Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 54

Tổng truy cập: 1361943

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU- Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái

*I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm căn bản của đức tin chúng ta, căn bản vì có ảnh hưởng quan trọng trên cách sống đức tin của chúng ta. Nhưng hình như từ trước tới nay chúng ta chưa ý thức bao nhiều về tầm quan trọng ấy.

Trong Thánh lễ này, chúng ta xin cho Lời Chúa soi sáng cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng ấy, và xin ơn Chúa giúp chúng ta sống đức tin của mình một cách tích cực hơn.

*II. GỢI Ý SÁM HỐI

– Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhưng chúng ta chưa mấy tin tưởng phó thác vào tình yêu Chúa.

– Chúa Con đã chịu chết để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta. Nhưng chúng ta không biết tha thứ cho nhau.

– Chúa Thánh Thần muốn mọi người sống yêu thương nhau như anh em cùng một Cha trên trời. Nhưng chúng ta thường nhìn người chung quanh như những kẻ xa lạ, thậm chí là những kẻ thù.

*III. LỜI CHÚA

1/. Bài đọc Cựu Ước : Xh 34,4-6.8-9

Trong đoạn sách Xuất hành này, Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót :

– Chính Thiên Chúa đã giải thoát Israel khỏi ách nô lệ. Nhưng họ lại phản bội Ngài đi thờ lạy tượng bò vàng. Môsê đã tha thiết nài xin Thiên Chúa tha thứ cho họ.

– Đáp lại, Thiên Chúa nói Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.

2/. Đáp ca : Đn 3,52-56

Đây là trích đoạn bài ca của ba trẻ trong lò lửa. Các em chúc tụng Thiên Chúa đã yêu thương che chở và giải thoát những kẻ đặt niềm tin vào Ngài.

3/. Tin Mừng : Ga 3,16-18

Bài Tin Mừng lặp lại ý tưởng của bài đọc Cựu Ước, nhưng cho biết cụ thể hơn : Thiên Chúa đã tỏ ra Ngài là Thiên Chúa yêu thương đến nỗi đã ban Người Con duy nhất của Ngài cho thế gian, để ai tin vào Người Con ấy thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.

4/. Bài đọc Tân Ước : 2Cr 13,11-13

Thánh Phaolô rút ra hệ luận từ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi : Kitô hữu hãy vui mừng và sống hòa thuận thương yêu nhau, bởi vì họ được Thiên Chúa yêu thương và ban cho dư đầy ân sủng.

*IV. GỢI Ý GIẢNG

1/. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi có gì hay ?

Có lẽ từ trước tới nay, chúng ta nghĩ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi quá khô khan, như một công thức toán : một Chúa ba Ngôi, ba Ngôi một Chúa !

Nhưng có đi sâu vào nội dung tín điều này thì chúng ta mới thấy chúng ta thật hạnh phúc khi Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi :

– Ngài là Cha chứ không phải là một vị thần độc đoán.

– Chúng ta thờ Ngài, nhưng không phải trong tâm tình sợ sệt, mà trong tâm tình yêu mến như Đức Giêsu, Con của Ngài.

– Ngài không ở xa chúng ta, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta, bằng Chúa Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.

– Ngài là ba Ngôi, nghĩa là Ngài sống tập thể, yêu thương nhau, kết hợp với nhau và luôn trao ban cho nhau. Do đó Ngài không phải là một mẫu khô cứng để ta tôn thờ, nhưng là một cuộc sống để chúng ta sống theo.

2/. Sửa lại hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa

Lời Chúa hôm nay vẽ lên một hình ảnh Thiên Chúa rất dễ thương, có lẽ khác hẳn hình ảnh méo mó lệch lạc trong đầu chúng ta bấy lâu nay : Ngài là Thiên Chúa yêu thương, với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu

– Yêu thương là Cho : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian”

– Yêu thương là làm cho Sống và sống dồi dào : “… để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.

– Yêu thương là Tha thứ : Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín”.

– Yêu thương là ở chung, sống chung, đi chung : Môsê đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận “Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng tôi”. Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa “sẽ ở cùng anh em”.

3/. Mầu nhiệm Ba Ngôi

Ai trong chúng ta cũng biết cầu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại : việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm là sự thật vượt quá tầm hiểu của trí khôn loài người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta không thể biết tí gì về mầu nhiệm ấy. Mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, nhưng Thiên Chúa cũng cho chúng ta hiểu biết đôi điều về mầu nhiệm ấy :

– Ngài đã ban rất nhiều dấu chỉ trong vũ trụ thiên nhiên. Voltaire đã nói : “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Abraham Lincoln giải thích rõ hơn : “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung được một người nào đó nhìn lên trời mà nói rằng không có Thiên Chúa”.

– Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài có Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần ; rằng Ngài yêu thương loài người đến nỗi ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta ; rằng chúng ta được Ngài nhận làm con và có quyền gọi Ngài là Cha ; rằng chúng ta có thể nói chuyện thân mật với Ngài khi cầu nguyện ; rằng Ngài để dành sẵn hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta trong nhà Ngài… Tóm lại là Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.

4/. “Hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện

Nụ hôn bình an trong Thánh lễ đã có từ thời Thánh Phaolô. Sau đó nó bị bỏ đi một thời gian. Rồi từ việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, nó lại được tái lập.

Tại sao Giáo Hội tái lập nụ hôn bình an ? Vì đó là một cử chỉ yêu thương, đoàn kết, thông hiệp. Cử chỉ này vừa biểu lộ niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau, vừa nhắc nhở chúng ta phải sống yêu thương như Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.

Khi hôn bình an trong Thánh lễ, chúng ta đừng thờ ơ chỉ làm cho xong một chi tiết lễ nghi phụng vụ, cũng đừng hôn nhau mà lòng còn đố kỵ nhau. Hãy hôn nhau “một cách thánh thiện” với nguyện ước sẽ hết lòng yêu thương người mình hôn theo gương mẫu tình yêu của chính Thiên Chúa.

5/. Chuyện minh họa

a/ Thiên Chúa mời gọi

Một tu sĩ tên là Rublev đã vẽ một bức tranh rất đặc biệt về Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi ngồi quanh một cái bàn, và trên bàn có một đĩa thức ăn. Nhưng nét đặc biệt là có một chiếc ghế trống. Chiếc ghế trống ấy ngụ ý một sự mời mọc, một sự sẵn sàng. Bàn ăn của Ba Ngôi còn một chiếc ghế trống nghĩa là Ba Ngôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến thông chia sự thân mật và tình yêu thương của các Ngài.

b/ Thiên Chúa ở trong ta

Một người dân gypsy đứng gần một cái giếng uống rượu. Chốc chốc ông lại nhìn xuống giếng như nhìn một người nào đó. Một cậu bé nảy giờ quan sát người gypsy này, ngạc nhiên hỏi :

– Ai ở dưới đó vậy ?

– Thiên Chúa.

– Vậy cháu có thể nhìn Chúa không ?

– Đương nhiên rồi.

Thế rồi người gypsy bế cậu bé lên để cậu nhìn xuống giếng. Cậu bé :

– Nhưng cháu chỉ thấy mặt cháu thôi.

– Đó cũng là mặt Chúa. Chúa ở trong chúng ta mà !

*V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

CT : Anh chị em thân mến

Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu : một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu độ và một tình yêu thánh hóa. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa và dâng lời cầu xin.

1/. Trong lịch sử / nhiều khi hình ảnh của Hội Thánh bị méo mó lệch lạc / vì đời sống không gương mẫu của các kitô hữu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho nmọi thành viên trong đại gia đình Hội Thánh / biết dùng đời sống bác ái yêu thương / mà trình bày khuôn mặt đích thực của Hội Thánh cho mọi người.

2/. Mỗi ngày có biết bao nỗ lực của những người có trách nhiệm / nhằm đem lại hòa bình cho thế giới / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa soi sáng / và hướng dẫn những nhà lãnh đạo các dân tộc / để họ biết dẹp bỏ mọi tị hiềm / và chân thành cộng tác với hau / hầu mang lại hòa bình thực sự cho thế giới.

3/. Từ xưa đến nay / lúc nào cũng có nhiều người quảng đại / luôn sẵn sàng hy sinh mọi sự / kể cả tính mạng của mình / và dùng tình thương để xoa dịu đau khổ của những người bất hạnh trong các trại phong / các bệnh viện tâm thần / các nhà nuôi người già / cũng như nơi các nhà nuôi trẻ mồ côi / các trẻ em đường phố / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa nâng đỡ những con người nhiệt thành ấy.

4/. Đời sống người kitô hữu phải phản ánh trung thực đời sống yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / luôn chân thành yêu thương nhau / cũng như hiệp nhất và nâng đỡ nhau trong mọi tình huống của đời sống thường ngày.

CT : Lạy Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, Chúa đã để lại cho chúng con một điều răn mới : “Anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”. Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn điều răn mới này. Chúa hằng sống và hiển

CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI-A

CHÚA BA NGÔI- Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

CHÚ GIẢI CHI TIẾT

“Thiên Chúa đã yêu mến thế gian đến nỗi…”: Công trình cứu rỗi được nối kết với nguyên lý tối hậu của nó là tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian. Việc sai phái Chúa Con, như là dấu tích tình yêu của Thiên Chúa, đã được lựa 4,9-10.16.19 làm nổi bật. Tư tưởng này, tiềm tàng trong Tin Mừng thứ tư, đã được khai triển trong chương 13 và các chương kế tiếp.

“Vì Thiên Chúa không sai Con đến trong thế gian để xử án thế gian”: Câu này xác định mục đích sứ mệnh của Chúa Con đối với thế gian: không phải để xét xử, nhưng để cứu rỗi thế gian (Ga 4,42; 1Ga 4,14). Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại quả quyết trong 9,39: “Chính để xét xử mà Ta đã đến trong thế gian”. Thưa điều Thiên Chúa muốn là cứu rỗi thế gian; tuy nhiên việc Chúa Con đến nhất thiết gây nên quyết định chọn lựa dứt khoát của con người, sự chọn lựa này làm nên việc xét xử. Quyết định chính yếu ấy của tất cả đời người, chính là việc gắn bó vào “Con Một của Thiên Chúa” (c.18) bằng đức tin, hay trái lại là sự chối từ không chịu tin. Câu 18 dịch sát chữ là “Kẻ tin vào Người thì không bị án xử (trong các câu 17-18, BJ cả 3 lần đều dịch “luận phạt”, trong lúc bản Hy lạp là “án xử”); kẻ không tin thì đã bị “xét xử rồi”. Án xử thành ra không tự Chúa Con mà đến, nhưng tự thế gian đã không chịu đón nhận ơn cứu độ mà Chúa Kitô đem tới cho. Thế gian khép lòng trước tình yêu của Chúa Cha tỏ hiện trong việc sai phái Chúa Con, nó loại bỏ Đấng Trung gian duy nhất là Đấng có thể đưa nó đến sự sống. Thành ra, vì ích kỷ, thế gian đã chọn lựa ở lại trong sự chết. Một án quyết sẽ có thể long trọng công bố, xác nhận tình trạng này (x. cuộc phán xét cánh chung vào ngày Quang lâm trong các Tin Mừng Nhất lãm) nhưng sẽ không thay đổi tình trạng đó nữa.

KẾT LUẬN

Không được chần chừ lần lựa hoặc giả diếc làm ngơ trước mặc khải trực tiếp nhất, hồng ân cứu độ cao quý nhất và tình yêu tuyệt đối này của Thiên Chúa. Vì hãy nhớ rằng cái chết của Chúa Giêsu mặc cho mọi phản ứng của con người ý nghĩa cánh chung đích thực của nó.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

*1) Niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi có được là nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Mọi giáo huấn về Thiên Chúa đều được chứa đựng trong con người của Chúa. Từ đó việc tin vào Chúa Con dã hàm chứa việc tin vào Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế Tin Mừng đã nói: “Phàm ai tin vào Người thì không phải hư đi nhưng được sự sống đời đời”. Sự kiện trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội chọn một bản văn có chủ ý nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô, cho thấy khởi điểm lộ trình và mục đích của niềm tin đã được bao hàm trong việc gắn bó sống động vào Chúa Kitô. Ai đến với Chúa Kitô thì cũng đến với Chúa Cha và được như thế là nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

*2) Nhưng đây còn một vấn nạn khác mà Tin Mừng muốn trả lời: Thiên Chúa cứu thế gian bằng cách nào? bằng cách sai Con của Ngài đến trong thế gian. Thế nhưng ngày nay Chúa Kitô đến trong thế gian bằng con đường đặc biệt nào? Bằng Giáo Hội. Do đó Giáo Hội có sứ mệnh làm cho Chúa Kitô hiện điện trong thế gian. Giáo Hội phải thông đạt một sự hiện diện đích thực chứ không chỉ giảng dạy, đưa ra học thuyết, giáo huấn mà thôi. Thiên Chúa Ba Ngôi đã tự trở nên gần gũi với nhân loại trong con người Chúa Giêsu Kitô, Đấng được mặc khải trong Giáo Hội và nhờ Giáo Hội.

*3) Kẻ tin vào Chúa Giêsu đến nỗi sẵn sàng chia sẻ số phận tử nạn và phục sinh của Người, thì được vào trong mầu nhiệm sống động của Thiên Chúa. Điều này giải thích tại sao sứ điệp của các sứ đồ, ở thời đầu Giáo Hội, không phải là một bài giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng là lời loan báo về Chúa Giêsu Kitô. Suốt giòng lịch sử Giáo Hội, và nhất là qua các Công Đồng, Giáo Hội sẽ cố gắng công thức hóa cho mình một tư tưởng về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng việc chính của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội (trong mỗi người chúng ta) là làm sao cho Giáo Hội trở thành và mãi mãi là kẻ tin vào Chúa Giêsu Kitô.

*4) “Ai tin vào Con Người thì chẳng bị án xử; ai không tin thì đã bị án xử rồi vì đã chẳng tin”. Đây là nghịch lý của một sự tự do chỉ có thể chọn lựa giữa sự sống và cái chết. Không có nhiều cách sống, nên không thể có sự chọn lựa giữa nhiều giả thuyết khác nhau. Hoặc được tất cả hoặc mất tất cả. Tình yêu của Chúa Cha biểu lộ trong Chúa Con và kích động trong ta nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, xem ra bi thảm vì có tính cách quyết định. Tình yêu không phải là cái gì có thể chọn lựa tuỳ ý giữa bao cái khác. Nó là sự sống của con người. Sự tự do mà Thiên Chúa ban cho con người là tiếng mời gọi diệu kỳ nhất, mời gọi đi đến với tình yêu, đồng thời cũng là khả năng hủy diệt nguy hiểm nhất. Nhiều kẻ đã sợ tự do; có lẽ họ thích đừng phải đương đầu với một chọn lựa như thế, vì họ coi sự chọn lựa đó dã man hơn là dịu dàng và tế nhị. Tuy nhiên, chính khi tự do yêu thương mà con người thực sự là người. Nếu không có sự chọn lựa ấy (với nhiều khía cạnh bi thảm của nó) thì con người chỉ còn là một người máy đã bị quy định trước. Nhưng đối với ai lựa chọn theo Chúa Giêsu, đối với ai nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng, “đã tin vào Danh Con Một Thiên Chúa” thì thật hạnh phúc dường nào! Tất cả trở thành bình an và vui sướng trong sự hiệp thông mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện.

home Mục lục Lưu trữ