mắt. Từ nay, anh có thể ngắm nhìn thiên nhiên, những kỳ công Chúa tác tạo mà lớn tiếng ngợi khen danh Chúa.

Anh được chữa lành bởi lòng thương xót Chúa và sự bền đỗ trong đức tin: “Đức tin của con đã cứu chữa con” (Mc 10, 52).

Qua câu chuyện chữa lành người mù thành Giê-ri-cô, chúng ta có sẵn sàng tuyên xưng Thiên Chúa cứu độ: “Lạy ông Giê-su, con vua Đavid, xin dủ lòng thương tôi” (Mc 10, 48), có thành tâm bền đỗ trong đức tin, để khi Chúa đến vẫn thấy chúng ta đang tỉnh thức và vững dạ đợi chờ. Nếu chúng ta tin vững vàng, thì mọi sự sẽ trở thành có thể, vì đức tin của con sẽ cứu chữa con.

Tin trong lòng thì được nên công chính, tuyên xưng ngoài miệng thì được ơn cứu độ.

Bài đọc II, trích thư gởi tín hữu Do Thái, đề cao địa vị tư tế trổi vượt của Đức Kitô, Đấng tế lễ, không phải đền tội cho riêng mình, nhưng cho toàn dân. Nguồn gốc tư tế của Ngài do Thiên Chúa ấn định, nên viên mãn, trường tồn. Hy tế của Ngài luôn làm đẹp lòng Cha và sinh ơn cứu độ cho cả thế gian.

Thưa anh chị em,

Giáo huấn Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

* Một là: Thâm tín rằng Đức Kitô đã chết vì tội lỗi trần gian và Người đã sống lại để chúng ta được sống muôn đời. Đây chính là ơn giải phóng triệt để và phổ quát. Cố gắng sống như con cái tự do của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hưởng niềm vui và ơn chúc lành của Trời.

* Hai là: kiên trì trong tỉnh thức và cầu nguyện liên lỉ, người môn đệ sẽ mau mắn nhận ra ý Chúa, rồi cố gắng đem ra thực hành bằng một đời sống đượm tình mến thương, góp phần làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Xin Chúa thương nâng đỡ và chúc lành cho mỗi người chúng ta trong ngày chúa nhật hôm nay. Amen!

 

51.Chúa Nhật 30 Thường Niên

(Suy niệm của Lm. Gioan Phan Tiến Dũng)

Thưa ACE, Chúa Nhật 17/10 vừa qua, là ngày toàn quốc cầu nguyện xin ơn chữa lành trong mùa đại dịch, tin chắc rằng, ai trong chúng ta cũng đã hy sinh cầu nguyện rất nhiều với Chúa để xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng ta và cho anh chị em mình. Nhưng thực ra, trong tận cõi thâm sâu lòng trí của từng người, ACE đã xin ơn gì với Chúa, hay muốn Chúa ban điều gì cho chúng ta? Phải chăng là xin Chúa ban cho sức khỏe, cho có công ăn việc làm được tốt đẹp, cho gia đình được bình an…tất cả đều hợp tình, hợp lý. Thế nhưng, trên tất cả, điều mà Lời Chúa hôm nay soi sáng cũng như mời gọi đó chính là: Đâu là tâm tình, là thái độ và cung cách của mỗi người khi chúng ta đến với Chúa trong cầu nguyện và kêu xin Ngài thương giúp?

Tin mừng hôm nay (Mc 10, 46-52) thuật lại cho chúng ta việc một người bị mù đến xin Chúa cứu giúp. “Con ông Timê tên là Bartimê, một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường, khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Điều thú vị ở Tin mừng Marcô là: Người bị mù này có tên, không những nêu tên anh ta mà còn nói rõ tên của cha anh ta nữa. Một người bị mù ngồi ăn xin ở vệ đường, tại sao lại được nhắc đến tên và nguồn gốc của anh ta cách rõ ràng như vậy? Ở đây, Tin mừng đang muốn nhấn mạnh và mời gọi chúng ta chú tâm vào chứng tá của một con người dẫu rất bình thường, dẫu là người nghèo, người bị bỏ rơi, thế nhưng anh Bartimê con ông Timê lại được trở nên mẫu gương trong đời sống đức tin. Qua thái độ và cung cách của anh Bartimê khi đến với Chúa và kêu xin Chúa giúp, cũng phải là cách sống của mỗi người chúng ta đặc biệt trong cuộc sống hiện nay.

Thưa ACE, chúng ta được mời gọi để nhìn lại cung cách và hành trình sống đức tin của anh mù Bartimê, cũng như những ơn lành mà Chúa Giêsu đã thương ban cho anh. Trước hết, từ trong đám đông, chắc chắn có rất nhiều người, nhiều tiếng ồn ào, mặc dù bị mù, thêm vào, anh lại chỉ ngồi bên vệ đường nữa…với nhiều điều bất tiện và cản trở như vậy, thế nhưng, anh Bartimê đã cố gắng để biện phân và nhận ra là: Trong số những người đang đi ngang qua đây, có một Đấng rất đặc biệt. Thật vậy, với một đôi tai rất nhạy bén, với chỉ ít thông tin ít ỏi có được, anh đã tận dụng cơ hội để tin chắc rằng, đây phải là Ông Giêsu, người mà bấy lâu nay anh đã nghe nói về, Người mà anh mong đợi, ước nguyện cầu xin để làm sao gặp được Ngài. Thêm vào đó, khi đã tin chắc là có Chúa Giêsu đi ngang qua, anh mù Bartimê đã biết vận dụng hết khả năng để kêu lên thật to. “Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nadarét, liền kêu lên rằng: Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Vì anh muốn rằng, tiếng kêu của mình phải thật to, đủ lớn để Chúa có thể nghe được. Mặc dầu, bị người ta ngăn cấm không cho anh kêu la, nhưng không vì thế mà anh bỏ cuộc. Nếu đây là một con người nhụt chí, nhát đảm hay sợ sệt, thì chắc chắn anh ta đã im lặng và co cụm mình lại, thế nhưng, không phải như vậy, anh lại càng kêu to hơn nữa. “Nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: Hỡi con vua Ðavít, xin thương xót tôi”.

Không những thế, Tin mừng đang muốn chúng ta chú tâm hơn vào điều mà anh mù Bartimê đang cầu xin với Chúa. “Hỡi ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi”. Anh đã cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, anh kêu xin đến chính tình yêu thương đích thực của Thiên Chúa. Cốt lõi ở đây là: Anh mù đã kêu xin đúng với điều mà Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đang muốn trao ban và minh chứng cho nhân loại.  Thế nên, việc anh mù cầu xin đã chạm đến lòng thương xót, sự bao dung nhân hậu của Chúa. Sau khi Chúa Giêsu nghe được tiếng kêu cầu của anh, Ngài đã cho gọi anh đến với Ngài. Chúng ta sẽ thật ngạc nhiên để nhận ra rằng, thái độ và cung cách của một con người có niềm tin mạnh vào Chúa thật dứt khoát, mạnh mẽ và kiên cường. “Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu”. Liệng áo choàng, đứng thẳng dậy và tiến bước đến với Chúa, đây thật là cung cách và hành động của một con người được biến đổi nhờ lòng tin, thái độ quyết tâm dứt bỏ với những rào cản của cuộc sống hiện tại để đến với Chúa. Cho dù con mắt thể lý không thấy được, nhưng con mắt đức tin sáng tỏ đã soi đường chỉ lối cho anh tiến bước đến với Chúa.

Và sau hết, khi Chúa Giêsu bảo anh: “Anh muốn Ta làm gì cho anh? Người mù thưa: Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy. Chúa Giêsu đáp: Ðược, đức tin của anh đã chữa anh. Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.” Chính Chúa Giêsu đã khen ngợi lòng tin mạnh của anh Bartimê. Lòng tin của con người này chính là sự đáp trả trước ơn ban cao quý mà Thiên Chúa dành riêng cho những ai biết tin tưởng, cậy trông vào tình yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Không những thế, Tin mừng còn thuật lại, khi anh Bartimê được sáng mắt, thì anh quyết tâm dấn thân đi theo Chúa Giêsu trong hành trình loan báo và minh chứng cho sứ vụ yêu thương phục vụ của Ngài.

Thưa ACE, khi suy niệm và nhìn vào mẫu gương thực hành đức tin và cách sống đức tin tuyệt vời của anh Bartimê, chúng ta như được mời gọi để phản tỉnh và nhìn lại chính cung cách, thái độ và đời sống đức tin của mỗi người chúng ta với Chúa và với tha nhân. Tôi cần phải học từ anh mù Bartimê điều gì đây? Hay nói khác hơn, cái gì, điều gì đang là rào cản mà làm tôi không thể nghe, phân biệt để nhận ra tiếng Chúa và sự hiện diện của Ngài? Đâu là chướng ngại vật đang ngăn cản tôi không thể làm cho tôi đứng lên để tiến bước đến với Chúa? Và trên hết, chúng ta đang cần, đang muốn cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều gì để chúng ta được ơn cứu chữa và biến đổi mà trở nên người phục vụ Chúa và tha nhân?

Chúa đang muốn chúng con phải học theo gương mẫu của anh mù Bartimê, là hãy cố gắng, nỗ lực để đến kêu xin Chúa với lòng tin. Xin cho chúng con từ nay, dù trong mọi nghịch cảnh của cuộc sống, vẫn luôn một lòng tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa, chúng con tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Amen.

 

home Mục lục Lưu trữ