Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 128

Tổng truy cập: 1350259

THIÊN CHÚA MUỐN CỨU ĐỘ MỌI NGƯỜI

THIÊN CHÚA MUỐN CỨU ĐỘ MỌI NGƯỜI

Luca là tác giả Tin Mừng của lịch sử cứu độ mà ông triển khai thành ba điệp khúc như trong đoạn rất súc tích này chẳng hạn: “Cho đến thời ông Gio-an, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16)

Luca muốn xây dựng những chiếc cổng qua đó ông làm cho chúng ta đi vào trong lịch sử một cách long trọng. Vào lúc hạ sinh Chúa Giêsu: “Hồi ấy Xêda đại đế ra chiếu chỉ …”. Và đối với bước đầu công khai của Ngài, cùng với Gioan tẩy giả vén màn lịch sử: “Năm thứ mười lăm triều đại vua Xêda Tibê…” Đây là tiếng chuông lớn của lịch sử.

Có một lời loan báo phi thường: “Mọi người sẽ được ơn cứu độ”. Đây là điều ông già Simêon đã công bố một cách âm thầm hơn: “Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài". Chúng ta thường quá thu hẹp các chân trời này, loại bỏ những chân trời này, quên lãng những chân trời kia. Và chúng ta luôn có nguy cơ mất đi trên các con đường của lịch sử điều phải là nỗi ám ảnh của chúng ta: Thiên Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi người, Ngài muốn cứu độ tất cả những người ấy.

Người Do thái thời bấy giờ mong chờ Đấng Cứu Thế đến độ trái tim họ rung động khi nhìn vị tiên tri mới xuất hiện là Gioan Tẩy giả: “Có phải người này là Đấng Cứu Thế hay không?”.

Điều này sẽ còn khó tin hơn nữa! Sẽ phải có toàn bộ Tin Mừng, sự phục sinh và hiện xuống để người Do thái độc thần triệt để lòng trí mở ra (một cách khó khăn!) cho điều không thể tưởng tượng được: Đấng Cứu Thế chính là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa.

Gioan Tẩy giả phác hoạ chân dung đầu tiên đó: “Có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Nhưng cũng sẽ phải có các thần học gia giám mục vĩ đại của các thế kỷ đầu tiên, kinh nghiệm của các thánh, nhất là Chúa Thánh Thần để nói lên điều không thể được trình bày: Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần; và Chúa Con đã làm người, dưới thời Xêda đại đế, dưới triều vua Tibê.

Mùa vọng lại đặt chúng ta trước những chân trời rộng lớn của việc cứu độ tất cả mọi người mà Chúa Cha đã sai phái Con của Ngài cho họ. Còn việc tiếp nhận: Gioan Tẩy giả yêu cầu chúng ta chuẩn bị cho Ngài một con đường. Hai hình ảnh giải toả và tẩy sạch có thể giúp chúng ta hình dung công việc này một lần nữa: làm bung ra những cái cửa quá rỉ sét và làm sập đổ sự từ chối mà chúng ta đã làm cho chai cứng nơi chúng ta, những núi đồi do dự và bác bẻ. Nói với Chúa: “Xin hãy vào trong con” đòi buộc một sự hoạt động tích cực.

Tôi có đi quá nhanh từ lời loan báo lớn lao của Gioan Tẩy giả “tất cả mọi người sẽ xem thấy ơn cứu độ” đến những lo toan cá nhân nhỏ nhặt hay không? Chúng không nhỏ nhặt đâu, những cái nhìn rộng lớn trên thế giới không được làm cho chúng ta quên đi khu vườn của chúng ta. Trả lời cho một lãnh chúa người Tây Ban Nha, thánh Pierre ở Alcantara nói: “Ông hãy tỏ ra có tấm lòng tốt, thì đó đã là một phần của thế giới sẽ trở nên tốt đẹp”. Nói với Chúa trong mùa vọng: “Hãy đến cứu độ tất cả chúng con” sẽ là một lời nguyện của kẻ mơ mộng nếu lời nguyện đó không hướng chúng ta về điều phải được cứu độ nơi mỗi người trong chúng ta.

 

63.Hãy dọn đường cho Chúa

Người ta kể lại rằng, một khoa học gia và cũng là họa sĩ nổi danh Leonardo da Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly, bức tranh được rất nhiều người khen ngợi cho đến ngày hôm nay. Ông có một tranh chấp mạnh mẽ với người láng giềng, tâm tình thù hận trong tâm hồn không cho phép ông vẽ một chân dung nhân từ dịu dàng của Chúa Giêsu. Ngồi trong phòng vẽ hàng giờ, nhưng Leonardo da Vinci không thể nào tập trung tinh thần để vẽ chân dung. Cuối cùng, ông quyết định đi tìm để làm hòa với người đang có tranh chấp, rồi với tâm hồn an bình thư thái, ông đã vẽ được dung mạo Chúa Giêsu trong bức tranh nổi tiếng Bữa Tiệc Ly, và dung mạo của Chúa Giêsu do ông vẽ ra đó thể hiện tuyệt vời đặc sắc tinh thần của Chúa Giêsu mà cho đến ngày hôm nay chưa có hay ít có họa sĩ nào theo kịp.

Hơn Leonardo da Vinci, mỗi người chúng ta được mời gọi không phải chỉ vẽ chân dung Chúa Giêsu trên trang giấy trong bức họa mà thể hiện chính Chúa Giêsu, trở thành một Chúa Giêsu Kitô thứ hai. Chúng ta không thể nào thành công làm công việc này, nếu tâm hồn chúng ta còn tích chứa những tật xấu, những tội lỗi, những tâm tình thù hận, ganh tị với anh chị em. Mỗi người chúng ta cần thực hiện điều mà thánh Phaolô tông đồ gọi là lớn lên trong đức bác ái: “Lòng bác ái của anh em càng ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày của Chúa Kitô ngự đến”. Đây có thể nói là mục tiêu chính của Mùa vọng chúng ta đang cử hành, mùa chuẩn bị tâm hồn của chúng ta hay đúng hơn tẩy sạch tâm hồn chúng ta khỏi những gì là tiêu cực xấu xa, nghịch lại sự thật của Chúa, để chúng ta có thể không phải là họa lại mà là trở thành chính Chúa Giêsu, đón nhận hoàn toàn ân sủng cứu rỗi của Ngài. Đây cũng là điều mà Gioan tiền hô trong bài Phúc âm hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do thái thời Ngài đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối, thay đổi nội tâm đã được Gioan rao giảng. Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.

Ước chi trong Mùa vọng này giúp chúng ta lắng nghe lời mời gọi của Gioan tẩy giả và nhất là lời mời gọi của chính Chúa đang đứng ngoài gõ cửa chờ ta để trở nên hiện ảnh, hiện thân của Chúa Giêsu giữa anh chị em, làm vinh danh Thiên Chúa và cũng vừa xây dựng được một xã hội tốt đẹp xứng đáng với con người mỗi ngày một hơn.

Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết hoán cải, canh tân đời sống trở về với Chúa mỗi ngày một nhiều hơn, thiết thực hơn. Amen.

 

64.Tiếng kêu trong sa mạc

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: Một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế. Anh ta giải thích như sau: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi”.

Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng vậy, tâm hồn con người luôn hướng tới về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người cũng sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu có không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao cương nghị, biết bao mồ hôi… để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt… Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.

Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy cày xới và vun trồng cho sa mạc tâm hồn chúng ta nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế: “Có tiếng kêu trong sa mạc: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi”. Đó là tiếng kêu của Gioan Tiền Hô. Là tiếng kêu trong sa mạc, Gioan không thể vắng bóng trong Mùa Vọng – Giáng Sinh, vì đời sống của Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa”. Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các Ngôn Sứ trong Cựu Ước để tiên báo Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến. Là Ngôn Sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của Gioan Tiền Hô đã đúc kết, tổng hợp mọi tiếng kêu của các Ngôn Sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia, của Baruc (Bđ.1). Chính vì vậy “Tiếng kêu trong sa mạc” là tên gọi của Gioan, một tên rất mông lung, có vẻ vô danh, nhưng lại rất súc tích: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lung, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.

Thưa anh chị em,

Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc không phải là “tiếng kêu trong sa mạc” theo nghĩa đó. Trái lại, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.

Tiếng kêu của Gioan không vô ích và cũng không lỗi thời, vì ngày nay, sau gần 2000 năm, tiếng kêu ấy vẫn còn tác động mạnh mẽ trong lòng nhiều người. Những điều xưa kia Gioan nói với dân chúng, hiện nay vẫn còn hợp thời, vẫn còn có giá trị. Và trong thực tế, ở khắp nơi trên thế giới, bao lâu hỗn loạn, tranh chấp, hận thù vẫn còn thì công cuộc dọn đường cho Chúa đến vẫn còn cấp bách. Như vậy, tiếng kêu của Gioan vẫn mãi mãi cần thiết để con người thay đổi đời sống cho tốt đẹp hơn.

Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến. Tuy nhiên, đối với một số người, tiếng kêu của Gioan đã trở thành thực sự là “tiếng kêu trong sa mạc”, không được họ lắng nghe và hưởng ứng bởi vì trong lòng họ là những đô thị ồn ào, nhộn nhịp, hỗn độn, ô nhiễm…, tâm hồn họ thiếu sự thanh vắng, cô tịch của sa mạc khiến họ không nghe được tiếng kêu của Gioan: Hãy dọn đường cho Chúa. Tiếng kêu của Gioan không gặp được một âm vang nào trong lòng họ, hoặc có đi nữa thì cũng chỉ là nhất thời và hời hợt như “hạt giống rơi vào bụi gai” mà Chúa đã giải thích là “những hạng người nghe lời Chúa, rồi bị những mối bồn chồn lo lắng, đam mê khoái lạc trên đời làm nghẽn đi mà không sinh hoa kết quả được” (Mt 13,18-23).

Vì vậy, muốn nghe được tiếng kêu của Gioan Tiền Hô thì phải tạo cho lòng mình trở nên sa mạc. Sa mạc là nơi thuận tiện cho cuộc hẹn hò gặp gỡ thân tình để nghe rõ tiếng Chúa hơn và để nhận lãnh sứ mạng của mình. Như ngôn sứ Hôsê đã viết: “Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Israen vào sa mạc, vào nơi thanh vắng, để ở đó, lòng kề lòng, Ta sẽ tâm tình với nó” (Hs 2,16). Ở sa mạc Sahara ngày nay, người ta vẫn còn thấy có những cộng đoàn tu sĩ, như các Tiểu đệ, Tiểu muội Chúa Giêsu, theo tinh thần Cha Charles de Foucauld, các tu sĩ ấy dù ở đâu cũng phải qua một thời gian tu luyện sống với Chúa, lắng nghe Chúa gọi giữa sa mạc, giữa cảnh cô tịch, nghèo khó, để sau khi đã có kinh nghiệm cụ thể về sa mạc, các tu sĩ ấy có thể tạo cho lòng mình trở nên sa mạc trong khi dấn thân phục vụ con người ở giữa lòng đời. Đó chính là công việc vun xới cho sa mạc nở hoa đón mừng Chúa Cứu Thế.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không đi vào sa mạc như các tu sĩ Tiểu đệ, Tiểu muội của Chúa Giêsu được, nhưng chúng ta cẩn phải tạo cho lòng mình trở thành một sa mạc, một nơi trầm lặng, yên tĩnh, bình an, để dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa mời gọi giữa cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp, bề bộn, căng thẳng nầy. Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến: Phải sửa lại đường xưa lối cũ, uốn nắn cho ngay thẳng những lối quanh co theo sở thích trái chướng của mình, lúc thế này khi thế khác… Phải trung thành trước sau như một, thi hành mọi đòi hỏi của Tin Mừng. Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.

 

65.Đường ngay nẻo chính

(Suy niệm của Lm. Anphong Trần Đức Phương)

Chúng ta đã bước sang Chúa Nhật II Mùa Vọng.

Trong Mùa Vọng, qua các Bài Đọc trong Thánh lễ, chúng ta được sống lại lịch sử Ơn Cứu Độ. Các Bài Đọc Cựu Ước thường trích ra từ sách Tiên Tri Isaia, một vị Tiên Tri lớn trong thời Cựu Ước, sống vào khoảng hậu bán thế kỷ VIII trước Chúa Giáng Sinh. Tiên Tri đã được linh ứng và tuyên sấm về ngày Đấng Cứu Thế đến, mặc thân  xác loài người và sống giữa nhân loại như một con  người để chia sẻ thân phận con người như chúng ta, rao giảng Tin Mừng tình thương và Ơn Cứu Độ, chịu bao khổ hình, và chết trên Thập Giá để đền tội và cứu chuộc nhân loại tội lỗi; rồi Ngài đã sống lại và về Trời vinh hiển để mở đường cứu rỗi cho mọi người tin và sống theo tinh thần Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng. Ngài được sinh ra từ cung lòng một Trinh Nữ và được gọi là Emmanuel, có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tiên Tri Isaia đã loan báo trước: “Này một Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai…” (Isaia 7: 14)

Tiên Tri Isaia cũng nói đến Đấng Cứu Thế như một “Hoàng Tử Hòa Bình”, và triều đại của Ngài là một thời thanh bính: “Người ta lấy gươm mà rèn nên lưỡi cầy, lấy dao rèn nên lưỡi liềm. Nước này sẽ không còn tuốt gươm để chống nước kia!” (Isaia 2: 4). Đó cũng là thời đại của tình yêu thương, hòa hợp: Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ sống chung với nhau; các trẻ thơ sẽ chăn dắt đoàn thú vật, bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi!...” (Isaia 11: 6-9).

Nhưng để có thể đi vào thời đại của Đấng Cứu Thế trong một “Trời Mới Đất Mới”, mỗi người phải sửa đổi cuộc sống cho ngay thẳng, lương thiện, sống công chính và yêu thương. Tiên Tri Isaia đã hô hào: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp các hố sâu, và bạt mọi núi đồi. Con đường cong queo hãy sửa cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng; rồi vinh hiển của Chúa sẽ xuất hiện; mọi người sẽ thấy vinh quang của Thiên Chúa…” (Isaia 40: 3-5).

Chúa Nhật hôm nay (Bài Phúa Âm trích trong Phúc Âm Thánh Luca 3: 1-6), Thánh Gioan Tiền Hô cũng nhắc lại lời Tiên Tri Isaia để kêu gọi mọi người chuẩn bị tâm hồn đón Đấng Cứu Thế: “Hãy ăn năn thống hối, vì Nước Trời đã gần đến. Chính Người là Đấng Tiên Tri Isaia đã loan báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng…”

Bài Đọc I (Sách Baruc 5: 1-9) nói đến ngày Thiên Chúa đến giải thoát Dân Chúa khỏi cảnh lưu đầy và đưa về quê hương. Tiên Tri hô hào dân chúng hãy hân hoan vui mừng, “hãy cởi áo tang chế.” Hãy vui mừng vì ngày giải thoát đã đến. Các núi đồi đã bị triệt hạ, các hố sâu được lấp đầy, mặt đất được bằng phẳng để mọi người bước đi ca hát tôn vinh danh Chúa trong niềm hân hoan. “Khi Chúa đưa dân Sion bị bắt trở về, người người hân hoan như trong một giấc mơ…” (Đáp Ca trích trong Thánh Vịnh 125). Đây cũng là hình ảnh ngày Chúa Cứu Thế đến, ngày công lý và hoà bình ngự trị!

Những hình ảnh cụ thể về công việc “sửa đường và dọn đường đón Đấng Cứu Thế…” đều nói lên công cuộc sửa đổi đời sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta luôn đi theo “đường ngay nẻo chính” sẵn sàng đón Chúa đến với chúng ta. Đó là công việc thánh hóa bản thân và thánh hóa môi trường sống của chúng ta. Thời đại nào, xã hội cũng có những ‘tệ đoan’, những cảnh bất công, gian tham, hà hiếp lẫn nhau. Nhưng chúng ta, những tín hữu của Chúa, chẳng những phải tránh xa những tệ đoan đó, phải tránh xa những sự gian tham, ích kỷ tư lợi, mà còn có bổn phận phải góp phần vào việc sửa đổi xã hội khỏi những tệ đoan đó. Hơn nữa, chúng ta còn phải sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương với mọi người. Vì thế, Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (Philipphê 1: 4-6, 8-11) đã nói với chúng ta: “Tôi cầu xin cho anh em  được nên tinh tuyền, không gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô lại đến. Như thế, anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào là sống một đời sống công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.”

Mùa Vọng là mùa tĩnh tâm dài để mọi người chúng ta dành nhiều thời giờ hơn vào việc cầu nguyện, và trong thinh lặng của đáy tâm hồn, và “từ trong sa mạc ‘của đời sống, chúng ta có thể lắng nghe thấy tiếng Chúa mời gọi chúng ta: ‘Hãy sửa đường lối cuộc đời chúng ta cho ngay thẳng, tránh những quanh co, gian dối; hãy lấp đầy lòng chúng ta bằng công việc lành phúc đức “hoa quả của sự công chính” (Bài Đọc II) thay vì những gian tham; bạt núi đồi của tính kiêu ngạo khoe khoang để tâm hồn chúng ta luôn sống khiêm tốn và hòa hợp yêu thương với mọi người, và “chúng ta sẽ cảm nghiệm được Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa đến với chúng ta và gia đình chúng ta.”

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện để mỗi người chúng ta, dù sống trong điạ vị nào, hoàn cảnh nào, là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, chúng ta luôn cố gắng sống theo ‘đường ngay nẻo chính’ và lo chu toàn bổn phận của  mình. Xin cho các Chủ Chăn, các Linh Mục, tu sĩ nam nữ, luôn cố gắng tận hiến cuộc đời phục vụ Chúa và dân Chúa. Xin cho các bậc cha mẹ biết sống đức tin mạnh mẽ để làm gương sáng cho con cháu. Xin cho các cặp vợ chồng biết sống yêu thương, chịu đựng lẫn nhau, chung thủy trong tình yêu. Xin cho giới trẻ lớn lên được hưởng một nền giáo dục tốt từ nơi gia đình để nắm vững đức tin và luôn cố gắng sống theo đường lối của Chúa.

“Hãy san bằng đồi núi cho Người đi,

Lấp vũng sâu ham hố cho Người qua:

Núi kiêu căng và hố tham lợi danh và hố của hờn ganh!  Hãy lấp cho thật nhanh!

Người đang đến, kìa Người đang đến giữa chúng ta.

Người mang đến, kìa Người mang đến ơn cứu độ.

Người đang đến thăm chúng ta, va cứu rỗi, và Người cứu rỗi ta khỏi tội.”

(Ngọc Kôn: Thánh ca “Hãy San Bằng Đồi Núi”).

 

66.Chúa Nhật 2 Mùa Vọng

(Suy niệm của Lm. John Eckert - Chuyển ngữ:JB. Đào Ngọc Điệp)

Có bao giờ bạn để ý những cuốn phim vào mùa Giáng sinh hấp dẫn nhất diễn tả những đổ vỡ tan tành như thế nào chưa? Nào là những cảnh tập trung thật đông nhân viên cảnh sát, rồi âm thanh chí chóe chói tai của những con sóc trong phim Kỳ nghỉ Giáng sinh (Christmas Vacation); nào là đàn chó săn quậy phá ở phần kết của phim A Christmas Story muốn làm nổ tung con mắt người xem; hoặc, (một trong những phim tôi yêu thích), cảnh Tòa tháp Nakatomi gần như bị phá hủy hoàn toàn vào cuối bữa tiệc Giáng sinh khó quên trong phim Die Hard. Bất kể những kế hoạch dù là tốt nhất được dàn xếp, cuối cùng mọi thứ đều tiêu tan. Chưa hết. . . chúng ta quen xem lại các phim này khi mùa Giáng Sinh đến. Tại sao? Cuộc sống quanh ta hiếm khi yên tĩnh, dù vậy những kết cục tốt đẹp nhất vẫn có thể xảy đến. Tất nhiên, điều đó không  chỉ có trong phim ảnh đâu.

Hãy đọc từng bài sách thánh của Chủ nhật này; tất cả đều diễn ra trong một bối cảnh không mấy hoàn hảo – Nào là Ngôn sứ Ba-rúc sống ở thời bị lưu đày, rồi Thánh Phao-lô từ trong ngục tù viết thư cho tín hữu Phi-líp-phê, và danh sách các nhân vật cai trị cả dân sự lẫn tôn giáo vào thời điểm Thánh Gio-an Tẩy Giả lên tiếng kêu gọi, không có lấy một nhóm người Thánh thiện nào. Trên thực tế, kẻ ngẫu nhiên giết Gio-an lại được kể vào số trong danh sách. Tại sao lại đề cập đến những chi tiết không mấy đẹp đẽ của các bài đọc và các cuốn phim kể trên? Bởi vì áp lực xung quanh chúng ta vào thời điểm này trong năm để có một Giáng sinh hoàn hảo, hoặc những tin tức liên tục quanh ta nói chung đều là những tin xấu, tất cả đều có thể khiến chúng ta không còn chú ý đến những gì thực sự quan trọng khi chúng ta đi vào tâm điểm của Mùa Vọng là sự hối cải.

Angelus Silesius, nhà thần bí người Đức ở thế kỷ XVII nói: “Chúa Kitô có thể sinh ra một nghìn lần ở Bét-lê-hem – nhưng tất cả đều vô ích cho đến khi Người sinh ra trong tôi”. Chúng ta chỉ còn 20 ngày nữa là đến Giáng sinh, và bây giờ là lúc thích hợp để chắc chắn rằng đây không phải là việc sẽ mừng lễ  một cách vô ích. Lời nguyện mở đầu Thánh lễ hôm nay cầu xin “Thiên Chúa toàn năng và nhân từ đừng để chúng con mải mê sự thế gian, chẳng còn thiết tha đi đón mừng Con Chúa…” Thành thật mà nói, vào lúc này trong năm, có rất nhiều “công việc mang tính chất trần gian”. Dù chúng ta có sớm hát Đêm Thánh Vô Cùng, nhưng tất cả sẽ không thể bình an và tươi sáng trong tâm hồn nếu chúng ta không dọn đường cho Vua các vua “sinh ra trong tôi”.

Để làm được điều này, điều căn bản đầu tiên là đừng bận tâm đến mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Danh sách các nhà lãnh đạo thế tục cũng như tôn giáo từ 2,000 năm trước ở đầu bài Phúc âm hôm nay cho thấy đã không có một Thời đại lãnh đạo vàng son nào cả. Chúa chúng ta không sinh ra trong một thời đại như thế. Thời đại đó chắc chắn không hiện diện lúc này. Rồi cho đến khi Chúa chúng ta và Vua Vũ trụ hoàn tất sự mong chờ của chúng ta trong niềm hy vọng hân hoan và cho đến khi Người giáng lâm, thì thời đại cai trị đức độ như vậy vẫn chưa hiện diện. Vì thế, hãy tắt máy xem tin tức 24 giờ của bạn trong Mùa Vọng này, ngừng đọc các dòng tin ngắn cứ mười phút xuất hiện một lần, và bắt các việc thế gian thường xuyên quấy rầy ta phải câm đi trong ba tuần tới và hãy để cho Chúa chúng ta nói với bạn.

Bạn cần phải sám hối ở lãnh vực nào? Đâu là những trở ngại khiến bạn không gặp được Con Một Thiên Chúa? Đừng nói tôi không có thời giờ để đi xưng tội.  Cũng đừng nói tôi không có thời giờ xét mình xưng tội. Khi tiếng kêu cất lên trong hoang địa, bạn hãy bước đi trong không khí giá lạnh mùa đông và hãy xin Chúa nói với tâm hồn bạn về những tháng qua kể từ khi xưng tội lần trước. Điều gì bạn đã làm hoặc đã không làm khiến cho bạn bị ngăn cách với Ngài? Tình yêu của bạn dành cho Chúa đã nguội lạnh ở điểm nào? Bạn đã thể hiện tình yêu hy sinh như thế nào đối với những người Chúa đã đặt trong cuộc đời bạn? Hãy xin Người ban ơn để bạn nhận biết tội lỗi mình cũng như ơn biết tín thác vào lòng Chúa thương xót.

Sau cuộc đi bộ trong thanh vắng giúp bạn để cho tiếng nói của Đấng kêu gọi bạn hãy nói với tâm hồn mình, bạn hãy tận dụng một trong những món quà lớn nhất Người đã từng ban tặng cho Giáo hội là Bí tích Hòa Giải. Sau khi nghe những lời xá giải ban ơn tha thứ tội lỗi, đó là lúc tấm áo thực sự của ưu phiền và đau đớn được rũ bỏ để mặc vào tấm áo đẹp đẽ của vinh quang Thiên Chúa. Bạn có thể tổ chức hoặc tham dự hàng nghìn bữa tiệc Giáng sinh tầm cỡ của Martha Stewart (doanh nhân truyền hình Hoa Kỳ nổi tiếng dạy nấu ăn, viết sách nấu ăn, dụng cụ nấu ăn …), nhưng nếu bạn vẫn còn sa lầy trong vũng bùn của những gì ngăn cách bạn với bình an của Chúa Giêsu Kitô, thì vấn đề nằm ở những gì xung quanh bạn. Nếu Người không sinh ra trong tâm hồn bạn, thì việc mừng lễ Giáng Sinh của bạn cũng vô ích thôi.

Lời cầu nguyện nhập lễ kết thúc với lời cầu “Xin dạy chúng con biết yêu thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.” Sự thật của vấn đề là Thiên Chúa đã hoàn tất công việc của Người là làm cho những con đường quanh co trở nên ngay thẳng và mọi điều khác đi song song với con đường đó để Người đến với chúng ta. Ngay cả trong hoàn cảnh tồi tệ nhất, Con Thiên Chúa vẫn đến với chúng ta. Vấn đề của bạn khi Mùa Vọng đang thực sự diễn tiến là bạn có để những cản trở do công việc trần thế, dù ở gần hay ở xa, không cho bạn có được sự khôn ngoan trên trời mà ở cùng Đấng đã đến với bạn hay không. Bạn thân mến, hãy dành thời giờ cho Người, hãy sám hối, hãy lãnh nhận ơn tha thứ của Người, chứ đừng để dòng lũ không ngừng của những hoàn cảnh bất toàn ngăn cản không cho bạn cùng ở với Người.

Nguồn: https://www.hprweb.com/

 

67.Sửa đường là sám hối

(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

Chúa nhật II Mùa Vọng hàng năm, chúng ta chiêm ngắm dung mạo Gioan Tiền hô, một ngôn sứ đầy tràn ơn Thánh Linh. Gioan mời gọi: “Hãy sám hối vì nước trời đã cận kề”. Giống như các Ngôn sứ tiền bối, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1–8,3…), dần dần đưa tới một tình trạng cứng cỏi. Ba bài Tin Mừng từ Nhất Lãm (Mt 3, 1-12; Mc 1, 1-8; Lc 3, 1-6), thuật lại niềm hăng say rao giảng của Đấng Tiền Hô, kêu mời sám hối và loan báo sẽ có một đấng quyền năng hơn, Ngài sẽ rửa tội trong Chúa Thánh Thần.

Sự xuất hiện của Gioan không phải là chuyện ngẫu nhiên, đột xuất, bất ngờ nhưng là kế hoạch của Thiên Chúa đã được loan báo trong Cựu ước.

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa tuyên bố với dân của Giao ước: “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để gìn giữ ngươi khi đi đường và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn” (Xh 23,20).

Trong sách ngôn sứ Malakhi: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh điện của Người” (Ml 3,1).

Trong sách ngôn sứ Isaia: “Có tiếng hô, trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40,3-4).

Trong sách Xuất hành, Thiên Chúa sai thiên sứ đi trước để gìn giữ và đưa dân vào Đất Hứa. Trong sách Isaia, Thiên Chúa gởi tiếng hô dọn đưởng để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về. Trong sách Malakhi, Thiên Chúa sai sứ giả dọn đường trước mặt Thiên Chúa, để Ngài đến cứu độ. Ba lời này gom lại để diễn tả hai nhân vật: “Đúng theo lời đó, ông Gioan đã xuất hiện trong hoang địa…” Trước hết, sự xuất hện của ông Gioan Tẩy Giả trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Isaia nói về dọn một con đường trong hoang địa để Thiên Chúa đưa dân lưu đày trở về; Maccô di chuyển dấu phết để nói về ông Gioan xuất hiện trong hoang địa. Con đường ông dọn không phải là con đường trong hoang địa, nhưng là con đường trong lòng người, được uốn thẳng san bằng nhờ lòng sám hối, để được ơn cứu độ tức là ơn tha tội. Sách Malakhi nói về dọn đường trước mặt Ta, tức là Thiên Chúa. Maccô ghép với lời sách Xuất hành để nói sứ giả dọn đường trước mặt Con, tức là Đức Giêsu, như tiếng từ trời xác nhận sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa. (x.Tĩnh tâm với sách Tin Mừng Maccô, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan, SJ).

Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ.Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước, vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau. Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa, và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau. Nhưng Ngài cần Gioan để làm người tiền hô, dọn đường.

Con đường Gioan mời gọi tu sửa là đường trong lòng người. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo, hãy san cho thẳng. Những gì gò cao cần phải bạt xuống. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp; đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Khi Đức Giáo Hoàng hay vị nguyên thủ quốc gia đất nước nào muốn đến thăm viếng đất nước khác, vị Đại sứ hay đoàn Sứ giả được cử đến nơi đó hội đàm dọn đường, sắp đặt chương trình cho cuộc viếng thăm, có thể cả hằng năm trước đó.

Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua; như căn nhà cho Chúa ngự tới; Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nỗi đam mê tiền lợi danh, có những tính hư nết xấu.

Sửa đường là sám hối, không nói suông, không chỉ là đấm ngực, xé áo. Sám hối là nhận ra cái sai của mình và quyết tâm sửa đổi. Sám hối sẽ không là nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực; sám hối là sống công bằng, không tham lam nhũng lạm, không dùng quyền để cưỡng đoạt, áp bức người khác. Đường vào tâm hồn có những khúc quanh co: lén lút sống trong vòng tội lỗi, dối lừa. Sách Cách Ngôn có dạy “Thiên Chúa ghê tởm tâm địa quanh co” (Cn 11,20). Cứu cánh của kẻ quanh co là gian ác, cho nên cần phải uốn nắn lòng mình thẳng ngay như sách Cách Ngôn nói: “Đường lối của kẻ gian ác thì quanh co, hành động của người trong sạch thì ngay thẳng” (Cn 21,28). Uốn những quanh co là sống Chính trực công minh ngay thẳng ví như tác giả thư Do Thái nhấn mạnh: “Thiên Chúa ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Dt 1,9); Nếu lòng còn mãi quanh co, gập ghềnh, đầy những dối lừa biện minh cho những sai trái của mình… thì làm sao mà sửa đổi được! Nếu không nhìn nhận mình sai lỗi thì làm sao có lòng thật tâm sửa lỗi. Sám hối đích thực là hoán cải. Hoán cải đòi hỏi phải hành động, phải trả giá, sẵn sàng chấp nhận những hy sinh, mất mát liên quan đến sự an toàn và tiện nghi của bản thân. Chỉ có sám hối và hoán cải cách đích thực thì mới dọn đường tâm hồn xứng đáng để đón Chúa.

Sửa đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén bạc cho chủ. Như người lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng tham lam đố kỵ ghen ghét, lười biếng, hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển. 

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường được làm bằng đất đá, nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển, trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi. Chính vì thế, Giáo hội muốn chúng ta sống 4 tuần lễ Mùa Vọng này như sống trong sa mạc: bình tâm hơn, ăn uống đạm bạc hơn, cầu nguyện nhiều hơn để biết rõ ý Chúa.

Gioan đã giúp người ta sám hối, thú tội và lãnh nhận phép rửa, sửa đường nội tâm. Nếp sống giản dị của Gioan mang tâm tình sám hối, sửa đường. Gioan kêu gọi mọi người dọn tâm hồn để đón Đấng Cứu Thế, và chính Gioan đã sống như con đường thẳng. Gioan mời gọi người ta sám hối, và chính đời ngài đã mang nét sửa chữa bằng tâm tình sám hối tâm thành.

“Hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối”, lòng sám hối đích thực của Mùa Vọng chính là tích cực đổi mới ngay trong đời sống cụ thể. Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

 

home Mục lục Lưu trữ