Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 44

Tổng truy cập: 1363934

THIÊN CHÚA SẼ MINH XÉT

THIÊN CHÚA SẼ MINH XÉT- Lm. JB. Lê Ngọc Dũng

Trong cuộc đời, khi những gian lao khốn khó xảy đến, chúng ta chạy đến Thiên Chúa để cầu xin Ngài cứu giúp; các người khác thì cũng vậy, chạy đến Trời, đến Phật hay một vị thần linh nào đó để cầu xin.

Nhiều người đã được ơn thoát khỏi hiểm nguy khốn khó. Tuy nhiên nhiều người khác lại thấy mình chẳng được ơn ích gì cả. Họ cũng kiên trì cầu nguyện, họ cũng đã cầu xin lâu bền mà vẫn chẳng thấy được ơn. Những điều họ xin nhiều khi rất là chính đáng nhưng đã không được đáp trả. Họ xin cho khỏi bị bóc lột áp bức, bất công; xin cho được cơm bánh, khỏi nghèo đói nhưng vẫn không thấy được.

Sáng ngày 16/10 vừa qua (2019), Ngày Lương thực Thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một bức thư đến Liên Hiệp Quốc. Có những đoạn ngài viết:

“Ngày Lương thực Thế giới vang vọng hàng năm với tiếng khóc của rất nhiều anh em chúng ta, những người tiếp tục chịu những bi kịch về đói kém và suy dinh dưỡng.”

“Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý … trong khi có những khu vực trên thế giới thực phẩm bị lãng phí, vứt đi, tiêu thụ quá mức hoặc dùng vào các mục đích khác”.

Chúng ta hãy thử suy nghĩ xem: Phải chăng những người bị nghèo đói đó đã không cầu nguyện? Sao Chúa không trả lại công bằng cho họ, cứ để mà Điều Đức Giáo Hoàng nói là: Thật tàn nhẫn, không công bằng và nghịch lý…?

Phải chăng những người nghèo đói, những người bị áp bức bất công đó, đã không kiên trì cầu nguyện, hay là họ không có đủ đức tin?

Chắc chắn là không. Có thể họ đã cầu nguyện ngày này qua ngày khác với lòng tin, nhưng họ vẫn không được nhận lời!

Quả thật là khó hiểu, vì có cái gì đó không ăn khớp với nhau giữa dụ ngôn và thực tế! Những khó hiểu này, đòi chúng chúng ta phải tìm hiểu kỹ hơn về dụ ngôn Chúa Giêsu đã dạy.

Có một số chi tiết trong dụ ngôn khiến chúng ta phải để ý. Bà góa đã xin điều gì? Bà đã không xin một ân huệ, không xin có cơm bánh hằng ngày, không xin được lành bệnh, như kẻ mù xin được thấy, kẻ điếc xin được nghe, người câm xin nói được… mà bà chỉ xin được vị quan tòa “minh xét” vì bà đang bị đối phương hãm hại.

Bà này là một bà góa, một người bé nhỏ trong xã hội, một kẻ thấp cổ bé họng. Bà chỉ xin được xét xử công bằng trước những bất công của cuộc đời, vì bà đang bị đè bẹp trước những áp bức bất công.

Rồi chúng ta hãy nhìn về ông quan tòa. Chúa Giêsu gọi ông là vị quan tòa “bất chính”. Ông cũng kiêu hãnh, tự coi mình là người chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì. Thế mà cuối cùng lại chịu xét xử cho bà góa. Ông đã làm một điều mà ông không muốn làm, chỉ vì bà ta cứ quấy rầy, làm ông nhức đầu nhức óc. Ông nghĩ rằng xử đi cho xong chuyện.

Chắc chắn rằng, Chúa Giêsu không có ý mô tả Thiên Chúa giống như ông quan tòa, nhưng ngài muốn nhấn mạnh đến sự kiên trì cầu nguyện và khẳng định Thiên Chúa sẽ “minh xét” cho những kẻ Ngài đã “tuyển chọn”, ngày đêm hằng kêu cứu đến Ngài. Một người bất chính xấu xa như ông quan tòa kia mà còn chịu nghe lời van xin, huống chi là Thiên Chúa lại không nghe lời kêu xin của những người Ngài đã tuyển chọn.

Tìm hiểu dụ ngôn tới đây, ta vẫn thấy khó hiểu cho những trường hợp người ta đã kêu xin mà vẫn không thấy nhận lời. Kẻ nghèo đói vẫn cứ nghèo đói, kẻ bị áp bức vẫn cứ bị áp bức. Cường hào ác bá sao vẫn cứ sống phây phây…! Không thấy Chúa minh xét đâu cả!

Một đàng Ngài nói sẽ minh xét cho chúng ta, đàng khác thì chúng ta lại không thấy được minh xét. Sự trai trái như vậy, có thể làm cho chúng ta không tin vào Chúa nữa. Vì vậy, không lạ gì, ngay sau dụ ngôn Chúa Giêsu nói thêm: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”?

Và ở câu trước đó, Chúa Giêsu nói: “Lẽ nào Ngài bắt họ chờ đợi mãi?”. Những chữ Chúa Giêsu nói ở cuối dụ ngôn: “kẻ Người đã tuyển chọn”, “chờ đợi”, “Con Người ngự đến” cho chúng ta thấy dụ ngôn này được đặt vào bối cảnh của ngày cánh chung, của ngày tận thế, ngày mà thế gian sẽ qua đi và Nước Thiên Chúa sẽ đến. Đây chính là điều chúng ta phải chú ý đến để hiểu toàn bộ dụ ngôn.

Trước ngày cánh chung, hay tận thế, các tín hữu, những người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, sẽ phải chịu những bất công, những bách hại. Những điều này không chỉ xảy ra vào thời các Tông đồ mà còn vào mọi thời, mọi nơi. Các Kitô hữu cần phải kiên trì cầu nguyện trước những gian nan thử thách, khi bị bách hại, khi bị đối xử bất công. Các Kitô hữu phải tin tưởng chắc chắc rằng Thiên Chúa sẽ minh xét cho họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại không minh xét cho chúng ta ngay ở đời này, nếu có thì cũng ít khi, vì những sự ở đời này cũng sẽ qua đi, nhưng Ngài sẽ minh xét cho chúng ta ở đời sau, một đời sống hạnh phúc vĩnh cữu, tồn tại mãi mãi.

Chính Đức Giêsu, một con người, con của Bà Maria và Ông Giuse, cũng là người được Thiên Chúa “tuyển chọn”, đã bị bách hại, bị kết án bất công, chịu chết, chết nhục nhã trần truồng trên thập giá. Chắc Đức Giêsu cũng đã cầu xin tha thiết với Thiên Chúa là hãy minh xét cho Ngài; và Ngài cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng Thiên Chúa sẽ nhận lời. Và quả thật, Thiên Chúa đã nhận lời, đã cho Ngài Phục Sinh vinh hiển và đã tôn vinh Ngài.

Mỗi người chúng ta cũng là những kẻ được Thiên Chúa “tuyển chọn”, hãy noi gương Đức Giêsu Kitô, là hãy kiên trì cầu xin và tin tưởng vào sự “minh xét” của Thiên Chúa.

 CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN-C

CẦU NGUYỆN VỚI NIỀM TIN SẮT ĐÁ- Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Ngày 17/09/1789, người ta thấy một bà cụ già đi cạnh một tù nhân đang bị điều ra pháp trường. Bà cụ hết sức cầu nguyện, an ủi, khuyến khích con can đảm chịu chết vì đạo. Khi đầu con bị chém rơi xuống đất, bà mẹ bình tĩnh đến trước mặt quan tòa nói: Bẩm quan, khi con tôi còn sống thì thuộc quyền quan, nay con tôi đã chết, xin quan cho tôi được lãnh xác mang về chôn cất, hay ít nữa là được chiếc đầu. Quan truyền lính trao cho bà chiếc đầu. Bà cụ nhẹ nhàng lấy vạt áo bọc lấy đầu con. Đó là chiếc đầu của thánh tử đạo Linh mục Emmanuel Triệu.

Nhờ đâu ở thời sơ khai của Đạo Công Giáo Việt Nam, một Bà cụ quê mùa, mù chữ đã bình tĩnh, can đảm, sáng suốt dậy dỗ con được như vậy? Phải chăng chính là nhờ sự cầu nguyện với lòng tin sắt đá của bà đã biết dậy con mến Chúa và hiến dâng con làm Linh mục cứu các linh hồn và được ơn phúc làm thánh tử đạo.

Bà Mẹ Thánh Triệu không nài xin quan tòa minh oan cho con, nhưng bà đã cầu nguyện với niềm tin kiên trì sắt đá hơn cả bà góa xin quan tòa xử cho bà. Đây là điều Đức Giêsu muốn nhấn mạnh trong Tin Mừng hôm nay.

Sự hiệu nghiệm do lời cầu nguyện với niềm tin bền vững được bày tỏ qua câu chuyện giữa hai nhân vật điển hình: Bà góa với ông quan toà. Theo đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu muốn so sánh chúng ta với bà góa, và cực lắm Người phải so sánh Thiên Chúa với quan tòa.

Ông quan tòa được mô tả là người chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì. Chẳng kính sợ Thiên Chúa có nghĩa là ông vô đạo, vô lương tâm, coi trời đất bằng không. Do đó, ông vô trách nhiệm, muốn làm gì thì làm, muốn bỏ thì bỏ. Muốn xử ai theo ý ông thì xử. Ông chẳng coi ai ra gì, tức là ông là nhất, chẳng sợ cấp trên, chẳng nể cấp dưới. Chẳng ai bảo được ông, ông mặc sức độc tài, hoành hành, tác yêu, tác quái. Đó là hạng quan tòa bất công, bất nhân đã rất ngạo ngược.

Ông khác xa Thiên Chúa một trời một vực. Thiên Chúa là Đấng công minh chính đại, xét xử thưởng phạt vô cùng công bằng. Thiên Chúa lại rất nhân từ, rất thương xót mọi người, luôn luôn bênh đỡ những kẻ bé mọn kêu cầu Người. Trước một Thiên Chúa công minh và từ bi nhân ái như thế, tại sao chúng ta không biết tha thiết cầu khẩn Người?

Có lẽ chúng ta đối với Thiên Chúa còn kém quá xa bà góa đối với ông quan tòa. Bà góa là hạng người thân phận hẩm hiu, xấu hổ, cô thế, cô thân, luôn bị kẻ khác đàn áp khốn khổ. Bà quá nghèo túng chẳng có gì đút lót cho quan tòa, nhưng bà có thái độ rất đáo để, rất kiên trì, rất cương quyết. Bà tin chắc cứ kêu nài, cứ van xin, cứ quấy rầy, thế nào quan tòa cũng phải chịu xét xử. Ông không xử vì thương bà, không sợ ai, nhưng ông phải sợ sự quấy rầy. Bà không để cho ông được yên lúc nào, không để ông rảnh rỗi ăn chơi, buộc ông phải đau đầu, nhức óc, ông muốn khỏi khổ với bà, ông phải xử cho xong. Xong ở chỗ cho bà phải thắng kẻ thù bất công, vì bà không thể để cho kẻ thù ức hiếp bà. Đó là lý do chính đáng thúc đẩy bà phải kêu nài tòa xử cho bằng được.

Đối với Thiên Chúa, thân phận của chúng ta được ưu đãi hơn nhiều thân phận của bà góa đối với quan tòa. Chúng ta không bị cô thế, cô thân như bà góa, vì chúng ta có Đấng trung gian là Đức Giêsu cứu giúp chúng ta trước mặt Chúa Cha. Người đã thương yêu hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng ta, tuyển chọn chúng ta làm con Thiên Chúa. Bà góa cần minh oan thế nào, thì chúng ta phải khẩn thiết cầu nguyện để Chúa cứu chữa chúng ta khỏi tay ba thù hơn thế. Ba thù đó là ma quỷ, thế gian và các dục vọng xấu xa, chúng luôn luôn hãm hại chúng ta rất khủng khiếp như Thánh Phêrô nói: “Ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr. 5, 8). Chúng ta muốn sống đời đời, chúng ta phải siêng năng cầu nguyện kiên trì với lòng tin sắt đá thì “Thiên Chúa, nguồn mọi ân sủng, là Đấng đã kêu gọi anh em vào vinh quang đời đời của Người trong Đức Kitô, sẽ cho anh em nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ và kiên cường”. (1Pr. 5,10).

Phải kiên cường cầu nguyện như mẹ của Thánh Emmanuel Triệu mới giải thoát con mình khỏi sợ hãi gươm chém và anh dũng hiên ngang ra pháp trường để lãnh triều thiên vinh quang tử đạo.

Phải kiên trì cầu nguyện suốt 20 năm trường như bà thánh Monica, Chúa mới ban cho đứa con tội lỗi, lạc giáo trở về làm thánh Giám mục Tiến sĩ Hội thánh.

Một đại chủng sinh đã viết: “Con lấy làm vinh dự sống trong gia đình nghèo hèn, chỉ ăn cháo, không bao giờ biết đến bánh mì và thịt, họa may đôi ba lần trong một năm. Tuy gần 20 đứa con lớn bé đang chờ chực đĩa cháo, nhưng nếu có người đến ăn xin, mẹ vẫn mời họ ngồi ăn với chúng con”. Bà mẹ đó chính là mẹ Đức Giáo Hoàng Gioan 23, một vị Giáo Hoàng vĩ đại của hòa bình, được cả thế giới mến phục, được thưởng Nobel Hòa Bình, và là Giáo Hoàng của Công đồng Vatican II vĩ đại. Nhờ đâu một bà mẹ quê mùa, nghèo khó đã biết dậy dỗ con nên người vĩ đại như vậy: Thưa chính là nhờ cầu nguyện với niềm tin sắt đá.

Liệu bây giờ, Chúa còn thấy được lòng tin kiên trì cầu nguyện nơi chúng ta nữa không?

Lạy Chúa, xin cho con mạnh bạo thưa với Chúa rằng: Chúng con vẫn còn lòng tin kiên trì cầu nguyện đó, nhưng xin Chúa luôn luôn nâng đỡ sự yếu hèn của chúng con.

CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN- C

KIÊN TÂM-  Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Truyện kể: Wilma Rudolph bị bạo bệnh ngay từ lúc mới sinh. Cô là một đứa trẻ sinh non thiếu tháng, bị viêm phổi, cảm hồng chẩn và bị bại liệt. Bệnh bại liệt làm cho một chân bị teo cơ và bàn chân mang tật. Tới lúc 11 tuổi, Wilma chân đi khập khễnh bị niềng bởi miếng kim loại. Tại nhà, cô bé xin chị coi chừng, trong khi cô thực tập bước đi không mang vật niềng. Cô bé tập tành mỗi ngày, nhưng sợ rằng cha mẹ của cô khám phá ra việc cô đang làm và có thể ép buộc cô phải ngưng. Cuối cùng, cảm thấy có lỗi. Cô trình bày mọi sự việc đang diễn tiến, bác sĩ qúa ngạc nhiên. Tuy nhiên, ông cho phép cô tiếp tục thực tập nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Dù thế nào đi nữa, câu truyện rút ngắn lại. Wilma tập bước đi cho tới khi cô bé đã rời bỏ đôi nạng vĩnh viễn. Cô bé tiến bộ trong việc tập chạy. Khi cô lên 16 tuổi, cô đã thắng giải huy chương đồng trong cuộc chạy đua tiếp sức ở Melbourne Olympics. Bốn năm sau, tại Rome Olympics, cô trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử thắng ba huy chương vàng môn điền kinh. Cô trở về với băng ghi dấu được đón chào tại Hoa Kỳ và gặp riêng tổng thống Kennedy và nhận Giải Thưởng Sullivan (Sullivan Award) như vận động viên nghiệp dư hàng đầu của quốc gia.

Trong cuộc lữ hành về Đất Hứa, dân Do-thái gặp nhiều bước gian truân cả đối nội lẫn đối ngoại. Đối đầu gian khó cả tinh thần lẫn thể chất. Thiên Chúa thanh luyện lòng dân qua rất nhiều biến cố khó khăn. Họ lo lắng về nơi ăn chốn ở và sự an toàn cuộc sống. Dân sống chết với cuộc sống bấp bênh lang thang trong hoang địa. Đi qua các vùng dân cư ngoại bang, họ phải tranh đấu để sống còn. Có nhiều nhóm dân thù nghịch đã dấy lên gây chiến với họ. Người Amalec đã đưa quân chinh phạt Israel: Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim (Xh 17, 8). Ông Môisen đã phải cầu khẩn với Thiên Chúa suốt ngày. Ông giang tay kiên tâm cầu nguyện, luôn đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa để cầu xin cho dân thắng trận: Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế (Xh 17, 11). Ông Môisen và dân chúng một lòng kiên trì cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Quyền phép của Chúa thức hiện nhãn tiền qua từng giây phút.

Môisen đã kết hợp lòng trí một cách rất chân thành với Thiên Chúa Giavê. Ông khẩn cầu cùng Thiên Chúa trong mọi bước đường sướng khổ. Chúa đã dùng ông như khí cụ dẫn đưa Dân riêng ra khỏi Ai-cập để vào miền Đất Hứa. Chương trình cứu độ tiếp tục trải dài suốt dọc lịch sử của Dân Do-thái cả mấy ngàn năm. Đôi khi chúng ta tự hỏi, tại sao Thiên Chúa chuẩn bị chờ đợi một thời gian qúa dài để đón nhận Đấng Cứu Thế xuống trần? Chúng ta không thể nào hiểu thấu ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Thiên Chúa hằng hữu đi vào thời gian và không gian hữu hạn. Thiên Chúa luôn kiên trì chờ đợi sự tiến triển của con người. Tính theo thời gian năm tháng của đời sống con người trần thế thì qúa lâu dài. Đã có biết bao nhiêu dòng dõi nối nghiệp cưu mang sứ vụ đón nhận ơn cứu độ.

Thiên Chúa bước vào tiến trình lịch sử của một dân tộc và đồng hành từng bước cùng với sự u mê, ương ngạnh và dại khờ của con người. Thiên Chúa dõi bước qua mọi trạng huống thăng trầm của lịch sử. Chúng ta biết tâm hồn, tính tình và cõi lòng của con người đổi thay chẳng tốt lành gì. Kinh Thánh đã nêu danh một số vị tiêu biểu được Chúa chọn làm người lãnh đạo như vua Saulê, Đavít, Solômon và các vua kế vị, nhưng được mấy vị tốt lành và trung tín. Thiên Chúa ưu đãi và ban muôn ân phước lộc cho các vị lãnh đạo, nhưng hầu như vị vua nào cũng nhiều lần bị sa ngã phạm tội và rơi vào tham sân si của trần đời. Dân Riêng cũng đã nhiều lần quay lưng phản bội lại với Thiên Chúa để chạy theo tôn thờ các thần dân ngoại. Thiên Chúa luôn tín trung với lời đã hứa. Chúa kiên tâm chờ đợi. Chúa đánh phạt họ, rồi Chúa lại tha.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn dạy các tông đồ về sự kiên trì trong lời cầu nguyện, đừng khi nào chán nản: Chúa Giêsu dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng (Lc 18, 1). Dụ ngôn nói về sự kiên tâm của người đàn bà góa trước quan tòa. Vì bà quấy rầy qúa, nên ông đã xét xử cho bà. Chúa dùng hình ảnh việc hầu tòa để nói về sự cầu nguyện luôn. Chúng ta cần kiên trì trong cầu nguyện. Có nhiều khi điều chúng ta xin hôm nay không được, ngày mai lại đổi sang lời cầu khác. Chúng ta muốn được Chúa đáp lời cho thỏa mãn các nhu cầu ngay lập tức. Đôi khi chính chúng ta cũng không biết mình cần gì hay xin gì cho phải lẽ. Mỗi lần cầu xin chúng ta kể ra một chuỗi dài những ơn cần thiết, nhưng chúng ta lại chẳng thiết tha chờ đợi. Nghĩ rằng cầu xin rồi, Chúa muốn ban hay không cũng chẳng sao. Có thể chúng ta cầu mà chưa được vì cầu xin không đúng cách. Chúng ta dễ chán nản trong lời cầu xin là thế!

Với tâm tình khoan dung nhân hậu, Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện. Không lẽ nào Thiên Chúa không nhận lời chúng ta cầu xin, nếu chúng ta thiết tha kêu cứu đêm ngày: Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? (Lc 18, 7). Đây là chìa khóa của việc cầu nguyện. Hãy tập trung tinh thần cầu nguyện kết hợp mật thiết với Chúa. Vì không phải xin nhiều hay nói nhiều là được nhiều. Chúng ta phải biết cầu xin và biết lắng nghe. Lời cầu cần sinh ích lợi cho phần rỗi của linh hồn của chúng ta. Nhìn lại cuộc đời, Chúa đã ban cho chúng ta nhiều hơn điều chúng ta mong ước cầu xin.

Cầu nguyện cần sự kiên trì. Kiên trì chờ đợi như người mẹ mang thai chờ đợi sinh con. Người mẹ không thể cắt bớt thời gian năm tháng phát triển của thai nhi trong cung lòng. Thời gian là nguồn ân phước để cưu mang và sinh thành. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, thời gian và môi trường chung quanh vẫn cứ trôi. Mọi loài thụ tạo theo tiến trình tự nhiên cứ phát triển. Con người cần có sự kiên nhẫn đợi chờ trong tất cả mọi diễn tiến tự nhiên. Chúng ta không thể cắt bớt thời gian để tìm đạt kết qủa ngay. Người ta nói: Dục tốc bất đạt. Trong vấn đề cầu nguyện cũng thế, cầu xin là trải lòng ra một cách khiêm tốn để nhận biết thân phận yếu hèn, tội lỗi, thiếu thốn và bất xứng, xin Chúa đoái thương và ban ơn phúc.

Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy biết sống lời Chúa để sinh hoa trái trong cuộc sống đạo. Tất cả chân lý mạc khải về Thiên Chúa và vũ trụ con người đã được ghi chép trong Kinh Thánh: Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính (2Tm 3, 16). Lời linh hứng sống động được truyền đạt qua bao đời. Giáo Hội có một kho tàng khôn ngoan vô giá là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được in ghi trong lịch sử cứu độ để giúp con người đạt tới cứu cánh của mình. Chúng ta không phải tìm nơi nguồn nào khác. Thánh Kinh giúp chúng ta tìm ra tận nguồn chân thiện mỹ.

Đừng ngại dùng Lời Chúa để rao giảng, thuyết phục và hướng dẫn. Phaolô đã nhấn mạnh: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn (2Tm 4, 2). Chúng ta không xấu hổ vì rao giảng lời Chúa. Không sợ hãi khi làm chứng nhân cho Chúa. Không hổ thẹn khi trưng dẫn lời Chúa. Chúng ta hãy can đảm đọc, lắng nghe và thực hành lời Chúa trong cuộc sống mỗi ngày.

Lạy Chúa, Chúa rất nhân từ và khoan dung đại lượng. Chúa chẳng bỏ rơi những ai chạy đến với Chúa xin ơn trợ giúp. Xin cho chúng con biết tín trung và bền vững dõi theo bước đường Chúa đã đi.

home Mục lục Lưu trữ