Flag Counter

Tìm hiểu giáo lý

Thống kê truy cập

Đang online: 80

Tổng truy cập: 1358447

THỜI GIAN ĐÃ MÃN, NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ GẦN ĐẾN

THỜI GIAN ĐÃ MÃN, NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ GẦN ĐẾN-  Lm. Phêrô Lê Văn Chính

 

Lời công bố của Chúa Giêsu trong khởi đầu Tin mừng theo Máccô là lời công bố triều đại Nước Thiên Chúa gần đến và hãy sám hối và tin vào Tin mừng. Lời công bố này vẫn được nhìn nhận như là lời công bố trung thực và chính yếu của Chúa Giêsu khi bắt đầu rao giảng Tin mừng. Nước Thiên Chúa là đề tài chính yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu, và đồng thời với việc rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu bắt đầu kêu gọi những môn đệ đầu tiên để huấn luyện họ cách đặc biệt để họ sẽ là những người đón nhận Tin mừng nước Thiên Chúa và tiếp nối công việc rao giảng của người. Giữa lời công bố triều đại Nước Thiên Chúa và việc sám hối để tin vào Tin mừng có liên hệ mật thiết với nhau. Triều đại Nước Thiên Chúa được khai mở với lời rao giảng Tin mừng của con Thiên Chúa nhập thể làm người và mời gọi mọi người sám hối. Đón nhận lời rao giảng Tin mừng  thì cũng bắt đầu thực hành sám hối để đón nhận Nước Thiên Chúa được ban tặng. Ngoài ra bài Tin mừng cũng cho chúng ta thấy hình ảnh những môn đệ đầu tiên đã đi theo Chúa Giêsu và chính họ sẽ trở nên những người đón nhận Tin mừng cách cụ thể và khai mào cho thế hệ những người tín hữu sẽ đón nhận lời rao giảng Tin mừng và tham dự vào Nước Thiên Chúa để rồi họ sẽ là những người tiếp nối thầy của mình để rao giảng về Nước Thiên Chúa cho mọi người.

Nước Thiên Chúa và Tin mừng là những thực tại mới mẽ và cấp bách. Tính mới mẽ và cấp bách của những thực tại này là do bởi phát xuất từ sáng kiến của Thiên Chúa có sức mạnh cứu độ, ban tặng sự sống thần linh cho con người và lôi kéo con người ra khỏi vực thẳm sự chết đang vây bọc họ. Vào thời Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ rao giảng của người, những người do thái quan niệm Nước Thiên Chúa một cách cụ thể và vật chất. Họ quan niệm phần nào như một nước trần gian, trong đó con người có thể hưởng bình an hạnh phúc với những quyền lợi vật chất. Hoặc theo các tiên tri, nước Chúa là lúc mà Thiên Chúa thực thi công bằng, luận phạt những người tội lỗi. Trong khi đó, Chúa Giêsu bắt đầu nhẫn nại rao giảng Nước Chúa, kêu gọi các môn đệ. Người   bắt đầu thực thi việc rao giảng, đi đến với mọi người mọi nơi qua các thành thị và làng mạc, chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỉ để biểu lộ sức mạnh cứu độ của Nước Thiên Chúa, sức mạnh chữa lành và tha thứ của Nước Thiên Chúa, không ồn ào, nhưng âm thầm mạnh mẽ như chút men người đàn bà trộn trong đấu bột, như hạt cải bé nhỏ sẽ trở thành một cây lớn chim trời đến nương náu.

Câu chuyện của bài đọc sách tiên tri Giona cho chúng ta hình ảnh của tính cấp bách của việc sám hối và tin vào lời rao giảng. Dân thành Ninivê tội lỗi nên Chúa sai tiên tri đến rao giảng cho họ. Thành phố này rộng bằng ba ngày đường, tiên tri Giona đến rao giảng còn bốn mươi ngày nữa Ninivê sẽ bị phá hủy. Dân thành nghe lời giảng, họ ăn năn sám hối, từ người lớn đến trẻ nhỏ và Chúa nguôi cơn giận và ngài đổi ý định phạt họ. Câu chuyện khá vắn tắt, được Giáo hội dùng để dẫn vào chủ đề của chúa nhật tuần ba này. Điều ngạc nhiên là dân thành Ninivê tội lỗi đã biết nghe lời rao giảng của Giona, và nhờ đó họ đã được tha thứ. Chúng ta cần ở trong tâm trạng của những người dân thành Ninivê để hiểu tầm vóc của vấn đề. Đây là lúc khẩn trương thực sự, chỉ còn bốn mươi ngày nữa thì Ninivê sẽ bị phá hủy. Hiểu được sự cấp bách của sứ điệp sám hối và tin tưởng vào lời rao giảng của vị tiên tri, người dân thành Ninivê đã có sự sáng suốt tỉnh táo thay đổi đời sống và nhờ đó tồn tại và Chúa đã nguôi cơn giận không phạt họ nữa.

Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng, đó cũng là lúc Gioan tẩy giả bị bắt. Chúa Giêsu đối diện với những nguy hiểm của tình hình chính trị đang diễn ra nhưng người bình tĩnh rao giảng Tin mừng với lời nhắc nhở rất thôi thúc : « thời gian đã mãn, nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng ». Chúng ta đang đối diện với sự khẩn trương của thời gian theo dự định cứu độ của Thiên Chúa. Lời rao giảng của Chúa Giêsu cũng là lời rao giảng hối thúc  đặt con người trước triều đại Nước Thiên Chúa đang đến. Vì Nước này đang đến gần, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng chính mình để đón nhận. Việc chuẩn bị xứng đáng là phải sám hối và Tin vào Tin mừng. Sám hối, đó là việc thay đổi lòng trí và ý chí của con người, có can đảm từ bỏ con người cũ với những đam mê tội lỗi để đi theo Chúa Giêsu. Khi tin vào Tin mừng Chúa Giêsu rao giảng, Lời Chúa sẽ lần hồi huấn luyện, làm cho những người tin trở nên những con người xứng đáng đón nhận Nước Thiên Chúa và Tin mừng cứu độ càng lúc càng hơn.

Để thực hiện cụ thể sứ điệp rao giảng, Chúa Giêsu kêu gọi và tuyển chọn những môn đệ đầu tiên. Khi đi dọc bờ biển Galilêa, Chúa Giêsu thấy hai anh em Simon và Anrê đang thả lưới xuống biển, Người kêu gọi họ và họ đã đi theo người. Sau đó người gặp hai anh em khác là Giacôbê và Gioan đang xếp lưới trong thuyền, người cũng kêu gọi họ, và họ đã bỏ cha và những người làm công lại để đi theo người. Câu chuyện nhấn mạnh lời mời gọi của Chúa Giêsu và thái độ dứt khoát của bốn môn đệ đầu tiên. Chúa Giêsu mời gọi họ theo người và người hứa sẽ thay đổi nghề nghiệp của họ, làm cho họ không chỉ là những người chài lưới cá, nhưng sẽ là những người chài lưới người. Công việc của họ sẽ quan trọng và có giá trị lớn lao hơn nhiều so với công việc đánh cá mà họ đang làm. Phần các môn đệ đầu tiên này, các ông đã lập tức bỏ mọi sự mà theo người. Các ông không chần chờ, không tiếc nuối nghề nghiệp, công việc làm ăn sinh sống, ngay cả lìa bỏ cha già và các bạn đồng nghiệp để lập tức đi theo Chúa.

Thánh Phaolô có cách nhìn thời gian đối chiếu với Lời rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa đã được Chúa Giêsu thực hiện và ban tặng. Khác với những cách nhìn trần thế từ những lối suy tư triết học về thời gian có tính chất bền vững và đều đặn của nó, hết xuân hạ thu đông, rồi lại trở lại với chu kỳ hằng năm và con người cứ an nhàn hưởng thụ cuộc sống với việc mua sắm, dựng vợ lấy chồng. Thánh Phaolô nhìn thời gian đối chiếu với lời loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa, và vì thế, thời gian trở nên khẩn cấp và vắn vỏi, vì Nước Chúa đã đến gần, mọi người phải sẵn sàng trước lời mời gọi lắng nghe Tin mừng của Thiên Chúa. Vì lời mời gọi khẩn thiết này, mọi người phải biết từ bỏ nhịp sống bình thường của mình để hướng nhìn về thực tại mới mẽ của Tin mừng Nước Thiên Chúa : ai có vợ hãy ở như không có vợ, ai vui mừng hãy ở như không vui mừng, ai mua sắm hãy ở như không có gì vì bộ mặt thế gian này đang qua đi. Không phải người tín hữu trở nên bi quan và không muốn xây dựng trần thế với những người khác, nhưng người tín hữu trở nên tỉnh táo hơn và lắng nghe lời mời gọi thúc bách của Thiên Chúa hơn để họ biết sống và hưởng dùng những của cải đời này để phục vụ Nước Chúa nhiều hơn.

Lời Tin mừng đã được vang lên thúc bách, và triều đại Nước Thiên Chúa đang đến gần. Chúng ta nghe vang vọng lời này trong những tuần lễ đầu tiên của mùa thường niên năm phụng vụ và thúc đẩy mỗi người có thái độ đáp trả chân thành cho lời mời gọi của Chúa Giêsu : « thời gian đã mãn, Nước Chúa đã đến gần ». Nước Chúa đã đến gần vì Chúa Giêsu đã hiện diện ở trần gian, vì lời hứa tha thứ và đổi mới của Thiên Chúa mời gọi mỗi người hãy can đảm ra khỏi sự chật hẹp của lòng mình. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ là lời mời gọi dứt khoát thúc bách họ can đảm bỏ lại sau lưng mọi công việc, mọi liên hệ tình cảm gia đình và nghề nghiệp để dấn thân theo Chúa Giêsu để đón nhận Nước Trời và lời loan báo Tin mừng. Đối với phần lớn nhiều người chúng ta, chúng ta không phải từ bỏ gia đình cha mẹ hay nghề nghiệp giống như các tông đồ, nhưng cũng là lời mời gọi rất khẩn thiết biết trung tín theo Chúa Giêsu hằng ngày trong những công việc bé nhỏ và bình thường hằng ngày của mình. Chúng ta bắt đầu chu toàn những công việc hằng ngày của mình và luôn tỉnh thức để thực thi Lời rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu.

 CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN- B

TÔNG ĐỒ CỦA CHÚA– Lm. Joshephus Quang Nguyễn

Tin Mừng hôm nay kể Chúa Giêsu đang đi dọc biển hồ Galilê, thì thấy 4 anh thanh niên có gia đình, có cha mẹ, lại có nghề đánh cá, Chúa Giêsu mời gọi theo các anh hãy theo Ngài, và các anh đã bỏ lại tất cả rồi theo làm tông đồ cho Chúa. Chắc chắn các anh thanh niên này không phải là chủng sinh hay linh mục nhưng các anh chỉ là giáo dân vì họ đã từng quen biết Thầy Giêsu qua việc ông Gioan Tẩy giả đã giới thiệu tuần trước cho nên hôm nay nghe Chúa Giêsu mời gọi các anh kính nể Ngài, sẵn sàng ra đi theo Chúa một cách nhẹ tênh và quyết liệt.

Điều đáng lưu ý rằng điều gì khiến bốn chàng thanh niên này sau khi nghe tiếng Chúa mời gọi, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thân thiết nhất trong đời sống: nghề nghiệp và những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên để chọn Chúa Giêsu, theo Chúa, gắn bó mật thiết với Chúa và làm tông đồ nhiệt thành cho Tin Mừng cứu độ cho đến hết hơi cho đến trọn đời? Thưa, trở lại Tin Mừng Chúa nhật vừa rồi, chúng ta thấy ông Gioan Tẩy Giả thiệu Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa. Đây Đấng xóa tội trần gian, cho đệ tử của mình là Anrê và Gioan. Hai ông này đã đến xem chỗ ở của Chúa và ở lại với Chúa Giêsu, và cũng từ đó các ông đã thấy tình yêu của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đến trần gian phục vụ cho tình yêu cứu độ của Thiên Chúa: rao giảng Nước Trời, chăm sóc người ốm đau bệnh tật, tha thứ cho người tội lỗi, cho kẻ chết sống lại và chính Ngài hy sinh chịu nạn chịu chết và sống lại để cho con người được sống lại với Người muôn đời.

Chúa Giêsu hôm nay vẫn đi ngang qua đời chúng ta mỗi ngày, Ngài thấy ta trước khi ta thấy Ngài. Ngài thấy ta nhưng ta vẫn không hay biết vì ta vẫn mải mê quăng chài hay vá lưới là lo cơm áo gạo tiền, mải mê tính xác thịt hay ta vẫn tất bật với những lo toan chuyện đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi một ước mơ lý tưởng hay chính lúc ta tưởng cuộc sống mình quá ư ổn định, và đời mình đã được định hướng quá rõ ràng rồi, cho nên tiếng gọi của Chúa vang lên, mạnh mẽ, dứt khoát: Hãy theo tôi! Mà tôi không nghe biết. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn chấp nhận trọn vẹn con người của ta, cả những yếu đuối, thờ ơ và tội lỗi cũng được Ngài kêu gọi và sẵn sàng đón nhận.

Mọi người Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu. Ngài không mời ta đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ. Ngài mời ta theo chính con người Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống đời này và đời sau. Theo Ngài là chia sẻ với Ngài cùng một sứ mạng, là thao thức và đồng cam cộng khổ với Ngài trong công việc cứu độ toàn thế giới. Qủa thế, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Chúa mời gọi theo Chúa. Cho nên đời sống Kitô hữu không phải chỉ là tin những điều Chúa dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền để được rỗi linh hồn mình, nhưng người Kitô hữu được kêu gọi theo Chúa, nghĩa là không phải chỉ là người giữ Đạo, đọc kinh, dâng lễ, nhưng phải là những tông đồ cho Chúa nữa: yêu thương, tha thứ, hy sinh và phục vụ mọi người như Chúa. Cho nên, dù ở bậc sống nào, dù ở bất cứ chỗ nào, chúng ta đều làm tông đồ của Chúa, làm tông đồ trước tiên là bằng chính đời sống thánh thiện, hiền lành, khiêm nhường và tốt đẹp của chúng ta. Vì chưng, đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được nếp sống của những người chung quanh, vì chưng ông bà ta “Lời nói lung lây, gương bày lôi kéo”. Vì vậy, đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của người khác, từ không biết Chúa đến nhận biết Chúa, tôn thờ, yêu mến Chúa. Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể làm cho mọi người từ tị hiềm ghen ghét, thù hần, tội lỗi đến yêu thương, xây dựng, đùm bọc, nâng đỡ nhau và thánh thiện.

Cụ thể, trong 117 vị Thánh tử Đạo việt nam, có một vị tông đồ Giáo dân, một bà mẹ Công giáo can đảm phi thường, chẳng thua kém các bậc nam nhi, đó là bà thánh Anê Lê Thị Thành, tục gọi là bà thánh Đê. Năm 17 tuổi, cô Lê Thị Thành kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng làng. Họ sống với nhau hạnh phúc và sinh được sáu người con. Bà Đê là một người con dâu hiếu thảo, một người vợ hiền thục đảm đang và là một người mẹ rất mực yêu thương con cái. Bà nuôi nấng, dạy dỗ con cái lớn khôn, một lòng sống trung thành với Đạo thánh Chúa. Dưới thời Vua Thiệu Trị, cuộc bách hại Đạo ngày càng quyết liệt, Bà đã bị bắt cùng với cha Galy Lý và một số giáo dân khác. Trong thời gian bị giam giữ, lính tráng đánh đập bà tàn nhẫn, toàn thân bà bầm tím máu. Tuy là phận nữ yếu đuối, nhưng bà đã tỏ ra can đảm cách phi thường, không nao núng, vui vẻ chấp nhận những cực hình tra tấn. Khi con gái vào tù thăm mẹ, khóc lóc khi thấy thân thể bà bầm tím máu, áo bê bết loang lổ vết máu, bà hài hước an ủi: “Con đừng khóc mẹ nữa, mẹ mặc áo hoa hồng thắm đỏ, sao con khóc?” Bà coi những vết máu như vòng hoa khoác lên cổ người chiến sĩ thắng trận khải hoàn. Rồi bà nói với cô: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo anh chị em con săn sóc việc nhà, vững tâm giữ đạo, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên đàng”.

Chúng ta đang sống trong năm phụng vụ mà Hội Đồng Giám Mục kêu gọi mọi thành viên trong gia đình hãy sống thăng tiến đời sống hôn nhân gia đình. Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết sống Đạo tốt đẹp, nêu gương sáng cho mọi người, trước tiên cho những người thân yêu trong gia đình bằng đời sống hòa thuận yêu thương nhau, tha thứ, hy sinh và xây dựng hạnh phúc cho nhau trong tình yêu mến Chúa, yêu mến nhau và mọi người chung quanh, đấy mới thật sự là tông đồ đích thực của Chúa, thánh hoá trần thế hôm nay. Amen.

home Mục lục Lưu trữ